Tìm trong trích yếu
Tên sách Ký hiệu
Tác giả Tên người
Tên thần Tên đất
Địa phương Chủ đề
Dẫn luận Lời tựa

TỰA

Việc xuất bản bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) và Học viện Viễn đông bác cổ (Paris) chung nhau biên soạn, không những có tầm quan trọng đối với sự hợp tác thành công giữa hai cơ quan và nhu cầu một số học giả, mà còn có ý nghĩa khoa học quốc tế nằm trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn giữa những nước châu Ấ, nhằm tìm hiểu chính xác hơn một nguồn tư liệu cốt yếu còn chưa được biết rõ về vốn văn hóa chung của toàn vùng. Chương trình này vừa phản ánh chức năng quốc tế của Học viện Viễn đông bác cổ trong việc góp phần xây dựng một "màng lưới học thuật Á Đông", vừa phản ánh tính cách nhân loại của dân tộc Pháp mà Việt Nam vẫn coi trọng.

Trong lời tựa viết cho giới chuyên môn, tôi thấy khỏi phải nhắc lại bài Dẫn luận uyên bác của Giáo sư Trần Nghĩa, trong đó đã trình bày kĩ lưỡng thành tựu biên soạn của nhóm cộng tác viên phía ông, cùng sự tổng kết mới về lịch sử chữ Hán, chữ Nôm và lịch sử thư mục học Hán Nôm, dựa trên những tư liệu mới và kết quả nghiên cúu của ông và các cộng tác viên. Đọc bộ thư mục này, một người không chuyên môn cũng sẽ thấy đây là một công trình đồ sộ mang tính uyên bác, gắn liền với truyền thống lịch sử của giới trí thức Việt Nam từ nhiều thế kỉ qua, và với những cơ quan, tại Việt Nam cũng như tại Pháp, đã và đang chuyên tâm nghiên cứu truyền thống ấy.

Nhưng đâu là ý nghĩa của công việc? Vì sao có thể nói công trình tỉ mỉ này cũng có mặt táo bạo của một tác phẩm mở đường, tạo ra một triển vọng mới và tiến bộ về lịch sử văn hóa?

Đây thật ra là tái thu hồi trên mười thế kỉ di sản văn hóa. Trước khi Việt Nam cũng như Triều Tiên, Nhật Bản tự sáng tạo ra chữ viết của mình, các nước này đều dùng chữ Hán và hiện tượng đó còn kéo dài khá lâu cả sau khi họ đã có văn tự riêng. Các văn kiện chính quy quan trọng cũng như các tác phẩm văn học cổ điển thường được soạn thảo bằng chữ Hán cho mãi đến cuối thế kỉ trước và ngay cả gần đây nữa. Tác phẩm Nhật kí trong tù của cụ Hồ Chí Minh cũng được viết bằng chữ Hán.

Nhưng rồi, bởi nhiều lí do, chữ Hán đã vắng bóng rất nhanh trên các văn kiện chính quy, tiếp đến là trên các văn bản khác và tới Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì hoàn toàn mất hẳn. Dù sao, mười thế kỉ sử dụng chữ Hán đã để lại tại khu vực này một khối lượng tư liệu đáng kể và trở thành một bộ phận của di sản văn hóa ở Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Điều đáng tiếc là tại các nước vừa nêu, mảng tư liệu này ngày một trở nên xa lạ đối với thế hệ trẻ, thậm chí họ không biết là có nữa. Ngay như các chuyên gia nước ngoài về những nền văn hóa ấy cũng thế thôi. Mảng tư liệu chữ Hán trên chưa có chỗ xứng đáng trong địa hạt Việt Nam học, Triều Tiên học, Nhật Bản học, nên ít ai mó đến. Các nhà Hán học cũng bỏ qua, vì cho rằng các tư liệu đó không thuộc phạm vi chuyên môn của mình.

Sự thực thì mảng tư liệu này rất liên quan tới ngành Hán Nomc cũng như nhiều ngành nghiên cứu về các nước nói trên. Hơn thế, nó còn giúp ta vượt khỏi phạm vi chật hẹp của mọt ngành để đi tới một nền văn hóa chung được nuôi dưỡng bới các nền văn hóa riêng, đồng thời làm cho các nền văn hóa riêng xích lại gần nhau. Nên chăng có thể nói đến một vùng "văn hóa Hán"? Muốn nắm bắt được những nét phổ quát và đặc thù của nền văn hóa, cần song song tiến hành nghiên cứu cá biệt và nghiên cứu tổng hợp. Đây là một kế hoạch lớn mà trước hết là biên soạn các bộ mục lục, thư mục tổng quát về những tư liệu hiện có. Tất nhiên chỉ có thể xem đây như công việc buổi đầu.

Bộ thư mục giới thiệu phần lớn sách Hán Nôm hiện tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội và một phần các phông Hán Nôm tại Pháp, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông bác cổ hợp tác biên soạn, nay đã hoàn thành. Với bộ thư mục ra mắt bạn đọc lần này, 80% tư liệu Hán Nôm được công bố và đây cũng là phần tư liệu quan trọng nhất.

Tuy vậy, vẫn cần phải bổ sung. Phía Việt Nam sẽ tiếp tục soạn thư mục sách Hán Nôm hiện còn lưu giữ tại các kho khác trong nước. Phía Pháp đã soạn xong thư mục các phông Hán Nôm tại Pháp và tại Leiden (Hà Lan). Sắp tới sẽ hợp tác để soạn thư mục các phông Hán Nôm tại Anh, Mĩ, Nhật, Trung Quốc v.v. Khi mọi việc xong xuôi, hi vọng sẽ có được một tổng thư mục sách Hán Nôm trên toàn cầu.

Như trên đã nói, kiểm kê tư liệu chỉ là bước đầu tiên. Cần tiến tới công bố tư liêu. Trong kho tàng phong phú về tiểu thuyết cổ Việt Nam viết bằng chữ Hán mà phần lớn thuộc loại tác giả khuyết danh và sách chưa từng được in ra, ta bắt gặp nhiều tác phẩm đặc sắc của những tác giả không phải người Trung Quốc. Học viện Viễn đông bác cổ đã thực hiện một sáng kiến của ông Trần Khánh Hạo, đưa in 7 tập sách gồm 17 tác phẩm thuộc loại này trong đợt I của Tùng thư tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Sách in ra tưởng chẳng ai màng, vậy mà lại được nhiều người hâm mộ và nhận được một giải thưởng văn chương ở Đài Bắc năm 1877. Nhà xuát bản còn định in tiếp tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản và Triều Tiên.

Học viện Viễn đông bác cổ và Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang hợp tác cùng nhau để công bố đợt II của Tùng thư, trên cơ sở tư liệu do các bên tập hợp. Ngoài ra, cũng nghĩ tới việc tuyển chọn và công bố, dưới nhiều hình thức khác nhau, các văn bản Hán Nôm Việt Nam thuộc các lĩnh vực sử học, triết học, khoa học v.v.

Riêng phía Học viện Viễn đông bác cổ sẽ thực hiện một cuốn Từ điển Nôm - Hán khoảng 10000 chữ. Dựa vào một cuốn từ điển như vậy, một nhà Hán học biết ít nhiều ngữ pháp tiếng Việt sẽ có thể giải mã các tài liệu Nôm và hiện nay trên thế giới chưa có một sách công cụ nào thuộc loại này.

Vậy là việc hợp tác khởi xướng giữa Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông bác cổ nay đã mang tầm cỡ quốc tế rộng lớn. Giới khoa học đã quan tâm tới ý nghĩa công trình của chúng ta; những cuộc hội thảo ở Tokyo tháng 9 năm 1986, ở Đài Bắc tháng 12 năm 1987 và ở Séoul tháng 12 năm 1988 cũng đã làm nổi bật giá trị các tư liệu và gợi lên những hướng cộng tác mới. Chúng tôi vui mừng chào đón sự ra đời của bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, xem như là đặt sự hợp tác song phương vào một hoạt động mang tính quốc tế rộng hơn; và vui mừng chứng minh rằng một khoa học nghiêm túc, khắc khổ như khoa thư mục học đã sản sinh ra một công trình như thế này, vẫn có thể mở ra triển vọng rộng hơn cho những nghiên cứu mới về nhân văn, sử học.

Xin cảm ơn các cộng tác viên phía Việt Nam đã nồng nhiệt tiếp đón chúng tôi và vui mừng thấy các bạn đã hoàn thành công việc biên soạn qua bao nhiêu gian nan đối khi đến khó hiểu. Sự phối hợp giữa Học viện Viễn đông bác cổ và Hội Chấu Á 1067 của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp đã tạo thuận lợi cho việc bắt tay vào thực hiện dự án. Tôi cũng xin cảm ơn các công tác viên phía Pháp: cụ Hoàng Xuân Hãn uyên bác và trung hậu; ông Tạ Trọng Hiệp tỉ mỉ; ông Trương Đình Hòe thạo nhiều môn; và cũng không quên ông Trần Khánh Hạo năng nổ, với nụ cười cởi mở; bà Anne Sophie Dubois, người xem lại lần chót toàn bộ phần tiếng Pháp trong bộ thư mục; cùng vai trò thúc đẩy, phối hợp không mệt mỏi của bà Christiane Rageau mà Thư viện Quốc gia Pháp vừa phát hành cuốn thư mục sách chữ Quốc ngữ của bà.

Giáo sư François Gros

Giám đốc Học viện Viễn đông bác cổ Pháp

(Tạ Trọng Hiệp dịch)

(Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, Tập I, tr.11-14)

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM - VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 84 24. 38573194 - Fax: 84 24 38570940
Email:vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: PGS.TS.Nguyễn Tuấn Cường
Lượt truy cập: