 |

TÀI TỬ THƯ Ở VIỆT NAM
NGUYỄN NAM
Trên Tạp chí Văn học số 2/1998, trong bài khẳng định "Không có 'Bản kinh' Truyện Kiều do vua Tự Đức đưa in", ông Đào Thái Tôn có nhắc lời cụ Lê Thước, thuật việc lưu hành bộ sách Thập bát tài tử (trong đó có Kim Vân Kiều truyện) ở Huế trước năm 1945 (tr.28, chú thích 7).
Sưu tầm có kết quả 18 bộ tài tử vừa nêu chắc chắn sẽ là một đóng góp ý nghĩa cho việc nghiên cứu tiến trình phát triển của tài tử thư ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhận diện được 18 bộ sách nọ cũng sẽ chỉ ra được tiêu chuẩn bình giá, xếp loại tiểu thuyết tài tử. Trong khi chờ đợi phát hiện quan trọng này, chúng tôi thử điểm qua khái niệm tài tử thư trong văn chương Trung Hoa, đồng thời dựa vào các tài liệu thành văn ở Việt Nam, sơ bộ khảo sát nội dung của tài tử thư được thừa nhận ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Kim Thánh Thán và Lục tài tử thư
Tài tử 才子 nguyên là từ để chỉ người kiêm gồm đức tài, như Tả truyện 左 傳 (Văn, năm thứ 18 文 , 十 八 年) viết: "Xưa họ Cao Dương có 8 người tài tử" (Tích Cao Dương thị hữu tài tử bát nhân 昔 高 陽 氏 有 才 子 人). Tuy nhiên, khi Phan Nhạc 潘 岳 đời Tấn viết Tây chinh phú 西 征 賦: "Giả Sinh1 - tài tử đất Lạc Dương" (Giả Sinh Lạc Dương chi tài tử 賈 生 洛 陽 之 才 子), tài tử đã hàm nghĩa "người tài hoa".
Căn cứ chủ yếu vào tính tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, Kim Thánh Thán 金 聖 嘆 (1608 - 1661) là người đầu tiên đề xuất khái niệm tài tử thư 才 子 書. Cả ba bộ sách luận bình văn chương của ông đều nhằm phân tích, bình giá các tác phẩm xuất chúng: Tất độc tài tử thư 必 讀 才 子 書2, Đường tài tử thư 唐 才 子 書3 và Quán hoa đường tài tử thư 貫 華 唐 才 子 書4. Khái niệm lục tài tử thư 六 才 子 書 là do Kim đề xuất. Mở đầu bài tựa cho Tam quốc diễn nghĩa 三 國 演 義, Kim Thánh Thán viết: "Ta từng thu tập tài tử thư gồm sáu bộ, hạng mục như sau: sách Trang, thiên Tao, Sử ký của Mã, luật thi họ Đỗ, Thủy hử và Tây sương 5. Đó chính là sáu bộ sách thuộc các lĩnh vực thi văn, lịch sử, triết học được xếp theo trình tự thời gian: Trang Tử² 莊 子, Ly tao 離 騷 , Sử ký 史 記 của Tư Mã Thiên 司 馬 遷 (145 -74 (?) TCN), thơ Đỗ Phủ 杜 甫(712 -770), Thủy hử truyện 水 滸 傳 và Tây sương ký 西 廂 記. Trên thực tế, danh sách lục tài tử thư của Thánh Thán chính là sự kế thừa và bổ sung cho nhóm bốn kiệt tác đã được Vương Thế Trinh 王 世 貞 (1526 - 1590) tán dương là tứ đại kỳ thư 四 大 奇 書: Sử ký, Trang Tử, Thủy hử truyện và Tây sương ký 6.
Từ lục tài tử thư đến thập tài tử thư
Số lượng sáu bộ tài tử thư dần thay đổi với thời gian, và cùng với sự tăng thêm về số lượng, nội hàm của tài tử thư cũng biến đổi. Ngay khi đề cập đến sáu bộ tài tử thư trong bài tựa cho Tam quốc diễn nghĩa, Kim Thánh Thán đã có ý xếp sách này vào đầu danh sách. Ở đầu bài tựa, ông cho rằng sáu bộ sách trên dẫu đã là tuyệt tác, nhưng so lại, không quyển nào kỳ diệu hơn Tam quốc diễn nghĩa 7. Đến cuối bài Kim kết luận: "Về sau này mới rõ ra bậc nhất trong mục thứ tài tử thư, quả là ở nơi bộ Tam quốc này8. Cùng ở cuối bài giảng luận về phép đọc Tam quốc diễn nghĩa, Mao Tông Cương 毛 宗 崗 (thế kỷ XVII) kết luận theo cùng một ý với Kim: "Trong danh mục gọi là tài tử thư của tôi, Tam quốc diễn nghĩa nên được xếp vào hạng nhất"9. Nhận định này đưa Trang Tử ra ngoài danh sách tài tử thư, và thay vào đó bộ tiểu thuyết chương hồi lịch sử đầu tiên của Trung Hoa.
Một biến đổi quan trọng khác là việc tăng bổ tiểu thuyết tài tử, giai nhân vào danh sách tài tử thư. Tài tử, giai nhân sớm xuất hiện trong tiểu thuyết văn ngôn đời Đường, như trong Hội chân ký 會 真 記 của Nguyên Vi Chi 元 微 之10. Đề tài tình yêu giữa trai tài, gái sắc tiếp tục được khai thác không chỉ trong tiểu thuyết, mà còn trong các hình thức diễn xướng, như trong thoại bản, chư cung điệu, và đàn từ. Chính điểm này sẽ giải thích cho tình hình phức tạp của các danh sách tài tử thư giới thiệu ở đây.
Khái niệm "tiểu thuyết tài tử, giai nhân" nay thường dùng để chỉ tiểu thuyết chương hồi trung thiên, viết bằng bạch thoại, thịnh hành vào cuối Minh - đầu Thanh, chuyên miêu thuật ái tình - hôn nhân giữa nam thanh, nữ tú11. Tư liệu sớm nhất hiện còn, liên quan đến việc định danh loại tiểu thuyết này là ghi chép của Lưu Diên Cơ 劉 延 璣 (đời Thanh - Khang Hy) trong tác phẩm Tại viên tạp chí 在園雜志: "Các loại tiểu thuyết gần đây như Bình Sơn Lãnh Yến 平 山 冷 燕, Tình mộng thác 情 夢 柝, Phong lưu phối 風 流 配, Xuân liễu oanh 春 柳 鶯, Ngọc Kiều Lê 玉 嬌 梨 đều là tài tử - giai nhân, mộ tài - mộ sắc... "12.
Hảo cầu truyện, Ngọc Kiều Lê, và Bình Sơn Lãnh Yến được đưa vào danh sách lục tài tử thư, thay thế cho Ly tao, Sử ký, và thơ Đỗ Phủ, thành danh đệ nhị, đệ tam, và đệ tứ tài tử thư. Đáng chú ý là đến đây, khái niệm tài tử không còn được vận vào tác giả: tiểu thuyết tài tử - giai nhân tham gia vào danh sách, và tài tử trong thuật ngữ tài tử thư là để chỉ các nhân vật chính, tài sắc, mỹ mạo trong tác phẩm13. Do số lượng của những nhân vật này mà các truyện trên được xếp theo thứ tự 2, 3 và 4. Hảo cầu truyện còn gọi là Hiệp nghĩa - Phong nguyệt truyện 俠 義 風 月 傳, phụ đề "Lưỡng tài tử thư 兩 才 子 書, tập trung vào hai nhân vật chính Thiết Trung Ngọc 鐵 中 玉 và Thủy Băng Tâm 水 冰 心 14. Ngọc Kiều Lê và Bình Sơn Lãnh Yến là hai trong số mười sáu tác phẩm liên quan đến Thiên Hoa Tàng chủ nhân 天 華 藏 主 人 15. Ngọc Kiều Lê là tên gọi tắt của hai nhân vật tài nữ chính trong truyện: Bạch Hồng Ngọc 白 紅 玉 (từng cải danh thành Vô Kiều 無 嬌) và Lư Mộng Lê 盧 夢 梨 cùng thành hôn với tài tử thư sinh Tô Hữu Bạch 蘇 友 白. Theo cùng một cách, Bình Sơn Lãnh Yến hợp tập tên của bốn nhân vật tài tử trong truyện - Bình Như Hành 平 如 衡, Sơn Đại 山 黛, Lãnh Giáng Tuyết 冷 絳 雪 và Yến Bạch Hạm 宴 白 頷 - thành tên sách. Thiên Hoa Tàng chủ nhân cho in chung hai truyện này, gọi là Thiên Hoa Tàng hợp khắc thất tài tử thư 16.
Hai bộ tài tử thư thứ năm và thứ sáu (Thủy hử truyện và Tây sương ký) trong danh sách của Kim Thánh Thán được bảo lưu: vị trí bổ sung thứ bảy, trên thực tế, được dành cho một vở truyền kỳ. Trong khi phê bình Tỳ bà ký 琵 琶 記 của Cao Minh 高 明 (thế kỷ XIV), Mao Luân 毛 綸, cha của Mao Tông Cương, cho rằng vở Nam hý này phải được xếp nối theo với Tây sương ký, xứng đáng là đệ thất tài tử thư17. Sau khi tăng bổ Tỳ bà ký, danh sách bảy bộ tài tử thư trở nên tương đối cố định. Duyệt qua danh sách này, có thể thấy tài tử thư gồm cả tiểu thuyết lẫn hý kịch. Các bổ sung về sau buộc phải xếp từ hàng thứ 8 trở đi.
Sau Tỳ bà ký, ba tác phẩm Bạch khuê chí 白 圭 志, Trảm quỷ truyện 斬 鬼 傳 và Trụ xuân viên tiểu sử 駐 春 緣 小 史 được xếp vào hàng thứ 8, 9 và 10 trong tài tử thư18.
Tình Xuyên Cư 情 川 居 士 viết tựa cho Bạch khuê chí, kể lại rằng "Mùa hè năm Mậu Ngọ, ông Thôi ở Bác Lăng mang đến một bộ sách, tựa đề Bạch khuê chí, nhờ ta viết lời tựa", Tình Xuyên bình giá: "Nay sách của ông bàn chuyện thực hư, đều có thể lấy làm cái cho hậu thế noi theo. Thế nên để rõ nghĩa sách, ta viết lời bình luận, xếp vào hàng thứ tám trong tài tử thư, giao lại ông để khắc in"19.
Bài Nguyên tự đề năm Canh Tý đời Khang Hy (1720) viết cho Đệ cửu tài tử thư Trảm quỷ truyện mở đầu với đoạn đối thoại sau:
Khách hỏi ta rằng: "Đệ cửu tài tử thư vì cớ gì mà viết ?"
Ta bảo: "Dựa theo truyền kỳ mà viết"20.
Việc bài tựa viết cho Trảm quỷ truyện tự gọi tác phẩm này là đệ cửu tài tử thư cho thấy việc phân thứ hạng này là nối theo một bộ tài tử thư thứ 8 nào đấy đã được xác lập. Khác với những tác phẩm trong bảy bộ tài tử thư có trước, hai trường hợp vừa nêu cho thấy sách không còn đợi quá lâu để được định vị, mà được bình giá ngay bởi người cận hay đồng thời với tác giả. Khi những việc phong tặng này đã được công nhận rộng rãi, tác phẩm được bổ sung tiếp theo sau tất phải ở hàng thứ 1021. Danh sách 10 bộ tài tử thư được thành lập vào giai đoạn III của tiểu thuyết tài tử - giai nhân , ở khoảng cuối thế kỷ XVIII 22.
Danh sách thập tài tử thư nêu trên dường như không phải là duy nhất. Nhân liệt kê những xướng bản lưu hành ở Quảng Đông, hiện còn bảo tồn ở Sở nghiên cứu Ngữ ngôn - lịch sử thuộc Đại học Trung Sơn, Lâu Tử Khuông 婁 子 匡 có nhắc đến Đệ ngũ tài tử Ngọc trâm ký 玉 簪 記, Đệ bát tài tử Hoa tiên ký 花 箋 記, Đệ thập tài tử Kim tỏa uyên ương 金 鎖 鴛 鴦, và Đệ thập nhất tài tử Nhạn hấp môi 雁 翕 媒23. Các bộ tài tử được đề cập trong danh sách này đều thuộc trường thiên mộc ngư thư 長 天 木 魚 書 (cũng gọi là nam âm 南 音, hay đàn từ 彈 詞), một loại văn bản diễn xướng với âm nhạc24. Theo Lĩnh Nam tục văn học giản sử 嶺 南 俗 文 學 簡 史 còn có thể bổ sung thêm Đệ cửu tài tử thư Nhị hà hoa sử 二 荷 花 史 vào danh mục trên25. Chưa rõ bốn bộ tài tử thư đầu thuộc loại trường thiên mộc ngư thư là những bộ nào, nhưng rõ ràng đây là một hệ thống khác với tài tử thư ở phần trước bao gồm tiểu thuyết và hý kịch. Số lượng tiểu thuyết của trường thiên mộc ngư thư đã vượt quá 10, nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Năm Giáp Ngọ đời Thanh Quang Tự 光 緒 (1894), bộ Hà điển 何典 do Quá Lộ Nhân 過 路 人 biên định được in lại ở Thượng Hải dưới nhan đề Thập nhất tài tử thư quỷ thoại liên biên lục 十 一 才 左 書 鬼 話 連 編 錄 26.
Dùng Hán thi để tập Kiều: các nguồn văn liệu
Tập Kiều bằng Hán thi là một hiện tượng xảy ra đã lâu, nhưng gần đây lại ít nhiều thu hút sự quan tâm của học giới trong nước. Năm 1996 trong bài viết trên Tạp chí Hán Nôm, Thế Anh có nói đến một bản tập Kiều theo lối này của Phan Mạnh Danh27. Năm sau, Nguyễn Tiến Đoàn lại giới thiệu bản "Tập Kiều" bằng thơ Hán cổ sưu tập được ở Thái Bình28. Năm 1998, Đào Thái Tôn cũng nhắc thêm là "ở Thái Bình hiện nay, có một bản tập Kiều mà mỗi câu chữ Hán đều có ghi xuất xứ nguồn thư tịch"29. Ở đây chúng tôi giới thiệu bản tập Kiều của Phan Mạnh Danh, đồng thời so sánh bản này với những dữ liệu do Nguyễn Tiến Đoàn cung cấp trong bài viết năm 1997, nhằm chỉ ra một số nét tiêu biểu của việc tập Kiều bằng Hán thi, đặc biệt là trình hiện nguồn văn liệu được sử dụng trong các bản tập Kiều này.
Phan Mạnh Danh là một trí thức, văn nhân đa tài ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX 30. Trong bài tiểu sử của Phan Mạnh Danh do Tử Tấn Đào Sỹ Nhã soạn năm 1943 có đoạn:
Năm 31 tuổi (1896), Tiên sinh (Phan Mạnh Danh) nghĩ ra lối Kiều - tập thơ - cổ theo điệu thơ - thổng của đào nương. Sau hơn 4 năm mài miệt, Tiên sinh đã làm ra được một tập hơn 60 bài liên cú và hơn 300 bài cách cú, nhan đề là Bút-hoa thi-thảo31.
Tập Bút hoa bao gồm hai lối tập thơ liên quan đến Kiều:
(1) Kiều tập thơ cổ (biên soạn 1896 - 1900, tăng bổ 1900 - 1941): Phần này lại chia làm hai bộ phận, một soạn theo "lối thơ thổng ả đào" và một theo "lối thơ thổng mới"32.
(2) Thơ cổ tập Kiều (cuối năm 1941): Thơ được tập theo "lối thơ thổng ả đào"33.
Cả hai lối tập thơ này đều sử dụng Hán thi như nguồn văn liệu, do vậy nêu rõ xuất xứ của văn liệu trở thành một nguyên tắc bắt buộc: "Bài thơ cổ nào, của thi sĩ nào, và trích ở sách nào, đều có chua rõ"34. Nguyên tắc này cũng đã được bản tập Kiều của Lễ bộ thị lang Nguyễn Tú do Nguyễn Tiến Đoàn giới thiệu (nay gọi tắt là "bản NT") tuân thủ triệt để35.
Một so sánh sơ bộ các dữ liệu từ bản NT và bản Bút hoa cho thấy:
(1) Không chỉ tự giới hạn trong phạm vi Hán thi Trung Hoa, cả hai bản đều sử dụng luật thi của thi nhân trong nước. Hai bản NT và Bút hoa dùng chung một câu trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, "Thiếp ý, quân tâm thùy đoản trường" để tập câu Kiều: "Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than" 36. Ngoài trường hợp này, Bút hoa còn dùng thêm hai câu của Chinh phụ ngâm để tập Kiều37:
- Chinh phụ ngâm: Mộng khứ phản tăng chân cánh nhạn 夢 去 反 憎 真 更 鴈
Kiều: Dạy rằng "Mộng triệu có đâu ?"
- Chinh phụ ngâm : Ngữ phục ngữ hề chấp quân thủ 語 復 語 兮 執 君 手
Kiều: Cầm tay dài ngắn thở than.
Đáng chú ý là Bút hoa (và bản NT ?) dùng cả thơ của Hồ Tông Thốc chép trong Truyền kỳ mạn lục để tập Kiều38.
Hồ Tông Thốc, Đề Hạng vương từ: Kinh doanh ngũ tải thành hà sự ? 經 營 五 載 成 何 事
Kiều: Năm năm giời bể ngang tàng39.
(2) Nhìn chung, bản NT và Bút hoa thường tập thơ giống nhau. Để tập hai câu Kiều "Trướng tô giáp mặt hoa đào - Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa" cả bản NT lẫn Bút hoa đều dùng chung hai câu thơ trích từ Tình sử 40; tương tự, để tập 4 câu Kiều "Ngày xuân con én đưa thoi - Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi - Cỏ non xanh rợn chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa", bản NT và Bút hoa đều dùng cùng các câu thơ trích ra từ Tống thi, Đường biệt tài, và Thi lâm41.
3) Điểm qua các nguồn văn liệu của bản NT và Bút hoa , có thể thấy ngay được sự dị biệt: bản NT sử dụng một số tác phẩm không thấy trong Bút hoa, ví như Bình quỷ, Hiếu thuật, Tùy lệnh; ngược lại, cũng có những tác phẩm không có mặt trong bản NT, nhưng lại hiện diện ở Bút hoa, ví như (Tiết Nhân Quý) Chinh đông, Chinh tây, Tân liêu trai.
(4) Dẫu không hoàn toàn đồng nhất, về đại thể, nguồn văn liệu của bản NT và Bút hoa khá giống nhau. Truyện Kiều là một bộ tiểu thuyết bằng thơ, do vậy ngoài việc sử dụng các thi liệu từ các tập Thi lâm, Đường biệt tài, Tống thi, Minh biệt tài, Thanh biệt tài, tiểu thuyết là một nguồn tư liệu quan trọng. Tần số xuất hiện cao của hai bộ Thi lâm (116) và Tình sử (102) trong Bút hoa chứng thực cho nhận định này42. Tiểu thuyết thường "có thơ làm chứng" (hữu thi vi chứng) cho các tâm trạng, tình tiết cụ thể, hoặc dùng thơ để "mở đầu - khái quát" hay "kết thúc - tổng kết" cho từng chương, là một nguồn tư liệu tiện dụng trong việc tập truyện thơ Kiều43.
(5) Trong cả hai bản NT và Bút hoa đều có sự hiện diện của một loạt các bộ sách tài tử. Đáng lưu ý là ở cả hai bản tập Kiều khảo sát ở đây, thập tài tử là điểm dừng chung cục.
Nhân diện sách tài tử trong Bút hoa
Bút hoa có Nhị, Tam, Thất, Bát, Cửu, và Thập tài tử. Căn cứ vào nội dung và hình thức các câu thơ lẩy ra từ các bộ này, chúng tôi không dùng lục tài tử thư của Kim Thánh Thán, mà dùng danh sách 10 bộ tài tử thư bao gồm tiểu thuyết và hý kịch (có tham khảo thêm các bộ tài tử thư - đàn từ) để truy nguyên. Kết quả hiện có như sau:
- Tam tài tử chính là Ngọc Kiều Lê . Để tập câu Kiều "Hóa nhi thật khéo nỡ lòng", Bút hoa dùng câu "Tạo hóa tiểu nhi thái vô nạ i 造 化 小 兒 太 無 奈 "lẩy ra từ bài tứ tuyệt cuối chương 17; hay câu "Bất hứa nhân gian hữu bất bằng 不 許 人 間 有 不 平" để tập câu Kiều "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha" là từ bài Trì hoành đồ 持 衡 圖 hồi 13 trong bộ tiểu thuyết44. Bút hoa đều gọi bộ tiểu thuyết này bằng hai tên: Ngọc Kiều Lê và Tam tài tử45. Sự hiện diện của Tam tài tử cho phép nghĩ đến sự tồn tại của đệ tứ tài tử - Bình Sơn Lãnh Yến.
- Bát tài tử chính là Hoa tiên ký. Có thể kể ra một vài ví dụ để khẳng định: các câu Kiều "Đã nguyền hai chữ đồng tâm", "Nước trôi, hoa rụng đã yên" và "Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay" được tập với "Bách niên duy nguyện thủ đồng tâm 百 年 惟 願 守 同 心", "Lạc hoa lưu thủy dã đồ nhiên 落 花 流 水 也 徒 然 ", "Bách niên sự tại kim tiêu định 百 年 事 在 今 宵 定" trong các hồi Thệ biểu chân tình 誓 表 真 情, Ngộ tỳ trần tình 遇 婢 陳 情46. Bút hoa gọi bộ đàn từ này bằng hai tên: Hoa tiên và Bát tài tử47. Việc truyền nhập của đàn từ vào Việt Nam và ảnh hưởng của nó đối với truyện Nôm là những vấn đề đáng lưu tâm. Ngoài Hoa tiên ký được Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) diễn Nôm thành Hoa tiên truyện, Phan Trần truyện ở ta cũng đã là dựa vào đệ ngũ tài tử thư đàn từ Ngọc trâm ký mà sáng tác48. Bút sinh hoa 筆 生 花 được cả bản NT và Bút hoa sử dụng chính là một bộ đàn từ của Khâu Tâm Như 邱 心 如 ở Hoài Âm49.
- Thập tài tử chính là Trụ xuân viên tiểu sử. Chẳng hạn các câu "Minh tồn ninh luận tử hòa sinh 盟 存 寧 論 死 和 生" (Khai tông minh nghĩa 開 宗 明 義), "Nghĩ trục hành vân vô định chỉ 擬 逐 行 雲 無 定 止" (hồi 4), "Tâm sự nhất xoang thôn dục thổ 心 事 一 腔 吞 欲 吐” (hồi 10) được dùng để tập với các câu Kiề sau: "Cũng toan sống thác với tình cho xong", "Phải điều ăn xổi ở thì" và "Nỗi riêng riêng những bàn hoàn"50. Cũng như hai trường hợp trước, Bút hoa gọi bộ tiểu thuyết này bằng hai tên: Trụ xuân và Thập tài tử 51.
Nếu như trong bước đầu tiếp xúc với nguồn văn liệu dùng trong Bút hoa, hiện tượng gọi một bộ tiểu thuyết bằng hai tên như vừa trình bày khiến người đọc do dự, không thể khẳng định những bộ tài tử được dùng để chỉ những sách nào, nay nhờ vào các cứ liệu hiện có, có thể quay lại nối kết Hảo cầu với Nhị tài tử 52, Tỳ bà ký với Thất tài tử 53.
Đến đây đã có thể tạm kết luận về 10 bộ sách tài tử được nhắc đến trong Bút hoa (và trong bản NT) như sau: (1) [Tam quốc diễn nghĩa], (2) Hảo cầu truyện (?), (3) Ngọc Kiều Lê, (4) [Bình Sơn Lãnh Yến]54, (5) Thủy hử56, (6) Tây sương56, (7) Tỳ bà ký (?), (8) Hoa tiên ký, (9) Trảm quỷ truyện / Nhị hà hoa (?), (10) Trụ xuân viên tiểu sử.
Tiểu kết
Tài tử thư là khái niệm không cố định, thường thu hẹp hoặc mở rộng nội hàm và khá phức tạp do nó luôn có xu hướng tiếp nhận thêm nhân tố mới. Trong quá trình phát triển của nó, càng về sau tài tử thư càng nặng về tiểu thuyết tài tử, giai nhân. Khi được du nhập vào Việt Nam, Thập tài tử thư là sự hòa phối giữa danh sách tài tử thư tiểu thuyết - hý kịch với tài tử thư đàn từ. Hiện chưa rõ thập bát tài t lưu hành ở nước ta là những sách nào, nhưng có thể nói rằng trong 10 bộ tài tử thư ở Bút hoa (và bản NT) không có Kim Vân Kiều truyện. Những kết quả khảo sát ở trên củng cố cho nhận định này.
CHÚ THÍCH
1. Giả Sinh: tức Giả Nghị 賈 誼 (thế kỷ II TCN), nhà thơ và tác giả sách Tân thư 新 書.
2. Ở bài "Độc đệ lục tài tử thư Tây sương ký pháp 讀 第 六 才 子 書《 西 廂 記》法” (phép đọc bộ tài tử thư thứ sáu - Tây sương ký), Thánh Thán viết: "Tôi vì các con và các cháu, muốn cho chúng biết viết văn, có nhặt ở trong Tả truyện, Chiến quốc sách, Trang Tử, Ly tao, Công cốc, Sử ký, Hán thư cùng các văn của Hàn, Liễu, Tam Tô, tất cả hơn một trăm bài, đề là Tài tử tất độc thư, vẫn muốn đem in, nhưng chẳng may gặp loạn, nhà nghèo không đủ tiền" (Vương Thực Phủ, Mái tây (Tây sương ký), bản dịch của Nhượng Tống, in lần thứ ba, Tân Việt, (năm ?), tr.365).
3. Đường tài tử thư còn gọi là Đường thi chú thích 唐 詩 註 釋
4. Quán hoa đường là thư viện riêng của một người bạn của Kim Thánh Thán. Do Kim Thánh Thán phát hiện một cổ bản truyện Thủy hử tại thư viện này và gọi đó là Quán hoa đường nguyên bản Thủy hử truyện 貫 華 堂 原 本 水 滸 傳; do vậy, người đời sau lầm tưởng Quán hoa đường là thư viện riêng của Kim. Xem John Ching-yu Wang, Chin Sheng-tan, TWAS 230, New York, 1972, tr.132, chú 30. Quán hoa đường tài tử thư bao gồm các tác phẩm: Đỗ thi giải 杜 詩 解 , Trầm ngâm lâu bị Đỗ thi 沉 吟 樓 備 杜 詩 , Tả truyện thích 左 傳 釋 , Cổ thi nhị thập thủ giải 古 詩 二 十 首 解, Thích tiểu nhĩ 釋 小 爾, Mạnh Tử thích 孟 子 釋 , Thông tông dịch luận 通 宗 易 論, Ngữ lục nội toản 語 錄 內 纂, Thánh nhân thiên án 聖 人 千 案 và Phê Âu Dương Vĩnh Thúc từ 批 甌 陽 永 叔 詞. Xem Quách Xương Hạc 郭 昌 鶴 , "Tài tử, giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu 才 子 佳 人 小 說 研 究" (phần thượng), Văn học quý khan , số 1/1934, tr. 194.
5. Trung Quốc lịch đại tiểu thuyết tự bạt tập 中 國 歷 代 小 說 序 跋 集, 3 tập, Đinh Tích Căn 丁 錫 根 biên trứ, Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1996, tập trung, tr.897.
6. Trong bài tựa cho Tam quốc diễn nghĩa 三 國 演 義 đề năm 1679, Lý Ngư 李 渔 (1611 - 1680) đề cập đến hai danh sách tứ đại kỳ thư: một của Vương Thế Trinh và một của Phùng Mộng Long (1574 - 1646). Bốn bộ kiệt tác trong danh sách của Phùng là Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du ký 西 遊 記 và Kim Bình Mai 金 瓶 梅. Xem Rolston, David (biên tập), How to Read the Chinese Novel (cách đọc tiểu thuyết Trung Quốc), Princeton Uviversity Press, New Jersey, 1990, tr. 84, chú thích 14.
7. Trung Quốc lịch đại tiểu thuyết tự bạt tập, sđd, tr. 897
8. Trung Quốc lịch đại tiểu thuyết tự bạt tập, sđd, tr. 899
9. Nguyên văn Hán văn: "Ngô vị tài tử thư chi mục, nghi dĩ Tam quốc diễn nghĩa vi đệ nhất 吾 謂 才 子 書 之 目 ,宜 以 《 三 國 演 義》 為 第 一 " Xem Mao Tông Cương, "Độc Tam quốc chí pháp 讀 《三 國 志》法 trong Trung Quốc lịch đại tiểu thuyết tự bạt tập, sđd, tr.933.
10. Hội chân ký (hay còn gọi là Oanh Oanh truyện 鶯 鶯 傳) của Nguyên Chẩn 元 稹 (799 - 831) thuật chuyện tình của Trương Sinh 張 生 và Thôi Oanh Oanh 崔 鶯 鶯 . Dựa theo truyện này, Vương Thực Phủ 王 寔 甫 đời Nguyên viết vở Tây sương ký, được Kim Thánh Thán xếp vào hàng thứ sáu trong tài tử thư.
11. Xem Lâm Chấn 林 振, Minh mạt - Thanh sơ tiểu thuyết thuật lụ c 明 末 清 初 小 說 述 錄, Xuân phong văn nghệ xuất bản xã, Liêu Ninh, 1988, tr.55.
12. Xem Miêu Tráng 苗 壯, Tài tử giai nhân tiểu thuyết sử thoại 才 子 佳 人 小 說 史 話, Liêu Ninh giáo dục xuất bản xã, Thẩm Dương, 1993, tr. 3- 4.
13. Sau khi điểm qua các ý kiến của Lỗ Tấn 魯 迅, Đàm Chính Bích 譚 正 璧, Tần Mạnh Tiêu 秦 孟 瀟 và Mạnh Dao 孟 瑤 về tiểu thuyết tài tử - giai nhân, Trần Quang Huy có nhận xét chung là loại tiểu thuyết này thuần miêu tả chuyện tình của thư sinh tài hoa với giai nhân khuê các. Xem Trần Quang Huy 陳 光 輝 , Việt Nam nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết quan hệ chi nghiên cứu 越 南 喃 傳 與 中 國 小 說 關 係 之 研 究, Luận văn tiến sĩ, 2 tập, Đài Loan, tập 2, tr.200, chú thích 1.
14. Xem Hảo cầu truyện 好 求 傳, Thành Bách Tuyền 成 柏 泉 hiệu chú, Thượng Hải văn hóa xuất bản xã, Thượng Hải, 1956, phần "Tiền ngôn" tr.1-5.
15. Thiên Hoa Tàng chủ nhân hoặc thuật sự, hoặc đề tựa cho mười sáu tác phẩm sau: (1) Ngọc Kiều Lê. (2) Bình Sơn Lãnh Yến; (3) Lưỡng giao hôn 兩 交 婚; (4) Họa đồ duyên 畫 圖 緣; (5) Kim Vân Kiều truyện 钅 雲 翹 傳 (6) Phi hoa vịnh 飛 花 詠 ; (7) Trại hồng ti 寨 紅 絲; (8) Định tình nhân 定 情 人; (9) Ngọc chi cơ 玉 支 璣; (10). Huyễn trung chân 幻 中 真; (11) Lân nhi báo 麟 兒 報; (12). Nhân gian lạc 人 間 樂(13) Cẩm nghi đoàn 錦 疑 團 ; (14) Lương vũ Đế diễn nghĩa 梁 武 帝 演 義; (15) Tế Điên đại sư túy bồ đề 濟顛 代 師 醉 菩 啼; và (16) Hậu Thủy hử truyện 後 水 滸 傳 .
16. Xem Lâm Chấn 林 振, Thiên Hoa Tàng chủ nhân cập kỳ tiểu thuyết 天 花 藏 主 人 及 其 小 說, Liêu Ninh giáo dục xuất bản xã, Thẩm Dương, 1993, tr.17-19.
17. Xem Rolston, David (biên tập), How to Read the Chinese Novel, sđd, tr.84, chú thích 14.
18. Bạch khuê chí: tiểu thuyết 16 hồi của Bác Lăng Thôi Tượng Xuyên 博 陵 崔 象 川 đời Thanh, thuật chuyện phú hộ Trương Bác 張 博 ở Kiết An, Giang Tây bị Trương Hoành 張 宏 trấn nước chết, sang đoạt tài sản. Trương Bác có hai con, trai Đình Thụy 庭 瑞 và nữ Lan Anh 蘭 英. Khi Đình Thụy vào kinh ứng thí, Lan Anh cũng cải nam trang đi thi, kết bạn với Vũ Kiến Chương 武 建 章. Đình Thụy quen và yêu Cúc Anh 菊 英- con gái Dương Tuần phủ bị Trương Mỹ Ngọc 張 美 玉 - con trai Trương Hoành quấy nhiễu. Trương Bác chết mà hồn không siêu thoát, thác mộng, mượn ngọc bạch khuê cáo oan với Dương Tuần Phủ. Sự việc tỏ lộ, cha con Trương Hoành bị trừng phạt. Đình Thụy thành hôn với Cúc Anh, Lan Anh sánh duyên cùng Kiến Chương. Truyện được xếp vào đệ bát tài tử thư (xem Bác Lăng Thôi Tượng Xuyên, Bạch khuê chí, Xuân phong văn nghệ xuất bản xã, Liêu Ninh, 1985, lời thuyết minh đấu sách), nhưng cũng có lúc lại xếp vào hàng thứ 10, như bản Kỷ Hiểu Lam bình đệ thập tài tử thư 紀 曉 嵐 平 第 十 才 子 書 (xem Hầu Kiện 候 健 (chủ biên), Trung Quốc tiểu thuyết đại từ điển 中 國 小 說 大 辭 典, tác gia xuất bản xã, Bắc Kinh, 1991, tr.422).
Trảm quỷ truyện: tiểu thuyết 10 hồi của Lưu Chương 劉 章 đời Thanh - Khang Hy, dựa theo truyền thuyết dân gian, thuật truyện Tú tài Chung Quỳ 鍾 馗 dưới đời Đường Đức Tông. Chung Quỳ tuy xấu mà tài hoa, đảm lược, thi đỗ hàng đầu. Đức Tông thấy Chung diện mạo xấu xí, không dùng. Chung bị gièm pha nên tự vẫn. Đức Tông thấy thế tỉnh ngộ, phế trừng gian nịnh, phong Chung làm Khu ma đại thần 驅 魔 大 神. Từ đó, Chung hiển ứng trừ ma, chém quỷ, xuống tận Địa Phủ trừng trị lũ gian nịnh từng hại mình trên trần thế trước kia. Dù rằng Lưu Chương, dưới bút danh Yên Hà Tản Nhân 煙 霞 散 人 và Tiều Vân Sơn Nhân 樵 雲 山 人 cũng là tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết tài tử - giai nhân (ví như Phi hoa diễm tưởng 飛 花 艷 想 , Phượng hoàng trì 鳳 凰 池 , bản thân Trảm quỷ truyện không thuộc loại tiểu thuyết này. Vương Thanh Bình 王 青 平 gọi Trảm quỷ truyện là giọng mào đầu cho tiểu thuyết phúng thích ở Trung Quốc, đồng thời cũng chỉ ra tình hình văn bản tương đối phức tạp của truyện (xem Lưu Chương, Trảm quỷ truyện, Vương Thanh Bình khảo thuật, Bắc Nhạc văn nghệ xuất bản xã, Sơn Tây, 1989, tr.274-371). Trảm quỷ truyện và Bình quỷ truyện 平 鬼 傳 thường được xếp chung thành Chung Quỳ truyện (xem Yên Hà Tản Nhân, Vân Trung Đạo Nhân, Chung Quỳ truyện Trường Giang văn nghệ xuất bản xã, Hồ Bắc, 1980).
Trụ xuân viên tiểu sử: tiểu thuyết 24 hồi của Ngô Hàng Dã Khách 吳 航 野 客 đời Thanh sơ, thuật chuyện hai mỹ nữ Vân Nga 雲 娥 và Lục Quân 綠 筠 cùng kết hôn với tài tử học sĩ Hoàng Giới 黃 王介. Dù được gọi với nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như Lục Vân duyên 綠 雲 緣 , Nhất tiếu duyên 一 笑 緣 , truyện luôn giữ vị trí ổn định thứ 10 trong tài tử thư. Xem Ngô Hàng Dã Khách, Trụ xuân viên tiểu sử, Triệu Hà 趙 霞 hiệu điểm, trong Minh Thanh ngôn tình tiểu thuyết đại quan 明 清 言 情 小 說 大 觀, 3 tập, Đoàn Quốc Quang 團 國 光 và Diệp Quân Viễn 葉 君 遠 chủ biên, Hoa hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 1993, tập trung, tr.833 - 906.
19. Bác Lăng Thôi Tượng Xuyên, Bạch khuê chí, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, sđd, lời tựa. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng năm Mậu Ngọ ở đây ứng vào năm 1798. Xem Lưu Thế Đức 劉 世 德 (chủ biên), Trung Quốc cổ đại tiểu thuyết bách khoa toàn thư 中 國 古 代 小 說 百 科 全 書, Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã, Bắc Kinh, 1993, tr.5. Lâm Chấn cho rằng sách được xếp vào hàng thứ 8 trong tài tử thư là căn cứ theo 8 nhân vật chủ yếu trong truyện, nhưng không nói rõ 8 nhân vật ấy là những ai. Xem Lâm Chấn 林辰, Minh mạt - Thanh sơ tiểu thuyết thuật lục sđd, tr.163.
20. Xem Lưu Chương, Trảm quỷ truyện, Vương Thanh Bình khảo thuật, sđd, tr. 254.
21. Lâm Chấn căn cứ vào bài tựa do Thủy Nhược Tản Nhân 水 若 散 人 viết ở Oản Hương Trai đề năm Càn Long Nhâm Dần đoán định rằng danh sách 10 bộ tài tử thư phải hình thành sau năm 1782. Xem Lâm Chấn 林 辰 , Minh mạt - Thanh sơ tiểu thuyết thuật lục sđd, tr.163.
22. Theo Miêu Tráng, có thể chia tiến trình phát triển của tiểu thuyết tài tử - giai nhân thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 trong khoảng Sùng Trinh 崇 禎 (1628-1644) và Thuận Trị 順 治 (1644-1661): Tuy số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng các truyện sáng tác trong giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ quá trình phát triển của loại hình. Các tác phẩm tiêu biểu: Cổ chưởng tuyệt trần 鼓 掌 絕 塵 của Ngô Kim Mộc Tản Nhân 吳 金 木 散 人 , Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến.
- Giai đoạn 2 chủ yếu dưới triều Khang 康 熙 (1662 - 1722), Ung Chính 雍 正 (1723 - 1735), và Càn Long 乾 隆 (1736 - 1795): Do tình hình xã hội tương đối ổn định, lại dựa trên cơ sở của thời kỳ trước, tiểu thuyết giai đoạn này phát triển cả về số lượng (ước tính có đến 50 bộ, chiếm một nửa tổng số tiểu thuyết tài tử - giai nhân) và chất lượng, có thể xem là thời toàn thịnh. Các bộ tiểu thuyết tiêu biểu: Định tình nhân, Lưỡng giao hôn, Phi hoa vịnh, Họa đồ duyên, Hồng trại ti, Lân nhi báo, Cẩm nghi đoàn, Kim Vân Kiều truyện.
- Giai đoạn 3 trong khoảng Càn Long, Gia Khánh 嘉 慶 (1796 - 1820), và Đạo Quang 道 光 (1821 - 1850): có thể gọi là giai đoạn tiếp nối. Do ảnh hưởng của Hồng lâu mộng 紅 樓 夢 tiểu thuyết tài tử - giai nhân ở giai đoạn này đi sâu vào miêu tả ái tình, phản ánh sinh hoạt xã hội, và trình độ nghệ thuật cũng được đề cao. Cũng cần nhắc thêm rằng đây cũng là thời của các bộ tiểu thuyết tục thư 續 書 sáng tác nối theo Hồng lâu mộng.
- Giai đoạn 4 (sau Chiến tranh nha phiến): lịch sử Trung Quốc chuyển vào thời cận đại, xã hội chuyển biến nhanh chóng, tác giả ra sức vạch mặt các thế lực hắc ám, lay tỉnh dân tộc. Tiểu thuyết ái tình mất đi vị trí trọng yếu, nhưng vẫn còn một số tác phẩm diên trì mạch sáng tác của tiểu thuyết tài tử, giai nhân. Thay vì miêu tả tiểu thư khuê các, các bộ tiểu thuyết này chuyển sang miêu tả các cuộc tao ngộ tri âm ở chốn thanh lâu, hòa lẫn với dòng văn học kỹ nữ.
Xem Miêu Tráng 苗 壯 , Tài tử - giai nhân tiểu thuyết sử thoại, sđd, tr.11 - 38.
23. Lâu Tử Khuông, Ngũ thập niên lai đích Trung Quốc tục văn họ 五 十 年 來 的 中 國 俗 文 學 , Chính Trung thư cục, Đài Bắc, 1963, tr.219 - 220.
24. Về mộc ngư thư, xem Dương Gia Lạc 楊 家 駱 (chủ biên), Trung Quốc tục văn học, Thế giới thư cục, Đài Bắc, 1995, tr.107-114.
25. Diệp Xuân Sinh 葉 春 生, Lĩnh Nam tục văn học giản sử, Quảng Đông cao đẳng giáo dục xuât bản xã, Quảng Châu, 1996, tr.65.
26. Xem Lưu Thế Đức 劉 世 德 (chủ biên), Trung Quốc cổ đại tiểu thuyết bách khoa toàn thư, sđd, tr.153
27. Thế Anh: "Một bản dịch Truyện Kiều độc đáo", Tạp chí Hán Nôm, 1/1996
28. Nguyễn Tiến Đoàn: "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", Tạp chí Hán Nôm, 3/1997, tr.70-77.
29. Đào Thái Tôn: "Không có 'Bản kinh' Truyện Kiều do vua Tự Đức đưa in", Tạp chí Văn họ c 2/1998, tr.28, chú thích 7.
30. Phan Mạnh Danh (1866 - 1942) tên chữ là Trung, sau đổi là Mạnh Danh, con trưởng thị độc Phan Trác Hoạt, cháu Hoàng giáp Phan Trứ. Ông người làng Phù Ủng, phủ Ân Thi, huyện Hưng Yên. Tác phẩm gồm có Phù giang thi tập (viết trong khoảng 1885 - 1942), Phù giang văn tập, Bút hoa, Cổ thi trích dịch (1935 - 1940), Việt Nam danh nhân diễn ca (văn Nôm lục bát 1909), Vật lý học lớp tiểu học (Nôm, 1909) Ngũ đại châu địa dư (chữ Hán, 1909), Vạn vật học (chữ Hán, 1910), Tuồng Hoa tiên (1917), Đa tình hận (dịch của Từ Trẩm Á, 1919), Tình sử (dịch của Long Tử Do, 1920), Điển cố (Nôm, khởi thảo 1941).
31. Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, Nhà in Phạm Văn Sơn, Saigon, 1962, tr.9. Đào Sỹ Nhã cũng nêu rõ mức độ phổ biến của tập sách: "Tập ấy ngay từ hồi mới soạn xong, đã được các danh sỹ đề thơ, như cụ Nguyễn Tấn Cảnh, cụ Chu Mạnh Trinh, cụ Phạm Văn Thụ, cụ Trần Tán Bình, cụ Vũ Tuân; lại được nhiều người chép ra để lưu hành cả trong Nam ngoài Bắc. Sau Tiên sinh nhiều lần sửa chữa lại, thêm thắt vào, lựa chọn ra, thành một bản tinh tế hơn. (...) Bản ấy có đệ trình phủ Thống sứ để toan in ra ngay từ hồi Âu chiến (1914 - 1918), sau lại thấy đăng trên báo chương, như Tứ dân tạp chí, Hải phòng tuần báo, vân vân. Mãi đến năm 1942 mới in thành sách" (tr.9).
Theo Nguyễn Tiến Đoàn, các bản tập Kiều "bằng thơ Hán cổ" giới thiệu trong bài viết của ông là do "cụ nội ông Tấn (Nguyễn Doãn Tấn) là Nguyễn Doãn Cử (1821- 1890) nguyên là giảng quan ở phủ Tôn Nhân, kiêm Quốc sử quán Biên tu triều Tự Đức, khi về hưu đã mang về và được gia đình lưu giữ cho đến hôm nay". (Nguyễn Tiến Đoàn: "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", bđd, tr.70). Nếu thế, lối tập Kiều bằng luật thi Hán văn hẳn đã có trước đó, sau được Phan Mạnh Danh kế thừa và phát triển.
32. Lối thơ thổng ả đào "Theo lối này thì lẩy trong các sách Tàu ra mỗi chỗ một câu thơ rồi ghép lại thành một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật; mỗi bài thơ ấy đọc vần xuống bốn câu Kiều liền, mà bốn câu Kiều liền này lại hình như dịch nghĩa những câu thơ chữ ấy ra. Dùng đủ ba mươi vần bằng từ vần nhất đông đến vần thập ngũ hàm". Ví như:
Lưu thủ dư tình bổ hóa công (Liêu trai)
Hồng nhan lưu lạc hận nan cùng (Bách mỹ)
Sinh tiền cá cá thuyết ân ái (Kim cổ kỳ quan)
Mệnh lý vô thời tổng thị không (Thăng bình truyện)
Phũ phàng chi bấy hóa công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay ! Thác xuống làm ma không chồng.
(Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.53).
Lối thơ thổng mới: "Theo lối này thì lẩy trong các sách Tàu ra mỗi chỗ một câu thơ, rồi đem hai câu ghép lại với nhau, đọc vần xuống hai câu Kiều liền; kế đến hai câu thơ chữ lẩy nữa, lại đọc vần với hai câu Kiều liền nối theo. (...) Các bài đều xếp đặt trước sau theo thứ tự trong truyện Kiều". Ví như:
Nhân sự bách niên kham thế lệ (Thi lâm)
Toán lai tăng mạnh vị tài đa (Nhi nữ tình)
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
(Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.77).
33. Thơ cổ tập Kiều - Lối thơ thổng ả đào: "Theo lối này thì chọn lấy nguyên một bài thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tàu, đọc vần xuống bốn câu Kiều lẩy, mà những câu Kiều lẩy lại dùng để phiên dịch bài thơ cổ kia". Ví như:
Ký Quân Thụy
(Oanh Oanh, Tây sương)
Tự tòng tiêu sấu giảm dung quang
Vạn chuyển thiên hồi lãn hạ sàng
Bất vị bàng nhân tu bất khởi
Vị lang tiều tụy khước tu lang.
Mặt sao dày gió dạn sương
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Nghĩ người thôi nghĩ tại mình
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru ?
(Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.143).
34. Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ , sđd, tr.143.
35. Nguyễn Tiến Đoàn, "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", bđd.: "Xưa nay những người tập Kiều, tập cổ thường không ghi xuất xứ từng câu thơ trích ở sách nào và ghi lạc khoản như bản này. Có thể đoán định người sưu tập muốn phục vụ cho một tiêu chí, một mục đích nào đó". (tr.73). Căn cứ theo lời thuật lại của ông Nguyễn Doãn Khiết, tác giả bài viết cho biết Thị lang Bộ Lễ triều Minh Mệnh Nguyễn Tú "cùng 16 người trong Bộ Lễ" vâng chỉ Minh Mệnh, "trong một năm phải sưu tầm hoàn chỉnh cuốn Kiều", "phải dẫn những câu nào của Kiều rút từ sách nào, điển cố nào phải ghi rõ xuất xứ". Bản Tập Kiều cổ Hán thi được soạn để "góp vào phần chú thích" cho bộ Truyện Kiều trên. bđd, tr.74). Chúng tôi cho rằng vấn đề ghi xuất xứ văn liệu khi dùng thơ ca Trung Quốc tập Kiều (hay dùng Kiều tập thơ cổ Trung Hoa) cũng có thể giải thích theo hướng đơn giản hơn như đã nêu trong phần chính văn.
36. Để tập câu 1999 "Biết bao đoạn khổ tình thương", bản NT dùng câu "Mang mang
khan tận bi sầu khổ" trong Hồng lâu mộng, trong khi Bút hoa dùng câu "Thương tình khổ hận tri đa thiểu" của Ngọc thiềm. Xem Nguyễn Tiến Đoàn: "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", bđd, tr.72; Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.128.
37. Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.88 và 117.
38. Trong danh mục văn liệu dùng trong bản NT, Nguyễn Tiến Đoàn có kể đến Đề Hạng vương, nhưng tiếc là ông không cho dẫn văn nên không thể có kết luận chắc chắn về việc bản NT có dùng thơ Hồ Tông Thốc hay không. Xem Nguyễn Tiến Đoàn: "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", bđd, tr.72.
39. Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.134; Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nxb. Văn học, H. 1971, tr.13.
40. Nguyễn Tiến Đoàn: "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", bđd, tr.72; Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.114.
41. Nguyễn Tiến Đoàn: "Phát hiện một bản Kiều mang màu sắc truyền kỳ", bđd, tr.72-73; Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.79.
42. Bản NT cũng dùng Thi lâm và Tình sử nhưng không rõ tần số sử dụng như thế nào.
43. Trong sách Cổ đại tiểu thuyết dữ thi từ 古 代 小 說 與 詩 詞 (Liêu Ninh giáo dục xuất bản xã, Thẩm Dương, 1993), Lâm Chấn phân việc sử dụng thi ca trong tiểu thuyết thành 10 loại: 1. Khai thiên đề hồi 開 篇 題 回; 2. Lược thuật Kết cấu tình tiết 結 構 情 節; 3. Miêu tả nhân vật Tiêu tượng khắc họa 肖 像 刻 書; 4. Cảnh vật miêu tả 景 物 描 寫; 5. Dự báo tình tiết 預 報 情 節; 6. Tác giả bình nghị 作 者 評 議 7. Nhân vật biểu lộ tâm trạng Nhân vật tự trữ 人 物 自 抒; 8. Bộ lộ tài hoa của nhân vật (hay tác giả) Nhàn tình sính tài 閑 情 逞 才; 9. Dùng trong đối ngữ, câu đố, tửu lệnh Doanh liễn tửu mê 楹 聯 酒 謎 và 10. Tổng kết toàn thư 總 結 全 書.
44. Phan Mạnh Danh: Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, tr.110 và 133: Địch Ngạn tản nhân 荻 岸 散 人, Ngọc Kiều Lê, trong Minh Thanh ngôn tình tiểu thuyết đại quan 明 清 言 情 小 說 大 觀, Ân Quốc Quang 殷 國 光, Diệp Quân Viễn 葉 君 遠 chủ biên, 3 tập, Hoa hạ xuất bản, Bắc Kinh, 1993, tập trung, tr.251 và 218.
45. Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, "Ngọc Kiều Lê" tr.96 và "Tam tài tử" tr.110, 133, 136. Bản NT cũng có cả Ngọc Kiều Lê lẫn Tam tài tử trong số văn liệu.
46. Hoa tiên ký, Trần Nhữ Hoành 陳 汝 衡hiệu đính, Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1957 (?), tr.28, 17 và 27.
47. Phan Mạnh Danh, Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd, "Hoa tiên" tr.63, 65, 67, 89, 92, 97, 123 và "Bát tài tử" tr.66, 75, 88, 91, 120, 127, 135, 138, 139. Bản NT cũng có cả Hoa tiên lẫn Bát tài tử.
48. Trần Quang Huy: Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết quan hệ chi nghiên cứu, sđd. tr.251-259.
49. Dương Gia Lạc: Trung Quốc tục văn học, sđd., tr.114.
50. Ngô Hàng dã khách: Trụ xuân viên tiểu sử, trong Minh Thanh ngôn tình tiểu thuyết đại quan, sđd., tập trung, tr.834, 848 và 867; Phan Mạnh Danh: Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd., tr.126, 100 và 104.
51. Phan Mạnh Danh: Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd., "Trụ xuân viên" tr.54, 56, 60, 66, 105, 113, 123, 131; và "Thập tài tử" tr.67, 81, 100, 104, 115, 126. Bản NT cũng có cả Trụ xuân viên và Thập tài tử.
52. Phan Mạnh Danh: Bút hoa - Thơ tập cổ, sđd., "Hảo cầu" tr.66, 119; và "Nhị tài tử" tr.71, 73. Bản NT cũng có cả Hảo cầu lẫn Nhị tài tử.
53. Phan Mạnh Danh: Bút hoa - Thơ tậ cổ, sđd., "Tỳ bà ký" tr.94, 99, 113; và "Thất tài tử" tr.75, 101. Bản NT có Tỳ bà hành (?) và Thất tài tử. Chúng tôi chưa xác định được các câu thơ dùng trong Bút hoa là ở những hồi nào trong Hảo cầu truyện và Tỳ bà ký.
Riêng về Cửu tài tử được nhắc đến trong cả hai bản NT và Bút hoa (tr.57, 108 và 124), chúng tôi đã có khảo sát qua Trảm quỷ truyện và Nhị hà hoa để xác định Cửu tài tử là tác phẩm nào, những cũng chưa có kết quả.
54. Tam quốc diễn nghĩa và Bình Sơn Lãnh Yến không xuất hiện trong bản NT và Bút hoa.
55. Thủy hử xuất hiện trong văn liệu của Bút hoa (tr.130, 133 và 134), nhưng không có trong bản NT.
56. Tây sương được cả bản NT và Bút hoa sử dụng (tr.64, 81, 82, 91, 97, 100, 123, 132, 136, 137, 139). Bản NT có cả Tây sương lẫn lục tài tử.
|