TB

TIỂU THUYẾT CHỮ HÁN CỦA
TRIỀU TIÊN

TRẦN NGHĨA

Do giao lưu văn hóa, ở Việt Nam cũng như các nước Triều Tiên, Nhật Bản... trong văn học của mình, đều tồn tại một mảng tiểu thuyết viết bằng thứ Hán ngữ cổ đại mà ta quen gọi là tiểu thuyết chữ Hán.

Tìm hiểu bộ phận văn học này ở các nước láng giềng, ta sẽ có cơ hội so sánh, lý giải và đánh giá tốt hơn tiểu thuyết chữ Hán của Việt Nam, một hiện tượng mang tính "khu vực" mà nay nhiều người đang quan tâm.

Bài viết này chủ yếu đi vào tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên, một nước có nền văn học chữ Hán lâu đời nhất, tác phẩm cũng thuộc loại nhiều nhất so với Việt Nam và Nhật Bản.

Trước hết, hãy nói qua một chút về địa vị và vai trò chữ Hán ở Triều Tiên.

Trong các ghi chép của Trung Quốc, tên "Triều Tiên" được nhắc tới sớm nhất ở Sử ký của Tư Mã Thiên, với câu chuyện Chu Vũ Vương năm 1122 TCN phong đất Triều Tiên cho một người tên là Cơ Tử làm nơi lập nghiệp, tách hẳn khỏi nhà Chu. Nhiều nhà nghiên cứu cho đây không hơn một "truyền thuyết" cũng giống như chuyện họ Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ (khu vực thuộc nước ta thời cổ) qua ba lần dịch, mang chim trĩ trắng sang biếu cho Chu Thành Vương vào năm 1110 TCN mà Sử ký cũng từng ghi. Chữ Hán không chắc đã truyền tới bản đảo Triều Tiên trong thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, hoặc nếu đã, cũng là trường hợp rất cá biệt.

Chữ Hán thực sự du nhập Triều Tiên, có lẽ là vào cuối thế kỷ II TCN, khi Hán Vũ Đế diệt Vệ Mãn, chiếm vùng đất phía bắc bản đảo; các nước lớn nhỏ nam bán đảo hồi ấy như Phù Dư, Cao Cú Lệ, Ma Hàn, Thần Bàn, Biền Hàn cũng lần lượt bị nhà Hán khống chế. Chế độ quận huyện được thiết lập tại đây, chữ Hán trở thành phương tiện ghi chép trong công việc hành chính. Triều Tiên lúc này chưa có văn tự riêng.

Từ thế kỷ I SCN, bán đảo Triều Tiên dần dần thoát khỏi ách đô hộ của nhà Hán và đến khoảng đầu thế kỷ IV, hình thành 3 nước tự trị là Cao Cú Lệ ở phía bắc và Tân La, Bách Tế ở phía nam. Chữ Hán, tiếng Hán giờ đây trở thành công cụ trong tay người bản xứ để ghi chép, xây dựng và phát triển văn hóa. Một tấm bia đá lớn của Cao Cú Lệ, tấm bia cổ nhất Triều Tiên, phát hiện ở vùng thượng lưu sông Áp Lục, được viết bằng chữ Hán, ghi lại những chiến công hiển hách của một ông vua xứ Kugoryô (tức Cao Cú Lệ) lên ngôi năm 391, có nhắc tới mấy nước phía nam như Bách Tế, Tân La v.v.. Những luồng người Trung Quốc nhập cư vào Triều Tiên lúc này ngày một gia tăng, nhiều nhất là khách buôn và học giả. Cùng với nhu cầu tiếp xúc ngôn ngữ và giao lưu văn hóa Triều - Hán, những người này đã góp phần thúc đẩy việc truyền bá rộng rãi chữ Hán và tiếng Hán trên bán đảo.

Trên cơ sở sử dụng thành thạo chữ Hán, khoảng thế kỷ VI, người Triều Tiên đã chế tác một loại ký hiệu dùng để ghi chép tiếng Triều Tiên, gọi là chữ Idu. Về cơ bản, đây vẫn là chữ Hán thôi, khác chăng là ở chỗ những chữ Hán này khi thì được dùng về mặt ngữ âm, khi thì được dùng về mặt ngữ nghĩa. Dùng về ngữ âm, chủ yếu là đọc chữ Hán theo âm Hán Triều, để phiên âm những từ Triều Tiên có nguồn gốc Hán. Thí dụ trong các văn bản Idu, chữ Hán 功 德 (âm Hán Việt là công đức) được đọc theo âm Hán Triều là Kongdok. Dùng về ngữ nghĩa, như trường hợp chữ 夜 (âm Hán Việt là dạ) là "đêm" trong tiếng Hán, được sử dụng để ghi âm pam cũng có nghĩa là "đêm" trong tiếng Triều. Ngoài hai cách sử dụng phổ biến trên, người Triều Tiên cũng đặt ra một số chữ mới để ghi những tiếng Triều Tiên không có cách nào vay mượn từ kho chữ Hán. Thí dụ chữ chul 乼, chữ kong 巬 ...

Nhưng chữ Idu trong quá trình sử dụng tỏ ra có nhiều nhược điểm, nhất là ở chỗ dùng chữ Hán đơn âm để ghi tiếng Triều Tiên đa âm. Do vậy người Triều Tiên đã từ bỏ nó vào khoảng thế kỷ XVIII để trở lại với hệ thống chữ Hán và tiếng Hán thời cổ, coi đây như là biện pháp hữu hiệu trong việc thống nhất văn tự sau một thời gian dài đất nước bị xáo trộn và chia cắt thành mấy mảng (Tam Hàn).

Đến năm 1446, chữ Onmun tức Ngạn văn 諺 文 ra đời để ghi tiếng mẹ đẻ của Triều Tiên. Đây hoàn toàn là thứ chữ phiên âm, gồm 25 tự mẫu, không liên quan gì tới chữ Hán. Nhưng rồi thứ chữ Ngạn văn do vua Lý Thế Tông Triều Tiên ra lệnh cho Trịnh Lân Chỉ, Thân Thúc Chu v.v.. chế tác này đã nhanh chóng bị phản đối và sau đó bị cấm sử dụng. Thế là mọi người đành quay trở lại với chữ Hán ngữ cổ đại tuy có quen thuộc thật nhưng khá phiền toái cho đến tận năm 1894, khi có sắc lệnh bãi bỏ khoa cử và không được dùng chữ Hán trong văn tự Triều Tiên nữa. Hệ thống Ngạn văn lại được đem ra sử dụng với cái tên gọi mới "Hangul", tức chữ nước Hàn, cho đến ngày nay.

Có thể thấy chữ Hán trong một thời gian dài, từ thế kỷ I đến thế kỷ VI và từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX dẫu có lúc thăng trầm, vẫn được sử dụng như là công cụ ghi chép chủ yếu và chính thức trên bán đảo Triều Tiên. Một nền văn học viết bằng chữ Hán cũng đã theo đó ra đời, mà thể loại tiểu thuyết hầu như luôn luôn giữ vị thế quan trọng.

Tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên lâu đời hơn nhiều so với loại tiểu thuyết viết bằng chữ Hàn hoặc Hán - Hàn kết hợp. Số lượng cũng cực kỳ phong phú. Theo GS. Lâm Minh Đức ở trường Đại học Phụ Nhân của Đài Loan thì chỉ tính số tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên do ông sưu tầm được, cũng đã đến mấy trăm vạn chữ, nghĩa là không dưới 3000 trang sách chữ Hán, khổ 20x13,5cm. Nếu sưu tầm được toàn bộ, theo ước tính của GS. Trần Khánh Hạo (Chan Hing - ho) ở CNRS Paris, con số dễ chừng lên tới một nghìn vạn chữ, tức gấp ba khối lượng mà Lâm Minh Đức hiện có trong tay(1).

Về mặt văn thể, tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên đại để bao gồm 3 loại lớn: bút ký, truyện ngắn và truyện dài.

Bút ký hay "bút ký dã đàm" ở đây thường được viết bằng văn ngôn, hay đúng hơn, văn "sử truyện", ghi chép những chuyện có thể là vặt vãnh, đầu đường xó chợ, nhưng dứt khoát là "mới lạ", đầy hấp dẫn với người đọc. Đôi khi có cả chuyện cười, chuyện hài hước.

Truyện ngắn hay " đoản thiên tiểu thuyết" chủ yếu viết bằng văn ngôn, nhưng cũng có một phần được viết bằng văn bạch thoại, một thứ bạch thoại kiểu "tiểu thuyết bạch thoại cổ điển" của Trung Quốc. Tác phẩm thường là một câu chuyện được kể lại một mạch từ đầu chí cuối, không phân chương đoạn. Khá nhiều trường hợp được mở đầu bằng mấy câu thơ Đường luật, nhằm giới thiệu chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Truyện dài chỉ 'tiểu thuyết chương hồi", cũng được viết bằng thứ văn bạch thoại như ở một số truyện ngắn. Tác phẩm khác truyện ngắn ở chỗ gồm nhiều đơn nguyên hợp thành, trong đó mỗi đơn nguyên mang một chủ đề nhất định. Toàn bộ câu chuyện được trình bày một cách li kỳ, khúc chiết. Trước mỗi đơn nguyên thường có hai câu biền ngẫu dùng làm đề mục. Cuối mỗi đơn nguyên, có những câu đại loại như "muốn biết câu chuyện rốt cục thế nào, xem hồi sau sẽ rõ". Ngọc lâu mộng, Hán Đường di sự là những tiểu thuyết thuộc loại này.

Trong 3 loại kể trên, bút ký và truyện ngắn chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Về mặt nội dung, rất đa dạng.

Trong tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên, ta thấy nổi lên trước hết là tư tưởng "cần chính ái dân", nêu cao những gương sống vì dân vì nước, coi "dân là quý, xã tắc đứng vào hàng thứ hai, vua thì nhẹ thôi". Sầu thành chí là trường hợp tiêu biểu được sáng tác trong tinh thần đó.

Tiếp đến là những nét về phong tục tập quán, cùng truyền thống tốt đẹp của người Triều Tiên. Hoặc biểu dương lối sống ân tình, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, như ở tác phẩm Thu Tề kỷ dị. Hoặc ca ngợi cách xử sự biết người biết ta, không ảo tưởng về mình, không đòi hỏi những cái mà mình không thể đạt tới, thậm chí nghĩ xấu về người khác, như ở tác phẩm Uế đức tiên sinh truyện.

Cũng có những tác phẩm chỉ trích, lên án những chuyện "thâm cung bí sử" nơi cung đình, như Tạ thị Nam chinh ký, hoặc mượn sân khấu Trung Quốc để phê phán phong kiến Triều Tiên, như Thục Hương truyện, Chương thiện cảm nghĩa lục.

Một số tác phẩm khác mang tư tưởng đạo Phật, đạo Lão. Mộng duyên lục, Ngọc Tiên truyện miêu tả cuộc sống vô thường, được đấy rồi mất đấy, chẳng có gì làm chắc. Cửu Vân mộng là một giấc mơ lớn, trong đó phú quý, công danh, tình ái... rốt cục chỉ là hư ảo. Nhân vật trong truyện cuối cùng nếu không về nơi "cực lạc chí thiện", thì cũng "vào danh sơn, rồi chẳng biết đi đâu"...

Ở một số truyện nào đó, "mộng ảo" hay "mộng du" chỉ là cái cớ để tác giả bộc lộ hoài bão, chí hướng của mình. Có thể thấy điều này qua các tác phẩm như Cầm Sinh dị văn lục, Long Cung phó yến lục, kể cả Xuân Hương truyện, Song nữ hồn nữa...

Ở Triều Tiên trước đây từng có người cho rằng tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên không thuộc văn học Triều Tiên. Họ nói: "Về đại thể, đối với mảng tiểu thuyết chữ Hán cũng như thơ và văn xuôi chữ Hán, xem nó như một phần của văn học sử Triều Tiên, không bằng xem nó như một phụ lục của văn học Trung Quốc(2). Theo họ, chỉ có những tác phẩm "do tay người Triều Tiên viết, dùng tiếng Triều Tiên để ghi chép cuộc sống của người dân tộc Triều Tiên, mới tức là văn học Triều Tiên"(3).

Nhưng thời gian trôi qua, cách nhìn như trên đã dần dần được điều chỉnh. Không ai xứng đáng nhận bộ phận gia sản "văn học chữ Hán của Triều Tiên”. Các tập tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên do đó theo nhau ra mắt bạn đọc. Có thể kể Hàn quốc Hán văn Tiểu thuyết Nguyên văn Hán văn tiểu thuyết tuyển của Kim Khởi Đông; Lý Triều Hán văn tiểu thuyết tuyển của Lý Gia Nguyên; Đoản thiên tiểu thuyết tuyển của Kim Đông Húc; Hàn quốc Hán văn tiểu thuyết tuyển của Lý Dân Thụ v.v.. Đặc biệt GS. Lý Hựu Thành và GS. Lâm Huỳnh Trạch ở trường Đại học Thành Quân Quán Triều Tiên đã công bố Lý triều Hán văn đoản thiên tập, một cống hiến quan trọng nhằm gây hứng thú và thúc đẩy việc nghiên cứu tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên. Ở Đài Loan, GS. Lâm Minh Đức vào năm 1980 cũng đã xuất bản Hán văn tiểu thuyết toàn tập gồm 9 quyển, chưa kể quyển thứ 10 Bổ di đang chờ in. Bộ sưu tập này không những đầy đủ nhất so với các sách cùng loại ra đời trước nó, mà còn lần đầu tiên giới thiệu được những tác phẩm có giá trị nhưng lâu nay bị lãng quên như Ngọc lâu mộng, Tạ thị Nam chinh ký, Lục mỹ đường ký, Tam Hàn thập di, Chương thiện cảm nghĩa lục, Nam hồng lượng truyện, Ngọc Tiên mộng v.v..

Trở lên là mấy nét về tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên, một xứ sở mà có người từng gọi là "cái kênh" chuyển tải văn minh lục địa sang Nhật Bản trong quá khứ.

CHÚ THÍCH

(1). Xem Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, Trung Quốc cổ điển văn học nghiên cứu hội chủ biên, Đài Loan học sinh thư cục ấn hành, Đài Bắc, 1988, các tr.62 và 175.

(2). Quốc văn học sử, Ngô nhân Ngữ văn học hội biên soạn. Dẫn theo Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu.

(3). Xem Cao Tinh Ngọc: Triều Tiên dân dao nghiên cứu. Dẫn theo Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu./.

TB

TÌM HIỂU TIỂU THUYẾT HÁN VĂN CỦA PHÁC YẾN NHAM

PHẠM VĂN THẮM

Như chúng ta đã biết, nhân dân Triều Tiên trước khi sáng tạo ra chữ viết của dân tộc mình và ngay cả khi có hệ thống chữ viết dân tộc hoàn chỉnh, vẫn sử dụng chữ Hán làm công cụ để biểu đạt tư duy. Sáng tác tác phẩm bằng Hán văn được viết ra với số lượng lớn, bao gồm nhiều thể loại của họ đã góp phần làm phong phú, dòng văn học viết của nước này.

Trong điều kiện tư liệu có được hiện nay, chúng tôi chọn giới thiệu tập tiểu thuyết viết bằng chữ Hán của Phác Yến Nham, một học giả nổi tiếng của Triều Tiên cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

1. Đôi nét về cuộc đời Phác Yến Nham.

Phác Yến Nham sinh ngày 5 tháng 2 năm 1737, tại Phiên Nam thuộc kinh thành. Mồ côi cha từ nhỏ, Phác Yến Nham ở với ông nội trong suốt thời thơ ấu, và chịu ảnh hưởng những đức tính cương trực, liêm khiết của người ông tuy làm quan hơn 30 năm mà tài sản, ruộng vườn vẫn không có gì so với các quan chức cùng cấp thời đó.

Năm 16 tuổi, Phác Yến Nham đi học chữ Hán. Vốn thông minh, không bao lâu ông đã đọc truyện, viết văn đọc các sách của bách gia, nhờ vậy mà vốn hiểu biết của ông về các vấn đề chính trị, kinh tế, thiên văn, địa lý, công nghệ... của Trung Quốc cũng như của Triều Tiên đều rất sâu sắc và rộng.

Phác Yến Nham lớn lên trong bối cảnh xã hội đầy biến động. Các mâu thuẫn về kinh tế, chính trị vốn xuất hiện từ lâu trong lòng chế độ phong kiến đến nay có điều kiện phát triển và bùng nổ đã khiến cho đất nước lâm vào tình trạng trì trệ, nghèo nàn, lạc hậu kéo dài. Đứng trước bối cảnh xã hội như vậy, nhiều trí thức Triều Tiên trong đó có Phác Yến Nham đã đề xuất cải cách toàn diện. Các ông kiến nghị với triều đình cần phải học tập và tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất tiên tiến của Trung Quốc và Tây Âu lúc bấy giờ; cần phải nghiên cứu xem xét lại phần học vấn truyền thống đang lưu hành ở Triều Tiên... Các ông cũng phê phán mạnh mẽ tính bảo thủ, sự sa đọa của tầng lớp thống trị. Những chủ trương cải cách của các ông rốt cục không được nhà cầm quyền chấp nhận, họ còn truy bức lùng bắt những người họ cho là "chống đối", trong số này có Phác Yến Nham. Tình thế buộc ông phải đi ở ẩn.

Năm 1780, nhờ thế lực của người anh họ là Phác Minh Nguyên lúc đó được cử làm Chánh sứ bộ Triều Tiên sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long, Phác Yến Nham được đi giúp việc cho Đoàn. Thực tế những điều tai nghe mắt thấy trên đất Trung Quốc đã củng cố thêm lòng tin vào chủ trương cải cách của ông. Trở về nước, ông được bổ nhiệm làm Huyện giám An Nghĩa, rồi được thăng chức Quận thú Miện Châu, nhưng ông lấy cớ tuổi già xin từ chức về nhà. Ông mất ngày 20 tháng 10 năm 1805, thọ 69 tuổi.

2. Quan niệm sáng tác tiểu thuyết của Phác Yến Nham

Thể loại tiểu thuyết du nhập vào Triều Tiên được các nhà Nho chấp nhận và sử dụng từ rất sớm(1), nhưng nhìn chung, nó vẫn chưa có chỗ đứng trong xã hội. Các gia đình sĩ đại phu coi tiểu thuyết là loại sách "dâm thư" hoặc là thứ sách vở chỉ ghi chép những chuyện "vụn vặt đầu đường ngõ hẻm". Triều đình nhiều lần ra chỉ dụ cấm lưu hành các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết. Trước mộ xu thế xã hội không thuận lợi như vậy, Phác Yến Nham vẫn kiên trì viết tiểu thuyết, vì cho rằng:

- Khả năng phản ánh hiện thực của thể loại tiểu thuyết rất lớn.

- Cần phải tiến hành cải cách toàn diện, ngay cả, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chính vì quan niệm như vậy nên Phác Yến Nham đã viết tiểu thuyết bằng chữ Hán và là người đầu tiên sử dụng thể loại tiểu thuyết để diễn đạt những tư tưởng tiến bộ trong trường phái thực học của mình(2).

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu Triều Tiên đã sưu tập được nhiều sáng tác phẩm bằng chữ Hán của Phác Yến Nham thuộc nhiều thể loại: thơ, luận văn, tự, bật, sớ, tủ, nhật ký... Bộ Nhiệt Hà nhật hoàn thành 1793. Nội dung cuốn nhật ký ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian theo đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Tác phẩm được đánh giá là một trang huy hoàng trong văn học sử Triều Tiên(3). Riêng về tiểu thuyết, các nhà nghiên cứu đã sưu tập và công bố 8 tác phẩm(4). Căn cứ vào hình tượng nhân vật trong tác phẩm, chúng ta thấy tác giả đã đề cập tới những tầng lớp người sau đây:

- Những người lao động, như Truyện Uế Đức tiên sinh, Truyện Quảng Văn...

- Những người có học thức và địa vị xã hội như: Truyện Lưỡng Ban, Truyện Ông Mẫn, Truyện Thần tiên họ Kim, Truyện Mã Tổ...

- Về chính cuộc đời tác giả, như Truyện Hứa Sinh.

3. Nội dung và giá trị

Nội dung phản ánh trong tiểu thuyết của Phác Yến Nham có thể nói là khá đa dạng và phong phú. Tiêu đề của mỗi câu chuyện đều có chung một tiêu chí là "truyện". Câu chuyện ghi chép từ hiện thực cuộc sống, được thể hiện qua các hình tượng nhân vật. Ở đây tác giả chú trọng đi sâu vào khía cạnh đời tư của từng nhân vật. Ông họ Nghiêm, nhân vật chính trong Uế Đức tiên sinh truyện là hình tượng đặc trưng cho tầng lớp người lao động nghèo khổ. Thái độ sống của ông họ Nghiêm được tác giả miêu tả như sau: "Tháng chín hàng năm trời đầy sương mù, tháng mười, băng đóng, ngoài công việc dọn dẹp trong các nhà vệ sinh, bác còn nhặt phân trâu, ngựa rơi vãi ngoài đường và quý trọng nó như ngọc báu". Hay: "Bác chỉ suy nghĩ tới việc làm lợi cho bản thân, nhưng không làm hại đến đạo lý". Hàng năm, sáng mồng một tết, "bác xỏ giầy, mặc áo mới, đội nón đi chúc Tết bà con hàng xóm; khi trở về, lại cởi áo ra mặc áo cũ đi làm việc như thường lệ". Viết về người lao động, tác giả đã chú ý lột tả bản chất chất phác, trung thực, sống có nghĩa có tình của họ mà ông đặc biệt trân trọng. Ở đây, kết thúc câu chuyện bao giờ cũng có hậu. Tiêu chí bình giá về một con người, theo ông, không nên dựa vào địa vị, tài sản của họ, mà nên căn cứ vào hiệu quả công việc người đó đảm nhận.

Ở một chủ đề khác, tác giả đề cập tới người trí thức, những người thường có địa vị nhất định trong xã hội, tiêu biểu là tầng lớp Lưỡng Ban. "Lưỡng Ban" nguyên là danh hiệu vinh phong cho những người có học thức, có đức độ, có địa vị trong xã hội. Sự quy định tiêu chí này phù hợp với "giá trị tinh thần" của giới trí thức ở thời kỳ xã hội phong kiến đang lên. Những con người mang danh hiệu Lưỡng Ban được xã hội kính trọng và ngưỡng mộ. Nhưng ở thời đại tác giả đang sống, trong lòng xã hội chứa đựng nhiều mâu thuẫn, chế độ phong kiến đang bước xuống dốc, suy sụp. Những con người mang danh hiệu Lưỡng Ban cũng vì vậy mà thay đổi theo. Người ta có thể bán, mua công khai danh hiệu này. Người mang danh hiệu Lưỡng Ban trước kia "ngày ngày đọc sách, chi tiêu hàng năm cũng đến hàng ngàn thạch lương thực". Nhưng bây giờ khi những Lưỡng Ban đã bán danh hiệu "cao quý" này của mình cho người khác, thì anh ta "khoác chăn, đội nón, mặc áo ngắn phủ phục bên lề đường để yết kiến quan trên". (Truyện Lưỡng Ban). Ở chủ đề này tác gia tập trung đi sâu vào hai khía cạnh:

1- Những "Giá trị tinh thần" không còn nguyên giá trị như xưa, đạo đức xã hội suy giảm, ông phê phán sự thối nát của giai cấp thống trị.

2- Trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương, cần có một quan niệm "kết bạn" đúng đắn. Như thế nào là một người bạn chân chính trong xã hội có nền kinh tế hàng hóa phát triển, trong đó sức mạnh của đồng tiền đang làm tan vỡ nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội? Theo ông, tiêu chí đầu tiên để kết bạn là tính trung thực.

Trong mỗi câu chuyện, ta thấy lời nói và hành động của từng nhân vật dường như đều thể hiện phần nào suy tư của tác giả. Nhưng để thể hiện đầy đủ hơn quan niệm của mình trước thời cuộc, Phác Yến Nham đã dành một chủ đề viết về đời tư của mình thông qua hình tượng một ẩn sĩ: Hứa Sinh, nhân vật chính trong Hứa Sinh truyện. Hứa Sinh ham học, nhưng vì nhà quá nghèo, đành phải xếp bút nghiên, chuyển sang kinh doanh để cứu đời giúp người. Sau khi có tài sản, Hứa Sinh vứt bỏ của cải, về với phòng sách cũ để "giảng giải nghĩa lý cho người, phê phán thói hư tật xấu ở đời". Hình tượng nhân vật Hứa Sinh được tác giả thể hiện từ quan niệm ở ẩn, phương thức ở ẩn, cho đến tư duy ở ẩn đều gần như theo khuôn mẫu ẩn dật của các nhà hiền triết phương Đông. Các nhà Nho quan niệm đi ở ẩn là một phương thức thích hợp để dễ dàng phê phán sự thối nát của xã hội đương thời, phấn đấu cho một xã hội có kỷ cương, có phép tắc. Nhưng ở Phác Yến Nham, hình tượng người ẩn sĩ không dừng lại ở chỗ phê phán và hy vọng. Hứa Sinh, khi cần thiết, đã có thể rời bỏ nơi ẩn dật để dấn thân vào sự nghiệp cứu người thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Đây chính là yếu tố tích cực của người ẩn sĩ của ông. Hứa Sinh truyện là tác phẩm có giá trị bậc nhất trong tập tiểu thuyết Hán văn của Phác Yến Nham.

Bỏ qua một số mặt hạn chế, không tránh khỏi, ta thấy bằng lối viết phân tích, lý giải, tiểu thuyết của Phác Yến Nham mang đậm tính triết lý trong cuộc sống, xen vào những ý vị châm biếm sâu cay. Ông viết tiểu thuyết không phải để "mua vui", mà động cơ sâu xa của Phác Yên Nham là làm sao diễn tả những tư tưởng mới, tư tưởng tiến bộ trong phái thực học. Điều này cũng góp phần làm sáng tỏ động cơ viết tiểu thuyết của nhiều nhà văn tiến bộ Triều Tiên cùng thời.

CHÚ THÍCH

(1). Tác phẩm Cửu Vân mộng (Giấc mộng trên chín tầng mây) của Kim Man Zun ra đời vào thế kỷ XVII được coi là tiểu thuyết viết bằng chữ Hán sớm nhất ở Triều Tiên.

(2). Xem thêm Triều Tiên phong kiến mạt kỳ tiên tiến học giả. Ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm Hb.418.

(3). Xem thêm Yến Nham Phác Chi Nguyên của Kim Hà Minh in trong cuốn Triều Tiên phong kiến mạt kỳ tiên tiến học giả. Sđd.

(4). Những tác phẩm đã công bố: Hứa Sinh truyện, Mã Tổ truyện, Uế Đức tiến sinh truyện, Ông Mẫn truyện, Lưỡng Ban truyện, Kim Thần tiên truyện, Quảng Văn truyện, Tục Quảng Văn giả truyện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Triều Tiên phong kiến mạt kỳ tiên tiến học giả, Ký hiệu Thư viện Hán Nôm Hb.418.

2. Hổ gầm: Sở tuyên truyền văn hóa Triều Tiên xuất bản năm 1955.

3. Vực ngoại Hán Văn tiểu thuyết luận cứu, Học sinh thư cục Đài Loan xuất bản tháng 2.1989./.

TB

CẤU TẠO VÀ NGUỒN GỐC CỦA CHỮ NÔM
CHỮ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

TOMITA KENJI

LTS: Gần đây, chữ Nôm Việt Nam được nhiều người nước ngoài đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Trong số những công trình đáng chú ý có chuyên luận "Cấu tạo và nguồn gốc của chữ Nôm - chữ của dân tộc Việt Nam" của Giáo sư Kenji Tomita đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 6/1979 của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Tokyo. Chuyên luận bao quát khá nhiều vấn đề về chữ Nôm: khái niệm, ý nghĩa và vị trí của chữ Nôm; cấu tạo và nguồn gốc của chữ Nôm, v.v.. Dưới đây, chúng tôi trích đăng phần đầu của chuyên luận, qua bản dịch của Lã Minh Hằng, để bạn đọc tham khảo.

I. Lời nói đầu

Điều rất thú vị khi xem xét lịch sử văn tự của một dân tộc nào đó là ở chỗ nó lưu lại đậm nét các dấu vết đã qua của dân tộc đó. Văn tự phản ánh một cách nhạy bén lịch sử của dân tộc.

Có thể nói, chữ viết tiêu chuẩn của tiếng Nhật, một loại ngôn ngữ có cấu tạo phức tạp nhất trong các ngôn ngữ trên thế giới, cũng khắc sâu các vết tích lịch sử lâu dài của dân tộc Nhật từ khi hình thành dân tộc Nhật tới nay. Nổi bật là việc người Nhật Bản vốn vẫn bị người nước ngoài chê "Dân tộc Nhật không sáng tạo" đã biết sử dụng năng lực chế biến, tiếp thu triệt để nền văn hóa Trung Hoa để khéo léo tạo ra một thứ văn tự cho mình lấy chữ Hán làm môi giới văn hóa. Điều đó có thể chứng minh bằng thực tế đại bộ phận lịch sử của dân tộc Nhật là lịch sử các cuộc đấu tranh với nền văn hóa Trung Quốc. Không cần chú ý đến chữ viết tiêu chuẩn hiện đại, họ đã vận dụng một cách giản đơn phương pháp ghi âm bằng cách lợi dụng cách đọc On, Kun ở chữ Hán(1), sử dụng hệ thống tư mẫu Hiragana bằng cách đơn giản hóa chữ Hán để dùng trong các bộ phận ghép vào, sử dụng Kata kana được tạo thành bằng cách mượn nguyên một bộ phận chữ Hán và giản lược đi để dùng trong các trường hợp đọc tiếng nước ngoài và các từ ngoại lai. Tuy nhiên, quá trình mà hệ thống phức tạp như vậy được hình thành chính là rất đơn giản như đã nói trên.

Nếu để ý đến Triều Tiên - Một nước cùng nằm trong vành đai văn hóa Hán, (vành đai văn hóa Trung Quốc) thì khác hẳn. Với Nhật Bản, Nhật Bản về mặt địa lý nằm trên cái đệm ở biển đối diện với Trung Quốc, do đó khả năng tiếp thu nền văn hóa Trung Quốc chậm chạp, Triều Tiên đối diện trực tiếp với Trung Quốc trên lục địa cho nên ảnh hưởng về chính trị và văn hóa không thể như nhau.

Xét về lịch sử của ngôn ngữ, người Nhật đã lợi dụng một cách triệt để các dạng thích hợp hoàn toàn với tiếng Nhật như "Manyogana" "Kakki kudashbun" đã được mượn hoàn toàn từ tiếng Hán. Trái lại, tuy cấu tạo ngôn ngữ rất giống tiếng Nhật, nhưng tiếng Triều rất hạn chế việc kiểm tra đối chiếu như trên. Rất nhiều trường hợp nó tiếp thu ở tiếng Trung Quốc một cách nguyên vẹn những dạng thuần túy. Và khuynh hướng này thay đổi việc bảo hộ đối với ngôn ngữ dân tộc. Phải bắt đầu từ năm 1443 với việc sáng tạo ra Hangurn (loại văn tự lớn). Kiểm tra đối chiếu loại văn tự này như đã biết, nó hoàn toàn khác với chữ Kana Nhật, mặc dù được hình thành trên cơ sở âm vận Hán ngữ, nhưng có thể nói nó là sự sáng tạo hoàn toàn, nó là sáng tác khéo léo của dân tộc Triều Tiên. Sau này, giống như tiếng Nhật, thời kỳ sử dụng chữ Hán kéo dài, đến 1949 mới hoàn toàn bị loại bỏ chữ Hán ở Bắc Triều Tiên, xác lập thành công thể chữ viết tiêu chuẩn theo nghĩa đen. Có thể nói, lịch sử văn tự của dân tộc Triều Tiên cũng in sâu vết tích lịch sử các cuộc đấu tranh với văn hóa Trung Quốc.

II. Định nghĩa về chữ Nôm

Có thể nói, chiếm một góc trong vành đai văn hóa Hán nói trên là Việt Nam. Một mặt, Việt Nam ở vào vị trí giữa của vành đai văn hóa Đông Á, có hoàn cảnh rất giống Nhật Bản ở chỗ cùng là điểm mà nhiều dân tộc dừng chân lại. Mặt khác, trong điều kiện địa lý tiếp giáp với Trung Quốc rất chặt chẽ, trên lục địa, Việt Nam cũng có điểm khá giống với Triều Tiên. Một điều hiển nhiên nữa là Việt Nam cũng giống Triều Tiên, cả hai nước cùng chịu sự thống trị lâu dài về chính trị của Trung Quốc, và cùng nảy nở nền văn hóa độc lập. Nói về mặt ngôn ngữ, tiếng Nhật và tiếng Triều, khác với tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ mang tính đơn lập cao, chúng thuộc loại hình ngôn ngữ chắp dính (ngôn ngữ Altai). Cả hai ngôn ngữ này đều khó tiếp thu sự đồng hoá ngôn ngữ một cách triệt để. Trong khi đó, tiếng Việt cùng loại hình ngôn ngữ với tiếng Trung Quốc, nguy cơ đồng hoá ngày có nét khác hơn. Lịch sử văn tự này có nét rất đặc trưng. Nó chịu sự chi phối của Trung Quốc vào năm 111 trước CN, trong vòng 840 năm, kể từ khi chữ Hán trở thành văn tự chính thức bắt đầu từ lúc có chế độ khoa cử (1075), cho đến khi không còn chế độ khoa cử vào năm 1915 (miền Trung 1918), chữ Hán với tư cách là văn tự chính thức, Hán văn trở thành văn chương chính thức ở nước này. Tức là đối với trí thức Việt Nam, việc thông hiểu Hán văn (tiếng Trung Quốc) là điều kiện không thể thiếu được. Có thể nói đó là việc quan trọng hơn việc thông thạo tiếng mẹ đẻ. Và thế là biết chữ thực tế không có gì khác là biết chữ Hán.

Nhu cầu ghi lại tiếng nói dân tộc: Cũng giống như người Nhật, người Triều Tiên, trong một bộ phận tầng lớp trí thức này sinh nhu cầu muốn ghi lại tiếng nói dân tộc. Lúc này, người Việt cũng giống như người Nhật nảy sinh ý nghĩ thử ghi lại tiếng nói dân tộc bằng cách dùng chữ Hán vốn đã có bên cạnh mình và gia công thêm một chút. Đó là việc nảy sinh văn tự gọi là chữ Nôm.

Chữ có nghĩa là văn tự, Nôm có nghĩa là lời nói hay là Nam (đối lập với Trung Quốc) cả từ này có nghĩa là văn tự của lời nói hay văn tự của nước Nam, nó đối lập với văn tự chính thống "chữ Nho" với ý nghĩa là văn tự của nhà nho.

Nhưng, việc đó không thành công như tiếng Nhật. Tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm tiết. Bằng phương pháp Manyogana gắn chữ Hán mang hình, âm giống với từng âm tiết cần ghi, hình thành một quy ước nhất định giữa chữ và âm, đồng thời giản lược hóa và tự mẫu hóa những chữ Hán ấy đi. Đối với người sử dụng, nếu ghi nhớ một số lượng chữ Hán nhất định, hay là ghi nhớ Hiragana (chữ Hán đã được giản lược hóa) là hoàn toàn có thể ghi lại từng âm tiết của tiếng mẹ đẻ mà không cần phải biết âm và nghĩa của chữ Hán. Nhưng tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập đơn âm tiết như tiếng Trung Quốc. Nó hoàn toàn giống tiếng Trung Quốc là mang tính chất văn tự biểu ngữ, cần có văn tự định sẵn cho từng tiếng một. Tức là, nếu nói về mặt lý thuyết, nó cần có từng văn tự cho từng âm tiết, từng từ, cho dù là đồng âm nhưng ý nghĩa khác nhau. Vả lại, vừa ghi bằng Kanamaziribun như ở tiếng Nhật, lại vừa ghi nguyên dạng những từ mượn từ tiếng Trung Quốc thì khó phân biệt đâu vốn là chữ Hán, đâu là chữ Nôm. Lại nữa, bộ phận biểu âm và bộ phận biểu ý của chữ Nôm phần lớn dựa vào âm và nghĩa của chữ Hán, nếu không am hiểu chữ Hán thì không được. Một số chuyên gia nói rằng do bọn thống trị ngăn cấm sử dụng văn tự dân tộc và đốt phá nền văn hiến này nên sự phát triển của loại văn tự này bị dừng lại và cuối cùng cũng không có được đặc tính phổ cập trong nhân dân. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Chữ Nôm chẳng qua là một công cụ đặc biệt nằm trong một thể thống nhất với chữ Hán - một công cụ thống trị của giai cấp thống trị. Tuy nó rất có ích với tư cách là phương thức biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn dân tộc của tầng lớp tri thức tinh thông chữ Hán; nhưng phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng nó không có tính phổ biến mà chỉ tựa như "cái bánh vẽ" đối với người dân bình thường không có dịp được biết đến chữ Hán, văn Hán. Nếu vứt bỏ chữ Hán, cái tạo thành vỏ ngoài, thì đương nhiên cũng không còn lý do tồn tại chữ Nôm được. Nghĩa là, không thể nhìn thấy cái bên trong (cái nội dung) được biểu hiện ra bên ngoài. Thế nhưng, đối với trí thức Việt Nam trong điều kiện song ngữ thì chữ Nôm vẫn cứ là văn tự của dân tộc, nó có lý do tồn tại và có tác dụng hữu hiệu trong việc thể hiện tính dân tộc.

Trong lịch sử Việt Nam còn ghi lại một số người tích cực sử dụng chữ viết của dân tộc này với tư cách là văn tự chính thức như: vào khoảng năm 1400 khi triều Trần bị sụp đổ (1225-1339) có Hồ Quý Ly người dựng lên triều nhà Hồ; có Quang Trung Nguyễn Huệ (cuối TK XVIII) người ra đời từ phong trào Tây Sơn; Có Nguyễn Trường Tộ (1827-1871) học giả dưới triều Tự Đức đã tích cực kiến nghị với nhà vua về vấn đề này; đặc biệt có một số người đã khuyến khích phong trào sáng tác bằng chữ Nôm và tự mình cũng cầm bút viết như Lê Thánh Tông (1442-1497), Trịnh Kiểm (giữa TK XVI), Lê Quý Đôn (1726-1784)... Nhưng nỗ lực của họ không đi đến đâu mà lý do đương nhiên như đã nói ở trên. Thay vào đó là dùng hình thức văn tự có tính chất dễ phổ biến (tức chữ Latinh) để khích lệ tinh thần dân tộc. Dạng văn tự này, cũng giống Hiragana của Nhật Bản, chỉ cần biết một số quy ước nhất định giữa âm và chữ thì ai cũng có thể sử dụng được. Nó thâm nhập vào trong dân chúng một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong việc xóa bỏ nạn mù chữ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, nó chiếm vị trí là một dạng văn tự tiêu chuẩn. Và thế là, người ta đã không tiếc việc thay thế chữ Nôm bằng dạng văn tự chính thức là chữ Latinh, cái tên gọi được dùng là chữ Quốc ngữ.

III. Ý nghĩa của chữ Nôm

Chữ Nôm, như trên đã nói, chẳng qua là một nhánh của chữ Hán, là thứ văn tự mà bản thân nó không có sự thú vị nào. Nhưng việc nghiên cứu văn tự này sở dĩ có tầm quan trọng là vì dạng văn tự này chiếm một phần không nhỏ trong lịch sử Việt Nam. Nếu bỏ qua việc nghiên cứu văn tự này, bỏ qua việc nghiên cứu thấu đáo nền văn hiến được ghi lại bằng thứ văn tự này, thì ở mặt nào đó, việc nghiên cứu về Việt Nam sẽ không đem lại kết quả trọn vẹn. Nói như vậy không phải là quá lời, bởi vì dạng văn tự này không ghi lại tiếng Trung Quốc - Hán văn, mà nó chính là phương thức duy nhất ghi lại tiếng Việt - ngôn ngữ của dân tộc.

Trước tiên, hãy xem xét tầm quan trọng của nó từ góc độ nghiên cứu lịch sử. Dạng văn tự này rất tự nhiên không sử dụng để ghi lại chính sử, nhưng các tác phẩm tự sự trường thiên lịch sử được ngâm và được ghi lại dưới dạng thơ bằng tiếng Việt có rất nhiều, nó tạo thành một thể đối lập với chính sử được biên soạn theo lệnh của nhà vua và viết bằng chữ Hán. Tuy có thể nói nó thiếu giá trị của một tư liệu lịch sử, nhưng nó thể hiện đầy đủ thế giới quan lịch sử của bản thân người Việt. Những tác phẩm tiêu biểu.

- Đại Nam quốc sử diễn ca: do Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái soạn năm Tự Đức 23 (1870).

- Thiên Nam ngữ lục: chưa rõ tác giả. Sách ra đời vào cuối thế kỷ XVII.

Nhưng không chỉ có vậy. Chúng ta không nên quên rằng từng một thời gian dài có rất nhiều tác phẩm ghi lại bằng chữ Nôm như chiếu sắc, công văn, thư từ thông tin thương nghiệp... Nếu xem xét một sự thật là hồi đầu thế kỷ này, Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu (1867-1940) người kêu gọi đồng bào chống Pháp mở đầu cho phong trào Đông du của hội Duy Tân, được dịch ra tiếng Việt dưới dạng thơ lục bát và ghi lại bằng chữ Nôm có xen chữ Quốc ngữ, đã làm rung động trái tim của thanh niên, thì ta hoàn toàn có thể thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa thứ văn tự này và tiếng Việt Nam với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thành tựu trong văn học: đóng góp của bộ phận chữ Nôm trong văn học là rất lớn. Tiếng Việt cũng giống như tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ rất thích hợp với văn vần. Hơn nữa, người Việt Nam vốn quen thuộc với thơ chữ Hán trong một thời gian dài, việc họ sáng tác thơ nhiều hơn với các hình thái văn học khác cũng không có gì là lạ. Nói cách khác, Hán Việt văn học(2) trên cơ sở được luyện tốt về thơ chữ Hán, cho dù bề ngoài là Hán văn, nhưng ngay bên trong, một thế giới mang tính chất dân tộc độc đáo lập tức được hình thành. Có thể nghĩ rằng nền tảng thơ bằng ngôn ngữ dân tộc được hình thành một cách nhanh chóng và đầy đủ dưới một kích thích nào đó. Thể thơ Hàn luật vốn cải biến từ thơ Đường luật và mang đậm nét tính chất Việt Nam. Trên cơ sở đó hoàn chỉnh thể thơ lục bát và song thất lục bát độc đáo, sáng tạo nên thế giới của thơ Quốc ngữ, thơ Quốc âm. Như vậy, cái duy trì và nuôi dưỡng nó, hiểu theo đúng nghĩa đen, đó chính là chữ Nôm.

Người Việt Nam khởi sáng ra thơ Quốc ngữ, phải kể là Hàn (Nguyễn) Thuyên (cuối TK XIII). Điều này căn cứ vào các đoạn ghi chép dưới đây ở sử sách:

1. Nhâm Nhọ Thiệu Bảo tứ niên (1282), mùa thu, tháng 8, có cá sấu đến Sông Lô, vua (Trần Nhân Tông) sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông, cá tự bỏ đi. Vua thấy việc đó giống Hàn Dũ, bèn ban cho Nguyễn Thuyên họ Hàn" (Đại Việt Sử ký toàn thư Q.5,57).

2. "Nguyễn Thuyên, người Thanh Lâm, Hải Dương, giỏi làm thơ phú Quốc ngữ, nhiều người bắt chước theo. Về sau, gọi thơ Quốc âm là Hàn luật là từ đó" (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q.7,26a).

3. "Văn tự nước ta dùng nhiều Quốc ngữ từ thời Hàn Thuyên" (Hải đông chí lược A.103,38).

Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú còn ghi lại tên cuốn Phi Sa tập, tập thơ Quốc ngữ của Hàn Thuyên. Đáng tiếc là tập thơ này không còn nữa.

Ngoài ra, trong sử sách, còn ghi tên những người giỏi thơ Quốc âm như Nguyễn Sĩ Cố (cuối TK XIII đầu TK XIV), làm quan Nội thị học sĩ dưới triều Trần Thánh Tông; Chu An (TK 14), Quốc tử giám Tư nghiệp dưới triều Trần Minh Tông; Hồ Quý Ly (cuối TK XIV đầu TK XV) người đã nói ở mục trước. Nhưng tác phẩm của họ không được truyền lại. Thơ Quốc âm dưới triều Trần mà họ đang sống thực tế đã được xác lập hay chưa; chưa đủ chứng cớ. Nhưng nếu thử xem xét: Sách Gia huấn ca(3) của Nguyễn Trãi (1380-1442) mà H. Maspéro đưa ra với tư cách là một tác phẩm Nôm cổ nhất hiện còn, các tác phẩm trong Quốc âm thi tập của ông Nguyễn Trãi hay các ghi chép trong sử sách nói rằng ông sưu tầm nhiều sắc lệnh và nhiều bài thơ viết bằng chữ Nôm của Hồ Quý Ly và dâng cho Lê Thái Tổ - người lãnh đạo của ông, thì có thể nghĩ rằng thơ Quốc âm được xác lập đầy đủ vào thời nhà Trần là hoàn toàn thỏa đáng (Đại Việt Sử ký toàn thư Q11.38a).

Mọi người đều biết rằng văn học chữ Nôm có lẽ đã nảy sinh và tồn tại liên tục từ đời nhà Trần (đầu TK XIII- cuối TK XIV). Cho đến đầu thế kỷ này và tiếp đó được đọc rộng rãi cũng như được phiên âm ra chữ Quốc ngữ - dạng chữ viết tiêu chuẩn hiện đại. Có thể nói đóng góp của chữ Nôm trong lịch sử văn học Việt Nam, trên thực tế còn có những điều không thể kể hết được, mặt khác nếu xem xét dạng văn tự này từ góc độ ngôn ngữ học, thì dẫu thế nào đi chăng nữa, loại văn tự này cũng là quan trọng ở chỗ nó là cách thức duy nhất ghi lại tiếng Việt. Có không ít các vấn đề hấp dẫn gắn liền với dạng văn tự này, như sự thay đổi trên lĩnh vực âm vận, sự thay thế của các nghĩa từ, sự biến đổi trên lĩnh vực ngữ pháp. Chẳng hạn ở vấn đề biến đổi âm vận, cần có những nhận thức tối thiểu dưới đây:

Thứ nhất: Ở loại văn tự này không thể đóng khung về mặt thời gian. Nó không phải bỗng dưng hình thành ở một thời điểm nhất định nào đó, mà nó được ra trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm qua hàng nghìn năm. Và như đã biết, văn tự này mang đặc tính cố hữu đó là tính kế thừa rất mạnh mẽ. Với tư cách là văn tự ở một thời đại nhất định, thì công việc truy tìm âm vận tiếng Việt đứng đằng sau nó là cực kỳ vất vả.

Thứ hai: Không thể hạn định về mặt không gian (địa lý). Nói cách khác, những lối viết cá nhân từ các địa phương chứ không chỉ giới hạn ở thành phố, những sở thích cá nhân đó có thể được đưa vào rất nhiều. Đó là lý do hạn chế tính hệ thống của chữ Nôm.

Thứ ba: Điểm hạn chế về mặt đặc điểm của loại văn tự này là nó còn dựa rất nhiều vào tính chất biểu ý hay là tính chất biểu ngữ giống như ở chữ Hán; còn yếu tố biểu âm tương đối nhỏ. Tức là âm có ở đằng sau chữ chỉ là ám chỉ, việc đọc chính xác những chữ đó rất khó khăn. Hơn nữa, chữ Nôm dựa hoàn toàn vào âm đọc chữ Hán, tức âm đọc tiếng Trung Quốc. Phải nói rằng chúng ta vẫn gặp những khó khăn về thời gian và không gian như trên khi phiên âm, giải thích chữ Nôm.

Những điều nhận thức trên đây không thể thiếu được khi nghiên cứu chữ Nôm, khi phiên âm giải thích các tác phẩm Nôm...(4)

Lã Minh Hằng (sưu tầm và dịch)

CHÚ THÍCH

(1). ON và KUN là 2 cách đọc chữ Hán ở Nhật Bản. Cách đọc này xuất phát từ khi đọc các kinh Phật trong hệ thống Ngô âm thời Heian.

(2). Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân: Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu TK XVIII, tập I, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, tr.220.

(3). Về tác giả Gia huấn ca vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Xem Hoàng Văn Lâu: "Ai viết Gia huấn ca", Nghiên cứu Hán Nôm, 1984.

(4). Xin chân thành cảm ơn Ô.Takao Yao - thực tập sinh Nhật Bản và GS.TS Nguyễn Quang Hồng đã xem hộ bản dịch trước khi đưa in – LMH./.

TB

THỬ ĐƯA RA QUAN NIỆM VÀ CÁCH
GIẢI THÍCH VỀ CHỮ NÔM CỔ

NGUYỄN NGỌC SAN

Đã có một thời, khi phiên âm một văn bản Nôm mà gặp phải những chữ khó, oái oăm không biết nên đọc như thế nào, người bảo nên đọc thế này, người bảo nên đọc thế nọ, mà không biết ai đúng ai sai. Người ta thường gọi những chữ Nôm hắc búa ấy là chữ Nôm cổ, vì nó có điểm nào đó khác hẳn chữ Nôm ngày nay. Lúc này chữ Nôm cổ đồng nghĩa với chữ Nôm khó.

Khi khảo sát sâu hơn một chút về chữ Nôm, ta nhận thấy có nhiều từ (cùng âm cùng nghĩa) trong chữ Nôm được viết khác nhau, trong đó qua thực tế đọc Nôm có thể khẳng định được chữ nào có trước, chữ nào có sau. Ví dụ từ trống (nhạc cụ gõ) đã trải qua các cách viết sau:

Và ta gọi chữ Nôm nào xuất hiện trước là chữ Nôm cổ. Chữ cổ ở đây được đo bằng một thời gian tương đối. Một chữ Nôm cổ chỉ được xác định bằng sự đối lập với hình thức có sau nó, ví dụ chữ tay 1 cổ hơn chữ tay 2 ; chữ phướn 1 幡 cổ hơn chữ phướn ; chữ trước 1 cổ hơn chữ trước 2 và chữ trước 3

Song sự so sánh này cũng có chỗ khập khiễng và chưa đủ để xác định được một chữ Nôm cổ bởi vì không phải chữ Nôm nào trong quá trình phát triển lịch sử cũng được thay thế bằng một cách viết khác. Nếu chữ Nôm nào cũng thay đổi tự dạng thì chữ Nôm với tư cách là hệ thống chữ viết sẽ mất sự đứt đoạn trong văn tự. Nó khác với sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ là kết quả sáng tạo ra một loại hình văn tự mới có thể thay thế chữ Nôm. Có thể có những mã chữ Nôm mà từ khi xuất hiện đến nay không hề thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể. Ví dụ: căn cứ vào bản phụ lục các chữ Nôm gặp trong các văn bản có niên đại chính xác ở cuối sách Một số vấn đề về chữ Nôm của Nguyễn Tài Cẩn(1) ta sẽ thấy các chữ nêu sau đây đến nay vẫn không có gì thay đổi: oản (bộ mễ + uyển) năm 1210. Vườn 园 năm 1342, tiếng năm 1486, nhe 土而 (bộ thổ + nhi) năm 1210, đồng 同 năm 1210, dòng (bộ thủy + dụng) năm 1486 v.v.. vậy thì nhìn về hình thức tự dạng, các chữ cổ lại là những chữ rất mới vẫn còn dùng ở đầu thế kỷ XX. Điều này cũng dễ hiểu vì những chữ hay những từ cổ thực tế lại chính là những chữ và từ cơ bản, không thể thay thế, do được sử dụng liên tục không ngừng. Về mặt ngôn ngữ cũng thế, các từ: mặt, mũi, chân, tay, bụng, cổ, mắt, ăn, mặc... hiện nay vẫn đang dùng trong lời nói hàng ngày lại chính là những từ cổ nhất thuộc gốc mon-khmer có cách đây hàng mấy ngàn năm (tất nhiên ngày xưa đọc theo cơ chế âm thời Tiền Việt Mường). Vấn đề đáng nói là ở chỗ cách tính thời gian trước sau dựa vào tự dạng ở đây hầu như bất lực, trừ một số ít trường hợp.

Vấn đề cần xét là ở khu vực nào thì chữ Nôm không thay đổi và ở khu vực nào thì hiện tượng này xảy ra ngược lại. Đây là điểm phức tạp từ trước đến nay ít ai nhắc tới. Nhưng không xét kỹ điểm này thì cũng khó tìm ra tiêu chí để xác định một chữ Nôm cổ theo nghĩa đã nêu ở đầu bài này. Chữ Nôm trong suốt 7, 8 thế kỷ vẫn liên tục được sử dụng nhưng chưa bao giờ được chuẩn hóa, chưa có một cuốn sách nào qui định về cách viết chữ Nôm. Vậy mà lạ thay, các nhà Nho vẫn viết chữ Nôm mà người cùng thời ai đọc cũng hiểu cả. Có một cái mã chung tiềm ẩn trong óc mọi người, khiến cho mọi người viết ra cả cộng đồng văn hóa cùng đọc hiểu được. Đó là cái mã ngữ âm của từng thời kỳ, điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất ý kiến và chúng tôi đã có dịp bày tỏ ở một số bài báo(2).

Do chỗ ngữ âm tiếng Việt có sự thay đổi, một số chữ Nôm ở thời trước đó có độ trật khớp khá lớn so với ngữ âm đương thời. Nhất là những chữ đó lại có mặt trong những văn cảnh dễ gây ra sự hiểu lầm thì buộc lòng người ta phải dựa trên cơ sở mã chữ cũ mà thay đổi đi ít nhiều (thường thay đổi bộ phận ghi ý) để tạo ra mã chữ mới dễ đọc hơn. Ví dụ chữ góc 1 角 (âm Hán là Kjak) khi đã có xu hướng k > g rồi thì góc 2 viết là (giác + cốc); chữ vuông 1 khi đã xảy ra sự biến âm b > v thì vuông 2 viết là (phương + bông); chữ buồng 1 房 (âm Hán cổ là Pjwang) khi đã có âm Hán Việt rồi thì buồng 2 viết là (phòng + bồng) v.v.. Nhưng không phải khi ngữ âm biến đổi, tất cả các chữ Nôm nằm trong luồng biến đổi này đều thay đổi dạng tự, một số chữ đã thực sự ổn định qua thời gian dài vẫn duy trì hình thức cũ cho đến tận ngày nay. Chính những chữ này đang làm cho giới Hán Nôm phải đau đầu (để tìm cách đọc đúng và giải thích đúng) và dễ gây ấn tượng chữ Nôm là một thức văn tự lỏng lẻo, không có quy củ. Cho nên khái niệm về chữ Nôm cổ không phải là căn cứ vào cái cốt ngữ âm cổ làm lõi cho tự dạng ấy. Vì vậy điều đáng quan tâm hàng đầu cũng chính là vấn đề ngữ âm.

Để diễn giải rõ hơn, ta có thể xem xét những dữ liệu sau đây: 1/ Các mã chữ Nôm hiện nay đang dùng và đang được tranh cãi về cách cấu tạo cũng như về cách đọc(3), và 2/ Các mã chữ Nôm rất ít xuất hiện nên khá xa lạ đối với một số người, nhưng lại là những cứ liệu rất đáng được bàn luận.

1. Trước hết hãy xem xét các chữ Nôm thuộc loại 1.

Để tiện phân tích và giải thích, khi nêu dẫn chứng, loại 1 còn có thể phân nhỏ thành 2 nhóm (1a và 1b):

a- Các mã chữ không đọc theo âm Hán Việt nhưng thông lệ đối với các chữ Nôm khác mà đọc theo âm Hán thượng cổ được Việt hóa, gọi là âm Tiền Hán Việt. Ví dụ:

bếp (bộ hỏa + phạp) (1)

mướp (bộ mộc + phạp) (2)

bướm (bộ trùng + phạp) (3)

mép 口乏 (bộ khẩu + phạp) (4)

bỏng (bộ hỏa + phụng) (5)

bóng (bộ nguyệt + phụng) (6)

bụng (bộ nhục + phụng) (7)

đêm (bộ nguyệt + triêm) (8)

đèo (bộ sơn + triêu) (9).

Trước nhất phạp phụng là đọc theo âm Hán Việt, âm này không giải thích được cách đọc âm Nôm. Ở đây phải đọc theo âm Hán thượng cổ p thuộc mẫu bang, âm Việt hóa là bạp bụng. Lại theo phép đối chuyển, nghĩa là các âm cuối -p, -t, -k có thể chuyển thành -m, -n, -ng và ngược lại, nên âm bạp có thể chuyển thành bam, bàm. Xét các chữ trên:

Chữ (1) đọc chuyển theo cách bạp > bếp

Chữ (2) đọc chuyển theo cách bạp > mướp.

(ở đây có sự chuyển đổi âm đầu b ~ m như bồ hôi ~ mồ hôi; bồ hóng ~ mồ hóng; bồ hòn ~ mồ hòn(3) cũng có thể nghĩ âm mướp ngày nay có tiền thân là một thủy âm b, hiện nay mướp trong tiếng Tày còn đọc là buộp)

Chữ (3) đọc chuyển theo cách bạp > bàm > bướm

Chữ (4) đọc chuyển theo cách bạp > mạp > mép.

Chữ (5) đọc chuyển theo cách bụng > bỏng

Chữ (6) đọc chuyển theo cách bụng > bóng

Chữ (7) đọc chuyển theo cách bụng > bụng

Chữ triêu triêm cũng đọc theo âm đầu Hán thượng cổ (t) thuộc mẫu đoan Việt hóa thành (đ) đọc là diêu diêm, vậy thì:

Chữ (8) đọc chuyển theo cách diêm > đêm

Chữ (9) đọc chuyển theo cách điêu > đèo.

Đây là một sự thực còn thấy tồn tại trong nhiều văn bản cổ. Trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng Kinh(4), câu chữ Hán "Xan qua quả ngũ cốc" dịch là "ăn những Klái (trái) bí". Chữ được viết là (5) (bộ thủy + phi). Rõ ràng ở đây phi được đọc theo âm Hán thượng cổ là bi và cách đọc chuyển là bi > bí.

Cũng vậy, ở các văn bản sau này (kể cả Kiều) một số chữ vẫn được đọc theo âm Hán thượng cổ như trọc 濁 đọc là đục, trúng 中 đọc là đúng, phọc đọc là buộc, vụ 霧 (sương) đọc là mù, vu 巫 (bà đồng) đọc là mụ.

1b, Các mã chữ không đọc theo âm Hán Việt cũng không đọc theo âm Hán thượng cổ mà: a/ có thể nghĩ là đọc theo âm nửa vời trên con đường chuyển sang âm Hán Việt hoặc b/ đọc theo âm Việt cổ. Ví dụ âm đầu t Hán Việt có đi qua một âm trung gian là s(6) hoặc có thể nghĩ là âm đầu t Việt ngày nay trước thế kỷ XV còn đọc là âm đầu s. Ví dụ: Sách PT câu "bạch cốt phiêu linh" dịch là "Xương bạc 珊 (trong san hô) 索(7) (trong yêu sách)" san sách là từ tan tác sau này (7 trường hợp).

Các mã chữ có âm đầu th Hán Việt ngày nay được viết bằng các chữ có âm đầu s. Âm s cũng là âm trung gian s trước khi sang âm th Hán Việt(8) và cũng là âm đầu trong tiếng Việt cổ S, sang thế kỷ XVI sẽ chuyển thành th như là hệ quả của quá trình s > t đã xảy ra ở thế kỷ XV. Tất cả các từ thưa, thơ (thơ ca) trong Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú đều được ghi bằng chữ (9) (bộ túc + thúc Trong PT, tất cả các chữ ninh (thà) đều được dịch thành 蛇 10) như câu "ninh dĩ tỏa chủy trảm toái kỳ thân" dịch là "Sà (thà) lấy dùi sắt chém bướp (rách mướp) cong (trong) vóc (thân) này", câu "bất tôn sư phạm" dịch là "chẳng đòi (theo) 柴 (11) (thầy) dạy". Lại có nhiều chỗ dùng chữ Hán Việt đọc thiết để ghi từ sắt (đọc với âm s).

Cách ghi các nhóm âm đầu tiếng Việt cổ cũng có những nét đặc biệt ở một số chữ Nôm. Trong PT và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (bản Dương Bá Cung) từ trong nhất loạt được ghi bằng chữ 工 (công). Một số sách phiên âm trước đây phiên là cong, thực ra là cách ghi đặc biệt của Klong sau biến âm thành trong. Cũng vậy, ở các sách trên từ trả nhất loạt được ghi là 把 (bả) ví dụ câu "dĩ thử báo thân ân" dịch là "lấy vậy mà bả (trả) ơn áng ná", câu “lục giả nhĩ bú dưỡng dục ân” dịch là: "sáu là bả ơn bú mớm". Từ trăm sách PT đều ghi là 林 (ghi ăm tlăm), như câu "mẫu niên nhất bách tuế" dịch là "tuổi mẹ một lâm (trăm) năm" từ trẻ được ghi là 禮 (lễ), ví dụ câu "hài nhi tại mẫu phúc" dịch là "con lễ" (trẻ) ở cong (trong) lòng mẹ". Ta biết các âm đầu ts ngày nay đều bắt nguồn từ các âm kl, bl tl cổ. bl tl còn tồn tại đến thế kỷ XVII trong từ điển của A.de Rhodes. Trong chữ Nôm có thể ghi bằng âm đầu l như vừa dẫn trên, cũng có thể ghi bằng kl như cự-l..., cá-l..., cổ-l hoặc ba-l..., ví dụ ở PT câu "chiêm ngưỡng tôn nhan" dịch là " (12) (Klong > (trông) mặt Bụt", từ trạng ghi là ba-lăng .

Cách ghi bằng l cự-l..., cô-l..., còn được dùng để ghi nhóm phụ âm kr sau này sẽ biến thành S tiếng Việt hiện đại. Do hệ thống âm Hán Việt không có thủy âm r nên phải dùng l thay thế vào. Ta gặp ở PT rất nhiều trường hợp này, ví dụ câu "đệ tử như hà nhận biện" dịch là "đệ tử làm 牢(13) (Krao) mà biết", câu "ẩm nương bát hộc tứ đấu bạch nhũ" dịch là "uống vào tám hộc tư đấu (14) (Krã > sữa); câu "huyết lưu biến địa" dịch là "máu chảy 律(15) (Kruat > suốt) hết đất" - trường hợp này cũng có thể ghi theo từ cổ, ta biết từ suốt tiếng Việt ngày nay đồng nghĩa với từ lọt trong tiếng Tày cổ; câu "đề khốc mục thũng" dịch là "Kêu khóc mắt (16) (Krưng > sưng)".

Các hiện tượng s > t; s > th đã được Nguyễn Tài Cẩn chứng minh rất rõ (sđd). Hiện tượng kl, bl, kl > thì bl tl ta thấy ở thế kỷ XVII nó còn tồn tại song song với tr. Trong từ điển của A.de Rhodes có 25 trường hợp tl tồn tại song song với tr, 7 trường hợp bl tồn tại song song với tr. Xét về nguồn gốc, gl tl có thể bắt nguồn từ kl. Maspéro(17) cũng cho rằng kl đã được thay thế bằng tl trước khi chuyển sang tr trong tiếng Việt, bằng gl trong tiếng Thái, Mèo. Trong tiếng Mường hiện tồn tại cả kl tl hiện tượng kr > s thì ta thấy trong Việt Mường chung tồn tại các nhóm phụ âm có r như kr trong tiếng La ven. Úy Lô, gr trong tiếng Thái, pr trong tiếng Bana. Những nhóm phụ âm này được duy trì trong một thời gian dài sau đó r chuyển thành âm lỏng l trong các tiếng Hung, Khong Kheng, Sách và Tha vừng. Ở tiếng Việt thì nhóm phụ âm này tới thế kỷ XV chuyển sang âm sát quặt lưỡi s (s quốc ngữ). Theo M.Ferlus(18) có lẽ trước nhất các nhóm có r phải hòa lẫn vào nhau thành Kr rồi qua Khr để thành ks trong tiếng Thạch bì. Từ đây K bị rụng lại r trong tiếng Mường Làng Lỡ, trong khi ấy /kh/ ở tiếng Vân Mộng và Tân Lạc cũng bắt nguồn từ Kr do tính xát mà chuyển sang s, ta có thể so sánh như sau:

Uý Lô Vân Mộng Thạch Bì Làng Lỡ Việt
Kraw Khaw Ksaw saw sao
Krong Khong ksong song song
Kru Khu Ksâu so sâu

Ở trong tiếng Thái ngày nay cũng có hiện tượng những từ ghi bằng nhóm phụ âm có r đã được đọc bằng âm s, ví dụ:

chữ âm nghĩa
dron son làm
druan suân ngực
dram sam đáng yêu
drôm sôm tưới

2. Tiếp theo, cần xem xét các mã chữ Nôm ít gặp và chưa được khảo sát kỹ. Dĩ nhiên ở đây không thể nào đưa ra được tất cả vì các văn bản cổ còn chưa phát hiện được nhiều. Tuy nhiên, những cứ liệu có được cũng đáng để chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc.

Thường một tiếng, một âm tiết trong tiếng Việt đều được biểu hiện bằng một khuôn vuông chữ Nôm, nhưng trong PT và lẻ tẻ một số nơi ở văn bản khác ta lại gặp hiện tượng một từ đơn tiếng Việt được thể hiện bằng hai khuôn chữ Nôm. Ví dụ câu "bách thần toàn bị" dịch là "lâm (trăm) thần 婆 論19) no", ở đây bà luận là phiên âm blọn, sau là trọn. Câu "nhậm nhiễm nhân tuần" dịch là 麻 吞 麻 碌 (20) "luân hồi", ở đây ma lận ma lục, là ghi âm mlăn mloc. Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi ta cũng gặp hiện tượng tương tự. Ví dụ câu 婆 馭 bà ngự (ngựa) già thiếu kẻ chăn". Trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn cũng có câu "văn chói chói gấm trên bà ngự (ngựa)", bà ngự là từ cổ hiện tồn tại trong tiếng Pakatan với hình thức [mang] tương ứng với từ ngựa tiếng Việt, chỉ là một âm tiết mờ vô nghĩa). Câu khác: "dấu người đi 多 mòn" trước thường phiên là "là đá", không rõ nghĩa. Thực ra la đa cũng là cách phiên từ lata hiện tồn tại trong các tiếng Mày, Rục tương ứng với từ đá Việt, la cũng phiên âm một âm tiết mờ vô nghĩa. Nhìn chung, loại chữ Nôm hai khuôn này nhằm phiên âm một từ cổ gồm một âm tiết mờ và một âm tiết tỏ (hay một âm tiết phụ tố và một âm tiết căn tố).

Điều này sẽ được sáng tỏ hơn khi ta xét đến những chữ Nôm hai khuôn âm tiết khác. Sách PT có câu "ách nan huỳnh chiền" dịch là "khổ nạn 多 默 多 甫 (20) (đa mặc đa bổ), câu "cốt đầu bạch sắc" dịch là 阿 多(21) (a đa) cục xương màu bạc". Câu "sủng lộng chấn năng hoan" dịch là 阿 普, 阿 批 (22) (a phả a phê) một dường hay vui', "tập học" dịch là 巴 欲 (23) (ba dục học"... Theo ý chung tôi, các yếu tố a, đa hay ba, thể hiện một yếu tố tiền tắc họng hóa (preglottalisée) thường đứng trước các âm đầu b, đ gặp trong tiếng Việt ở thế kỷ XII (ghi là ?b, ?d) mà Haudricourt và M. ferlus thường nhắc tới (sau chúng tôi thêm ?j và ?g(24), vậy:

a đơ là ? đơ (sau thành đầu)

a bổ là ? bỗ (sau thành vỗ)

a bê là > bề (sau là về)

đa mặc là ? mắc (theo biến đổi ?b > ? m > m).

đa bộ là ? bó (sau là bó)

ba dục là ?jượt (sau là dượt).

Một số chữ Nôm khác nhìn vẻ ngoài không có gì là lạ nhưng xét mối quan hệ tay ba hình - âm - nghĩa thì lại cho những tư liệu rất quý giá và do đó cũng phải xếp vào loại quý hiếm. Ví dụ, trong PT, câu "nhật nhật tự hôn trầm" dịch là "ngày ngày tựa mơi 麻 列 25) (ma liệt) câu "thủ phan a nương tâm can" dịch là "tay bèn 波 來 (26) (ba lai) lòng gan ná". Ta thử xét các trường hợp vừa nêu:

ma liệt (mliệt) là âm tiền thân của mệt

ba lai (blơi) là âm tiền thân của bới (sau chuyển thành với). Đây là con đường biến đổi ngữ âm không điển hình mà ta đã bắt gặp trong từ điển của A. deRhodes, ví dụ: blàn > bàn mesa ou altar (bàn viết hay bàn thờ)

blệt > bệt assentarse (ngồi xuống)

Nhân đây cũng nêu ra một hiện tượng rất độc đáo, ở PT câu "Tả kiên đảm phụ hữu kiên đảm mẫu" dịch là(26) (đa mai) đam gánh áng đa mai chiêu gánh ná". Tất nhiên, theo chữ Hán, ta hiểu mai ở đây là phiên âm vai. Từ vai có nguồn gốc âm đầu m chăng? Trong tiếng Campuchia ngày nay, vai là chma "vai kề vai" là "chma kịa chma". Có một thời b m còn chưa tách bạch rõ ràng trong quá trình b > m (thực ra là ?b > ?m > m) vậy mai hay bai có lúc lẫn nhau là điều dễ hiểu. Một điều chú ý là ngoài mai, các từ ghi âm vai trong chữ Nôm đều có yếu tố lai như: 肩來 (kiên + lai) 巴來 (lai + ba) 月來 (nhục + lai). Sự có mặt của lai cho phép người ta nghi ngờ rằng khi ở dạng âm đầu b do áp lực của từ có âm đầu bl bai (vai) cũng có dạng blai trước khi sang vai. Và từ blai biến thành trai (từ điển A. de Rhodes ghi blai : macho de homen = đàn ông) và vai trong khi từ 丐 (cái) với nghĩa là đầu ("gật đầu lắc cái", sách PT) và gái (đàn bà) phải chăng có liên quan đến dân tộc học vì đàn ông mang vác bằng vai và đàn bà mang vác bằng đầu?

Cũng trong PT câu "di can tựu thấp" dịch là "dời chốn"(27) đến chốn thấp (ẩm)", cấu tẩu trạc bất tịnh" dịch là (28) (tả tái) cứt đái" (4 lần). Có thể giải thích như sau tái, tả, táo như đã biết lúc này còn đọc bằng âm đầu s. Nhưng giữa s Mường và r Việt tương ứng với nhau. Chữ Nôm ra đời khi có âm Hán Việt (thế kỷ XII) và cũng là lúc bắt đầu quá trình tách đôi Việt > < Mường, nên sự lẫn lộn s r là điều dễ hiểu. Trong An nam dịch ngữ có hiện tượng sống) để phiên âm răng và dùng sao (chép) để phiên âm rau, như vậy ở thế kỷ XV có khả năng r vẫn còn đọc là s(29). Ta lập sự so sánh Mường - Việt.

Mường Ngọc Lạc sa sắn sết
Mường Làng Lỡ sa sin sịt sa
Mường Lâm La sa sằn sùn sịt
Mường Úy Lô sa sin sun sịt sau
Việt ra rắn rốn rết rau(30)

Như vậy thì những chữ Nôm ở trên: táo phải đọc là ráo, tả đọc là rửa, tái đọc là ráy. Cũng ở PT, câu "bão trì dưỡng dục" dịch là "cự + lẫm ấp nuôi nấng" 巨稟 (31) (Klăm) có thể biến chuyển như sau kl > bl. Từ đây nẩy ra sự biến đổi không điển hình blẵm > bẵm và câu dịch trên là "bẵm ấp nuôi nấng"...

Tất cả những điều trình bày trên sẽ cho ta một ấn tượng chung là: xác định các mã chữ Nôm cổ không nên chỉ dựa vào tự dạng mà phải xét đến mối quan hệ tay ba hình - âm - nghĩa trong đó phải lấy phần ngữ âm làm chính. Nó cho phép xác định rõ một chữ này cổ hơn một chữ kia dù rằng chữ cổ ấy nhìn tự dạng vẫn không có gì đặc biệt. Việc xác định chữ Nôm cổ dựa vào ngữ âm còn góp phần ước đoán một cách có cơ sở khoa học niên đại của một văn bản ta đang nghiên cứu. Tuy nhiên, thành tựu nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt chưa phải đã thực đầy đủ mà cần phải có nhiều phát hiện và nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa. Điều đáng nói là ngày nay các nhà Nôm học nên ngả hơn nữa về xu hướng ngữ âm để có thể phát hiện thêm và giải mã hợp lý nhiều từ cổ và nhờ đó có thể phiên âm, xử lí tốt các văn bản Nôm.

CHÚ THÍCH

(1). Nxb. ĐH và THCN, H.1985

(2). Nguyễn Ngọc San: Góp vài ý kiến về âm đầu tiếng Việt cổ qua cứ liệu Nôm trong sách "Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh" - Ngôn ngữ số 3/ 1992; Thử tìm hiểu một vài sự chuyển biến âm đầu trong tiếng Việt cổ qua cứ liệu Nôm - Ngôn ngữ số 3/ 1985.

(3). Ví dụ: Đào Duy Anh: Chữ Nôm - nguồn gốc - cấu tạo diễn biến - Nxb KHXH. H, 1975. Hoàng Xuân Hãn: Chữ Nôm thời Trần Lê, phái Trúc Lâm Yên Tử. Tập san KHXH (in ở Pháp) 1979 - 1980.

(4). Tham khảo Miche, Ferlus, ASEMI 1975, vol VI, No4.

(5). Từ đây trở đi gọi tắt là PT.

(6). PT trang 18 (số đánh viết tay).

(7). Xem Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb KHXH, H. 1979, tr.191.

(8). PT.tr.37

(9).Sđd - tr.195

(10). PT - tr.14

(11). PT - tr.59

(12). PT - tr.34

(13). PT - tr.63

(14). PT - tr.13

(15). PT - tr.33

(16). PT - tr.32

(17). PT - tr.73.

(18). Maspéro - Études sur la phonétique histori que de la langue Annamite - Le initiales - BEFEO 1912.

(20). M. Ferlus (sđd)

(21). PT - tr.18

(22). PT - tr.36

(23). PT - tr.36

(24). PT - tr.12,13

(25). PT - tr.25

(26). PT - tr.33

(27). Nguyễn Ngọc San: Bđd

(28). PT - tr.22

(29). PT - tr.19

(30). PT - tr.44

(31). PT - tr.25

(32). PT - tr.32

(33). Sự chuyển đổi r ~ s còn để lại dấu vết trong tiếng Việt hiện đại ở một số từ đồng nghĩa như: sầu-rầu, sờ-rờ, soi-rọi v.v.

(34). Xem Maspéro: Bđd.

(35). PT - tr.64./.

TB

VỀ MỘT ĐÔI CÂU ĐỐI ĐỘC ĐÁO Ở
CHÙA GIÁC LÂM

CAO TỰ THANH

Được xây dựng vào năm 1774 và trở thành một Tổ đình nổi tiếng của Phật giáo ở Nam Bộ từ thế kỷ XVIII, chùa Giác Lâm (hiện tọa lạc ở đường Lạc Long Quân quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh) là một địa điểm bước vào lịch sử phát triển văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại địa phương từ rất sớm. Hiện nay ngoài việc thu hút đông đảo tín đồ cả trong nước lẫn Việt kiều tới dâng hương, hành lễ - nhất là vào các dịp lễ lớn của Phật giáo; nó còn lôi cuốn nhiều khách du lịch văn hóa tới tìm hiểu, tham quan. Đặc biệt, đối với những người nghiên cứu, chùa Giác Lâm với bề dày lịch sử của nó còn là một hệ thống tư liệu khoa học quý báu về lịch sử và văn hóa, tôn giáo và văn chương, điêu khắc và kiến trúc... Trong những tư liệu ấy có một đôi câu đối hiện treo ở hàng cột thứ nhất từ ngoài vào và đối diện với chính điện, một đôi câu đối thuộc loại độc đáo bậc nhất trong thơ văn chữ Hán ở Việt Nam

朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜
齊 齊 齋 齊 齊 戒 齊 齊 齋 戒

Trên "văn bản gốc", vế trước của đôi câu đối này có hàng chữ nhỏ "Sắc tứ Kiểng Phước tự Chủ trì Trần Bửu Hương kính phụng", và vế sau có hàng chữ "Tuế thứ Kỷ Dậu niên Giác Lâm tự lạc thành chi khánh" hợp lại thành phần lạc khoản cho biết nó được Hòa thượng Trần Bửu Hương trụ trì chùa Kiểng Phước tặng nhân dịp trùng tu chùa Giác Lâm năm 1909. Và có lẽ đến 1990, nó mới được đề cập tới lần đầu tiên trên sách báo quốc ngữ, với bản phiên âm của ông Nguyễn Quảng Tuân trong quyển Những ngôi chùa danh tiếng (Nxb. Trẻ và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.172) . Nhưng ở đây ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ phiên âm (không ngắt câu và không dịch nghĩa) ra là "Triêu triêu triêu triêu triêu bái triêu triêu triêu bái; Trai trai trai trai trai giới trai trai trai giới". (Phiên chữ tề ra chữ trai)! Theo tôi, ông Nguyễn Quảng Tuân đọc như vậy là sai, vì câu đối này phải được đọc và hiểu như sau:

Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái
Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới.

(Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái
Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới).

Về nội dung đây là câu đối khá đặc sắc. Ngày khánh thành dịp trùng tu một Tổ đình như chùa Giác Lâm, thì còn thiếu gì thiện nam tín nữ tới vui mừng, còn thiếu gì hạng Phật tử có cả hằng sản lẫn hằng tâm tới chúc tụng... Điều đó đương nhiên là sự đáng mừng trong việc hoằng dương Phật pháp, song đối với tăng chúng trong chùa thì bấy nhiêu đã hẳn là đủ chưa? Cho nên Hòa thượng Trần Bửu Hương đã đề cập tới lý tưởng Phật giáo và phận sự tu hành của kẻ xuất gia bằng cách nhấn mạnh vào việc tinh trì giới luật. Tăng chúng càng nghiêm cẩn chuyên tâm (đây dịch là lặng lẽ) tu hành thì việc tín đồ nườm nượp lui tới (đây dịch là nhộn nhàng) cúng bái ấy mới thực có giá trị của sự thành tâm cũng như mới chứng hiện được mối quan hệ "Phật pháp bất ly thế gian pháp"... Và có lẽ các bậc chân tu đều nghĩ như vậy, nên đôi câu đối chúc mừng thoát tục kia mới được trang trọng theo trước chính điện chùa Giác Lâm trong suốt nhiều năm...

Tuy nhiên, điều làm nhiều người nghiên cứu quan tâm tới câu đối này là giá trị nghệ thuật của nó. Đáng tiếc là với văn bản ở chùa Giác Lâm, nó lại ít nhiều bị mất đi nét độc đáo vốn có. Dường như vì sợ có nhiều người không hiểu và đọc nổi, người viết chữ (có thể là chính Hòa thượng Trần Bửu Hương) đã có ý đánh dấu hai chữ triều bằng cách viết hai nét ngang trong chữ nguyệt thành hai dấu chấm, và đánh dấu hai chữ trai bằng cách viết rõ ra hai chữ trai (chữ trai cổ nhiều khi chỉ viết bằng chữ tề). Cho nên để thấy được hết sự độc đáo của đôi câu đối này về mặt nghệ thuật, thì phải khôi phục cái "bản lai chân diện mục" của nó như sau:

朝 朝 朝 朝 朝 拜朝 朝 朝 拜
齊 齊 齊 齊 齊 戒 齊 齊 齊 戒

Điểm đặc sắc đầu tiên của đôi câu đối này là ở chỗ hàng loạt chữ triêu - triều tề - trai có cùng tự hình đứng liền nhau, tạo thành hai chuỗi hình ảnh tác động vào thị giác; và kết hợp với ý nghĩa, chúng làm người đọc liên tưởng tới những hàng người đang cùng nhau vái lạy, hành lễ... Ở đây, tác giả đã chơi chữ bằng tự hình, một nghệ thuật chơi chữ chỉ có trong văn chương viết bằng loại văn tự biểu ý - tượng hình là chữ Hán. Đây là lối chơi chữ nằm trong một phong cách ngôn ngữ được gọi là Phong cách học văn tự(1), một phong cách độc đáo hầu như chỉ có ở trong văn chương và ngôn ngữ bốn nước Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Cái khó của đôi câu đối này là ở chỗ "đồng tự dị âm - dị nghĩa", nếu đọc sai tức là không hiểu và cố nhiên càng không thể dịch được, như người ta đã thấy qua bản phiên âm vô nghĩa của ông Nguyễn Quảng Tuân.

Điểm đặc sắc thứ hai của câu đối này là nó lại có chỗ không đối: hai chữ cuối của hai vế đều mang vần trắc, trong khi đúng ra phải là một trắc một bằng. Nhưng chính điểm phi lý này lại buộc người ta phải suy nghĩ rằng nó không được sáng tác theo âm Hán Việt mà là theo âm Hoa Hán. Tuy nhiên, theo giọng Quan thoại thì hai chữ bái (bài - đọc như bài) giới (Jie - đọc như che) gần như lại cùng một thanh bằng, nên rõ ràng chỉ có thể tìm được cách đọc hợp lý cho câu đối này nơi các phương ngữ Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu phổ biến trong người Hoa ở Nam Bộ. Và đây là cách đọc theo giọng Quảng Đông (phiên âm gần đúng ra tiếng Việt):

Chiêu chiêu chiều, chiêu chiêu pái, chiêu chiêu chiều pái.
Chài chài chái, chài chài cai, chài chài chái cai(2)

Rõ ràng, với cách đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông nói trên, người ta đã có được hai chuỗi âm thanh đăng đối. Đáng tiếc là chưa có đủ tư liệu để tìm hiểu về lai lịch Hòa thượng Trần Bửu Hương với những chi tiết có liên quan như nguồn gốc dân tộc của gia đình, nơi người mà ông thụ nghiệp chữ Hán...; nhưng nhìn chung ở đây chỉ có hai khả năng: hoặc đôi câu đối này là từ Trung Hoa truyền sang, hoặc nó là tác phẩm của một người Hoa mang quốc tịch Việt Nam cư trú ở Nam Bộ. Trong trường hợp thứ nhất thì đây là một bằng chứng tôn giáo về việc giao lưu văn hóa trực tiếp giữa Nam Bộ và Trung Hoa mà chủ yếu là Hoa Nam từ thế kỷ XVIII đến năm 1945. Trong trường hợp thứ hai, đây là một biểu hiện văn chương của quá trình hội tụ văn hóa đã dẫn tới sự xuất hiện một mảng từ vựng Trung Hoa du nhập vào Nam Bộ bằng con đường khẩu ngữ, mảng từ vựng đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ và góp phần làm nên nét đặc thù của phương ngữ Nam Bộ hiện nay.

Câu đối là một thể loại văn học rất đơn giản về nguyên tắc sáng tác, song chính nhờ vậy lại có phạm vi ứng dụng rất lớn. Sự xuất hiện rộng rãi của nó trong mọi tình huống giao tiếp, ở mọi tầng lớp xã hội.. hay sự tồn tại của nó cho đến hiện nay mặc dù nhiều thể loại ra đời sau nó (như thơ Đường luật, phú...) đang dần dần vắng bóng là những ví dụ. Cho nên, kho tàng câu đối trong văn học viết Việt Nam vẫn còn có khả năng được bổ sung thêm nhiều tác phẩm đặc sắc. Tuy nhiên, với những nét đặc sắc về cả chữ viết, âm đọc và ý nghĩa như nó có, đôi câu đối ở chùa Giác Lâm nói trên vẫn vĩnh viễn là một trong những câu đối độc đáo bậc nhất trong kho tàng câu đối Việt Nam.

Tháng 5.1993

CHÚ THÍCH

(1) Xem thêm Phan Văn Các, Phong cách học văn tự (Ytylistique Graphique): một đặc điểm của ngôn ngữ Hán, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (11)-1991.

(2) Xin nói thêm rằng chúng tôi chưa tìm hiểu được tất cả các giọng Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu để so sánh và khẳng định cách đọc chính xác và hợp lý nhất cho đôi câu đối này, nên rất mong được các bậc phụ huynh lớn tuổi người Hoa và người đọc vui lòng chỉ giáo - CTT./.

TB

ĐỊA DANH "BẮC HẢI" TRONG
"PHỦ BIÊN TẠP LỤC"

PHẠM HÂN

Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có chép địa danh Bắc Hải ở những đoạn mô tả về đảo Đại Trường Sa.

Trong quyển II nói về hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam có đoạn viết: "Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi (đảo) gọi là Cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải (trang 116).

"Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở phủ Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượn vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai Đội Hoàng Sa kiêm quản" (trang 120).

Qua hai đoạn ghi chép trên thấy rõ, ở Biển Đông thời đó vùng biển gọi là Bắc Hải mà gần đó là Đảo Đại Trường Sa (chỉ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay) và chúa Nguyễn đã cử một đội ra nơi này khai thác, gọi là "Đội Bắc Hải".

Nhưng vấn đề đặt ra là Bắc Hải chỉ vùng biển nào ở Biển Đông ngày nay?

Căn cứ vào những tài liệu Trung Quốc công bố gần đây, địa danh Bắc Hải được chỉ rõ là vùng quần đảo Trường Sa ngày nay mà Trung Quốc gọi là "Nam Sa".

Trong cuốn Tây Sa văn vật do Viện Bảo tàng Quảng Đông soạn và Nhà xuất bản Văn vật Bắc Kinh xuất bản năm 1975, một tài liệu dân gian của ngư dân Hải Nam đã được công bố. Tài liệu đó có tên là Canh bộ bạ, trong đó chép đường đi lại giữa các đảo thuộc Đông Hải và thuộc Bắc Hải (Phụ lục 1). Địa danh Đông Hải được cuốn sách ghi chú là "Quần đảo Tây Sa" và địa danh Bắc Hải được ghi chú là "Quần đảo Nam Sa" (Phụ lục II).

Trong cuốn Ngã quốc Nam Hải chử đảo sử liệu hội biên do Hàn Chấn Hoa chủ biên nhà xuất bản Phương Đông Bắc Kinh xuất bản năm 1988 cũng công bố 4 tập tài liệu loại này.

Bốn tài liệu này đều ghi chép giống nhau về tuyến đường hàng hải giữa các đảo thuộc Đông Hải và thuộc Bắc Hải. Trong đó, một tài liệu cuốn Tây Sa Văn vật đã công bố và một tài liệu địa danh Đông Hải được thay bằng "Tây Sa", Bắc Hải được thay bằng "Nam Sa" (trang 366-398).

Cuốn sách của Hàn Chấn Hoa còn công bố tờ trình (trích đoạn) của Chủ tịch tỉnh Quảng Đông ngày 5-8-1933 về tình hình Pháp đến quần đảo Spratly năm đó.

Theo tờ trình, ngư dân Hải Nam cho biết, khoảng tháng 2,3 theo Âm lịch (1933) người Pháp ở An Nam cho 3 tàu đến đảo Hoàng Sơn Mã ở Bắc Hải, treo cờ lên đó và phát cờ Pháp cho ngư dân Trung Quốc treo để chống tàu đánh cá Nhật quấy nhiễu (trang 259). Biết rằng, đảo Hoàng Sơn Mã, tên dân dã chỉ đảo Itu Aba, đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa mà Pháp đã chiếm hữu và sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa năm 1933 nay ta gọi là Ba Đình, Trung Quốc gọi là Thái Bình.

Như vậy, địa danh Bắc Hải trong Phủ biên tạp lục là vùng biển quần đảo Trường Sa ngày nay. Đội Bắc Hải là một đoàn thuyền đi biển được chúa Nguyễn cử ra khai thác đồ vật trên các tàu bị mắc cạn (hiện nay, trên nhiều đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, tàu Tây bị mắc cạn từ những thế kỷ trước vẫn phơi xác ở đó) và hải sản ở vùng quần đảo Trường Sa thời bấy giờ./.

TB

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VĂN BẢN "QUỐC TRIỀU HƯƠNG KHOA LỤC"

NGUYỄN THÚY NGA

Thi Hương là một bộ phận quan trọng trong chế độ khoa cử của nước ta thời trước. Nếu như khoa thi đầu tiên do triều đình tổ chức được sử ghi rất rõ là vào năm 1075 đời Lý Nhân Tông, thì trái lại, sử lại không cho biết khoa thi Hương đầu tiên ở nước ta được tổ chức vào năm nào. Chỉ thấy Đại Việt sử ký toàn thư khi chép các sự kiện xảy ra trong năm Bính Tý niên hiệu Quang Thái 9 (1396), đời Trần Thuận Tông có nói: "Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội" (Bản kỷ 8, 26b). Từ đó về sau, các kỳ thi đại khoa (gọi là thi Hội) nói chung được tổ chức trên cơ sở tuyển chọn của các kỳ thi Hương. Quốc sử cũng như thư tịch cổ, bia Tiến sĩ Văn miếu Thăng Long còn ghi được những năm mở thi Hội, số Cử nhân(1) từ khắp nơi trong nước về Kinh ứng thí đông đến hàng nghìn. Tiếc rằng số liệu này khi ghi khi không. Thí dụ từ Hồng Đức đến Vĩnh Tộ chỉ thấy ghi số Cử nhân dự thi thuộc các khoa sau đây: Hồng Đức 4 (1463): 4400 người, Cảnh Thống 2 (1499): 5000 người; Hồng Thuận 6 (1514): 5700 người, Vĩnh Tộ 5 (1623): 3000 người. Nếu tính từ cuối đời Trần cho đến hết đời Lê, với 127 khoa thi Hội, thì số Cử nhân được lấy đỗ trong các khoa thi Hương tương ứng sẽ là một con số rất lớn. Đến đời Nguyễn, tổng số các khoa thi, kể cả chính khoa và ân khoa, là 47; số Cử nhân được lấy đỗ là 5228 người. Số trí thức Nho học bậc trung đông đảo, đạt học vị Cử nhân, Hương cống này đã từng có vai trò lớn trong lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, cũng như trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đáng tiếc là, từ đời Lê trở về trước, ngoài những dòng ghi chép chung chung trong sử hoặc trong các thư tịch mà ta có thể thấy, không một tài liệu nào ghi được chính xác số người đỗ thi Hương trong từng khoa, cùng họ tên, quê quán, sự nghiệp của họ. Phải chờ đến triều Nguyễn, mới có những công trình tầm cỡ chuyên khảo về vấn đề này, mà tiêu biểu hơn cả là Quốc triều hương khoa lục. Quốc triều hương khoa lục hiện có rất nhiều bản. Viện nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) hiện lưu giữ 9 bản in, với các ký hiệu A.36/1-3; VHv.635/1-4; VHv.637/1-4; VHv.638/1-4; VHv.287/1-4; VHv.639/2; VHv.1652/1,3. Viện Sử học hiện có hai bản in: Hv.92/1-6; Hv.90/1. Thư viện Quốc gia cũng có 2 bản in mang các ký hiệu R2, R3, R4, R5(1-4); R.1549, R.1550, R.1551 (1,3,4). Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam(2), tại Paris cũng có 3 bản in: EFEO.VIET/A/Hist.36(1-5); BN.A.72 Vietnamien, 1024 tr. ; và S.A.H.M.2223, 868 tr. QTHKL gồm tất cả 7 quyển(3) kể cả quyển thủ, in ván gỗ, khổ 26x16 cm, cộng 523 tờ. Ở tờ đầu(4) có in tên sách Quốc triều hương khoa lục, biên phải ghi "Thành Thái Quý Tị thu", bên trái ghi "Long Cương tàng bản". Quyển thủ: QTHKL tự (bài tựa) của Hoàng Cao Khải(5); Hương khoa lục tiểu dẫn (Tiểu dẫn) của Cao Xuân Dục(6). Sau tiểu dẫn ghi tên người hiệu đính. Thứ đến là bài Việt Nam khoa cử tổng luận, Thiên Nam tiền triều Hương, Hội khoa thứ thí pháp lược biên. Q.1: phàm lệ, mục lục. Nội dung ghi họ tên, quê quán, chức tước của các Cử nhân từ khoa Đinh Mão, Gia Long 6 (1807), đến khoa Tân Mão, Minh Mệnh 12 (1831). Q.2: ghi từ khoa Giáp Ngọ, Minh Mệnh 15 (1834), đến khoa Đinh Mùi, Thiệu Trị 7 (1847). Q.3: từ khoa Mậu Thân, Tự Đức 1 (1848), đến Canh Ngọ, Tự Đức 23 (1870).Q.4: từ khoa Quý Dậu, Tự Đức 26 (1873), đến khoa Tân Mão, Thành Thái 3 (1891). Q.5 - Q.6 là phần Tục biên: Q.5 ghi từ khoa Giáp Ngọ, Thành Thái 6 (1894), đến Quý Mão Thành Thái 15 (1903). Q.6 từ khoa Bính Ngọ Thành Thái 18 (1906), đến khoa Mậu Ngọ, Khải Định 3 (1918).

Ngoài các bản in kể trên, còn có 3 bản chép tay là VHv.140/1-4; VHv.2700 (VNCHN) và hv.91/1-2 (Viện Sử học). Bản VHb.140 có tên là Hương khoa lục gồm 4 quyển, nhưng hiện chỉ còn 3 (thiếu Q.3). Khổ sách nhỏ (17 x 13), 209 tờ, giấy bản đã cũ, sờn rách một số chữ. Tờ đầu không ghi tên sách, năm và nơi tàng bản như các bản in, mà lại có bài Hương khoa lục nguyên tự (Nguyên tự), lời nói sau, danh sách 13 vị quyên góp tiền in sách và mục lục. Theo mục lục thì sách chỉ có 3 quyển, từ Q.1 đến Q.3, nhưng ruột sách lại có cả quyển thứ 4. Cuối Q.4 chép sót tên 5 Cử nhân của trường Hà Nam khoa Thành Thái 3. Bản VHv.2700 chỉ gồm 2 quyển Tục biên 5 và 6, do cụ Nguyễn Gia Vĩ sao lại từ bản A.36 vào năm 1964. Bản Hv.91 không ghi năm tháng và tên người sao chép. Nội dung chỉ ghi từ khoa Gia Long 6 đến Thiệu Trị 7 (tương đương với Q.1 và Q.2) nhưng không đầy đủ, thường chỉ ghi tên người thi đỗ của 2 trường Hà Nội và Nam Định.

Như vậy, chúng ta chỉ có 2 bản QTHKL đầy đủ nhất, gồm 7 quyển, ghi từ người đỗ khoa đầu tiên đến khoa cuối cùng, đó là bản A.36 (VNCHN) và Hv.92 (Viện Sử học).

Trong Bài tựa đề năm Thành Thái 4 (1892). Hoàng Cao Khải viết: "Người cùng quận với tôi là ông Phạm Quân, tự Thiếu Du thường ghi chép làm thành một tập, từ năm Đinh Mão Gia Long đến Canh Ngọ Tự Đức thì dừng lại, vì không có thì giờ nhàn rỗi mà làm tiếp. Nay quan tỉnh Sơn Tây là Cao quân coi việc được rảnh rỗi, lưu tâm đến việc cũ, bèn hỏi han, sưu tầm rộng thêm để tăng bổ cho kỹ hơn so với tập của Phạm Thiếu Du" (tờ 1a). Trong bài Tiểu dẫn, Cao Xuân Dục viết: "Từ khoa Canh Ngọ Tự Đức trở về trước, người đồng quận với tôi là ông Song Quỳnh Phạm Thiếu Du đã từng biên tập thành sách, nhưng vì xảy ra sự biến nên tàng bản bị bọn 8 người khách cướp đi" (từ 3b).

Qua Bài tựa của Hoàng Cao Khải và bài Tiểu dẫn của Cao Xuân Dục, có thể thấy trước đây đã có một quyển sách thuộc loại HKL của Phạm Thiếu Du từng được khắc in. Theo chỉ dẫn này, chúng tôi đi tìm loại sách viết về các khoa thi Hương. Tại viện NCHN hiện có một bộ sách chữ Hán chép tay đề là Hương khoa lục, ký hiệu VHv.140. Đầu sách có bài Nguyên tự (có thể hiểu là bài tựa vốn có ở một công trình khác được chuyển vào sách này) cho biết khi biên soạn sách, tác giả từng giữ chức Hàn Lâm viện Trực học sĩ, sung Sử quán Toản tu. Trong thời gian làm việc ở Sử quán, ông đã ghi chép những người đỗ Cử nhân của triều Nguyễn để làm tài liệu. Đến năm Bính Thìn (1856) ông được về hưu trí, có thì giờ bổ sung chỉnh lý lại tài liệu đã làm. Ngoài những hiểu biết trực tiếp về những người đỗ hương khoa, ông có đối chiếu với những điều ghi trong bản in cuốn Lịch khoa văn tuyển và những ghi chép của mình về các khoa thi từ năm Ất Mão (1855) về sau. Mặt khác, ông cũng tham khảo và "dựa một phần" (lược y) vào cuốn sách do Thái bộc tự khanh Trần Văn Vị(7) ở Sở cục của triều trước biên soạn. Kết quả của việc tham khảo, bổ sung, đính chính đã giúp ông hoàn thành một tập sách có tên là Lịch khoa hương thí trúng bảng tập biên (LKHT)... Tiếp phần chuyển dẫn Nguyên tự Bài tựa của Phạm Đình Toái(8) viết năm Tự Đức Quý Dậu (1873). Tác giả Bài tựa cho biết: "Năm Tự Đức Ất Sửu (1865), Hồ Đình Vĩnh Trai chủ nhân vựng biên sách (HKL), đã dẫn ghi chép của các nhà, nhưng trong điều đó đều còn nhiều khuyết lược".

Do vậy có thể biết bài Nguyên tự trên là của Hồ Đình và được biết ông là tác giả của tập sách như đã dẫn. Tập sách ấy được biên soạn xong trước năm 1865 - năm tác giả viết bài Nguyên tự. Cũng trong Bài tựa ấy, ông Phạm Đình Toái cho biết Tổng đốc Hà Ninh là ông Phục Trai họ Bùi cũng đã từng lưu tâm biên tập, tra cứu tên tuổi những người đỗ thi Hương qua tài liệu gốc ở bộ Lễ, tham khảo thêm tài liệu ở Sử quán, Nội các. Khi tra cứu, ông đều dựa vào tài liệu chép chữ son. Hoạn nghiệp, gia thế đều chua rõ ràng; phép thi, điều lệ, chức danh quan trường cũng ghi đầy đủ hơn. Theo Phạm Đình Toái thì bản của Bùi Phục Trai là tốt hơn cả, "nhất gia thành thư giã". Sau khi biên soạn, ông Phục Trai đưa cho Phạm Đình Toái nhờ xem kỹ và sung. Phạm Đình Toái nhân đó tham khảo thêm tài liệu, bổ sung trên nguyên tắc bản thảo cũ: "Những người làm quan đã về nghỉ thì ghi "làm quan đến chức..." người đang tại chức thì ghi "hiện làm quan chức...". Những người mới đỗ chưa ra làm quan hoặc làm quan nơi xa chưa biết rõ thì để trống đợi bổ sung sau" (2a). Bài tựa ghi rõ "Từ khoa Quý Dậu trở về sau sẽ ghi tiếp thành một tập khác là Ất tập, phần này là Giáp tập". Như vậy bản HKL do Bùi Phục Trai biên soạn, Phạm Đình Toái bổ sung, chỉnh lý dừng lại ở khoa Tự Đức 23, (1870), tương ứng với hết Q.3 của QTHKL.

Qua 2 bài tựa nói trên, chúng ta được biết ở đời Nguyễn việc làm sách HKL đã được một số người chú ý và thực hiện theo những mức độ khác nhau. Có thể hình dung sơ đồ về văn bản loại tài liệu này như sau:

Ghi chép từ khoa Ất Mão về trước của Hồ Đình Ghi chép từ khao Ất Mão về sau của Hồ Đình Bản của Trần Văn Vi
Lịch khoa Hương thí trúng bảng tập biên
Bản của Bùi Phục Trai Hương khoa lục Phạm Đình Toái

Mặc dù Phạm Đình Toái không nói rõ trong quá trình biên soạn, ông Bùi Phục Trai cũng như bản thân tác giả có tham khảo bản của Trần Văn Vi hay của Hồ Đình hay không. Nhưng qua việc chuyển dẫn bài Nguyên tự vào sách và qua câu ghi chung chung "hiệu chi các bản vi tường" (đối chiếu các bản là sáng tỏ), có thể nghĩ hai ông trong quá trình biên soạn cũng có ít nhiều tham khảo. Như vậy việc biên soạn HKL từ khoa đầu của triều Nguyễn đến khoa Canh Ngọ Tự Đức 23 (1870) đã hội tụ lại ở bản của Phạm Đình Toái - mà đúng ra phải gọi là bản của Bùi Phục Trai. Nói đến loại tài liệu về Hương khoa, trước đây hầu như không mấy ai chú ý đến nó. Nhưng qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có thể xem nó như công trình biên khảo sớm nhất thuộc loại này. Cũng trong Bài tựa, Phạm Đình Toái cho biết sau khi bổ sung, chỉnh lý xong, ông không nề hà sức mình, đã "quyên tiền để in thành sách, chí của Bùi công đã thành mà tên tuổi các văn nhân càng vinh hiển hơn" (2b).

Ở Viện Sử học có một bản Hương khoa lục, ký hiệu Hv.90.chữ in rất đẹp, khác với con chữ của các bản in năm Thành Thái Quý Tị. Sách rách nhiều tờ đầu và cuối, nên không rõ năm in, tên người soạn và nơi tàng bản. So sánh với bản VHb.140, có thể biết chắc đó là bản HKL in mà Phạm Đình Toái và Cao Xuân Dục đã nhắc đến ở trên - mặc dù 2 bản có một số dị đồng. Về năm in, nếu sách được in ngay sau khi Phạm Đình Toái viết Bài tựa, thì là vào năm 1873.

Như vậy, chúng ta hiện còn 2 bản HKL của Phạm Đình Toái: 1 bản in, 1 bản chép tay, nhưng đều không đầy đủ. Tìm hiểu văn bản, chúng tôi thấy VHb.140 có thể được sao chép lại từ một bản chép tay có trước bản in. Chứng cớ là ở tờ 1a, điều ghi về Trần Dung, VHb.140 ghi "Quỳnh Lưu huyện Hoàng Mai xã..", tờ 1b điều ghi về Hồ Sĩ Trinh "Sĩ chí Quảng Bình Đốc học", Hv.90 và các bản in sau đó - kể cả bản in muộn nhất đều sửa lại là Thọ Mai, Quảng Trị v.v.. Điều này chứng tỏ Hv.90 đã đính chính điều ghi nhầm của VHv.140. Như đã nói, sách HKL do Bùi Phục Trai và Phạm Đình Toái soạn chỉ có đến Q.3, nhưng bản VHv.90 lại có 4 quyển, xét về hình thức, tuy khổ sách bằng nhau nhưng Q.4 chất giấy dày hơn, mới hơn. Xét về nội dung thì phần lớn chỉ ghi được họ tên, quê quán các Cử nhân. Hơn nữa, ở khoa Thành Thái 3, cuối mục trường Thừa Thiên, VHv.140 ghi tên 1 người nữa là Vũ Bằng. Các bản in đều không có tên người này mà thay vào đó là Hoàng Hữu Bỉnh, có một số bản khắc bổ sung Nguyễn Thúc Úy bằng con chữ nhỏ đặt bên cạnh. Theo Tiểu dẫn của Cao Xuân Dục thì ông là người soạn quyển này: "Nhân đó lại soạn tiếp từ khoa Quý Dậu cho đến nay, tất cả 38 khoa, số người được lấy đỗ là 3980 người. Trong đó 10 phần cũng có đến hai, ba phần không biết rõ gia thế sự nghiệp" (4a). Căn cứ vào ghi chép của tác giả thì phần biên soạn của ông đã khá công phu và tương đối đầy đủ. Thế nhưng Q.4 ghi rất sơ sài, càng những khoa sau càng ghi đơn giản. Cao Xuân Dục bắt tay vào việc chỉnh lý HKL và biên soạn tiếp khi ông được bổ chức Bố chánh Hà Nội (1885), vì vậy ông có điều kiện sưu tầm tài liệu, ghi chép về các khoa thi từ Tự Đức 26 (1873). Hơn nữa, những khoa thi sau 1885 cùng đồng thời với thời gian Cao Xuân Dục biên soạn sách, lẽ nào ông lại để trống nhiều yếu tố như vậy? Vì vậy chúng tôi cho rằng Q.4 của VHb.140 không phải sao chép nguyên văn từ nguyên bản của Cao Xuân Dục, lại càng không phải sao chép từ một trong những bản in sau này. Có thể nó đã được chép lại từ nguyên bản, nhưng người chép đã lược bỏ bớt các yếu tố về chức tước quan trường, sự nghiệp, gia thế của các Cử nhân. Sách cũng đóng khổ nhỏ như 3 quyển đầu rồi nhập vào làm thành bộ HKL.

Bộ HKL của Phạm Đình Toái gồm 3 quyển được ấn hành khoảng năm 1873. Sau đó nó được tác giả trao cho Cao Xuân Dục. Cao Xuân Dục sưu tầm thêm tư liệu, kê cứu bổ khuyết và soạn nối thêm 11 khoa, từ Tự Đức 26 (1873) đến Thành Thái 3 (1891) làm thành quyển 4. Sau khi hoàn thành, Cao Xuân Dục đã cho khắc in toàn bộ vào mùa thu năm Thành Thái Quý Tị (1893), ván in do thư viện Long Cương (thư viện riêng của họ Cao) tàng bản, với tên là Quốc triều Hương khoa lục.

Bộ KTHKL gồm 4 quyển lưu hành một thời gian, sau đó Cao Xuân Dục biên soạn thêm 2 khoa Thành Thái 6 và Thành Thái 9, phần này có thêm 2 tiêu chí về tuổi và chức vị các Cử nhân, đồng thời cho khắc in, đóng ghép vào Q.4. Chứng cớ là 3 bản của VNCHN: A.36, VHv.1264 có 2 khoa; VHv.636 có 1 khoa Thành Thái 9. Bản của Thư viện Quốc gia R.1551 có 1 khoa Thành Thái 6.

Cao Xuân Dục biên soạn tiếp 1 số khoa thi Hương sau khi QTHKL đã được khắc in, cũng giống như trường hợp soạn giả đã làm với các khoa thi Hội năm Thành Thái 7 (1895), Thành Thái 10 (1898), khi bộ Quốc triều khoa bảng lục(9) cũng đã được khắc in năm 1894.

Lúc này (1898) với cương vị là Quốc sử quán Tổng tài, Cao Xuân Dục đã cho Quốc sử quán tiếp tục công việc biên soạn từ khoa Thành Thái 12 đến khoa cuối cùng do con trai ông là thực thụ Thượng thư Cao Xuân Tiếu(10) làm Toản tu. Sau khi biên soạn xong, Quốc sử quán gộp cả phần này với 2 khoa mà Cao Xuân Dục đã biên soạn, làm thành Q.5 và Q.6, đồng thời cho khắc in phần mới soạn, dùng lại ván in của phần đầu, có bổ sung thêm một số chi tiết về chức quan, gia thế, sự nghiệp, làm thành bộ sách hoàn chỉnh. Bộ sách đó hiện được lưu giữ tại Viện Sử học, mang ký hiệu Hv.92. Bản in này phải được in sau năm 1918 - năm cuối cùng có khoa thi Hương, nhưng những tờ đầu của Q.1 vẫn để như bản in năm Thành Thái Quý Tị. Riêng phần ghi người hiệu đính có ghi thêm học vị, chức vụ mà các bản in năm 1893 chưa có: "Ất Mùi khoa Phó bảng, thực thụ Thượng thư sung sử quán Toản tu, nam Bạng Sa Cao Xuân Tiếu. Giáp Thìn khoa nhị giáp Đình nguyên sung Quốc tử giám Tế tửu, rể Mã Phong Đặng Văn Thụy". Sau bài Tổng luận, sách ghi 2 chữ Tục biên và mục lục 9 khoa thi từ Thành Thái 6 đến Khải Định 3. Sau mục lục là dòng chữ "Sử quán biên tu" và họ tên, chức vụ của các quan Toản tu, Biên tu, Khảo hiệu, Thừa phái, Đằng lục, Thu Chưởng. Mục lục phần Tục biên để ở đầu Q.5 mới hợp lý. Có lẽ vì muốn người đọc hiểu từ Q.1 đến Q.6 là một bộ sách hoàn chỉnh, liên tục, nên đã đưa phần này đóng chen vào giữa Q.Thủ và Q.1. Nhưng việc này cũng là do người đóng sách thực hiện, không phải là ý đồ của người soạn sách. Chứng cớ là toàn bộ mục lục chỉ gồm 5 tờ, đánh số từ 1 đến 5, mép giữa của tờ, in dòng chữ Hương khoa lục Tục biên, Q.1, chưa rõ mấy tờ này của văn bản nào được đưa vào đây.

Phần Tục biên chép tay của bản A.36 (VNCHN), các khoa từ Thành Thái 12 về sau là chép theo bản có cùng ván in với Hv.92, có sửa chữa một đôi chỗ. Vì phần đầu Q.5 ván in này không có tờ ghi tên sách, năm in và người soạn, không có mục lục nên bản sao A.36 cũng không có. Vì lẽ đó, khi nghiên cứu QTHKL qua bản A.36, nhà Thư tịch học Trần Văn Giáp đã ghi QTHKL, tác giả Cao Xuân Dục, sách in ván gỗ năm Thành Thái Quí Tị(11) mà không nhắc đến phần do Quốc Sử quán biên soạn cũng như không để ý đến phần chép tay của sách này.

Sau hơn nửa thế kỷ, kể từ bản thảo đầu tiên của Hồ Đình, bộ QTHKL đã được in trọn bộ và hoàn chỉnh sau năm 1918. Đáng tiếc là lần in này đã không ghi năm in mà vẫn để các yếu tố của lần in đầu nên người đọc mới tìm hiểu QTHKL có ấn tượng bộ sách này in năm Thành Thái Quí Tị (mặc dù nó đã đúng với năm in phần thứ nhất - từ Q.1 đến Q.4). Đối chiếu các bản in thì thấy số tờ, số dòng của từng tờ khớp nhau, cùng một con chữ, những chỗ thiếu, chữ được khắc thêm cũng hoàn toàn giống nhau. Ví dụ ở Q.Thủ, tờ 8b, d.7 tất cả các bản đều thiếu chữ thí 試 trong câu "đãi thân lâm điện thí" hoặc ở tờ 13a, d.8 thiếu chữ vi 為 trong câu "thập phân dĩ thượng vi thứ trúng cách" và đều đã được khắc thêm ở bên cạnh. Điều đó chứng tỏ tất cả các bản in còn đều được in từ một ván khắc năm Thành Thái Quý Tị. Nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi thấy có sự xuất nhập trong nội dung giữa các bản. Ví dụ ghi về một Cử nhân, có bản chỉ ghi quê quán, có bản bổ sung thêm hoạn nghiệp, có bản ghi đầy đủ hơn về gia thế v.v.. Người ta đã làm việc bổ sung này bằng cách khắc thêm các con chữ đặt vào nơi cần thiết. Điều đó chứng tỏ các bản được in nhiều lần khác nhau trên cơ sở một ván khắc, có bổ sung, đính chính. Chúng tôi lấy bản in hoàn chỉnh và muộn hơn là bản Hv.92 làm cơ sở khảo sát ngược lên. Ở Q.2, tờ 52b điều ghi về Trần Nghi Đông, bản VHv.636, VHv.638 ghi là "sĩ chí Đốc học"; đến bản A.36, VHv.287, VHv.639, VHv.1264, Hv.92 ghi cụ thể "quan Định Tường Đốc học". Q.3, tờ 83b bản VHv. 636 không có tên Nguyễn Thúc Úy các bản VHv. 635, VHv.637, VHv. 638; A.36, VHv.287, VHv.1264 khắc chen hàng chữ nhỏ bên cạnh "Nguyễn Thúc Úy, Quảng Bình Vũ Xá. Văn Thận chi Văn Tĩnh chi tôn". Trong câu "Văn Thận chi" còn thiếu một chữ chỉ quan hệ. Đến bản Hv.92 chữ thiếu đó được in là "tử". Xét quan hệ giữa Nguyễn Thúc Úy, Nguyễn Văn Thận và Nguyễn Văn Tĩnh ở điều ghi về từng người thì biết Thúc Úy là con Nguyễn Văn Thận. Vậy chữ "tử" bản Hv.92 bổ sung là đúng v.v..

Từ những so sánh trên, chúng tôi nhận định rằng những bản để trống nhiều yếu tố là bản in lần đầu, những bản bổ sung và đính chính là lần in tiếp theo và những bản đầy đủ hơn cả là bản in muộn nhất. Đồng thời chúng tôi cũng làm công việc đối chiếu để tìm ra những bản có cùng một lần in. Xin kê ra một số ví dụ: Q.1, tờ 27b tên người Nguyễn Trọng... VHv.636, VHv.638 ghi là Chẩn 賑 ; các bản còn lại ghi là Chu 賙 . Q.2, tờ 52a, VHv.636, VHv. 638 in nhầm là "tư khoa" 思 科 , các bản sửa lại là "ân khoa" 恩 科 . Q.3, tờ 2b điều ghi về Nguyễn Văn Tuyển VHv.636, VHv.638 không ghi chức tước, các bản khắc thêm con chữ nhỏ bên cạnh "Quan Hà Nội Án sát". Tờ 9a, 2 bản ghi là Trần Cẩn 陳謹 , không ghi chức tước; các bản còn lại sửa là Nguyễn Cẩn 阮謹 "Quan Tri huyện". Chúng tôi cho rằng các bản sau đã sửa lại đúng, vì cho đến bản Hv.92 là bản in muộn hơn cả cũng không sửa chữa gì hơn. Qua đó có thể thấy bản VHv.636 và 3 quyển đầu của VHv.638 có cùng một lần in và in sớm nhất, tức là đúng năm Thành Thái Quý Tị 1893. Xét các bản in còn lại, Q.4, tờ 81b điều ghi về Nguyễn Khoa Lượng, bản A.636 ghi là "Thừa Thiên An Cựu" các bản đều ghi thêm "Khoa Luận chi tử", riêng VHv.1264 và Hv.92 thêm "Khoa Tân chi huynh". Tờ 83b ghi về Cao Xuân Tiến, VHv.636 ghi "Đông Thành Cao Xá Thịnh Mỹ. Hiện Sơn – Hưng - Tuyên Tổng đốc Xuân Dục chi tử", Các bản ghi bổ sung "Hiện Diễn Châu giáo thụ", bản VHv.1264 và Hv.92 ghi thêm "Ất Mùi Phó bảng". Như vậy các bản in như VHv.635, A.36, VHv.287, VHv.638 (riêng Q.4) v.v.. cùng được in lại lần thứ 2 có bổ sung. Bản VHv.1264 chắc chắn được in lại lần thứ 3 - lại có bổ sung sau năm 1895 - năm Cao Xuân Tiếu đỗ Phó bảng. Bản này, ngoài Cao Xuân Tiếu còn bổ sung học vị của một số người đỗ cùng khoa với Cao Xuân Tiếu như Trần Dĩnh Sĩ (82b) v.v.. Bản Hv.92, như đã nói ở trên, sớm nhất cũng phải in sau năm 1918, và đó là lần in thứ 4.

Phần Tục biên, như đã nói, Cao Xuân Dục soạn tiếp 2 khoa, cho khắc in ngay. Dù chỉ có 2 khoa nhưng cũng đã được in lại. Bản in lần đầu ở khoa Thành Thái 9, trường Nghệ An, tờ 16a thiếu 2 người là Ngô Đức Kế và Nguyễn Thúc Đồng. Đó là phần Tục biên của bản A.36 và VHv.636. Lần in thứ hai, ván in tờ này đã được thay, khắc thêm tên 2 người đó. Chứng cứ là các dòng cùng tờ khắc sít lại để vẫn giữ nguyên tình trạng, không ảnh hưởng đến tờ sau. Đó là lần in của bản VHv.1264 và Hv.92.

Bản Hv.92 được in sau năm 1918 trên cơ sở 4 quyển đầu và 2 khoa của Q.5 dùng lại ván khắc cũ. Có thể coi đây là lần in hoàn chỉnh và đầy đủ hơn cả, nhưng chưa phải là lần muộn nhất. Khi khảo sát văn bản, tình trạng toàn bộ bản Hv.92 được đóng xen kẽ một số tờ in trên giấy trắng, loại giấy mỏng, bóng, nét chữ in hơi bị nhòe làm chúng tôi chú ý. Tình cờ chúng tôi thấy tờ đóng lót đầu Q.5 đánh số 26 (a,b). Chúng tôi đã đối chiếu tờ này với tờ 26 trong sách thì thấy có 2 chỗ khác nhau. Điều ghi về Nguyễn Bạt Tụy, Hv.92 ghi "Nam Định Giao Thủy Hạ miêu, Tam thập tam", bản giấy trắng đổi "Hạ miêu" thành "Hành Thiện". Điều ghi Nguyễn Gia Mỹ Hv.92 ghi "Phụ tử đăng khoa. Ấm sinh. Thái Bình Đông Quan Cổ Tiết. Tam thập ngũ". Bản giấy trắng bổ sung Huy chi tử. Từ những chi tiết dị đồng trên, chúng tôi nghĩ đến khả năng bản giấy trắng được in lại lần nữa sau lần in bản Hv.92, nhưng in vào năm nào thì hoàn toàn không xác định được, vì chúng tôi không có bản in lần cuối đó trong tay.

Trên đây chúng tôi đã trình bày tình hình văn bản QTHKL. Qua những cứ liệu đã dẫn, chúng ta thấy QTHKL có một quá trình hình thành khá phức tạp và các bản hiện còn là kết quả của nhiều lần in ấn. Ngoài mục đích nghiên cứu văn bản, chúng tôi thấy cần thiết phải khai thác, giới thiệu bộ sách này, vì đây là loại tài liệu quý để tìm hiểu chế độ thi Hương dưới triều Nguyễn. Đồng thời có thể tìm hiểu tiểu sử, sự nghiệp và một phần đóng góp của các Cử nhân trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này.

CHÚ THÍCH

(1) Cử nhân: danh hiệu chỉ những người đỗ thi Hương. Danh hiệu này bắt đầu có từ năm Quang Thái 9 (1396) đời Trần Thuận Tông. Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận 3 (1462) đổi gọi là Hương cống. Đến đời Nguyễn, năm Minh Mệnh 6 (1825) gọi là Cử nhân

(2) Di sản Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H.1993, T.2, tr.667.

(3) Trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (THKSHN), Nxb. Văn hóa, H.1984, tài liệu số 126, Trần Văn Giáp ghi nhầm là 8 quyển.

(4) 3 bản sau đây ở VNCHN bị mất tờ đầu: VHv.635, VHv.638, VHv.287.

(5) Hoàng Cao Khải (1850-1933) tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, người làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ Cử nhân năm Tự Đức 21 (1868).

(6) Cao Xuân Dục (1842-1922), tự Tử Phát, hiệu Long Cương, người làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, huyện Đồng Thành, tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu). Đỗ Cử nhân năm 1876. Ông là tác giả hoặc Tổng tài của nhiều tác phẩm. Riêng loại sách về khoa lục, ông có biên soạn QTHKL in năm Thành Thái Quý Tị (1893) và Quốc triều khoa bảng lục in năm Thành Thái Giáp Ngọ (1894).

(7) Trần Văn Vị, tự Thận Tư, hiệu Hoài Đông, người phường Dũng Xương, huyện Thọ Xương, đỗ Cử nhân khoa Minh Mệnh Ất Dậu (1825). Ông có biên soạn cuốn Lê sử toản yếu.

(8) Phạm Đình Toái: tự Thiếu Du, hiệu Song Quỳnh, người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đỗ Cử nhân năm Thiệu Trị 3 (1843). Ông là tác giả sách Đại Nam quốc sử diễn ca.

(9) Quốc triều khoa bảng lục: bộ sách ghi họ tên, quê quán, sự nghiệp, gia thế, năm đỗ của các Tiến sĩ triều Nguyễn. Long Cương tàng bản.

(10) Cao Xuân Tiến: hiệu Bạng Sa, người làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu). Đỗ Phó bảng năm 1895.

(11) Xem Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. KHXH, H.1971, T.1, tr.93. Cũng xem cùng tác giả: THKSHN, T.1, Sđd, mục số 126./.

TB

VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP TIẾN SĨ VŨ TÔNG PHAN*

VŨ THẾ KHÔI

Tiến sĩ Vũ Tông Phan đã được giới thiệu khá nhiều trên sách báo, đặc biệt là vào những dịp như ngày Nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên, không ít tư liệu về ông, trước hết về mặt thân thế, cho đến nay hầu như vẫn chưa được công bố. Một số dòng ít ỏi trong các sách của Quốc sử quán triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Quốc triều khoa bảng lục chỉ ghi vắn tắt việc thi đỗ Tiến sĩ và bước đường làm quan của ông 165 chữ trong Đại Nam liệt truyện chủ yếu giới thiệu về bản lĩnh và uy tín của ông Nghè Tự Tháp.

Tình hình trên dẫn đến một số mâu thuẫn và sao sót trong các bài giới thiệu về danh nhân Vũ Tông Phan, kể cả trong những công trình lớn như Lược truyện các tác gia Việt Nam Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam.

Bài viết này căn cứ vào tấm bia ở nhà thờ Vũ Tông Phan trước đây và một số quyển phả cũ của dòng họ Vũ Lương Ngọc (Hải Dương) mới tìm lại được gần đây, có đối chiếu với các thư tịch cũ và tài liệu mới phát hiện thêm, nhằm cố gắng xác định và bổ khuyết một số điều về thân thế Vũ Tông Phan, tạo tiền đề để nghiên cứu sâu hơn về sự nghiệp giáo dục và thơ văn của một trong những danh nhân đang được nhiều người quan tâm.

1. Vấn đề năm sinh, năm mất của Vũ Tông Phan.

1.1. Về năm mất của Vũ Tông Phan, Lược truyện các tác gia Việt Nam, chưa rõ căn cứ tài liệu nào, khẳng định là 1862(1). Từ đó các sách ra sau như Danh nhân Hà Nội (1976), Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam (1991) đều chép lại như vậy.

Nhưng trên tấm bia Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường ký dựng sau khi ông mất mới hơn hai chục năm (1873) ghi rõ ràng: mất ngày Tân Tỵ 26-6 năm Tân Hợi, tức năm 1851(2). Về điểm này, các ông Đinh Khắc Thuân và Đinh Tú đã trình bày trong bài viết về tấm bia trên, đăng trong tạp chí Khảo cổ học số I năm 1983(3).

Các tài liệu phả mới tìm lại được: Lương Vũ trục nguyệt kỵ phổ (1885), Lương Vũ kỵ phổ (1898), Vũ tộc hoa phổ (1905)(4) đều ghi ông Phan mất năm Hợi hoặc Tân Hợi, và cung cấp thêm một thông tin quan trọng: thọ 52 tuổi (ta). Nếu như Vũ Tông Phan mất năm 1862 mà thọ 52 tuổi thì ông phải sinh năm 1811. Các sách chính sử Đại Nam thực lục(5), Quốc triều khoa bảng lục(6) và bia thờ đều ghi Vũ Tông Phan đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất 1862, như vậy với năm sinh là 1811 thành ra ông Phan đỗ Tiến sĩ năm 16 tuổi ! Điều này chênh lệch quá nhiều so với tuổi đỗ Tiến sĩ ghi trong Quốc triều khoa bảng lục Vũ tộc hoa phổ: mặc dù hai tài liệu này ghi chênh nhau nhưng đều đỗ ở lứa tuổi đã trưởng thành (23 hoặc 27).

Như vậy có thể khẳng định Vũ Tông Phan mất năm Tân Hợi 1851. Điều này rất quan trọng bởi vì nó loại bỏ những "vấn đề" có thể đặt ra mà làm lệch trọng tâm nghiên cứu về Vũ Tông Phan như: Thái độ của ông Phan trước biến cố 1858? Phản ứng của người được sĩ phu Bắc Hà, đặc biệt là số thuộc phái văn thân "chủ chiến" tôn sùng, trước tư tưởng và hành động đầu hàng của Tự Đức? v.v.. Vũ Tông Phan chết khá lâu trước khi xảy ra những sự kiện đó, do vậy, nguyên nhân ảnh hưởng và uy tín của ông đối với sĩ phu Bắc Hà phải tìm kiếm trong tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp giáo dục và thơ văn của bản thân ông.

1.2 Về năm sinh của Vũ Tông Phan: tác giả Lược truyện các tác gia Việt Nam hẳn đã căn cứ vào Quốc triều khoa bảng lục vì ở đó ghi rõ: tuổi Giáp Tý, hai mươi ba. "Giáp Tý" là năm 1804. Các sách về sau đề chép lại niên điểm đó.

Trên đây đã nói các tài liệu phả cũ mới tìm lại được đều ghi thống nhất Vũ Tông Phan thọ 52 tuổi (ta). Thọ 52 mà mất năm 1851 thì phải sinh năm 1800. Vậy Quốc triều khoa bảng lục ghi đúng hay các phả ghi đúng?

Chúng tôi nghĩ trường hợp này các phả ghi chính xác vì những lý do sau đây:

Một là, tuổi đi thi thời trước thường khai hoặc ghi không chính xác. Hiện tượng thí sinh khai sai hoặc chánh lý ghi không đúng trở nên phổ biến đến năm 1835 Minh Mạng phải ra lệnh cho Bộ Lễ truyền dụ: sau này nếu còn phát hiện ai khai sai hoặc biết chánh lý ghi sai mà không báo, sẽ bắt tội và truất khoa danh(7).

Hai là, trong 3 tài liệu phả nói trên thì 2 quyển kỵ phả không ghi Vũ Tông Phan tuổi gì, mặc dù có ghi "tuổi cầm tinh" của một số người khác, kể cả những đời trước như: ông nội Tông Uyển tuổi Canh Thân (1740), ông chú Tông Đàm tuổi Đinh Mão (1847) v.v.. Phải chăng tác giả hai quyển kỵ phả đều nghi ngờ cái tuổi Giáp Tý của ông Phan? Quyển thứ ba - Vũ tộc hoa phổ ghi Nguyễn Tông Phan tuổi Canh Tý. Nhưng điều này phi lý bởi vì lịch đối chiếu cho biết Canh Tý phải là 1780/81 hoặc 1840/41, mà 1781 chính là năm sinh của cha ông Phan, còn 1840/41 thì hóa ra ông Nghè Tự Tháp mất từ lúc 12-13 tuổi. Có lẽ tác giả Vũ tộc hoa phổ đã ghi nhầm Canh Thân thành Canh Tý. Canh Thân chính là năm 1800. Điều này hoàn toàn phù hợp với đoạn trên đó ở trong phả ghi: "năm 16 tuổi đi thi đỗ Tú tài, năm 26 tuổi đỗ Cử nhân, năm 27 tuổi đỗ Tiến sĩ".

2. Gia tộc Vũ Tông Phan.

Sách báo từ trước đến nay mới chỉ cho biết sơ qua về quê quán của Vũ Tông Phan, còn về gia tộc, hoàn cảnh xuất thân và trưởng thành của ông thì hầu như chưa đưa ra thông tin gì đích xác. Về mặt này, các quyển phả mới tìm lại được là một nguồn tài liệu phong phú.

2.1. Vũ Tông Phan sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời khoa bảng. Cụ nội Tông Dao và ông nội Tông Uyển đều đỗ Hương cống (Cử nhân), ông chú Tông Đàm đỗ Tiến sĩ, cha là Tông Cửu đỗ Tú tài rồi ở ẩn dạy học. Bên ngoại ông Phan cũng là một gia đình sĩ phu danh tiếng: mẹ - bà Phạm Thị Đôi là con gái cụ Hương cống Hiến phó sứ Kinh Bắc, cậu ruột là Tiến sĩ Phạm Quý Thích, một danh sĩ đời Lê mà các vua Nguyễn Gia Long và Minh Mạng đều trọng dụng. Trong 3 người em trai của ông Phan thì hai người nữa là Như Thụy và Như Phác cũng đỗ tú tài và đều ngồi nhà dạy học ở "Mậu Hòa giảng thất" - ngôi trường ở làng Mậu Hòa thuộc huyện Đan Phượng (nay thuộc Hoài Đức), nơi từ đời cụ thân sinh ra ông Phan, qua các đời con cháu cho đến tận đời chắt nội của ông là Vũ Bội Hoàn đầu thế kỷ này còn ngồi dạy chữ Nho.

Rõ ràng là chữ nghĩa thánh hiền, đạo lý Khổng Mạnh và sĩ khí nho phong cùng truyền thống gia đình ông đồ là những nhân tố đã quyết định quá trình hình thành tư tưởng và tính cách của Vũ Tông Phan.

2.2. Bên cạnh truyền thống khoa bảng, Vũ Tông Phan cũng sớm được hấp thụ nếp sinh hoạt thơ văn trong gia tộc và ở môi trường xung quanh.

Phần đầu quyển Vũ tộc hoa phổ vốn sao lại ở một cuốn phả viết vào cuối thế kỷ XVIII hoặc mươi năm đầu thế kỷ XIX, cho biết: cụ nội ông Phan là Vũ Tông Dao (1706 - ?) và người anh em con chú con bác ruột với cụ bà Vũ Bác Uyên (1712-?), thơ hay và vẽ giỏi, từng cùng tham gia thi xã của nhà thơ nổi tiếng được tôn xưng "An Nam đại tú tài" là Thư Hiên Nguyễn Tông Khuê (1692 - 1766)(8). Cũng theo quyển phả này, ông nội Vũ Tông Phan là Tông Uyển sau khi thi đỗ Hương cống còn thi trúng Thị nội văn chức là chức quan trông coi về văn chương và sự học trong phủ chúa Trịnh.

Truyền thống thơ văn này tiếp tục phát huy ở những người ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi niên thiếu và trưởng thành của Vũ Tông Phan. Theo sách Đại Nam liệt truyện, người dạy Vũ Tông Phan thuở nhỏ chính là cha, một ông tú chỉ ở ẩn dạy học(9) mà được gia phong Thọ quan, khi mất triều đình cử người ra viếng. Lớn lên, Vũ Tông Phan lại được theo học Phạm Quý Thích mà Đại Nam nhất thống chí ghi nhận là "thơ văn nổi tiếng, học giả suy tôn"(10).

Thêm vào đó là tác động của môi trường xung quanh. Thôn Tự Tháp ven bờ phía Tây hồ Gươm, nơi gia đình họ Vũ cư trú đã mấy đời, trong thời gian khớp với tuổi niên thiếu của Vũ Tông Phan - 20 năm đầu thế kỷ XIX, từng hội tụ cả một chùm sao văn nhân danh tiếng đương thời như Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Phạm Hội v.v..

Như vậy, cùng với Nho giáo và đạo làm thầy, sinh hoạt thơ văn là không khí Vũ Tông Phan thở hít ngày ngày từ thuở thiếu thời, nên đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành nhà giáo và nhà thơ tương lai.

3. Về thời kỳ làm quan của Vũ Tông Phan.

Các tài liệu từ trước đến nay thường chỉ viết vắn tắt: mới đầu ông làm việc ở Quốc sử quán (?), rồi làm Tư vụ ở Bộ Binh, sau được bổ làm Tham hiệp ở Thái Nguyên, cuối cùng bị giáng làm Đốc học Bắc Ninh. Một số tác giả không chỉ rõ thời kỳ Vũ Tông Phan làm quan (Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam). Số khác chưa thống nhất ý kiến: Ông Phong Châu cho rằng đầu đời Tự Đức (1848-1883) ông Phan mới được bổ làm Tham hiệp Thái Nguyên, sau một thời gian bị giáng làm Đốc học Bắc Ninh; hai ông Đinh Khắc Thuân và Đinh Tú trong bài báo nhắc tới ở trên đã bác bỏ ý kiến này và căn cứ vào niên đại của một vài sự việc liên quan đến Vũ Tông Phan như năm 1841 ông với tư cách Trưởng hội Hướng Thiện đứng ra sửa chùa Ngọc Sơn thành đền, năm 1844 trưởng tràng của ông là Nguyễn Tư Giản đỗ Tiến sĩ v.v.. để phỏng đoán Vũ Tông Phan phải cáo quan chậm nhất vào năm 1841,

Kết hợp các tài liệu phả, văn bia, sách chính sử và một vài thư tịch mới phát hiện thêm, ta có thể khôi phục tương đối đầy đủ hoạn lộ ngắn ngủi nhưng khá long đong của Tiến sĩ họ Vũ như sau:

Theo Vũ tộc hoa phổ, năm 1827, tức một năm sau khi thi đỗ, Vũ Tông Phan mới đi nhận chức quan đầu tiên - Tri phủ Bình Hòa (?), 6 tháng sau đã có chỉ gọi ông về kinh cung chức. Sách Đại Nam thực lục ghi: năm 1829 Vũ Tông Phan được bổ làm Lang trung Bộ Binh (chức quan tứ phẩm), tháng 8 điệu bổ ra ngoài làm Tham hiệp Tuyên Quang, rồi cũng ngay trong tháng ấy chuyển về làm Tham hiệp Thái Nguyên, tháng 4-1830 nghĩa là chưa được 8 tháng lại điệu bổ lên Lạng Sơn vẫn nhậm chức Tham hiệp; ông Phan còn chưa kịp tới nhiệm sở mới thì đã có lệnh miễn chức ông cùng Trấn thủ Thái Nguyên Tống Văn Trị vì tội không tâu trình và không bắt được "giặc cướp" trong hạt trấn; Tống Văn Trị bị sai phái hiệu lực, Vũ Phan được cho về kinh đợi chỉ; tháng 2-1831 ông được "khai phục" làm Giáo thụ phủ Thuận An (Bắc Ninh).

Từ đây trở đi Đại Nam thực lục không ghi thêm một dòng nào nữa về Vũ Phan - một sự là, bởi vì trước và sau đó Đại Nam thực lục ghi khá đầy đủ việc bổ dụng Đốc học, kể cả việc thăng từ Giáo thụ lên Đốc học.

Chưa rõ năm nào Vũ Tông Phan được lĩnh chức quan cuối cùng - Đốc học tỉnh Bắc Ninh. Bia Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường ký ghi chung chung: "Tuổi trung niên lĩnh chức Đốc học Bắc Ninh". Điều chắc là việc này xảy ra sớm nhất cũng sau 1833, bởi vì trong số Đốc học được triệu về kinh yết kiến nhà vua vào tháng 9-1832 thì Đốc học Bắc Ninh là Lâm Văn Bính và tháng 5-1833 Minh Mạng còn bổ Chủ sự Bộ Lại là Bùi Trần Đản làm Đốc học Bắc Ninh(11).

Cũng lại chưa phát hiện một tài liệu nào ghi đích xác năm Vũ Tông Phan cáo quan về nhà dạy học. Tuy nhiên, ở lạc khoản bia Trưng Vương sự tích bi ký dựng vào trung tuần tháng 5-1840 đã thấy ghi: "Vũ Hoán Phủ hiệu Đường Xuyên Tiến sĩ khoa Bính Tuất, nguyên Đốc học tỉnh Bắc Ninh soạn(12). Như vậy có thể khẳng định chắc chắn: ông Phan đã từ quan trước tháng 5-1840. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng ông cáo quan sớm hơn thời điểm đó nhiều, bởi vì trong tác phẩm Nhĩ Hoàng di ái lục của Đặng Huy Trứ viết năm 1869 về Đặng Văn Hòa (tức Đặng Văn Thiêm) làm Tổng đốc Hà Nội từ tháng 6-1835 đến tháng 4-1839, có câu: "Ngày ấy, Đốc học đã về hưu là Vũ Như Phan... giúp ông được nhiều việc"(13). Như vậy có lẽ ông Phan chỉ làm Đốc học Bắc Ninh một - hai năm, rồi "viện cớ ốm đau xin về" (Đại Nam liệt truyện), tức có khả năng ông cáo quan về dạy học từ những năm 1835/36.

Tóm lại, quãng đời làm quan của Vũ Tông Phan đóng khung trong triều vua Minh Mạng và chỉ kéo dài khoảng mươi năm là cùng. Thư tịch cũ và phả của dòng họ đều không có một chữ nào về việc Vũ Tông Phan lại ra làm quan vào đầu đời Tự Đức. Văn bia Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường ký do trưởng tràng hoàng giáp quyền Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản soạn giữa đời Tự Đức (1873) có một câu khẳng định dứt khoát: "Ôi việc đời tiên sinh đủ sức cáng đáng, nhưng đành lòng lẳng lặng lui về với cảnh mây nước sông hồ, thả thuyền ngâm vịnh, sống đến trọn đời không đổi dời chí hướng".

Tất cả những điều trình bày trên đây cho phép đi đến một kết luận là: hoàn cảnh xuất thân và trưởng thành, truyền thống giáo dục của một gia đình sĩ phu, nơi Nho giáo và thơ văn ngự trị, đã hun đúc ở Vũ Tông Phan một bản lĩnh riêng, một chí hướng riêng, nên khi thấy con đường làm quan không cho phép đạt chí hướng ấy, ông đã kiên quyết từ bỏ hoạn lộ, tìm con đường khác để thực hiện cái chí của mình.

CHÚ THÍCH

* Nhân 142 năm ngày kị của Tiến sĩ Vũ Tông Phan 26-6 Tân Hợi (1851) - 26 - 6 Quý Dậu (1993).

(1) Lược truyện các tác gia Việt Nam, T.1, Trần Văn Giáp chủ biên, In lần thứ 2. Nxb KHXH, H. 1972, tr.409-410.

(2) Bia Lỗ Am Tiên sinh từ đường ký hiện dựng tại nhà số 10 Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội.

(3) Đinh Khắc Thuân, Đinh Tú: Về bia Tiến sĩ Vũ Tông Phan vừa mới phát hiện được ở Hà Nội, Tạp chí Khảo cổ học số 1-1983, tr.60-67.

(4) a/ Lương Vũ trục nguyệt kỵ phổ, Hàm Nghi Ất Dậu nguyên niên (1885); b/ Lương Vũ kỵ phổ, Thành Thái Mậu Tuất (1898), Bính chi tự tôn Như Bình phụng lục; c/ Vũ tộc hoa phổ, Thành Thái thập thất niên (1905) bái sao, Vũ Tông phái hậu tự Như Lung phụng thủ (Bản gốc lưu giữ tại các gia đình dòng họ Vũ Tông Phan; tác giả bài này có các bản sao chụp.

(5) Đại Nam thực lục chính biên Đệ nhị kỷ, Nxb. KHXH, H.1966, Tập 8, tr.28-29, 49.

(6) Quốc triều khoa bảng lục, Thành Thái Giáp Ngọ (1894). Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu R.1, tờ 18.

(7) Đại Nam thực lục... sđd, T.16, tr.312.

(8) Đại Nam liệt truyện Chính biên nhị tập, quyển 26, tờ 13-14. Thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội.

(9) Đại Nam nhất thống chí, Nxb. KHXH, H. 1971, T.3, tr.432.

(10) Danh nhân Hà Nội, T.1, Nxb. Hội Văn nghệ Hà Nội, 1976, tr.262.

(11) Đại Nam thực lục... Sđ d, T.9, tr.195, 278, 299; T.10: tr.65, 104, 397; T.11: tr.176.

(12) Tuyển tập văn bia Hà Nội, Q.1, Nxb. KHXH, H. 1978, tr.111.

(13) Nhĩ Hoàng di ái lục, Vọng Tân Đặng Huy Trứ Hoàng Trung tập - Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu A.1382, tờ 22.

TB

GẶP LẠI CỔ NHÂN, TIẾP CẬN CÁI HIỆN ĐẠI, SUY NGHĨ VỀ CÁCH HỌC NGOẠI NGỮ

BÙI ĐÌNH MỸ

Nắm ngoại ngữ thành thạo đến mức suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài, đó là cái đích lý tưởng mà ít người học đạt tới trong nhà trường của mọi thời đại ở mọi nước. Ngày nay, khoa học dạy tiếng nước ngoài được sự soi sáng của nhiều khoa học (tâm lý học, giáo dục học, sinh lý học thần kinh), người học được hỗ trợ của nhiều phương tiện hiện đại (máy ghi âm, máy nghe - nhìn, máy vi tính...), môi trường ngôn ngữ tự nhiên của thứ tiếng được học có thể có đối với không ít người. Nhưng cái đích nói trên vẫn cứ là cái đích khó vươn tới.

Ấy thế mà nhà trường dạy chữ Hán của Việt Nam ta xưa kia đã đào tạo nên rất nhiều người đạt tới đích đó.

Phải nhận rằng, về mặt phương pháp hình thành ngôn ngữ mới, cách dạy và cách học chữ Hán của người xưa có chứa đựng yếu tố rất hợp lý. Yếu tố ấy tiếp cận được quan điểm mới, hiện đại mà chúng tôi đang tìm cách khẳng định: nhất thiết phải đưa văn hóa chung thời đại vào việc dạy học ngoại ngữ để đạt được cùng một lúc trong cùng một hoạt động hai mục đích lớn lao của việc nâng cao dân trí: nắm ngôn ngữ mới và văn hóa chung.

Đó là một vấn đề lớn có tính chiến lược của sự nghiệp dạy học ngoại ngữ ở nước ta mà chúng tôi muốn bàn tới trong bài viết nhỏ này, một bài viết rút ra từ công trình nghiên cứu nhiều năm của chúng tôi.

Với phương châm "Tiên học lẽ, hậu học văn", với quan điểm "văn dĩ tải đạo", người xưa đi học chữ Hán trước hết là học đạo lý, học làm người. Việc học chữ không có mục đích tự thân. Chữ thánh hiền chở đạo thánh hiền.

Phương châm, quan điểm ấy không chỉ được hình thành trong trí tuệ, mà còn được nuôi dưỡng trong tâm hồn; cái đó làm cho không chỉ một văn bản trọn vẹn, một câu hoàn chỉnh, mà một chữ cũng mang nặng một nội dung tư tưởng, cũng hàm chứa một giá trị thiêng liêng.

Dĩ nhiên, người xưa đi học chữ Hán, cũng học từ và học câu, học cách làm phú, luật làm thơ. Nhưng tri thức, kỹ năng văn hóa chung buổi ấy bao giờ cũng được đong đầy, nén chặt trong các bộ sách giáo khoa đã thành kinh điển. Phần lớn nội dung văn hóa ấy là đạo lý, ngay cả khi sách nói về các khoa học khác cũng chở nặng đạo lý. (Sách lịch sử có khi kể chuyện theo phong cách văn học, đánh giá người và việc theo tiêu chuẩn đạo đức, tất cả cái đó đều nhằm vào mục đích giáo huấn. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên, nhà sử học Việt Nam cuối thế kỷ XV biên soạn là một ví dụ.

Không ít khi đạo lý ấy trở thành khô cứng. Nhưng với nhà giáo uyên thâm về học vấn, trong sáng về đạo đức, với học trò khao khát học, trọng đạo nghĩa, thì cái đạo có trong văn được hấp thụ như cơm ăn nước uống.

Cuốn Tam tự kinh, sách khai tâm chữ Hán cho tuổi tóc còn để chỏm đã nén chặt đạo lý, triết lý: "Nhân chi sơ, tính bản thiện; tính tương cận, tập tương viễn;...".

Tất cả sách học chữ Hán ngày xưa của cha ông ta không có sách riêng dạy những câu nói bình thường trong những tình huống thường gặp. Tất nhiên, đó là phương pháp dạy chưa tốt. Nhưng bù đắp cho nhược điểm khác của phép dạy học phong kiến, sách học chữ Hán dù cho lứa tuổi nào, trình độ nào cũng chính là sách dạy đạo lý, sách khoa học (văn học, lịch sử, địa lý, quân sự..." đã thành kinh điển.

Học chữ Hán, ngay từ đầu người học đã giao tiếp với thánh hiền, đã suy ngẫm, luận bàn về đạo lý. Cũng với việc học thuộc lòng đạo lý ấy, người học phải tâm niệm để cải hóa tâm hồn. (Đời sống của nhiều người học chữ Hán trái với đạo lý, văn chương chữ Hán của nhiều người khuôn sáo. Nhưng đó là chuyện khác, là mặt trái của sự việc cũng như mọi việc khác của đời thường).

Với sách học kinh điển bao giờ cũng có nội dung đạo lý, khoa học, tức văn hóa chung thời đại mình và kèm theo sách là cách dạy và học coi trọng nội dung văn bản, một thái độ đối xử vừa của trí tuệ vừa của tâm hồn, quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ mới đã có động lực thật sự mạnh mẽ để hình thành, phát triển. Nhờ thế, người thông minh xuất chúng sau hai ba năm, kẻ bình thường sau năm bảy năm hay hơn một ít đã có thể vận dụng ngôn ngữ mới khá thành thạo, kể cả sáng tác văn học (đối với người có năng khiếu trong lĩnh vực này).

Cả một kho tàng chữ Hán đồ sộ mà ngày nay ta chưa sưu tầm, thống kê được hết, đã lên tới 5400 tác phẩm(1) đều do tổ tiên ta viết bằng ngoại ngữ "chữ Hán", một ngoại ngữ tuy có dễ dàng về phát âm do được Việt hóa về mặt ngữ âm, nhưng từ vựng, ngữ pháp, thì vẫn khác nhiều với tiếng mẹ đẻ: Hiện tượng này buộc ta phải ngược dòng thời gian, gặp lại người xưa để tiếp cận tốt hơn với những vấn đề hiện đại nhất mà bàn chuyện với người đời nay trong sự nghiệp nâng cao dân trí: dạy ngôn ngữ mới và văn hóa chung thời đại.

Nếu như lý luận làm ta còn phân vân, thì ta hãy sáng suốt nhìn vào thực tiễn để dễ phần đổi mới tư duy trong vấn đề lớn lao có tính chiến lược mà đầu đề bài viết đã khẳng định.

Bình ngô đại cáo, một bản tuyên ngôn độc lập, một áng văn hùng tráng của nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng Nguyễn Trãi (1380-1442); Hịch Tướng sĩ, một tác phẩm xen tản văn với biền ngẫu, một bài hịch đặc sắc, đanh thép mà tràn đầy nhiệt huyết của Trần Hưng Đạo (1232-1330); Bộ Đại Việt sử ký toàn thư, chính sử lớn của nước Đại Việt thời cổ, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học do nhà sử học Ngô Sĩ Liên biên soạn; bộ sách Y tông tâm lĩnh gồm 66 quyển được xem là bộ "Bách khoa toàn thư" về y học của Lê Hữu Trác (1720-1791); Lịch triều hiến chương loại chí, một công trình có tính chất tổng hợp nhiều mặt của xã hội nước ta từ quá khứ xa xưa cho đến hết đời Lê gồm 49 quyển có thể xem là bộ "Bách khoa toàn thư" đầu tiên của Việt Nam của Phan Huy Chú (1782-1840), tất cả các tác phẩm lớn vừa có giá trị về tư tưởng, vừa có giá trị về nghệ thuật ấy đều được viết bằng ngoại ngữ - "chữ Hán".

Và nếu ta cho rằng, thơ (dĩ nhiên phải là thơ hay) là một sự hòa hợp nhuần nhuyễn nhất của lý trí và tình cảm để sau đó đến với người đọc trong diện mạo của những xúc cảm; nếu ta đồng ý với nhà nghiên cứu phê bình thơ nổi tiếng Hoài Thanh (1909-1982) rằng, thơ nói bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng nhịp điệu; nếu ta nhớ lại câu nói của nhà thơ Nga xuất sắc, độc đáo Maiacốpxki (1893-1930) rằng, một từ của thơ là chất uaraniom lấy từ một tấn quặng từ, thì hẳn ta phải tin rằng, việc sáng tác được thơ bằng tiếng nước ngoài là biểu hiện rõ nhất, là tiêu chuẩn khách quan cao nhất đánh giá trình độ tư duy bằng ngôn ngữ mới ở tác giả.

Ấy thế mà ở Việt Nam chúng ta, dưới thời phong kiến có bao nhiêu nhà thơ lớn, thì cũng có bấy nhiêu người làm thơ hay bằng chữ Hán.

Văn tế, phú, theo chúng tôi, cũng là một loại thơ - thơ văn xuôi. Thể loại này cũng được viết bằng chữ Hán và cũng có không ít tác phẩm có giá trị lớn. Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là một ví dụ tiêu biểu.

Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm một tác phẩm thơ dài 483 câu bằng chữ Hán đủ gây cảm xúc thẩm mỹ cho Đoàn Thị Điểm (1705-1748) chuyển sang chữ Nôm thành một tuyệt tác. Và nếu như xưa kia, nhà bác học Lê Quý Đôn (1720-1784) đã biến chữ Hán thành "tiếng mẹ đẻ" thứ hai để làm khoa học, làm văn, làm chính trị, thì sau này Phan Bội Châu (1869-1940) cũng đã không kém phần thành thạo hơn, biến chữ Hán thành vũ khí sắc bén của người làm cách mạng, thành phương tiện để gửi gắm chí khí, tâm huyết, nỗi niềm tâm sự của mình trong một loạt tác phẩm.

Nguyễn Ái Quốc (1890-1969) với vốn chữ Hán thời niên thiếu cũng đủ làm thơ chữ Hán để cùng với tác phẩm đặc sắc khác đi vào lịch sử văn học. Trong 133 bài thơ của Nhật ký trong tù (1942-1943) có nhiều bài làm chúng ta xúc động đến rơi nước mắt.

Cả một bộ phận vô cùng to lớn của nền văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam đã được sinh ra và bảo tồn trong chữ Hán nhờ sự thành thạo ngoại ngữ này không phải của một số ít người mà của cả một lớp trí thức do nhà trường xưa của ta đào tạo.

Đã gần 20 năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học tại trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, và đặc biệt là gần 10 năm trở lại đây, trong khi làm nhiều việc bình thường khác, tôi phải trả lời trực tiếp một câu hỏi lớn. Phải đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ như thế nào trên cơ sở chữ tri thức tâm lý học hiện đại?

Một lần theo gót chân nhà phóng viên truyền hình trung ương đến Viện Hán Nôm qua màn ảnh nhỏ, được nhìn thấy một kho tàng sách chữ Hán đồ sộ do tổ tiên ta để lại, một hình ảnh mà tôi chỉ có một ít nét vẽ qua lời của cha tôi, khi tôi còn tuổi lên năm cầm quyển Tam tự kinh chưa kịp học, thì phải đặt xuống, để đến trường mới học "chữ quốc ngữ", lần đó, toàn bộ tri thức tâm lý học hiện đại trong tôi được đánh thức, để đến hôm nay có thể nói được đôi điều trên đây với các chuyên gia Hán-Nôm và chuyên gia dạy tiếng nước ngoài về một sự đổi mới có tính chất cách mạng trong sự nghiệp dạy học ngoại ngữ - sự nghiệp nâng cao dân trí.

TÁC PHẨM THAM KHẢO CHÍNH

1. Từ điển Văn học, T.I, Nxb. KHXH, H. 1983.

2. Từ điển Văn học T.II, Nxb. KHXH, H. 1984.

3. Tổng tập Văn học Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1980.

4. Tổng tập Văn học Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1982.

5. Bùi Đình Mỹ: "Giá trị của bài khóa trong Những vấn đề dạy học tiếng nước ngoài”, ĐHSPNN Hà Nội, 1983, tr.27-30.

6. Bùi Đình Mỹ: Một số đặc điểm tâm - sinh lý và tâm lý của người lớn về việc dạy học ngoại ngữ, Tạp chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 3.1972.

7. Bùi Đình Mỹ: Vấn đề lượng thông tin văn hóa chung thời đại trong sách giáo khoa ngoại ngữ, trong Báo cáo Khoa học tại Trung tâm NCPPGDNN, trường ĐHSPNN Hà Nội, 4.1987.

CHÚ THÍCH

(1) Giáo sư Phan Văn Các, Viện trưởng Viện Hán Nôm chỉ mới cho chúng tôi biết một số con số chung như vậy.

TB

MỘT SỐ TÀI LIỆU MỚI PHÁT HIỆN VỀ PHAN CHÂU TRINH*

ĐOÀN KHOÁCH

Phan Châu Trinh là một người thực bụng yêu nước. Sự nghiệp "Cứu quốc tồn chủng" của ông tuy không thành, nhưng cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh đối với chúng ta không phải không còn chỗ khả thủ. Rõ ràng thời đại và thế giới quan đã hạn chế rất nhiều đường lối đấu tranh cách mạng của Phan Châu Trinh, nhưng văn chương của ông, như lời phát biểu của Hồ Chủ Tịch, là thứ "văn chương cách mạng (...) có tác dụng cổ động tinh thần cách mạng(1). Phan Châu Trinh do đó là một nhân vật lịch sử vừa phức tạp vừa phong phú. Trước đây, rải rác trên một số sách báo từng có nhiều ý kiến trao đổi(2). Và đặc biệt một số tác phẩm ít được lưu hành của ông cũng được phổ biến để làm cơ sở thảo luận(3). Nhưng phải nhận rằng số tài liệu sử dụng để phục vụ cho cuộc thảo luận còn nghèo nàn quá. Việc sưu tầm thật đầy đủ tác phẩm Phan Châu Trinh trở nên nhiệm vụ hàng đầu. Vào cuối năm 1977, Viện Khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh có cử một đoàn cán bộ do Ô.Trần Nghĩa lúc đó là Trưởng ban Văn học, làm Trưởng đoàn ra miền Trung để sưu tầm tài liệu Hán Nôm. Tại Đà Nẵng, Đoàn có phát hiện thêm một số tài liệu về Phan Châu Trinh trước nay chưa được công bố, đang tàng trữ tại nhà Phan Thị Châu Liên là con gái của tác giả, ở số nhà 34 đường Phan Đình Phùng Đà Nẵng. Đoàn sau đó có phân công cho tôi tìm hiểu kỹ số tài liệu này. Nay, qua Tạp chí Hán Nôm, xin công bố kết quả làm việc của chúng tôi để bạn đọc tham khảo.

Trước khi giới thiệu số tài liệu nói trên, chúng tôi muốn điểm qua mấy nét về những tác phẩm của Phan Châu Trinh từng được công bố trước đây(4).

Tác phẩm của Phan Châu Trinh phần lớn trước đây đã được công bố. Nguyên tác có, dịch phẩm có, chữ Hán có, chữ Pháp có, chữ Quốc ngữ có và đặc biệt truyền miệng cũng có. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói đến số tài liệu hiện có thể tìm đọc được.

1. Chí thành thông thánh (1905): Nói đến những tác phẩm được công bố của Phan Châu Trinh mà không nhắc qua bài thơ Chí thành thông thánh, tưởng là một điều thiếu sót. Tuy chỉ là một bài thơ chữ Hán luật Đường, làm theo đề ra sẵn của trường quan trong kỳ khảo hạch tại Bình Định năm Ất- Tỵ, nhưng đó là một tiếng sét làm rung chuyển học giới cả nước lúc bấy giờ. Cùng với bài phú Danh sơn lương ngọc của các ông Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, bài thơ Chí thành thông thánh của Phan Châu Trinh, trong ý hướng chế nhạo khoa cử, đã nói lên được hoàn cảnh nô lệ của dân tộc, lầm than của đất nước, kêu gọi những người có tâm huyết đi làm cách mạng. Hình thức ngắn gọn của bài thơ rất dễ dàng và nhanh chóng "phát hành miệng" đi khắp nước và về sau trong các thi tập của ông hoặc trong các hợp tuyển thơ văn ông, đều có trích in.

2- Đầu Pháp chính phủ thư (1906): hay bức thư gửi Toàn quyền Bô (Beau) sau khi Phan Châu Trinh từ Nhật trở về nước. Nguyên tác bằng chữ Hán được in dịch ra tiếng Pháp. Nội dung bức thư nêu lên những tệ trạng của quan lại Nam triều do thực dân Pháp dung dưỡng, đã làm cho tình ý hai nước Pháp và Nam khó bề liên hiệp. Tác giả đồng thời cũng đề nghị với chính phủ Pháp sửa đổi chính sách bảo hộ ở Đông Dương. Thư này có gửi đăng báo Pháp. Trường Đông kinh nghĩa thục cho in bằng hoạt bản chữ gỗ đến hàng nghìn quyển phát hành đi các nơi(5), khiến tầng lớp sĩ phu Bắc Trung Nam đều có đọc và một số không ít trong hàng ngũ họ còn đọc đến thuộc lòng(6). Năm 1926, Tạp chí Nam Phong cho in lại bản nguyên tác trong các số 103, 104 phần chữ Hán. Cũng năm đó, một bản lược dịch được in vào tập Quốc gia huyết lệ do Thịnh Quan thư quán xuất bản ở Sài Gòn. Một bản dịch Việt khác của Ngô Đức Kế cũng công bố trong Phan Tây Hồ di thảo do Thụy Ký ấn hành ở Hà Nội, rồi Nguyễn Kim Đính ở Sài Gòn cũng phổ biến bản dịch của mình trong Gương chí sĩ. Đến năm 1949, bản Việt dịch Đầu Pháp chính phủ thư của Ngô Đức Kế được tuần báo Tân Dân ở Hà Nội cho in lại vào số đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ tiên sinh ngày 24-3-1949. Bảy năm sau, năm 1956, tủ sách "Những mảnh gương" của Tân Việt ở Sài Gòn lại cho ra cuốn Phan Châu Trinh(*) của Thế Nguyên trong phần phụ lục có in lại trọn bản Việt dịch của Nguyễn Kim Đính. Vào những năm sáu mươi, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam đều có phổ biến lại những bản Việt dịch của tác phẩm trên, hoặc đưa vào các hợp tuyển như bản dịch của Ngô Đức Kế trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV của Vũ Đình Liên... Hoàng Ngọc Phách, Thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX của Đặng Thai Mai, hoặc nhằm phổ biến văn kiện dùng cho cuộc thảo luận như Nghiên cứu lịch sử số 66 tháng 9-1964 với bản dịch của X.X., hoặc để nuôi dưỡng tinh thần bất khuất như trường hợp Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp của Thái Bạch.

3- Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907): là bài tựa bằng chữ Nôm của Phan Châu Trinh đề cho cuốn Hợp quần doanh sinh thuyết của Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền. Nội dung bài tựa nhằm kêu gọi toàn dân phải tổ chức đoàn thể, mở mang thực nghiệm để mưu hạnh phúc sống còn. Thư viện Khoa học xã hội ở Hà-Nội hiện có một bản chép tay mang ký hiệu NVv.224, Năm 1959, Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền của Lê Thước và Vũ Đình Liên có trích một đoạn của bài tựa nói trên(7).

4- Tỉnh quốc hồn ca 1 (1907): là một tập thơ gồm 3 phần. Phần đầu là bài Tỉnh quốc hồn ca 1 gồm 470 câu song thất lục bát với nội dung hô hào cải cách xã hội theo đường hướng duy tân lúc bấy giờ. Phần hai có 310 câu gồm 5 bài ca lục bát, nội dung trình bày vấn đề giáo dục đạo đức gia đình, nhưng chưa thoát khỏi tính chất gia huấn phong kiến. Phần ba có 45 câu gồm ba bài ca trù rút ra từ Giai nhân kỳ ngộ diễn ca với nội dung kêu gọi kẻ hào kiệt hãy nhìn lịch sử oanh liệt của dân tộc mà đoàn kết để dựng lại nền tự chủ cho đất nước. Tỉnh quốc hồn ca 1 lúc đầu được dùng làm tài liệu giảng dạy tại trường Đông kinh nghĩa thục. Đến năm 1926, các ông Ngô Đức Kế và Lương Văn Can cho xuất bản Phan Tây Hồ di thảo trong đó có phần Tỉnh quốc hồn ca này. Tháng 7-1945, ông Lê Ấm là con rể của Phan Châu Trinh cho xuất bản tại Quy-Nhơn tác phẩm này với nhan đề Tây Hồ Phan Châu Trinh di thảo tập I Tỉnh quốc hồn ca và mấy bài ca khác. Đến năm 1963, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV, trong phần Phan Châu Trinh có trích in 224 câu, phần nửa đầu Tỉnh quốc hồn ca 1. Rồi trong hợp tuyển thơ văn yêu nước, Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX của nhà xuất bản Văn học Hà Nội năm 1972 cũng cho in lại đoạn đã in trong Hợp tuyển 1963.

5- Tuồng Trưng Nữ Vương (1910): là một vở tuồng sáng tác tập thể do các ông Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện cùng soạn ra để "tiêu khiển" lúc còn ở Côn Đảo, trong đó biểu dương tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng và ý hướng duy tân của các tác giả. Ở Côn Đảo lúc bấy giờ có nhiều người thuộc lòng tác phẩm này, trong đó có ông Tú Trương Huy người làng Tiên Đỏa quận Thăng Bình. Năm 1972, ông Tú đã đọc cho Lê Ấm chép tại Huế. Đến năm 1962, tác phẩm này được nhà xuất bản Anh Minh cho công bố với nhan đề Tuồng Trưng Vương bình Ngũ lãnh.

6- Ký Nhân quyền hội thư (1911): là bức thư gửi cho Hội Nhân quyền và Dân quyền Pháp ở Pa-ri, nội dung kể những việc dân biến ở Trung-kỳ, cách đối phó của chính phủ Bảo hộ, cách mượn cớ để đàn áp và tâng công của quan lại Nam triều, gây lên hậu quả đau thương cho sĩ phu và dân chúng. Trong khi trình bày các sự kiện, Phan Châu Trinh vừa biện minh cho hoàn cảnh khó khăn của mình cùng các đồng chí, vừa vạch trần chế độ cai trị tàn ác của thực dân Pháp ở Đông-Dương. Nguyên tác chữ Hán, Phan Châu Trinh tự dịch ra quốc văn để Huy-lơ Ru (Jules Roux) dịch thành tiếng Pháp, đưa cho Al-be-Xa-Rô (Albert Sarraut) lúc đó sắp sang nhậm chức toàn quyền Đông-Dương. Một bản Pháp dịch khác do Hội Nhân quyền và Dân quyền Pháp ở Pa-ri xuất bản với nhan đề "Các cuộc biểu tình ở An-Nam năm 1908" (Manifestations de 1908 en Annam)(8). Bản Pháp dịch này về sau được báo Chuông rạn (Cloche fêlée) ở Sài-Gòn cho đăng lại từ số 35 ngày 1-2-1926. Vào tháng 1-1965, Nghiên cứu lịch sử số 70 có trích đăng một số đoạn dịch "Bản điều trần của cụ Phan Châu Trinh”(*) trong tập san của Hội Nhân quyền năm 1911. Rồi vào tháng 2-1973, trên Tạp chí Văn học cũng có trích một đoạn của "Thư gửi Hội Nhân quyền năm 1911" trong bản dịch của Viện Văn học. Bản Việt dịch được phổ biến đầy đủ hơn cả có lẽ là bản chú dịch và giới thiệu Trung-kỳ dân biến thỉ mạt ký của các ông Lê Ấm và Nguyễn Quyết Thắng xuất bản tại Sài Gòn năm 1973, trong đó ngoài các phần dẫn nhập, dịch văn, sách tham khảo, còn cho in ốp-xét toàn văn nguyên bản chữ Hán của Phan Châu Trinh.

7- Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (1913-1915): là một "vị định cảo" của Phan Châu Trinh được viết ra trong thời gian ông lưu trú tại Pháp. Giai nhân kỳ ngộ nguyên là một tác phẩm của nhà văn Nhật tên Sài Tứ Lang, được Lương Khải Siêu dịch ra Hán văn và Phan Châu Trinh đã diễn ca bản Hán văn này ra thơ lục bát(9). Nội dung tác phẩm nói về sự gặp gỡ lạ lùng của một đôi trai tài gái sắc trên đất nước Mỹ. Tán sỹ là một thanh niên Nhật, U-lan là một thiếu nữ Tây-Ban-Nha, cả hai đều là người yêu nước. Hai người gặp nhau, yêu nhau với đầy đủ mọi diễn biến của trạng thái tâm hồn trong đó pha lẫn các tình huống đông tây, mới cũ. Tuy nhiên, Giai nhân kỳ ngộ không đơn thuần là một truyện tình. Phong trào đòi độc lập tự do của một số nước trên thế giới giữa thế kỷ XIX mới là cái chính thu hút tâm tư của người kể chuyện. Do đó, chen lẫn vào câu chuyện tình, tác giả đã bỏ ra nhiều bút mực để thuật lại tình hình chính trị xã hội và phong trào đấu tranh của những người yêu nước tiến bộ ở Tây-Ban-Nha, Ái-Nhĩ-Lan, Nhật, Ai-Cập, Hung-Gia-Lợi. Sài Tứ Lang đã viết Giai nhân kỳ ngộ để giáo dục người Nhật thời Minh-trị duy tân Lương Khải Siêu lại dùng đối với người Trung-Quốc sau Mậu-Tuất chính biến. Đến lượt Phan Châu Trinh cũng mượn cái vốn ấy với một hình thức đặc biệt Việt Nam, mong truyền bá rộng rãi tư tưởng dân chủ trong phong trào dân tộc dân chủ đang lên vào đầu thế kỷ. Giai nhân kỳ ngộ diễn ca lần đầu tiên trong khoảng năm 1926, được Ngô Đức Kế in ra ở Hà-Nội, nhưng sách vừa in xong chưa kịp phát hành, thì đã bị tịch thu và bị đốt hết(10). Ba mươi năm sau đó, năm 1958, nhà xuất bản Hướng Dương ở Sài-Gòn mới công bố trọn phần Giai nhân kỳ ngộ diễn ca dưới nhan đề Phan Châu Trinh Giai nhân kỳ ngộ (anh hùng ca).

8- Tây Hồ thi tập và Xăng-tê thi tập (1914-1915): Thi tập của Phan Châu Trinh, theo tài liệu của Huỳnh Thúc Kháng, có khoảng năm mươi bài thơ chữ Hán và khoảng hai trăm bài thơ quốc âm(11). Trên thực tế, nếu kể số lượng thì nhiều hơn thế và nếu kể thời gian sáng tác cùng đặc tính của các thi phẩm, thì những bài thơ họ Phan làm ra khi còn ở Việt Nam với ít bài khi mới sang Pháp, đều nằm trong Tây Hồ thi tập: còn những bài sáng tác trong thời gian mười tháng ở ngục Xăng-tê thuộc về Xăng-tê thi tập. Tập trước có trên năm mươi bài thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt, nói lên tình cảm yêu nước tích cực của người trí thức. Đây là tiếng thơ bất khuất của một chiến sĩ đầy nhiệt tình và nhiệt huyết. Tập sau có trên hai trăm hai mươi bài, phần lớn lấy tục ngữ làm đầu đề. Nội dung thi tập cũng bàng bạc tình cảm vì nước vì dân, nhưng hình thức của lối thơ "phú đắc" không khỏi gây ấn tượng gò bó tiểu xảo cho người thưởng thức. Một số tuyển tập thơ văn Hán Nôm từ đầu thế kỷ như Tân văn lục, Văn liên tạp thảo, Văn minh tân học sách đều có thu lục nhiều ít thơ ca của Tây Hồ thi tập(12). Rồi những tuyển tập thơ văn quốc âm, những đặc san kỷ niệm, những tập nghiên cứu về Phan Châu Trinh hoặc tập trung, hoặc rải rác đều có in những bài có trong Tây Hồ thi tập. Chẳng hạn Phan Tây Hồ di thảo của Ngô Đức Kế, Thụy Ký, Hà-Nội, 1926; tuần báo Tân Dân số đặc biệt, 1949; Danh nhân nước Việt của Đào Văn Hội, Sài-Gòn, 1951; Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh của Tôn Quang Phiệt, Văn Sử Địa, Hà-Nội, 1956; "Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn" của Trần Huy Liệu trong Nghiên cứu lịch sử số 1, 3-1959; Thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX của Đặng Thai Mai Văn hóa, Hà-Nội, 1961; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV của Vũ Đình Liên... Hoàng Ngọc Phách, Văn hóa, Hà-Nội, 1963; Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên và Hư Chu, Mặc Lâm, Sài-Gòn, 1968; Thi ca châm biếm trào lộng Việt Nam của Hoàng Trọng Thược, Khai Trí, Sài-Gòn, 1969; Hợp tuyển thơ văn yêu nước, Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX, Văn học, Hà Nội, 1972... Đặc biệt năm 1961, ông Lê Ấm đã sao lục di thảo của Phan Châu Trinh về hai thi tập Tây Hồ Xăng-tê rồi cho in chung thành một tập gọi là Tây Hồ Phan Châu Trinh di thảo Tây Hồ và Xăng-tê thi tập. Sách chia làm hai phần, tổng cộng 295 bài thơ trong đó Tây Hồ thi tập có 69 bài và Xăng-tê thi tập có 226 bài, nhưng hết 7 bài chép theo truyền văn.

9- Ký Khải Định hoàng đế thư (1922): là bức thư chữ Hán gửi cho Khải Định, khi vua này sang Pháp dự cuộc đấu xảo quốc tế năm 1922. Chuyến đi của Khải Định có nhiều điểm ám muội mà Phan Châu Trinh cho là một điều xỉ nhục đối với quốc thể. Nội dung bức thư kể rõ bảy điều trái phép của vua và buộc vua phải tự xử. Thư này được Phan Châu Trinh cho dịch ra tiếng Pháp, đăng báo và rải truyền đơn để người Pháp rộng đường tham khảo. Khoảng năm 1925, Trần Huy Liệu đã dịch thư này ra tiếng Việt và cho in trong Gương chí sĩ của Nguyễn Kim Đính, Sài-Gòn, 1926. Bản Việt dịch của Phan Châu Trinh trước đây, về sau bị thất lạc một phần bản thảo, nên ông Lê Ấm khi sao lục, phải dịch tiếp từ bản chữ Hán ra, rồi đến năm 1958 nhà xuất bản Anh Minh mới cho xuất bản dưới nhan đề Di cảo cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh Thư thất điều. Tháng 8-1959, trên Nghiên cứu Lịch sử số 6, Trần Huy Liệu cho in lại bản dịch của mình với nhan đề "Bức thư cảnh cáo Khải Định kể bảy tội đáng giết". Bản Việt dịch này còn được Nghiên cứu Lịch sử cho in lại trong số 66 tháng 9-1964 dưới nhan đề "Thất điều trần" và ở Sài Gòn năm 1968 cũng được Thái Bạch đưa vào Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp với tên "Thư kể tội Khải Định". Đến năm 1972, Hợp tuyển thơ văn yêu nước, Thơ văn yêu nước và cách mạng cũng cho in lại bản Việt dịch này.

10- Bức thư trả lời cho một người học trò tên là Đông (1925): Anh Đông, một du học sinh Việt Nam ở Pháp, ham học, yêu nước, đã từng gặp, nói chuyện và viết thư cho Phan Châu Trinh. Bức thư trên là của Phan Châu Trinh trả lời anh Đông vào tháng 1-1925 ở Pa-ri. Nội dung gồm những ý kiến của ông đối với một loạt vấn đề có liên hệ đến tình hình của nước ta lúc đó, như về cách học, về đảng phái, về chủ trương bạo động, về việc nhờ ngoại viên, về một số nhân vật tên tuổi đương thời, về chính phủ bảo hộ Pháp, về chính phủ bù nhìn Việt, về đường lối phải thực hiện để cứu nước, dựng nước v.v.. Năm 1926, bức thư trên được in vào Phan Tây Hồ di thảo văn tập cụ Phan Châu Trinh tập thứ nhất, Ngô Đức Kế biên tập và phê bình, Lương Văn Can xuất bản, Hà Nội. Tháng 3-1949, được in lại trong tuần báo Tân Dân số 3 ở Hà-Nội, rồi mười năm sau, trong tạp chí Nhân Loại số 11,12 tháng 3 và 4-1959 ở Sài-Gòn.

11- Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925): là hai bài diễn văn Phan Châu Trinh đọc tại Sài-Gòn vào cuối năm 1925 khi ông vừa ở Pháp trở về Việt Nam. Bài đầu, sau khi so sánh hai chủ nghĩa Quân trị và Dân trị, tác giả đã kêu gọi đồng bào mau góp sức lo toan việc nước để đưa dân tộc tiến lên. Bài sau, ông cho rằng sở dĩ nước ta mất, dân ta hèn, bị dày xéo khinh bỉ là vì đã đánh mất nền đạo đức luân lý truyền thống của mình. Cần phải khôi phục lại nền đạo đức luân lý đó mà tinh hoa có thể tóm tắt vào mấy lời sau đây "sĩ khả sát bất khả nhục,... phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Sau khi được trình bày ở Sài-Gòn, hai tác phẩm trên được cho mang ra phổ biến ở Huế(13). Năm 1926, được in trong Gương chí sĩ và ba mươi năm sau đó lại thấy xuất hiện toàn văn trong Phan Châu Trinh(*) của Thế Nguyên. Năm 1964, ở Hà-Nội, Nghiên cứu lịch sử số 66 và 67 đã cho in lại hai bài diễn văn trên. Riêng bài Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa, năm 1968 ở Sài-Gòn, Thái Bạch cũng có giới thiệu và cho in toàn văn trong Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp.

Như trên đã nói, gần đây nhân đi công tác ở Đà-Nẵng, chúng tôi có dịp tìm hiểu số tác phẩm của Phan Châu Trinh hiện tàng trữ tại nhà bà Phan Thị Châu Liên, trong đó có một số tác phẩm đã được công bố, một số tác phẩm tuy đã được công bố nhưng chưa đầy đủ và một số chưa được công bố. Dưới đây chúng tôi sẽ xin lần lượt giới thiệu số tác phẩm công bố chưa đầy đủ và số chưa được công bố.

Những tác phẩm công bố chưa đầy đủ là những tác phẩm khi công bố, người sao lục hoặc đã bỏ bớt một số bài trong nguyên tác, hoặc tự ý thêm vào một số bài không có trong nguyên tác, hoặc cắt xén một số đoạn, sắp xếp lại một số đoạn khác theo thứ tự chủ quan của mình, hoặc sửa chữa những câu chữ không theo phương pháp chỉnh lý văn bản khoa học. Trong những trường hợp trên, bản gốc sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chỉnh lý các văn bản. Sau đây là một số bản gốc đó.

1- Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (vị định cảo): tác phẩm này hiện có hai bản chép tay của Phan Châu Trinh, một trên giấy học trò cỡ 20x31cm đóng chung với Tỉnh quốc hồn ca 1 Tây Hồ thi tập. Đây là bản thảo của tập diễn ca. Một nữa là bản chép sạch trên tập cỡ 16x21cm gồm ba tập:

- Tập 1 đề Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (vị định cảo), nội dung chép từ hồi I đến hồi III.

- Tập 2 chép từ hồi IV đến hồi VI.

- Tập 3 chép từ hồi VII đến hồi IX

Riêng tập 3, tập vở và nét bút không giống hai tập đầu. Nguyên bản tập 3 chắc là bị hỏng, nên gia đình chép lại như trường hợp hai trang đầu của tập 1(14).

2- Tây Hồ thi tập: Thi tập này hiện còn tìm thấy hai nơi trong hai văn bản chép tay khác nhau. Một trong Tỉnh quốc hồn ca 2 gồm mấy bài thơ Phan Châu Trinh làm ra lúc đi chơi Phan-Thiết và lúc ở nhà. Hơn nữa trong Tỉnh quốc hồn ca 1 có trên hai trăm bài thơ trong đó có mười bài "Điếu ông Đồ Chiểu" và bài hoạ "Thơ điếu Nguyễn Hữu Huân".

Ngoài hai tài liệu trên, còn có ba bản chép tay khác mà nét chữ ít giống với nét chữ trên, đều mang tựa đề Tây Hồ thi tập:

- Bản thứ nhất gồm 83 thi đề từ bài "cờ tướng" (số 1) đến bài "dài mỏ khó kiếm ăn" (số 83).

- Bản thứ hai gồm 49 thi đề từ bài "tặng đĩ lỡ làng" (số 1) đến bài "thi xửa y vận" (số 49).

- Bản thứ ba gồm 75 thi đề trong đó một số bài có trong bản chép tay Tỉnh quốc hồn ca 2, một số lớn khác có trong bản chép tay Tỉnh quốc hồn ca 1.

3- Xăng-tê thi tập: Tại 34 Phan Đình Phùng, Đà-Nẵng hiện còn hai bản chép tay mang tên Xăng-tê thi tập:

- Bản thứ nhất là bản sao của Nguyễn Ngô Ngạc khi ông này còn ở Pháp, gồm 221 thi đề viết trên tập học trò với lời kính thuật đề ngày 15-9-1927. Nguyễn Ngô Ngạc là cháu gọi Phan Châu Trinh là cậu họ. Hồi nhỏ ông là môn sinh của Phan, có thi Hương một lần vào năm 1909, làm Lý trưởng, làm Giáo sư. Năm 1916, Nguyễn Ngô Ngạc tòng chinh sang Pháp, đóng suất đội, năm 1920 trở về nước, hàm lục phẩm. Khi còn ở Pháp, Nguyễn Ngô Ngạc đến thăm Phan Châu Trinh ở Pa-ri, được Phan cho xem Xăng-tê thi tập và bảo sao lại một bản gửi về Việt Nam để phổ biến. Bản chính của thi tập này, Phan Châu Trinh giao lại cho con là Phan Châu Dật. Nhưng khi Dật về nước (1919) không kịp mang theo, nên phải nhờ Nguyễn Ngô Ngạc mang về giao lại. Dật nằm nhà thương rồi mất. Bản chính đó, theo Ngạc, đã bị mất. Còn bản sao, đến cuối năm 1927, Ngạc mới đem lại giao lại cho bà Châu Liên và ông Lê Ấm.

- Bản thứ hai cũng làm một bản sao gồm 77 thi đề, từ số 81 đến số 157. Đây chắc là một trong số hai hoặc ba phần của Xăng-tê thi tập mà những phần kia đã thất lạc.

4- Thơ viết từ Côn Đảo: là nhan đề ghi trên bìa mới đóng lại của một thi tập mang di bút của Phan Châu Trinh. Thật ra nhan đề này không phù hợp với nội dung của thi phẩm đó. Trái lại đây là "bản chính" của Xăng-tê thi tập mà Nguyễn Ngô Ngạc đã bảo là không còn nữa. Tuy nhiên, thi tập này hiện còn lại không đủ, chỉ có 161 bài thơ, từ bài số 4 đến bài số 90 và từ bài số 130 đến bài số 203. Nếu đối chiếu bản này với bản của Nguyễn Ngô Ngạc, thì sẽ thấy bản sau đúng là bản sao lại của bản trước.

5- Thơ ngoại cuộc: là một tập di bút của Phan Châu Trinh gồm 21 trang giấy học trò, có hai phần:

- Phần thứ nhất là Thơ ngoại cuộc có 17 trang.

- Phần còn lại gồm một số thi ca khác.

Thơ ngoại cuộc thật ra chỉ là bản chép lại một một cách thuộc lòng (?) bài dịch Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu do Từ Long Lê Đại dịch. Tuy nhiên, nếu so cùng với bản đó in trong Thơ văn Phan Bội Châu của Đặng Thai Mai, Văn hóa, Hà-Nội, 1960, thì bản này có nhiều chữ nhiều câu chép khác hẳn, nhiều đoạn bỏ cách khoảng và đoạn cuối cùng lại thiếu gần 200 câu. Phần thi ca khác còn lại đây gồm bài "thơ giảng báo" là một bài ca trù dài và một bài thơ thất ngôn không có đề và thiếu đi câu luận. Nội dung cả hai bài nhằm kêu gọi đồng bào dù ở đâu và làm nghề gì, cũng nên ý thức đầy đủ hoàn cảnh bất hạnh của đất nước, của dân tộc, để tìm phương cứu nước giúp dân.

Những tác phẩm chưa được công bố gồm cả phần chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và một số nhỏ chữ Pháp. Số tác phẩm này trước đây cũng đã có người nói đến, nhưng hoặc chỉ cho biết tên tác phẩm, hoặc chỉ giới thiệu sơ lược về tác phẩm, hoặc chỉ trích dịch một vài đoạn nhỏ của tác phẩm. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu cả hình thức lẫn nội dung từng tác phẩm, nhưng với một số khác mà chúng tôi cho là ít quan trọng thì chỉ xin nói đến một cách tổng quát.

1- Tỉnh quốc hồn ca 2 là bản chép tay bằng chữ Quốc ngữ của Phan Châu Trinh trên tập vở học trò, đóng chung với một số bài khác cùng nét bút của ông và một phần của người khác. Bản này gồm:

- Một đề cương có 6 phần mà nội dung vạch trần chính sách cai trị của người Pháp tại Đông-Dương và đề nghị một đường lối khiến hai nước Pháp và Việt không nghi kỵ, không ganh ghét và không thù hiềm nhau.

- Văn bản Tỉnh quốc hồn ca 2.

- Tiểu sử Phan Châu Trinh cùng một số thơ của ông làm ra khi ông chưa sang Pháp (phần này nét bút và màu mực có khác những phần kia).

- Bài "Cách cai trị rộng rãi bên An-Nam, một người tự nhận là cha dân An-Nam, nói một đàng làm một nẻo". Đây chắc là bản nháp một bài báo của Phan Châu Trinh nhằm công kích Al-be Xa-rô (Albert Sar-raut) và đường lối chính trị cải cách giả dối của y như việc lập viện tư vấn, luật pháp, học hành,... nhưng thật ra lại đầu độc dân tộc ta và tước đoạt quyền tự do của dân tộc ta. Tỉnh quốc hồn ca 2 là một bài ca song thất lục bát, gồm 133 liên nhưng bị bỏ hết 9 liên ở nhiều đoạn khác nhau, còn lại 124 liên hay 496 câu thơ. Nội dung khúc ca trình bày bản chất của dân ta là "nhớ ơn quên thù" để cầu tiến bộ. Chính sách cai trị của thực dân rất khắc nghiệt, quan lại thừa hành thì nhũng lạm tàn ác, khiến dân ta phải chịu khổ sở lầm than. Có điều, người Pháp vốn có "lòng nhân", nước Pháp là nơi sản sinh "dân quyền lập hiến", nếu ta quyết theo đường lối dân chủ tự trị thì, vì quyền lợi chung, người Pháp chắc sẽ phải "tận tình giúp đỡ ta" và "ta sẽ được tiến bộ văn minh"...

2- Di cảo: là tập di bút chữ Hánm, chữ Nôm gồm một số bài thơ, văn và luận thuyết của Phan Châu Trinh. Toàn tập có 110 trang giấy đại cỡ 25x26 cm, trang 16 dòng chữ thảo rời, giấy có kẻ phần dòng bằng mực đỏ nhưng nhiều trang lại viết tràn ra ngoài số dòng sẵn có. Tập này ngoài bài "Việt Nam quốc dân Phan Châu Trinh ký thư ư đương kim hoàng đến và một số bài thơ trong Quốc âm tạp vịnh, còn có những phần sau đây chưa hề được công bố:

- Chính sách thuế khóa đinh điền thổ ở Việt Nam.

- Thư gửi Hoàng Cao Khải,

- Quốc âm tạp vịnh.

- Thư gửi toàn quyền Đông-Dương.

- Bản Hán dịch bài diễn thuyết của Thiết-Sinh-Sỹ.

- Khất lưu thư.

3- Đại Việt sử ký toàn thư tự: là một bản sao chữ Hán gồm 41 trang chữ thảo rời trên giấy tiểu cỡ 16x27cm, trang 9 dòng, dòng 20-22 chữ, gồm:

- Bài tựa (?)

- Bài lai cảo canh chánh.

Phần đầu gần như một tập bút ký. Sau khi đọc Đại Việt sử ký toàn thư bản của người Nhật, Phan Châu Trinh đã chép lại bài tựa và tự trích ghi những nhân vật yêu nước trong sách từ đời Hùng Vương đến đời Hồ. Phần sau là một bài báo cải chánh bài đăng trong nhật báo Hải lục quân của Trung Quốc về việc đào mả Tự Đức. Bài "lai cảo Trung-Quốc Hải lục quân nhật báo" này còn thấy Thượng Giới Thị(15) chép lại đằng sau tập Đầu Pháp chính phủ thư. Cũng nên biết thêm phần Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Thượng Giới Thị có khá nhiều chi tiết về cuộc đời Phan Châu Trinh không có trong tài liệu cùng tên của Huỳnh Thúc Kháng.

4- Đông-Dương chính trị luận: tác phẩm này ở Đà-Nẵng hiện có hai bản:

- Một bản nháp là thủ bản của Phan Châu Trinh gồm 80 trang giấy đại cỡ 16x31cm, trang 12 dòng, dòng 30-32 chữ thảo, nhiều chỗ có ghi chú và sửa chữa.

- Một bản sao của Trần Tiêu(16) gồm 184 trang giấy tiểu cỡ 16x29cm, trang 8 dòng, dòng 15-16 chữ thảo rời. Trang bìa đề Đông-Dương chính trị luận với dòng lạc khoản "Tây Hồ Phan Hy Mã tiên sinh trước". Từ trang 2 đến trang 10 là "Phan Tây Hồ tiên sinh niên biểu" của Huỳnh Thúc Kháng. Trang 11-12 là bài tựa của Trần Tiêu Thượng Giới Thị đề ngày 4 tháng 4 năm Bính Dần (1926). Từ trang 13 đến trang cuối chép văn bản Đông-Dương chính trị luận. Đây là phần chính trị học của Phan Châu Trinh cũng là bản án về những tệ chính và tệ trạng của chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ. Chính sách của thực dân Pháp là đem lại tư quyền tư lợi cho một thiểu số cá nhân Pháp và bức hại quần chúng nhân dân bản xứ. Do đó mà từ việc thiết lập bộ máy cai trị đến chế độ dùng người đều nhằm mục đích bóc lột đàn áp, khiến cho máu mỡ của nhân dân ngày càng khô cạn nhưng vẫn không dám há miệng kêu ca. Vấn đề chính trị ở Đông-Dương rất khó, muốn giải quyết phải mất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức của hàng vạn nhân dân.

5- Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam: là bản thảo chữ Hán của Phan Châu Trinh viết trên năm mươi trang giấy đại cỡ 21x34cm, trang 12 dòng, dòng 32-36 chữ, nhiều chỗ có bôi xóa sửa chữa. Nội dung tác phẩm nhằm trình bày đường lối chính trị của ông về một nước Việt Nam mới sau khi thi hành chính sách liên hiệp Pháp-Việt. Tác phẩm cũng nêu rõ chủ trương bất đồng giữa hai đảng cứu nước bấy giờ: đảng "Cách mạng" do Phan Bội Châu phát khởi thì bài ngoại (Pháp) nhưng ỷ ngoại (Nhật) và đảng "Tự trị" do tác giả phát khởi thì cố tìm cách cho hai nước Pháp và Việt gần nhau, nên đòi hỏi phải cải cách, phải khai trí trị sinh. Bằng vào kinh nghiệm lịch sử giao thiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam cùng tình hình Việt Nam từ khi giao thiệp với Pháp, tác giả kiên trì theo chủ trương đường lối của mình.

6- Cuộc ngoại nhân kim nhật chi Trung quốc quan: là một tác phẩm của Phan Châu Trinh mà tài liệu của Huỳnh Thúc Kháng có nói đến, nhưng hiện chưa tìm thấy. Theo tài liệu của Bách Khoa số 406 tháng 3-1974, thì ông Lê Ấm là người đã được đọc tác phẩm trên và cho biết sơ lược nội dung cuốn sách là bàn về sự biến loạn ở Trung Quốc sau khi Tôn Văn mất và đề nghị một hậu duệ của Khổng Tử lên làm tổng thống.

7- Những tài liệu khác: Đây là số thư từ riêng của Phan Châu Trinh nhận và gửi cho người khác ở Pháp, ở Việt Nam và ở các nước ngoài. Hiện còn khoảng trên bảy mươi bức bằng chữ Việt, chữ Pháp và chữ Hán. Trong số thư từ này, trước đây một số đã được nói đến tên , hoặc được trích dẫn một vài đoạn, hoặc được công bố toàn văn. Cũng có một số thư không đề địa chỉ, không đề ngày tháng hoặc ký tên không rõ, còn thì niên đại trên thư đề từ năm 1911 đến năm 1926 và địa chỉ đại để có: Al-be Xa-rô (Albert Sarraut), Ba-but (Babut), Báo Uy-mani-tê (Humanité), Báo Hương Cảng, Bô-ni-fa-xy (Bonifacy), Bộ trưởng Bộ thuộc địa, Ca-rông (Caron), Đại diện chính phủ Đông-Dương, Ec-net Buy-tơ-rây (Ernest Dutrey), Hạ nghị viện Pháp, Hồ Văn An, Ruy-lo Ru (Jules Roux), ông Lâm, Ma-ri-uyt Mu-te (Marius Moutet), Pô-lê (Pollet).

Phan Châu Dật, Q.d. Tất Thành, tỉnh Mỹ-Tho, Tòa Hòa giải Quận 17 ở Pa-ri, Uy-li-xơ Lơ-rich-sơ (Ulysse Leriche), Đuy Vô-rơ (du Vaure)... Có điều xin thưa thêm là một số các bức thư thuộc loại trên, trước đây chắc có trong số di cảo của họ Phan nên đã được một số người nói đến, nhưng bây giờ không còn thấy nữa(17).

Chúng tôi nghĩ rằng, số tác phẩm trên đây một mặt sẽ góp phần bổ sung và chỉnh lý các văn bản về Phan Châu Trinh đã được công bố; mặt khác, với tư cách là những tài liệu mới phát hiện, sẽ là cơ sở để chúng ta nghiên cứu và đánh giá Phan Hy Mã một cách khách quan hơn, chính xác hơn.

Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với bà Phan Thị Châu Liên và nhà văn Phan Tứ đã tận tình giúp đỡ, cho chúng tôi mượn toàn bộ di cảo của Phan Châu Trinh để đọc.

CHÚ THÍCH

(*) Cho đến nay, các sách báo vẫn chưa thống nhất về tiếng đệm trong tên tác giả. Có nơi viết là "Châu", nhưng cũng có nơi viết là "Chu". Để tôn trọng cách đọc và viết của tác giả và gia đình ông, chúng tôi đề nghị dùng: Phan Châu Trinh (Đ.K).

(1) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự Thật, H. 1971, tr.62.

(2) Xin đọc thêm Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu niên biểu của Phan Bội Châu, Nam Phong số 106 tháng 6-1926, Phụ nữ tân văn số 44 ngày 20-3-1930, Tân Dân số 3 ngày 24-3-1949, Nghiên cứu Lịch sử số 3,6,7 năm 1959, số 66 đến 76 năm 1964-1965, Tạp chí Văn học số I năm 1969, số 2 năm 1973, Chính văn số 3 năm 1972, Bách Khoa số 405, 406 tháng 2 và 3 năm 1974,..

(3) Phan Châu Trinh(*): "Chuẩn bị thảo luận về một nhân vật lịch sử, Nghiên cứu lịch sử số 66 tháng 9-1964.

(4) Những tác phẩm của Phan Châu Trinh, ngoài nguồn tài liệu này, thiết tưởng còn có thể kiếm thêm những nguồn khác ở Việt Nam và ở Pháp, những nơi đây Phan Châu Trinh đã từng sinh hoạt từ khi được "ân xá" đến năm 1926, có quan hệ với một số tư nhân và nhà nước. Riêng khối tài liệu ở Pháp, theo chỗ chúng tôi được nghe thì bà Thu Trang Công Thị Nghĩa đã có sưu tập và nghiên cứu. Rất mong một ngày gần đây học giới trong nước sẽ được biết thêm khối tài liệu quý báu này.

(5) Xem "Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn" của Trần Huy Liệu, Nghiên cứu lịch sử số 3 tháng 5-1959, tr.46.

(6) Xem "Một nho sĩ Việt Nam: ông Phan Châu Trinh" của Ruy-lơ Ru (Jules Roux), Nam Phong số 106 tháng 6-1926, phần phụ trương bằng chữ Pháp, tr.56.

(7) Theo Nguyễn Huệ Chi trong Tạp chí Văn học số 2 năm 1973 thì vì sơ ý nên các soạn giả Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền cho bài tựa này là dịch từ nguyên văn chữ Hán, sự thật thì toàn văn bài trên đã được ghi bằng chữ Nôm trong cuốn Hợp quần doanh sinh thuyết hiện có tại Thư viện KHXH ở Hà Nội, số hiệu VNv.224

(8) Theo các ông Lê Ấm và Nguyễn Quyết Thắng trong Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký thì bàn Pháp dịch này "không biết ai dịch", nhưng theo ông Long Điền trong Bách Khoa số 405 tháng 2-1974 thì chính Phan Văn Trường là dịch giả bản Pháp dịch này.

(9) Xem "Về quyển Giai nhân kỳ ngộ diễn ca" của Huỳnh Lý trong Tạp chí Văn học số I/1969 tr.82.

(10) Theo Giai nhân kỳ ngộ do Hướng Dương xuất bản năm 1958 thì kỳ xuất bản 1926 "sách vừa in xong chưa kịp phát hành một quyển nào thì nhà chức trách đã tịch thâu và đốt hết", nhưng theo Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập II thì Thư viện KHXH ở Hà Nội hiện có bản này và mang ký hiệu P.0689 (25).

(11) Xem Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng. Đây là thủ bút của họ Huỳnh và chính tác giả đã trao lại cho bà Châu Liên năm 1926 tại Huế. Năm 1958, tài liệu này được in chung vào tập Giai nhân kỳ ngộ của nhà xuất bản Hướng Dương.

(12) Các sách này đều có ở Thư viện KHXH ở Hà Nội và mang số hiệu VHv. 2157, A.3103, A.566.

(13) Theo lời bà Châu Liên trong "Chân dung Phan Châu Trinh dưới mắt người con", Bách Khoa số 406 tháng 3-1974, tr.84.

(14) Hai trang đầu của tập I Giai nhân kỳ ngộ diễn ca bị mối ăn mất mấy chỗ, nên gia đình đã chép lại hai trang này đóng phụ vào tập trước. Có điều nên để ý là trong khi chép lại, người chép ngoài việc sao y bản chính, còn chép thêm bài thơ chữ Hán mà trong bản chính chỉ có bài diễn Nôm. Còn bài thơ chữ ở đầu tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca có phải là bài "cảm đề" của Phan Châu Trinh về tập diễn ca của mình không? Vấn đề này, ông Huỳnh Lý trong Tạp chí Văn học số I năm 1969 đã tra cứu, đối chiếu văn bản và cho biết bài thơ chữ Hán trên là của Phan Châu Trinh "cảm đề" dịch phẩm của Lương Khải Siêu mà ông đã dùng để viết Giai nhân kỳ ngộ diễn ca. Tuy nhiên trong số di cảo của Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, chúng tôi chưa tìm thấy bản Giai nhân kỳ ngộ chữ Hán cũng như bài thơ chữ Hán "cảm đề" trong bản nháp của ông.

(15) (16) Thượng Giới Thị là bút hiệu của Trần Tiêu. Theo lời bà Châu Liên cho biết thì Trần Tiêu người Quảng-Bình, học trò của ông Lê Ấm ở trường Quốc Tử Giám, Huế. Sau khi tốt nghiệp trường Giám, Trần Tiêu đến ở lại nhà ông bà Lê Ấm trong thời gian khá lâu. Vì quá hâm mộ Phan Châu Trinh, nên Trần Tiêu đã đọc hết những di cảo của Phan, chỉnh đốn, sao chép, đề tựa một số tác phẩm và nối tiếp công trình của Phan như trường hợp diễn ca tiếp Giai nhân kỳ ngộ từ hồi X đến hồi XIV mà nguyên cảo hiện còn ở Đà Nẵng.

(17) Vào khoảng tháng 12-1977, khi được đọc số di cảo của Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, chúng tôi đã tổng kê được 79 tài liệu thuộc loại thư từ riêng này. Nhưng khi đối chiếu với một số tài liệu đã được phổ biến trên sách báo trước đó, mới biết được loại tài liệu này trước đây có nhiều hơn thế. Riêng bức thư không đề ngày của Q.d. Tất Thành ở England gửi cho Phan Châu Trinh, chúng tôi được biết Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đến tiếp nhận tại Đà Nẵng ngày 8 tháng 3 năm 1978./.

TB

BÀI BIA MỘ ÔNG TỪ MẪN, HỌ NGUYỄN VÀ
BÀ VỢ HỌ HOÀNG DO TRẠNG NGUYÊN LƯƠNG THẾ VINH SOẠN

HOÀNG LÊ

Lương Thế Vinh sinh năm 1441, tại làng Cao Hương, huyện Thiện Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (Nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà). Năm 1991 trên Tạp chí Hán Nôm số 2, chúng tôi có công bố 1 bài ký của ông, sưu tầm được ở An Phúc, Song An, Vũ Thư, Thái Bình. Nay lại phát hiện thêm được 1 tấm bia nữa ở thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc do ông viết. Xin giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo.

Tấm bia đá không dựng mà chôn nằm trên một gò đất nhỏ. Bia gồm 2 phiến đá có kích thước bằng nhau 42x80 cm, đè úp lên nhau thành một khối đá lớn hình chữ nhật. Khi lật ra, mỗi phiến đá phía mặt úp đều có khắc chữ Hán(1). Bia làm theo kiểu này có lẽ là nhằm bảo vệ chữ khắc khỏi bị bào mòn mờ.

Mặt úp của phiến đá trên: có 1 dòng gồm 11 chữ cỡ to, khắc ở chính giữa, có thể coi là thần vị của 2 vợ chồng người đã mất mà cũng có thể coi là tên bia nếu ghép với phiến đá dưới. Có điều tên bia thường viết ở trán bia, còn ở đây là dạng đặc biệt. Dòng chữ ấy là:

Từ Mẫn Nguyễn Công kỵ thất Hoàng thị chi mộ chí.

Mặt úp của phiến đá dưới: chữ Hán viết chân phương, khổ chữ nhỏ, gồm 15 dòng, mỗi dòng 48 chữ. Cộng là 715 chữ. Bia được tạo vào ngày 13 tháng 11 năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức đời Lê (1484).

Vì bài văn bia hơi dài, không có điều kiện đăng nguyên văn, nên dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu phần dịch nghĩa.

Dịch nghĩa:

BÀI BIA MỘ ÔNG TỪ MẪN HỌ NGUYỄN VÀ BÀ VỢ HỌ HOÀNG

Ngài tên húy là Lung, họ Nguyễn; Người ở Kim Đôi, xã Vũ Ninh(2) đời đời là nhà có danh vọng ở làng.

Ông nội (ngài) tên húy là Sư Húc, giữ chức Cận thị nội kiêm Phụng ngự vào triều Trần. Bà họ Nguyễn.

Bố (ngài) là Sư Kỳ, không ra làm quan cho nhà Hồ, tên hiệu là Tích Đức Cư Sĩ. Mẹ họ Nguyễn, là con gái Công Cẩn ở Dị Sử(3).

Ngài sinh vào đời Trần, niên hiệu Quang Thuận, năm Nhâm Thân (1392). Mồ côi cha từ bé, gặp loạn giặc Hồ phải trốn tránh gian nan, chịu đói rét, chỉ còn sót một mình. Vợ ngài họ Nguyễn người làng Ngọc Đôi(4) mất sớm. Vợ kế họ Hoàng, tên húy là Hay, người ở Dược Sơn, Phượng Nhỡn(5) làm dân Kim Đôi, lấy họ Nguyễn húy Nương. Ông bà nội đều có danh vọng ở triều Trần.

Cụ nội: Xa Lịch(6) Vạn Kiếp lệnh đường tiền quan tri số Thân vệ tướng quân(7), tước Á thượng phẩm. Cụ bà Đàm Định, Á hoàng bảo tỉ(8).

Cụ cô tổ (Tằng tổ cô): Giảo Lăng(9) hoàng bảo tỉ.

Ông (của bà) tên là Nhai, giữ chức Thân vệ tướng quân, trông coi quân Tả Thần dực, tước Thượng phẩm. Bà họ Trần.

Ông ngoại: Hoàng Lục, Ninh vệ Đại tướng quân trông coi quân Tả Thần dực, được ban Kim vân phù(10), tước Thượng liêu ban. Bà ngoại là Trần Ngọc Trại người ở Lỵ Nhân, Thiên Kiện(11) là con gái họ Lê (?) chức Thượng tướng quân, được phong tước Hầu.

Ông bác (của bà) là Nham, làm Giám sát Hải Ninh, tước Trung phẩm, phụng thế tả kim ngộ vệ Đại tướng quân trông coi quân Tả thánh dực kiêm Thái Nguyên quan sát sứ, được ban Kim vân phù, tước Thượng liêu ban, Thượng trí tự(12). Bảo rằng tinh, rằng bản, đều là chức Thân Vệ tướng quân. Rằng tinh (khéo) ở chỗ giám hậu tuyển Long dực quân; Rằng bản (gốc) ở chỗ giám tiền Long dực quân.

Tổ cô có năm người, đều là các bậc mệnh phụ.

Cha của bà là Chân Bảo làm lập đội, chưa nhận chức thì gặp loạn.

Bà họ Hoàng (vợ kế của ngài) sinh vào đời nhà Hồ, niên hiệu Khai Đại, năm Giáp Thân (1403). Lớn lên trong thời chiến đã hợp duyên mà về với ngài.

Ngài tính nghiêm nghị, thẳng thắn mà nhân hậu. Bà thông minh mẫn tiệp mà thương người. Dạy bảo các con chuyên chú việc học.

Con (muốn) làm ruộng thì bà bảo nghề này hèn kém chẳng đáng làm. Con (định) làm thợ, bà bảo nghề nghiệp nhỏ mọn không đáng kể. Con đi du học, áo chưa rách, bà đã sai gia nhân may sẵn cho, sợ rét mà làm tổn hại đến việc học tập (của con); gạo ăn chưa hết, bà đã sai gia nhân mang đến sẵn cho, sợ đói mà làm tổn hại đến việc học tập (của con). Các con cảm động về nghĩa dạy bảo đó (nên) dốc chí vào học hành, cuối cùng đều thành đạt.

Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quang Thuận (1462) ngài mất, thọ 71 tuổi, hiệu Từ Mẫn. Tháng 12 mai táng ở Vọng nguyên bên ông ngoại, chưa làm bia mộ.

Ngày 5 tháng 8 năm Giáp Thìn, đời Hồng Đức 9 (1484), bà họ Hoàng mất, thọ 81 tuổi, hiệu Từ Thiện. Tháng 11 ngày Bính Thân, hợp táng bên mộ chồng và làm bia mộ chung.

Ông Bà Lung sinh hạ được 6 giai, 5 gái. Con trưởng tên là Kiếp, làm Xã chính. Các con thứ:

- Nhân Duyên: thích giao du, hiếu học, đặc biệt là sở trường về thơ, chưa làm quan, mất trước bà Hoàng thị, hiệu Kim Khê Xử Sĩ.

- Nhân Trù: giữ chức Hải Dương Hiến sát sứ phó sứ.

- Nhân Bĩ(13): giữ chức Thái Nguyên Tham nghị.

- Nhân Bồng(14): được vua ban tên là Xung Xác(15), được phong Hiển cung đại phu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục Tư huấn.

- Nhân Thiếp: giữ chức Tam Giang tham nghị, đều do con đường khoa cử mà tiến(16).

Các con gái: Hoa, Nam, Não, Cam, Ất, đều có gia đình.

Ông Kiếp, bà Hoa do bà họ Nguyễn sinh ra; còn các ông các bà khác đều do bà họ Hoàng sinh ra. Cháu chắt rất đông đúc.

Con trai trưởng của ông Nhân Trù là Nhân Bị cũng đỗ Tiến sĩ, làm Hàn lâm kiểm thảo.

Con gái đầu của ông Kiếp là Hợp, lấy Tiến sĩ Nguyễn Tất Thông người cùng làng, làm Tri huyện huyện Lập Thạch(17).

Các con trai đều theo nghiệp Nho, con gái đều lấy học trò.

Đời bấy giờ ca ngợi gia đình thi thư ắt phải kể đến họ Nguyễn ở Kim Đôi. Than ôi! Phúc đức tính thiện còn để lâu dài mãi mãi về sau vậy.

Thế Vinh này, vốn làm quan quen biết với các con trai của Ngài. Nay đến ngày an táng bà, há lại chẳng thuật lại đầu đuôi sự thực thế hệ gia đình để lưu truyền mãi mãi hay sao.

Ngày 13 tháng 11 năm Giáp Thìn

Niên hiệu Hồng Đức (1484).

Trạng nguyên khoa Quý Mùi (1463)

Hiển cung đại phu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán, Tú lâm cụ Tư huấn:

Cao Hương Lương Thế Vinh

Cảnh Nghị Kính cẩn ghi.

CHÚ THÍCH

(1) Ở Thái Bình vào tháng 3 năm 1978 cũng đã phát hiện một kiểu bia như thế, với đầu đề "Đại Việt Huy Từ Trang Huệ Kiến hoàng thái hậu mộ chí".

(2) Nay thuộc xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc.

(3) Địa danh. Có 2 nơi mang địa danh này: một ở huyện Lang Tài, phủ Thuận An, Kinh Bắc và một ở huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Hải Dương. Chưa rõ Dị Sử huyện nào.

(4) Nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc.

(5) Xưa thuộc phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc.

(6) Chưa kê cứu được là nhân danh hay quan chức

(7) Chức quan coi việc binh ở trong triều.

(8) (9) Chưa rõ.

(10) Phù hiệu thêu mây vàng dành riêng tặng cho các tướng.

(11) Địa danh: sau đổi là Kiên Khê, thuộc huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân nay thuộc tỉnh Nam Hà.

(12) Tước thời Lê phong cho các tướng có 8 bực, đây là bực thứ 3.

(13) Nhiều sách vở ghi chép thường lẫn lộn tên Bĩ ra Bị. Bia khắc rõ ràng là Bĩ. Cần lưu ý Bị là con ông Nhân Trừ, cháu gọi là chú.

(14) Có sách phiên âm là Phùng. Bia khắc rõ là Bồng.

(15) Có sách phiên âm là Xung Ý. Bia khắc rõ là Xung Xác.

(16) Nhân Thiếp có sách chép đỗ Tiến sĩ năm 1469, Quang Thuận thứ 10, đỗ cùng khoa với anh là Nhân Bồng. LTHCLC chép ông đỗ khoa Bính Tuất thời Quang Thuận là năm 1466 cùng anh là Nhân Bị. LTĐKL lại chép Nhân Bị đỗ Tiến sĩ năm Tân Sửu. Hồng Đức (1481).

(17) Thuộc phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây.

* Chúng tôi xin chân thành cảm ơn dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi xã Nam Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc đã tạo điều kiện cho chúng tôi in rập được bia và đối chiếu với gia phả chép bằng chữ Hán. Đồng thời cũng xin cảm ơn chuyên viên Nguyễn Tá Nhí (Trưởng phòng Văn Tự, Viện Hán Nôm) đã hiệu duyệt bản dịch trên./.

TB

VĂN BẢN CỔ CHÂU PHẬT BẢN HẠNH

LÊ VIỆT NGA

Cuối năm 1992, trong đợt đi sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, chúng tôi đã in được tại chùa Phúc Nghiêm (Chùa Tổ) thuộc xã Hà Mãn hai văn bản của hai bộ ván khắc.

1- Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục;

2- Cổ Châu phật bản hạnh.

Ở bài viết này xin giới thiệu với bạn đọc văn bản "Cổ Châu phật bản hạnh".

1. Tình trạng bộ ván khắc:

Bộ ván khắc được làm bằng gỗ thị, trọn bộ gồm 12 tấm, 21 mặt, khổ 28x32cm. Mỗi mặt được kẻ thành 12 dòng. Dòng đầu tiên của mặt thứ nhất khắc mấy chữ Hán: "Cổ Châu phật bản hạnh", đây là tiêu đề của bộ ván khắc. Từ dòng thứ hai trở đi mỗi dòng khắc 14 chữ, chia làm hai phần, trên 6 chữ, dưới 8 chữ rất đều đặn. Khoảng giữa dòng thứ 6 và dòng thứ 7 (bản tâm) của mỗi mặt ván có một dòng nhỏ, phần trên khắc ba chữ: "Cổ Châu hạnh", phần dưới là số thứ tự mặt ván khắc.

Toàn bộ ván khắc có 496 câu thơ thể lục bát. Dòng 10 của mặt ván thứ 21 khắc dòng chữ: "Cảnh Hưng thập tam niên chi Nhâm Thân phục nguyệt nhất dương cát cảnh" (Cảnh đẹp ngày lành tháng 11, năm Nhâm Thân Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Đây là dòng niên đại của bộ ván khắc. Bộ ván được nhà chùa bảo quản cẩn thận đến nay gần như còn nguyên vẹn (chỉ mất một chữ cuối ở mặt ván thứ 8 dòng 9).

2. Nội dung văn bản.

Câu chuyện được kể lại dưới dạng thơ lục bát về sự tích bốn pho tượng Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Nội dung tóm lược như sau:

Từ thời Hán Linh Đế, có vị đại sư hiệu là Khưu Đà La sang Giao Châu truyền đạo. Lúc bấy giờ ở làng Mãn Xá, huyện Siêu Loại có một người con gái tên là Man Nương theo thầy học đạo, không ngờ mang thai. Sau hơn 14 tháng, đến ngày mồng 8 tháng 4 nàng sinh được một con gái. Theo lời cha, nàng mang con trả lại cho nhà sư. Trước lời cầu xin của nhà sư, một cây đa to mở thân đón đứa bé vào lòng. Rồi nhà sư tặng cho nàng một chiếc gậy và dặn nàng tìm nơi đất tốt thì lập am tu. Một hôm Man Nương về quê thăm mẹ, không ngờ gặp dịp đại hạn, đã ba năm không một trận mưa, dân khắp vùng đói khát. Nhớ lời thầy Khưu Đà La dặn, Man Nương cắm cây gậy xuống phía đông thành Luy Lâu, nước tự nhiên tràn đầy, cứu được muôn dân khỏi cơn đói khát. Một hôm, trời mưa to, gió lớn, cây đa tróc rễ trôi về bến sông trước thành Luy Lâu. Sĩ Vương sai thợ chia cây làm 4 đoạn, tạc 4 pho tượng để thờ, đó là các tượng.

- Pháp Vân (được thờ ở chùa Diên Ứng).

- Pháp Vũ (được thờ ở đài Liên Hoa chùa Thành Đạo).

- Pháp Lôi (được thờ ở điện Lưu Ly chùa Phi Tướng).

- Pháp Điện (được thờ ở chùa Trí Quả).

Tương truyền về sau các pho tượng trên đều rất linh ứng; có nhiều công phù hộ cho dân cho nước; nên đều được các đời vua ban sắc phong. Bốn pho tượng được gọi chung là "tứ pháp".

3. Giá trị văn bản mới phát hiện:

a, Góp phần làm phong phú thêm tư liệu về "tứ pháp".

Hiện nay ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có hai văn bản in là: "Cổ Châu Pháp vân nhật bản hạnh ngữ lục" kí hiệu A.818 và "Cổ Châu tứ pháp phả lục" kí hiệu A.2051, đều ghi về sự tích tứ pháp. Bản A.818 dày 42 tr, khổ 28x15cm. Sự tích tứ pháp ở đây được viết bằng văn Hán, và sau từng câu hoặc từng ý, được dịch sang văn Nôm. Bản A.2051 dày 20 tr, khổ 21x14 cm. Sự tích tứ pháp cũng được viết bằng văn Hán. Có Tứ pháp ngọc phả Quốc âm gồm 126 câu thơ Nôm thể lục bát, kể sự tích 4 vị thần nói trên. Văn bản "Cổ Châu phật bản hạnh" tuy cũng nói về "tứ pháp", nhưng lại được diễn đạt hoàn toàn bằng thơ Nôm thể lục bát, tổng cộng 496 câu. Đây là chỗ không giống với 2 bản trên.

Dưới đây là một vài so sánh bản mới sưu tầm với bản A.818, để bạn đọc có một ý niệm nào đó về chỗ giống nhau và khác nhau giữa chúng.

Chi tiết so sánh Văn bản A.818 Văn bản Cổ Châu
Phật bản hạnh
1, Nơi tu của nhà sư Khưu Đà La "Duy Khưu Đà La tòng Tu Định lữ vu kỳ gia. Cư thường lĩnh tọa, lũy Nhật bất thực" (Chỉ một mình Khưu Đà La theo Tu Định về trọ ở nhà ông ta. [S] thường ngồi tĩnh tọa, nhiều ngày không ăn)
(tờ 2a, dòng 4,5)
"Có thầy ở mãi Tây thiên luyện đạo tu thiền hiệu Khưu Đà La.
Lập am dưới gốc cây đa, Trụ trì cảnh ấy nhật dạ niệm kinh".
(mặt 1, dòng 7,8).
2, Man Nương thụ thai ..."Tụ Định dĩ thời sơ quả cung dưỡng, lịch niên bất quyện. Hữu thời sử A Man độc vãng, đán khứ tịch hoàn. Kí trâm vị giá, cư nhiên hữu dự". (Tu Định theo từng mùa, mang hoa quả cung dưỡng cho nhà sư, qua nhiều năm không mệt mỏi. Có lúc [ông] sai A Man đi lại một mình, sáng đi tối về. [A Man] đã lớn mà chưa gả chồng, tự nhiên có thai). (tờ 4b, dòng 1-4). "Man Nương tín kính lòng thành.
Ở nhà một mình nằm giữ khuê trung.
Đà La thầy trở về phòng.
Bước qua tâm phúc hư không chuyện dời.
Uy linh chiêu khí bụt trời.
Tự nhiên cảm động hoài thai tâm trường"
(mặt 2, dòng 7-9).
3, Cầu mưa "Thái Ninh tam niên thu hạn. Sắc lệnh Trung thư Tướng công Đỗ Kiệt suất quần thần triều phục. Tả nhai Tăng Thống Lý An Tĩnh suất cà sa hữu vệ uy nghi pháp phục. Hành khiển ty Trịnh Tá Tư suất Thái thường cổ nhạc uy nghi bồi dẫn pháp giá chỉ điển linh Đông Lâm tự, nghênh phật nhập Thái nội Thủy Xương điện. Đế cung pháp phục, phần hương triển bái, nhiên đại vũ". (Mùa thu năm Thái Ninh thứ 3 (325) hạn hán. Vua ban sắc lệnh cho Trung thư Tướng công Đỗ Kiệt dẫn đầu quần thần mặc áo triều. Tả nhai Tăng thống Lý An. Tĩnh dẫn đầu bên hữu mặc cà sa pháp phục uy nghi. Quan Hành khiển là Trịnh Tá Tư dẫn đầu quan Thái thường trống nhạc uy nghi, theo phò xa giá vua đến chùa Đông Lâm rước Phật vào điện Thủy Xương. Vua mặc pháp phục thắp hương lễ bái, bỗng nhiên mưa to.
(tờ 16a, dòng 3-6; và 16b, dòng 1-4).
"Năm sau đời vua Thái Ninh,
Ba thu đại hạn nhiễu hành khó khăn.
Sắc chỉ vua phán cận thần,
Tên Đỗ Công Kiệt vương thần triều đình.
Xướng khắp tăng lục chư danh,
Cùng thầy Hòa thượng môn đình chúng tăng.
Cà sa tĩnh, phục đôi hàng,
Cùng quan Thái thường cổ nhạc uy nghi.
Rước bụt kì vũ kinh kỳ,
Chùa Khán Sơn tự bên tây điện rồng.
Mệnh vua lễ bái cúc cung,
Trời liền mưa xuống đùng đùng bốn phương
(mặt 16, dòng 4-9)

b, Một số chữ Nôm có các dạng viết khác nhau xuất hiện nhiều trong văn bản:

- Chữ "Vua" có dạng viết:

Lập bảng so sánh ta thấy:

Chữ Nôm A.818 CCPBH
tờ 1b, dòng 6
tờ 16a, dòng 1

Không
tờ 6a, d12
tờ 7a, d5
tờ 8a, d5
tờ 8b, d12
tờ 9a, d3
tờ 10a, d6
tờ 10b, d12
tờ 13a, d4
tờ 14b, d1
tờ 15a, d2
mặt 6, d8
mặt 7, d3,8,9
mặt 8, d1
mặt 10, d2
mặt 21, d8
tờ 1a, d4
tờ 2a, d1
tờ 15b,d1,2,3
tờ 16b, d11
tờ 17a, d1
tờ 18a, d4
tờ 20b, d1
mặt 3, d9
Không mặt 5, d6
mặt 9, d7,8
mặt 10, d9
mặt 11, d1,3,6
mặt 12, d10
mặt 13, d2,8
mặt 15, d9, 10, 11
mặt 16, d1, 4, 5, 9, 11, 12
mặt 17, d10
mặt 18, d3,9
mặt 19, d1,5

Qua bảng so sánh trên, ta thấy từ "vua" trong văn bản "Cổ Châu phật bản hạnh" được viết dưới dạng chính:

- Chữ "tên" có hai dạng viết là: 先 và . Lập bảng so sánh hai văn bản ta thấy

Chữ Nôm A.818 CCPBH
tờ 9a, d3
tờ 10a, d1
tờ 13a, d5
tờ 14a, d2
tờ 16a, d4,6
mặt 1, d11
mặt 3, d5
mặt 6, d5
tờ 2a, d2 Không

Nhìn vào bảng thống kê ta thấy chữ "先" được viết giống nhau trong cả hai văn bản.

- Chữ "năm" ở hai văn bản có 3 cách viết là . Lập bảng so sánh ta sẽ thấy.

Chữ Nôm A.818 CCPBH
tờ 6b, d2
tờ 15b, d1
tờ 19b, d6
tờ 20b, d1
mặt 5, d10
mặt 8, d7
mặt 15, d8
mặt 16, d4
mặt 18, d2,4
Không mặt 5, d5
mặt 15, d5
tờ 1b, d12
tờ 11b, d10
tờ 14a, d1,7,8
tờ 17a, d9
tờ 18a, d4
Không

Như vậy chữ 南 được dùng giống nhau ở cả hai văn bản.

Văn bản Cổ Châu Phật bản hạnh có những nét riêng về hình thức cũng như nội dung so với các văn bản còn lại, đặc biệt là với văn bản A.818 được khắc in cùng thời "Cổ Châu phật bản hạnh" rõ ràng là một tư liệu quý, để tìm hiểu về sự tích "tứ pháp", cùng tự dạng chữ Nôm ở thế kỷ XVIII.

TB

BÀI THƠ "NAM QUỐC SƠN HÀ" ĐỌC VÀ HIỂU TỪ MỘT DỊ BẢN MỚI PHÁT HIỆN

DƯƠNG THÁI MINH

Ở đền cửa sông Ngũ Quận thuộc thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, một điểm xung yếu của phòng tuyến sông Cầu trong lịch sử, còn giữ được bản thần phả có bài thơ mà ta quen gọi là Nam quốc sơn hà (NQSH). Đây là dị bản thứ 28 so với 27 dị bản đã được giới thiệu trên Tạp chí Hán Nôm(1).

Thần phả mới phát hiện ghi lại sự ra đời của bốn anh em trai Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và người em gái. Tiếp theo kể võ công của Trương Hống, Trương Hát thu phục đánh giặc Lương, giúp Lê Đại Hành chống Tống. Bài thơ xuất hiện ở cuộc chiến cuối cùng này.

Đọc kỹ đoạn văn chống Tống và bài thơ tôi thấy chúng có những từ và ý xuất nhập nhau. Vì vậy, muốn hiểu rõ bài thơ, không thể bỏ qua bài văn.

Đoạn thần phả chống Tống đại ý như sau: Triều Lê hoàng đế Phúc Nguyên(2) năm đầu (980), Bắc triều và Tống Thái Tông sai bọn Nhân Bảo, Tôn Phúc đem quân sang xâm lược đã đến sông Đại Than huyện Gia Bình. Lê Đại Hành mang quân chống cự. Khi qua đất Phù Lan, mộng thấy hai người thần chầu ở cửa sông tâu rằng: "chúng thần là hai anh em họ Trương vốn là tướng của Triệu Quang Phục. Trước đây đã giúp nước trừ giặc Lương để cứu sinh dân qua cơn cực khổ. Sông núi nước Nam, Hoàng thiên đã định, vô cớ giặc phương Bắc xâm lược. Chúng tôi xin giúp nhà vua cùng cất quân đánh giặc để yên nước Nam" Đại Hành tỉnh mộng. Vào canh ba đêm hai mươi ba tháng mười, trời tối tăm mù mịt, mưa to gió lớn, quân Tống tan vỡ, hoảng hốt bỏ chạy. Tướng Nhân Bảo bỗng nghe lưng chừng trời có tiếng ngâm bài thơ vọng xuống như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng Thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Nhất trận phong ba tận tảo trừ.

Bài thơ ở chữ thứ 4 của câu thứ tư có dùng từ "ba" (phong ba), không giống như các bản khác.

Sau đây chúng ta thử so sánh những từ và ý trích trong phần văn với từ và ý của bài thơ.

Câu một:

Văn: Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam)

Thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

(Sông núi nước Nam vua Nam ở).

Thơ đã lấy đúng bốn chữ của văn. Cả câu có hai chữ "nam", thêm ý khẳng định.

Câu hai:

Văn: Hoàng Thiên dĩ định (Hoàng Thiên đã định)

Thơ: Hoàng Thiên dĩ định tại thiên thư

(Hoàng Thiên đã định ở sách trời).

Thơ lấy bốn chữ của văn. Cả câu có hai chữ "thiên" có chức phận riêng và cũng có ý khẳng định. Hai chữ "dĩ định" có nghĩa là việc phân định đã xong xuôi từ lâu rồi.

Câu ba:

Văn: Vô cố Bắc lỗ lai xâm (Vô cớ giặc phương Bắc tới xâm lược).

Thơ: Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm (Cớ sao giặc phương Bắc tới xâm lược).

Văn có sáu chữ, thơ dùng bốn chữ cuối, chỉ đúng thực trạng quân giặc vượt biên giới tiến sâu vào nước ta. Hai chữ "vô cố" của văn được thay thế bằng hai chữ "như hà" trong thơ. Ý nghĩa có chênh nhau một chút: "vô cớ", khẳng định không có lý do gì; còn "như hà" thì mới chỉ ở mức độ "cật vấn" thôi.

Câu bốn:

Văn: Thiên khí hôn ám, bạo phong đại vũ, Tống binh kinh hội (Trời tối tăm mù mịt, gió lớn mưa to, quân Tống khiếp sợ tan vỡ).

Thơ: Nhất trận phong ba tận tảo trừ (Một trận sóng gió quét sạch hết).

Câu bốn dựa vào ý văn mà chuyển thành thơ. Trận này thần đánh bằng vũ khí riêng của mình là phong ba (gió sóng). Trận đánh được kết thúc nhanh chóng, quân giặc thua hoàn toàn. Tiếng ngâm bài thơ vọng xuống khi giặc đã và đang tan rã là khúc ca chiến thắng không phải là lời răn đe.

Bài thơ không những đã đóng góp rất lớn về nội dung cho thơ mà còn cho phép ta đoán rằng, có lẽ trong "bản nháp" của thần phả bài thơ viết mỗi câu chỉ có bốn chữ. Bài thơ mỗi câu bốn chữ không thua kém bài thơ mỗi câu bẩy chữ là bao, có điểm lại còn trội hơn. Hãy đọc lại toàn bộ:

Bài thơ câu bốn chữ:

Nam quốc sơn hà,
Hoàng thiên dĩ định.
Bắc lỗ lai xâm,
Nhất trận tảo trừ(3)

Bài thơ câu bẩy chữ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng Thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Nhất trận phong ba tận tảo trừ.

Nhìn chung các chữ thêm cho câu thơ thành bẩy chữ đều là những bổ ngữ.

Tóm lại, tôi đã cố gắng trình bày quá trình hình thành bài thơ NQSH từ văn sang thơ, từ thơ bốn chữ đến bẩy chữ trong một dị bản mới phát hiện.

Dù muốn hay không, dị bản mới này cũng phải có cuộc "tỉ thí" với các dị bản khác. Bàn đến cái hay cái dở của từng câu từng chữ cho hai mươi tám dị bản thì thật khó khăn. Nên chăng cho các dị bản trở lại cái thuở ban đầu của bài thơ như cách làm đối với văn bản mới phát hiện này, kết quả sẽ cho biết có bao nhiêu câu còn đủ ý, có bao nhiêu bài thơ còn trọn vẹn. Có lẽ gần hết các dị bản đều phải thẩm định lại dưới ánh sáng ngữ nghĩa của câu bốn, một câu đã tốn nhiều giấy mực mà vẫn chưa ngã ngũ qua cuộc tranh luận trước đây.

Bài thơ NQSH trong thần phả này thật đơn giản và dễ hiểu. Tất cả chỉ có hai mươi tám chữ, những chữ này phần lớn người Việt vẫn dùng vẫn hiểu ở những mức độ có khác nhau. Đặc biệt khí phách hào hùng của bài thơ thì nhiều người cảm nhận được. Đó là cái hay, cái đẹp, cái trường tồn, của bản "tuyên ngôn độc lập đầu tiên", như có người từng nói.

Ý kiến cuối cùng của tôi là, nếu dịch bài thơ này thì câu ba chữ đầu "Như hà" nên hiểu là "vô cố" cho đúng với tinh thần của bài văn. "Vô cố" dịch là "Vô cớ" hình như hay hơn cả, nhưng đưa vào thơ thì lại hỏng, chữ "cớ" âm trắc mà thơ lại đòi hỏi một âm bằng. Có thể thay bằng "ngang nhiên" chăng:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Hoàng Thiên đã định tại sách trời,
Ngang nhiên giặc Bắc sang xâm phạm,
Một trận phong ba chúng hết đời.

7/1993

CHÚ THÍCH

(1) Xem Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ "Nam quốc sơn hà", TCHN số 1/1986, bài viết nêu cả thảy 26 dị bản. Và Lâm Giang: tư liệu Hán Nôm ở huyện Tiên Sơn, Thuận Thành và thị xã Bắc Ninh tỉnh Hà Bắc. TCHN số 2/1993, bài viết giới thiệu thêm 1 dị bản.

(2) Chính sử ghi là Thiên Phúc.

(3) Câu này do tôi dựa vào câu thơ bẩy chữ rút lại mà thành./.

TB

"VIỆT NAM HÁN VĂN TIỂU THUYẾT TÙNG SAN" MỘT CÔNG TRÌNH HỢP TÁC KHOA HỌC QUỐC TẾ CÓ GIÁ TRỊ

NGUYỄN THỊ HOÀNG QUÝ

Để nghiên cứu một cách có hệ thống những văn bản chữ Hán viết theo thể loại tiểu thuyết cổ, góp phần vào việc nghiên cứu nền văn hiến Hán trong khu vực giao lưu văn hóa ở Phương Đông, đặc biệt là đối với loại hình tiểu thuyết bằng chữ Hán văn của Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã cho xuất bản hệ ấn phẩm Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam. Tập I ra đời năm 1986; tập II ra đời năm 1992. Đây là kết quả của chương trình nghiên cứu văn hiến Phương Đông và là một trong những chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, tiền thân của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia hiện nay.

Đặt vấn đề nghiên cứu nền văn hiến Phương Đông, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã chọn nền văn hiến Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản là những nước mà trong một thời gian dài đã dùng chữ Hán làm công cụ biểu đạt, sáng tác một khối lượng tác phẩm khá lớn, gồm đủ các loại: Kinh, Sử, Tử, Tập. Đây thực sự là một phần di sản văn hóa của mỗi nước, nhưng quan niệm nhìn nhận về mảng di sản văn hóa này của các nhà nghiên cứu ở các nước không phải bao giờ cũng giống nhau. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc ít quan tâm hay chưa có điều kiện để quan tâm đến mảng văn hiến Hán ngoài Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Hán thì hoặc cho đây là mảng văn hiến ngoại lai, hoặc chỉ quan tâm tới nền văn hiến riêng ghi bằng văn tự của nước mình mà không mấy quan tâm nghiên cứu mảng văn hiến Hán của dân tộc mình. Hay nếu có quan tâm thì lại ít đặt vấn đề nghiên cứu so sánh với các nước cùng sử dụng văn tự Hán như mình. Do vậy, khó có thể nhận thấy được sự giống nhau và khác nhau khi sử dụng văn tự Hán trong nền văn hiến mỗi nước.

Căn cứ vào khối lượng tư liệu hiện có, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã chọn loại hình tiểu thuyết cổ bằng Hán văn Việt Nam làm điểm xuất phát cho công việc nghiên cứu, và việc làm đầu tiên là sưu tầm, chọn lọc, giám định, chỉnh lý tư liệu.

- Tập I ra đời năm 1986, gồm 7 quyển. Nội dung bao quát 3 thể tài: tiểu thuyết truyền kỳ, diễn nghĩa lịch sử, và tiểu thuyết bút ký. Sách đã được đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu nhiệt liệt hoan nghênh.(1).

- Tập II ra đời năm 1992, gồm 5 quyển. Nội dung ngoài 3 thể tài đã có ở tập I, còn đưa thêm thể tài thần thoại truyền thuyết mà tập I chưa có điều kiện đưa vào.

Cả hai tập I và II đều do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp xuất bản; Học sinh thư cục Đài Loan ấn hành. Chủ biên tập I là GS.Chan Hing-ho (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Pháp) và GS. Vương Tam Khánh (thuộc Trường Đại học Văn hóa Trung Quốc). Chủ biên tập II, ngoài GS. Chan Hing ho còn có GS. Trịnh A Tài (thuộc Học viện Trung hưng pháp thương Đài Loan) và PGS. Trần Nghĩa (thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam).

Số tác phẩm được đưa vào từng tập sách như sau:

- Tập I: gồm 7 quyển, có 17 truyện. Q.1: Truyền kỳ mạn lục, Q.2 Tuyền kỳ tân phả, Thánh Tông di thảo, Việt Nam kỳ phùng sự lục. Q.3: Hoàng Việt xuân thu, Q.4 Việt Nam khai quốc chí truỵên. Q.5 Hoàng Lê nhất thống chí.

- Q.6: Nam Ông mộng lục, Nam thiên trung nghĩa thực lục, Nhân vật chí. Q.7: Khoa bảng tiêu kỳ, Nam quốc vĩ nhân truyện, Đại Nam hạnh nghĩa liệt nữ truyện, Nam quốc giai sự, Tang thương ngẫu lục, Kiến văn lục, Đại Nam hiển ứng truyện.

Tập II gồm 5 quyển, có 20 truyện. Q.1: Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện q.3. Tục loại, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Thiên Nam vân lục. Q.2: Việt điện U linh tập lục, Tân đính hiệu bình Việt điện U linh tập, Việt điện U linh tập lục tân biên, Việt điện U linh giản biên, Q.3: Hoàng Việt Long hưng chí, Hoan Châu ký, Hậu Trần dật sử. Q.4: Nam Thiên trân dị tập, Thính văn dị lục, Hát đông thư dị, An Nam quốc cổ tích liệt truyện, Nam quốc dị nhân sự tích lục, Q.5 Vũ trung tùy bút. Mẫn Hiên thuyết loại, Tân truyền kỳ lục, Hội chân biên.

Hệ ấn phẩm Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam ra đời là một đóng góp có ý nghĩa cho ngành Phương Đông học. Việc sưu tập, hiệu khám, chỉnh lý tư liệu bằng con đường hợp tác khoa học đã cho các nhà nghiên cứu Việt Nam biết thêm một số dị bản của những tác phẩm văn học có giá trị như Cựu biên truyền kỳ mạn lục, Hoàng Lê nhất thống chí mà trong nước không có. Cũng do hợp tác nghiên cứu mà phía Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp có dịp biết thêm nhiều thông tin mới, chẳng hạn vấn đề tác giả sách Hoàng Việt xuân thu(2), hay những dị bản sách mà phía Pháp còn thiếu v.v..

Các tác phẩm viết bằng Hán văn Việt Nam hầu như không được chấm câu. Thông qua việc hợp tác, vấn đề này đã được giải quyết một cách cơ bản.

Hệ thống các ấn phẩm Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nghiên cứu một chỉnh thể văn hóa Hán ở khu vực Đông Á, đồng thời nghiên cứu một cách có hệ thống sự ảnh hưởng của Hán ngữ đối với ngôn ngữ học, với nền văn hóa Phương Đông. Đặc biệt thông qua các Tùng thu tiểu thuyết Hán văn của Việt Nam cũng như của Nhật Bản và Triều Tiên, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tình hình giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực, từ đó rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho đường hướng mở rộng giao lưu văn hóa đồng thời với việc gìn giữ bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Phạm Văn Thắm: “Đọc sách Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, tập I, TCHN, số 2 - 1989, tr.94.

(2) Xem Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Tập II./.

TB

"ĐƯỜNG THI GIÁM THƯỞNG TỪ ĐIỂN" MỘT CUỐN SÁCH CẦN THIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU THÍCH THƠ ĐƯỜNG

THẾ ANH

Cuốn Đường thi giám thưởng từ điển do Nhà xuất bản Từ thư Thượng Hải xuất bản lần đầu tiên năm 1983 và in lần thứ 8 năm 1989 do Túc Điều Phi, Trình Thiên Phàm, Mã Mậu Nguyên, Chu Nhữ Xương, Chu Chấn Bồ, Hoắc Tùng Lâm viết là một cuốn sách biên soạn công phu, thu thập và phân tích, bình phẩm 1.105 bài thơ của 196 tác giả nổi tiếng. Với một khoảng thời gian gần 3 thế kỷ, đời Đường đã để lại cho nhân loại một di sản văn học quí giá, đánh dấu thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Việc tập hợp và bảo tồn thơ Đường là một vấn đề khó khăn, phức tạp bởi lẽ những biến cố lịch sử, chiến tranh loạn lạc và sức tàn phá của thời gian đã làm mất mát và hủy hoại khá nhiều những bài thơ hay. Lần đầu tiên Kế Hữu Công đời Tống đã soạn Đường thi ký sự gồm 81 quyển, chép thơ của 1.150 tác giả. Đến đời Minh, Cao Bích đã soạn Đường thi phẩm vịnh gồm 90 quyển thu thập trên 5.700 bài thơ của 620 tác giả. Năm 1705 vua Thành Tổ nhà Minh sai các quan soạn bộ Toàn Đường thi chép hơn 49.000 bài thơ của 2300 tác giả.

Đặc sắc nhất của thơ Đường là nội dung cực kỳ phong phú, phản ánh rộng rãi các mặt sinh hoạt xã hội khác hẳn với thơ ca Lục Triều chỉ bó hẹp trong một số đề tài liên quan đến sinh hoạt của cung đình và quan lại. Do có trình độ văn hóa và nhận thức (đi học và đỗ đạt cao), có tâm hồn dào dạt cảm xúc, có cảm quan nghệ thuật nhạy bén, các nhà thơ Đường đã mạnh dạn sáng tạo nhiều thể thơ mới lạ, đem đến cho thơ ca những phong cách nghệ thuật độc đáo mà trước chưa hề có. Về đề tài, bút pháp, thi pháp, ngôn ngữ đến cách biểu hiện của thơ ca đều mới mẻ, mang đến cho người đọc nhiều hứng thú. Chống lại những biểu hiện lệch lạc của chủ nghĩa hình thức để đi đến sự nhất quán trong nội dung và nghệ thuật là chủ trương đúng đắn của các nhà thơ Đường do Trần Tử Ngang đề xướng.

Hai phương pháp sáng tác chủ yếu của thơ Đường là lãng mạn và hiện thực.

Dòng thơ lãng mạn, ngoài Lý Bạch là chủ soái, còn có những đại biểu cự phách khác như Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Thôi Hiệu, Vương Hàn…

Đứng đầu phái hiện thực là Đỗ Phủ - Một nhà thơ vĩ đại ngang hàng với Lý Bạch. Ngoài Đỗ Phủ còn có nhiều nhà thơ tiêu biểu khác như Nguyên Kết, Cố Huống và Nhung Đục.

Ảnh hưởng của thơ Đường đối với văn học thời sau thật rộng lớn, không riêng ở Trung Quốc mà chung cả các nước “đồng văn”.

Ở Việt Nam nhiều nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo đề tài, tứ thơ, điển cố… trong thơ Đường để sáng tác kể từ Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đến Hồ Chí Minh.

Cuốn Đường thi giám thưởng từ điển là một cẩm nang cho nhà nghiên cứu, cho những người yêu thích thơ Đường muốn tìm hiểu và thưởng thức cái hay, cái đẹp trong thơ Đường; cho giáo viên giảng dạy văn học nước ngoài (Trung Quốc) và cho học sinh, sinh viên chuyên ngành văn học.

Mỗi bài thơ đều có lời bình của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc, phân tích một cách cô đọng, nhưng đầy đủ và sâu sắc các mặt tư tưởng, nghệ thuật, giúp cho người đọc cảm nhận được các khía cạnh tinh tế về tác phẩm và tác giả.

Người đọc còn bị cuốn hút bởi các tranh minh họa của các nhà danh họa từ Đường đến các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh lấy đề tài trong những bài thơ Đường nổi tiếng:

Phần phụ lục bao gồm:

1. Lược sử tác giả.

2. Thi nhân niên biểu: có đối chiếu năm dương lịch và năm âm lịch, niên hiệu vua, các sự kiện lịch sử liên quan…

3. Đường thi thư mục: gồm trên 1000 đầu sách về thơ Đường, các tác phẩm nghiên cứu và tư liệu giá trị có liên quan đến thơ Đường. Mục này biên soạn rất công phu.

4. Bảng liệt kê những câu thơ nổi tiếng. Qua bảng liệt kê người đọc dễ dàng tìm được những câu thơ nổi tiếng trong các bài thơ hay nêu trong từ điển. Ví dụ câu:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

là thơ của Thôi Hộ ở trong bài “Đề đô thành nam trang” ở trang 746; hoặc câu:

Đông phong bất dữ Chu lang tiễn,
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị kiều

là thơ của Đỗ Mục trong bài “Xích Bích” ở trang 1084 v.v..

5. Các thể thơ, luật thơ và giải thích ngắn gọn các từ ngữ về thơ.

6. Mục lục các bài thơ trong từ điển.

7. Bản đồ hành chính thời Đường.

- Sơ đồ thành Trường An.

- Bản đồ phụ cận thành Trường An./.

TB

VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO TRÊN ĐẠI HỌC

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 300-TTg, ngày 21 tháng 6 năm 1993, giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 1511/QĐ-SĐH, giao chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh Hán Nôm trong nước cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tích cực triển khai nhiệm vụ này, trước mắt là chuẩn bị mở lớp đào tạo Cao học Hán Nôm và tuyển nghiên cứu sinh trong nước.

P.V

TB

TRIỂN LÃM "THƯ HOẠ LÊ XUÂN HOÀ" TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Cụ Lê Xuân Hòa biệt hiệu Thanh Hoằng Khê, một trong số những người viết chữ Hán đẹp rất hiếm hoi còn lại, vừa qua đã vào thăm TP Hồ Chí Minh và giảng dạy cho lớp Chuyên tu Hán Nôm, theo lời mời của Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1993, ngoài việc giảng dạy ra, cụ có nhiều buổi tọa đàm với các nhà Hán Nôm học của thành phố và đặc biệt Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Triển lãm (Sở VH.TT TPHCM) đứng ra tổ chức triển lãm “Thư họa Lê Xuân Hòa” tại phòng triển lãm 237 Đồng Khởi, quận I và ở Câu lạc bộ Mỹ thuật 105 Trần Hưng Đạo B, quận V, do Nhà Văn hóa quận V tổ chức. Các cuộc triển lãm trên đã được đông đảo khán giả đón xem và đặc biệt hoan nghênh.

Nhiều báo chí ở Tp. Hồ Chí Minh đã đưa tin về triễn lãm “Thư họa Lê Xuân Hòa”.

P.V

TB

BỘ TỪ ĐIỂN VIỆT - LATINH CỦA PIGNEAUX DE BE'HAINE

LTS: Bộ sách nguyên mang tên Dic-tionnarium Anamitico Latinum, bản thảo viết tay, do Pierre Pigneau de Béhaine (1741-1700) soạn tại Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII.

Pigneau de Béhaine (gọi tắt là Pig-neaux) có tên Việt là Bá Đa Lộc hay Bi Nhu, người Pháp, đến Việt Nam vào năm 1765. Từ 1780 trở về trước, ông chủ yếu là một nhà truyền giáo. Ông có bị Chúa Đàng ngoài là Trịnh Sơn bắt giam khoảng một tháng, rồi được thả. Từ 1780 trở về sau, ông có liên hệ với Nguyễn Ánh trong việc chống lại chúa Trịnh, rồi sau đó là phong trào Tây Sơn. Ông mất tại Việt Nam vào năm 1799, mộ ông hiện còn tại TP Hồ Chí Minh.

Do lâu năm sống và hoạt động trên đất nước ta, Pigneau khá quen thuộc với đồng đất, con người miền Nam và thông thạo tiếng Việt. Ông còn giỏi cả chữ Hán lẫn tiếng Trung Quốc. Ngoài bộ từ điển Việt – Latinh, ông còn soạn các sách như Chinois – Annamite – Latin (Từ điển đối chiếu giữa ba thứ tiếng Trung Quốc, Việt Nam và Latinh) và Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ (bằng chữ Nôm, soạn năm 1774, in năm 1782 tại Quảng Đông).

Riêng bộ từ điển Việt – Latinh có các đặc điểm như sau: sách được biên soạn xong vào năm 1773, tại miền Nam nước ta, dày 732 trang (64 + 4 + 664), cỡ 34,5x24cm, bản thảo viết tay, gồm phần tra cứu chiếm 67 trang và phần chính văn chiếm 662 trang (không kể vài ba trang phụ).

Phần tra cứu gồm một bảng đối chiếu chữ Nôm và chữ Quốc ngữ và một bản hướng dẫn tra cứu một số chữ Nôm khó. Phần chính văn bản gồm 5.943 mục từ, nếu kể cả các từ kép hoặc cụm từ trong phần hạng nghĩa, số từ vựng dễ chừng lên tới bốn năm vạn(1)

Xét thấy đây là một bộ từ điển rất quý, có thể giúp ích chúng ta trong việc nghiên cứu về tiếng Việt cổ, chữ Quốc ngữ cổ, đặc biệt là chữ Nôm thế kỷ XVIII, Tạp chí Hán Nôm bắt đầu từ số 1 (14)-1993 lần lượt đăng thành nhiều kỳ toàn văn bộ từ điển để bạn đọc cùng tham khảo. Phần chính văn sẽ được đăng trước, phần tra cứu sẽ đăng cuối cùng.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Văn khố của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris (Séminaire des missions étrangères, Paris) nơi hiện đang tàng trữ bản thảo bộ từ điển, cùng Trung tâm nghiên cứu và sưu tầm về Đông Á hiện đại (Centre d’études et de recherches sur I’-Asie orientale contemporaine) thuộc trường Đại học Nice nước Cộng hòa Pháp, và các ông Paul Schneider (tức Xuân Phúc), Pierre Pichard Féray (Trường Đại học Nice), bà Christiane Rageau (Học viện Viễn đông bác cổ Pháp), các ông J.Verinand, J.Guennou (cán bộ lưu trữ của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris) đã tận tình giúp đỡ, để chúng tôi có được cái hân hạnh giới thiệu bộ từ điển cùng bạn đọc hôm nay.

Kỹ thuật in ấn hiện còn rất nhiều hạn chế, mong quý vị lượng thứ cho(2).

CHÚ THÍCH

(1) Tập san Nghiên cứu Hán Nôm Số 1-1985 có bài giới thiệu khá kỹ về bộ từ điển này, bạn đọc có thể tham khảo.

(2) Xem Tạp chí Hán Nôm từ số 1 (14)-1993./.