TB

GIỮ GÌN VÀ NGHIÊN CỨU DI SẢN
HÁN NÔM
(*)

TRẦN NGHĨA

I. KHO SÁCH HÁN NÔM VIỆT NAM

1. Chữ Hán

Chữ Hán có lẽ được đưa vào Việt Nam khá sớm, ít ra là từ thời Triệu Đà (207 - 137 TCN), khi ông ta sáp nhập nước cổ Âu Lạc của Việt Nam vào bản đồ Nam Việt của họ Triệu (179 TCN). Khoảng 31 chữ triện khác nhau xuất hiện ở 55 chỗ trên 24 di vật có mang văn tự trong ngôi mộ Triệu Văn Đế (136 - 124 TCN) vừa được khai quật tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm 1983 là một gợi ý dẫn tới nhận định ấy(2).

Tuy nhiên, chữ Hán chỉ thực sự trở thành phương tiện học tập và ghi chép trong tay người Việt kể từ đầu Công nguyên trở về sau. Sách Cổ kim thiện ngôn có nhắc tới trường hợp Trương Trọng người Nhật Nam (nay thuộc miền giữa Trung bộ Việt Nam) sống vào khoảng thế kỷ I nắm rất vững chữ Hán và nói thạo tiếng Hán(3). Sách Hoằng minh tập còn giữ 3 bức thư bằng chữ Hán do 2 trí thức Việt Nam là Đạo Cao và Pháp Minh sống vào thế kỷ V soạn thảo để tranh luận về một vấn đề liên quan đến đạo Phật cùng Lý Miễu, viên quan Trung Quốc lúc này đang làm Thứ sử Giao Châu(4). Từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày một rộng rãi ở Việt Nam, với một đội ngũ cầm bút trên dưới 20 người, trong đó có những trường hợp còn để lại tác phẩm dưới dạng ngữ lục, hoặc dạng thành văn bằng chữ Hán như Pháp Hiền (? - 626), Đại Thừa Đăng (TK VII), Thanh Biện (? - 685), Khương Công Phụ (TK VIII), Khương Công Phục (TK VIII), Định Không (? - 808), Liêu Hữu Phương (TK VIII - TK IX), Cảm Thành (? - 806), La Quý An (? - 936) v.v... Đặc biệt Khương Công Phụ từng sang thi Tiến sĩ ở Trung Quốc và đã đỗ đầu khoa bằng một bài phú và một bài văn sách chữ Hán(5), điều này nói nên trình độ điêu luyện về mặt vận dụng chữ Hán và tiếng Hán mà người Việt Nam đã có thể đạt tới ở các thế kỷ VIII, IX.

Từ thế kỷ X trở đi, Việt Nam tuy thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán theo đà của nó, vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để học tập, ghi chép và phát triển văn hóa dân tộc. Khoa thi chữ Hán cuối cùng ở Việt Nam mặc dù được tổ chức vào năm 1919, việc học tập và ghi chép bằng chữ Hán vẫn cứ kéo dài cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, đành rằng phạm vi và mức độ có thu hẹp so với trước.

Chữ Hán, tóm lại, đã có hơn 2.000 năm lịch sử trên đất nước Việt Nam, trong đó khoảng 1.000 năm được sử dụng dưới thời Việt Nam độc lập tự chủ.

2. Chữ Nôm

Nhưng dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ, dai dẳng đến đâu chăng nữa, thì cuối cùng, với tư cách là một văn tự ngoại lai, vẫn tỏ ra bất lực trước nguyện vọng trực tiếp diễn đạt và ghi chép tâm tư tình cảm cùng lời ăn tiếng nói ngày một phát triển và biến đổi của bản thân người Việt Nam. Chữ Nôm vì vậy đã ra đời để bù đắp vào cái mà chữ Hán tự nó không thể đảm nhận nổi.

Chữ Nôm, về đại thể, là một loại văn tự xây dựng trên chất liệu chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng nói của người Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia làm hai giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn “đồng hóa chữ Hán” tức dùng chữ Hán để phiên âm một số từ Việt lẻ tẻ, có thể đã diễn ra trong suốt nghìn năm phong kiến Trung Quốc đô hộ mà sử gọi là thời “Bắc thuộc”. Chữ Hán lúc này vẫn là văn tự chính thức được dùng để học tập, ghi chép v.v... Trong các văn bản chữ Hán, thỉnh thỏa ng có những chữ cần thích nghĩa tiếng Việt, hoặc gặp những tên người, tên đất, tên cây cỏ, chim muông, đồ vật v.v... thuần Việt, không có chữ Hán tương ứng để ghi chép, thì người ta dùng tạm một số chữ Hán nào đấy để giải nghĩa, phiên âm, “đem tiếng Nam dịch bằng tiếng Bắc”(6), ấy là điều hoàn toàn có thể hình dung được.

Giai đoạn thứ hai, tạm gọi là giai đoạn “chế tác hệ thống chữ Nôm” trên cơ sở kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình “đồng hóa chữ Hán” có thể được bắt đầu từ thời kỳ Việt Nam khôi phục nền độc lập tự chủ, đặc biệt là dưới các triều đại Lý - Trần. Dấu tích chữ Nôm xưa nhất hiện còn có thể nhìn tận mắt là khoảng 20 chữ Nôm khác nhau khắc xen kẽ với chữ Hán trên tấm bia chùa Tháp Miếu (Yên Lãng, Hà Sơn Bình) đời Lý Cao Tông (1176 - 1210)(7). Trường hợp văn bản thuần Nôm cổ nhất nay còn thấy được là mấy bài phú bằng chữ Nôm chép trong cuốn Thiền tông bản hạnh, tác phẩm đời Trần(8). Đến thế kỷ XVIII, XIX, chữ Nôm phát triển tới thời kỳ cực thịnh của nó và trên một vài phương diện còn lấn át cả địa vị chữ Hán. Hịch Tây Sơn, Truyện Kiều... là một vài ví dụ.

Chữ Nôm, như vậy, cũng đã có một quá trình sử dụng lâu dài ở Việt Nam.

3. Kho sách Hán Nôm và trách nhiệm của chúng ta

Hơn 20 thế kỷ sử dụng chữ Hán và ngoài 10 thế kỷ sử dụng chữ Nôm, các lớp tiền bối Việt Nam đã để lại cho thế hệ sau một kho thư tịch Hán Nôm khá đồ sộ về mặt khối lượng và khá phong phú về mặt chủng loại.

Ra đời chủ yếu từ 1945 trở về trước, kho thư tịch Hán Nôm Việt Nam bao gồm các sách và tài liệu phần lớn do người Việt Nam soạn thảo(9) bằng chữ Hán, chữ Nôm, hoặc kết hợp cả Hán lẫn Nôm, trên giấy, trên vải, trên gỗ, trên đá, trên đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, gạch, ngói, phim, kính...

Theo số liệu mới nhất qua đợt kiểm kê đầu năm 1987, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện giữ 4.808 tác phẩm Hán Nôm tính theo đầu sách, tương đương với 16.164 cuốn sách đóng rời, với đủ các loại như Hán (ký hiệu A có 4.063 cuốn; ký hiệu VHb có 356 cuốn; ký hiệu VHv có 5.599 cuốn, trong đó có 635 cuốn mới nhập kho; ký hiệu VHt có 117 cuốn, trong đó có 38 cuốn mới nhập kho); Nôm (ký hiệu AB có 593 cuốn; ký hiệu VNb có 146 cuốn, trong đó có 82 cuốn mới nhập kho; VNv có 634 cuốn, trong đó có 101 cuốn mới nhập kho); sách sao chép hoặc in lại của Trung Quốc (ký hiệu AC có 1.426 cuốn; ký hiệu VHv có 215 cuốn); thần sắc (ký hiệu AD có 404 cuốn); thần tích (ký hiệu AE có 535 cuốn); tục lệ (ký hiệu AF có 732 cuốn); địa bạ (ký hiệu AG có 503 cuốn); xã chí (ký hiệu AH có 16 cuốn); cổ chí (ký hiệu AJ có 96 cuốn). Ngoài số thư tịch trên đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa sưu tầm thêm được 729 cuốn trong đó có cả sách Hán lẫn sách Nôm, đều chưa lên ký hiệu.

Về tài liệu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện giữ khoảng 30.000 đơn vị, gồm phim, kính, ảnh, vi phim (số này còn tạm gửi ở Viện Thông tin Khoa học xã hội), bản rập các bài văn khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, cột mốc, biển gỗ... Riêng về vi phim, có 2.286 đơn vị, trong đó có 1.047 đơn vị chụp tác phẩm Hán Nôm (ký hiệu A có 448 tác phẩm; ký hiệu AB có 251 tác phẩm; ký hiệu AC có 23 tác phẩm; ký hiệu VHb có 10 tác phẩm; ký hiệu VHv có 315 tác phẩm) và 1.239 đơn vị chụp các mặt văn bia(10). Đây cũng có thể gọi là những thước vi phim chứa đựng các tài liệu thuộc loại quý và hiếm trong kho sách Hán Nôm hiện nay. Thác bản văn bia có khoảng 22.000 đơn vị (trường Viễn đông Bác cổ rập từ 1920 đến 1945 được 20.979 đơn vị, số còn lại là mới rập được từ 1954 trở về sau).

Không những đồ sộ và đa dạng, kho thư tịch Hán Nôm Việt Nam còn đáng được chú ý bởi vị thế và tầm quan trọng của nó.

Chắc chắn nhiều ngành khoa học Việt Nam như triết học, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội học, pháp luật, quân sự, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, toán học, địa lý, sinh vật, y dược, vệ sinh, nông nghiệp, kiến trúc v.v... sẽ phải dựa không ít vào kho sách Hán Nôm để dựng lại diện mạo một thời, trong đó có đối tượng nghiên cứu, thậm chí cả bản thân ngành nghiên cứu. Theo thống kê sơ bộ, trong số 4.808 tác phẩm hiện tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có khoảng 2.500 tác phẩm liên quan tới văn học; 1.000 tác phẩm liên quan tới sử học; 600 tác phẩm liên quan tới tôn giáo; 450 tác phẩm liên quan tới triết học, tư tưởng; 400 tác phẩm liên quan tới văn hóa, giáo dục; 350 tác phẩm thuộc lĩnh vực chính trị xã hội; 300 tác phẩm thuộc lĩnh vực y dược, vệ sinh; 300 tác phẩm thuộc lĩnh vực địa lý; 250 tác phẩm thuộc lĩnh vực pháp luật; 80 tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật; 70 tác phẩm thuộc lĩnh vực kinh tế; 60 tác phẩm thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn tự; 50 tác phẩm thuộc lĩnh vực toán lý; 40 tác phẩm thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng; cùng một số lượng ít hơn bàn về kiến trúc, nông nghiệp, thủ công nghiệp, hoặc mang tính tổng hợp(11). Những ẩn số trong quá khứ dân tộc có thể sẽ được giải đáp một phần qua việc tìm đọc kho thư tịch Hán Nôm này.

Là hiện thân của văn hiến mấy nghìn năm, kho sách Hán Nôm trở thành nguồn tư liệu gốc mang tính tổng hợp tiềm tàng đối với việc tìm hiểu nhiều mặt quá khứ của dân tộc Việt Nam.

Chính vì các đặc điểm làm nên giá trị kho sách Hán Nôm trên đây mà Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã quan tâm tới việc sưu tầm, bảo vệ sách vở, tài liệu Hán Nôm, loại di vật dễ hư hỏng, dễ mất mát, trong khi không còn được tiếp tục sản xuất ra nữa. Sự quan tâm này thể hiện ngay từ hồi Đảng ta còn hoạt động bí mật. Trong bài Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam hiện nay đăng trên báo Đảng năm 1944, đồng chí Trường Chinh viết: “Những công trình và tác phẩm văn hóa của thời đại phong kiến Việt Nam để lại là vốn quý của dân tộc ta, chúng ta cần phải giữ gìn và nghiên cứu để phát huy cái hay, cái đẹp”(12). Sau ngày giành được chính quyền, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng... mỗi khi có dịp, đều nhắc tới nhiệm vụ sưu tầm, bảo vệ, khai thác di sản văn hóa cha ông(13).

Đi đôi với sự chỉ đạo về mặt tư tưởng, là một số biện pháp về mặt tổ chức. Công tác sưu tầm, bảo vệ sách vở, tài liệu Hán Nôm được Nhà nước lần lượt giao cho một số cơ quan chịu trách nhiệm. Khởi đầu là Bộ Văn hóa, với chỉ thị số 117/TTg ngày 13-12-1963 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đến là Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, với Quyết định số 311/CP ngày 8-9-1979 của Hội đồng Chính phủ. Theo văn kiện thứ hai này, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm “thống nhất quản lý việc thu thập và gìn giữ các sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm trong cả nước”. Cuối năm 1979, theo quyết định số 326/CP ngày 13-9-1979 của Hội đồng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập và trở thành trung tâm sưu tầm, bảo vệ, chỉnh lý, khai thác các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm trong phạm vi cả nước.

Lần đầu tiên kể từ năm 1954, công tác giữ gìn và nghiên cứu di sản Hán Nôm được Nhà nước chính thức giao cho một Viện nghiên cứu chuyên ngành đảm trách.

II. NHỮNG TƯ LIỆU HÁN NÔM QUÝ MỚI PHÁT HIỆN

Từ ngày Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thành lập, đặc biệt trong những năm gần đây, do sự phát triển của công tác sưu tầm, sự lớn mạnh của ngành Khảo cổ học, sự mở rộng trong việc trao đổi tư liệu và thông tin quốc tế, Ngành Hán Nôm đã tiếp nhận được nhiều tư liệu quý.

1. Trước hết là những văn bản chữ Hán vào thời kỳ Bắc thuộc

Như trên kia đã nói, cuộc khai quật ngôi mộ Triệu Văn Đế (cháu đích tôn của Triệu Đà, con trai của Trọng Thủy) đã được tiến hành tại Ngọn đồi Tượng Cương nằm về mé phía Tây núi Việt Tú thuộc thành phố Quảng Châu, Trung Quốc từ đầu tháng 10 đến thượng tuần tháng 11 năm 1983, và chính thức công bố kết quả vào cuối năm 1984. Trong số hơn 1000 di vật tìm thấy trong ngôi mộ, có những di vật, theo báo cáo của đội khảo sát, “hoặc không sản xuất từ Trung Quốc, hoặc có chất lượng khác với những thứ sản xuất ở Trung Quốc, hoặc rất khác với truyền thống công nghệ của Trung Quốc”(14), chẳng hạn ngà voi, mã não, kính tấm, đèn có 3 chân đứng, mũi tên đồng, mũi tên sắt, gươm sắt v.v... Có liên quan tới ngành Hán Nôm là các chữ triện còn để lại trên một số di vật(15), chứng tỏ vào thời Triệu Đà, hay chắc chắn hơn là vào thời Triệu Muội(16), chữ Hán đã du nhập vào nước Nam Việt (gồm Quảng Đông cùng Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay) và cũng rất có thể chữ Hán đã được đưa vào nước ta hồi bấy giờ đang bị họ Triệu xâm chiếm. Đây là chứng tích xưa nhất về việc chữ Hán du nhập vào miền đất Giao Chỉ có liên quan tới Việt Nam.

Thuộc thế kỷ V, đã tìm thấy một chùm thư tranh luận về đạo Phật gồm 6 bức, trong đó 3 bức do người nước ta soạn thảo. Bức ngắn nhất khoảng 300 chữ; bức dài nhất khoảng 600 chữ. Đây là các văn bản chữ Hán thuộc loại cổ nhất của người Việt Nam còn truyền lại đến ngày nay(17).

Thuộc thế kỷ VII, đã phát hiện một tấm bia tại đền xã Phù Liễn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bài văn khắc trên bia là do Nguyễn Nhân Khí, người Việt Nam soạn năm Tùy Đại Nghiệp (605 - 616). Đây là bài văn bia chữ Hán cổ nhất của người Việt Nam còn giữ được đến ngày nay.

Thuộc thế kỷ VIII, đã sưu tầm được bài Đối trực ngôn cực gián sách dài 1500 chữ của Khương Công Phụ. Đây là một bài thi thuộc loại hay nhất của người Việt Nam thời Bắc thuộc mà ngày nay còn có khả năng thấy được(18).

Cũng thuộc thế kỷ VIII, vừa phát hiện một quả chuông đồng được đúc tại Việt Nam vào thời Đường, niên đại xác định ghi trên chuông là 798. Trên chuông có khoảng 1600 chữ Hán phần lớn đều còn đọc được, trong đó có các chữ “Nam xứng cửu thập cân” (chuông nặng 90 cân, tính theo cân Nam), nói lên địa điểm đúc chuông là nước Nam ta. Nơi tìm thấy chuông là bãi Rồng ven sông Đáy, thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình. Trong danh sách những người quyên tiền đúc chuông có cả người Việt Nam lẫn một số người Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ. Trong số người Việt Nam, nhiều nhất vẫn là nữ, như Nguyễn Thị Phiêu, Đỗ Thị Diệu... Trong số quê quán những người quyên tiền đúc chuông gồm cả thảy 20 châu, 1 phủ, 5 huyện, thì có đến 5 châu, 1 phủ, 5 huyện nằm trên địa bàn Việt Nam, như Tự Lãng, Yên Lạc (Lạng Sơn), Văn Chấn, Âm Bình (Lạng Sơn), Tây Bình (Lạng Sơn), Trường Châu (Ninh Bình), Ái Châu (Thanh Hóa), Nhật Nam (Bình Trị Thiên). Đây là quả chuông Việt Nam có mang chữ Hán thuộc loại cổ nhất mà ngày nay còn có khả năng thấy được(19).

2. Sau thời kỳ Bắc thuộc, đến thời kỳ độc lập tự chủ

Thuộc thế kỷ XVII, vừa sưu tầm được một tư liệu quý: cuốn gia phả dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An, mang tiêu đề Hoan Châu ký. Gia phả được soạn vào khoảng cuối thế kỷ XVII, theo dạng tiểu thuyết chương hồi, dày 192 tờ tức 384 trang, gồm 4 hồi, mỗi hồi 4 tiết, cộng 16 tiết. Mỗi khi chuyển ý, gia phả thường dùng các chữ “khước thuyết”, “thả thuyết” (lại nói về). Mỗi khi chuyển đoạn (chương, hồi), thường được báo trước bằng những câu như “dẫn mục hạ văn tiện kiến” (nhìn phần dưới sẽ thấy), hoặc “bất tri triều đình trù vận tiến thảo như hà, thả khán hạ hồi phân giải” (muốn biết triều đình lo đánh dẹp như thế nào, hãy xem hồi sau phân giải). Mỗi khi vào một tiết mới, thường giáo đầu bằng 2 câu thơ. Thí dụ Tiết thứ ba của Hồi một, mở đầu bằng các câu:

Nguyễn Tử Nha binh mã giá thừa dư,
Lê Trang Tông quân thần phá Nguyễn Kính.

(Nguyễn Tử Nha binh mã chặn xe vua,
Lê Trang Tông quân thần phá Nguyễn Kính)

Tiết thứ ba của Hồi hai, mở đầu bằng các câu:

Nguyễn Cảnh Kiên đại phá Thạch Quyện binh,
Mạc Sùng Khang mệnh hoàn Tấn Công cữu.

(Nguyễn Cảnh Kiên phá tan quân Thạch Quyện,
Mạc Sùng Khang sai trả xác Tấn Công)

Có thể nghĩ đây là bộ tiểu thuyết chương hồi thuộc loại cổ nhất của nước ta, trước Hoàng Lê nhất thống chí hàng thế kỷ.

Cũng thuộc thế kỷ XVII, ta còn sưu tầm được một bản in Trùng san Lam Sơn thực lục, sách do Nguyễn Trãi viết, Lê Lợi đề tựa, xuất bản năm 1676. Sách in từ thế kỷ XVII ta còn lại rất ít, riêng về sử lại càng hiếm. Có lẽ bản in Trùng san Lam Sơn thực lục này là bản in mang niên đại sớm độc nhất còn lại tới ngày nay(20).

Thuộc thế kỷ XVIII, chúng ta sưu tầm được một bản Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ in năm 1712, sớm hơn những bản mang tiêu đề “Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bồ giải âm tập chú” mà trong nước hiện có đến nửa thế kỷ. Với bản mới tìm thấy này, ta lần đầu tiên biết được bài tựa ở đầu sách không phải do Nguyễn Đình Lân người Liễu Chàng, sống vào thế kỷ XVIII soạn thảo như trước nay vẫn tưởng, mà là do Hà Thiện Hán người Đại An (Nghĩa Hưng, Hà Nam Ninh) sống cùng thời với Nguyễn Dữ soạn thảo. Về mặt chữ nghĩa, bản này có khác với các bản đang lưu hành, là chỗ dựa rất tốt để nghiên cứu nguyên tác của Nguyễn Dữ và bản dịch Nôm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi(21).

Cũng thuộc thế kỷ XVIII, còn sưu tầm được 2 tác phẩm của Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc liên quan đến Hán Nôm. Tác phẩm thứ nhất là cuốn Anamitico - Latinum, một bộ từ điển song ngữ “Việt - La Tinh”, soạn vào năm 1772 - 1773, cung cấp nhiều tư liệu để nghiên cứu chữ Nôm và chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ XVIII(22). Tác phẩm thứ hai là cuốn Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ soạn bằng chữ Nôm, cũng là một tài liệu quý bổ sung cho kho văn bản Nôm thuộc thế kỷ này.

Ngoài ra, cũng sưu tầm được thuộc thế kỷ XVIII, 24 văn bản chữ Nôm, trong đó có văn bản được chua thêm chữ Thái, do Việt Kiều ta ở Thái Lan còn lưu giữ tại chùa Kiểng Phước, Băng Cốc. Đây cũng là nguồn tư liệu hiếm có, khả dĩ giúp vào việc nghiên cứu chữ Nôm “Đàng Trong” của chúng ta.

Còn có thể kể bức gấm thêu bản kinh Kim cương, có bài tựa bằng chữ Hán của Quang Trung và bài bạt cũng bằng chữ Hán của Quang Toản, do chùa Phúc Lâm ở Huế còn giữ được. Đây là tài liệu quan trọng để tìm hiểu đặc điểm chữ Hán của ta ở thế kỷ XVIII, cũng như biết thêm về triều đại Tây Sơn.

Thuộc thế kỷ XIX trở về sau, số văn bản Hán Nôm sưu tầm được càng nhiều hơn, và cũng đã lần lượt được giới thiệu trên báo Nhân dân, cùng một số tạp chí khoa học. Riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm năm 1980 trở lại đây đã sưu tầm được hàng trăm cuốn sách và hàng nghìn thác bản văn bia thuộc giai đoạn này. Ngoài ra, các ngành khác cũng đã phát hiện được nhiều tư liệu Hán Nôm quý, trong đó có cả những văn bản bằng đồng, bằng đá, và đặc biệt là khoảng 3000 bức tranh vẽ có mang chữ Nôm đầu thế kỷ XX trong bộ sưu tập tranh vẽ gồm 4000 bản, do một Thiếu úy người Pháp thuê các họa sĩ dân gian Việt Nam vẽ, xoay quanh chủ đề “Technique du peuple annamite” (kỹ thuật của dân tộc Việt Nam).

III. THÀNH TỰU DỊCH THUẬT, NGHIÊN CỨU HÁN NÔM NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

1. Về mặt dịch thuật

Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây đã dịch và xuất bản một số tác phẩm Hán Nôm có giá trị như Thơ văn Lý Trần (T1: 1977, 632 tr; T3: 1978, 824 tr), Lê Quý Đôn toàn tập (Phủ biên tập lục, 1977, 348 tr; Kiến văn tiểu lục, 1977, 466 tr; Đại Việt thông sử, 1978, 402 tr), Thơ văn Ngô Thì Nhậm (1978, 319 tr), Thơ văn Phan Huy Ích (1978, T1: 200 tr; T2: 160 tr; T3: 136 tr), Tên làng xã Việt Nam (1981, 653 tr), Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn (1982, 319 tr), Đại Việt sử ký tục biên (1982, T1: 256 tr), Thơ văn Ninh Tốn (1984, 236 tr), Thơ văn Lê Thánh Tông (1986, 330 tr) v.v... Viện Nghiên cứu Hán Nôm gần đây cũng đã đưa in cuốn Dịch từ Hán sang Việt một khoa học một nghệ thuật (1982, 292 tr) nhằm cung cấp lý luận và phương pháp cho công tác dịch thuật chữ Hán trước mắt.

Nhìn chung về mặt biên dịch cho đến nay, chúng ta làm được vẫn chưa nhiều. Mới dịch khoảng từ 300 đến 400 cuốn sách Hán Nôm, trong đó số được đưa in chưa đến một nửa. Số dịch và in được phần nhiều là sách quý, nhưng cũng có những bản chọn chưa phải đã tiêu biểu, và còn để không ít sai sót trong khi dịch và chú thích.

2. Về mặt nghiên cứu chữ Hán và chữ Nôm Việt Nam

Đáng chú ý, có các cuốn Chữ Nôm nguồn gốc cấu tạo diễn biến (1975, 224 tr) của Đào Duy Anh, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (1979, 340 tr) của Nguyễn Tài Cẩn. Bên cạnh đó, về mặt chữ Nôm, có một số luận án Phó Tiến sĩ khoa học đã bảo vệ thành công, như Nghiên cứu về chữ Nôm của Lê Văn Quán, đã in thành sách năm 1981, Sơ bộ khảo sát quyển từ điển Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa của Trần Xuân Ngọc Lan (1982), Vấn đề cấu trúc của chữ Nôm của Nguyễn Ngọc San (1983) v.v...

Trên Tập san Nghiên cứu Hán Nôm (NCHN), Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đã công bố một số kết quả nghiên cứu bước đầu về chữ Hán, chữ Nôm, nhất là chữ Nôm, như Khảo sát quá trình diễn biến của chữ Nôm thông qua mô hình ngữ âm của chữ (NCHN - 1984); Một vài suy nghĩ chung quanh vấn đề đọc Nôm phiên Nôm (NCHN - 1/1985); Mấy suy nghĩ về việc phiên âm chú giải từ cổ trong văn bản Nôm (NCHN - 1/1985); Hiện tượng ghi âm mang tính chất địa phương trong chữ Nôm (NCHN - 1/1985), Tìm hiểu chữ Nôm có dấu phụ trong hệ thống cấu tạo chữ Nôm (NCHN - 2/1985); Thử đọc lại một số chữ trong Truyện Kiều Nôm (NCHN - 2/1985) v.v...

3. Về thư mục, thư tịch Hán Nôm

Thế giới có nhiều người đặc biệt coi trọng và giới thiệu thư tịch Hán Nôm của ta. Đức có Schurhammer, với bản thư mục quan trọng giới thiệu sách viết bằng chữ Nôm, hiện tàng trữ ở Vatican, Ý(23). Nhật có Yamamoto, với các bản thư mục nổi tiếng giới thiệu sách Hán Nôm Việt Nam, hiện tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Paris và Thư viện Hiệp hội Châu Á Paris(24). Một bản thư mục khác cũng của người Nhật, giới thiệu sách Hán Nôm Việt Nam hiện có tại Tokyo, Nhật Bản(25). Trung Quốc có Phùng Thừa Quân, cũng đã giới thiệu thư mục sách Hán Nôm của ta với nhân dân Trung Quốc(26). Gần đây, một giáo sư người Nhật tên là Yumio Sakurai, lần đầu tiên phát hiện và giới thiệu danh mục sách Hán Nôm của ta hiện có ở Băng Cốc, Thái Lan(27).

Về mặt trong nước, cũng đã có bài giới thiệu sách Hán Nôm Việt Nam hiện tàng trữ ở nước ngoài. Đây là công trình nghiên cứu tổng hợp và đầy đủ nhất về tình hình sách Hán Nôm ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam(28).

Bên cạnh các bản thư mục, đã có những công trình đi sâu hơn, nghiên cứu về thư tịch Hán Nôm. Đáng kể nhất là bộ Tìm hiểu kho sách Hán Nôm gồm 2 tập của Trần Văn Giáp. Tập 1 của bộ sách đã xuất bản năm 1971, tái bản năm 1984(29).

4. Về văn bản học Hán Nôm

Sách Hán Nôm của ta tam sao thất bản quá nhiều, những người nghiên cứu thận trọng đi vào đây đều cảm thấy bàng hoàng như bước giữa mê cung. Nghiên cứu văn bản học do vậy vô cùng cần thiết. Ý thức rõ điều này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức Hội nghị khoa học về văn bản học (1982), đã mở lớp bồi dưỡng về văn bản học (1984), và cũng đã đưa in cuốn Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm (1983, 400 tr), nhằm hướng dẫn công tác văn bản học. Từ đó đến nay, lẻ tẻ đã có những phát hiện lý thú về mặt văn bản học.

Chẳng hạn Gia huấn ca, trước kia cho là tác phẩm của Nguyễn Trãi, sau đó có người ngờ và đã chứng minh không phải của Nguyễn Trãi. Gần đây Hoàng Văn Lâu đã tiến thêm bước nữa, cho thấy Gia huấn ca có gần 1/2 nội dung là tác phẩm của Lý Văn Phức đời Nguyễn(30).

Hay như Binh thư yếu lược từ lâu đã được dịch, xuất bản, vẫn yên trí là sách do Trần Quốc Tuấn soạn thảo, đến đầu thế kỷ XIX được sửa chữa, bổ sung... Nhưng vừa rồi, Ngô Đức Thọ bằng những phương pháp đối chiếu và so sánh, đã vạch ra rằng Binh thư yếu lược hiện có là một khối hổ lốn, trong ấy có một phần nội dung trích từ sách Kỷ sự tân biên của Lương Huy Bích, người sống vào thế kỷ XIX, cộng với một phần nội dung trích từ sách Kim thang thập nhị trù của Trung Quốc và một vài thứ sách khác nữa(31).

Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt gồm 4 câu lâu nay ai cũng thuộc và tưởng không còn gì phải bàn, ngoài vụ tranh luận về cách hiểu câu cuối của bài thơ. Nhưng gần đây, qua việc kiểm tra lại các nguồn tư liệu, thấy bài thơ có cả thảy 24 dị bản, trong đó có những dị bản thậm chí không dùng câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” từng gây tranh cãi, để kết thúc bài thơ. Văn bản Nam quốc sơn hà được xác lập do vậy có khác với văn bản hiện hành(32).

Trên tập san Nghiên cứu Hán Nôm mấy năm gần đây cũng lần lượt công bố những thành tựu nghiên cứu khác về văn bản học, như các bài Bước đầu tìm hiểu thời điểm ra đời và tác giả của sách Lê triều ngự chế Quốc âm thi (NCHN - 1/1985); Về hai nhóm văn bản Quân trung từ mệnh tập hiện còn (NCHN - 2/1985); Đính chính niên đại giả trên một số thác bản bia tại kho bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (NCHN - 2/1985); Bước đầu nghiên cứu chữ húy đời Trần (NCHN - 1/1986); Thử tìm hiểu phương pháp sưu tầm chỉnh lý thư tịch của Lê Qúy Đôn (NCHN - 1/1986); Về văn bản bài thơ Gởi Nê Ru trong tập Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh (NCHN - 1/1986) v.v...

5. Về sách công cụ tra cứu Hán Nôm:

Làm Hán Nôm mà không có sách tra cứu, cũng giống như người sinh ra mà thiếu đi một số cơ quan chức năng bẩm sinh. Khốn nỗi là sách tra cứu thuộc ngành Hán Nôm hiện nay có thể nói rất nghèo nàn, cũ kỹ và lạc hậu. Đây là điều khá nhức nhối trong thời buổi mà trên thế giới tin học đang phát triển mạnh.

Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trên cơ sở thành tựu của những người đi trước, đã tổ chức biên soạn lại một bộ Thư mục Hán Nôm và một bộ Thư mục văn bia hoàn chỉnh hơn, thiết dụng hơn so với những gì đã có. Bộ Thư mục Hán Nôm gồm nhiều tập, bao quát số thư tịch, tài liệu Hán Nôm hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và ở một số kho sách nước ngoài. Bộ Thư mục văn bia gồm nhiều tập, giới thiệu một cách súc tích các bản rập văn bia Việt Nam hiện tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cả hai bộ thư mục đều đã hoàn thành bản thảo, riêng bộ Thư mục văn bia đã được nghiệm thu.

Một bộ sách công cụ khác đang trong quá trình thực hiện: bộ Từ điển Nôm.

6. Về văn hiến cổ Việt Nam và văn hiến cổ các nước trong vùng

Trên lĩnh vực này, chúng ta chưa đầu tư nhiều suy nghĩ cũng như chưa xác lập được hệ thống các vấn đề cần đi sâu. Tuy nhiên, qua một đôi bài viết, cũng thấy đây là một lĩnh vực khá lý thú.

Bài Thử so sánh chữ Nôm Việt Nam với chữ Kana Nhật Bản, chữ Ida Triều Tiên về mặt nguồn gốc và biến diễn, báo cáo khoa học của Trần Nghĩa cho thấy về nguồn gốc cũng như về diễn biến, cả 3 loại chữ có những mặt giống nhau và những mặt khác nhau. Bản báo cáo cũng đã thử giải thích nguyên nhân dẫn tới sự giống nhau và sự khác nhau đó(33).

Bài Quốc âm tân tự một phương án chữ Việt ghi âm thế kỷ XIX của Nguyễn Quang Hồng (Tạp chí Hán Nôm, số 1. 1986) cho thấy ở nước ta, trong lịch sử chữ viết, cũng đã từng xuất hiện một đề án dùng nét bút chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, tương tự như lối chữ Kana của Nhật Bản, lối chữ hiện hành của Triều Tiên, khác với chữ Nôm Việt vốn không phải là hệ thống chữ ghi âm Quốc âm tân tự do vậy đã bù lắp vào một mảng còn để trống trong lịch sử chữ viết Việt Nam và khu vực, đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử chữ viết và ngữ âm tiếng Việt, cũng như những vấn đề về tiếp xúc văn hóa khu vực.

IV. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG NHỮNG NĂM TỚI

1. Từ nay đến 1990, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hay nói rộng ra là Ngành Hán Nôm cố gắng làm sáng tỏ thêm về chức năng nhiệm vụ của ngành, một vấn đề mà hiện nay chưa phải đã giải quyết xong xuôi. Chúng ta đã có thực tiễn hoạt động nhiều mặt của Ban Hán Nôm, rồi Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ 1970 tới nay. Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội vừa cho ra cuốn Cơ sở ngữ văn Hán Nôm(34) và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng mới đưa in cuốn Chương trình giảng dạy khoa ngữ văn, trong đó có phần liên quan tới Hán Nôm(35). Trên cơ sở các thành quả vừa nêu, cùng với một vài nguồn tư liệu khác, chúng ta có thể làm rõ thêm để đi tới nhất trí hơn nữa về tính khoa học cũng như nội dung học thuật của chuyên ngành Hán Nôm trong giai đoạn ngày nay.

2. Trên cơ sở định nghĩa được “Hán Nôm học” là gì, sẽ tiến tới xác lập mối quan hệ giữa Ngành Hán Nôm và các chuyên ngành khoa học khác, trước hết là các chuyên ngành khoa học xã hội, lấy đây làm cơ sở để mở rộng việc nghiên cứu tổng hợp, liên ngành có liên quan tới Hán Nôm, theo đường hướng phát triển chung của khoa học hiện đại.

3. Sẽ không thể hiểu sâu Hán Nôm, nếu im lặng bước qua văn hiến cổ Việt Nam. Cũng vậy, sẽ không thể hiểu sâu văn hiến cổ Việt Nam, nếu im lặng bước qua văn hiến cổ khu vực. Đấy là mối tương tác giữa cái riêng và cái chung, giữa đơn lập và hệ thống. Làm sao để Ngành Hán Nôm sớm chính thức có một bộ phận nghiên cứu về “hiện tượng Hán Nôm” ở các nước trong vùng, hay gọi theo cách gọi truyền thống, một bộ phận Phương Đông học. Chừng nào chưa tổ chức được mảng nghiên cứu này, công tác Hán Nôm sẽ mất đi một thế mạnh, một cửa ngõ giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Đấy là những vấn đề mà nếu giải quyết tốt, Ngành Hán Nôm sẽ phát triển nhanh hơn nữa.

CHÚ THÍCH

(1) Bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (1967 - 1987).

(2) Tây Hán Nam Việt Vương mộ phát quật sơ bộ báo cáo, Khảo cổ số 3/1984, Bắc Kinh, Trung Quốc, tr.220-230; Lĩnh Nam khảo cổ đích trọng đại phát hiện, Báo ảnh Trung Quốc 8-1984, tr.32-35.

(3) Cổ kim thiện ngôn, dẫn theo Thủy kinh chú, Ôn Thủy.

(4) Toàn Thượng cổ Am đại Tần Hán Tam quốc Lục triều văn, phần Toàn Tống văn, Q.63, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh 1958.

(5) Toàn Đường Văn, Q.446.

(6) Đại Nam Quốc ngữ, phần Đại Nam Quốc ngữ tự, của Văn Đa Cư Sĩ tức Nguyễn Văn San (TK XIX).

(7) Đào Duy Anh: Chứng tích xưa nhất về chữ Nôm: một tấm bia đời Lý Cao Tông, Nghiên cứu lịch sử số 134, 1973.

(8) Thiền tông bản hạnh, bản in năm Cảnh Hưng thứ sáu (1745) từ tr.28a - tr.29b. Sách của cụ Hoàng Xuân Hãn tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(9) Có một số tác phẩm trong kho sách Hán Nôm do người nước ngoài soạn thảo, sở dĩ đưa vào kho sách vì ít nhiều chúng có liên quan tới Việt Nam hoặc về mặt văn tự, hoặc về mặt nội dung. Liên quan về văn tự như Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ do Pigneau de Béhaine soạn bằng chữ Nôm, in tại Quảng Đông, Trung Quốc, năm 1774. Liên quan về nội dung như An Nam chí, A.1733, do Cao Hùng Trưng, người Trung Quốc soạn vào đời Minh. Liên quan cả về văn tự lẫn nội dung như Quan chế Bắc kỳ sửa đổi lại bằng chữ Nôm, VNv.11, do Thống chế Bắc Kỳ René Robin soạn.

(10) Trần Khang: Vài nét về thư tịch Hán Nôm lưu trữ tại Viện thông tin Khoa học xã hội, in trong Thư tịch cổ và nhiệm vụ mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.42.

(11) Trong các thống kê trên, một tác phẩm có thể được tính ở nhiều chỗ, nếu tác phẩm ấy có liên quan tới nhiều ngành khác nhau.

(12) Về văn hóa văn nghệ, Nxb. Văn hóa, H. 1976, tr.141.

(13) Lê Duẩn: Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa, Báo Nhân dân, 26-6-1976; Phạm Văn Đồng: Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm với dân tộc ta, thời đại ta, Nxb Sự thật, H. 1976, các tr.39, 40.

(14) Tây Hán Nam Việt Vương mộ phát quật sơ bộ báo cáo, Tài liệu đã dẫn, tr.230.

(15) Theo thống kê của chúng tôi, đó là các chữ: “Cảnh Hạng lệnh ấn”, “Văn Đế cửu niên Nhạc phủ công tạo”, “Tư quan”, “Văn Đế hành tỷ”, “Thái tử” (xuất hiện 2 lần), “Triệu muội”, “đế ấn”, “Thái quan”, “Hữu phu nhân tỷ”, “Tả phu nhân ấn”, “Thái phu nhân ấn”, “(...) phu nhân ấn”, “Trù thừa chi ấn”, “Trường lạc cung khí”, “Sơn”. Riêng chữ “Sơn” không viết theo lối triện, mà viết theo lối chữ khải, trạm trên một chiếc gương đồng, gồm 6 chữ tất cả.

(16) Các bộ sử của Việt Nam cũng như Trung Quốc trước nay đều chép là Triệu Hồ (cổ + nguyệt). Nhưng theo tài liệu vừa khai quật, thì Triệu Văn Đế tên thực là Triệu Muội (mục + vị).

(17), (18) Xem Trần Nghĩa: Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan tới dòng văn học viết bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc, Tạp chí văn học, số 4. 1975.

(19) Đinh Khắc Thuân và Đặng Kim Ngọc: Chuông đồng cổ nhất ở nước ta, Báo Nhân dân, 25-6-1986.

(20) Xem Vũ Thanh Hằng: Về bản Trùng san Lam Sơn thực lục do cụ Hoàng Xuân Hãn gửi tặng, Tập san Nghiên cứu Hán Nôm số 2, 1985.

(21) Xem Trần Nghĩa: “Một bản Truyền kỳ mạn lục in năm 1712 vừa tìm thấy”, Tập san Nghiên cứu Hán Nôm, số 2, 1985.

(22) Xem Trần Nghĩa: Một bộ từ điển Việt - La Tinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được, tập san Nghiên cứu Hán Nôm, 1984.

(23) Schurhammer: Annamitishe Xaverius Litératur, in trên tạp chí tiếng Đức Missionswssensc - haftliche Studien, 1951.

(24) Xem bài Quốc dân đồ thư quán sở tàng An Nam bản thư mục, Đông Dương học báo số 1, tập 36, Tokyo, 1953; và bài Á Tế Á Hiệp hội sở tàng An Nam bản thư mục, Đông Dương văn hóa nghiên cứu sở kỷ yếu, số 5, Tokyo, 1954.

(25) Xem bài Đông Dương văn khố An Nam bản mục lục, in kèm theo sau cuốn Đông Dương văn khố Triều Tiên bản phân loại mục lục 1939.

(26) Xem bài An Nam thư lục, trong Tây Vực Nam Hải sử địa khảo chứng luận trứ vựng tập, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1932.

(27) Xem bài Tại Thái kinh Việt Nam tự viện Kiểng Phước tự sở tàng Hán tịch chữ Nôm bản mục lục, Đông Nam Á lịch sử và văn hóa, số 8, Tokyo, 1979, tr.73-117.

(28) Trần Nghĩa: Sách Hán Nôm tại nước ngoài, Nghiên cứu Hán Nôm số 1, 1985.

(29) Trong lần tái bản năm 1984, có bài Trần Văn Giáp và công trình biên khảo tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Nghĩa giới thiệu một cách khái quát những đóng góp và hạn chế của công trình này.

(30) Xem bài Ai viết Gia huấn ca, NCHN, 1984.

(31) Xem bài “Đi tìm nguồn gốc và năm xuất hiện của văn bản Binh thư yếu lược hiện có”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986.

(32) Trần Nghĩa: “Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986.

(33) Xem Sưu tập báo cáo khoa học về Nôm, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1985.

(34) Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Nxb. Giáo dục, H. 1984.

(35) Chương trình giảng dạy khoa Ngữ văn, phần Chương trình giảng dạy về Hán Nôm, 1986./.

TB

ÁNH SÁNG CỦA TRÍ TUỆ VÀ TÌNH HỮU NGHỊ (Đông Phương học Xô Viết với di sản
Hán Nôm)

NGUYỄN QUANG HỒNG

Ngay từ những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, giới khoa học Liên Xô đã bắt đầu làm quen với tiếng nói và chữ viết của người Việt Nam qua cuốn sách Cơ cấu tiếng An – Nam của nhà đông phương học Yu. K. Shuckij xuất bản ở Matscơva năm 1936(1). Nhưng phải chờ đến sau chiến tranh, vào những năm 50 của thế kỷ này, nhất là sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành được thắng lợi, các nhà đông phương học Xô-viết mới thực sự có điều kiện triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu khoa học về Việt Nam, mà trước hết là về lịch sử và ngữ văn Việt Nam.

Trong những hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về ngữ văn Việt Nam ở Liên Xô, chữ Nôm và các văn bản, các tác phẩm Hán Nôm của nước ta đã được các nhà khoa học Xô-viết chú ý đến khi trình bày những vấn đề khoa học thuộc về lịch sử chữ viết và lịch sử văn học thành văn của dân tộc Việt Nam.

Kết quả đầu tiên của những hoạt động khoa học đầy ý nghĩa đó ở các nhà đông phương học Xô-viết là sự ra đời cuốn sách Tiếng Việt (1960), công trình nghiên cứu và biên soạn của một nhóm các tác giả lúc bấy giờ hãy còn rất trẻ, mà ngày nay họ đã trở nên nổi tiếng không những chỉ ở Liên Xô. Đó là Viện sĩ - thông tấn V. M. Soncev Tiến sĩ Yu. K. Lekomcev, các phó Giáo sư - phó Tiến sĩ I. I. Glebova và T. T. Mkhitarjan(2).

Trong cuốn sách này, lần đầu tiên chữ Nôm của người Việt được miêu tả và giới thiệu với bạn đọc Xô Viết. Các tác giả nhận định một cách thỏa đáng rằng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của tiếng Hán trong quá trình tiếp xúc lâu dài, và đặc biệt là do đặc điểm loại hình ngôn ngữ tương tự với tiếng Hán, cho nên lẽ tự nhiên là tiếng Việt cũng thích ứng được với nguyên tắc chữ viết ô vuông như chữ Hán. Dựa trên một vài thông tin ít ỏi có thể có được vào lúc bấy giờ về chữ Nôm(3) các tác giả cuốn sách đã hình dung một cách phân loại khái quát về chữ Nôm xét theo đặc điểm cấu tạo của chúng như sau:

1. Các chữ đơn, cũng tức là những chữ Nôm mượn thẳng từ chữ Hán. Loại này có mấy trường hợp:

a. Dùng chữ Hán vốn có để ghi từ Hán - Việt. Thí dụ: 才 tài

b. Dùng chữ Hán vốn có để ghi từ Hán đã biến âm như từ Việt. Thí dụ: 局 cuộc (âm Hán - Việt là CỤC)

c. Dùng chữ Hán để ghi từ Việt cùng âm mà khác nghĩa. Thí dụ: chữ 戈 QUA (can qua) dùng để ghi từ qua (trải qua).

d. Dùng chữ Hán để ghi từ Việt cùng nghĩa nhưng khác âm. Thí dụ: chữ 味 VỊ (Mùi vị) dùng để ghi từ Mùi.

2. Các chữ ghép cũng tức là những chữ do người Việt tự tạo ra trên cơ sở chữ Hán. Loại này có mấy trường hợp:

a. Ghép hai chữ Hán với nhau, trong đó một chữ ghi âm, một chữ ghi ý. Thí dụ: chữ Hán CHÍ (ghi ý = đến) ghép với chữ Hán ĐIỂN (ghi âm) sẽ có chữ Nôm đến.

b. Ghép hai chữ Hán với nhau, một chữ ghi ý, chữ kia làm dấu hiệu phụ chú về nghĩa (dấu phụ nghĩa). Thí dụ: chữ Hán THIÊN (trời) ghép với chữ Hán THƯỢNG (trên) sẽ cho chữ Nôm trời.

c. Ghép một chữ Hán với một chữ Nôm, trong đó một chữ ghi ý, chữ kia ghi âm. Thí dụ: chữ Hán KHẨU (miệng) ghép với chữ Nôm trời (còn đọc âm cổ: blời) để có chữ Nôm lời.

Đành rằng so với những kết quả mà hiện nay chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu về chữ Nôm thì bảng phân loại trên đây có thể chưa bao quát được hết mọi hiện tượng chữ Nôm, và ở một vài chỗ thí dụ dẫn ra có lẽ chưa thật tiêu biểu và không thích hợp. Song điều đáng lưu ý là ở đây, trong khi tiến hành phân loại cấu tạo chữ Nôm, các tác giả đã không lệ thuộc vào cách phân loại truyền thống theo phạm trù “lục thư” của Hứa Thận (30 - 124 sau CN) mà để lên hàng đầu sự phân biệt chữ đơn (tương ứng với chữ mượn thẳng) và chữ ghép (tương ứng với chữ tự tạo). Phải thừa nhận rằng nguyên tắc phân loại này là tỏ ra khá thích hợp đối với tất cả các hệ thống văn tự ô vuông vốn xây dựng trên cơ sở một hệ thống chữ vuông sơ thủy là chữ Hán. Chính cách phân loại này ngày nay đã được nhiều người chấp nhận và phát triển chi tiết hơn(4).

Cũng gần như đồng thời với cuốn sách vừa giới thiệu, năm 1961 có bài viết của T. T. Mkhitarjan với nhan đề Từ trong lịch sử chữ viết Việt Nam(5). Có thể là trong bài này chị T. T. Mkhitarjan, vốn là một thành viên trong nhóm các tác giả cuốn Tiếng Việt kể trên, đã tiếp tục phác họa về chữ Nôm và sự hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Ở Liên Xô, sự quan tâm đến chữ Nôm không phải chỉ nằm trong phạm vi của khoa Việt học, mà còn cả trên bình diện của lịch sử văn tự và lý thuyết về chữ viết nói chung. Chẳng hạn trong Cuốn sách về chữ cái (1975)(6) một công trình khoa học viết dưới dạng phổ cập, nhà văn tự học nổi tiếng A.Konolratov đã giới thiệu với đông đảo bạn đọc Xô-viết về chữ Nôm ở Việt Nam bên cạnh chữ Nhật, chữ Triều Tiên, chữ Ki-đan (Khiết Đan), chữ Tang-cút (Tây Hạ) và một loạt các lối chữ cổ của các dân tộc ở phía Nam Trung Quốc, đều nằm trong hệ thống các văn tự có liên quan với chữ vuông Hán. Sau đây là những dòng tác giả dành cho chữ Nôm của người Việt Nam:

“Vào thế kỷ thứ X, chữ viết Việt Nam đã được tạo ra trên cơ sở của hệ chữ vuông Hán. Tiếng nói của người Việt khác biệt với tiếng Hán không đến mức như tiếng Triều Tiên hay tiếng Nhật Bản (trong tiếng Việt cũng có từ đơn âm, có thanh điệu v.v...) và trong chữ Nôm Việt, khác với chữ Nhật hay chữ Triều, không có các ký hiệu chuyên biệt để ghi âm tiết. Để ghi các tên người và tên địa lý, người ta cũng dùng chính những chữ vuông vốn vẫn dùng cho các từ thông thường” (Sđd, tr.121). Tiếp theo, tác giả chỉ ra những thực trạng và đồng thời cũng là nhược điểm của chữ Nôm xét trên quan điểm của văn tự học: “chữ viết cực kỳ phức tạp và rắc rối. Cùng một ký hiệu, vừa có thể đọc theo kiểu Hán (tức theo âm Hán - Việt - NQH), vừa có thể đọc theo âm Việt. Nhiều khi không rõ là cần phải hiểu như thế nào: hoặc là như lotogramma (ký hiệu ghi từ) hay là như phonogramma (ký hiệu ghi âm). Và cũng chưa có những quy tắc ghi âm chặt chẽ. Người viết chữ mặc sức phô trương tri thức của mình và cứ liên tiếp đặt ra các dạng chữ mới (ở Trung Hoa đã từng có một hoàng đế dọa sẽ khép vào tội tử hình đối với những ai cứ vô cớ vẽ thêm chữ mới). Cuối cùng các phương tiện ấn loát ở Việt Nam thời xưa là rất ít ỏi, và các cuốn sách, đúng hơn là các bản ksilograph (văn bản dập từ các tấm ván đã khắc chữ), thường là được in ra từ Hồng Kông. Những người thợ khắc Trung Quốc không biết tiếng Việt, khi khắc chữ lên ván, vẫn thường phạm phải nhầm lẫn sai sót. Như vậy, sự rắc rối vốn đã có sẵn, lại càng trở nên rối ren thêm bởi vô số những sai lầm trong khâu in ấn” (Sđd, tr. 121).

Không thể đòi hỏi mọi chi tiết nêu ra ở đây đều đầy đủ và hoàn toàn chính xác(7). Đối với bạn đọc phổ cập thì những nét phác họa trên đây về chữ Nôm ở nhà văn tự học Xô-viết A.Konolratov là khá xác thực và sinh động, đồng thời cũng làm nổi bật được đặc điểm loại hình của nó, cho thấy tính cơ động (và thiếu chặt chẽ) trong sự cấu tạo và vận dụng lối chữ này.

Việc nghiên cứu và giới thiệu các văn bản và tác phẩm Hán Nôm của ta ở Liên Xô thường được gắn liền với hoạt động dịch thuật và nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam trong giới đông phương học Xô-viết. Giới văn học Việt Nam đã từ lâu được làm quen với N.I.Niculin, với B.I.R ftin, với M.Tkachov v.v... qua tiếp xúc cộng tác cũng như qua hàng loạt các bài viết của các anh về văn học chữ Hán, chữ Nôm ở Việt Nam. Trong lĩnh vực này Giáo sư - Tiến sĩ N.I.Niculin với tư cách là chuyên gia về văn học cổ điển Việt Nam, đã có nhiều đóng góp đáng kể với những cuốn sách nổi tiếng như Khái luận văn học Việt Nam (1971)(8) và Văn học Việt Nam từ trung đại đến cận đại - thế kỷ X – XIX (1977)(9) N.I.Niculin đã nói tới kho sách Hán Nôm của ta ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn sách thứ hai này:

“Gần mười hai ngàn văn bản chép tay và bản khắc in ván đang được gìn giữ tại một kho sách cổ khá nổi tiếng của Việt Nam - Thư Viện khoa học xã hội ở Hà Nội. Đây là một di sản văn tự tuyệt vời, trong đó hiện lên một cách rõ nét con đường phát triển của văn học Việt Nam, và là một hiện tượng lịch sử - văn hóa phức tạp. Có thể tìm thấy ở đây sự phản ánh, đôi khi là gián tiếp theo những quy luật của nghệ thuật thời trung cổ những số phận lịch sử của nhân dân Việt Nam, những đặc điểm trong sự tồn tại lịch sử của họ, những gì đã cùng với các truyền thống nghệ thuật dân tộc đã quy định về cơ bản sự độc đáo của lịch sử văn học Việt Nam (Sđd, tr.3).

Ngay từ những năm 60, N.I.Niculin đã làm việc trực tiếp trên các văn bản Hán Nôm của nhiều tác phẩm văn học cổ Việt Nam mà lúc bấy giờ đang lưu trữ tại kho sách cổ Viện Văn học Hà Nội, như: Huấn nữ diễn âm ca (DH - 365), Hữu Kế truyện (DH - 374), Phong tình tân truyện (DH - 366), Nhị thập tứ trung diễn ca (DH - 375), Quốc âm diễn thi (DH - 376), Thiên Nam quốc ngữ lục (DH - 356) v.v... Và không phải chỉ có thế, anh còn luôn luôn theo dõi tình hình nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm ở nước ta. Ngay đến một mẩu tin có liên quan trên báo chí hàng ngày cũng khiến anh chú ý. Và kết quả là trên một trang sách của anh, ta bỗng bắt gặp những dòng mang nhiều lượng thông tin như sau: “Đưa tin về việc chuẩn bị biên soạn bộ “Thư mục văn bia” ở Viện văn tự cổ (tức Viện Hán Nôm - NQH) thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, báo Nhân dân 23-5-1976 viết rằng riêng trong bộ thư mục này đã bao gồm đến 11602 văn bản, trong đó 1 bản có niên đại thế kỷ XI, 05 bản - thế kỷ XII, 4 bản - thế kỷ XIII, 13 bản - thế kỷ XIV, 47 bản - thế kỷ XV” (Sđd, tr. 25)(10).

Với sự cố gắng không ngừng của N.I.Niculin, M. Jkachov, P.Antokolskij, G.Jaroslavcev v.v... từ nhiều năm nay các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Dữ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du v.v... đã lần lượt được phiên dịch và giới thiệu ở Liên Xô.

Cũng cần ghi nhận ở đây là tác phẩm Hán Nôm Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa với tư cách là một công trình điển vựng song ngữ Hán - Việt ra đời khá sớm ở nước ta (thế kỷ XVII) đã được chị Nonna Stankêvich - người đồng nghiệp gần gũi của giới ngôn ngữ học và giới Hán - Nôm Việt Nam, trân trọng giới thiệu với giới ngôn ngữ học Liên Xô trong hệ thống các bài chuyên khảo về lịch sử ngôn ngữ học ở các vùng khác nhau trên thế giới(11).

Kể ra, việc nghiên cứu chữ Nôm và các văn bản Hán Nôm của Việt Nam dẫu sao cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động của các nhà đông phương học Xô-viết trong lĩnh vực nghiên cứu văn tự và văn bản cổ ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, và ngay cả ở Triều Tiên. Rõ ràng là những người công tác trong lĩnh vực Hán Nôm ở Việt Nam mong chờ nhiều ở sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà đông phương học Liên Xô để có thể tiến bước xa hơn vào lĩnh vực nghiên cứu đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần hấp dẫn này.

Là những người có trách nhiệm quản lý và nghiên cứu di sản Hán Nôm của dân tộc, chúng ta đều ý thức rất rõ sự cần thiết phải xây dựng cho mình phương pháp luận khoa học tiên tiến và những cách tiếp cận thích hợp đối với toàn bộ kho tàng tư liệu Hán Nôm. Xét từ phương diện này, thì cái mà chúng ta trân trọng và đón nhận ở các nhà đông phương học Xô-viết không phải đơn giản chỉ là những công trình trực tiếp đề cập đến tư liệu Hán Nôm, mà là tất cả những gì có liên quan đến chữ viết và văn bản cổ của các dân tộc ở phương Đông (Hán, Nhật, Triều Tiên, Tang-cút, Ki-đan, Mèo, Choang v.v...) và hơn thế nữa là tất cả những gì đề cập đến mối quan hệ văn hóa - lịch sử sâu rộng giữa các dân tộc trong khu vực này, cũng như giữa phương Đông và phương Tây trong thế giới của quá khứ và của hiện tại. Chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta đã tìm đọc một cách đầy hứng thú (dù là qua bản dịch đánh máy hay trực tiếp với nguyên văn tiếng Nga) cuốn sách nổi tiếng Phương Tây và phương Đông (1966-1972)(12) của Viện sĩ N.I. Konrad, cũng như một loạt bài của nhiều tác giả Xô-viết trong các tập Loại hình học và mối liên quan giữa các nền văn hiến phương Đông và phương Tây (1974)(13) và Những công trình nghiên cứu về lịch sử - ngữ văn học - tập bài viết kỷ niệm Viện sĩ N.I. Konrad (1974)(14) v.v... Về mặt phương pháp luận ngữ văn học cũng tỏ ra rất có ý nghĩa đối với chúng ta là cuốn sách khá độc đáo của Giáo sư - Tiến sĩ Yu. V. Rozhode - Stvenskij Dẫn luận ngữ văn học đại cương (1979)(15) trong đó trình bày một hệ thống những quan niệm và nguyên tắc xử lý ngữ văn học đối với tất cả các loại ngôn từ, khái quát từ các nguồn tư liệu phương Tây và cả phương Đông. Và đâu phải chỉ có tư liệu phương Đông mới là gần gũi đối với chúng ta. Những công trình về lý luận văn bản học của Viện sĩ D. S. Likhachov như Khái luận văn bản học (1964)(16), Văn bản học (1962, 1983)(17), vốn xây dựng chủ yếu trên tư liệu các văn bản Nga và Slavơ cổ cũng đã trở nên quen thuộc và thân thiết đối với chúng ta, những người nghiên cứu các văn bản Hán Nôm. Bởi vì sự khái quát khoa học thực sự thường mang ý nghĩa phổ quát, và những gợi mở về mặt lý luận và phương pháp nảy sinh từ những công trình khoa học như thế thường là không bị giới hạn bởi tư liệu ban đầu.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại, chúng ta vui mừng trước những thành tựu to lớn của giới đông phương học Xô-viết của các nhà khoa học xã hội Xô-viết, và hân hoan đón nhận từ đó nguồn ánh sáng rực rỡ của trí tuệ và tấm lòng của khoa học và tình hữu nghị.

CHÚ THÍCH

(1) Shuckij Yu. K. Stroj annamskogo jazyka M, 1936.

(2) Soncev. V.M. Lekomcev Yu. K. Mkhitarjan J. T. Glebova I.I Vjetnamsk j jazyk M, 1960.

(3) Chủ yếu dựa theo tài liệu của Nguyễn Đổng Chi (Vấn đề chữ viết trong văn học sử Việt Nam, Văn sử địa số 9, 1955) và M.B. Emeneaur (Studieg in Vietnamese (Annamese) Grammar california, 1951).

(4) Xem, chẳng hạn = Moskalov A. A. Grammatika Jazyka Chuan. M, 1971, 3.34; Nguyễn Tài Cẩn, Một số vấn đề về chữ Nôm, Hà Nội, 1985, tr.53).

(5) Mkhitarjan T.t. Iz istorii Vjet nam – skojpismennosti - “Vestnik istorii mirovoj kultuty”, 1961, N02. Chúng tôi lấy làm tiếc là chưa có điều kiện tiếp xúc với bài này.

(6) Kondratov A. Kniga o bukve. M. 1975.

(7) Chẳng hạn: Thực ra nghề khắc in đã có từ khá sớm ở nước ta và đặc biệt phát triển từ thế kỷ XVII trở đi. Theo thống kê, có tới 318 “nhà in” hiện còn sách lưu trữ tại kho sách Hán Nôm ở Hà Nội. Xem: Mai Hồng - Nguyễn Hữu Mùi, Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, 1986, N01.

(8) Niculin N.I. Vjet namskaja literatura Kratkijochepk M. 1971.

(9) Niculin N.I Vietnamshaja literatura ot srednik vekov k novomu vremeni X - XIX v.v M., 1977.

(10) Tháng 5-1987, Viện Hán Nôm đã tổ chức nghiệm thu công trình biên soạn này.

(11) Trong tập: Istorija lingvisticheskih uchenij. Srednevekovyj Vostok. I., 1981.

(12) Konrad N.I. Zapad i Votok. Uzd. 1, M. 1966; uzd. 2. M. 1972.

(13) Istoriko - filclogichesk ie issledovanija. Sbornik statej pamjati akademika N. I. Konrada. M. 1974.

(14) Tipologijai vzaimosvjazi srednevekovyh literatur Vostoka i Zarada. M. 1974.

(15) Rozhdestvenskij Yu. V. Vvedenie v obshuju filologiju M., 1979.

(16) Likhachov D.S . Tekstologija, Kratkij ocherk M.L., 1962.

(17) Likhachov D.S. Tekstologija. na materiale russkij literatury X - XVII vekov. Uzd. 1, 4, 1962; Uzd 2, L., 1983./.

TB

DI SẢN HÁN NÔM NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CỦA KHOA HỌC NGỮ VĂN

NGUYỄN QUANG HỒNG

Một nhu cầu cấp thiết đang đặt ra cho những người làm công tác khoa học trong lĩnh vực Hán Nôm là phải đổi mới tư duy lý luận, nâng cao nhận thức lý thuyết về đối tượng quản lý và nghiên cứu của mình. Có tích cực đổi mới nâng cao như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được cơ sở khoa học cho việc định hướng, xác lập và tổ chức các hoạt động khoa học trên những quy mô rộng lớn, cũng như trên từng đề tài và công việc cụ thể.

Để đáp ứng được nhu cầu trên đây, cần phải có sự cố gắng của nhiều người, hay đúng hơn - của tất cả những người đồng nghiệp. Riêng phần mình, trên phương diện này chúng tôi cũng đã có ít nhiều cố gắng, và ở đây, xin trình bày đôi điều thu hoạch về cách nhìn ngữ văn học đối với di sản Hán Nôm. Bước đầu đề cập đến vấn đề này, hãy tạm chưa đi sâu vào mọi khía cạnh, mọi chi tiết của nó, mà chủ yếu là sẽ xuất phát từ phương pháp luận khoa học ngữ văn, kết hợp với tình hình thực tế có thể quan sát được ở nước ta, cố gắng xác lập những cách nhìn khái quát và cần thiết nhất đối với di sản Hán Nôm, góp phần hình dung và định hướng các hoạt động khoa học trên tư liệu Hán - Nôm, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ các di sản ngữ văn của dân tộc.

I. DI SẢN HÁN NÔM TRONG TOÀN BỘ DI SẢN NGỮ VĂN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Như mọi người đều rõ, di sản văn hóa nói chung của một dân tộc, một đất nước, có thể bao gồm nhiều thành phần, nhiều dạng loại khác nhau, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần. Trong kho tàng những di sản văn hóa tinh thần của một dân tộc, chiếm một vị trí quan trọng là những di sản mang tính chất ngữ văn.

Ngữ văn, theo cách hiểu của khoa học ngày nay, là toàn bộ những phát ngôn do mọi người trong xã hội tạo ra bằng phương tiện ngôn ngữ. Mỗi một phát ngôn mà được hoàn chỉnh và định hình bằng cách nào đó, thì gọi là một tác phẩm ngôn từ (gọi tắt là ngôn từ). Tùy theo cách thức định hình vật chất, ta có thể phân chia các tác phẩm ngôn từ thành nhiều loại khác nhau: ngôn từ truyền miệng, ngôn từ viết tay, ngôn từ in ấn v.v...

Khi một dân tộc nào đó chưa đặt ra được chữ viết cho ngôn ngữ của mình mà cũng chưa biết sử dụng ngôn ngữ - văn tự của một dân tộc nào khác, thì mọi tác phẩm ngôn từ của họ chỉ là những lời nói miệng, và trong tình trạng đó, di sản ngữ văn của dân tộc đó chỉ có thể là những ngôn từ truyền miệng mà thôi (như: tục ngữ, ca dao, vè, truyện kể v.v...). Nhưng một khi họ đã biết sử dụng chữ viết (bất kể là tạo ra hay vay mượn) để viết nên những ngôn từ thành văn - tức là những văn bản (hiểu theo nghĩa gốc của từ này), thì nền văn hóa tinh thần của dân tộc đó bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn có văn hiến (cũng hiểu theo nghĩa gốc của từ này).

Cũng cần lưu ý rằng, các tác phẩm ngôn từ thuộc di sản ngữ văn của một dân tộc, dù là truyền miệng hay thành văn, có thể là được tạo ra và tồn tại một cách tự thân (như: tục ngữ, câu đó, ca dao, sách vở, công văn, thư từ v.v...), nhưng cũng có thể là kèm theo cùng các loại hình di sản văn hóa khác (chẳng hạn: lời ca trong dân ca, các bài văn, bài thơ, câu đối khắc ở bia, ở chuông, tháp, đền chùa, lâu đài v.v...).

Từ sự hình dung như trên đây về di sản ngữ văn nói chung, nhìn vào thực tiễn hoạt động ngôn ngữ - văn tự ở Việt Nam, ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong toàn bộ di sản ngữ văn của nước ta, có mặt đầy đủ tất cả các loại hình ngôn từ kể trên, bao gồm những kho tàng ngôn từ truyền miệng dân gian khá phong phú và đa dạng, cùng với những kho tàng các văn bản chữ Hán, chữ Nôm và nhiều thứ chữ khác của các dân tộc, được viết tay và nhân bản bằng phương pháp thủ công (chủ yếu là khắc, in mộc bản), do nhiều thế hệ người các dân tộc Việt Nam tạo ra và lưu truyền đến ngày nay.

Chỉ xét riêng về mặt loại hình ngôn ngữ - chữ viết, thì các di sản ngôn từ thành văn của nước ta có thể phân biệt với nhau theo hai bước như sau:

- Ở bước thứ nhất ta có: (A) - các văn bản được viết bằng văn tự thuộc hệ chữ cái La-tinh, phân biệt với (B) - các văn bản không thuộc hệ chữ cái La-tinh.

- Ở bước thứ hai ta có: (B1) - các văn bản được tạo ra từ các văn tự theo hệ chữ vuông (chữ Hán, chữ Nôm của người Việt và các dân tộc anh em như Tày, Mèo, Dao, Mường) phân biệt với (B2) - các văn bản không thuộc hệ chữ La-tinh nhưng cũng không thuộc hệ chữ vuông Hán (mà chủ yếu là thuộc hệ chữ Phạn như văn tự cổ của các dân tộc Thái, Chăm, Khơ-me v.v...)

Dĩ nhiên là không loại trừ khả năng có những tác phẩm trong đó người ta đã sử dụng đồng thời mấy thứ ngôn ngữ - văn tự khác nhau. Chẳng hạn, trong kho sách của Viện Hán - Nôm ở Hà Nội hiện nay, có không ít những tác phẩm thuộc loại “giải âm”, “diễn nghĩa” từ Hán sang Nôm, và khá nhiều những tác phẩm trong đó có mặt cả chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ quốc ngữ, chữ Pháp v.v... Đối với các văn bản loại này, phải tùy theo mức độ và tính chất của sự phối hợp hay xen kẽ thứ chữ này với thứ chữ khác mà tiến hành phân biệt xử lý cụ thể.

Sự phân biệt các di sản ngôn từ thành văn của nước ta theo tiêu chí loại hình ngôn ngữ - văn tự như trên đây tuyệt nhiên không phải chỉ là một thao tác thuần túy hình thức. Thực ra, trong đó có phản ánh những nhân tố lịch sử - văn hóa rất quan trọng. Ở bước thứ nhất, khi ta phân biệt các văn bản thuộc hệ chữ cái La-tinh (A) với những văn bản còn lại không thuộc hệ chữ này (B), chúng ta đồng thời cũng phân biệt trên đại thể các văn bản xuất hiện từ thời cận đại về sau trong quan hệ tiếp xúc với văn minh phương Tây (Châu Âu), với những văn bản ra đời trong quan hệ tiếp xúc với văn minh phương Đông (Châu Á) vốn gắn liền với lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam từ thời cổ đại, trung đại cho đến những thập kỷ đầu của thế kỷ chúng ta. Ở bước thứ hai, khi phân biệt các văn bản thuộc hệ chữ vuông Hán (B1) với những văn bản phi La-tinh khác mà không thuộc hệ chữ vuông (B2), chúng ta đồng thời cũng tìm thấy mối liên hệ giữa sự phân biệt theo hệ chữ viết như thế với hai nguồn văn hiến khác nhau mà các dân tộc Việt Nam đã tiếp thu: văn hiến Trung Hoa (đối với B1) và văn hiến Ấn Độ (đối với B2)(2).

Đến đây, một sự hình dung lý thuyết xét từ góc độ ngữ văn học đối với di sản Hán Nôm, hầu như đã được rõ nét. Đó là những tác phẩm ngôn từ thành văn do người Việt Nam tạo ra hoặc tham gia sáng tạo, chủ yếu dựa vào ngôn ngữ - văn tự Hán cổ và ngôn ngữ - văn tự của các dân tộc Việt Nam thuộc hệ chữ vuông (các loại chữ Nôm) được định hình và nhân bản bằng các phương tiện thủ công (viết tay, khắc, in mộc bản v.v...), làm thành một bộ phận quan trọng trong toàn bộ các di sản ngữ văn của các dân tộc Việt Nam.

Đối chiếu với kho tư liệu thực tế các văn bản Hán Nôm mà chúng ta hiện có thì sự hình dung lý thuyết nêu ra trên đây là phù hợp và bao quát được hầu hết các hiện tượng vẫn được coi là di sản Hán Nôm. Dĩ nhiên, là có thể gặp một số trường hợp ngoại lệ mà ở đó sự định hình và lưu truyền các văn bản có mang những số phận đặc biệt(3).

Di sản Hán Nôm dẫu sao trước hết vẫn là một phạm trù văn hóa - lịch sử. Cho nên không phải bất kỳ văn bản hay hiện tượng chữ Hán, chữ Nôm nào cũng đều được coi là di sản Hán Nôm. Giới thuyết vừa nêu ra trên đây về di sản Hán Nôm đã gạt ra ngoài phạm vi của nó không ít những hiện tượng Hán - Nôm, mà chủ yếu muốn nói đến ở đây là các văn bản Hán - Nôm do người Việt Nam hiện đại viết ra trong những trường hợp đặc biệt nào đó(4), cũng như các văn bản Hán Nôm do người nước ngoài viết về Việt Nam và cho người Việt Nam đọc, mặc dù xét trên quan điểm thuần túy ngữ văn học thì những tư liệu Hán Nôm này cũng không kém phần giá trị. Cho nên, khi có sự cần thiết khái niệm “Di sản Hán Nôm” phải được phân biệt với tất cả các hiện tượng Hán Nôm nói chung, song sự phân biệt này không nhằm mục đích gạt bỏ cái gì ra khỏi phạm vi quản lý và nghiên cứu của chúng ta, mà chỉ giúp đỡ cho việc phân biệt xử lý cụ thể các tư liệu Hán Nôm cho thỏa đáng hơn trong công tác sưu tầm và nghiên cứu chúng.

II. NGỮ VĂN HỌC HÁN NÔM VÀ NGỮ VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM

Di sản Hán Nôm, như cách chúng ta hình dung trên đây là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ các di sản ngữ văn của dân tộc Việt Nam. Tiếp xúc với di sản Hán Nôm, chúng ta đồng thời cũng tiếp xúc với trí tuệ và tấm lòng của bao thế hệ cha ông trên hầu khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta trước đây. Bởi vậy, di sản Hán Nôm và tư liệu Hán Nôm nói chung cùng một lúc có thể làm khách thể nghiên cứu cho nhiều ngành khoa học khác nhau. Qua tư liệu Hán Nôm, các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, sử học, dân tộc học, xã hội học, địa lý học, nông học, sinh học, y học, toán học v.v... có thể tìm thấy những thông tin cần thiết, nhiều cứ liệu quan trọng, những đối tượng thích hợp cho công việc nghiên cứu của mình. Nhưng trước hết và đồng thời với sự quan tâm của tất cả các nhà chuyên môn thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau (từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên), các tư liệu Hán Nôm cần phải được qua bàn tay xử lý khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực ngữ văn học cổ điển Việt Nam.

Ngữ văn học - theo cách biểu hiện nay mà chúng tôi lĩnh hội được - là ngành khoa học nghiên cứu mọi hiện tượng ngôn từ trong tất cả các hình thái biểu hiện của chúng và trong mối liên quan biện chứng và lịch sử giữa các yếu tố hình thức với nội dung của các tác phẩm ngôn từ(5).

Không đi sâu thuyết minh mọi khía cạnh của định nghĩa này, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh ở đây một vài điều mấu chốt. Thứ nhất, cần tránh xu hướng chỉ coi trọng tác phẩm văn chương: khoa ngữ văn học quan tâm đến mọi hình thái ngôn từ, kể cả ngôn từ khoa học, công văn, thư từ, sổ sách, tin tức v.v... Thứ hai, khoa học ngữ văn nói chung không đi sâu khai thác mọi giá trị về nội dung chuyên biệt do ngôn từ chuyển tải (vì đây là nhiệm vụ của các ngành khoa học khác nhau) mà chủ yếu là quan tâm đến mặt ngôn ngữ - văn tự của ngôn từ, bao gồm việc giải thuyết các nội dung ngữ nghĩa trong mối liên quan biện chứng và lịch sử với các yếu tố hình thức của nó.

Đôi khi người ta hình dung một cách đơn giản rằng: ngữ văn học là cách gọi tắt hay là sự tổng hợp hai ngành ngôn ngữ học và văn học. Thực ra, nội dung mà thuật ngữ ngữ văn học (tiếng Hy Lạp: philologiá) bao hàm là rất xê dịch trong lịch sử phát triển khoa học từ cổ đại đến hiện đại. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX người ta mới có xu hướng gắn liền thuật ngữ này không những với ngôn ngữ học (như các nhà ngữ văn học thế kỷ XIX đã hình dung) mà còn cả với khoa văn học(6). Xu hướng này dần dần dẫn tới chỗ gạt các văn bản, các tác phẩm ngôn từ phi văn chương ra khỏi phạm vi của ngữ văn học. Cần lưu ý rằng, khoa văn học sở dĩ vẫn được xếp vào phạm vi của ngữ văn học không phải là vì nó quan tâm đến tính nghệ thuật, đến nội dung tư tưởng - thẩm mỹ của tác phẩm (về mặt này hẳn là phải xếp văn học vào lĩnh vực các khoa học về nghệ thuật), mà chủ yếu là vì nó cần phải quan tâm đến mặt ngôn ngữ - văn tự của tác phẩm, đến cái chất liệu bằng tiếng bằng chữ qua bàn tay nhào luyện của tác giả - nhà nghệ sĩ ngôn từ. Chính là ở phương diện thứ hai này, văn học mới có mối liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ học, là bộ môn khoa học làm nên phần cốt lõi cho ngữ văn học nói chung. Thế nhưng, nếu như văn học lấy các chỉnh thể văn bản và tác phẩm ngôn từ làm đối tượng khảo sát và miêu tả chính, thì ngôn ngữ học quan tâm trước hết đến các đơn vị ngôn ngữ và hệ thống của chúng với tư cách là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Cho nên, mặc dù ngôn ngữ học (và liên quan với nó là văn tự học) có vị trí rất quan trọng, nó vẫn không thay thế được và không đảm nhiệm được hết mọi nhiệm vụ đặt ra cho các chuyên ngành ngữ văn học khác như văn học, văn bản học, thư tịch học v.v... là những chuyên ngành trong đó lấy bản thân các văn bản, các tác phẩm ngôn từ làm đối tượng chính.

Từ cách nhìn nhận chung trên đây về khoa học ngữ văn, hãy trở lại với di sản Hán - Nôm của chúng ta. Đó thực sự là một khách thể nghiên cứu vô cùng phong phú và đa dạng cho ngữ văn học cổ điển nước ta(7). Xuất phát từ những nhu cầu của cách mạng tư tưởng - văn hóa và cách mạng khoa học - kỹ thuật nước ta, tuân theo những quy luật khách quan trong sự phát triển của khoa học xã hội, từ kho tàng tư liệu Hán Nôm, chúng ta có thể xác lập một loạt các chuyên ngành ngữ văn học chuyên nghiên cứu các hiện tượng Hán Nôm với những đối tượng và nhiệm vụ khác nhau. Không kể những gì vốn làm thành đối tượng thực sự của bộ môn ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt hay bộ môn văn học cổ điển Việt Nam, trong phạm vi của ngữ văn học Hán Nôm còn nổi bật lên, theo tôi, ít ra là ba chuyên ngành sau đây:

1. Văn tự học Hán Nôm: Nghiên cứu về chữ Hán và nhất là chữ Nôm trong văn bản Hán Nôm của các dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển, tiến hành miêu tả và so sánh các hệ thống chữ Nôm đó, xác lập mối liên hệ giữa chúng với các hệ thống cổ tự khối vuông khác trong khu vực. Giải quyết những vấn đề lý luận và kỹ thuật đặt ra trong việc biên soạn các bộ tự điển chữ Hán, chữ Nôm, các bản tra cứu tư liệu Hán Nôm theo hệ thống các văn tự khối vuông v.v...

2. Văn bản học Hán Nôm: Nghiên cứu toàn diện về lịch sử văn bản các tác phẩm Hán Nôm(8). Tìm hiểu những vấn đề khái quát cũng như những vấn đề cụ thể về sự hình thành, nhân bản, tàng trữ và lưu truyền các văn bản Hán Nôm. Có thể đi sâu khảo cứu các văn bản của một tác phẩm hay các tác phẩm của một tác giả, hoặc nhiều tác phẩm, nhiều tác giả cùng thời hoặc ở những thời kỳ lịch sử khác nhau. Giải quyết những vấn đề chung và cụ thể đặt ra trong việc xử lý các văn bản Hán Nôm (giám định, hiệu chính, chú giải, phiên âm, phiên dịch...) nhằm mục đích công bố tác phẩm v.v...

3. Điển tịch học Hán Nôm(9): Nghiên cứu việc phân loại và hệ thống hóa các văn bản và tác phẩm Hán Nôm. Xác định đặc trưng của từng loại hình văn bản về nội dung cũng như về hình thức. Nghiên cứu và xác lập các phương thức hệ thống hóa văn bản. Giải quyết những vấn đề chung và cụ thể đặt ra trong việc xây dựng các bộ sưu tập văn bản và tác phẩm, các bảng tra cứu tư liệu Hán Nôm v.v...

Như vậy, mỗi chuyên ngành trên đây có đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu riêng, và trong mỗi chuyên ngành cũng có thể đi sâu vào từng khía cạnh khác nhau. Điều này quy định xu hướng chuyên môn hóa cho cán bộ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Hán Nôm. Song mặt khác, các chuyên ngành ngữ văn học Hán Nôm không phải và không thể tách biệt với nhau hoàn toàn, mà bao giờ cũng liên quan chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. Mối liên quan chặt chẽ này giữa các chuyên ngành Hán Nôm không những chỉ thể hiện trong khi tiến hành nghiên cứu cơ bản, mà còn thể hiện rõ rệt trong việc vạch ra và thực hiện những công trình biên soạn mang tính chất ứng dụng như các sách công cụ (chẳng hạn: lập các bảng tra cứu về văn bản và tác phẩm, về tác giả; soạn các bộ tự điển chữ Hán, chữ Nôm, các tập điển vựng về nhân danh, địa danh, quan chức, chữ húy trên tư liệu Hán Nôm v.v...), và cả trong việc xây dựng các bộ sưu tập và tuyển tập tác phẩm, trong các công trình chú giải, phiên âm, phiên dịch và giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm. Trong những công trình như thế thường phản ánh một cách tổng hợp các thành quả nghiên cứu của nhiều chuyên môn trong lĩnh vực Hán Nôm, và cả những thành tựu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Không thể có một ngành khoa học nào mà lại phát sinh và phát triển một cách riêng lẻ và khép kín hoàn toàn đối với các ngành khoa học khác trong nước và trên thế giới. Ngành ngữ văn học Hán Nôm cũng vậy, nó tuyệt nhiên không phải là một ngoại lệ đối với quy luật chung đó của khoa học. Các nhà ngữ văn học Hán Nôm không thể không quan tâm và tiếp thu những thành tựu và phương pháp của các ngành khoa học khác mà trước hết là các ngành sử học (lịch sử Việt Nam và lịch sử Trung Quốc), ngôn ngữ học (lịch sử tiếng Việt và lịch sử tiếng Hán), cũng như tất cả các tri thức cần thiết về mối quan hệ lịch sử - văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực. Cần nhấn mạnh rằng, do ưu thế của văn hiến Trung Hoa ở vùng Á Đông trong lịch sử cổ đại và trung đại, chữ Hán và Hán văn (văn ngôn) đã có mặt trong kho tàng ngữ văn cổ điển của rất nhiều dân tộc ở khu vực này, và điều này đã và đang đặt ra những vấn đề chung cho ngữ văn học cổ điển của nhiều nước trong khu vực (Việt Nam, Triều Tiên, Mông Cổ, Nhật Bản...) đòi hỏi chúng ta phải quan tâm theo dõi và góp phần nghiên cứu. Ngoài ra, các nhà ngữ văn học Hán Nôm cũng cần phải thường xuyên tìm hiểu và trang bị cho mình những tri thức cần thiết về ngữ văn học đại cương, cũng như về lý luận văn tự học, văn bản học, thư viện học, thông tin học... tùy theo xu hướng chuyên môn hoá của mình. Ngược lại, về phần mình, với sự cố gắng không ngừng trong lĩnh vực chuyên môn của mình và tiếp cận với các chuyên ngành khoa học khác, các nhà ngữ văn học Hán Nôm có thể đóng góp đáng kể vào thành tựu và sự tiến triển của các ngành khoa học hữu quan. Ở đây, không có gì ngăn trở một nhà ngữ văn học Hán Nôm có tài năng sẽ đồng thời là một chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học khác.

Như đã trình bày ở phần đầu của bài viết này, di sản Hán Nôm là phần chủ yếu song chưa phải là toàn bộ di sản ngữ văn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cho nên ngữ văn học Hán Nôm dẫu sao vẫn chưa phải là toàn bộ ngành ngữ văn học cổ điển Việt Nam. Để có một bức tranh toàn cảnh về ngữ văn học cổ điển Việt Nam, chúng ta cần phải có một đội ngũ các nhà ngữ văn học chuyên nghiên cứu các di sản ngữ văn khác của nhiều dân tộc trên đất nước ta, mà trước hết là kho tàng văn bản bằng các văn tự cổ không thuộc hệ chữ vuông Hán và cũng không thuộc hệ chữ La-tinh, như văn tự cổ của người Thái, người Chăm, người Khơ-me v.v... Cần nhận thức rằng, triển khai nghiên cứu các kho tàng văn bản cổ tự đó chẳng những là phù hợp với lô gích nội tại trong sự phát triển khoa học ngữ văn ở nước ta, mà trước hết đó là một đòi hỏi cấp bách trong việc xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa - dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Như vậy là bên cạnh di sản Hán Nôm, ngữ văn học cổ điển Việt Nam còn có một khách thể nghiên cứu khác cũng không kém phần phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, quang cảnh chung về các chuyên ngành khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu các văn bản cổ tự này trên đại thể vẫn có thể tiếp tục hình dung tương tự như đã trình bày trên đây về di sản Hán Nôm. Nghĩa là ở đây, chúng ta cũng thấy nổi bật lên các chuyên ngành như văn tự học, văn bản học, điển tịch học v.v... Điều khác biệt cơ bản với ngữ văn học Hán Nôm là khi tiếp xúc với kho tàng văn bản bằng cổ tự Thái, Chăm, Khơ-me v.v... chúng ta đồng thời cũng tiếp xúc với một loại hình ngôn ngữ - văn tự khác hẳn, trong mối quan hệ văn hóa - lịch sử của các dân tộc trên đất nước ta với các nước láng giềng trong khu vực từ phía Tây Trường Sơn đến Ấn Độ, là nơi đã hình thành nên một trong những nền văn hiến rực rỡ trong thế giới cổ đại và trung đại - nền văn hiến chữ Phạn(10).

CHÚ THÍCH

(1) Quan niệm như thế về ngữ văn được Giáo sư Tiến sĩ Ju. V. Rozhdestvenskij thể hiện trong cuốn: Dân luận ngữ văn học đại cương, Nxb “Vyssaja Skola), M, 1979 (tiếng Nga).

(2) Cũng không loại trừ khả năng có thể có những dân tộc vùng này đã tự mình tạo ra được một lối chữ riêng tại chỗ, mà không chịu ảnh hưởng của một nền văn tự nào rõ rệt mặc dù trên thực tế rất ít gặp những trường hợp như vậy. Xem I.J. Gelb: A study of writing (Nghiên cứu về chữ viết), bản tiếng Nga, Nxb. Raduga, M. 1982, tr.258, Chú thích số 30).

(3) Một thí dụ thú vị cho những trường hợp này là bài Hán văn “Hồng Nghệ An phú” của đồng chí Lê Hồng Phong sáng tác lúc bị giam tù tại Côn Đảo năm 1940. Đồng chí Lê Hồng Phong sáng tác miệng, được câu nào đọc câu ấy cho một đồng chí khác cùng ngồi tù nhớ nhập tâm (đồng chí này không biết chữ Hán). Hơn 40 năm sau, đồng chí này ra Bắc đọc lại cho cụ Thạch Can ghi âm Hán Việt ra chữ quốc ngữ toàn bộ bài phú đó và công bố tập san Nghiên cứu Hán Nôm, số 1/1985.

(4) Thí dụ như tấm bia mộ Tổ nghề đồ đồng ở làng Đại Bái (Hà Bắc) mới dựng năm 1983 có khắc bài văn bia chữ Hán do các ông Ngô Linh Ngọc, Trần Quốc Vượng và Lê Xuân Hòa soạn.

(5) Có thể nhận thấy rằng tinh thần chung toát ra từ toàn bộ những quan điểm ngữ văn học của Giáo sư Ju. V. Rozhdestvenskij (sách đã dẫn) là cơ sở để chúng tôi phát biểu định nghĩa trên đây về ngữ văn học.

(6) Về sự xê dịch trong cách hiểu thuật ngữ ngữ văn học có thể xem, chẳng hạn: Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học do L.I. Timôfieev và S.V. Turaev chủ biên, Nxb “Prosveshenie”, M, 1974, tr.434 - 436 (tiếng Nga).

(7) Ở đây, từ “cổ điển” không có nghĩa là đối lập với những gì là tân tiến, là “hiện đại”, mà muốn nói tới đối tượng nghiên cứu là những văn bản và tác phẩm ngôn từ đã được hình thành trong lịch sử và truyền lại đến nay.

(8) Về nhiệm vụ của văn bản học (Textology) nói chung, có thể xem: D.S. Likbachov Văn bản học, Nxb “Nauka” L, 1983, tr.24-29 (tiếng Nga).

(9) Xin lưu ý: điển tịch chứ không phải điển tích (!) Thuật ngữ Thư tịch học có lẽ không thích hợp ở đây, vì tên gọi này không bao quát được hết các loại hình văn bản và các nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra.

(10) Bài viết này thể hiện phần nội dung chủ yếu trong bản tham luận mà tác giả đã đọc tại cuộc Hội thảo khoa học về ngành Hán Nôm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức tại Hà Nội, ngày 26-6-1987./.

TB

BỘ PHẬN CHỈ NGHĨA GIẢ TRONG
CHỮ NÔM

NGUYỄN TÁ NHÍ

Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã thống nhất phân chia chữ Nôm thành hai loại: chữ đơn (mượn nguyên từ chữ Hán) và chữ có cấu tạo ghép (chữ Nôm tự tạo)(1). Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong chuyên luận của mình đã đưa ra tiêu chí phân biệt: Chữ đơn gồm những chữ vừa có mặt trong văn bản Hán, còn chữ Nôm tự tạo gồm những chữ chỉ thấy xuất hiện trong các văn bản Nôm(2).

Tiếp đến, các nhà nghiên cứu lại căn cứ vào thế đối lập trong phương thức cấu tạo của từng chữ mà phân chia thành nhiều tiểu loại. Nhìn chung các tiểu loại này đã khái quát hầu hết số chữ Nôm có trong các loại văn bản Nôm. Nói là hầu hết bởi vì còn một số chữ Nôm nữa chưa biết sắp xếp vào tiểu loại nào cho thật thích hợp. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng đã ghi nhận điều này: “có một số chữ quá đặc biệt như đĩ, cụt thì chúng tôi chưa đưa vào đây(3). Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một số chữ tồn tại khá phổ biến trong các loại văn bản Nôm, nhưng chưa thấy xếp vào tiểu loại nào cho thật thích hợp như các chữ:

sửa 所 gần lùng 怰

Đối chiếu với các tiêu chí phân loại nói ở trên, thì thấy ba chữ này không thể xếp vào phạm vi chữ đơn được, bởi lẽ chúng chỉ có mặt trong các văn bản Nôm mà không thấy xuất hiện trong các văn bản Hán. Do vậy phải đưa chúng về loại chữ ghép tự tạo. Mô hình loại chữ ghép tự tạo mà giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nêu ra gồm bốn tiểu loại:

D _ _ _ ) chữ Hán + dấu nháy

Đ _ _ _ ) âm + âm

E _ _ _ ) Nghĩa + Nghĩa

G _ _ _ ) Nghĩa + âm

Chúng ta hãy thử xét xem mấy chữ vừa nêu ra ở trên nên xếp vào tiểu loại nào cho thật thích hợp. Rõ ràng không thể xếp loại vào tiểu loại D, vì cả ba chữ đều không sử dụng dấu nháy. Cũng không thể xếp vào tiểu loại E, vì cả ba chữ đều có bộ phận chỉ âm là: Sở, cân, lộng. Chỉ còn có khả năng xếp vào tiểu loại Đ hoặc G. Xin lần lượt xét từng trường hợp.

1. 所 Sửa (sở + cự)

Nếu xếp vào tiểu loại Đ, nghĩa là quan niệm “cự” là ký hiệu ghi thành tố thứ nhất trong tổ hợp phụ âm đầu K (?) nào đó, mà Sở là ký hiệu ghi thành tố thứ hai trong tổ hợp phụ âm đó. Thế nhưng, trong tiếng Việt, sự tồn tại của tổ hợp phụ âm đầu KS vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Do vậy giả định này cũng chưa có cơ sở vững chắc.

Nếu xếp vào tiểu loại G. thì ký hiệu “cự” lại không liên quan gì đến nghĩa của từ sửa cả. Do vậy cũng không thỏa đáng.

2. gần (bối + cân)

Trong chữ gần, ký hiệu “cân” có thể coi là bộ phận viết tắt của chữ cận (xước + cân), cũng có thể xem là bộ phận ghi âm gần. Thế nhưng nếu xếp vào tiểu loại Đ, thì ký hiệu “bối” không có liên quan gì đến âm đọc gần cả, nên không thích hợp. Còn nếu xếp vào tiểu loại G. thì ký hiệu “bối” không thấy có gắn bó gì với nghĩa của từ gần, nên cũng không thích hợp.

3. 怰 lùng (xước + lộng)

Nếu xếp vào tiểu loại Đ, thì ký hiệu “xước” không tìm thấy có liên quan gì với âm lùng. Nếu xếp vào tiểu loại G, thì ký hiệu “xước” không thấy có liên quan gì với nghĩa của từ lùng, do vậy đều không thỏa đáng.

Vậy thì nên xếp các chữ sửa, gần, lùng này vào đâu?

Nhìn lại toàn bộ hệ thống mô hình cấu trúc chữ Nôm mà các nhà nghiên cứu đã nêu ra, chúng ta thấy các nhà nghiên cứu dường như chỉ dựa vào từng cá thể đơn lập để phân tích xét đoán, chưa thấy xét đến quan hệ của từng cá thể với các yếu tố khác. Chẳng hạn như quan hệ của một chữ, đối với các chữ khác trong một từ ghép hoặc trong cả một câu. Trong thực tế các văn bản Nôm, chúng ta vẫn bắt gặp những chữ Nôm được tạo ra không phải chỉ do riêng bản thân nó quy định, mà còn chịu sự chi phối của các chữ khác ở xung quanh. Chẳng hạn, trong một từ ghép, hai chữ dùng để ghi hai từ đơn có nghĩa gần nhau, thường chi phối nhau, chữ thứ nhất dùng bộ thủ chỉ nghĩa nào thì chữ thứ hai cũng dùng bộ thủ đó. Ví dụ:

1. Đau đớn: được ghi bằng hai chữ có bộ phận chỉ âm là đao đán 刀 旦 còn ở bộ phận chỉ nghĩa, khi thì cùng dùng bộ “bệnh”:

Nghĩa duyên càng gợi tơ sầu,
Nghĩ thân càng lại thêm đau đớn tình.
Hoa Tiên truyện

Khi thì lại cùng dùng bộ “tâm đứng”:
Phạm Tải đau đớn trăm đàng,
Cầm lấy tay nàng rên khóc thở than.
Phạm Tải Ngọc Hoa

Đau đớn là một động từ, chỉ cảm giác do tổn thương về cơ thể, hoặc tổn hại về tinh thần gây ra. Vì vậy sử dụng bộ “tâm đứng” hoặc bộ “bệnh” đều thích hợp.

2. Vẫy vùng: được ghi bằng hai chữ có bộ phận chỉ âm là vĩ phùng 尾 逢 còn bộ phận chỉ nghĩa khi thì cùng dùng bộ “thủ xóc”:

Khi cha đòi gót vẫy vùng,
Mắc vào lưới cá khôn hòng vượt qua.
Hương Sơn quan âm Kinh

Khi thì dùng bộ “thủy”:

Mấy lời cặn kẽ thủy chung,
Hóa cơn mưa gió vẫy vùng chỉn ghê.
Chàng Chuối tân truyện

Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi chống với anh hùng được sao
Đại Nam quốc sử diễn ca

Vẫy vùng là một động tác phải sử dụng đến chân tay nên chữ Nôm dùng bộ “thủ” để ghi như ở trường hợp 1 là rất hợp lý. Nhưng đến trường hợp 2 và 3, lại thấy dùng bộ “thủy”, thoạt nhìn có cảm giác chưa ổn. Nhưng xem xét ý nghĩa của cả câu, thì chúng ta thấy phương thức cấu tạo này lại có thể lý giải được: ở trường hợp 2, động tác vẫy vùng thực hiện được nhờ vào cơn mưa gió. Chàng Chuối vốn quen thạo sông nước, nay gặp được cơn mưa gió thì hẳn sẽ thỏa sức vẫy vùng. Ở trường hợp 3, động tác vẫy vùng được thực hiện trên vùng hồ Tây mênh mang nước cả.

Phương pháp tạo chữ thay đổi bộ phận chỉ nghĩa tùy theo ngữ cảnh cụ thể có mặt tích cực là giúp cho người đọc dễ dàng nhận biết âm đọc và ý nghĩa cụ thể của từ, song nó cũng có mặt hạn chế là tạo ra nhiều dị thể của chữ Nôm. Từ đó lại dẫn đến việc tạo ra một số chữ Nôm có bộ phận chỉ nghĩa không phù hợp. Chúng tôi tạm coi bộ phận chỉ nghĩa không phù hợp với chữ này là bộ phận chỉ nghĩa giả. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy bộ phận chỉ nghĩa giả xảy ra trong những trường hợp sau:

1. Trong một từ ghép cố định, hai chữ ghi hai từ đơn, một chữ dùng lối chữ đơn (mượn Hán), một chữ dùng lối chữ Nôm tự tạo. Bản thân chữ Nôm vốn là nguyên hình chữ Hán, bộ phận chỉ nghĩa trong chữ Hán này không có liên quan gì đến chữ Nôm ghi từ ghép cố định đó, thế nhưng trong chữ tự tạo bộ phận chỉ nghĩa lại chịu sự chi phối của chữ đơn trên, sử dụng luôn bộ thủ của chữ đơn làm bộ phận chỉ nghĩa, do vậy tạo ra chữ Nôm có bộ phận chỉ nghĩa giả. Ví dụ:

- Yêu, ghét 腰 月結 :

Khiến thị quan nộp vật giá cái quý cái tiện để xem dân chưng thửa yêu ghét.
Lễ ký đại toàn tiết yếu diễn nghĩa

Yêu là chữ Hán ghi từ Hán Việt yêu chỉ phần eo lưng trong cơ thể con người, bộ “nhục” là bộ phận chỉ nghĩa. Ở đây mượn để ghi từ yêu trong từ ghép yêu ghét, mà bộ “nhục” thì không hề có liên quan gì đến khái niệm yêu ghét cả. Thế mà ở chữ ghét người viết lại dùng nó để làm bộ phận chỉ nghĩa trong chữ Nôm tự tạo ghét (nhục + kết).

Thấp thoáng 湿 淌

Lửa đâu thấp thoáng trong rèm
Khi đưa hương xạ khi đem khói tùng
Mai đình mộng ký

Từ thấp thoáng được Từ điển tiếng Việt giải thích là: “khi ẩn khi hiện một cách nhanh chóng”(4). Từ thấp ở đây được ghi bằng chữ Hán thấp, có bộ phận chỉ nghĩa là bộ “thủy” vốn để ghi từ Hán Việt thấp có nghĩa là ẩm ướt, không hề có liên quan gì đến nghĩa của từ thấp thoáng trong tiếng Việt. Đến khi ghi từ thoáng, người viết lại dùng ngay bộ phận chỉ nghĩa là bộ thủy, tạo ra chữ Nôm tự tạo thoáng (thủy + thượng).

Bộ bối trong chữ gần ghi từ ghép gần xa, bộ xước trong chữ lùng ghi từ ghép lạ lùng, và bộ cự trong chữ sửa ghi từ ghép sửa sang, cũng nên được xem là những bộ phận chỉ nghĩa giả trong chữ Nôm tự tạo (riêng chữ sửa có cấu tạo phức tạp hơn, chúng tôi sẽ bàn kỹ trong một dịp khác).

Đôi khi trong các từ ghép tự do, cũng thấy có hiện tượng dùng chữ Nôm tự tạo có bộ phận chỉ nghĩa giả. Ví dụ, chữ:

Vò (mịch + vu) 紆

Ruột tằm chín khúc vò tơ
Thương chàng nên nỗi tương tư đêm ngày
Ngọc Hoa cổ tích

Nhẹ nhàng càng nhắn nhe cho
Càng xui châu giã tơ vò càng thương
Hoa Tiên truyện

là động từ chỉ động tác thường được thực hiện bằng tay, do vậy chữ thường thấy dùng bộ “thủ” để chỉ nghĩa. Thế nhưng ở đây do tác động của chữ “tê”, đã tạo ra chữ Nôm tự tạo có bộ phận chỉ nghĩa là “Mịch”

- 犻 hái (thảo + hải)

Hái cúc ương sen hương bén áo
Tìm mai đạp tuyết nguyệt xâm khăn
Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập

Hái là động từ chỉ động tác thực hiện bằng tay, nên chữ hái phải dùng bộ “thủ” làm bộ phận chỉ nghĩa mới thỏa đáng. Thế nhưng ở đây chịu tác động của chữ cúc (菊), nên chữ hái cũng có bộ phận chỉ nghĩa là thảo là không được phù hợp.

2. Trong một từ ghép cố định được ghi bằng hai chữ Nôm đều là loại chữ tự tạo, song do đặc điểm của lối viết chữ khối vuông, để đảm bảo thế hài hòa cân đối trong từng chữ, người viết đã viết đảo thứ tự thông thường, viết bộ phận chỉ âm trước, bộ phận chỉ nghĩa sau. Khi viết đến chữ thứ hai, đã dùng bộ phận chỉ âm của chữ thứ nhất làm bộ phận chỉ nghĩa, do vậy cũng tạo ra bộ phận chỉ nghĩa giả không phù hợp với chữ. Ví dụ:

- Chữ “loi” 雷 trong từ lẻ loi

Người về chân gấm no đôi
Tôi nằm chiếu rách lẻ loi một mình
Nam giao cổ Kim lý hạng ca dao tập chú

Chữ lễ 礼佳 (lễ + chích), có bộ phận chỉ âm lễ, nét móc viết sau vòng sang bên phải, nếu theo thứ tự thông thường viết bộ phận chỉ nghĩa chích trước, bộ phận chỉ âm lễ sau sẽ tạo ra một khoảng trống không cần thiết, làm cho chữ mất cân đối, do vậy người viết đã viết đảo thứ tự. Đến khi viết đến chữ loi (lễ + lôi), dùng bộ phận chỉ âm lôi, và bộ phận chỉ nghĩa là lễ, không phù hợp với chữ, thành ra có bộ phận chỉ nghĩa giả.

- Chữ nần 女难 (nữ + nan), nần trong từ nợ nần:

Tham giầu lấp chú biện tuần
Tuy rằng bóng bảy nợ nần chan chan.
Nam giao cổ kim lý hạng ca dao tập chú

hoặc viết là 嫀 (nữ + tần)

Như ai dầu có nợ nần
Ta thì thay giả người ăn cũng đành.
Hương Sơn quan thế âm chân kinh

Từ nợ được ghi bằng chữ Nôm tự tạo 笡 (nữ + trái) bộ phận chỉ âm nữ đặt trước phần chỉ nghĩa trái. Trường hợp này có lẽ do thói quen khi viết chữ Hán bộ nữ thường được dùng làm bộ phận chỉ nghĩa, rất ít khi làm bộ phận chỉ âm, do vậy nó hay được viết trước. Đến khi viết chữ Nôm tự tạo nần, người viết lại dùng ngay bộ nữ này làm bộ phận chỉ nghĩa, do vậy đã tạo ra bộ phận chỉ nghĩa giả.

Xem xét những trường hợp cấu tạo chữ Nôm trên đây, chúng tôi nghĩ rằng thừa nhận có bộ phận chỉ nghĩa giả trong một số chữ Nôm, sẽ có thể đóng góp vào việc xây dựng mô hình chữ Nôm cho đầy đủ và chính xác hơn, từ đó giúp cho việc giải đọc các văn bản Nôm một cách có hiệu quả hơn.

CHÚ THÍCH

(1) Xin tham khảo các tài liệu

- Lê Văn Quán, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1981.

- Trần Xuân Ngọc Lan, Sơ bộ khảo sát quyển Tự điển Chỉ nam Ngọc giải âm nghĩa, luận văn Phó tiến sĩ.

- Nguyễn Ngọc San, Mô hình cấu trúc chữ Nôm, luận văn Phó Tiến sĩ (b. tóm tắt).

- Nguyễn Tài Cẩn, Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.

(2) Một số vấn đề về chữ Nôm, sách đã dẫn, tr.49. Xét kỹ ra, tiêu chí này cần phải có thêm giải thích, bởi lẽ chúng ta bắt gặp khá nhiều chữ Nôm tự tạo có mặt trong văn bản Hán, ví dụ những chữ ghi tên đất, tên người trong các văn bia chữ Hán v.v...

(3) Một số vấn đề về chữ Nôm, Sách đã dẫn, tr.80. Để tiện cho việc trình bày giải thích, trong bài viết này chúng tôi nhất loạt gọi tên các thuật ngữ theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã sử dụng, như: chữ đơn, chữ tự tạo...

(4) Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1976, in lần thứ 2, tr.725./.

TB

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NIÊN ĐẠI
BIA VIỆT NAM

ĐINH KHẮC THUÂN

Tư liệu bi ký có ưu điểm là hầu hết đều mang niên đại. Tuy nhiên có nhiều sách ghi niên đại khác nhau, và đôi khi không rõ ràng... Điều đó đã hạn chế giá trị tư liệu trên bia, thậm chí gây nhầm lẫn phức tạp khi sử dụng tư liệu bi ký. Bài viết này cố gắng nêu lên những hiện tượng đó và bước đầu đưa ra một số kiến giải.

I. CÁCH GHI NIÊN ĐẠI

A. Vị trí dòng niên đại trên bia.

Dòng niên đại thường được ghi ở cuối minh văn. Có thể ở dòng cuối cùng mặt bia trước hoặc mặt bia sau. Có thể ở ngay cột đầu mặt bia trước như hầu hết bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) và một số bia gửi giỗ thời Nguyễn. Đôi khi dòng niên đại được khắc ở chính giữa mặt trước bia.

Dòng niên đại thường được ghi liền một mạch trên một mặt bia. Có khi được tách ra ghi trên hai mặt bia. Ví dụ dòng niên đại là “Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi thất, tuế tại Tân Mão niên chính nguyệt, sơ thập nhật” được ghi ở mặt bia trước là “Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi thất” còn lại ghi ở mặt bia sau. Vì thế những bia dựng sát tường chỉ đọc được một mặt hoặc những bản rập bia chỉ có một phần của dòng niên đại là không hoàn chỉnh(1).

B. Các cách ghi

Một dòng niên đại đầy đủ gồm năm, tháng, ngày, thậm chí cả giờ. Vì khuôn khổ bài viết và số tư liệu có được(2), ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến năm.

1. Ghi bằng năm can chi:

Năm can chi là năm tính theo chu kỳ của hàng can và hàng chi. Mỗi chu kỳ được gọi là một Giáp gồm 60 năm. Có thể ghi và tính thời gian theo can chi trong từng Giáp như năm Canh Tý, năm Tân Sửu hoặc năm Dần, năm Mão... Tuy nhiên việc ghi niên đại bia theo năm can chi dễ gây ra nhầm lẫn bởi trước sau 60 năm, năm can chi đó lại xuất hiện. Có cách ghi hoàn chỉnh, tránh được nhầm lẫn là ghi cả năm can chi, tháng can chi và ngày can chi. Tức là cách ghi theo Lịch hệ đếm can chi(3). Ví dụ dòng niên đại trên một văn bản ở đình Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội) ghi: “Tuế tại Bính Dần thập nhị nguyệt, kiến Tân Sửu, sóc Mậu Tuất, việt nhị thập tam nhật Canh Thân...” nghĩa là “ngày 23 (là ngày Canh Thân) tháng 12 (là tháng Tân Sửu có ngày một là ngày Mậu Tuất) năm Bính Dần”. Một niên đại khác trên chuông Thanh Mai huyện Thanh Oai (Hà Sơn Bình) ghi như sau: “Duy Trinh Nguyên thập tứ niên, tuế thứ Mậu Dần tam nguyệt, Tân Tỵ sóc, trấp nhật, Canh Tuất” nghĩa là “ngày 20 tháng 3 (có ngày một là Tân Tỵ và ngày cuối tháng là Canh Tuất) năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên 14 (798)”...

Trong hai ví dụ trên, năm Bính Dần và năm Mậu Dần thì trùng lặp nhiều trong lịch sử. Song năm Bính Dần có tháng 12 là tháng Tân Sửu, ngày một là ngày Mậu Tuất; cũng như năm Mậu Dần có tháng 3 đủ với ngày đầu tháng là Tân Tỵ, thì không thể trùng lặp và nhầm lẫn được.

- Cùng trong cách ghi can chi này là sách ghi theo năm Giáp Tý. Một chu kỳ của Giáp Tý cũng là 60 năm. Nhưng có Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên Giáp Tý, nên từ Thượng nguyên Giáp Tý này đến Thượng nguyên Giáp Tý kia là 180 năm. Cách ghi và tính thời gian theo năm Giáp Tý không phải là phổ biến. Tuy vậy đôi khi vẫn gặp như niên đại ghi trên Đài nghiên ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội) là “Thượng nguyên Giáp Tý”.

- Cũng là cách ghi năm can chi, nhưng lại thay bằng một thuật ngữ duy danh. Đây cũng không phải là cách dùng phổ biến. Song nó rải rác xuất hiện trong một số dòng niên đại bia. Ví như bia chùa Phú Đô huyện Từ Liêm (Hà Nội) ghi “Hoàng thượng vạn vạn niên, tuế tại Duy Hiến, nguyệt kiến Dương Ngạc, tiết chính Thọ Tinh”, hoặc trên chuông chùa Cảnh Lịch xã Trừ Châu huyện Thanh Oai (Hà Sơn Bình) ghi “Hoàng triều Bảo Hưng nhị niên, tuế tại Yêm Mậu, nguyệt tại Trọng Lã, sơ thập nhật”. Trong hai ví dụ trên, thì Duy Hiến và Yêm Mậu là thuật ngữ duy danh năm can chi. Còn Dương Ngạc và Trọng Lã là duy danh tháng.

2. Ghi theo niên hiệu vua:

Cách ghi và tính thời gian theo niên hiệu vua giản đơn, dễ phổ cập và ít nhầm lẫn bởi một vị Hoàng đế lên ngôi đặt niên hiệu hoặc thay đổi niên hiệu là sự kiện hệ trọng, ai cũng phải biết, được sử sách ghi chép cụ thể. Trong trường hợp này thường ghi rõ tên niên hiệu vua và số năm thuộc niên hiệu vua đó, như “Hoàng triều Vĩnh Thịnh thập tứ niên...”(4).

Niên hiệu vua được ghi là niên hiệu vua đương thời. Tức là ở triều đại nào thì ghi theo niên hiệu vua triều đại đó. Tuy nhiên cũng có trường hợp ghi, tính thời gian theo niên hiệu vua trước, như một số bia thời Tây Sơn dựng năm Cảnh Thịnh 5 (1797) và Cảnh Thịnh 6 (1798)(5), lại ghi là năm Cảnh Hưng 58 và Cảnh Hưng 59, trong khi niên hiệu Cảnh Hưng chỉ có 47 năm. Hoặc một số bia thời Nguyễn mang niên hiệu Tây Sơn.

Niên hiệu được ghi đó còn là niên hiệu của triều đại chính thống, không phải là niên hiệu của triều đại mà người đương thời cho là thoán đoạt, tiếm ngôi. Trong thời Lê - Mạc, vùng nào chịu sự trị vì của triều nào thì dùng niên hiệu triều đại đó như vùng Thanh Hóa, Nghệ An dùng niên hiệu vua Lê, khu vực từ Ninh Bình trở ra dùng niên hiệu nhà Mạc. Tuy nhiên có một số bia dựng ở vùng nhà Mạc trị vì lại mang niên hiệu vua Lê như bia ở Hải Dương, Hà Đông mang niên hiệu Quang Hưng(6). Đó là tâm lý và tư tưởng muốn tôn sùng nhà Lê, không chấp nhận vương triều Mạc.

Bên cạnh đó là một số bia do người Hoa sống trên đất Việt dựng đã ghi theo niên hiệu vua Trung Quốc như một số bia ở phố Hàng Buồm (Hà Nội) ghi niên hiệu Quang Tự nhà Thanh(7).

Trường hợp ghi niên đại theo niên hiệu vua như trên ít nhầm lẫn. Tuy nhiên đôi khi cũng bị lẫn lộn giữa niên hiệu của triều đại này với triều đại khác, giữa niên hiệu vua Việt Nam với vua Trung Quốc. Có cách ghi chuẩn xác nhất là gắn niên hiệu vua với năm can chi.

Một cách ghi đúng và tính niên đại đúng là năm can chi đó phải là năm niên hiệu vua đó. Ví như dòng niên đại là “Vĩnh Thịnh tứ niên, tuế tại Mậu Tý...” thì năm Mậu Tý phải là năm Vĩnh Thịnh 4 (1708). Hoặc năm can chi đó phải nằm trong niên hiệu vua đó như dòng niên đại là “Chính Hòa vạn vạn niên, tuế thứ Giáp Tý niên”. Ở đây năm Giáp Tý (1684) phải nằm trong thời gian tồn tại niên hiệu Chính Hòa (1680-1705).

3. Ghi theo thuật nhữ tượng trưng cho triều đại:

Đây là cách ghi đặc thù trong văn bản bi ký nước ta. Hiện tượng này không nhiều về mặt thuật ngữ sử dụng.Chúng tôi mới gặp hai trường hợp là Thiên vận và Long phi. Tuy nhiên sự xuất hiện của chúng lại khá phổ biến.

“Thiên vận” gặp nhiều trên các dòng niên đại của bia, chuông, khánh. “Long phi” không chỉ gặp trên niên đại bia, chuông mà còn gặp khá nhiều trên niên đại câu đối, hoành phi gỗ... Xin đơn cử vài ví dụ:

- Hai bia chùa Càn An (quận Đống Đa, Hà Nội) ghi “Thiên vận tuế thứ Đinh Sửu niên, trọng đông tiết, đán nhật” (ảnh 1).

- Bia chùa Phương Viên (quận Hai Bà, Hà Nội) ghi “Long phi Ất Sửu mạnh đông, cốc đán”.

Trường hợp ghi niên đại này tương đương với cách ghi năm can chi với niên hiệu vua. Có điều niên hiệu vua ở đây được thay bằng thuật ngữ tượng trưng khác.

Ngoài cách ghi niên đại như trên đã nêu ra, còn có cách ghi niên đại bằng chữ số A rập theo ngày Jêsu giáng thế và ngày Phật đản. Ví như bia mộ của viên truyền giáo Tây Ban Nha dựng ở xã Sơn Phố, thị trấn Hội An (Quảng Nam) ghi năm 1726(8). Hoặc ở một số bia gửi giỗ vào năm 1954 và năm 1975 như ở chùa Bà Đá (Hà Nội) và một số chùa khác(9).

II. TÍNH ĐÍCH THỰC CỦA NIÊN ĐẠI BIA

Như đã trình bày trên, mỗi tấm bia hầu hết đều được ghi niên đại. Nhìn chung dòng niên đại đó vừa là niên đại của văn bia và vừa là niên đại của bia. Tức là việc soạn văn bia, dựng bia, khắc bia được làm đồng thời. Tuy nhiên cũng có trường hợp bia khắc lại hoặc khắc thêm về sau thì niên đại của bia và văn bản bia chỉ là tương đối, thậm chí khác xa nhau, như một số bia thời Lý - Trần được khắc lại vào thời Lê, thời Nguyễn. Có bia cũ còn bị đánh nhẵn đi để khắc lên một văn bản mới hoàn toàn như bia thời Trần ở thôn Trường Tân, xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) được khắc một văn bản mới làm vào thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị(10). Một số bia mộ, bia gửi giỗ khác thì lại được dựng, khắc sẵn khi người đó đang sống, chỉ bỏ trống ra một số chỗ cần thiết để bổ sung vào sau(11).

Một trường hợp nữa là dựng bia ghi lại văn bản cũ như bia khắc lại lệnh chỉ, sắc phong, hoặc văn tự mua bán cửa đình, ruộng đất, kiện tụng... Ở đây niên đại bia muộn hơn so với niên đại ghi trên bia. Đó là niên đại của văn bản cũ. Ngoài ra còn có trường hợp dựng bia ghi lại một sự tích cũ, một truyền thuyết. Niên đại ghi trên bia đó cũng là niên đại “truyền thuyết”. Ấy là chưa kể đến việc cố ý cổ hóa văn bản học hoặc gán ghép cho một niên đại cổ của người dựng bia và người dập bia.

Bên cạnh đó là những trường hợp ghi niên đại không bình thường, thiếu rõ ràng, đã gây nên phức tạp trong việc đoán định niên đại bia. Ví như niên đại Ất Hợi quý đông của một bài thơ Nôm nổi tiếng khắc trên biến gỗ ở Văn Miếu (Hà Nội), dẫn tới nhiều ý kiến khác nhau. Cụ Tảo Trang cho năm Ất Hợi đó là năm 1755 và tác giả là Trịnh Doanh(12). Cụ Lê Hiệu nghi ngờ về tác giả bài thơ là Trịnh Doanh này. Chúng tôi xác định năm Ất Hợi là năm 1695 và tác giả là Trịnh Căn(13). Một tấm bia khác ở chùa xã Phú Lương, huyện Thanh Oai (Hà Sơn Bình) bị mờ hai phần trên bia. Phía dưới chỉ đọc được phần niên đại là năm can chi và biết được bố cục bài văn bia là: bài ký - bài minh - họ tên người. Một số người ở địa phương nói rằng: theo truyền khẩu, bia này cổ lắm, thờ hơn một trăm tướng lĩnh của Hai Bà Trưng vong trận! Chúng tôi đã xác định là bia thời Mạc và họ tên người đó là họ tên người công đức(14).

III. PHƯƠNG THỨC ĐOÁN ĐỊNH

Có nhiều phương thức đoán định niên đại bia. Trong đó mỗi trường hợp cụ thể có phương thức đoán định cụ thể. Để phù hợp với từng phương thức đoán định, chúng tôi chia niên đại trên bia làm 3 cụm:

- Cụm 1: niên đại được ghi thông thường gồm cách ghi theo niên hiệu vua và kết hợp giữa niên hiệu vua với năm can chi.

- Cụm 2: niên đại được ghi khác biệt gồm cách ghi duy danh can chi, ghi theo lịch Giáp Tý, và thuật ngữ tượng trưng triều đại.

- Cụm 3: niên đại không rõ ràng, gồm: niên đại chỉ có năm can chi, niên đại bị đục, bị mờ, có nghi vấn và hoàn toàn không ghi.

Ở cụm 1: Có thể tra cứu ở nhiều sách công cụ, trong đó tiêu biểu là Niên biểu Việt Nam(15). Cách tra cứu này khá thông thường và phổ biến hiện nay.

Ở cụm 2: Có trường hợp có thể tra cứu được, song cũng có trường hợp rất khó tra cứu.

1. Trường hợp duy danh can chi:

Ở đây chúng tôi không đi sâu lý giải nguồn gốc xuất hiện thuật ngữ duy danh này mà chỉ đề cập đến cách sử dụng của nó. Mỗi hàng can và hàng chi có một thuật ngữ duy danh riêng. Cụ thể như Giáp duy danh là át bàng, Ất là chiên mông, Bính Nhu triệu, Đinh Cường ngữ, Mậu Trước ung, Kỷ Đồ duy, Canh Thượng chương, Tân Trùng quang, Nhâm Huyền Mặc, Quý Chiêu dương. Tý duy danh là Khốn đốn, Sửu Xích phấn nhược, Dần Nhiếp đề cách, Mão Thiền át, Thìn chấp đồ, Tỵ Đại hoang lạc, Ngọ Đôn tường, Mùi Hiệp hạp, Thân quân thiên, Dậu Tác Ngạc, Tuất yêm mâu, Hợi Đại uyên hiến(16) .

Qua bảng trên đây có thể lý giải được mọi trường hợp ghi duy danh can chi. Như năm Duy hiến trên niên đại bia chùa Phú Đô (Từ Liêm, Hà Nội) là năm Kỷ Hợi. Năm Yêm Mậu Bảo Hưng 2 trên chuông chùa Cảnh Lịch (Thanh Oai, Hà Sơn Bình) là năm Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Hưng 2 (1802). Hoặc trên bia chùa vàng (Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) ở dòng đầu ghi “Minh Mệnh vạn vạn niên...”, dòng cuối ghi “tuế thứ Cường thát, Đại uyên hiến” tức là năm Đinh Hợi, Minh Mệnh 8 (1827)...

2. Ghi theo năm Giáp Tý:

Như trên đã nêu từ Thượng nguyên Giáp Tý này đến Thượng nguyên Giáp Tý kia là 180 năm. Chỉ cần biết một mốc của Giáp Tý là có thể tính được các năm Giáp Tý khác. Ví như ở triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 3 (1804) là Hạ Nguyên Giáp Tý(17). Do đó năm Thượng Nguyên Giáp Tý ghi trên nghiên đá Ngọc Sơn (Hà Nội) do Nguyễn Văn Siêu làm là năm 1864(18).

3. Thuật ngữ tượng trưng triều đại:

Đây là cách ghi và tính thời gian riêng biệt của người Việt. Rất tiếc là chúng tôi chưa tìm được tài liệu nào ghi chép về việc này. Do vậy buộc phải truy tìm nguồn gốc, sự xuất hiện và thời gian tồn tại của chúng.

a. Thiên vận:

Qua khảo sát trang trí hoa văn và đặc trưng văn bản trên những bia có ghi niên đại bằng chữ Thiên vận; xác nhận những bia đó thuộc thời Lê ở thế kỷ XVII và XVIII. Cụ thể như bia “Càn an bi ký” ở chùa Càn An (Hà Nội) có phong cách bia thế kỷ XVII: điềm bia khắc nổi, nét đậm, hoa văn trang trí theo từng mảng chủ đề đậm nét dân gian (xem ảnh sau). Trong văn bản có hai chữ húy thời Lê là Lợi và Thành. Bia chùa Văn Uyên xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) hoàn toàn có phong cách như bia chùa Càn An; có chữ húy thời Lê là Trần. Bia hai mặt: mặt trước ghi “Chính Hòa nhị thập nhị niên thất nguyệt cốc đán”. Mặt sau ghi “Thiên Vận Tân Tỵ niên lập bi ký”. Tra cứu trong Niên biểu Việt Nam thì năm Chính Hòa 22 là năm Tân Tỵ (1701). Do đó năm Thiên Vận Tân Tỵ cũng chính là năm Chính Hòa 22. Trên Thượng lương đình Khê Tang, xã La Khê, huyện Thanh Oai (Hà Sơn Bình) ghi “Hoàng triều Vĩnh Thịnh thập nhị niên, Thiên vận Bính Thân nhị nguyệt, hảo nhật”. Tra ra thì năm Vĩnh Thịnh 12 là năm Bính Thân (1716) và do vậy năm Thiên Vận Bính Thân cũng chính là năm Vĩnh Thịnh 12.

Rõ ràng “Thiên vận” được dùng vào thời Lê. Tuy nhiên nó tượng trưng cho niên hiệu Chính Hòa hay niên hiệu Vĩnh Thịnh, hoặc của một niên hiệu nào khác?

Truy tìm nghĩa gốc của Thiên Vận, biết được Thiên Vận chỉ sự vận hành của trời. Sau đó được dùng với nghĩa: mệnh trời. Và triều đại nào hưng thịnh, coi như đã nhờ được mệnh trời(19).

Xét thấy trong thời Lê Trịnh ở vào thế kỷ XVII, XVIII, nhất là trong thời chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương(20) thì thế lực hầu như thuộc về nhà Chúa. Có thể nói là một thời kỳ huy hoàng nhất của chúa Trịnh - một thời kỳ được coi là hưng thịnh trong thời Lê Trịnh. Chẳng thế Trịnh Căn, Trịnh Cương và các quần thần từng sáng tác nhiều thơ văn ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị(21). Tư liệu bi ký trong giai đoạn này cũng đã phản ánh rõ điều đó. Trong đó tiêu biểu là dòng niên đại trên bia mộ của một vị họ Đinh ở khu mộ Mường Đổng Thếch, huyện Kim Bôi (Hà Sơn Bình) ghi như sau: “Lê quân Trịnh chúa Cảnh Trị trị đại tam niên...” nghĩa là “năm thứ 3 niên hiệu Cảnh Trị (1680) triều đại hưng trị thời vua Lê chúa Trịnh...”.

Như vậy thời kỳ hưng thịnh của giai đoạn Lê Trịnh là thời chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương và trước đó một ít năm, cùng thời với vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông(22). Thiên vận là tên gọi tượng trưng của giai đoạn này: nửa sau thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII.

Từ cơ sở trên có thể lý giải được những niên đại bia ghi theo chữ Thiên vận:

- Bia chùa Càn An (Hà Nội) ghi năm Thiên Vận Đinh Sửu là năm 1697.

- Bia chùa Phú Khánh huyện Sơn Vi (Vĩnh Phú) ghi năm Thiên Vận Ký Sửu là năm 1709.

- Khánh chùa Láng (Hà Nội) ghi năm Thiên Vận Mậu Ngọ là năm 1678...

b. Long phi:

Long phi vốn là chữ trong Kinh Dịch chỉ bậc thánh nhân ở ngôi báu. Người đời sau dùng để chỉ bậc đế vương ở ngôi vị cao quý(23). Qua khảo sát phong cách bia, chuông và câu đối, hoành phi gỗ ghi niên đại bằng chữ Long phi, xác nhận chúng thuộc vào thời Nguyễn. Cụ thể như bia chùa Phương Viên (Hà Nội) trang trí hình rồng đuôi xoắn, đặc trưng phong cách Nguyễn, có địa danh Hà Nội tỉnh, đơn vị hành chính sau đời Minh Mệnh; có chữ húy thời từ triều Tự Đức. Trên chuông Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) vừa ghi “Hoàng triều Bảo Đại” vừa ghi “Long phi Giáp Thân”. Tra cứu ra thì năm Giáp Thân (1914) thuộc vào triều Bảo Đại. Trên bức hoành phi ở đình Đại Lan huyện Thanh Trì (Hà Nội) ghi “Long phi Tân Dậu” do Cửu phẩm lý trưởng họ Nguyễn cung tiến. Một câu đối gỗ ở bên cạnh cũng do ông cung tiến lại ghi năm Khải Định 6 (1921).

Do vậy “Long phi” được dùng cả ở thời Khải Định và Bảo Đại. Chúng tôi chưa đủ cứ liệu để xác định Long phi được dùng ghi niên đại từ niên hiệu nào. Song cũng như Thiên vận, Long phi tượng trưng cho một giai đoạn - chắc chắn nó tồn tại ở giai đoạn cuốiNguyễn mà sớm nhất không thể vượt quá niên hiệu Tự Đức được.

Từ cơ sở trên có thể lý giải được những niên đại ghi theo chữ Long phi:

- Năm Long phi Ất Sửu trên bia chùa Phương Viên (Hà Nội) là năm 1925.

- Năm Long phi Canh Thân trên câu đối đình Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) là năm 1920, và năm Long phi Canh Ngọ cũng trên câu đối chùa này là năm 1930.

- Năm Long phi Ất Sửu trên câu đối đỉmh Khê Tang, Thanh Oai (Hà Sơn Bình) là năm 1925...

Ở cụm 3: Để có một phương thức đoán định chung nhất ở cụm này, chúng tôi dựa vào phong cách bia. Trong phong cách bia, chúng tôi khái quát những nét đặc thù nhất để khu biệt chúng trong từng giai đoạn. Trong đó cái mốc lớn cần khu biệt là bia Lê và bia Nguyễn. Trong bia Lê, cần khu biệt bia Lê sơ, Lê Mạc và Lê Trịnh. Trong bia Nguyễn cần khu biệt bia Nguyễn ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối.

- Bia Lê sơ: to, bề thế, trán bia rộng, trang trí chủ yếu hình rồng. Rồng là biểu tượng quyền uy của thế lực nho giáo, được thể hiện rất trang trọng. Bên cạnh rồng là hình sóng nước, có loại sóng lùng và sóng xô ít gặp ở các giai đoạn sau. Chữ khắc sâu to một số chữ húy thời Lê rất nghiêm ngặt như Lợi, Long, Thành...

- Bia Lê Mạc: dẹt, trán bia thấp, mặt nguyệt to choán hết trán bia. Rồng không phải là đề án trang trí chính và thể hiện, không trang nghiêm như trên bia Lê sơ, có xu hướng tả thực, mộc mạc. Diềm bia khắc chìm, nét mảnh, chủ yếu trang trí bằng hoa văn xoắn dạng “tay mướp” chữ khắc nông, nét mác và nét móc phóng khoáng vượt ra khuôn khổ ô vuông, không có chữ húy thời Lê.

- Bia Lê trịnh: ở thế kỷ XVII, bia được trang trí thành từng mảng đề tài, nét tả thực đậm nét dân gian. Chữ khắc sâu, vuông vức, diềm khắc nổi, đậm. Có nhiều chữ húy thời Lê như Lợi, Long, Thành, Trần, Tân, Trừ... Ở thế kỷ XVIII, thời kỳ đầu vẫn mang phong cách bia thế kỷ XVII, sang nửa sau thế kỷ XVIII có xu hướng cách điệu, thoát ly thực tế. Bia trụ xuất hiện. Mặt hổ phù và hoa văn chữ thọ khá phổ biến. Có một số chữ húy thời Lê ở giai đoạn đầu không nghiêm ngặt như chữ Trần(24). Có thêm một số chữ húy thời Lê nữa là Đề, Cửu...

- Bia thời Nguyễn: ở giai đoạn đầu, có dáng dấp bia cuối thời Lê Trịnh nhưng không có chữ húy thời Lê. Rồng được cách điệu cao, đuôi xoắn tròn. Ở giai đoạn sau, hoa dây không còn nữa mà chỉ gồm những lá nối tiếp nhau. Hoa văn án thư, chữ thọ chữ vạn là phổ biến. Văn bản gặp nhiều chữ húy thời (Tự Đức) và đơn vị hành chính tỉnh...

Những nét khái quát về phong cách bia trên cho phép đoán định niên đại của những bia không rõ xuất xứ, đồng thời cho phép kiểm nghiệm một số dòng niên đại trên bia còn nghi vấn. Từ suy nghĩ trên chúng tôi gạt bỏ toàn bộ bia thần tích mang niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) bởi chúng không có phong cách bia thời Lê Mạc. Đó là những bia thuộc giai đoạn cuối Lê Trịnh và đầu Nguyễn... Đồng thời cho phép đính chính niên đại giả, nhầm lẫn trên một số thác bản bia...(25).

Trên đây là một số suy nghĩ bước đầu về vấn đề niên đại bia; những mong góp phần giám định văn bản bia nói riêng, văn bản các loại văn khắc nói chung, giúp ích việc khai thác triệt để và chuẩn xác tư liệu bi ký.

CHÚ THÍCH

(1) Trong kho bia Viện NCHN có khá nhiều bản rập có tình trạng này. Vốn dĩ không phải do người viết, người khắc bia mà do người rập bia rập không đầy đủ hoặc tách làm hai bia.

(2) Tư liệu được khảo sát chủ yếu trong kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số tư liệu điền dã tại Hà Nội và vùng phụ cận.

(3) Xem Lê Thành Lân: Tìm hiểu âm lịch nước ta, Nxb. KHXH, H. 1985.

(4) Ở một số bia thời Trần, tên niên hiệu vua đó đôi khi được thay bằng đời vua như “Trần triều nhị đế...”.

(5) Xem số thác bản bia số 8425 và 8429.

(6) Xem thác bản bia số 17846 và 13487, 8897...

(7) Xem thác bản bia số 368...

(8) Thác bản bia số 8349.

(9) Có bia khắc một nửa là chữ Hán, một nửa là chữ Nôm, thậm chí một nửa đã dịch ta Quốc ngữ.

(10) Xem Phùng Văn Cường: Bia chùa Hưng Phúc, Nghiên cứu lịch sử, số 156, tháng 5-6 năm 1974, tr.32.

(11) Trong đó tiêu biểu là bia mộ của Nguyễn Thông.

(12) Xem Tảo Trang: Một bài thơ Nôm ở Quốc tử giám, TCVH, số 2. 1976, tr.61.

(13) Xem Đinh Khắc Thuân: Về một số bài thơ Quốc âm khắc trên biển gỗ bi ký. Báo cáo Hội nghị về Nôm, Viện Hán Nôm năm 1985.

(14) Đinh Khắc Thuân: Vài nét về câu đối, bi ký trên các di tích xã Phú Lương. Sáng tác Hà Sơn Bình, số 4, 1984, tr.87.

(15) Niên biểu Việt Nam của Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Nxb. KHXH tái bản nhiều lần.

(16) Bảng thống kê này, chúng tôi dựa vào sách Thiếu vi tiết yếu, sách Hán Nôm, ký hiệu Hv 05/1, phần Tam Hoàng kỷ, tờ 37. Cách đọc này được sự góp ý của GS. Đỗ Văn Hỉ và các ông Nguyễn Văn Lãng, Ngô Thế Long, Nguyễn Tá Nhí. Xin chân thành cám ơn.

(17) Theo Bách trúng kinh (sách Hán Nôm) số A.2873 kho sách Hán Nôm, tờ 111 và Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh số A.1237 tờ 577.

(18) Xem Trần Huy Bá: Nguyễn Văn Siêu với đền Ngọc Sơn, Tạp chí Tổ quốc số 2/1981, tr.44.

(19) Theo Từ nguyên.

(20) Trịnh Căn (1682-1709), Trịnh Cương (1709 - 1729).

(21) Thiên hòa doanh bách vịnh là tập thơ Nôm tiêu biểu ở giai đoạn này.

(22) Lê Hy Tông (1676-1705), Lê Dụ Tông (1705 - 1729).

(23) Theo Từ nguyên.

(24) Cùng trong văn bản có chỗ viết dạng húy, có chỗ viết bình thường.

(25) Xem Đinh Khắc Thuân: Đính chính niên đại giả trên một số thác bản bia tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NCHN số 2/1985, tr.61./.

TB

ĐÔI NÉT VỀ BIA HẬU

DƯƠNG THỊ THE
PHẠM THỊ THOA

Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang giữ trên 2 vạn thác bản văn bia. Đây là khối tư liệu lớn có giá trị, cần được khai thác. Như chúng ta đã biết, thác bản bia có nhiều loại, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu qua về bia hậu(1), loại bia thường gặp nhất. Bia hậu được dựng ở đình, chùa của làng quê, phường phố. Lịch sử ra đời của bia hậu tới nay chúng ta cũng chưa khẳng định được, nhưng chắc chắn nó có liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện của đình làng đầu thế kỷ XVII.

Cũng như các loại bia khác, bia hậu có kích thước đa dạng. Hình dáng của bia thường gồm 3 phần: trán bia, thân bia và đế bia. Trán bia thường được khắc hình lưỡng long chầu nguyệt hoặc hình mặt trời mây. Tiếp sau là tiêu đề được khắc chữ to “Hậu thần bi ký”, “Hậu phật bi ký” v.v... Thân bia có 2 phần diềm bia và bài văn. Diềm bia được trang trí bằng các dải hoa văn hình xoắn thừng hoặc hình chim muông hoa lá. Bài ký khắc trên bia đa số được viết bằng chữ Hán, hoặc Hán lẫn Nôm, một số ít viết hoàn toàn bằng chữ Nôm(2), một bài tấm bia ở giữa khắc nổi bức tượng người hậu(3). Đế bia thường là một phiến đá hình chữ nhật không trang trí; cũng có những tấm bia không có đế và được xây gắn vào tường nhà.

Trình tự bài văn ghi trên bia thường theo công thức chung: Trước tiên là tên làng xã ở thời điểm dựng bia, sau đến họ tên, quê quán, công trạng của vị hậu, tiếp đến là những quy ước của làng với vị hậu, phần cuối là ngày tháng năm dựng bia; phía góc trái ghi họ tên người soạn, người viết, người khắc.

Nội dung bia hậu rất phong phú. Căn cứ vào nội dung ta có thể chia thành ba đối tượng được tôn bầu là hậu thần hay hậu phật.

1. Những người có công đánh giặc giữ yên xóm làng được dân nhớ ơn, tôn bầu hậu. Ví dụ: Bia dựng năm Quang Trung 5 (1792) ghi việc ông Trần Văn Ngao tự Đạo Tiên người thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay là xã Yên Thường huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội). Năm Kỷ Dậu (1798) ông xung phong tòng quân, đến năm Canh Tuất (1790) ông đã hy sinh tại trận. Tưởng nhớ công lao đó toàn dân trong xã đã tôn bầu ông làm hậu Phật(4).

2. Những người có công đức với dân làng

Bia dựng năm Cảnh Hưng 40 (1779) ghi việc Thập lý hầu Nguyễn Mục khi nhỏ theo nghiệp học hành, lớn lên là người trung thực, chịu khó không nề hà bất cứ việc gì. Sau ông lại có công đứng ra chiêu mộ dân ly tán vì chiến tranh trở về sản xuất. Ông giúp dân khai khẩn đất hoang cày cấy làm ăn sinh sống. Ông còn giúp người túng thiếu cơm ăn áo mặc, dân nhớ ơn tôn bầu ông làm hậu thần(5).

Bia dựng năm Cảnh Hưng 47 (1786) ghi việc ông Nguyễn Thế Hồng giúp dân trừng phạt bọn lưu manh cờ bạc, xét xử kiện tụng phân minh. Dân nhớ ơn, tôn bầu ông làm hậu thần(6).

Bia dựng năm Đức Nguyên 2 (1675) ghi việc Đô thái giám Thạch tướng công là người hiền tài đã bỏ tiền của giúp dân làng tu sửa đình chùa. Dân nhớ ơn, tôn ông làm hậu thần(7).

Bia dựng năm Cảnh Hưng 32 (1771) ghi việc Thoa trung thần họ Lê thấy ruộng làng bị sụt lở mất mùa, đã bỏ tiền của đóng thuế giúp dân. Dân nhớ ơn, tôn ông làm hậu thần(8) v.v...

3. Những người bỏ tiền, ruộng để mua hậu. Do nhu cầu chi tiêu của thôn xã quá lớn trong các việc tu sửa đình chùa, đền miếu, cầu cống, đường sá, nộp thuế v.v... các quan viên, chức sắc trong làng tổ chức bán hậu. Những người vì không có con hoặc chỉ có con gái lo sau này không có ai hương khói đã bỏ tiền của ra để mua hậu. Cũng có người mua hậu cho người thân của mình. Về điểm này bia hậu tưởng như giống bia gửi giỗ. Song thực chất hai loại này có khác nhau về những điểm cơ bản: Bia gửi giỗ là loại bia đại trà mang tính chất bằng cứ giữa bên nhận và bên gửi. Mục đích là cho bên nhận nhớ mà cúng giỗ. Hơn nữa gửi giỗ có thể gửi ở nhà thờ họ, chùa, đình, còn bia hậu thì không thể có ở nhà thờ họ được. Bia hậu mang tính chất nêu gương tốt về phẩm giá và đạo đức cho đời sau. Tục bầu hậu ở nước ta rất phổ biến, có thể coi như một tín ngưỡng dân gian. Thực chất việc thờ hậu là xuất phát từ tình cảm tốt đẹp của dân. Nhưng trong xã hội cũ đã bị bọn buôn thần bán thánh lợi dụng đưa dân vào con đường mê tín nên nó mang tính tiêu cực nhiều.

Nói đến bia hậu, người ta ít nghĩ tới giá trị văn học của nó. Qua bia hậu ta có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Chẳng hạn “ta có thể lấy ra nhiều chi tiết về các đơn vị tiền tệ, giá cả thời xưa cùng các chức dịch hào mục trong các thôn, phường cũ...”(9). Bia hậu còn là nguồn sử liệu đáng tin cậy. Nó cung cấp cho ta nhiều tên người, tên đất giúp cho công tác xác định văn bản.

Trong đợt đi thực tế, chúng tôi có dịp về thôn Đông Ba, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, qua khảo cứu 23 tấm bia hậu ở đình làng, chúng tôi đã thấy được:

1. Sự biến đổi về địa danh:

Đông Ba xưa là một thôn thuộc vùng Kẻ. Đến thời Lê, thôn này thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Năm Minh Mệnh 12 (1831) thôn xã này thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, tới nay lại thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội.

2. Đặc điểm kinh tế của địa phương:

- Xã nằm sát ven đê, nhân dân phải luôn vật lộn với thiên tai để sinh sống. Bia dựng năm Minh Mệnh 5 (1821) ghi: “chăm lo đê điều là công việc hàng năm của dân xã. Việc thu góp tiền của không đủ để mua sắm dụng cụ lao động, chi phí cho việc này thực tốn kém...”.

- Sự biến động về ruộng đất: một số thửa ruộng được cúng vào đình chùa để mua hậu. Nhưng sau vì thôn xã có việc chi tiêu lớn như sửa đình chùa, nộp thuế làm sổ điền bạ đúng vào năm mất mùa, các bậc quan viên chức sắc lại phải tổ chức bán bớt ruộng công để lấy tiền chi dùng.

3. Đặc điểm tín ngưỡng của địa phương

Đình thôn Đông Ba thờ Quách Lãng, vị tướng của Hai Bà Trưng làm thành hoàng làng. Đã từ lâu nhân dân luôn chăm lo tu sửa bảo vệ di tích lịch sử này.

Cũng như các bia khác, người soạn văn bia thuộc nhiều tầng lớp, trình độ văn hóa hơn kém khác nhau, người khắc văn bia cũng thế, do đó trên bia hay có những chữ không chính quy, chữ dị thể hoặc có khi còn khắc sai. Do đó khi khai thác chúng ta cần lưu ý.

Trên đây là vài nét sơ lược về bia hậu và giá trị của nó. Nếu chúng ta biết khai thác, chắc chắn sẽ còn tìm được nhiều điều bổ ích và lý thú.

CHÚ THÍCH

(1) Chữ “hậu” ở đây, căn cứ trên mặt chữ, có thể hiểu là “sau”, nghĩa rộng là đứng sau, xứng đáng được thờ sau thần, phật.

(2) Bia số 240.

(3) Bia số 6454.

(4) Bia số 2740.

(5) Bia số 6528, 6529, 6530.

(6) Bia số 6767.

(7) Bia số 2459, 3460, 2461.

(8) Bia số 6433, 6434.

(9) Vũ Tuân Sán, Tuyển tập văn bia, tập I Nxb. Hà Nội, tr.25./.

TB

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VĂN BIA Ở MỘT HUYỆN THUỘC ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NGUYỄN HUY THỨC

Nam Ninh là một huyện ở phía nam tỉnh Hà Nam Ninh, do hai huyện Nam Trực và Trực Ninh của tỉnh Nam Định (cũ) hợp lại, gồm 37 xã, 1 thị trấn tính theo đơn vị hàng chính, có độ dài một chiều chừng 25km, một chiều chừng 15km. Huyện diện tích không rộng, lại trải qua hai cuộc kháng chiến với sự phá hoại nặng nề của địch mà chính quyền và nhân dân địa phương vẫn bảo tồn được gần một trăm di tích lịch sử văn hóa, trong đó có đến 61 chùa và từ đường, phủ miếu, văn chỉ, lăng mộ... Trong số di tích này còn giữ lại được 192 mặt bia đá(1).

Sự phân bố các mặt bia đá theo tỉ lệ sau:

Tổng số xã Số mặt bia hiện có Xã không có bia XÃ CÓ BIA
1 BIA 2 - 14 BIA ± 20 BIA CỘNG
Số lượng Tỉ lệ% Số lượng Tỉ lệ % Số lượng Tỉ lệ % Số lượng Tỉ lệ % Số lượng Tỉ lệ %
38 192 5 ± 11 4 ± 10 26 ± 70 3 ± 8 33 ± 90

Có thể nói trong huyện này gần 90% số xã còn bia. Trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội trước đây chỉ mới cho rập được một ít bia trong số trên là Quỹ bi đình ký (số 19355) ở từ đường họ Trần xã Đông Nghĩa(2). Thanh Quang tự (số 5133-5434 ở chùa xã Phương Để, huyện Trực Ninh cũ, và ở huyện Nam Trực cũ có Cổ Nông tổng tư văn hội (số 5429 - 5430-5131-5432). Ngoài ra, trong kho văn bia của trường Viễn Đông bác cổ để lại cũng còn một số bia được rập ở huyện Mỹ Lộc (cũ), như bia xã Bái Hạ (nay thuộc xã Nghĩa An), bia xã Giang Tả (nay thuộc xã Nam Toàn), bia xã Dịch Lễ (nay thuộc xã Năm Vân), bia xã Đồng Phù (nay thuộc xã Nam Mỹ)(3) v.v... Có thể thấy bia rập được ở huyện Nam Ninh còn quá ít.

Về niên đại bia có thể theo dõi bảng thống kê sau:

Triều đại NIÊN ĐẠI Số lượng ĐỊA ĐIỂM


Hoằng Định
Vĩnh Tộ
Phúc Thái
Vĩnh Trị
Chính Hòa
Vĩnh Thịnh
Cảnh Hưng
(1601 - 1619)
(1619 - 1628)
(1643 - 1649)
(1676 - 1680)
(1680 - 1705)
(1705 – 1719)
(1740 - 1786)
1
1
1
2
3
3
2
Chùa Hương Cát, xã Trực Thành.
Chùa Ba Xã, xã Nam Chấn.
Chùa Như Xá, xã Đồng Sơn.
Xã Đồng Sơn, xã Nam Tiến.
Xã Nam Thanh, xã Nam Hùng, xã Trực Tuấn.
Xã Nam Giang, xã Nam Phong.
Xã Thái Sơn, xã Nam Giang.






Nguyễn
Gia Long

Minh Mệnh

Thiệu Trị
Tự Đức

Kiến Phúc
Thành Thái
Duy Tân
Khải Định

Bảo Đại


(1802 - 1819)

(1820 - 1840)

(1841 - 1847)
(1848 - 1883)

(1883 - 1884)
(1889 – 1907)
(1907 - 1916)
(1916 - 1925)

(1926 - 1945)


4

14

3
42

2
14
1
13

36


Xã Nam Toàn, xã Nghĩa An, xã Nam Chấn, xã Nam Cường.
Xã Nghĩa An, xã Nam Hải, xã Đồng Sơn, xã Nam Hoa.
Xã Nam Toàn.
Xã Nam Thịnh, xã Nam Tiến, xã Bình Minh, xã Nam Thanh, xã Nghĩa An, thị trấn Cổ Lễ.
Xã Nghĩa An, xã Nam Giang.
Xã Điền Xá, xã Đông Sơn.
Chùa Sa Đề, xã Trực Nội.
Xã Nam Thanh, xã Nam Phúc, xã Nghĩa An, xã Trực Định.
Xã Nam Thanh, xã Nam Mỹ, xã Nam Hồng, xã Nam Trung, xã Nam Thắng, xã Nam Tiến, xã Trực Hưng, xã Trực Mỹ, xã Liêm Hải, xã Nam Giang

Ngoài ra có một bia ở đền Rục Kiều, thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng, dựng năm 1950, một bia ở chùa Trại Hạ, xã Thái Sơn, dựng năm 1954. Còn lại là những bia không có niên hiệu, hoặc niên hiệu mờ, niên hiệu còn tồn nghi. Như vậy số bia thời Nguyễn lên tới 126 chiếc, chiếm tới 65% tổng số bia của huyện. Thuộc các thời đại khác gồm 53 bia, chiếm 22% tổng số.

Xét về mặt văn tự thì văn bia Nam Ninh hầu hết viết bằng chữ Hán, còn chữ Nôm rải rác để ghi địa danh, nhân danh, không có bia nào viết toàn bằng chữ Nôm cả. Thể loại đa phần là tự, ký, không kể loại văn bản hậu, gửi giỗ v.v... Có những tấm bia do các danh nhân soạn, như bia chùa Hương Cát xã Trực Thành do Phạm Văn Nghị soạn; bia đền Cổ Lễ ở thị trấn Cổ Lễ, do Ngô Thế Vinh soạn; bia đền Thượng Lao, xã Nam Thanh, do Đoàn Tấn soạn.

Kích thước bia rất đa dạng: loại 0,80 x 1,00m tới 70 mặt, chiếm 35%, đặc biệt có tấm cao2,2m rộng 0,90m, như tấm bia ở đền thôn Giáp Ba, xã Nam Giang. Loại kích thước 0,6 x 1,00m có 36 mặt, chiếm khoảng 20%. Hai loại kích thước tương đối lớn này thường ghi về những sự kiện lớn ở địa phương như việc đúc tượng đồng, tô tượng phật (bia đền thôn Ba, xã Nam Giang), ghi lịch sử sông Mỹ Nữ Hàn Khê (bia đền Thượng Lao, xã Nam Thanh) v.v... Số bia còn lại là những tấm bia có kích thước nhỏ khoảng trên dưới 0,50 x 0,60m, thường là bia gửi giỗ, mua hậu, quy y vào chùa. Cũng có tấm bia kích thước 0,20 x 0,30m ở chùa Hạ Trại, xã Thái Sơn nói về công lao và quá trình xây dựng nên ngôi chùa và đền ở đây. Bia khắc chữ hai mặt có ở chùa Trừng Uyên xã Điền Xá và ở chàu Thượng Lao xã Nam Thanh. Bia bốn mặt có ở làng Cụ Quận, xã Nam Giang v.v... Hoa văn trang trí hầu hết là rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt) và viền hoa lá. Bia ở đền thường là trang trí hổ phù, chim, thú. Một điều đáng tiếc là nhiều tấm bia quá mờ, như bia đền Gia xã Nam Dương, bia chùa Như xã Đồng Sơn v.v... Có những bia bị đem bắc cầu ao như bia chùa Ngưu Tri, xã Nam Cường. Bia để nằm ở cổng kho, dưới ruộng như bia chùa Hương Cát xã Trực Thành.

Nội dung bia khá phong phú. Như bia chùa Cả thôn Xổi Thượng xã Nam Thanh nói về lịch sử, sự tích địa phương và thủy tổ các dòng họ. Bia chùa Như, xã Đồng Sơn nói về ba vị Pháp sư thời Lý Trần lập nên ngôi điện ở đây (bia mờ). Bia chùa Cây Gáo, thôn Đông, xã Nam Cường nói về việc xây dựng làng xã. Bia chùa Đồng Quỹ, xã Nam Tiến nói về nghề đúc đồng truyền thống ở địa phương. Bia đền Xuân Lôi, xã Nam Hùng nói về sự tích trạng Xuân Lôi... Loại bia nêu những người đóng góp cụ thể cho việc xây dựng kinh tế địa phương như bia chùa thôn Nội, xã Nam Thanh đề cập tới việc sư cụ Phạm Quang Tuyên trụ trì chùa Cổ Lễ đứng ra khai sông đắp đường quyên tiền của dân để kiến thiết chùa đền, xây dựng xóm làng. Hoặc ca ngợi những người góp tiền vào kho cứu tế giúp dân nghèo như bia chùa Dịch Diệp, xã Trực Nghĩa. Bia nói về việc xây dựng, trùng tu chùa đền số lượng tương đối lớn (có tới 60 bia, chiếm gần 30% tổng số).

Hoặc ghi rõ việc các cụ bảy mươi tuổi trở lên góp tiền làm đình, như bia đền Vân Chàng xã Nam Giang. Bia xây dựng văn chỉ như bia làng Hương Cát, xã Trực Thành; bia thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn. Bia Bản xã Vũ Hội bi chí cho biết binh sĩ đã đóng góp tiền của lập nên võ chỉ tại thôn Hương Cát, xã Trực Thành. Qua tư liệu bia ta thấy việc xây dựng cầu cống thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và giao thông rất được chú ý. Có hàng chục bia nói về việc xây dựng cầu đá, như bia làng Dịch Diệp, xã Trực Nghĩa, bia làng Vân Chàng xã Nam Giang v.v... Không ít bia nói về tín ngưỡng, phong tục, lệ làng, nêu rõ quyền lợi nghĩa vụ của mọi tầng lớp người trong cộng đồng làng xã thời xưa (có hai chục bia, chiếm trên 10% tổng số). Ngoài ra, bia gửi giỗ, mua hậu, quy âm vào chùa số lượng lớn nhất (có bảy chục bia, gần 50% tổng số). Trong đó có bia đền Tam Phủ, thôn Ngô Xá, xã Nam Phong nói về quan Tả thái giám, Hữu thái giám thừa tham trị giám sự Trần Quý công tự Trung Mẫn đóng góp xây dựng đền. Bia chùa An Trung, xã Phương đình ghi công ông Hàn lâm viện Trần Văn Trạch xuất tiền của riêng ra xây dựng chùa để mua hậu v.v... Những bia loại này giúp ta tìm hiểu danh nhân. Có những bia ghi công đức các nhà sư có công lớn trong việc xây dựng chùa như hòa thượng Nguyễn Thanh Thịnh, Nguyễn Thông Đạt ở chùa Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, một vị sư nữ trước trụ trì chùa Phổ Quang, Hà Nội về đóng góp xây dựng ở chùa thôn Thượng, xã Nam Toàn. Bia chùa Ngọc Lâm xã Trực Cát ca ngợi cụ Đỗ Đình Soạn và cụ huyện doãn Phan Công Thanh Chiểu đã cùng dân đứng ra cải cát mồ vô chủ về một nơi rồi làm chùa để dâng hương khói cho họ ngày rằm ngày tết.

Sau đây là biểu kê nội dung bia Nam Ninh:

Số lượng bia hiện có Bia sự tích
lịch sử
Bia xây dựng trùng tu Bia lệ làng Bia hậu, gửi giỗ, quy âm Các loại khác
SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ % SL Tỷ lệ %
192 15 8 60 32 20 10 20 36 27 11

Trở lên là những kết quả thực tế trong quá trình điều tra văn bia ở huyện Nam Ninh(4). Chúng tôi nghĩ tới giá trị nhiều mặt của loại hình văn bản này, có thể đóng góp cho việc nghiên cứu về truyền thống lịch sử văn hóa địa phương, về quá trình thay đổi cư dân, nguồn gốc các dòng họ, về việc xây dựng làng xóm đường sá, cầu cống phục vụ cho nông nghiệp và cả đến các nghề tiểu thủ công nghiệp địa phương. Văn bia huyện Nam Ninh cũng cho ta biết những tín ngưỡng, phong tục tập quán, những quy định về làng xã và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật... Thể hiện rõ nhất là các bài thơ, minh, ký... ghi chép, kỷ niệm các công trình xây dựng. Tóm lại, văn bia của huyện Nam Ninh có thể góp phần không nhỏ vào việc xây dựng truyền thống văn hóa, chính trị, kinh tế của địa phương.

CHÚ THÍCH

(1) Đây là kết quả điều tra bước đầu của chúng tôi, có tham khảo tài liệu Thống kê bia chuông khánh của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu Vv. 842. Trên thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số hiện nay.

(2) Xã này thuộc huyện Nghĩa Hưng.

(3) Theo Thư mục văn bia (cũ), tập 40, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

TB

ĐỌC VÀ HIỆU ĐÍNH CUỐN
LỊCH ĐẠI NIÊN KỶ BÁCH TRÚNG KINH

LÊ THÀNH LÂN

Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh(1) (sẽ viết tắt là LĐNK) là cuốn tích niên lịch, ghi lịch cuối thời Lê Mạc, thời Tây Sơn, đầu thời Nguyễn; từ năm Canh Thân, Cảnh Hưng nguyên niên (1710) đến năm Quý Mùi, Tự Đức 36 (1883), gồm 144 năm.

Khác với cuốn Bách trúng kinh(2) - một cuốn lịch thời Lê, phần lớn được in ván, phần nhỏ được chép tay; cả 2 phần đều có chất lượng rất tốt - đã là chỗ dựa của chúng tôi để khảo cứu lịch Lê - Trịnh(3); cuốn LĐNK này là cuốn lịch hoàn toàn chép tay, chữ đẹp và rõ, nhưng đáng tiếc là có nhiều sai sót; tuy vậy thông qua phân tích lô-gich, vận dụng một cách định tính lý thuyết mã của lý thuyết thông tin để sửa chữa hầu hết các lỗi thì vẫn có thể khôi phục lại gần như nguyên dạng để làm cơ sở khảo cứu lịch Tây Sơn và lịch đầu thời Nguyễn.

Cần nhấn mạnh một thực tế là, cuốn lịch này gần như là một cuốn duy nhất ghi lịch thời cuối Lê, Tây Sơn và đầu Nguyễn mà chúng tôi được đọc. Bởi vậy việc hiệu đính cuốn LĐNK rất có ý nghĩa để trả lại giá trị cho cuốn lịch, và điều đó đã trở thành mục đích chính của bài báo này.

Cuốn LĐNK là cuốn lịch do Viễn đông Bác cổ xưa để lại, mang ký hiệu A. 1237, nay ở kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Ủy ban khoa học xã hội. Đáng tiếc là chúng tôi chưa xác định được tác giả, năm soạn và năm chép cuốn LĐNK này.

*
**

Cuốn LĐNK được viết trên giấy dó, không kể tờ bìa ghi tên sách, còn lại 65 tờ (130 tr) khổ 20,5x31,0cm. Trang đầu của tờ đầu được xem như trang bìa ghi cột chữ lớn: Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, nhất bản. Tiếp theo, trang đầu tờ 1 ghi cột chữ: Trùng đính lịch đại niên kỷ bách trúng kinh; rồi đến bài ca quyết tính giờ; sau đó ghi niên đại các triều đại từ Hồng Bàng đến Nguyễn; cứ thế tiếp cho đến hết tờ 5 ghi các niên hiệu nhà Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Từ tờ 6 đến tờ 65 ghi lịch. Mỗi trang ghi được hơn một năm lịch, cứ hết năm này sang năm khác, khiến cho nhiều năm phải ghi trên 2 trang liên tiếp. Ở giữa tờ giấy, chỗ gấp nếp, nối 2 trang lại, là một cột ghi niên hiệu và số thứ tự của tờ, cột này nhiều khi nằm lọt vào giữa một năm lịch.

Trong 32 năm đầu, từ năm Canh Thân (1740) đến năm Tân Mão (1771) và năm Giáp Tý (1814) có để 2 dòng phía trên cùng ghi niên hiệu và niên thứ của nhà Thanh và nhà Lê, nhà Nguyễn.

Các năm lịch đều dành cột đầu, viết cao lên, để ghi tên theo năm can chi. Bắt đầu từ năm Giáp Tý (1804) thỉnh thỏa ng có năm ghi những hiện tượng thời tiết đặc biệt; chẳng hạn chính năm đó có ghi cột chữ nhỏ “thị niên hạ lục nguyệt hồng thủy”; các năm gần đó như Tân Mùi (1811), Canh Thìn (1820), Kỷ Sửu (1829), Nhâm Thìn (1832), Quý Tỵ (1833), Kỷ Dậu (1849), ... cũng có ghi những hiện tượng bất thường như lụt, hạn hán... Mấy năm cuối lại còn ghi sự xuất hiện của sao chổi: năm Tân Tị (1881) vào tháng 4, năm Mậu Ngọ (1882) vào tháng 8.

Từ cột thứ 2 ghi lịch các tháng lần lượt từ trên xuống dưới rồi từ phải sang trái: mỗi cột ghi được 2 tháng; mỗi tháng ghi nguyệt sóc (can chi của ngày sóc) và các tiết hậu thuộc tháng đó. Việc ghi các tiết hậu này không thống nhất. Chỉ có 6 năm cuối cùng, từ năm Mậu Dần (1878) đến năm Quý Mùi (1883) là ghi đủ 24 tiết hậu; còn lại thường chỉ ghi một số trong 12 tiết khí, không ghi các trung khí. Ở 16 năm đầu, từ năm Canh Thìn (1740) đến năm Ất Hợi (1755) đều ghi 12 tiết khí. Tiếp đó là 30 năm chỉ ghi từ 4 đến 6 tiết khí; khi ghi 4 ngày tiết khí thì ghi các tiết Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông; khi ghi 5 thì thêm Thanh minh; khi ghi 6 thì thêm Mang chủng; riêng có 3 năm: Bính Tý (1756), Kỷ Mão (1759), Quý Mùi (1763) chỉ ghi mỗi một tiết Lập xuân. Trong 72 năm gần cuối, từ Bính Dần (1806) đến Đinh Sửu (1877) thường ghi từ 6 đến 12 tiết khí. Tuy ghi chệch choạc, thiếu sót như vậy, nhưng rất có chọn lọc: khi ghi càng ít thì chọn những tiết hậu càng quan trọng, người quen dùng lịch có thể từ đó tìm lại các tiết hậu không được ghi.

Trong văn Hán có hiện tượng kiêng húy, song tuân thủ không triệt để. Ngay trang đầu có chữ “thì” vẫn để nguyên, không kiêng húy Tự Đức, mấy trang tiếp theo có khoảng 20 chữ “Tông”, thì đều viết thiếu một nét gạch ở giữa, kiêng húy Thiệu Trị. Chữ “hồng” trong “hồng thủy” có ghi ở các năm Canh Tý (1804), Nhâm Thìn (1832), Quý Tỵ (1833)... lại để nguyên, không kiêng húy Tự Đức. Việc kiêng húy Gia Long (có tên là Chủng) khi viết tiết Mang chủng lại phức tạp hơn. Có 10 năm, từ năm Ất Sửu (1745) đến năm Giáp Tuất (1754) không kiêng húy, vẫn viết là “Mang chủng”. Năm Mậu Dần (1878) sau khi đã viết chữ “trưởng” rồi lại gạch đi để viết chữ “chủng”. Năm năm đầu, từ Canh Thân (1740) đến Giáp Tý (1747) và năm Kỷ Mão (1879) thì kiêng húy mà viết thành “mang thực”. Riêng năm Canh Thìn (1880) lại viết thành “Mang trướng”. Các năm còn lại, trừ những năm không ghi tiết Mang chủng, thì đều ghi là “Mang hiện”; riêng năm Ất Hợi (1754) chữ “hiện” viết đầy đủ có cả bộ “vượng” kiến ở bên, còn các trường hợp khác chỉ viết chữ.

Chúng tôi sơ bộ đoán định rằng, cuốn lịch này có thể được biên soạn vào đời Thành Thái (1889 - 1907) vì ở cuối tờ 5 có ghi cột chữ “Thành Thái, kỷ nguyên Kỷ Sửu, chung..., cộng...”, còn bỏ trống chỗ để ghi năm cuối đời Thành Thái và tổng số năm. Người biên soạn có thể sống vào khoảng thời gian đó, nên đã nhớ rõ (cũng có thể lấy từ sử sách) và thấy cần ghi chép các hiện tượng thời tiết bất thường; những năm cuối lại còn ghi cả sự xuất hiện của sao chổi. Tác giả có thể đã căn cứ từ nhiều cuốn lịch, tối thiểu từ 3 cuốn lịch khác nhau: một cuốn có lịch Lê, một cuốn có lịch Tây Sơn, một cuốn có lịch Nguyễn và dường như có ý định ghi chép tiếp. Lịch dừng ở năm Tự Đức thứ 36, là năm cuối đời Tự Đức, nhưng ở tờ 5 đã ghi cột “Thành Thái kỷ nguyên...”. Đáng chú ý là khoảng trống này, tuy chỉ có 6 năm nhưng trải qua 5 đời vua (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Những cuốn lịch mà tác giả dựa vào để biên soạn cuốn này, có thể có quy cách khác nhau; chẳng hạn cuốn đầu tiên là cuốn lịch Lê, có thể chính là cuốn Bách trúng kinh(4), trang lịch chia làm 2 khung, viết hết khung trên từ phải qua trái, rồi mới xuống khung dưới; khi biên soạn thì theo một quy cách thống nhất: viết hết cột bên phải với 2 tháng lịch mới sang cột bên cạnh (có thể việc phải chuyển quy cách như vậy cũng là nguyên nhân gây ra những sai sót trong cuốn lịch). Trải qua 5 đời vua ngắn ngủi, và ở Bắc Kỳ đã bị Pháp chiếm từ năm 1884, kỷ cương phong kiến đã lỏng lẻo, việc kiêng húy không còn nghiêm ngặt nữa, người soạn không còn thấy phải tuân theo, những chỗ có kiêng, chẳng qua là do thói quen mà viết thế.

Viễn đông Bác cổ được thành lập năm 1901 và đến năm 1904 bắt đầu có việc sao chép các thư tịch. Cuốn lịch này chắc là được chép lại vào dịp đó, từ cuốn lịch đang biên soạn dở dang. Người chép đã không nghiêm túc tuân theo quy cách thống nhất của người biên soạn ra, đã lược bỏ đi nhiều chỗ, nhất là ở giữa cuốn lịch. Chỉ sau 32 trang đầu, người chép bỏ hẳn niên hiệu và niên thứ nhà Thanh và nhà Nguyễn. Ở giữa cuốn lịch lại có nhiều tiết hậu bị lược bỏ không chép. Đáng tiếc hơn cả là bản chép có quá nhiều sai sót, bắt buộc chúng ta phải bàn đến việc chỉnh lý lại.

*
**

Cơ sở lý luận để chỉnh lý là lý thuyết mã, mà chúng tôi trình bày sơ lược những điều cần vận dụng dưới đây.

Ngôn ngữ mỗi dân tộc gồm 2 hệ thống tín hiệu: hệ thống tín hiệu thứ nhất là tiếng nói; hệ thống tín hiệu thứ hai là chữ viết (nói rộng ra, ngoài tiếng nói và chữ viết, ngày nay còn nhiều phương tiện diễn đạt tổng hợp khác, khiến ta có thể nói đến: ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ điện ảnh... chẳng hạn như người diễn kịch câm, không nói, không viết mà chúng ta vẫn hiểu). Khi ngôn ngữ được dùng vào những mục đích khác nhau, nó lại có những đặc thù riêng: ngôn ngữ văn học khác với ngôn ngữ dùng trong khoa học kỹ thuật... Từ khi có máy tính, lại xuất hiện những ngôn ngữ đặc biệt để trao đổi giữ người và máy tính, cũng như giữa các máy tính với nhau. Quen thuộc hơn cả, ta thường nghe nói đến mật mã trong truyền đưa thông tin, trong công tác cơ yếu, bảo mật.

Thực ra mọi ngôn ngữ có thể coi là các bộ mã khác nhau. Khi muốn diễn đạt một ý tứ gì ta phải mã hóa, để hiểu được nhau ta phải giải mã.

Các bộ mã thường có độ dư thừa thông tin nhất định, nhờ đó nhiều khi “mới nói nửa lời, ta đã hiểu nhau...”. Độ dư thừa thông tin mà càng lớn thì câu chuyện càng dài dòng; nhưng độ dư thừa thông tin mà bé quá nhiều khi trở nên khó hiểu và dễ gây hiểu lầm. Vấn đề là cần phải biết dùng một bộ mã với những độ dư thừa thông tin vừa đủ. Với mục đích tiết kiệm, sao cho việc truyền tin nhanh nhất, người ta xây dựng những bộ mã có độ dư thông tin tối thiểu, gọi là mã tối ưu. Còn với mục đích “chống nhiễu”, người ta xây dựng những bộ mã có độ dư thông tin tương đối lớn, để khi nhận được một bản tin, nếu có sai ta phát hiện được, khôi phục đúng nguồn tin ban đầu, đó là các loại mã sửa sai.

Trở lại vấn đề ghi lịch, mỗi cách ghi là một cách mã hóa với những đặc thù riêng, với những ưu khuyết điểm vốn có của nó. Quan trọng là chọn một dư thừa thông tin vừa đủ, một cách bố trí khoa học: đơn nhất, chặt chẽ, rõ ràng và hợp lý. Cách ghi lịch của Trần Viên trong cuốn Trung Tây Hồi sử nhật lịch(5) có độ dư thừa thông tin quá lớn, tra cứu dễ dàng nhưng quá dài dòng, cần đến hơn 1000 trang để ghi 2000 năm lịch. Cách ghi của Nguyễn Trọng Bỉnh trong cuốn Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu(6) có tiết kiệm hơn, chỉ cần 260 trang, độ dư thừa thông tin bé hơn, nhưng đáng tiếc là thiếu chặt chẽ thiếu nhất quán, quy tắc tra cứu quá phức tạp, đúng như giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã phê bình(7) tr.73, 74. Rút kinh nghiệm từ các cách ghi khác nhau chúng tôi đã đề xuất một cách ghi lịch mới, độ dư thừa thông tin rất nhỏ, dùng 130 trang chúng tôi in được 2000 năm lịch mà rất dễ tra cứu. Cách ghi lịch này được công bố trong cuốn Lịch văn hóa tổng hợp (1987 - 1990)(8).

Để đọc lịch, nhất là để đính chính lại các sai sót, ta phải hiểu rõ quy tắc bố trí và quy tắc tra cứu; tức là quy tắc mã hóa và quy tắc giải mã. Dựa vào các quy tắc đó mà phân tích chúng tôi đã có thể phát hiện được nhiều sai sót ở một vài lịch. Ở bài báo này, chúng tôi vận dụng lý thuyết mã vào việc đọc và hiệu đính lại cuốn LĐNK.

*
**

Trong cách ghi lịch của cuốn LĐNK có hai tín hiệu quan trọng ở mỗi tháng mà chúng phải luôn luôn thống nhất với nhau, đó là: tính thiếu đủ của một tháng (tháng đủ thì ghi chữ “đại”, tháng thiếu thì ghi chữ “tiểu”), và can chi của ngày sóc (tức là ngày mùng một hàng tháng) của tháng đó. Nói một cách chặt chẽ thì tính thiếu đủ cùng với can chi của ngày sóc của tháng trước phải hoàn toàn phù hợp với can chi của ngày sóc tháng sau. Nếu ta biết tháng trước thiếu (29 ngày) hay đủ (30 ngày) và can chi của ngày sóc của nó thì ta suy ngay ra được can chi của ngày sóc tháng sau. Chẳng hạn, nếu một tháng nào đó đủ (30 ngày), có can chi sóc là Giáp Tý, thì can chi của sóc tháng sau phải là Giáp Ngọ. Nếu ta không biết tháng trước là thiếu hay đủ, mà chỉ biết can chi sóc của nó là Giáp Tý chẳng hạn, thì can chi của sóc tháng sau chỉ có thể là một trong hai khả năng, hoặc là Giáp Ngọ (nếu tháng trước đủ) hoặc là Quý Tỵ (nếu tháng trước thiếu). Như thế là khi biết can chi sóc tháng trước thì ta biết sơ bộ can chi sóc tháng sau chỉ có thể là 2 khả năng trong số 60 cặp can chi của bảng lục thập hoa giáp. Rút ra các kiểu ràng buộc như vậy, dựa vào đó chúng ta dễ dàng phát hiện sai và sửa được các sai sót do “tam sao thất bản”.

Tín hiệu ghi lại can chi ngày sóc, nếu dùng con số từ 1 đến 60 như giáo sư Hoàng Xuân Hãn ghi trong cuốn Lịch và lịch Việt Nam(9), có những đặc trưng sai sót riêng mà chúng tôi đã vận dụng và liệt kê các lỗi in ở bài Lịch Lê - Trịnh(10). Cách ghi can chi bằng chữ Hán như trong LĐNK lại có những đặc trưng sai sót khác, vả lại còn phụ thuộc vào trạng thái tâm lý và thói quen của người chép (nguồn nhiễu). Thực ra khi chép dưới dạng chữ, các tín hiệu can và chi này được tách biệt ra làm 2, giữa chúng còn một mối ràng buộc khá lỏng, khiến cho mỗi tín hiệu có những đặc điểm riêng và do đó khả năng xuất hiện sai sót khác nhau. Các tín hiệu hàng can ít sai sót hơn (như sau này ta thấy) về chu kỳ 10 của nó là ước của 30 (tháng đủ 30 ngày) và con số 29 (tháng thiếu) chỉ lệch khỏi con số 30 có 1 ngày. Nếu tháng trước đủ thì can của ngày sóc hai tháng giống nhau, nếu tháng trước thiếu thì can của sóc tháng sau là hàng can liền kề phía trước (theo thứ tự của 10 can) với can của sóc tháng trước. Hàng chi có chu kỳ 12 không phải là ước số của 30 hay 29 nên khi chép dễ sai nhiều hơn. Biết rằng một nửa của 12 là 6, mà 6 lại là ước số của 30. Nhận xét này cũng giúp ích rất nhiều cho người hiệu đính.

Phân tích một cách chi tiết ta thấy có 3 tín hiệu riêng biệt nhau là: tính thiếu đủ, can của sóc và chi của sóc. Về nguyên tắc chúng phải thống nhất (tương ứng) với nhau. Nếu có sự bất nhất của 3 tín hiệu này là có sai sót.

Vây, khi phát hiện ra sai sót rồi thì sửa chữa, hiệu đính lại như thế nào?

Theo lý thuyết thông tin thì: nếu như khả năng sai một tín hiệu là 1:100 thì khả năng sai hai tín hiệu đồng thời sẽ là 1: 10.000 và khả năng sai 3 tín hiệu đồng thời là 1: 1.000.000. Với xác suất sai sót như vậy, ta tạm coi là mọi sai sót đều là sai 1 tín hiệu. Từ đó ta có một quy tắc để làm chỗ dựa mà sửa sai tạm gọi là “đa số đúng, thiểu số sai”. Theo quy tắc này, nếu có sự bất nhất, thì một tín hiệu nào đó đi chệch khỏi sự thống nhất chung, thì nó cần được sửa lại cho thống nhất với 2 tín hiệu kia. Đó là khi ta coi các tín hiệu sai sót một cách “độc lập”, tín hiệu này sai không liên quan, không do hay không kéo theo sự sai sót của một tín hiệu khác. Nhưng trong thực tế có khá nhiều trường hợp sai sót “hệ thống”, sai cả một cụm, đó là trường hợp sai sót “phụ thuộc”. Chẳng hạn có trường hợp sai hoặc thiếu đồng thời cả cặp can chi như ở năm Mậu Dần (1878), thậm chí có trường hợp thiếu hẳn một tháng như năm Ất Sửu (1805) mà chúng tôi sẽ nói đến sau này. Những trường hợp này phân tích và lý giải có phức tạp hơn.

*
**

Dựa vào các lý luận trên chúng tôi đã tiến hành hiệu đính cuốn LĐNK và bây giờ xin nêu ra các kết quả đã đạt được.

1. Bảng 1: thống kê 38 trường hợp viết sai, trong đó có 19 trường hợp viết thiếu chữ “đại” (tháng đủ) hoặc chữ “tiểu” (tháng thiếu), (ở cột cuối bảng chúng tôi ghi chú bằng chữ T) và 19 trường hợp viết nhầm “tiểu” thành “đại” hoặc ngược lại (cột cuối chúng tôi ghi chữ N). Thiếu còn nhẹ hơn nhầm, và thiếu dễ phát hiện và cũng dễ sửa hơn nhầm. Những trường hợp này can và chi của ngày sóc đều đúng cả.

Bảng 1: Sửa lại tính thiếu đủ của tháng

TT Năm Viết là Sửa thành Ghi chú
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
8
29
30
31
32
33
34
35
36
37
38
Nhâm Tuất
Giáp Tuất
Đinh Sửu
Canh Thìn
Nhâm Ngọ
_
Quý Mùi
Giáp Thân
_
_
Ất Dậu
Bính Tuất
Tân Mão
Nhâm Thìn
_
Ất Mùi Mậu Tuất
Kỷ Hợi
Canh Tý
Đinh Mùi
Mậu Thân
Tân Hợi
Nhâm Tý
_
Giáp Dần
_
_
Kỷ Mùi
Nhâm Tuất
Đinh Mão
Quý Mùi
Giáp Ngọ
Quý Mão
Nhâm Ngọ
Đinh Mão
Tân Mùi
Nhâm Thân
Quý Dậu
1742
1754
1757
1760
1762
_
1763
1764
_
_
1765
1766
1771
1772
_
1775
1778
1779
1780
1787
1788
1791
1792
_
1794
_
_
1799
1802
1807
1823
1834
1843
1858
1867
1871
1872
1873
Thập nhị nguyệt
Hựu nhị nguyệt đại
Thập nhị nguyệt đại
Chính nguyệt
Chính nguyệt
Ngũ nguyệt đại
Thất nguyệt
Ngũ nguyệt
Thất nguyệt
Cửu nguyệt đại
Lục nguyệt đại
Nhị nguyệt đại
Nhị nguyệt
Lục nguyệt
Thất nguyệt
Thất nguyệt tiểu
Thập nhị nguyệt đại
Thất nguyệt đại
Tứ nguyệt tiểu
Thập nhất nguyệt
Bát nguyệt
Tứ nguyệt tiểu
Thất nguyệt đại
Thập nhất nguyệt
Lục nguyệt
Thất nguyệt đại
Thập nhất nguyệt
Thập nhị nguyệt
Lục nguyệt
Chính nguyệt
Tứ nguyệt đại
Thập nhị nguyệt
Thập nhất nguyệt tiểu
Thất nguyệt đại
Tứ nguyệt đại
Tứ nguyệt tiểu
Tứ nguyệt
Bát nguyệt đại
đại
tiểu
tiểu
tiểu
đại
tiểu
tiểu
tiểu
tiểu
tiểu
tiểu
tiểu
đại
tiểu
đại
đại
tiểu
tiểu
đại
đại
đại
đại
tiểu
tiểu
đại
tiểu
tiểu
tiểu
tiểu
đại
tiểu
đại
đại
tiểu
tiểu
đại
đại
tiểu
T
N
N
T
T
N
T
T
T
N
N
N
T
T
T
N
N
N
N
T
T
N
N
T
T
N
T
T
T
T
N
T
N
N
N
N
T
N

Ghi chú: để đơn giản, chúng tôi chỉ ghi các chữ cần sửa hay cần thêm vào ở cột thứ 5. Các lỗi này, cũng như các lỗi ở bảng 2, bảng 3 đều được sửa theo nguyên tắc “đa số đúng, thiểu số sai”.

2. Bảng 2: Thống kê 30 trường hợp viết sai chi của ngày sóc, nêu cách sửa lại cho đúng. Ở đây can của ngày sóc cũng như tính thiếu đủ của tháng coi như viết đúng, vì chúng phù hợp với nhau.

Bảng 2: Sửa lại hàng can chi của ngày sóc

TT Năm Viết là Sửa thành
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
Nhâm Tuất 1742
Nhâm Tuất 1742
Mậu Thìn 1748
Mậu Thìn 1748
Kỷ Tỵ 1749
Canh Ngọ 1750
Canh Ngọ 1750
Canh Ngọ 1750
Nhâm Thân 1752
Kỷ Mão 1759
Quý Mùi 1763
Kỷ Sửu 1769
Nhâm Thìn 1772
Nhâm Thìn 1772
Nhâm Thìn 1772
Canh Tý 1780
Canh Tý 1780
Canh Tý 1780
Ất Tỵ 1785
Bính Ngọ 1786
Tân Hợi 1791
Đinh Mão 1807
Bính Tuất 1826
Đinh Hợi 1827
Tân Hợi 1851
Đinh Tỵ 1857
Canh Thân 1860
Canh Thân 1860
Tân Dậu 1861
Quý Hợi 1863
Lục nguyệt đại Mậu Ngọ
Thất nguyệt tiểu Mậu Tý
Hựu cửu nguyệt đại Nhâm thọ
Thập nguyệt tiểu Nhâm Tý
Chính nguyệt tiểu Canh Ngọ
Cửu nguyệt đại Canh Ngọ
Thập nguyệt đại Canh Tý
Thập nhị nguyệt đại Canh Ngọ
Chính nguyệt đại Quý Mùi
Ngũ nguyệt đại Canh Tý
Chính nguyệt đại Kỷ Tỵ
Cửu nguyệt tiểu Canh Dần
Nhị nguyệt đại Bính Thìn
Tam nguyệt đại Bính Tuất
Tứ nguyệt tiểu Bính Thìn
Tứ nguyệt tiểu Kỷ Mão
Thất nguyệt tiểu Canh Thìn
Cửu nguyệt đại Bính
Thập nhị nguyệt đại Bính Dần
Hựu cửu nguyệt đại tân Dậu
Thập nhị nguyệt tiểu tân Dậu
Thập nhất nguyệt tiểu Mậu Thìn
Cửu nguyệt đại Kỷ Tỵ
Lục nguyệt tiểu Kỷ Mùi
Cửu nguyệt đại Quý Dậu
Thất nguyệt tiểu Canh Tuất
Chính nguyệt đại Bính Thân
Nhị nguyệt tiểu Bính Dần
Cửu nguyệt đại Bính Ngọ
Thập nguyệt đại Giáp Thân

Ngọ

Ngọ
Tuất

Ngọ

Hợi
Thìn
Mùi
Thìn
Dần
Thân
Dần
Dậu
Dần


Mùi
Sửu
Tuất
Mão
Hợi
Sửu
Thìn
Dần
Thân
Tuất
Tuất

3. Bảng 3: Có hai trường hợp viết sai can của ngày sóc, vào năm Ất Mão (1795), cần sửa như sau:

Bảng 3: Sửa lại hàng can của sóc.

Viết là Sửa thành
Bát nguyệt đại Tân Mão
Cửu nguyệt đại Tân Dậu
kỷ
kỷ

4. Bảng 4: Có một trường hợp ghi thiếu cả can lẫn chi của ngày sóc ở năm Mậu Dần (1878), cần thêm vào như sau:

Bảng 4: Thêm can chi ngày sóc

Viết là Thêm vào
Ngũ nguyệt tiểu Canh Tuất

Trên đây là 4 loại sai rất dễ xử lý. Cái khó ở đây là làm sao phát hiện cho ra những chỗ bất nhất, tức là những chỗ sai sót.

5. Bảng 5: Có hai trường hợp sai thuộc năm Mậu Thìn (1748) khó sửa hơn, vì cả 3 tín hiệu bất nhất với nhau, ở đây ta nhận xét như sau:

- Hàng chi của ngày sóc tháng 5 không phù hợp với tính thiếu đủ của tháng trước, nhưng nếu cho rằng chi của sóc tháng 5 và tháng 6 bị đảo lẫn sang nhau, thì thấy phù hợp.

- Phù hợp với điều đó nếu ta coi rằng tính thiếu đủ cũng bị đảo lẫn như vậy.

- Vì can của sóc 2 tháng giống nhau, cho nên có thể coi rằng có một sự đảo lẫn cả cụm 3 tín hiệu đó. Tóm lại có thể sửa như bảng 5.

Bảng 5: Đảo lại cả 3 tín hiệu.

Viết là Sửa thành
Ngũ nguyệt tiểu Giáp Dần
Lục nguyệt đại Giáp Thân
Đại Giáp Thân
Tiểu Giáp Dần

Kiểu sai này rất dễ xảy ra, khi bản chính viết theo lối các tháng đầu năm nằm ở khung phía trên, bản chép lại thì chuyển thành viết lần lượt các tháng từ trên xuống dưới rồi từ phải sang trái (như giả thiết chúng tôi đã nêu ở trên).

Cách sửa đó là chính xác. Khẳng định này có được là nhờ đem đối chiếu với Bách trúng kinh(11), một cuốn lịch sử triều Lê có giá trị văn bản học cao mà chúng tôi đã nêu ở bài Lịch Lê - Trịnh(12).

6. Năm Quý Tỵ (1773): Ở đây có hiện tượng chép đảo thứ tự của 2 tháng liên tiếp nhau; tháng 3 đứng trước tháng 2 nhuận. Nay cần phải sửa lại viết tháng 2 nhuận lên trước cho đúng. Loại viết đảo này có cùng một nguyên nhân như những sai sót xảy ra ở lịch năm Mậu Thìn (1718). Về “thông tin” có thể coi như không sai, nhưng nếu để nguyên như thế, khi tra cứu dễ mắc phải sai lầm.

7. Năm Đinh Hợi (1767): Tháng 9 nhuận viết không đúng chỗ quy định, mà viết vào chỗ dành cho các ngày tiết khí. Như vậy không sai, nhưng “nguy hiểm”, vì khi đọc dễ bị bỏ qua và khi tra cứu lịch có thể mắc sai lầm. Có thể lúc đầu người viết đã viết thiếu, sau đó mới phát hiện ra và điền tạm vào đó.

8. Viết thiếu hẳn một tháng năm Ất Sửu (1805)

Thiếu hẳn tháng 8 nhuận.

Về các tháng trong năm viết rất chuẩn xác, lại thấy trước đó 2 năm (năm Quý Hợi 1803) và sau đó 3 năm (năm Mậu Thìn 1808) có tháng nhuận, nên chắc năm này phải có tháng nhuận. Căn cứ vào can chi sóc tháng 8 và tháng 9 ta biết được nhuận tháng 8.

Do biết tháng 8 đủ, có ngày sóc là Tân Hợi, nên tháng 8 nhuận này phải có ngày sóc là Tân Tỵ. Biết ngày sóc tháng 9 là Canh Tuất ta suy ra tháng 8 nhuận là tháng thiếu. Bởi vậy ta phải thêm vào một cột như sau giữa tháng 8 và tháng 9:

Hựu bát nguyệt tiểu, Tân Tỵ.

Như vậy là: ngoài hai trường hợp, viết sai chỗ ở năm Quý Tỵ (1773) và năm Đinh Hợi (1767) chúng tôi đã trình bày 74 lỗi “tự sửa”, tức là các lỗi nhỏ do những “nhiễu” nhỏ gây nên, ta có thể lợi dụng độ dư thừa thông tin mà khôi phục lại thông tin ban đầu còn thiếu hay nhầm lẫn. Còn những sai sót lớn, tức là những nhiễu lớn, làm át đi hoàn toàn các thông tin nguyên thủy, ta không còn cách nào phục chế được, không thể tự sửa được, đó là trường hợp hai năm nêu dưới đây:

9. Bảng 6: Có hai năm là Mậu Dần (1758) và Quý Sửu (1798) có quá nhiều sai sót, nói một cách khác là “nhiễu quá lớn”. Lúc này lý thuyết mã cũng không giúp ích gì cho chúng ta nữa.

Năm Mậu Dần (1758) là năm Cảnh Hưng thứ 19 nhà Lê. Lịch triều Lê chúng tôi đã bàn kỹ trong bài và đi đến kết luận là có thể hoàn toàn tin cậy vào cuốn Bách trúng kinh(13), bởi vậy ta có thể lấy đó làm “ngoại viện” dùng lịch của Bách trúng kinh mà sửa lại năm này như bảng 6 dưới đây:

Bảng 6: Theo Bách trúng kinh mà sửa lại lịch năm Mậu Dần 1758

TT Viết là Sửa thành
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Tam nguyệt đại Nhâm Thìn
Tứ nguyệt tiểu Nhâm Tuất
Ngũ nguyệt tiểu Tân Mão
Lục nguyệt đại Tân Dậu
Thất nguyệt tiểu Tân Mão
Bát nguyệt đại Canh Thân
Cửu nguyệt đại Canh Dần
Thập nguyệt tiểu Canh Thân
Thập nhất nguyệt đại Kỷ Sửu
Thập nhất nguyệt đại Kỷ Mùi
tiểu Đinh Hợi
đại Bính Thìn
Bính Tuất
Ất Mão
Ất Dậu
Giáp Dần
Giáp Thân
đại Giáp Dần
tiểu Giáp Thân
Quý Sửu

Thế là chỉ còn năm Quý Sửu (1793) tạm coi như không sửa được.

*
**

Đem bản LĐNK đã đính chính đối chiếu với lịch Lê - Trịnh(14) tức là cuốn Bách trúng kinh(15) với lịch Trung Quốc(16), với lịch mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phục tính theo phép Đại Thống(17), cũng như với các sử liệu lấy trong Đại Nam thực lục(18), chúng tôi sơ bộ rút ra mấy nhận xét:

1. Phần lịch từ năm 1710 đến năm 1788 của LĐNK là lịch Lê - Trịnh; trừ năm Mậu Dần (1758) vừa nêu trên, còn lại đều trùng với bản Bách trúng kinh; cũng như cuốn Bách trúng kinh, cuốn này chỉ khác với cuốn Lịch và lịch Việt Nam ở năm Ất Sửu (1745) mà chúng tôi đã bàn trong bài Lịch Lê - Trịnh.

2. Từ năm 1789 đến năm 1801 LĐNK chép lịch Tây Sơn. Nếu ta đồng ý với phỏng đoán của giáo sư Hoàng Xuân Hãn rằng “Bắc Triều Tây Sơn dùng lịch nhà Thanh” (Hoàng Xuân Hãn, tr.70, Sđd) thì khi so sánh LĐNK với lịch Trung Quốc (Trần Viên Sđd) ta thấy có đại đồng (xem bảng 7: các tháng nhuận) và tiểu tị (xem bảng 8: các ngày sóc khác lịch Trung Quốc). Chúng tôi coi sự khác nhau về ngày sóc là sự khác nhau nhỏ, còn khác nhau về tháng nhuận là khác nhau lớn (Lê Thành Lân, Sđd).

Bảng 7: Các tháng nhuận từ năm 1789 đến năm 1812. TQ: là lịch Trung Quốc (Trần Viên - Sđd), HXH là lịch do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phục tính (Hoàng Xuân Hãn - SĐD), ĐNTL là sử liệu lấy ở Đại Nam thực lục

TT Năm TQ LĐNK HXH ĐNTL
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Kỷ Dậu 1789
Nhâm Tý 1792
Giáp Dần 1794
Ất Mão 1795
Đinh Tỵ 1797
Canh Thân 1800
Quý Hợi 1803
Ất Sửu 1805
Mậu Thìn 1808
Tân Mùi 1811
5
4

2
6
4
2
6
5
3
5
4

2
6
4
1
8
6
2
5
2
11

7
3
1
8
6
2
5
2
11

7
4
1
8
6
2

3. Từ năm 1802 đến năm 1812 ở LĐNK là lịch đầu thời Nguyễn dùng phép Đại Thống giống như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phục tính (Hoàng Xuân Hãn, tr.88, Sđd) trùng với sử sách nhà Nguyễn và rõ ràng khác lịch Trung Quốc (xem bảng 7).

4. Từ năm 1813 đến năm 1883 ở LĐNK là lịch Nguyễn dùng phép thời hiến, giống như Trung Quốc. Ta chỉ thấy có một ngày sóc là khác Trung Quốc vào năm Quý Dậu (1819) như đã nêu ở bảng 8

TT Ngày sóc Ghi theo dương lịch
LĐNK TQ
1
2
3
4
1-10 Ất Mão
1-5 Bính Thìn
1-4 nhuận Canh Thân
1-8 Kỷ Dậu
12-11-1795
6-6-1796
23-5-1800
16-9-1849
11-11-1795
5-6- 1796
24-5- 1800
17-9- 1849

Bốn nhận xét trên cho ta thấy bản LĐNK đã đính chính có thể dùng được và đáng tin cậy, nó sẽ là một trong những tài liệu cơ bản để ta khảo sát lịch Tây Sơn và lịch Nguyễn mà chúng tôi sẽ trình bày vào một dịp khác.

Trên đây, chúng tôi mới chỉ bước đầu khảo cứu cuốn LĐNK theo một khía cạnh, trong một chừng mực nào đó. Cuốn sách này cần được khảo cứu sâu hơn về nhiều mặt, chẳng hạn như xác định tác giả, năm soạn, năm sao chép, cũng như nội dung và tác dụng của nó. Chúng tôi tin rằng còn nhiều cuốn lịch có giá trị khác ở các thư viện khác cũng như trong các gia đình, bởi vậy cần đặt vấn đề sưu tầm, đánh giá, hiệu đính chúng để góp phần giải quyết triệt để vấn đề lịch Việt Nam. Những phương pháp và lập luận nêu ở đây chúng tôi đã dùng hiệu đính nhiều cuốn lịch khác khi khảo cứu lịch Lê - Trịnh (trong bài báo đã dẫn) cũng như lịch Nguyễn (sẽ công bố) và có thể coi là một phương pháp hữu hiệu để khảo cứu lịch nói chung.

CHÚ THÍCH

(1) Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Bản A.1237, kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - UBKHXH.

(2) Bách trúng kinh. Bản A.2837. Kho sách Hán Nôm, Viện Hán Nôm - UBKHXH.

(3) Lê Thành Lân: Lịch thời Lê - Trịnh, chưa công bố.

(4) Bách trúng kinh - Sách đã dẫn.

(5) Trần Viên: Trung Tây Hồi sử nhật lịch, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1962.

(6) Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghị: Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử, Nxb. KHXH, H. 1976.

(7) Hoàng Xuân Hãn: Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học xã hội, số 9, tháng 2 - 1982, Paris.

(8) Lê Thành Lân: Lịch 14 năm cuối thế kỷ và lịch thời châm cứu, Lịch văn hóa tổng hợp 1987-1990, Viện văn hóa, 1987, tr.18-23.

(9), (10) Sách đã dẫn.

(11), (12) Sách đã dẫn.

(13) Sách đã dẫn.

(14), (15), (16), (17) Sách đã dẫn.

(18) Sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên. Tập 2, 3, 4, Nxb. Sử học, 1962 - 1965.

TB

VỀ TÁC PHẨM
PHAN BỘI CHÂU NIÊN BIỂU

CHƯƠNG THÂU

Phan Bội Châu niên biểu là tập tự truyện có một giá trị lịch sử hết sức quan trọng đối với việc tìm hiểu về con người, cuộc đời hoạt động cách mạng và tư tưởng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, cũng như đối với việc nghiên cứu lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung.

Tuy vậy, trong khi sử dụng nguyên bản chữ Hán, nhất là khi sử dụng các bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này rồi so sánh với một vài tác phẩm có tính chất tự truyện khác của Phan Bội Châu viết trong những thời điểm khác nhau như Ngục trung thư (1914), Dư ngu sám (1918), Những năm Mão trong đời tôi Những cái tết tha hương (1939) v.v... không phải không có những chỗ sai biệt, không thống nhất cần phải thảo luận, trao đổi ý kiến để đi đến một “giải pháp” nhất trí.

I. LAI LỊCH TÁC PHẨM VÀ THỜI GIAN BIÊN SOẠN

1. Tên tác phẩm hay là nhan đề của tập tự truyện

Tên gọi của tác phẩm này là Tự phán như các bản dịch xuất bản ở Huế năm 1946 và năm 1956; là Tự phê phán, hay Phan Bội Châu niên biểu như các bản dịch xuất bản ở Hà Nội năm 1955 và năm 1957; là Hồi ký của Phan Bội Châu (Mémoires de Phan Bội Châu) in ở Pháp năm 1969...?; là Phan Bội Châu niên biểu (tự truyện của Phan Bội Châu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 hay cũng được gọi là Sào Nam niên biểu và Niên biểu... ở trong một số luận văn nghiên cứu của nhiều tác giả quen thuộc. Thực ra, mỗi cách gọi tên của cuốn sách đều có một căn cứ. Gọi bằng Tự phán vì người ta dựa vào cái đề mục lớn đầu tiên trong nguyên bản đề là Tự phán ở ngay sau lời Tựa. Trong lần tái bản 1957 sửa tên sách Tự phê phán thành Phan Bội Châu niên biểu, ông Tôn Quang Phiệt đã viết mục “Đính chính tên sách” cho biết: “Cuốn sách này chính tên là Phan Bội Châu niên biểu, nhưng lúc in lần thứ nhất, chúng tôi lại đề là Tự phê phán; sở dĩ có sai lầm ấy là vì lúc ở Việt Bắc, chúng tôi chỉ căn cứ vào bản sách chữ Hán sao lại mà không có nguyên bản. Trong bản sao này, người chép đã bỏ sót mất năm chữ “Phan Bội Châu niên biểu”, cho nên sau khi chép đến hai chữ “nhan viết” (nhan đề là) thì để một quãng trống, rồi qua dòng khác thì đề tiết mục đầu tiên của quyển sách là “Tự phán”. Vì thế chúng tôi đã lấy cái tiết mục “Tự phán” dịch ra “Tự phê phán”. Nay xin đính chính lại. Như vậy, tập tự truyện của Phan Bội Châu kể về cuộc đời mình từ đầu cho đến năm 1925, nhưng gọi Phan Bội Châu niên biểu mới là cái tên chính xác nhất.

2. Hoàn cảnh ra đời và niên đại tuyệt đối của tác phẩm

Một số không ít công trình biên soạn, nghiên cứu về Phan Bội Châu trong mấy chục năm nay, tuy đều có dẫn dụng những tài liệu của Phan Bội Châu niên biểu, nhưng cũng không cho người đọc biết tác phẩm này viết trong hoàn cảnh nào và thời gian nó được hoàn thành.

Ở miền Nam trước ngày giải phóng cũng có nhiều người nghiên cứu Phan Bội Châu, tuy có nhắc đến Phan Bội Châu niên biểu (mà họ gọi là Tự phán) nhưng không nói gì đến “năm sinh” của nó. Đó là trường hợp các ông Thế Nguyên trong cuốn Phan Bội Châu - Thân thế và sự nghiệp (xuất bản ở Sài Gòn, 1956) hoặc ông Trọng Đức, trong bài nghiên cứu dài, nhan đề là Hoài niệm nhà chí sĩ Phan Bội Châu (đăng trên Tạp chí Văn hóa nguyệt san số 87 và 89 tháng 11-1963 và tháng 1-1964) v.v... Duy chỉ có Nguyễn Thượng Huyền trong bài Hồi ký Cụ Phan ở Hàng Châu (tạp chí Bách khoa số 73 - 74 tháng 1-1960) là có nói tập Tự phán viết năm 1929, nhưng cũng không nói viết trong điều kiện nào. Về bản thân bài báo này có nhiều dụng ý xấu, nên đã bị giới học thuật miền Nam hồi đó tẩy chay, không tin cậy và không để ý cả đến cái niên đại 1929 ấy. Năm 1973 nhóm nghiên cứu sử, địa ở Sài Gòn, khi cho tái bản lại tác phẩm này dưới nhan đề Phan Bội Châu niên biểu (tự truyện của Phan Bội Châu) do Nguyễn Khắc Ngữ chú thích, cũng không dám khẳng định dứt khoát tác phẩm này hoàn thành năm nào, mà chỉ nói “thời gian cụ Phan viết sách này vào khoảng 1928 về trước”. Và từ cái niên đại này mà đã “có ý kiến” “phê phán” của ông Nguyễn Văn Xuân trên Tạp chí Bách khoa(1) chúng tôi vừa ghi chú ở trên.

Còn như ở miền Bắc, khi giới thiệu bản dịch hoặc sử dụng tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu, các cơ quan xuất bản và các nhà nghiên cứu đều nói về thời gian ra đời của tác phẩm, tuy ý kiến có khác nhau Đồng chí Đặng Thai Mai nói: “Tập Phan Bội Châu niên biểu viết mấy năm trước khi chết. Một tập “hồi ức” trong đó tác giả đã hết sức nhớ lại và chép lại lịch sử hoạt động cách mạng của mình từ ngày thanh niên đến năm 1925”(2) và có chua thêm “nó cũng là một tài liệu lịch sử đáng quý. Cố nhiên là cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng về một vài tiết mục nhỏ”(3). Đồng chí Trần Huy Liệu, trong bài hồi ký Nhớ lại ông già Bến Ngự nói là: “Quyển Sào Nam niên biểu, cụ Phan viết sau thời kỳ Mặt trận bình dân”(4). Còn đồng chí Tôn Quang Phiệt, trong bản dịch xuất bản năm 1955 cũng ghi rõ: “Trước khi chết, cụ Phan Bội Châu đã tự chép tiểu sử của Cụ theo thứ tự năm, tháng, kể ra những sự việc và ghi lại những cảm tưởng của mình”(5).

Riêng đối với vấn đề “hoàn cảnh ra đời” của tác phẩm, thì trong một bản sao nguyên văn tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu hiện nay còn tàng trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu VHv.2135 có một trang chép bằng chữ Nôm đề là: Lai lịch quyển Phan Bội Châu niên biểu, ghi theo lời đồng chí Đặng Thai Mai, như sau: “Nhiều người bạn muốn cụ Phan viết tiểu sử từ khi về nước. Đến năm 1937 - 40, cụ Phan mới viết. Cụ Phan sợ bị mật thám xé lấy mất, mới nghĩ ra một kế để đánh lừa chính quyền Pháp và Nam Triều. Từ ngày Cụ về nước đến nay, cũng có mươi, mười lăm thanh thiếu nhi học chữ Nho. Cụ mới lấy một quyển sách cũ của học sinh, lột từng tờ lại, rồi đến tối thì viết, sáng mai lại đóng lại như cũ. Viết được phần nào thì đem cho bạn chí thiết xem. Vì là bản nháp, nên có nhiều chỗ phải chép đi chép lại hai ba lần. Trong sách có phần chữ cụ Phan, có phần chữ cụ Hoàng (phần sau). Cụ Phan đọc để cụ Hoàng(6) chép lại. Chữ dấu son trong sách là của cụ Phan. Quyển này chép lại thực đúng sự thực, chỉ có một điểm cần kiểm tra lại: Lúc ở tù Quảng Đông ra đến Vân Nam, thấy cờ Pháp treo ăn mừng thắng trận 1914 - 18. Theo ý kiến đồng chí Đặng Thai Mai thì có lẽ không phải ăn mừng thắng trận mà là ăn mừng Mỹ tham gia chiến tranh năm 1917. Khi Cụ mất, con cả Cụ là Phan Huynh mang quyển này từ Huế về Nghệ. Lúc Cách mạng thành công, quyển này truyền từ tay người này đến tay người khác. Sau đến tay ông Nguyễn Thúc Dinh (Thượng thư hưu trí ở Nam Đàn, cách nhà Cụ Phan 3 cây số). Nguyễn Thúc Dinh có cho chép lại làm nhiều bản. Năm 1951, đồng chí Đặng Thai Mai về phụ trách trường Đại học và Khu Giáo dục khu IV, cô em đồng chí Mai được ông Phan Huynh cho biết quyển này còn ở nhà ông Dinh. Đồng chí Mai đến nhận. Cũng khi ấy, cô em đồng chí Mai còn đưa cho đồng chí một cái đồng hồ quả quít của cụ Phan nữa (hiện ở Viện Bảo tàng cách mạng). Quyển này, đồng chí Mai giao cho Thư viện khoa học xã hội bảo quản. Ghi theo lời đồng chí Mai ngày 16-11-1961, Trần Ngọc Oánh ký”.

Vì sao Cụ Phan lại viết tập Phan Bội Châu niên biểu? Đây là một việc không phải hoàn toàn do ý muốn của Cụ, mà là do yêu cầu của “nhiều người bạn muốn Cụ viết tiểu sử từ khi về nước” như đồng chí Đặng Thai Mai cho biết. Đó cũng là ý kiến của đồng chí Trần Huy Liệu đã từng bàn với Cụ: “Cụ hiện nay ở vào một hoàn cảnh chật hẹp, thiếu tài liệu... tốt hơn hết là Cụ còn sống đến ngày nay, Cụ nên viết những chuyện cách mạng mà đời Cụ đã sống, đã nghe biết để phổ biến cho đồng bào, nhất là đám thanh niên. Việc này Cụ có thẩm quyền hơn hết mọi người đương thời từ đầu thế kỷ XX đến ngày Cụ bị bắt. Nếu những tài liệu chưa có điều kiện in hết ra được thì vẫn là những của quý vô giá đợi dịp sử dụng sau này. Cụ nghe tôi nói, nhận là đúng và nói có nhiều người cũng thúc giục Cụ làm việc này”(7).

Và cũng như đồng chí Đặng Thai Mai cho biết ở trên, đồng chí Trần Huy Liệu cũng nói tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu đã phải biên soạn trong một hoàn cảnh khá bó buộc: “Để che mắt bọn mật thám, Cụ phải viết chen vào một quyển sách cũ bằng chữ Hán; viết thành từng tập nhỏ, viết xong tập nào gửi cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ giùm, sau mới đóng lại thành một quyển(8).

Chính Phan Bội Châu, ngay đầu lời Tựa cũng đã nói Phan Bội Châu về “động cơ” biên soạn sách này như sau: “Tôi từ nước ngoài bị bắt sống đem về, trói thân vào nhà pha hỏa lò, may nhờ quốc dân quá thương yêu, hãy còn chút thân sống gửi được cùng với thân bằng đồng chí là những kẻ đã hình rời bóng cách vài mươi năm trời, bỗng chốc tay bắt mặt mừng, kể tình duyên cũ ! Có kẻ thương tôi, có kẻ yêu tôi, có kẻ biết tôi, có kẻ trách vọng tôi, thảy muốn biết đầu đuôi lịch sử của tôi”. Cuối bài Tựa, tác giả đã nhấn mạnh thêm “nghĩa vụ” biên soạn rằng: “Đội ơn các thân bằng thương quá, đốc suất đến ba bốn lần bảo rằng: “Người phải gấp khi người chưa chết, viết cho xong bản sử của người”. Vậy nên cung kính phụng mệnh mà thảo tập sử này, đề là: Phan Bội Châu niên biểu.

Như vậy là vấn đề hoàn cảnh và động cơ viết tập Phan Bội Châu niên biểu đã khá rõ. Còn thời gian ra đời của tác phẩm có thể kể những ý kiến khác nhau như sau:

- Cho rằng cuốn Phan Bội Châu niên biểu được viết vào thời gian mấy năm trước khi cụ Phan mất, tức là từ 1937 - 1940. Trước đây khi nêu lên ý kiến này (1965) tôi cho rằng cuốn sách này không thể viết muộn hơn từ tháng 6/1937 trở đi(9). Khi đó tôi chưa có điều kiện đọc bản thảo gốc còn cất giấu ở khu an toàn xa Hà Nội, và cũng chưa có dịp tiếp xúc với thân nhân của cụ Phan Bội Châu ở Huế. Đến nay, kết luận ấy đã trở nên thiếu sót và sai lầm rồi.

- Về ý kiến của đồng chí Trần Huy Liệu. Gần đây trong những dịp tiếp xúc với các cụ ở Huế, nhất là với các cụ đã từng làm thư ký cho Cụ Phan thời kỳ Mặt trận Bình dân, các cụ đều cho biết: trong thời gian này Cụ Phan đã “chuyên Dịch” rồi, nghĩa là Cụ đã chuyên tâm nghiên cứu quyển Kinh Dịch và đang ra sức hoàn thành ba công trình biên khảo là Khổng học đăng, Phật học đăng Chu dịch quốc văn diễn giải. Cụ Phan không biên soạn Niên biểu nữa.

- Còn ý kiến cho rằng Phan Bội Châu niên biểu viết vào năm 1929 là đáng kể cho chúng ta tìm hiểu kỹ những chứng cớ xác đáng của nó. Thực ra thì niên đại này chúng tôi đã bắt gặp trong bài hồi ký về Phan Bội Châu do Nguyễn Thượng Huyền viết năm 1960. Nhưng ý kiến đó không đủ tin, vì nó dựa theo bản Tự phán của Anh Minh xuất bản ở Huế năm 1956, trong khi đó thì những tác phẩm của cụ Phan do Anh Minh xuất bản có nhiều chỗ tự ý cắt xén sửa chữa thêm thắt...

Thực ra vấn đề niên đại hoàn thành Phan Bội Châu niên biểu đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng nói đến trong bài tựa viết cho tác phẩm đó: “Cụ Sào Nam sau ngày viết tập Tự phán (tự tay chép lược sử đời cụ) và đưa cho tôi xem trước ngày từ trần ở lều tranh Bến Ngự ở Huế năm 1929”. Chúng tôi đã được đọc bài tựa của cụ Huỳnh Thúc Kháng mà gia đình cụ Phan còn giữ được ở Huế và cho biết: Năm 1946, ông Phan Nghi Đệ sau khi cho xuất bản phần đầu tập “di cảo” Tự phán của cụ thân sinh đã được bạn bè góp ý là nên có một bài tựa của cụ Huỳnh để thêm phần giá trị. Ông liền đến xin bài tựa của cụ Huỳnh, cụ vui lòng nhận lời ngay. Vì vậy, trong lời quảng cáo cho Tự phán phần II dự định phát hành vào ngày 15-11-1946 có câu: “sẽ có thêm bài tựa của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng”. Nhưng rồi mặt trận Huế vỡ, thực dân Pháp tràn vào, phần II không xuất bản kịp. Thế là tập Tự phán (trọn bộ) do cụ Phan tự dịch không ra mắt được với đông đảo bạn đọc vì chiến tranh bùng nổ, chứ không phải vì “bị Việt Minh khám xét tịch thu tất cả tài liệu; làm cho anh em tan tành cả vốn liếng!” như Anh Minh đã nói trong “Lời nhà xuất bản” (Huế, 1956). Đến nay, gia đình cụ Phan vẫn còn giữ tập bản thảo đánh máy toàn văn tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu đầy đủ gồm 183 tr; khổ 30cm x 20cm, lại có kèm theo cả bài Tựa của cụ Huỳnh viết năm 1946. Trong bài Tựa, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định Phan Bội Châu niên biểu viết vào năm 1929. Đó là chứng cớ thứ nhất.

Chính cụ Phan cũng cho chúng ta hai chứng cớ về ngày tháng viết tập Tự truyện này:

Trong một bản nguyên văn chữ Hán mà gia đình cụ Phan ở Huế còn giữ được - đây là một trong những bản gốc, có bút tích của cụ Phan - thì ở dòng cuối cùng cuốn sách, trước phần Phụ lục chép bức thư gửi cụ Phan Tây Hồ có đề rõ ngày tháng là: “Cửu nhật thập nguyệt, Kỷ Tỵ, thiên cửu bách nhị thập cửu niên” (ngày 9 tháng 10 năm Kỷ Tỵ 1929). Dòng chữ này ở trong một bản gốc (bản thảo đầu tiên) khác hiện có ở Viện Hán Nôm, vì bị rách sờn không thể đọc được.

Trong nguyên bản và các bản dịch có một chi tiết có thể cho ta biết niên đại của bản thảo chữ Hán. Đó là đoạn viết: “Cự kim lục niên tiền, Phan Bá Ngọc bối dĩ cam ngôn dụ quân yếu hồi quốc nội nhậm cao đẳng giáo viên chức...” (tác giả tự dịch như sau: Cách nay trước sáu năm, bọn Phan Bá Ngọc thường ngon ngọt dỗ ông kéo về trong nước, làm chức cao đẳng giáo viên...). Sáu năm trước tức là năm 1922, năm Phan Bá Ngọc sau khi đi Bắc Kinh gặp Hoàng Đình Tuân, rồi trở về thì bị ám sát chết. Vậy thì năm viết đoạn này của tập Tự truyện phải là năm 1928 hay đầu năm 1929. Nguyễn Khắc Ngữ đã từng phát hiện cứ liệu này, nhưng ông Ngữ cũng không đi sâu thêm để giải quyết cho sáng tỏ vấn đề niên đại của tác phẩm.

Ngoài ra cũng có thêm một cứ liệu nữa ghi ở trang 183 của bản dịch đánh máy là: “Tân vị, dương lịch 1931”, có nghĩa là bản chữ Hán phải được hoàn thành từ những năm trước đó. Như nay chúng ta có thể xác định: Nguyên bản chữ Hán của tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu được hoàn thành vào năm 1929, đúng như cụ Huỳnh đã mách bảo ở trong bài Tựa viết cho bản dịch dự định xuất bản năm 1946.

II. NHỮNG BẢN GỐC VÀ NHỮNG BẢN SAO CHỮ HÁN

1. Nói là những bản gốc (bản thảo mang bút tích tác giả), vì ít ra là hiện nay chúng ta cũng có hai bản, chứ không phải như ông Nguyễn Văn Xuân nói: “chắc trong nước Việt Nam, không hy vọng tìm đâu ra một bản sao đúng hơn”, bản sao duy nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng mà ông Xuân đã được đọc!

- Bản gốc thứ nhất: thực tế là bản thảo đầu tiên (bản nháp) như chúng ta đã biết, nó đã có mặt ở miền Bắc từ cuối năm 1940. Bản này do ông Phan Nghi Huynh được cụ Huỳnh Thúc Kháng giao cho mang về Nghệ An, qua một thời gian lưu giữ trong các thư viện gia đình, cuối cùng đã chuyển đến Thư viện Khoa học xã hội (nay sách do Viện Hán Nôm lưu giữ). Bản này mang ký hiệu VHv.2138. Đó chính là bản mà đồng chí Đặng Thai Mai đã kể cho biết “lai lịch” ở phần trên.

- Bản gốc thứ hai: Bản này mới phát hiện được ở Huế sau ngày miền Nam giải phóng, do cụ Võ Mạnh Phác (vốn là bạn Thân của ông Phan Nghi Đệ) gửi trả lại cho gia đình cụ Phan nhân dịp giỗ Cụ ngày 29-10-1975. Bản này cụ Phác giữ đã hơn 40 năm nay ở “Võ Mạnh Phác tàng thư” tại Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam. Cuốn sách đã rất cũ, viết trên giấy bản, hàng 9, dày 250 trang (so với cuốn gửi về Bắc, dày tới 370 trang, vì viết thưa, lại viết giữa 2 hàng chữ của một quyển vở tập viết của học sinh). Cuốn này, theo Cụ Phác cho biết là bản “chép tinh lại” của bản thảo trên. Trong bản này có đến ba thứ chữ khác nhau, nhưng đều vào loại chữ rất đẹp, già dặn. Đặc biệt là có cả chữ của cụ Phan Bội Châu trong một số đoạn viết bằng mực đen nhạt. Còn phần chấm câu, thêm chữ sót thì bằng bút son và toàn bộ nét chữ son này là bút tích của cụ Phan. Do đó, chúng tôi coi đây là bản gốc thứ hai, rất quý.

So sánh bản thứ hai này với bản thảo thứ nhất (do ông Phan Nghi Huynh mang về Bắc từ trước) thì không có chi tiết nào sai biệt, ngoài điểm duy nhất là: ở bản Phan Nghi Đệ (Huế) thì có đủ ngày tháng hoàn thành viết ở cuối sách, còn ở bản Phan Nghi Huynh thì dòng chữ nhỏ viết sát lề sách ấy đã bị sờn rách không đọc được nữa.

Có thêm bản gốc thứ hai này, giới nghiên cứu học thuật có điều kiện để nghiên cứu văn bản, và tránh được những điểm xuyên tạc như ở trường hợp Anh Minh. Nhân đây, cho phép chúng tôi được tỏ lòng kính trọng và vô cùng biết ơn bà Phan Nghi Đệ và cụ Võ Mạnh Phác đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu và ý kiến liên quan rất quý báu.

2. Các bản sao: Từ hai bản gốc nói trên, đã có tất cả 14 bản sao sau đây:

1. Bản của Huỳnh Thúc Kháng chép lại, chữ hơi thảo (theo Nguyễn Văn Xuân, trong bài đăng ở tạp chí Bách khoa, Sài gòn, số 396).

2. Bản chữ Hán chép chữ chân, sao lại từ bản nói trên (Bản này do Anh Minh giữ).

3. Bản của Nguyễn Thúc Dinh (theo Đặng Thai Mai viết trong Lai lịch Phan Bội Châu niên biểu đã dẫn ở trên).

4. Bản của Hoàng Xuân Hãn (hiện ở Paris) chép theo bản ở gia đình Nguyễn Thúc Dinh khoảng 1942 - 1943.

5. Bản của Đặng Thai Mai chép theo bản Phan Nghi Huynh.

6. Bản sao thứ nhất của Thư viện Khoa học xã hội, chép theo bản Đặng Thai Mai mang ký hiệu VHv.2134 (Viện Hán Nôm).

7. Bản sao thứ hai của Thư viện Khoa học xã hội mang ký hiệu VHv.2135 (Viện Hán Nôm).

8. Bản của Viện Sử học chép theo bản sao nói trên của Thư viện Khoa học xã hội.

9. Bản của Tôn Quảng Phiệt chép theo bản của Viện Sử học.

10. Bản của Chương Thâu chép theo bản của Thư viện Khoa học xã hội.

11. Trên tờ Viễn Đông nhật báo xuất bản ở Chợ lớn năm 1962 cho biết là có một vị lão nho tên là Phạm Lão đã giao cho ký giả của tờ báo này một tập Niên biểu của Phan Bội Châu nhà cách mạng tiền bối Việt Nam. Đây cũng là một bản sao nữa của cuốn Phan Bội Châu niên biểu, mà chúng tôi tạm gọi là bản của Phạm Lão.

12. Từ bản chữ Hán của Phạm Lão cung cấp, tờ Viễn Đông nhật báo đã cho đăng toàn văn với nhan đề là Phan Bội Châu tiên sinh tự truyện kèm theo tiểu mục Việt Nam dân tộc cách mạng kỳ túc (Nhà cách mạng dân tộc lão thành Việt Nam) kể từ số báo ra ngày 5-8-1962 đến 27-9-1962.

13. Gia đình ông Trần Viết Ngạc ở Huế cũng có một bản sao Phan Bội Châu niên biểu đóng làm 2 tập, chữ chân, chưa rõ xuất xứ.

14. Bản sao cuối cùng mà chúng tôi biết được (qua Nguyễn Văn Xuân) là bản của S. Utsumi ở Miyoto, Nananoken (Nhật Bản) do Anh Minh cung cấp.

Như vậy là về nguyên văn chữ Hán, Phan Bội Châu niên biểu có khá nhiều bản. Trong số này, may mắn là còn bảo tồn được hai bản gốc có thủ bút của cụ Phan. Đó là hai văn bản rất quý. Hơn chục bản sao còn lại cũng là những tài liệu để nghiên cứu tham khảo cần thiết (ngay cả đối với bản mà Anh Minh sử dụng cũng có giá trị đối chiếu để thấy được những chỗ mà ông đã xuyên tạc thêm thắt...).

III. NHỮNG BẢN DỊCH VÀ GIÁ TRỊ CỦA NÓ

Do tầm quan trọng của nó, như từ trước đến nay đã có nhiều bản dịch, kể cả một số bản dịch ra tiếng nước ngoài:

1. Các bản dịch tiếng Việt:

- Bản dịch đầu tiên được xuất bản ở Huế năm 1946, nhan đề là Tự phán - Tập I, do ông Phan Nghi Đệ giữ bản quyền và Tâm Tâm thư xã phát hành. Sách mới in được phần I, dày 94tr, khổ 13x19cm. Bản này chính là bản do Phan Bội Châu tự dịch.

- Bản thứ hai là bản của Nhà xuất bản Anh Minh ở Huế năm 1956. Trong Lời nhà xuất bản, Anh Minh viết: “Bản lịch sử này tự tay cụ Sào Nam viết ra từ năm 1929 bằng Hán văn và tự cụ dịch ra quốc văn, cụ Minh Viên nhuận sắc. Năm 1938, cụ Sào Nam cho chúng tôi đánh máy ra làm 4 bản (cụ lấy 2 bản và cụ Huỳnh Mính Viên giữ 2 bản). Năm 1943, nhân một du học sinh Nhật Bản thường qua lại nhà in Tiếng Dân mượn sách xem, cụ Huỳnh đã tặng cho anh ấy một bản, còn một bản và một bản nguyên cảo (cả Hán văn và bản dịch Quốc văn) giao cho chúng tôi giữ... Nay chúng tôi vẫn để nguyên vẹn, chỉ thêm một dòng phụ, thành ra Tự phán - Lịch sử cách mạng cụ Sào Nam do tay cụ tự viết.

Thực ra, trong bài Tựa (1946), cụ Huỳnh đã nói rõ là cụ Sào Nam chỉ đưa cho Cụ xem bản chữ Hán mà thôi. Còn đối với bản dịch mà con cụ Phan đã đưa in được gần một phần ba (58 trong tổng số 183 trang đánh máy), thì cụ Huỳnh có nhận xét là: “Tập này cụ Phan viết nguyên văn chữ Hán và tự dịch ra quốc văn, tinh thần Hán văn mười phần thì bản quốc văn được độ năm phần, vì cụ Phan không sở trường quốc văn và không có thời giờ mà chữa nên không được tròn, song ý chính thì không sai”. Như vậy không phải cụ Huỳnh nhuận sắc văn dịch của cụ Phan, như Anh Minh đã nói. Điều đáng lưu ý ở bản dịch này là Anh Minh đã bịa ra những tiểu mục có ác ý xuyên tạc như: “Giao thiệp với người Nga và thấy chỗ xảo quyệt của họ” v.v... Anh Minh còn cắt bỏ nhiều đoạn quan trọng của bản dịch gốc này nữa, như đoạn nói về mối quan hệ giữa cụ Phan với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đoạn nói lên cảm tình của cụ Phan đối với Nhà nước lao nông Nga xô viết, với đại sứ Liên xô ở Bắc kinh v.v... Đồng thời y lại đưa ra những “cước chú” rất độc ác, như dưới câu nguyên văn “Còn như phí dụng trong khi tại học và khi về nước, nhất thiết do Lao Nông chính phủ đảm nhận cả”, y đã chú “Xem đó đủ thấy ngón dụ dỗ người của Nga Sô khôn khéo tuyệt, khiến cho lắm kẻ mắc lầm!”. Trong khi đó, có những chỗ trong nguyên bản xem ra có thể làm mếch lòng những ai “đồng bệnh” với y thì y tước bỏ như đoạn cụ Phan chỉ trích tên Việt gian Nguyễn Bá Trác v.v... Do đó có thể nói giá trị của bản dịch này rất kém, hơn nữa sử dụng bản dịch này cần cảnh giác loại trừ những chỗ đã bị sửa chữa xuyên tạc khi tham khảo đối chiếu.

- Bản dịch xuất bản ở Hà Nội năm 1955 và năm 1957 của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt. Về bản này, các dịch giả đã làm việc một cách khá nghiêm túc, khoa học. Dịch khá chính xác, văn phong sáng sủa, diễn đạt rõ ràng, lại có ghi rõ xuất xứ và có chú thích những chỗ cần thiết. Nói chung đó là bản dịch đã đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu về Phan Bội Châu. Tuy vậy, khi rà soát lại, chúng tôi thấy ở bản dịch đó cũng có một số sai sót cần đính chính bổ sung. Đối chiếu với nguyên bản mang ký hiệu VHv.2138 thì bản dịch này bỏ sót trên dưới vài chục chỗ, có chỗ là một đoạn dăm, mười dòng, có chỗ là một vài câu, có chỗ là năm bảy chữ. Cũng có khá nhiều chỗ dịch sai hoặc phiên âm lầm (có lẽ vì căn cứ theo một bản sao không chính xác, nên có sự “thất bản” như vậy).

Bản dịch do nhóm Nguyễn Khắc Ngữ giới thiệu và Chú thích: xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 thì chính là bản của Anh Minh. Bản này nhờ dựa theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt xuất bản ở Hà Nội, nhưng lấy lại đúng nhan đề là Phan Bội Châu niên biểu, đồng thời có tham khảo bản dịch tiếng Pháp của G. Boudarel, nên đã thêm được một số cước chú có giá trị. Nhưng bản này vẫn là bản của Anh Minh, vẫn lặp lại hơn 70 tiêu đề bậy bạ của Anh Minh. Cuối cùng bản dịch này lại bỏ mất bài tựa của cụ Huỳnh Thúc Kháng, làm ảnh hưởng đến thiện chí của nhóm nghiên cứu Sử, Địa.

2. Các bản dịch ngoại văn:

Ở nước ngoài cũng có một số bản dịch Phan Bội Châu niên biểu như: ở Tiệp Khắc có bản dịch của I a Zborilova, ở Liên Xô có bản dịch của A. Voronine (hai bản dịch này chúng tôi chưa được đọc mà chỉ mới biết qua sự giới thiệu của bạn bè). Ở Nhật Bản, theo Nguyễn Văn Xuân, có bản dịch của S. Utsumi ở Miyota Naganoken dịch xong từ năm 1972 (chúng tôi cũng chưa có trong tay).

Một bản dịch khác rất đáng lưu ý là: bản dịch tiếng Pháp của Georges Boudarel, đề là Memoires de Phan Bội Châu (Hồi ký của Phan Bội Châu) in trọn trên tạp chí Pháp Á (France Asie) số 194 - 195 năm 1969 ở Paris. Bản dịch có 171 Chú thích: lịch sử rất công phu. Bản dịch này căn cứ theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt xuất bản ở Hà Nội năm 1957. Những ưu điểm của nó đã được người dịch cho biết một phần nào qua Lời nói đầu ( tr.7-8 tạp chí đã dẫn). Theo Boudarel những Chú thích: đó chủ yếu rút từ tài liệu của các sổ lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao và của Bộ Thuộc địa Pháp mà ông đã đọc được ở Paris. Đó là những giữ liệu rất quý cho các nhà nghiên cứu nước ngoài tham khảo về lịch sử cách mạng Việt Nam.

3. Bản dịch do Phan Bội Châu tự dịch:

Như đã nói ở trên, bản dịch này năm 1946 mới in được non một phần ba và không đề tên người dịch, nhưng những người trong gia đình cụ Phan (và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng) đều nói là chính cụ Phan Bội Châu tự dịch ra quốc văn và học trò chép lại nhờ Tòa báo Tiếng Dân đánh máy cho. Bản dịch này chứa đựng một số khuyết nhược điểm nhất định như hành văn có phần lủng củng, ngắt câu, ngắt đoạn không chỉnh. Nhiều chỗ dùng thổ âm xứ Nghệ, nhiều từ Việt cổ, và có quá nhiều từ Hán Việt nay không thích dụng nữa. Vì đây là một bản dịch của chính tác giả, nên có nhiều ưu điểm nổi bật. Trước hết là nó rất trung thành với nguyên ý, trong đó có chỗ giải thích rất kỹ, mà thực ra ý ấy ở nguyên văn chữ Hán thì rất cô đọng, ngắn gọn. Lại có nhiều tên người tên đất được người dịch ghi rõ mà ở nguyên bản tác giả như có ý giữ bí mật, chỉ dùng những từ “mỗ” để biểu đạt. Điều này chỉ có tác giả mới có thẩm quyền nói ra mà thôi. Chúng tôi cho rằng đây cũng là một tài liệu gốc (bản dịch) rất quý, giúp ích nhiều cho việc tham khảo. Có thể nêu một ví dụ như ở trang 201 (bản dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt):

“Tôi nhận thấy phong trào hiện nay đã dần dần khuynh hướng về cách mạng thế giới, mới thảo luận với các đồng chí thủ tiêu hội Quang phục cải tổ thành “Việt Nam quốc dân đảng”, bèn thảo chương trình và cương lĩnh của đảng quốc dân Việt Nam, đưa in để tuyên bố! Nội dung chia làm 5 bộ phận lớn là: bộ Bình nghị, bộ Kinh tế, bộ Chấp hành, bộ Giám đốc, bộ Giao tế. Quy mô tổ chức đại lược cũng theo như chương trình Quốc dân đảng Trung Hoa mà châm chước thêm bớt ít nhiều. Đó là một thủ đoạn theo thời mà thay đổi. Sau khi đảng cương và chương trình tuyên bố chưa được 3 tháng, thì ông Nguyễn Ái Quốc ở thủ đô Nga là Mạc-tư-khoa về Quảng Đông, thường thường bàn với tôi nên sửa đổi lại. Tháng chín năm ấy tôi rời Quảng Đông về Hàng Châu, định đến tháng 5 năm Ất Sửu (1925) sẽ trở về Quảng Đông để cùng các đồng chí trú ngụ ở đây quyết nghị việc này, nhưng chẳng may tôi bị bắt. Đến bây giờ chương trình và Đảng cương Việt Nam quốc dân đảng có sửa lại như thế nào tôi không được rõ”.

Bản tác giả tự dịch đã diễn giải khá kỹ như sau:

“Tôi xem chừng phong triều thời đại bây giờ đã khuynh hướng về thế giới cách mệnh, tôi mới thương xác với cả thảy đồng chí, thủ tiêu Quang Phục hội, mà cải tổ làm Việt Nam quốc dân Đảng. Tôi mới khởi thảo một bản Việt Nam quốc dân đảng chương trình và Việt Nam quốc dân đảng đảng cương, ấn hành tuyên bố ở trong anh em các xứ, mà cũng để cho người quốc dân đảng Trung Hoa xem. nội dung ở trong chia làm 5 đại bộ:

1. Kinh tế bộ; 2. Bình nghị bộ; 3. Chấp hành bộ; 4. Giám đốc bộ; 5. Giao tế bộ. Ở trong chấp Hành bộ lại đặt ra 6 ty: 1. Văn độc ty, 2. Tuyên truyền ty, 3. Tài chính ty, 4. Huấn luyện ty, 5. Quân sự ty, 6. Thứ vụ ty.

Quy mô tổ chức ở trong bản chương trình này, tất thảy dựa theo khuôn mẫu của Trung Quốc quốc dân Đảng mà châm chước thêm bớt, cầu cho đúng với tình hình nước ta, cũng là một thủ đoạn tùy thời cải cách đó vậy.

Việc ấy sắp đặt xong, đến tháng chín năm Giáp Tý thì tôi trở về Hàng Châu; còn những chương trình, đảng cương của Việt Nam quốc dân đảng thảy tôi cũng cho ông Hồ Tùng Mậu tìm cách đưa về trong nước. Nhưng tôi đã về Hàng Châu rồi, thì có đưa về nước hay không, tôi không được biết.

Sau tôi về Hàng Châu mới được hai tháng, tức là tháng 11 năm Giáp Tý, Nguyễn Ái Quốc tiên sinh từ Mạc - tư - khoa kinh thành nước Nga về đến Quảng Đông, ý ông chưa lấy chương trình, đảng cương này làm hoàn thiện, ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi bảo phải sửa sang nhuận sắc lần nữa, nhưng chưa được bao lâu thì tôi bị bắt về Hà Nội. Bản chương trình Việt Nam quốc dân đảng, bây giờ có thay đổi ra thế nào không, tôi không biết”.

Như vậy, chúng ta thấy bản tác giả tự dịch cho biết khá nhiều chi tiết qua trọng mà ngay trong nguyên văn không nói đến. Chỉ riêng một đoạn này cũng giúp ta xem xét lại một số nhận định cũ. Chẳng hạn chúng ta vẫn tưởng là cụ Phan Bội Châu có gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Đông vào cuối năm 1924. Sự thực thì chỉ có sự trao đổi thư từ giữa hai người và chỉ có sự tiếp xúc với đại diện của cụ Phan là Hồ Tùng Mậu mà thôi. Về điểm này, trong bản dịch của Boudarel có một cước chú đúng đắn như sau:

“Căn cứ vào toàn bộ đoạn trên thì Phan Bội Châu không gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu. Thật vậy, Phan Bội Châu nói ông ta đã ở tại thành phố này từ tháng Bảy - nghĩa là 2 tháng sau vụ Phạm Hồng Thái ném bom - tới tháng Chín, tức là khoảng từ tháng 8 đến tháng 10/1924. Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu gần 3 tháng sau khi chương trình của một đảng mới - Việt Nam quốc dân đảng được công bố. Nếu tính đến cả sự chậm trễ trong việc soạn thảo, thông qua và đưa in các văn kiện này thì nó phải được in xong sớm nhất là tháng 9-1924, mà mãi tới tháng 12-1924 thì Nguyễn Ái Quốc mới về tới Quảng Châu. Vậy giữa lúc Phan Bội Châu rời khỏi Quảng Châu và lúc lãnh tụ cộng sản về tới đây cách nhau từ một đến hai tháng” (Tạp chí France - Asie; Tài liệu đã dẫn tr.195).

IV. NHỮNG SAI BIỆT GIỮA CÁC TẬP “TỰ TRUYỆN” CỦA PHAN BỘI CHÂU VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Ngoài Phan Bội Châu niên biểu cụ Phan còn có một số tác phẩm có tính chất tự truyện hồi ký khác nữa, trong đó có: Ngục trung thư, viết đầu năm 1914. Tập này có ý nghĩa như là một bức thư tuyệt mệnh của một chí sĩ cách mệnh trối trăn lại với các đồng chí những điều “đắc thất”, những kinh nghiệm “hay dở” của mình. Các sự việc dừng lại ở năm 1913. Tất nhiên về sau những “sự kiện lịch sử” của thời gian trước 1913 cũng được tác giả nhắc lại trong Bội Châu niên biểu việc đó là giống với Phan Bội Châu niên biểu, nhưng cũng có không ít những điều sai biệt cả về thời gian lẫn nội dung. Tuy vậy, giữa hai tài liệu này có điều đó, không khỏi làm cho người nghiên cứu phân vân khó xử. Trước đây đồng chí Trần Minh Thư đã sơ bộ nêu vấn đề này trong bài viết “Từ Ngục trung thư đến Phan Bội Châu niên biểu” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 69 tháng 12/1964, trong đó tác giả đã so sánh đối chiếu vấn đề sử dụng Ngục trung thư và Niên biểu ở một số công trình nghiên cứu để xem xét cách “xử lý” sự khác biệt ấy như thế nào. Tuy vậy tác giả vẫn không nêu lên cách giải quyết nào triệt để.

Căn cứ vào những sự kiện không phù hợp giữa các tập tự truyện của Phan Bội Châu, chúng tôi mạnh dạn đưa ra nguyên tắc sau đây:

- Về thời gian xảy ra sự việc, căn bản nên dựa vào Ngục trung thư và tham khảo thêm Phan Bội Châu niên biểu. Vì rằng khi viết Ngục trung thư, các sự việc xảy ra cách xa lâu nhất chỉ mới khoảng 10 năm (lấy mốc so sánh Ngục trung thư Niên biểu là từ năm 1900), lúc này cụ Phan Bội Châu mới trên 40 tuổi, trí nhớ còn tốt, nên đỡ sai sót lầm lẫn hơn so với khi viết Niên biểu (lúc này cụ Phan đã già, trí nhớ bị giảm sút).

- Về nội dung sự việc thì nên theo Phan Bội Châu niên biểu, và tham khảo thêm Ngục trung thư. Vì: Niên biểu trình bày rõ ràng chi tiết hơn Ngục trung thư, lại có cả bình luận và cảm tưởng của tác giả nữa, giúp ta hiểu rõ hơn sự chuyển biến tư tưởng của tác giả qua từng nội dung sự việc. Về mặt này, Ngục trung thư không bằng Niên biểu, Ngục trung thư viết trong một thời gian khá gấp gáp vội vàng trước khi biết mình sẽ có thể phải chết nay mai, nên không thể kể lể dài dòng, phân tích sâu được (Nhưng cũng có thể do chỗ gấp gáp vội vàng mà cụ Phan cũng có thể nhớ sai cả ngày tháng, nên chúng tôi nói “căn bản chưa nên dựa vào Ngục trung thư” là vì thế). Về toàn bộ khoảng thời gian xảy ra sự việc trong hơn 10 năm ấy (1900 - 1913) thì dẫu sao Ngục trung thư vẫn chính xác hơn Niên biểu. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh cái trí nhớ rất tốt (cường ký) của cụ Phan. Cho nên, những ngày tháng mà Cụ chép trong Ngục trung thư như khi Cụ đến Phồn Xương gặp Hoàng Hoa Thám là “mồng 8 tháng Tám năm Quí Mão” thì ngay cách nói khẳng định này, đủ làm cho chúng ta dễ tin hơn là nói một cách phiếm định “tháng 11, tôi muốn thân hành đến yết kiến Hoàng tướng công” như trong Niên biểu; hoặc trong Ngục trung thư. Phan Bội Châu nói một cách dứt khoát: “mồng 5 tháng Năm năm Nhâm Tý, anh em trong Đảng sửa sang, tổ chức lại thành ra Hội Việt Nam quang phục”, khác hẳn với cách nói nước đôi, trước sau không nhất trí như khi viết Niên biểu vào năm 1929, mà trong thì có những nhầm lẫn rõ ràng, như niên biểu ở đoạn trước nói Việt Nam quang phục hội thành lập vào thượng tuần tháng Hai, ở đoạn sau lại nói thành lập vào khoảng ba thu năm Nhâm Tý. Trong một tài liệu khác, ở bài hồi ký Những cái tết tha hương viết năm 1939 (tuần báo Ngày nay, số Tết) cụ lại nhớ Việt Nam quang phục hội ra đời vào mùa xuân năm Quý Sửu (1913). Cũng có nhầm lẫn.

Cũng nên nói thêm là khi Cụ viết Niên biểu, do chỗ tuổi già, sức yếu, trí nhớ kém, nên ngoài những chỗ lầm lẫn về sự việc của khoảng thời gian 1914 - 1925, như: bài thơ Bị giam ở Hỏa Lò làm năm 1925, cụ lại nhớ ra là làm ở nhà ngục Quảng Đông năm 1913 (?). Thời gian xảy ra sự việc thì Ngục trung thư đáng tin cậy hơn, Niên biểu không có nghĩa là tuyệt đối, và cũng không có nghĩa là phủ nhận Niên biểu về mặt này. Bởi vì cũng có những chỗ trong Niên biểu có ghi rõ cả ngày tháng và gắn liền với một kỷ niệm sâu sắc nào đó của Cụ lúc thiếu thời thì khó mà quên được. Dựa vào Ngục trung thư và tham khảo Niên biểu cũng có nghĩa là đi vào từng trường hợp cụ thể, tất nhiên phải cân nhắc kỹ giữa những chỗ ghi thời gian xảy ra sự việc ở hai tác phẩm không chênh lệch nhau nhiều quá, hoặc nội dung sự việc không mâu thuẫn nhau nhiều quá, chỗ nào chưa có đủ bằng cứ để khẳng định dứt khoát tốt nhất là cứ nên dùng những thuật ngữ phiếm chỉ, như trường hợp này: “Khoảng những năm...”, “khoảng đầu năm...”, “khoảng cuối tháng...” v.v...

Đối với những sai biệt trong “nội dung các sự việc” thì cũng nên xét trong điều kiện tương đối, nghĩa là khi chưa có một chi tiết gì thật đột xuất xảy đến có thể làm xoay chuyển một nhận định nào quan trọng thì cũng nên nhìn nhận cái đại thể của sự việc, cái chung nhất của sự việccó chép ở cả hai tác phẩm.Chẳng hạn việc Phan Bội Châu “vào Nam rồi ra Bắc” là do Đặng Thái Thân gợi ý hay là bản ý của Cụ ? Việc chọn Hoàng Thân Cường để làm minh chủ là do Tiểu La bàn hay là Cụ có ý định từ trước? Việc Phan Bội Châu trở về Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi là do Trần Kỳ Mỹ, Trương Bình Lâm mời, do Phan Bá Ngọc khuyên, hay do chính Cụ cũng có ý định rồi? v.v... Nội dung những sự việc đại loại như vậy, theo chúng tôi thì không quan trọng lắm, dù sao cũng đã thành hiện thực, dù có ai “gợi ý”... thì cuối cùng cũng đã do Phan Bội Châu thực hiện, nếu cẩn thận hơn, chúng ta có thể ghi thêm một Chú thích: để đảm bảo tính khoa học cao độ thì càng tốt.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Nguyễn Văn Xuân - Từ Tự phán đến Phan Bội Châu niên biểu, Tạp chí Bách khoa, Sài gòn, số 396, 8-1973.

(2), (3) Đặng Thai Mai: Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn hóa, văn hóa, HN, 1958, tr. 84, 85.

(4) Trần Huy Liệu: Nhớ lại ông già Bến Ngự, Nghiên cứu lịch sử số 47, tháng 2-1963.

(5) Tôn Quang Phiệt và Phan Trọng Điềm: Phần chú thích: Tự phê phán, Nxb văn sử địa, Hà Nội, 1955, tr.5.

(6) Cụ Hoàng đây có lẽ là Cụ Hoàng Xuân Hành, tục gọi là Cố cháu Giám, người Nghệ An, từng bị tù Côn đảo về sống với Cụ Phan ở Bến Ngự những năm 1928 - 1940.

(7), (8) Nhớ lại ông già Bến Ngự, tài liệu đã dẫn.

(9) Xem Chương Thâu: Về hai tập tự truyện của Sào Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 69, 12-1984./.

TB

VỀ VĂN BẢN
VIỆT SỬ CƯƠNG GIÁM KHẢO LƯỢC

DƯƠNG THÁI MINH
NGUYỄN THÚY NGA

VIỆT SỬ CƯƠNG GIÁM KHẢO LƯỢC(1) là tác phẩm luận bàn về lịch sử và địa lý, có một vị trí đặc biệt trong ngòi bút của Kỳ Xuyên (hiệu của Nguyễn Thông). Mặc dầu vậy, Khảo lược, vẫn chưa được giới thiệu đầy đủ về giá trị nội dung cũng như về văn bản... Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 160 (1827 - 1987) năm sinh của Kỳ Xuyên, đồng thời cũng là năm tác phẩm tròn 110 tuổi (1877 - 1987) chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về văn bản tác phẩm Khảo lược này của ông.

Khảo lược gồm 7 quyển, chia thành hai phần rõ rệt. Nội dung các quyển tóm tắt như sau:

Q. I: Tiền biên.

Q. II: Chính biên, gồm một số vấn đề của lịch sử dân tộc từ kỷ Hùng Vương đến thuộc Minh như: trăm trai, tục truyền sinh từ trăm trứng, tục xăm mình, chuyện về Lý Ông Trọng, Đinh Tiên Hoàng đặt vạc nuôi hổ... Ngoài ra, tác giả còn luận tới nhiều thuật ngữ như Thứ sử, Đông cung và những nhân danh, địa danh...

Q. III: An Nam, gồm các mục: Tinh dã (địa phận ứng với sao trên trời). Quỹ độ (do theo bóng mặt trời ở các điểm tỉnh lỵ trong cả nước). Khí hậu. Đường bộ. Đường thủy. Đinh khẩu (số đinh thời Gia Long, Minh Mệnh và Thiệu Trị). Vận tải đường biển. Đạo giáo.

Q. IV: Khảo về nước Làm Ấp (Phụ chép thơ văn, Phụ khảo về Thạch Bích, Châu Nhai, Đam Nhĩ, Vạn Lý Trường Sa).

Q. V: Khảo về nước Chân Lạp (Phụ khảo Phù Nam, Cảng Khẩu, Côn Sơn. Phụ chép chuyện cũ).

Q. VI: Khảo về nước Xiêm La

Q. VII: Khảo về nước Nam Chiếu (phụ chép nhiều thơ, ca, truyện. Phụ khảo nước Ai Lao, có chép nhiều truyện cũ).

Ngoài những quyển chính kể trên đây, tác phẩm còn có “Quyển thủ” (tên do chúng tôi đặt) gồm các bài sau đây:

Tựa: Nguyễn Thông nói về thời gian và phần việc tham gia khảo duyệt, góp ý 167 điều (Tiền biên 43 điều, Chính biên 124 điều), về việc gia công sửa chữa Nguyên bản và soạn thêm phần địa lý Việt Nam và các nước láng giềng để thành sách Khảo lược. Cuối cùng Nguyễn Thông khiêm tốn cho mình học vấn nông cạn và lấy làm tiếc chưa đủ sức để khảo duyệt phần nhà Lê.

Tờ tâu: viết ngày 2 tháng 6 năm Tự Đức 29 (12-7-1876) là lời của cả nhóm (do Nguyễn Thông chấp bút) xin hứa thực hiện tốt nhiệm vụ trong vòng ba tháng: sáu, bảy, tám và xin nhà vua cho mượn bộ Nhị thập nhất sử(2) để tham khảo.

Bảng mục lục: ghi tên bảy quyển.

Bài tỏa ngôn (lời nói nhỏ): có 5 điều. Nguyễn Thông nêu mục đích góp ý của mình là làm cho lịch sử được chính xác, không phải là khiển trách người xưa và có lời cảm ơn Phạm Phú Thứ(3), Hoàng Dụng Tân(4).

Bài văn tế: cáo với cha mẹ được nhà vua truy phong: cha được phong là Phụng Thành đại phu, mẹ được phong là Đoan Thận nghi nhân tòng ngũ phẩm.

Khảo lược gồm 2 phần: lịch sử và địa lý. Phần lịch sử bắt nguồn từ bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục(5), còn phần địa lý thì lại từ phần lịch sử mà phát sinh và phát triển. Đó là mối quan hệ không đơn giản. Vì vậy để thuận lợi cho việc giới thiệu, chúng tôi lần lượt xem xét sự hình thành từng phần.

Phần lịch sử ra đời là kết quả việc Nguyễn Thông biên tập lại Nguyên bản góp ý của mình gửi lên Sử cục xin sửa chữa, thêm bớt những vấn đề lịch sử, sự kiện lịch sử... đã được ghi chép trong bản thảo bộ Việt sử, nhân dịp ông được Tự Đức trao cho nhiệm vụ phúc duyệt (có chỗ tác giả dùng chữ khảo duyệt, chữ dùng trong Dụ chỉ là phúc kiểm - đều có nghĩa là đọc soát lại) văn bản này sau 20 năm biên soạn.

Chúng ta đã biết, Tự Đức năm thứ 9 (1856) nhà vua ra Dụ chỉ về việc biên soạn lịch sử Việt Nam từ nhà Lê trở về trước. Sau đó, liên tiếp có những Dụ chỉ mới bổ sung người tham gia công trình. Có cả thảy 35 người tham gia biên tập công trình. Ngoài ra, còn có 12 người làm nhiệm vụ đằng lục sao chép(6).

Nguyễn Thông trở thành một trong những tác giả của bộ Việt sử là do quyết định của lần Dụ chỉ năm Tự Đức 29 (1876) lúc ông đang là Hàn lâm viện trước tác, lĩnh Quốc tử giám tư nghiệp. Những người có tên trong lần Dụ chỉ này cùng với Nguyễn Thông là Bùi Ước, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ, lĩnh Quốc tử giám tế tửu và Hoàng Dụng Tân, Hàn lâm viện tu soạn, lĩnh Quốc tử giám tư nghiệp. Ba vị chia nhau phúc duyệt toàn bộ công trình. Phần việc của Nguyễn Thông gồm: “Về Tiền biên bắt đầu từ kỷ Hùng Vương đến năm Kiến Đức 4 (966) triều Tống. Về Chính biên từ Đinh Tiên Hoàng đến Trần Đế Ngỗi nguyên niên (1407) và thuộc nhà Minh là hết” (Tựa). So với bản in Việt sử sau này thì số lượng kể trên ứng với 17 quyển trong tổng số 53 quyển (chiếm khoảng một phần ba tác phẩm).

Nhiệm vụ phúc duyệt kể trên là ngọn nguồn dẫn đến sự ra đời phần lịch sử của Khảo lược. Có ba văn bản phúc duyệt. Khảo lược là văn bản thứ ba. Thứ tự ra đời các bản như sau:

- Nguyên bản (chữ dùng của Nguyễn Thông viết trong Tựa) là bản ghi chép đầu tiên.

- Bản Tâu trình (tên do chúng tôi đặt) là bản chép theo Nguyên bản, có kiểm tra lại và sửa chữa thêm để dâng lên nhà vua.

- Bản Khảo lược (phần lịch sử) cũng là viết theo Nguyên bản, “trích lấy ý chính từng điều”, nêu làm “tiên đề”, gia công sửa đổi, “trình bày những điều cốt lõi” (Tựa).

Như vậy phần lịch sử của Khảo lược ra đời sau khi tác giả đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của nhà vua trao cho. Hiện nay chỉ còn văn bản Khảo lược. Nhưng nhờ Tựa và tác phẩm..., chúng ta được biết bản Tâu trình và bản Khảo lược đều biên tập theo Nguyên bản, nhưng có những chi tiết khác nhau về nội dung và hình thức.

- Về nội dung: Chính Nguyễn Thông đã cho biết: “Gia công sửa đổi” (Tựa) và nhận xét so sánh giữa bản Tâu trình và bản Khảo lược là “thỉnh thỏa ng có chỗ trước sau không ăn khớp” (Tựa).

- Về hình thức: bản Tâu trình có 167 điều (Tiền biên 43 điều, Chính biên có 124 điều) (Tựa).

Bản Khảo lược có 62 tiêu đề (Tiền biên 29 tiêu đề, Chính biên 33 tiêu đề).

Sau đây xin trình bày sự khác nhau của thuật ngữ “điều” và “tiêu đề”.

Một “điều” gồm hai phần: phần thứ nhất: chép trích nguyên văn những câu, những chữ đã được ghi trong bản thảo bộ Việt sử mà Nguyễn Thông không tán thành. Ở phần này đôi khi còn ghi lại những ý kiến đề nghị sửa chữa Việt sử của những người đọc duyệt trước ông trong Sử cục và các ông Phạm Huy, Phạm Hy Lượng... mà Nguyễn Thông cũng không tán thành.

Phần thứ hai: là những dòng chữ của Nguyễn Thông hoặc dẫn tài liệu, hoặc biện luận phân tích và góp ý cách sửa chữa cụ thể ở từng ý, từng câu, từng chữ. Xin dẫn một điều như sau làm thí dụ:

(Phần thứ nhất) Lý Hậu Đế, Phật Tử nguyên niên. Cương: Lý Phật Tử mưu đánh úp, lấy được nhà Triệu. Mục: Trước kia Phật Tử cùng Triệu giảng hòa rồi cầu hôn cho con là Nhã Lang. Triệu Vương gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang và cho ở rể. Nhân đó Nhã Lang lấy trộm móng rồng rồi trở về cùng Phật Tử mưu đánh úp Triệu. Phật Tử cất quân đến đánh, Triệu Việt Vương sửng sốt ra nghênh chiến, nhưng móng rồng đã mất. Vương bèn cùng Cảo Nương chạy về phía nam, bị quân Lý đuổi sát, Triệu Vương đến cửa Đại Nha, cùng đường nên phải nhảy xuống biển.

(Phần thứ hai) Kỳ Xuyên Tử bàn: Về việc đó, điều cương viết chữ mưu nên bỏ đi. Điều mục viết sự tích Nhã Lang, Cảo Nương so với việc Trọng Thủy ở rể nhà Mỵ Nương, lấy trộm nỏ thần ở kỷ nhà Triệu, phần Thục An Dương Vương như là chuyện của một người, có thể bỏ đi, hoặc muốn để tồn nghi thì phụ chép ở sau và thêm hai chữ “cựu sử” (Q. I, tiêu đề 18).

Còn một “tiêu đề” thì có khi chỉ là một “điều”, có khi gồm 3, 5, 9 “điều” gộp lại. Đúng như tác giả đã viết trong Tựa: “Tên của “tiêu đề” là trích lấy ý chính ở từng “điều”. Tiêu đề của điều mà chúng tôi vừa dẫn chứng ở trên có tên là Sự tích Nhã Lang, Cảo Nương nên bỏ. Tiêu đề 22. Q. I gồm 5 điều đều có sai lầm chung về việc chú địa danh nên Nguyễn Thông gộp lại, đặt cho chúng một tên chung là Chú lại địa danh.

Trên cơ sở hiểu biết ấy, chúng tôi đếm được trong Khảo lược chỉ còn 146 điều, gộp lại dưới 62 tiêu đề. So bản Tâu trình mà Nguyễn Thông viết trong Tựa có 167 điều với bản Khảo lược thì Nguyễn Thông loại bớt 21 điều.

Tóm lại, sự ra đời của phần lịch sử sách Khảo lược chính là ý kiến cuối cùng có chọn lọc của Kỳ Xuyên đóng góp với bản thảo bộ Việt sử từ thời dựng nước đến thời thuộc Minh.

Nếu đúng với nhiệm vụ của nhà vua trao cho Nguyễn Thông thì sách chỉ có Q. I và Q. II. Sự xuất hiện phần địa lý, tác giả chỉ nêu lý do đơn giản là: “... Vả lại bộ sử mới này làm theo thể biên niên, chép kỹ việc trong nước mà sơ lược việc bên ngoài” (Tựa).

Ông bổ sung sự sơ lược ấy bằng cách: “Nay mỗi nước láng giềng chép riêng thành một kỷ, ghi kỹ việc đổi thay, thỉnh thỏa ng ức đoán, sửa chữa lại đôi chút cho đúng để người đọc có thể khảo cứu được” (Tựa). Như vậy Kỳ Xuyên chỉ nêu nguyên nhân biên soạn địa lý nước ngoài, còn địa lý trong nước, dù là địa lý lịch sử hay địa lý tự nhiên thì mặc nhiên được công nhận biên chép sau phần lịch sử dân tộc, không cần phải giải thích.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Khảo lược.

Tiếp theo, chúng tôi xin trình bày về niên đại và địa điểm Khảo lược ra đời.

Về vấn đề này, Tựa có đoạn viết: “Năm Bính Tý (1876), mùa hạ, tháng năm, vâng mệnh nhà vua sung vào khảo duyệt sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cùng đồng sự phân theo kỷ mà kiểm duyệt. Mùa thu, tháng tám năm ấy làm xong, đúng hẹn dâng lên”. Đó là thời gian bắt đầu viết Nguyên bản và hoàn thành bản Tâu trình. Còn bản Khảo lược (gồm cả phần lịch sử và phần địa lý) có thể bắt đầu biên soạn vào tháng 9 năm ấy, ngay sau khi kết thúc bản Tâu trình . Tựa viết tiếp “... Sau tiết thanh minh một ngày (ngày 4 tháng 3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 30, tức là ngày 17 tháng 4 năm 1877) tại phía tây học xã Thành Quân học cung (Huế). Đó là địa điểm và niên đại văn bản Khảo lược ra đời.

Hiện nay chúng tôi mới được biết hai cơ quan có tác phẩm Khảo lược là Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện sử học (đều thuộc UBKHXHVN, Hà Nội). Sau đây là những nhận xét của chúng tôi về những văn bản đó.

a. Các bản in: Viện sử học có hai ký hiệu dành cho văn bản Khảo lược là Hv. 40 và Hv. 8, chúng đều là những ấn phẩm.

Ký hiệu Hv. 40: một tập, bìa cứng. Sách mất bốn tờ đầu, tờ thứ năm là Bảng mục lục. Dựa vào bảng này để theo dõi văn bản thì được biết sách gồm 7 quyển: Q.I: đủ, 24 tờ; Q.II: đủ, 30 tờ; Q.III: đủ, 34 tờ; Q.IV: đủ, 16 tờ; Q.V: đủ, 14 tờ; Q.VI: đủ, 13 tờ; Q.VII: thiếu, chỉ còn 7 tờ đầu. Mỗi trang có 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ.

- Ký hiệu Hv. 8: 4 tập, bìa cứng, gồm 9 quyển, “thừa” các Q.I, II và V, “thiếu” Q.III. Số lượng tờ Q.I, II, IV, V, VI đều như bản Hv. 40. Riêng Q.VII thì đủ, có 8 tờ. Mỗi trang cũng 9 dòng, mỗi dòng cũng 20 chữ. Nhờ trùng ba Q.I, II, V, chúng tôi đã so sánh chúng với nhau để xác minh lại. Kết quả việc so sánh thực bất ngờ và thú vị, cho phép kết luận Hv. 8 là một tập hợp không đầy đủ của hai lần in khác nhau. Do đó chúng tôi chia lại chúng ra như sau:

Bản 1 tập có 5 quyển (không kể quyển thủ) gồm Q.I, II, V, VI, VII nay gọi là Hv. 8 (a).

Bản 3 tập có 4 quyển (không kể quyển thủ) gồm Q.I, II, IV, V, nay gọi là Hv. 8 (b).

Những chi tiết khác nhau giữa chúng như sau:

Nét chữ khác nhau: cách trình bày về khuôn chữ, số chữ, đoạn câu ở từng trang, từng dòng... đều giống nhau. Phải phân biệt ở nét chữ mới thấy bản Hv.8 (a) đậm đà và đẹp hơn bản Hv.8 (b).

Khuôn in khác nhau: do hai bản ở cùng một số quyển, số tờ, chúng tôi có được số liệu sau:

Hv. 8 (a): Q.I, tờ 2b: 165 x 130 mm.

Hv. 8 (b): Q.I, tờ 2b: 170 x 132 mm.

Hv. 8 (a): Q.I, tờ 10a: 178 x 129 mm.

Hv. 8 (b): Q.I, tờ 10a: 175 x 130 mm.

Qua bốn dãy số kể trên chúng tôi thấy rõ chiều cao của khuôn khổ in chênh lệch nhau từ 3 đến 5mm và chiều rộng chênh lệch nhau từ 1 đến 2mm. Nếu hai bản cùng in từ một bản khắc gỗ thì dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời tiết nào cũng không thể làm cho bản khắc gỗ hoặc giấy phải co dãn đến mức ấy.

Một số hình chữ khác nhau:

Âm Bản
Hv.8 (a)
Bản
Hv.8 (b)
Nơi xuất hiện
Ninh
Lịch

Thực
Du
Bán
Chu












Q.I, tờ 2b
Q.I, tờ 3b, d.6 và tờ 49, d.9
Q.II, tờ 5a, d.3
Q.II, tờ 5b, d.9
Q.V, tờ 3b, d.6
Q.V, tờ 5b, d.6

Từ những chi tiết khác nhau kể trên, chúng tôi so sánh với bản Hv. 40 thì thấy Hv. 40 và Hv. 8 (a) giống nhau, cùng in chung ở một ván khắc.

Tóm lại, viện Sử học có ba đơn vị sách Khảo lược. Ba bản đều thiếu:

Hv. 40 thiếu 4 tờ đầu ở quyển thủ và một tờ cuối Q.VII.

Hv. 8 (a) thiếu Q.III, IV.

Hv. 8 (b) thiếu Q.III, VI, VII.

Các bản viết:

Viện Nghiên cứu Hán Nôm có hai bản viết mang ký hiệu VHv. 1319 và A. 998.

- Bản VHv.1319: 2 tập, 7 quyển (không kể quyển thủ) khổ 28 x 15mm, gồm 85 tờ, chữ đá thảo. Mỗi trang 8 dòng, dòng nhiều nhất 22 chữ. Dựa vào kết quả một số hình chữ khác nhau của hai bản in kể trên, chúng tôi đối chiếu với bản viết này thì thấy rõ VHv.1319 sao chép từ một bản cùng ván khắc với bản Hv. 40 và Hv. 8 (a). Người sao chép đã chép đúng những hình chữ đặc biệt mà chúng tôi đã nêu ở bảng so sánh trên. Thiếu sót đáng kể nhất của VHv. 1319 là không viết những dòng chú thích của bản in.

- Bản A. 998: 1 tập, thiếu Q.III, Q.IV, khổ 20x19, 101 tờ, chữ chân. Mỗi trang 9 dòng, dòng nhiều nhất 19 chữ. Cũng so sánh với hai bản in, chúng tôi cũng tìm được kết luận là bản A.998 được sao chép từ một bản cùng một ván khắc với Hv.40 và Hv.8 (a).

Qua những ấn phẩm Khảo lược, chúng tôi đã khẳng định tác phẩm được in khắc hai lần, chúng không chỉ khác nhau về hình thức in, mà chúng còn khác nhau về nội dung. Cụ thể ở quyển thủ lần in thứ hai hơn lần in thứ nhất bài Tỏa ngôn (lời nói nhỏ) và bài Văn tế.

Sau đây chúng tôi xin trình bày cụ thể hơn:

a. Năm in và nơi in lần thứ nhất (văn bản in lần này hiện có ở Viện Sử học mang ký hiệu Hv.40 và Hv.8 (a). Xin lưu ý ký hiệu Hv.8 (a) ở quyển thủ tờ 6, 7, 8 là chữ viết chép bài Tỏa ngôn và bài Văn tế đóng thêm vào chữ viết đẹp, dễ nhầm nó là bản in lần thứ hai).

Theo Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(7) thì Việt sử cương giám khảo lược khắc in năm 1877 (tr. 146). Có lẽ nhà thư tịch học dựa vào thời gian viết Tựa của tác phẩm mà nêu như vậy. Ấn phẩm Hán Nôm có nhiều trường hợp in ngay năm viết Tựa, nói một cách khác là nhiều khi chuẩn bị đưa in, Tựa mới được viết. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm Tựa được viết trước nhiều năm, rồi sách mới được đưa in, hoặc mãi mãi không được in. Sự thực thì vai trò Tựa không phải là cái mốc chắc chắn để xác định thời gian in khắc. Trường hợp Khảo lược được in, cụ thể là: Sau khi tác phẩm hoàn thành gồm cả Tựa, Nguyễn Thông có đưa cho vài người đọc, trong đó có Phạm Phú Thứ. Tác giả ghi lại việc này như sau: “ông Phạm Trúc Đường (Phú Thứ) đọc (Khảo lược) khen là khá, quyên giúp tiền đưa khắc in, hơn một năm sau thì xong”. Chúng ta đã biết Khảo lược soạn xong ngày 17-4-1877, nếu Phạm Phú Thứ được đọc ngay trong năm đó, rồi sau đó lại trải qua thời gian quyên tiền thì sớm nhất là đầu năm 1878 sách mới được đưa khắc in, đến giữa năm 1879 ấn phẩm mới hoàn thành. Còn nơi in Khảo lược lần này thì có lẽ là một nhà in nào đó ở Huế.

b. Năm in và nơi in lần thứ hai

(Văn bản in lần thứ hai này có ở Viện Sử mang ký hiệu Hv. 8 (b).

Để xác định thời gian in lần thứ hai, chúng tôi đã dựa vào chính tài liệu mà bản in lần thứ hai có hơn lần thứ nhất bài Văn tế, và tài liệu ngoài tác phẩm là Tựa sách Ngọa du sào thi tập (Hai bản này có ghi thời gian viết).

- Tựa sách Ngọa du sào thi tập viết ngày 20-6-1882 có đoạn: “Nhân sĩ đồng hương tính chuyện đưa Khảo lược về Nam, nhưng thuyền đi qua vũng Bán Nguyệt tỉnh Quảng Nam thì bị bề tôi làm sóng của Long Vương cướp mất”. Tư liệu này cung cấp cho chúng ta những hiểu biết như sau:

Đến tháng 6 năm 1882 vẫn chưa nói đến chủ trương tái bản Khảo lược.

Việc cung cấp Khảo lược cho miền Nam đã thất bại, hoàn cảnh khách quan này đòi hỏi Khảo lược phải được tái bản sớm.

Văn tế viết ngày Nhâm Dần tháng 11 năm Nhâm Ngọ, Tự Đức 35 (?-12-1882) chi tiết này chỉ báo cho chúng ta biết:

Văn tế cũng như Tỏa ngôn ra đời là một bước chuẩn bị cho khắc in Khảo lược l ần thứ hai. Trước hai bài này, trong văn bản có hai chữ “trùng thuyên” (khắc in lại) để ghi lại việc đó. Việc tái bản Khảo lược có thể bắt đầu thực hiện đầu năm 1883. Còn nơi in thì chắc chắn do Đồng Châu xã đương thời đặt trụ sở ở tỉnh Bình Thuận đảm nhiệm, lý do là Đồng Châu xã có nhu cầu về Khảo lược và trong thời gian này một tác phẩm khác của Nguyễn Thông là Ngọa du sào văn tập cũng đang được ấn hành tại đây.

Cuối cùng, vấn đề cần phải giải đáp nữa là: việc khắc in văn bản lần thứ hai dựa vào văn bản nào trước đó, bản thảo hay bản in lần thứ nhất?

Như trên đã mô tả, bản in lần thứ nhất và bản in lần thứ hai trình bày giống nhau cả về số chữ ở từng dòng, từng trang. Chi tiết này cho phép kết luận là bản khắc in lần thứ hai dựa vào bản in lần thứ nhất. Điều bốn của bài Tỏa ngôn viết có liên quan đến việc này như sau: “ở Q.IV, tờ 30 (a) dòng 2, trên chữ “Minh Thần Tông” có 5 chữ “Tiên dã, Thiên chúa giáo” và ở Q.IV, tờ 4 (b), dòng 9, dưới chữ “tắc” có 4 chữ “vô thức, thậm hỹ” bị mọt ăn rách. Nay cụ Trúc Đường tiên sinh (Phạm Phú Thứ) có ghi bổ sung những chỗ đó”.

Chúng tôi đã theo sự chỉ chỗ kể trên tìm được đúng những chữ mới bổ sung. Như vậy, có thể khẳng định việc khắc in lần thứ hai là dựa theo ấn phẩm lần thứ nhất.

Về thời gian ra đời của hai bản viết có thể nhận định như sau:

Hai bản viết đều chép theo bản in lần thứ nhất. Ngoài những dấu tích hình chữ đã kể ở trên, chúng tôi còn căn cứ vào chỗ hai văn bản này đều không có Tỏa ngôn Văn tế. Vì thời gian sao chép không ghi trong văn bản nên không thể biết cụ thể hơn, chỉ có thể hiểu đại khái một vài chi tiết có liên quan đến lịch sử truyền bản mà thôi.

Bản VHv.1319 là sách do Thư viện khoa học Trung ương sưu tầm được.

Bản A. 998 có một số hình thức như khổ giấy, chữ viết, cách trình bày... cho phép kết luận sách do Thư viện trường Viễn đông Bác cổ sao chép. A.998 và HV.8 (a) đều thiếu Q.IV, Q.III gợi ý cho chúng tôi nghĩ đến mối quan hệ giữa chúng. Hv. 8 (a) là sách của Nguyễn Đổng Chi (trong sách hiện còn dấu tròn mang dòng chữ: “Mộng Thương Thư trai Nguyễn Đổng Chi” ở Q.I, tờ 24). Rất có thể thư viện kể trên đã mượn được sách của gia đình họ Nguyễn để nhân bản trước khi bản này bổ sung thêm ba tờ viết.

Tóm lại hai cơ sở nghiên cứu kể trên có 5 văn bản Khảo lược tất cả. Nét nổi bật của chúng như sau:

- Các văn bản đều thiếu.

- Hai văn bản của hai lần in hoàn toàn giống nhau (trừ Tỏa ngôn Văn tế chỉ có ở bản in lần thứ hai).

- Bản in lần thứ hai và hai bản viết đều dựa vào bản in lần thứ nhất mà khắc lại hoặc sao chép. Vậy bản in lần thứ nhất là văn bản gốc của các văn bản mà chúng tôi biết.

- Văn bản in lần thứ nhất có hai bản là Hv.40 và Hv.8 (a), hai bản đều thiếu nhưng chúng có thể bổ sung cho nhau để thành một văn bản hoàn chỉnh. Cụ thể là bổ sung bốn tờ đầu của quyển thủ và tờ 8 của Q.VII ở ký hiệu Hv.8 (a) cho ký hiệu Hv.40.

*
**

Thành công của Khảo lược gồm nhiều mặt. Trước hết là đã đóng góp phần nâng cao chất lượng cho bộ Việt sử 62 điều góp ý của Nguyễn Thông được Sử cục nhà Nguyễn chấp nhận và tham khảo, đủ nói lên giá trị của tác phẩm. Sau đó là những đóng góp của ông về địa lý học, dân tộc học... Chính vì có nhiều giá trị nên Khảo lược đã liên tiếp được khắc in và nhiều thế hệ sau sao chép.

CHÚ THÍCH

(1) Từ đây trở xuống chúng tôi gọi tắt là Khảo lược.

(2) Nhị thập nhất sử: một bộ sử lớn của Trung Quốc tổng hợp 21 pho sử được xuất bản dưới triều Minh, gồm Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Hậu Ngụy thư, Bắc Tề thư, Hậu Chu thư, Tùy thư, Nam sử, Bắc sử, Đường thư, Ngũ đại sử, Tống sử, Liêu sử, Kim sử và Nguyên sử.

(3) Phạm Phú Thứ (1820 - 1880), tự Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên và Trúc Ẩn, thụy Văn Ý Công, người làng Đông Dư, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đậu Tiến sĩ năm 1843 làm quan đến Thượng thư, có tài văn học và sử học.

(4) Hoàng Dụng Tân (1828 - ?): Hàn lâm viện tu soạn, lĩnh Quốc tử giám tư nghiệp, là người cùng Nguyễn Thông tham gia phúc duyệt bộ Việt sử thông giám cương mục.

(5) Từ đây trở xuống, chúng tôi gọi tắt là Việt sử.

(6) Xem thêm bảng Chức danh ở Việt sử.

(7) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp, Nxb. Văn hóa, H. 1970./.

TB

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ HỘI TAO ĐÀN

LÂM GIANG

Cuối thế kỷ XV, hội thơ Tao Đàn ra đời, đánh dấu một cái mốc của sự phát triển thơ ca cung đình. Hội do Lê Thánh Tông sáng lập, gọi là “Tao Đàn nhị thập bát tú” (28 ngôi sao trên đàn văn chương). Hội gồm 28 hội viên do Lê Thánh Tông làm Đô nguyên súy, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm Phó đô nguyên súy.

Hình thức hoạt động chủ yếu của hội Tao Đàn là vua xướng, các hội viên phụng bình và họa vần... Cho nên, các sáng tác của hội viên bị hạn chế nhất định: khuôn sáo, cầu kỳ tư tưởng tình cảm bị gò bó bởi những vần tọa... Nhưng dẫu sao các thi phẩm đó vẫn mang những yếu tố tích cực nhất định, “Đó là tấm lòng yêu đất nước, niềm tự hào về truyền thống quang vinh của ông cha, đó cũng là sự quan tâm đến nhân dân và ý chí muốn làm cho dân giàu nước mạnh”(1)...

Bài viết này không nhằm mục đích đánh giá lại nội dung và ý nghĩa các sáng tác của hội Tao Đàn, mà nhằm làm sáng tỏ phần nào về một số mặt như: Hội Tao Đàn thành lập chính thức vào thời gian nào? Thời gian hoạt động của hội bao lâu? Số hội viên chính thức là bao nhiêu? Gồm có những ai? Chức danh của một số hội viên ấy...

*
**

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép: “Ất Mão (Hồng Đức) năm thứ 26 (1495) (...) làm sách Quỳnh Uyển cửu ca. Vua thấy hai năm Quý Sửu và Giáp Dần, thóc lúa được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành, nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi, tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn (...) nhân gọi là Quỳnh Uyển cửu ca thi tập. Sai bọn Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán; Hàn lâm viện thị độc chưởng viên sự Nguyễn Xung Sác; Hàn lâm viện đãi chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn; Hàn lâm viện kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Như Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phan Đạo Phú cùng họa vần. Xét Cửu ca thi tập bắt đầu làm trong năm nay”(2).

Lại xem trong lời tự đề tựa cho Quỳnh uyển cửu ca của Lê Thánh Tông, có đoạn: “Ta, lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày nhàn hạ, thân xem rừng sách, lòng tới vườn văn, huyên náo lắng xuống, hoa đơm thơm tho, lòng ít ham muốn, tinh thần trong sáng, ở yên, thi hứng dồi dào, bèn phấn chấn nghĩ đến khuôn phép lớn của thịnh đế minh vương, tấm lòng chăm chút của trung thần lương bật (...). Ta im lặng giờ lâu, chọn vần, dấy lời, rồi viết ra 9 bài thơ theo luật cận thể, rực rỡ trên giấy kim tiên. Sai bọn học sĩ họ Thân, Ngô, Đỗ, Lưu và bọn văn nhân họ Đàm, Dương, Chu, Phạm, tất cả là hai mươi tám người, ứng với hai mươi tám chòm sao, cùng nhau chúc họa, được tất cả vài trăm thiên, hết ý chọn lựa, tìm lời luyện văn, thơ làm xong dâng lên. Ta thấy làm vui lòng. Thế là, sai người viết đẹp, nét móc đẹp như bạc, nét vạch cứng như sắt, sai thợ khéo khắc ván đem in. Họ kiệt tâm tư, trổ hết tài khéo, không quá một tuần, sách đã có thể xem (...)

Niên hiệu Hồng Đức thứ 25 (1494) Hoàng đế viết bài tựa”(3).

Như thế, Đại Việt sử ký toàn thư Quỳnh uyển cửu ca(4) không nói rõ gì thêm về hoạt động và cơ cấu của hội Tao Đàn. Cho nên, ta có thể coi Cửu ca là cái mốc chính thức thành lập hội Tao Đàn, và những văn thần nhắc tên trên đây được coi là những hội viên chính thức. Nhưng cái mốc ra đời của Cửu ca lại được ghi chép không thống nhất: như trên đã thấy, Toàn thư nói rằng, năm Ất Mùi Hồng Đức thứ 26 (1495), làm sách Cửu ca, còn chính bài tựa của Lê Thánh Tông viết cho Cửu ca, thì ghi là năm Giáp Dần Hồng Đức thứ 25 (1494)(5). Có thể Toàn thư đã chép lầm, vì sau khi xem xét tất cả các dị bản có chép bài tựa của Lê Thánh Tông, đều thấy ghi là Hồng Đức thứ 25 (1494). Lẽ nữa, vì hai năm Quý Sửu và Giáp Dần được mùa liền, Lê Thánh Tông rất phấn khởi, bèn ghi ngay điềm lành ấy vào thơ ca ở năm Giáp Dần (1494) chứ chẳng đợi đến năm sau làm gì.

Nhận định như vậy cũng vẫn chưa được chắc chắn lắm, bởi vì như lời tựa cho biết Cửu ca đã được khắc ván in, song hiện nay ta không còn bản in nào, chỉ toàn là bản chép tay. Như thế có thể, một bản chép tay nào đó chép từ bản in ra đã chép lầm Hồng Đức thứ 26 thành Hồng Đức thứ 25, rồi sau đó ít lâu, vì lý do nào đấy, bản in mất, chỉ còn lại bản chép tay. Đương nhiên bản chép tay đó trở thành bản duy nhất, được các bản khác sao chép lại. Vậy nếu dựa vào đó mà khẳng định Cửu ca được sáng tác vào năm Hồng Đức thứ 25 (1494) thì chưa hẳn đã là chính xác. Mặt khác, Toàn thư được Ngô Sĩ Liên biên soạn đương thời chẳng lẽ lại chép sai một sự kiện lớn như thế? Ở đây còn phải chờ đợi một sự giải đáp chính xác.

Nhưng cho dù Cửu ca và hội Tao Đàn ra đời năm Hồng Đức thứ 25 (1494) hay năm Hồng Đức thứ 26 (1495) đi nữa, thì thời gian tồn tại và hoạt động của Hội cũng rất ngắn ngủi, vì tháng giêng năm Đinh Tỵ (1497) Lê Thánh Tông qua đời, và hai năm sau nữa, Kỷ Mùi (1499) phó Nguyên súy Thân Nhân Trung cũng mất, cho nên, hoạt động của hội dần dần xẹp đi.

Mặc dù thời gian tồn tại của hội ngắn ngủi nhưng người đời sau đã đánh giá khá cao, nhắc tới nhiều lần, hội được coi là một thi xã cung đình đầu tiên, có qui mô khá lớn ở nước ta. Mặt khác, tuy nó được lập vào cuối đời Lê Thánh Tông, nhưng trước đó, nó đã có những hoạt động tương tự: vua làm thơ, các bầy tôi phụng bình và phụng họa.

Nếu coi Cửu ca là cái mốc, thì trước đó Lê Thánh Tông đã có những tác phẩm:

1. Anh hoa hiếu trị: Sáng tác năm Quang Thuận thứ 9 (1468), người họa có: Thái tử, Kỳ quận công Lê Niệm, Lê Hồng Dực, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo(6). Hiện nay chưa thấy tác phẩm này.

2. Chinh tây kỷ hành: Tập thơ sáng tác khi Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1470 - 1471, không có người họa, chỉ có người bình là Nguyễn Trực. Hiện chép trong Thiên Nam dư hạ (A.334).

3. Châu cơ thẳng thưởng: sáng tác vào khoảng đầu đời Hồng Đức (1470 - 1474), hiện chép trong tập Minh lương cẩm tú (A.254), trong đó có bài “Trú giao Thủy Giang” được nhiều người họa như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Lương Thế Vinh...

4. Minh lương cẩm tú: sáng tác năm Hồng Đức nguyên niên (1470) các dị bản hiện còn, không thấy chép thơ của người họa.

5. Văn minh cổ súy: sáng tác khoảng năm Hồng Đức thứ 22 (1491), hiện chép trong Minh lương cẩm tú (A.254)(7). Tất cả các bài thơ của Lê Thánh Tông đều được các văn thần như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh... họa vần.

6. Chùm thơ ba bài Tư gia tướng sĩ, Lục Vân động thi, Anh tài tử thi hiện được chép trong Thiên Nam dư hạ (A.344/7) ở phần cuối tập Chinh tây kỷ hành; đồng thời cũng được chép trong Thiên Nam dư hạ (A.344/8), ở phần cuối tập Minh lương cẩm tú... Ba bài thơ này có tới 19 người họa, trong đó nhiều người là hội viên hội Tao Đàn. Chùm thơ này có thể được sáng tác vào khoảng từ sau năm Hồng Đức thứ 24 (1493) trở đi, nghĩa là xấp xỉ với thời điểm sáng tác Cửu ca. Những bài thơ này cũng có thể được Lê Thánh Tông sáng tác khoảng năm 1470 - 1471, khi hành quân đi đánh Chiêm Thành (chứng cớ là nó đã từng được chép sau tập Chinh tây kỷ hành như đã trình bày trên). Sau đó, khoảng từ năm 1493 trở đi, Lê Thánh Tông mới đưa ra cho các văn thần phụng bình, phụng canh.

Sau Cửu ca, Lê Thánh Tông còn công bố thêm ba tác phẩm nữa:

1. Cổ kim bách vịnh: soạn năm Hồng Đức thứ 26 (1495), người họa vần có: Nguyễn Xung Sác, Lưu Hưng Hiếu, Thân Nhân Trung, Đào Cử. Tập sách hiện nay còn mang tên Cổ tâm bách vịnh (A.702, VHv.1010), nhưng không thấy chép thơ của người họa.

2. Xuân Vân thi tập: soạn năm Hồng Đức thứ 27 (1496), không thấy chép người họa(8). Hiện chưa tìm thấy tập này.

3. Cổ kim cung từ thi: soạn năm Hồng Đức thứ 27 (1496), người bình có Thân Nhân Trung, Ngô Luân(9). Hiện chưa thấy tập này.

Nêu ra tình hình trên đây là để chứng tỏ rằng phần lớn các tác phẩm của Lê Thánh Tông đều có lời bình và thơ họa của các văn thần, ngay từ khi hội Tao Đàn chưa chính thức thành lập; cũng để chứng tỏ rằng tác phẩm có nhiều người họa nhất vẫn là Cửu ca. Và, đội ngũ tham gia phụng bình, phụng canh ấy, khá đông đảo. Chính xuất phát từ tình hình như vậy, nên người đời sau, khi tìm hiểu các hội viên hội Tao Đàn, thường có sự lầm lẫn, thiếu sót.

- Sách Toàn thư ngoài việc ghi chép không thống nhất với lời tựa Cửu ca như trên đã trình bày, về số hội viên hội Tao Đàn cũng chỉ chép có 27 người.

- Việt sử thông giám cương mục (của Quốc sử quán triều Nguyễn), Thoái thực ký văn (của Trương Quốc Dụng triều Nguyễn) và Đăng khoa lục sưu giảng(10) của Trần Tiến viết cuối đời Cảnh Hưng (phần cuối sách này có lẽ được người đời Nguyễn chép bổ sung) đều nêu lên một danh sách hội viên là 30 người: ngoài số hội viên như Toàn thư đã nêu trên, còn chép thêm Chu Huyên (là hội viên), Lương Thế Vinh và Sái Thuận (là Tao Đàn sái phu).

- Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp nói rằng, có tham khảo Toàn thư Cương mục, nêu lên một danh sách đủ 28 hội viên (27 người như Toàn thư và thêm một người là Chu Huyên) và nói thêm: “các sách khác còn nhiều chỗ chép thêm các vị sau này, có lẽ các vị sau này được bổ sung các vị quá cố hay là phụ thêm: Lương Thế Vinh, Phạm Phúc Chiêu, Lê Tuấn Ngạn”(11).

- Lịch sử văn học Việt Nam (X - XVIII) nêu lên một danh sách 33 hội viên. Trong đó, 27 hội viên như Toàn thư và còn nêu thêm:

1. Trần Sùng Dĩnh

2. Nguyễn Hoãn

3. Lê Trực

4. Lê Tuấn Ngạn

5. Ngô Sĩ Liên

6. Phạm Phúc Chiêu

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Thế thì hội Tao Đàn chính thức có bao nhiêu hội viên? Hội viên ấy là những ai? Phải chăng hội viên cứ tiếp tục được bổ sung thêm mỗi khi có hội viên nào đó quá cố?

Trong lời tự đề tựa cho Cửu ca của Lê Thánh Tông đã trích trên đây thấy có nhắc đến 8 họ: Thân, Đỗ, Ngô, Lưu, Nguyễn, Dương, Chu, Phạm. Nếu chỉ xét theo danh sách của Toàn thư, thấy: họ Thân 1 người (Thân Nhân Trung), họ Đỗ 1 người (Đỗ Nhuận), họ Ngô 5 người, họ Lưu 3 người, họ Nguyễn 8 người, họ Dương 1 người (Dương Trực Nguyên), họ Chu 2 người, họ Phạm 5 người. Vậy những họ có từ 2 người trở lên thì khó mà biết được những họ đó là ai(12).

Đào Cử, một văn thần xuất hiện nhiều trên văn đàn, thường phụng bình và phụng canh trong rất nhiều tác phẩm của Lê Thánh Tông không được dự hội viên chính thức, nhưng được sai viết lời hậu tự cho Cửu ca. Trong lời hậu tự có đoạn:

“...đặc biệt sai 28 cận thần nối ý họa vần (...). Thơ của mọi người làm xong được tới hơn hai trăm bài, đều được vua xem, và cho biên thành tập, gọi là Quỳnh uyển cửu ca, vua đề bài tựa lên đầu, lại sai Đào Cử này ghi một bài tựa ở cuối (...)

Tháng mạnh đông, Hồng Đức thứ 25 (1494)”(13).

Như vậy, con số 28 hội viên lại được khẳng định một lần nữa. Ở đây, cũng ghi là Hồng Đức thứ 25 (1494), thống nhất với tựa đầu của Lê Thánh Tông.

Nếu tổng số hội viên là 28 người, và mỗi hội viên đều họa đủ 9 bài, cùng với 9 bài xướng của Lê Thánh Tông, thì số thơ chép trong Cửu ca phải là 261 bài, con số này đúng là “hơn hai trăm bài” như Đào Cử đã nói.

Khi khảo sát 5 văn bản của Cửu ca ở các sách sau đây:

- Chép trong Minh lương cẩm tú VHv.94, A.1413.

- Chép trong Lê triều thi tập: VHv.826.

- Chép trong Cúc Đường thi tập A.1168.

- Chép trong Thiên Nam dư hạ A.334

ta thấy rằng:

1. Chín bài thơ xướng của Lê Thánh Tông mang các đầu đề sau đây:

- “Sửu, Dần nhị tuế, bách cốc phong đăng hiệp vu ca vịnh dĩ ký kỳ thụy” (Hai năm Sửu, Dần mùa màng tươi tốt, làm thơ phổ vào lời ca để ghi lại điềm lành ấy).

- “Quân đạo” (đạo làm vua).

- “Thần tiết” (tiết tháo bề tôi).

- “Dư tĩnh tọa thâm cung hà tư cổ tích quân minh thần lương, dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật” (Ta ngồi trong chính diện, nghĩ tới các bậc vua sáng tôi hiền đời xưa và cơ nghiệp thịnh trị ngày nay, ngẫu nhiên làm một bài thơ).

- “Dư độc thư chi hạ, dao tưởng anh hiền tự dư thi hoài triển chuyển ngẫu thành nhất luật” (Ta trong lúc đọc sách rỗi, nghĩ tới các bậc tài giỏi, ý thơ trăn trở, bỗng thành một bài thơ).

- “Kỳ khí” (khí lạ).

- “Thư thảo hý thành” (đùa thành bài thơ về viết thảo).

- “Văn nhân” (văn nhân).

- “Mai hoa” (hoa mai).

Đến đây, ta có thể đi tới mấy nhận xét:

2. Các văn bản hiện còn đều là bản chép tay, chưa thấy bản in như Lê Thánh Tông đã nói trong bài tựa.

3. Lời tựa đầu của Lê Thánh Tông, các văn bản đều chép thống nhất “Thân, Đỗ, Ngô, Lưu”.

4. Lời hậu tự của Đào Cử, các bản đều chép “... hơn hai trăm bài”(14).

5. Các văn bản đều chép thống nhất số hội viên Tao Đàn là 28 người (27 người giống như Toàn thư đã chép, có thêm một người số 28 là Chu Huyên).

6. Trong Thiên Nam dư hạ (A. 334) chỉ chép một số thơ của Cửu ca, chủ yếu là bài xướng của Lê Thánh Tông và các bài học của Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận.

7. Các hội viên ở đây, không phải người nào cũng họa đủ cả 9 bài, có người chỉ họa 8 bài...

8. Thử thống kê 4 văn bản hiện có, thấy: Bản VHv. 826 có 241 bài, bản A. 1168 có 254 bài, bản A. 1413 có 245 bài, bản VHv. 94 có 226 bài. Chưa thấy bản nào có đủ con số 261 bài (xem bảng thống kê bên dưới).

So sánh những văn bản trên đây của Cửu ca đều thấy có sự sao chép thống nhất về số người tham gia hội Tao Đàn, thứ tự tên từng người đều giống nhau và khớp với 27 người đã chép trong Toàn thư, chỉ có thêm một người số 28 là Chu Huyên (như đã nêu ở mục số 5 trên), mà Toàn thư chép thiếu (xem bảng thống kê).

1. Thân Nhân Trung
2. Đỗ Nhuận
3. Ngô Luân
4. Ngô Hoán
5. Nguyễn Trọng Ý
6. Lưu Hưng Hiếu
7. Nguyễn Quang Bật
8. Nguyễn Đức Huấn
9. Vũ Dương
10. Ngô Thầm
11. Ngô Văn Cảnh
12. Phạm Trí Khiêm
13. Lưu Thư Ngạn
14. Nguyễn Nhân Bị
15. Nguyễn Tôn Miệt
16. Ngô Hoán(15)
17. Nguyễn Bảo Khuê
18. Bùi Phổ
19. Dương Trực Nguyên
20. Chu Hoãn
21. Phạm Cẩn Trực
22. Nguyễn Ích Tốn
23. Đỗ Thuần Thứ
24. Phạm Nhu Huệ
25. Lưu Dịch
26. Đàm Thận Huy
27. Phạm Đạo Phú
28. Chu Huyên
họa đủ 9 bài
nt
nt
nt
nt
nt
họa 8 bài, không họa bài 7
họa đủ 9 bài
nt
họa 8 bài, không họa bài 7
họa 8 bài, không họa bài 8
họa đủ 9 bài
nt
họa 8 bài, không họa bài 9
họa 8 bài, không họa bài 5
họa đủ 9 bài
họa 8 bài, không họa bài 5
họa đủ 9 bài
nt
nt
nt
nt
họa 8 bài, không họa bài 9
nt
họa đủ 9 bài
nt
nt
nt

Như thế, con số 28 này là con số thực, đúng như lời tựa của Lê Thánh Tông và lời hậu tự của Đào Cử đã nói, chứ không phải con số ước lệ dùng để chỉ chung cho một thi xã. Và, trong số người này có thể ít có sự thay đổi, vì nó được thành lập rất muộn, cuối đời Lê Thánh Tông, thời gian hoạt động ngắn. Có ý kiến cho rằng, hội này tiếp tục được bổ sung hội viên mới, mỗi khi có người qua đời, nhưng chưa tìm thấy cứ liệu nào để khẳng định điều đó. Như chúng ta đã biết, hội tồn tại chỉ được 2, 3 năm, thì Lê Thánh Tông mất.

Nói chung, hoạt động chủ yếu của hội Tao Đàn là xướng họa thơ, và việc bổ sung thêm hội viên chính thức ít có khả năng xảy ra. Có chăng là, khi tập hợp các sáng tác của hội viên lại thành tập Cửu ca chuẩn bị đưa đi khắc ván in, xét thấy cần phải có người biên tập lại những chỗ trùng lặp, sai sót, Lê Thánh Tông đã không dùng người trong hội Tao Đàn, mà chọn lựa người ngoài hội là Lương Thế Vinh và Sái Thuận để trao trách nhiệm ấy, với chức danh “Tao Đàn sái phu”, cốt làm cho công việc “quét dọn” được khách quan hơn.

Về chức danh của một số hội viên như Tao Đàn Đô nguyên súy Lê Thánh Tông, Tao Đàn phó Đô nguyên súy Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận, như mọi người đều đã biết, không phải bàn gì thêm nữa. Còn nói Sái Thuận và Lương Thế Vinh là Tao Đàn sái phu, thì ngoài những sách đã dẫn ở trên, còn một số sách khác chép về việc này như: Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục (A. 2040), một tập sách không ghi tên tác giả, chép tay, soạn năm Giáp Dần Dương Đức thứ 3 (1674), tờ 11b, có chép tiểu truyện Lương Thế Vinh khá đầy đủ, trong có ghi ông là Tao Đàn sái phu. Cũng tương tự, tờ 28a chép tiểu truyện Sái Thuận và ghi ông là Tao Đàn sái phu.

Khoa bảng tiêu kỳ (A. 539) của Phan Huy Ôn (1735 - 1786) thì nói rằng: “Lương Thế Vinh được bổ sung vào “nhị thập bát tú” làm Tao Đàn sái phu, họa thơ với vua, việc đó thấy ở Minh Lương cẩm tú Cửu ca”(16). Như trên đã trình bày, tập Minh lương cẩm tú hiện còn, không thấy có thơ họa của các văn thần. Chỉ chùm thơ ba bài, đặt cuối tập Minh lương cẩm tú (như A. 334/8...) là có thơ họa, trong đó có cả thơ họa của Lương Thế Vinh. Còn ở Cửu ca thì Lương Thế Vinh không có thơ họa, chỉ có lời “cẩn ngôn” cho bài thơ số 7 “Thi thảo hí thành” của Lê Thánh Tông mà thôi(17). Ở đây có lẽ Phan Huy Ôn lầm?

Như thế, có khá nhiều tài liệu đời sau nói rằng hai ông Lương Thế Vinh và Sái Thuận là Tao đàn sái phu. Còn tài liệu đương thời nói về vấn đề này thì vẫn chưa thấy.

Nhưng Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, mục “Tài phẩm” lại nói rằng, Sái Thuận được sung Tao đàn phó nguyên suý. Chắc từ căn cứ này mà có người đời sau cho rằng: “Sái Thuận lúc đầu là Tao Đán sái phu sau bổ sung làm phó nguyên suý”(18).

Lại thấy ở Nhân vật chí (A. 373), một cuốn sách chép tay, không ghi tên tác giả, niên đại, nói rằng, Ngô Hoán là Tao Đàn sái phu, đứng thứ tư trong số 28 học sĩ(19). Ngô Hoán quả có đứng thứ tư trong danh sách 28 hội viên Tao Đàn, còn là Tao Đàn sái phu mới thấy sách Nhân vật chí này nói là một.

Lại xét, trong số 28 hội viên nêu trên đây, thấy rằng:

1. Tên họ của một số hội viên được ghi chép không thống nhất, như: Đỗ Thuần Thông, Toàn thư chép Đỗ Thuần Thư; hay Đoàn Huệ Nhu, có nhiều sách chép Đoàn Trí Nhu; Dương Trực Nguyên nhiều chỗ chép Dương Quí Nguyên... Vấn đề này xin làm sáng tỏ trong một dịp khác.

2. Nguyễn Trọng Ý nguyên tên là Nguyễn Nhân Phùng, vua Lê Thánh Tông đổi tên cho là Nguyễn Trọng Ý, sau đổi là Nguyễn Xung Sác (có chỗ chép Nguyễn Trọng Sác), vì lý do gì mà đổi như vậy thì chưa khảo cứu được(20).

3. Trong số hội viên Tao Đàn ấy có Nguyễn Xung Sác là anh Nguyễn Nhân Bị(21) hội viên số 14. Ngô Luân hội viên số 3 là anh Ngô Thầm(22) hội viên số 10.

Trên đây, mới chỉ là bước đầu tìm hiểu của chúng tôi về các hội viên trong hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông khởi xướng. Chắc chắn sau này đi sâu tìm hiểu từng tác giả và những sáng tác của các tác giả ấy, sẽ còn nhiều điều bổ sung cho những nhận định trên.

CHÚ THÍCH

(1) Lịch sử văn học Việt Nam tập 1, Nxb. KHXH, H. 1980, tr.241.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in năm Chính Hòa 18 (1697), Nxb. KHXH, 1985, Tập 2, tr.516.

(3) Xem Minh lương cẩm tú, VHv.94, tờ 17a.

(4) Từ đây trở xuống viết tắt là Toàn thư Cửu ca.

(5) Lịch sử Việt Nam, Tập 1, KHXH, 1971, tr.280 dựa vào Cửu ca nói rằng hội Tao Đàn lập năm 1494. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (X - XVII), Văn học, 1976, tr.439 và 462 dựa vào Toàn thư nói hội Tao Đàn lập năm 1495.

(6) Theo Toàn thư, Sđd, tr.517.

(7), (8) Theo Toàn thư, Sđd, tr.517.

(9) Theo Toàn thư, sách đã dẫn, tr.518.

(10) Xem Đăng khoa lục sưu giảng A.224, tờ 5b; Thoái thực kỷ văn VHv.1274/3 tờ 28a.

(11) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Văn hóa, 1984, tr.228.

(12) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (X - XVIII), in lần thứ 3, Văn học, 1976, trong bài tựa Cửu ca tr.473, không rõ soạn giả dựa vào văn bản nào mà chép họ “Lưu” ra họ “Lương” và chỉ chép có 6 họ, thiếu hẳn 2 họ Nguyễn, Dương. Tuy vậy, trong chú thích cho mục này, soạn giả nói rõ 8 họ đó là: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Nhân Phùng, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn, Phạm Cẩn Trực.

(13) Nguyên văn: “đặc tứ cận thần phụng canh (...) phú tựu thiên chương, nhị bách dư vận, kinh duệ lãm, hội tập thanh biên, mệnh viết Quỳnh uyển cửu ca. Thánh chế tự văn, biền vu thiên thủ, hựu mệnh thần tự vu chung (...)

Hồng Đức nhị thập ngũ niên, mạnh đông” (A.1413, tờ 64b).

(14) Trong Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Ích, bản khắc in Tồn Am gia tàng, khắc lầm: “Hơn ba trăm bài”. (A.3163/3, Q.7, tờ 6b).

(15) Toàn thư chép lầm là Ngô Quyền.

(16) Nguyên văn: “... Sung nhị thập bát tú, công dự Tao Đàn sái phu, phụng canh đáp ngự thi, cụ kiến Minh lương cẩm tú cập Quỳnh uyển cửu ca tập” (tờ 10 - 11).

(17) Nguyên văn “cẩn ngôn”: “Thần, Lương Thế Vinh đẳng cẩn ngôn: Thiết văn, tích Tử Công xưng phu tử viết...” (Thần là bọn Lương Thế Vinh kính dâng lời: Trộm nghĩ, xưa Tử Cống nói với thầy Khổng Tử rằng ...) (Xem Minh lương cẩm tú VHv.94, tờ 57; Thiên Nam dư hạ A.334/7, tờ 95) (Xem thêm Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú cũng chép Lương Thế Vinh là Tao Đàn sái phu. Cũng xem ở Thoái thực kỷ văn, Trương Quốc Dụng, chép 2 ông Lương Thế Vinh và Sái Thuận là Tao Đàn sái phu).

(18) Xem Lịch sử văn học Việt Nam, KHXH, 1980, tr.229. Cũng xem Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, (X - XVII), Văn học, 1976, tr.439.

(19) Nguyên văn: “... Thượng mệnh vi Tao Đàn sái phu, danh tại nhị thập bát học sĩ chi tứ” (nhà vua cho làm Tao Đàn sái phu, đứng thứ tư trong số 28 học sĩ - tờ 34a).

(20) Theo Đăng khoa lục (A.2752) in năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) tờ 16. Nguyên văn “...Nguyễn Xung Sác (...) sơ danh Nhân Phùng, ngự bút cải danh Trọng Ý, hựu cải danh Xung Sác...”.

(21) Theo Đăng khoa lục, Sđd, tờ 28.

(22) Theo Đăng khoa lục, Sđd, tờ 28a.

TB

BÀI THƠ ĐỘNG BÍCH ĐÀO LÀ CỦA
LÊ QUÝ ĐÔN HAY CỦA ĐINH LỄ

TRƯỜNG LƯU
TRẦN VĂN THỤY

Gần đây, nhân làm công tác ở Viện Hán Nôm, tôi được đọc một bản ngọc phả chữ Hán chép tay của đình Phù Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Bản phả này đã được Đông các đại học sĩ Đào Cử soạn ra năm Hồng Đức 7 (1476). Đến niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) được Hùng lĩnh thiếu khanh soạn lại. Đến Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763) Cơ mật viện đại thần quận công Võ Trung soạn lại một lần nữa và có lẽ bản hiện còn là bản được chép lại năm Duy Tân thứ 7 (1913). Trong bản phả này cuối phần kể về sự tích ông Đinh Lễ theo Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, có đoạn viết (lược dịch như sau):

“Ngày ấy Đinh Công đi đến động Bích Đào, huyện Nga Sơn... Ông vào xem, đúng Ngọ ông nằm thiếp đi trước cửa động, mộng thấy hai ông lão ngồi đánh cờ dưới gốc cây đào... một lão tự xưng là Đông Phương Sóc và bảo rằng: nhà ngươi dày phúc đức, ắt sinh quí tử, trời đã định vậy”. Nói xong, vị tiên biến mất. Tỉnh ra mới biết mình chiêm bao, bèn khẩu chiếm bài thơ:

Hải thượng quần tiên sự điếu mang,
Bích Đào động khẩu thái hoang lương.
Càn khôn nhất ngộ Đông Phương Sóc,
Vân thủy song nga lão bắc phương.
Thạch cổ hữu thanh khao hiểu nguyệt,
Sa diêm vô vị nát thu sương.
Thế nhân nhược tác Thiên thai mộng,
Thùy thức Thiên thai triệu báo trường.

Đọc bài thơ này, chúng ta liên tưởng ngay đến bài thơ của Lê Quí Đôn tương truyền được sáng tác vào dịp cùng chúa Trịnh và các quan đi viếng cảnh động, Từ Thức ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vào khoảng năm 1763 và đã được khắc lên vách đá trước cửa động... Lâu ngày, đã có một vài chỗ mờ, nhưng vẫn đủ rõ cho chúng ta chép lại nguyên vẹn bài thơ như sau:

Hải thượng quần tiên sự diếu mang,
Bích Đào động khẩu thái hoang lương.
Càn khôn nhất cát cùng Từ Thức,
Vân thủy song nga lão Giáng Hương.
Thạch cổ hữu thanh khao hiểu nhật,
Sa diêm vô vị nát thu sương.
Thế nhân khổ tác Thiên thai mộng,
Thùy thức Thiên thai diệc hý trường.

Hai bài thơ làm cách nhau gần 300 năm sao mà lại giống nhau đến thế.

Nếu lấy bài của Lê Quí Đôn làm gốc để so sánh ta thấy những dị đồng dưới đây:

Cả hai bài cùng một thể thơ Đường 8 câu 7 chữ. Trong 5 vần thì 4 vần trùng nhau, riêng có vần hương ở câu 4 thì thay bằng vần phương.

Trong 8 câu thì đến 5 câu gần giống nhau, chỉ khác 1, 2 chữ. Duy câu 3 khác 4 chữ, câu 8 khác 3 chữ. Bài thơ 56 chữ có đến 44 chữ giống nhau...

Hai bài thơ giống nhau đến mức độ như thế thì không thể đặt giả thiết là có 2 tác giả và có 2 bài thơ khác nhau, mà chỉ có thể nghĩ là chỉ có một bài nguyên tác của một tác giả, bài thứ hai chỉ là một phiên bản, với một vài sửa đổi cần thiết cho hợp tình hợp cảnh hợp với nội dung câu chuyện. Vậy thì bài nào là bài nguyên tác? Bài nào là bài chép lại ? Theo tôi, bài nguyên tác là bài của Lê Quí Đôn. Và bài sao chép lại là bài tạm cho là của Đinh Lễ.

Ta thử xét hai câu thực của 2 bài thơ:

Hai câu của Lê Quí Đôn có ý nói: Từ Thức một gã nho sinh nghèo vẫn phóng khoáng, mang manh áo vải đi khắp trời đất. Nàng tiên Giáng Hương có đôi mày “mây nước” vẫn trở nên giã cỗi, hết nhan sắc.

Trong bài của Đinh Lễ, câu ba có ý nói trong trời đất một cuộc gặp gỡ với tiên ông Động Phương Sóc là một điều may mắn hiếm có. Qua câu bốn thì không thể hiểu tác giả muốn nói gì và không thể dịch sao cho xuôi nghĩa được về “lão bắc phương” chỉ cái gì? một nhân vật hay một địa điểm? Là một nhân vật thì phải là một người đàn bà mới khớp với 2 chữ “song nga” đặt ở trước. Người đàn bà đó là ai? Đóng vai trò gì trong bài thơ?...

Hai câu thực của Lê Quí Đôn nói lên đầy đủ cả cảnh và tình của hai nhân vật chủ chốt của câu chuyện tình trắc trở gắn liền với câu kết... Thiên thai cũng chỉ là một hý trường. Trong bài của Đinh Lễ, chỉ có câu 3 là ăn với câu đề, còn câu 4 thì vô nghĩa.

Câu kết bài của Đinh Lễ có ý nói Thiên thai cũng chỉ là “triệu báo trường” nghĩa là báo những điềm triệu thất thiệt. Nếu vậy chẳng hóa ra phản lại ý đồ đem bài thơ vào ngọc phả nhằm chứng minh rằng dòng dõi họ Đinh là họ Trời ban cho sao?

Nói tóm lại, những sửa đổi của kẻ chép lại đã không đạt yêu cầu.

Nhưng bài của Lê Quí Đôn mới làm ra vào năm 1763 thì làm sao đã có bài ấy để đưa vào bản ngọc phả soạn ra từ năm 1479, cách 286 năm về trước?

Mâu thuẫn trên đây chỉ có thể được giải thích là: bài thơ của Lê Quí Đôn mới được đưa vào bản phả soạn lại lần thứ 2 vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763)./.

TB

TỪ DỊCH BẢN BÀI TỔNG LUẬN CỦA LÊ TUNG SUY NGHĨ VỀ VIỆC DỊCH MỘT VĂN BẢN
HÁN VIỆT CỔ

NGUYỄN ĐĂNG NA

Dịch một văn bản Hán Việt cổ vô cùng khó. Bởi vậy trong dịch bản có sai sót là điều không thể tránh được. Song đòi hỏi có một dịch bản chính xác tới mức tối đa là điều hoàn toàn chính đáng. Trên tinh thần ấy, chúng tôi viết bài này.

Vào những năm chống Mỹ cứu nước căng thẳng, dịch bản Đại Việt sử ký toàn thư(1) ra đời là một cố gắng rất lớn; nó đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu lúc bấy giờ. Tuy nhiên do những khó khăn về điều kiện thời gian cũng như điều kiện về tư liệu và phương pháp dịch..., sách không khỏi có những chỗ chưa ổn. Trên tinh thần ấy, chúng tôi muốn trở lại vấn đề dịch Đại Việt sử ký toàn thư.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, bài Tổng luận của Lê Tung thể hiện khá tập trung tư tưởng triết học và quan điểm lịch sử - xã hội đương thời. Bởi vậy chúng tôi bắt đầu vấn đề từ việc dịch bài này. Khi đặt vấn đề chúng tôi không nhằm đi tìm những sai sót trong dịch bản làm mục đích, mà thông qua bản dịch bài Tổng luận, chúng tôi muốn nêu ra một vài suy nghĩ của mình về việc dịch một văn bản Hán Việt cổ.

*
**

Trước hết chúng tôi nhặt ra 3 điểm mà người dịch cho rằng có sự lầm lẫn trong nguyên bản.

1. Luận về 12 đời vua Trần, bản dịch có đoạn: “Huệ tôn bị giết chết mà mất hết đạo vua tôi, người có nhân không ai làm thế; Linh từ lấy làm vợ là trái ngược đạo vợ chồng, người có nghĩa không ai làm thế” (I, 52) và chú thích: “Thái tông lấy công chúa Thuận Thiên là vợ của anh ruột là Trần Liễu sau này là Hiển từ hoàng thái hậu. Còn Linh từ là vợ Trần Thủ Độ. Có lẽ chép lầm” (I, 52). Chú thích: như vậy, dịch giả muốn nói với người đọc rằng, câu văn trên nói về Trần Cảnh. Có đúng như vậy chăng?

Đánh giá 12 vị vua Trần về mọi mặt xong, Lê Tung một mặt khen 6 vị Thái tông, Thánh tông..., mặt khác lại chê: “Nhiên Huệ tôn kiến sát nhi quân thần chi đạo táng, nhân giả bất vi dã, Linh từ kiến thú nhi phu phụ chi ân quai, nghĩa giả bất vi dã”(2)(4, 16a). Vế thứ nhất rõ ràng phê phán Trần Thủ Độ: “giết Huệ tôn là làm mất đạo vua tôi; người có nhân không ai làm vậy”. Điều đó hoàn toàn phù hợp với sự kiện lịch sử: ngày 12-12 năm Ất Dậu 1225 Trần Cảnh lên ngôi, lúc đó mới 7 tuổi. Tháng 8 năm sau (1226), Thủ Độ bức tử vua Lý Huệ tôn, và cũng ngay năm đó, Thủ Độ mượn tay Thái tông giáng Huệ hậu - vợ Lý Huệ tôn xuống hàng công chúa rồi lấy luôn bà ta làm vợ. Về sự kiện này, Ngô Sĩ Liên lên án: “...đã lấy nước của người ta, lại giết vua của người ta, thì bất nhân lắm...” (II, 7)(3). Như vậy, vế thứ nhất không có gì phải bàn thêm, còn vế thứ hai của đoạn văn ám chỉ Thái tông hay Thủ Độ?

Có việc Thái tông lấy vợ của anh ruột. Mặc dù việc làm của Thái tông do Thủ Độ ép, song vẫn thương tổn đến tình anh em: Trần Liễu đã từng đem quân đánh Trần Cảnh. Nhưng trong nguyên bản không hề có một chữ nào nói đến quan hệ anh em - huynh đệ, mà chỉ nói đến vợ chồng - “phu phụ chi ân” chẳng dính líu gì đến việc Trần Liễu. Giết chồng (Huệ tôn) để cướp vợ (Huệ hậu) mới là việc làm trái nghĩa vợ chồng. Trần Thủ Độ làm việc ấy. Vì thế Lê Tung chỉ trích: “Lấy Linh từ là làm trái với ơn nghĩa vợ chồng, người có nghĩa chẳng ai làm vậy”. Viết đoạn văn trên Lê Tung đã bày tỏ thái độ của mình, chê Thủ Độ là kẻ vừa bất nhân, vừa bất nghĩa.

Xét về chữ nghĩa thì như vậy.Bây giờ ta xét đến kết cấu mạch văn.

Trước đó, khi nói về nhà Trần, Lê Tung viết: “... Thái tông... có đức của người nhân hậu, có tính giản dị chắc chắn, đánh giặc giữ dân, mở khoa thi để kén hiền tài..., nhà Trần do đó mà nổi lên. Song nơi phòng khuê có điều đáng thẹn về đức, giống với lối hôn phối của Đường Thái tông...” (4,13a - b). Như vậy, ở đây tác giả đã phẩm bình việc Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu rồi. Lẽ nào chỉ có một sự kiện mà tác giả nói đi nói lại đến hai lần? Vả chăng, ông vừa khen Thái tông “có đức của người nhân hậu” (tờ 13a), “có lượng của bậc đế vương” (tờ 13b) sao lại giáng luôn “người có nghĩa chẳng ai làm vậy?” (tờ 16a). Văn viết vừa lặp ý, vừa tiền hậu bất nhất vậy ư? Ông Tiến sĩ Lê Tung chắc chẳng đến nỗi kém cỏi thế.

Về cơ bản bài Tổng luận được viết theo thể biền ngẫu. Lê Tung tôn trọng và thực hiện chặt chẽ những quy luật của lối biền văn. Chấp hành nghiêm nhặt những quy tắc là một trong những đặc trưng cơ bản của văn học chức năng thời Trung đại. Dựa vào đặc trưng đó, có thể kiểm tra lại cách hiểu, được trình bày trên kia đúng hay sai. Những cặp đối của đoạn văn là:

Hiển tôn kiến sát//Linh từ kiến thú

Quân thần chi đạo táng//phu phụ chi ân quai

Nhân giả bất vi dã//nghĩa giả bất vi dã

Tính đăng đối nghiêm túc cả về từ ngữ, ý nghĩa đến âm thanh... khiến ta không thể thay đổi khác được dù chỉ một từ. Nếu thay Linh từ bằng Hiển từ vừa phá vỡ thanh luật đối: Huệ (tôn) thanh trắc - Linh (từ) thanh bằng, còn Hiển (từ) thanh trắc, vừa làm xộc xệch ý nghĩa đối: Huệ tôn là chồng - Linh từ là vợ, còn Hiển từ chẳng liên quan gì đến Huệ tôn.

Tiếp liên đối trên, tác giả viết: “dĩ đường đường chi thiên tử nhi vi Trúc Lâm chi thiền, trí giả bất vi dã; dĩ túc túc chi vương cơ nhi vi Chiêm Thành chi phối, lễ giả bất vi dã” (4, 16a) - đường đường là một đấng thiên tử mà làm thiền sư Trúc Lâm, người có trí không ai làm vậy; tôn nghiêm là con gái nhà vua mà cho lấy chồng Chiêm Thành, người biết lễ chẳng ai làm vậy. Liên đối này hợp thành một câu nhằm chê Trần Nhân tông. Một đoạn văn gồm 2 liên đối, 4 vế; nếu liên thứ nhất nói về 2 người - vế 1 chỉ Thủ Độ, vế 2 chỉ Thái tông - còn liên thứ 2 (vế 3 và 4) chỉ nói về một người - Nhân tông, thì luật đăng đối không còn. Người sành văn - được nhà vua giao cho viết Tổng luận của một bộ quốc sử chắc không làm như vậy.

Thế là từ chữ nghĩa, kết cấu mạch văn đến những quy luật của văn học chức năng thời Trung đại đều hướng ta đến một kết luận: Đoạn văn trên hoàn toàn không có gì nhầm lẫn.

2. Về sự kiện Triệu Quang Phục, dịch bản có đoạn: “Sao mà thành Loa đất đắp chưa khô, biển Nha quân liền chết đuối” (I, 42) và chú: “Lê Tung xô bồ sự tích Triệu Quang Phục với sự tích An Dương Vương” (I, 42).

Về chữ nghĩa trong đoạn văn trên không có gì phải bàn. Nhưng liệu ông Tiến sĩ Lê Tung có xô bồ không? Hãy đọc tiếp văn bản: “Tiền hồ An Dương vương thị hữu quy trảo chi thụy, di tâm nhất hình, nhi quốc tùy dĩ diệt; hậu hồ Triệu Việt vương thị hữu long trảo chi tướng, kiêu tâm nhất sinh, nhi quốc tùy dĩ vong...

Triệu Vũ đế sử Trọng Thủy thác hôn ư An Dương vương chi nữ nãi thiết kỳ quy trảo dĩ phạt An Dương vương, nhi thủ kỳ quốc...

Hậu Nam đế sử Nhã Lang thác thú ư Triệu Việt vương chi nữ nãi thiết kỳ long trảo dĩ phạt Triệu Việt vương, nhi di kỳ tộ” (4, 6a).

Với thể biền ngẫu, người đọc dễ dàng nhận thấy cách so sánh 2 sự kiện An Dương vương trước kia với Triệu Việt vương sau này giống nhau, vừa lặp lại.

Cả 2 đều ỷ vào điềm lành - móng rùa hoặc móng rồng, mà sinh lòng lười biếng - di tâm, hoặc kiêu căng - kiêu tâm, để mất nước. Hai vế cuối cùng chỉ rõ nguyên nhân mất nước trực tiếp: “Triệu Vũ đế khiến Trọng Thủy giả lấy con gái An Dương vương là để lấy trộm móng rùa mà đánh cướp lấy nước của ông... Hậu Nam đế sai Nhã Lang vờ lấy con gái Triệu Việt vương là để lấy trộm móng rồng mà đánh chiếm lấy ngôi của ông...”. Quả thật đoạn văn vừa dẫn ra trên kia đã thanh minh cho Lê Tung, ông không xô bồ giữa 2 sự kiện An Dương vương và Triệu Việt vương, mà còn triển khai được luận đề đặt ra: “Hạnh đắc long trảo chi thụy đại phá toàn Lương” (4, 5b) - may được móng rồng điềm tốt đánh tan hết giặc nhà Lương. Đấy là thời và thế để Quang Phục thành công. Song Quang Phục đã theo vết xe đổ của người đi trước. Lê Tung than thở; “Nại hà Loa thành chi trúc vị can. Nha hải chi sư tùy nịch; nga mao chi họa thị thủy cữu dã” (4, 5b). Sao mà thành ốc xây chưa kịp khô, nơi cửa biển Nha quân theo chết đuối; họa rắc lông ngỗng là lỗi của ai? Lời than đó đã trách Quang Phục không biết rút bài học của tiền nhân. Tấm gương tầy liếp về Trọng Thủy - Mỵ Châu còn sờ sờ ra đấy, nay để cho việc Nhã Lang - Cảo Nương lặp lại. Vậy thì tai họa rắc lông ngỗng dẫn đường kia là lỗi của ai? Ý của Lê Tung quá rõ. Văn chương tiền hậu nhất quán, hô ứng tương hợp. Đấy cũng là một trong những thể thức của văn “luận” thời Trung đại.

3. Đoạn thứ 3 về Phùng An, dịch giả dịch: “được lập lên trong chiến lược, rồi đầu hàng với Triệu Xương” (I, 43) và chú giải: “... chữ Hán là “lập ư Phá Cần”. Chúng tôi ngờ rằng chữ “cần” là do chữ “phủ” lộn thành... “Phá phủ” là bài thơ trong Kinh Thi ca tụng công đánh dẹp cứu dân, hợp với việc Phùng Hưng cứu nước” (I, 43). Trước hết, đoạn này nói về Phùng An, chẳng dính líu gì đến Phùng Hưng. Hơn nữa, nguyên văn là: “Tích kỷ tử An bất năng tự thủ. Kiến lập ư Phá Cần, nghênh hàng ư Triệu Xương” (4, 6b) lại càng chẳng có gì “hợp với việc Phùng Hưng cứu nước” - “Tiếc rằng con ông là An không có tài giữ việc nối ngôi”. Vả chăng chữ “kiến” chỉ ra thế bị động, thế tiêu cực của chủ thể Phùng An. Khi Phùng Hưng chết, quân ông chia làm 2 phe: một phe muốn đưa Phùng Hải - em Phùng Hưng lên thay; một phe muốn đưa Phùng An - con Phùng Hưng lên nối ngôi. Phe thứ hai do Bồ Phá Cần đứng đầu với sự trợ giúp của Đỗ Anh Luận, Phùng An được lên nối ngôi hoàn toàn do Bồ Phá Cần. Bởi luật đối trong văn, Lê Tung không thể viết cả 3 chữ “Bồ Phá Cần” được. “Triệu Xương” là danh từ riêng, chỉ tên người, gồm 2 âm tiết. Muốn đăng đối, vế trên chỉ được phép dùng danh từ riêng chỉ người và có 2 âm tiết. “Phá Cần” là do “Phá phủ” lộn thành, thì “Phá phủ” sẽ phá vỡ quy luật của văn biền ngẫu. “Phá phủ” không phải là danh từ chỉ tên người để đối với “Triệu Xương”.

Tổng luận được viết theo lối “bao biếm” của bút pháp Xuân Thu. Chữ nghĩa Lê Tung dùng hết sức chọn lọc, thể hiện rõ quan điểm của ông. Đoạn nói về Phùng An là một thí dụ. “Kiến lập ư Phá Cần” chỉ thế bị động không có thực chất của Phùng An, đối với “nghênh hàng ư Triệu Xương” chỉ thế chủ động đầu hàng mang tính bản chất có thực của Phùng An. Nếu “Phá Phủ ca tụng công đánh dẹp cứu dân” thì nó mang ý nghĩa tích cực, do đó không phù hợp với chữ “kiến” 見 với ý nghĩa tiêu cực, bị động(4).

Đó là 3 ví dụ khá tiêu biểu cho bản dịch Tổng luận. Ngoài ra, nhiều chỗ dịch giả bỏ qua đặc trưng của văn học Trung đại, làm người đọc bản dịch, hoặc hiểu sai lịch sử, hoặc hiểu sai tác giả. Chẳng hạn đoạn dịch về Trần Thái Tông mà chúng tôi có dẫn trên kia. Đối với Thái tông, điều đáng chê trách hơn cả là việc ông lấy vợ của Trần Liễu. Nhưng việc đó ông hoàn toàn bị cưỡng bức. Thậm chí, ông phản ứng bằng cách bỏ kinh đô lên Yên Tử ở và nói với Thủ Độ rằng “trẫm còn trẻ tuổi, chưa cáng đáng nổi việc nặng nề... không dám ở ngôi vua mà làm nhục xã tắc” (II, 15). Bởi vậy Lê Tung chỉ viết: “Khuê môn tàm đức, trùng ư Đường Thái chi hôn phong” (4.13b). Thế mà dịch là “Chốn buồng the kém đức, theo thói dâm hôn của Đường Thái tông” (I, 49). Kể ra, “Khuê môn tầm đức” dịch là “Chốn buồng the kém đức” thì còn tạm được, chứ “trùng ư Đường Thái chi hôn phong” mà dịch là “theo thói dâm hôn của Đường Thái tông” thì không ổn. Người đọc sẽ hiểu sai tư cách của Trần Thái tông. Bị ám ảnh bởi định kiến nặng nề về Thái tông như vậy, nên dịch giả cho câu “Linh từ kiến thú” là viết lầm, câu Ngô Sĩ Liên chê Trần Thủ Độ “... là giặc giết vua; huống chi lại còn làm thói chó lợn” (III, 7) là “chỉ việc loạn luân, Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu” (II, 279) v.v... và v.v...(5).

*
**

Từ vài điểm trình bày trên, chúng tôi muốn nêu ra vài suy nghĩ của mình về việc dịch một văn bản Hán Việt cổ.

1. Về nhận thức mà nói, khi cầm một văn bản Hán Việt cổ, chúng tôi nghĩ ngay rằng, người xưa rất giỏi dùng Hán văn. Do được đào tạo hệ thống và quy mô, các vị đó vừa sâu rộng về kiến thức, vừa tinh tế về dùng từ, vừa lão luyện về hành văn. Cho nên những sai sót về kiến thức, về dùng từ và về hành văn hết sức hạn chế. Nếu văn bản là tác phẩm văn học chức năng, thì sự sai sót nhầm lẫn càng ít xảy ra hơn bởi hai cớ: một là chỉ những người thật sự giỏi mới được cử viết văn bản đó, hai là, bản thân người được cử viết, vừa có lòng tự trọng, vừa tôn trọng người đọc và rất sợ tiếng cười chê của đời sau. Còn như văn bản đó được khắc in thì độ chính xác của nó càng cao hơn.

Đại Việt sử ký toàn thư là tác phẩm văn học chức năng do một tập thể hầu hết là Tiến sĩ biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua và được Quốc tử giám - một cơ quan văn hóa cao nhất đương thời tàng bản, thì những sai sót, hoặc nhầm lẫn được hạn chế tới mức tối đa. Đương nhiên, ta không tuyệt đối hóa một cái gì và không loại trừ khả năng sai sót do kỹ thuật ấn loát gây ra. Khi viết Tổng luận Lê Tung không chỉ đại diện cho tập thể biên soạn, mà còn đại diện cho tiếng nói chính thống của thời đại ông, cho nên người viết không thể cẩu thả được. Rõ ràng những trường hợp ta ngờ rằng viết “lộn” (Phủ thành Cần) “chép lầm” (Hiển từ thành Linh từ) hoặc “xô bồ sự kiện” (Triệu Quang Phục thành An Dương Vương)... đều không đúng. Tất cả những điều đó đều khẳng định rằng, người xưa rất giỏi, phần nhiều ta không hiểu người xưa, chắc ít khi người xưa nhầm lẫn.

2. “Những quy chế về thể loại được chấp hành nghiêm chỉnh là một trong những đặc điểm cơ bản tạo nên tác phẩm”(6) văn học Trung đại. Lê Tung viết Tổng luận theo bút pháp Xuân Thu, dưới hình thức biền văn, bằng thể tài luận. Bút pháp Xuân Thu đòi hỏi tác giả dùng chữ hết sức chọn lọc, sao cho thể hiện được quan niệm khen chê rõ ràng, “như gương sáng đã treo lên, thì muôn hình tượng đều chiếu thấy” (I, 39). Các trường hợp đánh giá Triệu Việt vương, Phùng An, Trần Thủ Độ, Trần Thái tông, Trần Nhân tông... mà chúng tôi nêu trên kia là những ví dụ tiêu biểu. Đặc điểm của văn “luận” là tính súc tích và cố nén, là tính hô ứng giữa luận đề đặt ra với sự triển khai minh chứng, là sự nhất quán trước sau tạo nên tính chặt chẽ của kết cấu tác phẩm. Nếu một tách một đoạn nhỏ nào đó ra khỏi toàn kết cấu tác phẩm, ta khó thấy mạch lô gích của nó; chẳng hạn đoạn nói về Triệu Quang Phục mà chúng tôi đã trình bày trên kia. Tính đăng đối về thanh điệu, về từ ngữ, về ý nghĩa... là quy chế của lối biền văn. Bỏ qua đặc trưng này, ta có thể thay Phá Cần bằng Phá phủ hoặc bằng “phá” gì đó cũng được và có thể thay “Linh từ” bằng “Hiển từ” v.v... Do đó, về phương pháp mà nói, khi dịch một văn bản Hán Việt cổ phải bám sát đặc trưng loại hình thể loại của nó. Nếu xa rời nó, ta dễ mất phương hướng.

Bài Tổng luận của Lê Tung chỉ là một trong muôn ngàn văn bản Hán Việt cổ. Chúng tôi biết rằng, không thể từ một phần rất nhỏ bé đó mà khái quát cho cả một vấn đề lớn là dịch thuật. Song, chúng tôi cũng mạnh dạn nêu ra vài suy nghĩ của mình, họa chăng có thể góp thêm tiếng nói vào việc dịch một văn bản Hán - Việt cổ.

CHÚ THÍCH

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb. KHXH, 1967. Từ đây trở xuống, khi trích dẫn câu dịch, chúng tôi chỉ ghi tắt số tập và số trang.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Quốc tử giám tàng bản (Bản chữ Hán) ký hiệu A. 3, kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm. Từ đây trở đi chỉ viết tắt số quyển và số tờ.

(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971.

(4) Khi viết bài này, chúng tôi có tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) tập I, Nxb. KHXH, H. 1983 thì thấy: Thí dụ 1 về cơ bản vẫn giữ nguyên như Bản dịch cũ, cho là câu ấy phê phán Thái Tông (tr. 110). TD2, sửa lại đôi chữ và bỏ chú thích “Lê Tung xô bồ...” TD3 dịch là “Do Phá Cần lập nên rồi đầu hàng Triệu Xương” (tr.101). Vì không có nguyên văn bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 nên chúng tôi chưa có dịp đối chiếu và nhận xét.

(5) Bản dịch mới đã đính chính sai lầm này. Xem ĐVSKTT, Tập II, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.7, chú thích (2).

(6) B. I Ríp-tin: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học Trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình (TCVH số 2/1974).

TB

NHỮNG SAI LẦM TRONG QUYỂN
TỰ ĐIỂN GÉNIBREL

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Quyển TỰ ĐIỂN VIỆT - PHÁP(1) của giáo sĩ Génibrel từ trước đến nay vẫn được coi là một quyển tự điển có giá trị, đáng tin cậy để tham khảo.

J.F.M. Génibrel đã dựa vào quyển Tự điển Việt Pháp(2) của giáo sĩ Caspar để soạn ra quyển Tự điển mới này nên mới ghi trên bìa sách là “In lần thứ hai”, tuy rằng sách mới in lần thứ nhất.

Theo như Lời mở đầu gởi các độc giả thì ông đã biên soạn trong 14 năm liền (từ năm 1884 đến năm 1898) với sự giúp đỡ của một nhà nho Việt Nam.

Khác với các quyển Tự điển của Alexandre de Rhodes (1651), của Taberd (1838), của Bonet (1889), quyển Tự điển của Génibrel có thêm các thí dụ trích trong các tác phẩm văn học như Truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên.

Giáo sĩ Génibrel đã dịch các câu thí dụ ấy sang tiếng Pháp. Nay căn cứ vào các câu dịch ấy chúng ta có thể biết được trình độ hiểu tiếng Việt của ông ra sao.

Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là ông đã hiểu sai và dịch sai quá nhiều câu thí dụ.

Trong bài này chúng tôi chỉ xin nói đến các câu dịch trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Nếu kể tổng cộng các chữ và các câu trích ra từ trong Truyện Kiều để dịch làm thí dụ thì có khoảng tám trăm câu.

Chúng tôi sẽ không nói hết về các câu dịch sai ấy, mà xin nêu ra một số câu theo 5 mục như sau:

I. CÁC CHỮ DỊCH SAI VÌ KHÔNG HIỂU ĐƯỢC CÁC TIẾNG ĐỒNG ÂM

Tiếng Việt có nhiều chữ đồng âm mà dị nghĩa nếu không cẩn thận thì rất dễ nhầm lẫn:

1. Chữ NON trong câu 41:

Cỏ non xanh tận chân trời.

G.SGénibrel đã hiểu lầm nên đã dịch là

De Vertes montagnes s’étendent jusqu’à l’horizon. Đúng ra “cỏ non” phải dịch là “le tapis vert d’herbe tendre” (tấm thảm cỏ xanh non) chứ không phải là “những ngọn núi xanh”. NON không phải là núi non.

2. Chữ LƯNG trong câu 137:

Đề huề lưng túi gió trăng.

Génibrel đã hiểu sai “lưng” là le dos và đã dịch cả câu trên là:

Litt: Porter dans les de la lune. Càd. Porter en main e’sur le dos tout son attirail de voyage.

Thực ra chữ “lưng” phải dịch là moitié rempli (một nửa, đầy có một nửa) chứ không thể dịch là le dos (cái lưng).

3. Chữ THƯA trong câu 566:

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

Génibrel đã hiểu sai “thưa” là đáp lại, trả lời (répondre) nên đã dịch cả câu trên là:

Le coucou chante, perchésurune branche, l’oie sauvage lui répond du haut des airs où eile plane.

Đúng ra thì chữ “thưa” phải hiểu là “thưa thớt” và phải dịch là clairsemé.

4. Chữ MAI trong câu 638:

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

Génibrel đã hiểu sai chữ “mai” là lúc rạng đông, buổi sớm mai, lúc ban mai nên đã dịch cả câu trên là:

La tristesse ets comme un bouton de fleurs qui s’épanouit comme l’aurore du jour.

Đúng ra thì chữ “mai” phải hiểu là cây mai và phải dịch là abricotier.

5. Chữ THUYỀN trong câu 1991:

Thuyền trà cạn nước hồng mai.

Génibrel đã hiểu sai chữ “thuyền” là chiếc thuyền, chiếc ghe nên đã dịch “thuyền trà” là Barque de thé Cad. Thé ère.

Chắc ông đã theo Trương Vĩnh Ký vì trong quyển Kim Vân Kiều Truyện, in năm 1875, Trương Vĩnh Ký đã giảng: “Thuyền trà là chén trà có dĩa đài làm cong cong, con Thuý Kiều pha trà hồng mai mà đãi”.

Đúng ra chữ “thuyền” hoặc “thiền” đã được phiên âm từ chữ Phạn dayana là thiền na mà ta quen gọi tắt là “thiền”. Thiền đã được dùng để chỉ cảnh chùa vì đạo Phật lấy sự thanh tĩnh mà xét tỏ chân lý làm tôn chỉ.

Vậy “thiền trà” hoặc “thuyền trà” phải hiểu là chén trà của nhà chùa.

II. CÁC CHỮ DỊCH SAI VÌ ĐÃ PHIÊN ÂM SAI CHỮ NÔM

Génibrel đã phiên âm sai một số chữ Nôm nên đã làm cho câu thơ nhiều khi sai hẳn ý nghĩa.

1. Chữ THỂ trong câu 116:

Thác là thể phách, còn là tinh anh.

Génibrel đã phiên âm câu ấy là:

Thác là thấy phách, còn là tinh anh.

Và đã dịch sang tiếng Pháp là:

Quand une personne savante et lettréo n’est plus on peut voir son ombre encore sensible à nos yeux. Dịch như vậy là hoàn toàn sai.

Thực ra chữ 体 (thể) có thể đọc là “thấy”.

Trong truyện Lục Vân Tiên, bản Abel des Michles do Trần Ngươn Hạnh viết chữ Nôm, có nhiều chữ “thấy” 獕 được viết tắt là 体 .

Câu 116 trong Truyện Kiều phải được phiên âm là:

Thác là thể phách, còn là tinh anh.

mới đúng.

Chữ “thể phách” được đặt đối với chữ “tinh anh”. Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch là: Les esprits d’élite (comme Đạm Tiên) ne meurent que du corps, leuts esprits survivent. Dịch như vậy mới đúng ý nghĩa của câu thơ.

2. Chữ RU trong câu 347:

Lặng nghe lời nói như ru.

Génibrel đã phiên âm sai chữ 油 là “dầu” và đã chép câu thơ là:

Lặng nghe lời nói như dầu.

Ông đã dịch sang tiếng Pháp sai thành:

Ecouter en silence des paroles douces comme Phuile.

Đúng ra chữ 油 phải phiên âm là ru và cả câu thơ phải dịch là:

En silence, elle écontait ces paroles berceuses.

3. Chữ SEN trong câu 437:

Tiếng sen sẽ động giấc hoè.

Génibrel đã phiên âm sai chữ 蓮 (sen) là lên. Có thể ông đã lầm lẫn chữ 蓮 (sen) với chữ (lên). Vì lầm lẫn như vậy nên ông đã dịch sai câu thơ là: Le bruit lentement provoque le réveil.

Chúng ta nên nhớ là chữ “tiếng sen” còn có điển tích. Tề Đông Hôn hầu vì quá yêu nàng Phan phi nên sai lát hoa sen bằng vàng trong cung để mỗi khi nàng bước đi là như có một bông sen nở ra ở dưới gót chân. Theo điển ấy thì câu thơ phải dịch là:

Au doux bruit des pieds de lotus, il sortit de son rêve de sophora.

4. Chữ ĐEN trong câu 912:

Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.

Génibrel đã phiên âm sai chữ 顛 (đen) là chân. Có thể ông đã lầm lẫn chữ 顛 (đen) với chữ 觮 (chân).

Vì lầm lẫn như vậy nên ông đã dịch sai câu thơ là: Des pontos de glace d’un blanc éclatant, les preds se trempent dans mille nuages.

Ông lại nhầm lẫn chữ ngàn (rừng núi, núi ngàn) với chữ ngàn (một nghìn) nên đã dịch ngàn mây là mille nuages.

Chúng ta ai cũng thấy chữ “bạc phau” được đặt đối nhau với chữ “đen rầm” và câu thơ có thể dịch là: Ponts tout blancs de givre, cols de nuages noirs encombrés.

5. Chữ THIỆN trong câu 3251:

Thiện căn ở tại lòng ta.

Génibrel đã phiên âm hai chữ 善 根 (thiện căn) là thẹn hờn(3).

Có thể ông đã lầm lẫn chữ 善根 (thiện căn) với chữ 瘄恨 (thẹn hờn).

Vì lầm lẫn nên ông đã dịch sai câu thơ là:

La honte et la haine se trouvent pareillement su coeur des hommes.

Đúng ra câu thơ của Nguyễn Du phải dịch là:

La racine du bien réside en nous - mêmmes hoặc Le bien a sa racine dans notre coeur.

III. CÁC CHỮ DỊCH SAI VÌ ĐÃ VIẾT SAI CHÍNH TẢ CHỮ QUỐC NGỮ

Có một số chữ Génibrel đã viết sai chính tả nên đã dịch sai bản nghĩa của câu thơ.

1. Chữ DAO trong câu 144:

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

Génibrel đã viết sai chính tả chữ “dao” thành “giao” nên đã dịch “cây quỳnh cành giao” là deux rameaux entrelacés de l’arbre quỳnh.

Ông đã hiểu “giao” là quấn lấy nhau.

Thực ra “dao” là tên một thứ đá quí và câu thơ của Nguyễn Du phải được dịch là: Tout l’espace fut comme illuminé par des arbres de rubis et des rameaux de jade.

Chúng ta nên biết bốn chữ “cây quỳnh cành dao”là lấy trong câu thơ của Vương Nhung tặng khen Vương Diễn: “Vương Diễn như quỳnh lâm dao thụ” (Vương Diễn có vẻ phong nhã như cây bằng ngọc dao trong rừng quỳnh) để nói người có dáng điệu đẹp đẽ thanh kỳ.

Chắc vì không biết điển tích nên Génibrel mới viết sai chính tả và mới dịch như vậy.

2. Chữ SE NGỌN trong câu 254:

Trúc se ngọn thỏ, thơ chùng phím loan.

Génibrel đã viết sai chính tả thành “sè ngón” và đã dịch “Trước sè ngón thỏ”là: Sur le bambou étendre ses doig s de lièvre. Càd. Sur la flũte de bambou promener sé doigts très agiles.

Dịch như vậy là sai hẳn với nghĩa câu thơ của Nguyễn Du vì “Trúc se ngọn thỏ” tả cảnh tình Kim Trọng tương tư, bỏ bê cả việc học hành đến nỗi ngọn bút lông thỏ cũng khô se lại, chứ không phải là tả việc Kim Trọng thổi sáo, đưa lẹ ngón tay nhọn như móng thỏ trên ống trúc.

Nếu có dịch sang tiếng Pháp thì phải viết là:

Les pinceaux montraient leur pointes en poils de lapin tout séchés.

3. Chữ TRÀNG trong câu 1944:

Giọt Châu tầm tã đượm tràng áo xanh.

Génibrel đã viết sai chính tả thành “tràn” nên đã dịch là inonder (ngập tràn, ướt tràn).

Đúng ra chữ ấy là “tràng” tức là tràng áo, tiếng Pháp là le pan de sa robe.

Génibrel đã dịch sai cả câu thơ ấy là: Les larmes abondantes qu’il verse inondent ses habits.

Câu ấy đúng ra phải dịch như sau:

Les larmes trempaient le pan de sa robe bleue.

4. Chữ LƯỚI trong câu 1935:

Quan phòng then nhặt lưới mau.

Génibrel đã viết sai chính tả thành “lưỡi” và đã dịch sai hẳn câu thơ trên là: Cadenasser sa langue bavarde (Khoá cái lưỡi hay nói lại, khóa cái mồm hay nói lại).

Thật chẳng còn có nghĩa gì nữa.

Câu thơ ấy trong Truyện Kiều đã tả cảnh Thúy Kiều bị giam lỏng ở Quan Âm các. Hoạn Thư cho canh phòng, đóng khoá cửa cẩn thận, giữ gìn không cho hở một mắt lưới đã dăng kín khiến cho Thúc Sinh và Thúy Kiều không thể gặp nhau được.

Hiểu theo nghĩa ấy thì câu thơ có thể dịch là: Une surveillance étroite la cernait de verrous soigneusement tirés, resserrait autour d’elle un réseau aux fines mailles.

Cũng có người hiểu câu thơ trên là tả cái cảnh Thúy Kiều ở Quan Âm các đã quen với công việc hàng ngày của mình là đóng khóa cửa cẩn thận và ngồi dệt lưới.

Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì câu thơ có thể dịch là:

Commise à cet emploi de portier de pagode, elle ve’llait à tirer les verrous et à serrer les mailles de filets.

Nhưng câu thơ này hiểu theo nghĩa thứ nhất đúng hơn.

5. Chữ ÓC trong câu 2426:

Dễ đem gan óc đều nghì trời mây.

Génibrel đã viết sai chính tả là “ốc”và đã dịch sai hẳn câu thơ trên là: Comment pourrais - sje, moi, (coeur de limace) chétive créature, payer de retour votre immense affection.

Ông đã không biết đến điển trong Tam quốc, lời Trần Lâm kể tội Tào Tháo: “Kim nhật nãi trung thần can não đổ địa chi thu, liệt sĩ lập công chi hội,, bất khả bất húc dã” (Ngày nay là dịp trung thần đem gan óc đền ơn nước, liệt sĩ ra tài chí lập đại công, há chẳng nên gắng sao?)

Ông cũng không biết đến câu cổ ngữ: “Minh tâm khắc cốt bất vong, can não đồ địa dĩ báo” (Ghi lòng khắc xương không quên, gan óc lấy đất để báo đền) nên đã chép sai thành “gan ốc” và đã dịch sai hẳn là coeur de limace.

Nguyên truyện của Thanh Tâm tài nhân kể rằng: sau khi Thúy Kiều đã đền ân báo oán thì đã lạy tạ mà nói: “Thiếp vô hạn thâm cừu, trượng đại vương uy linh, nhất chiêu tẩy tận, tuy can não đồ địa bất túc dĩ báo hậu đức” (Bao nhiêu sự thâm cừu của thiếp, nhờ uy linh đại vương, chỉ một buổi sớm mai mà rửa sạch hết. Dẫu thiếp có đem gan và óc mà bôi ra mặt đất cũng chưa đủ đáp đức dày đó).

Nghĩa của chữ “gan óc” đã rõ ràng như vậy nên câu thơ ấy nếu dịch sang tiếng Pháp thì phải viết như sau: Quand j’aurais abimé mon foie et ma cervelle pour vous, je n’aurais pas encore payé ma dette de reconnaissance envers celui que je place aussi haut que le ciel et les nuages.

IV. CÁC CHỮ DỊCH SAI VÌ CHÉP SAI MỘT CHỮ TRONG CÂU THƠ

Các câu thơ của Nguyễn Du đã được viết ra thật hoàn bích. Nếu chép sai đi một chữ thì cũng làm cho câu thơ mất hẳn ý nghĩa. Génibrel chưa hiểu được tinh vi tiếng Việt nên đã dịch sai rất nhiều chỗ.

1. Chữ ĐỔ trong câu 121:

Ào ào đổ lộc rung cây.

Génibrel đã chép sai thành “Gió” và đã dịch sai cả câu là: Un vent bruyant et rapide (comme un cerf bondissant) secoue les arbres.

Ông đã hiểu chữ “lộc” là con hươu, con nai (cert) trong khi chữ ấy phải có nghĩa là “chồi lá non” mới đúng.

Theo đúng nghĩa câu thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch là:

Avee un bruissement sinistre, (un tourbilion) fit tomber des feuilles et secoua les arbres.

2. Chữ ĐỒI trong câu 2029:

Mịt mù dặm cát đồi cây

Génibrel đã chép sai là “CHỒI” nên đã dịch sai là: Les chemins et les bois sont dans une obscurité profonde.

Thực ra chữ “chồi cây” mà dịch là les bois thì cũng không đúng, chữ ấy phải dịch là rejeton, bourgeon mới hợp nghĩa.

Nhưng ở câu này không phải là “chồi cây” mà là “đồi cây” (collone boisée) và cả câu phải dịch là Dana l’obscurité, elle dis inguait confusément le chemin sablonneux et les collines boisées.

3. Chữ BÀO trong câu 1519:

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Génibrel đã chép sai là “bâu” và đã dịch sai cả câu là: L’un monte à cheval, l’autre sépare le collet de l’habit.

Chữ “bâu” là cổ áo, khác hẳn với “bào” là áo dài kiểu cũ có tay rộng.

Génibrel đã hiểu sự chia tay ly biệt như cái cổ áo bị cắt lìa khỏi cái áo.

Sự thực không phải như vậy.

Ở đâyNguyễn Du đã tả cái cảnh chia tay của Thúc Sinh và Thúy Kiều: chàng thì lên ngựa, nàng thì buông vạt áo của chàng mà nàng đã nắm trong tay.

Câu ấy dịch sang tiếng Pháp phải viết là: Lui, monte en selle, elle lâchale pan de sa robe qu’elle tenait mpoigné.

4. Chữ NGÀI trong câu 2167:

Râu hùm, hàm én, mày ngài

Génibrel đã chép sai là “NGÀ” và đã dịch sai là: Barbe de tigre, menton d’hirondelle, sourcils d’ivoire. Càd. Cruel, fourbe et débauche.

Các bản Kiều không có bản nào chép là “mày ngà” mà đều chép là “mày ngài”.

Mày ngài là do chữ “nga mi” dịch ra.

Trong truyện Tam Quốc chí diễn nghĩa, La Quán Trung có tả tướng mạo của Quan Vân Trường: “Thân trường cửu xích, diện như trùng tảo, thần nhược đồ chi, đau phượng nhãn, ngọa tàm mi, tướng mạo đường đường, uy phong lẫm lẫm” (Mình dài chín thước, râu dài hai thước, mặt như hai trái táo chắp lại mà đỏ như gấc, môi hồng như son tô, mắt phượng mày ngài, tướng mạo đường đường, uy phong lẫm lẫm) và cũng có cả tướng mạo của Trương Phi: “Thân trường bát xích, báo đầu hoàn nhãn, yến hạm hổ tu, thanh nhược cự lôi, thế như bôn mã” (Mình dài tám thước, đầu như đầu con báo, hai mắt tròn xoe như hai cái vòng, râu hùm, hàm én, tiếng nói như sấm, sức khỏe như ngựa chạy).

Từ Hải có râu hùm, hùm én là tướng mạo của Trương Phi và có mắt phượng mày ngài là tướng mạo của Quan Vân Trường thì làm sao giáo sĩ Génibrel lại dám bảo kẻ anh hùng ấy là một người tàn bạo, gian giảo và trác táng (cruel, fourbe et débauche).

5. Chữ KHÓI trong câu 3198:

Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa.

Génibrel đã chép sai là BỔNG và đã dịch sai hẳn câu thơ là: Aigus ou graves, hauts ou bas, les sons instrument se succèdent.

Như vậy không những chữ “khói” đã bị chép sai thành “bổng” mà chữ “trầm” (trầm hương) cũng bị hiểu sai thành “trầm bổng” (tiếng đàn cao thấp).

Câu thơ của Nguyễn Du được đặt đối nhau:

khói trầm đối với tiếng huyền

cao thấp đối với gần xa

và nếu dịch sang tiếng Pháp thì phải viết là: La fumée de l’encens semblait suivre les mouvements de cele musique en s’élevant ou en s’abaissant selon que les sons se faisaieut entendre prochesou lointains.

V. CÁC CHỮ DỊCH SAI HOẶC CÁC CÂU DỊCH SAI VÌ KHÔNG HIỂU ĐƯỢC NGHĨA BÓNG

Các sai lầm thì rất nhiều. Chúng tôi chỉ xin nêu ra mấy thí dụ như sau:

1. Chữ MÁI trong câu 378:

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường

Génibrel đã hiểu sai nghĩa nên đã dịch câu thơ ấy là: Aller d’un pas rapide en marchant sur la crête du mur.

Génibrel đã hiểu “mái tường” là ngọn tường và bảo nàng Kiều đi ở trên đỉnh cao của bức tường.

Đúng ra thì “mái” là mé, tức là ở bên cạnh bức tường.

Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch câu ấy là:

Puis, d’un pas alerte et élégant, elle se dirigea sans tarder vers le mur qu’on connait.

2. Câu 2591:

Nghĩa mình phương diện quốc gia

Génibrel đã dịch là:

Réfléchir à part soi sur l’étendue du pays

thì đã chẳng hiểu gì cả.

Câu này Nguyễn Du nói đến vai trò quan trọng của Hồ Tôn Hiến, một vị quan to của triều đình chứ đâu phải là nói đến đất đai rộng lớn.

Câu ấy dịch sang tiếng Pháp phải viết là:

II se dit: “Je suis un personage important dans l’Etat.

3. Câu 676:

Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành

Génibrel đã dịch là:

On sait la quantité de rameaux que contient ue charge de bois (Người ta biết số nhánh (thanh củi) mà một gánh chứa đựng được).

Câu thơ trên đâu có nghĩa như vậy,

Theo trong Truyện Kiều thì Thúy Kiều đã ví Vương ông như một thân cây phải gánh đỡ biết bao nhiêu cành, nghĩa là có nhiều trách nhiệm đối với gia đình.

Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch là: Arbre unique, il porte d’innombrables rameaux (il a des charges de famille écrasante).

4. Câu 585:

Điều đâu bay buộc ai làm

Génibrel đã chép sai chữ “buộc” thành chữ “bốc” và đã dịch sai câu thơ là:

Le nom de l’auteur est partot connu.

(Tên của tác giả được biết đến ở khắp nơi)

Không hiểu Génibrel đã hiểu câu thơ ra sao mà lại dịch sai đến như vậy.

Câu thơ này nói đến việc thằng bán tơ vu cho Vương ông khiến tai vạ ở đâu xảy đến mà không biết.

5. Câu 112:

Một điều là một vận vào khó nghe

Génibrel đã dịch là:

Chaque chose raison d’être, si vous les confordez impossible de plus rien comprendre (Mỗi điều đều có lý lẽ riêng của nó, nếu anh để cho lầm lẫn thì không còn cách gì hiểu được nữa).

Câu thơ này là lời Vương Quan khuyên Thúy Kiều không nên nói những lời ai oán xót thương Đạm Tiên, sợ nó vận vào người.

Nếu có dịch sang tiếng Pháp thì phải viết là: chaque mot que vous dites d‘elle, vous l’appliquez à vous-même. Cela est inadmissible!

6. Câu 2371:

Trót lòng dấy việc chông gai

Génibrel đã dịch là:

Tous comme un seul homme se mettent à planter une ligne de lancettes (Tất cả mọi người như một cùng trồng một hàng chông).

Không hiểu giáo sĩ Génibrel hiểu làm sao câu thơ trên mà lại dịch như vậy.

Trong Truyện Kiều, câu thơ này là lời Hoạn Thư nói với Thúy Kiều rằng đã trót gây việc chông gai lúc trước nay xin được tha tội.

Câu ấy nếu dịch sang tiếng Pháp thì phải viết là:

Je me repens d’avoir créé jadis cette situstoin toute hérissée d’épines.

Qua những phần trình bày ở trên, chúng tôi đã nêu ra một số sai lầm mà giáo sĩ J.F.M. Génibrel đã mắc phải khi ông dịch các câu Kiều sang tiếng Pháp.

Trước những sự sai lầm ấy tôi muốn đặt ra vấn đề có nên tin hẳn vào các tự điển cổ do người ngoại quốc biên soạn không? Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không phủ nhận các công trình biên soạn của họ. Nhưng chúng ta không thể coi các cuốn tự điển ấy là mẫu mực mỗi khi gặp một từ cổ, khó hiểu.

Các quyển Tự điển của Alexandre de Rhodes, của Cordier, của Gorim... cũng có nhiều sai lầm, khi sử dụng không thể không chú ý.

Riêng về quyển Tự điển Việt - Pháp của giáo sĩ J.F.M. Génibrel mà từ trước đến nay vẫn được nhiều người dùng làm sách tham khảo, tra cứu , chúng tôi thấy lại càng phải thận trọng hơn, nếu không, vô tình chúng ta lại tiếp tục mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

CHÚ THÍCH

(1) Dictionnaire Annamite - Francais - J.F.M. Génibrel Missionnaire apostolique. Deuxième édition. Saigon Imprimerie de la Mission à Tân Định - 1898.

(2) Dictionnaire Annamite - Francais. Mgr Caspar. Imprimerie de la Mission de Saigon - 1877.

(3) Trương Vĩnh Ký trong quyển Kim Vân Kiều truyện cũng đã phiên âm sai như vậy. Chắc rằng Génibrel đã chép theo Trương Vĩnh Ký./.

TB

ĐẶNG VĂN HOÀ VÀ TẬP LỄ TRAI THI CHÂN BẢN MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN

PHẠM TUẤN KHÁNH

Trong khi nghiên cứu về thơ văn Hoàng Trung - Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), một trong những tác gia mở đầu giai đoạn văn học yêu nước, chống Pháp giữa thế kỷ XIX(1). Nhóm Trà Lĩnh chúng tôi được ông Đặng Hưng Doanh, hậu duệ của Đặng Huy Trứ và là ủy viên Ban chấp hành Ban Khoa học xã hội tại Pháp cung cấp cho nhiều tài liệu quý về thơ văn họ Đặng ở Thừa Thiên. Trong số tài liệu này có tập thơ đầu đề là Lễ Trai thi chân bản. Vì chưa có điều kiện để tra cứu nên ông Đặng Hưng Doanh lúc đầu chưa xác định được tập thơ này là của tác giả nào, có liên quan gì đến họ Đặng không ?

Tập thơ viết bằng chữ Hán, gồm 7 tờ, 53 trang, chép trên giấy bản khổ 21x30cm gập đôi, mỗi trang 10 dòng, dòng dài nhất 20 chữ. Tập thơ còn tờ đầu nhưng tờ cuối bị rách một phần và mất trang sau, và chắc không phải là tờ cuối cùng. Đây là bản chép tay, chữ viết chân phương, rõ ràng. Chúng tôi đếm được 72 bài thơ và 3 bài văn; bài số 75 chắc không phải là bài cuối cùng. Vì không có tờ cuối nên không biết tên người chép và chép năm nào. Đặc biệt là ở tờ 22b và 23a, trên bài thơ trường thiên đầu đề là Tống Ngự tiền đại thần, Thái tử Thái bảo, Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn đắc cáo quy lý có một số câu, số chữ chữa vào bài thơ, nét chữ viết thảo và đẹp khác hẳn chữ trong bản chép khiến chúng tôi ngờ rằng đó là chữ của chính tác giả đã chữa vào bài thơ của chính mình làm gửi tặng thông gia. Chúng tôi sẽ trở lại nói về bài này ở phần sau. Nếu điều vừa phỏng đoán là đúng thì văn bản này càng trở nên rất quý vì có bút tích của chính tác giả.

Tập thơ chỉ mang tên tự Lễ Trai, không thấy ghi tên họ tác giả. Vấn đề đầu tiên đặt ra cho chúng tôi là phải xác định xem “Lễ Trai” là ai, ai là tác giả và tập thơ này viết vào những năm nào ?

Đọc tập thơ, chúng tôi may mắn tìm được một bài có ghi niên đại và sự việc, có thể làm cái đầu mối để lần ra. Đó là bài Thiệu Trị nhị niên, xuân nhị nguyệt, nhị thập nhất dạ, cung tiếp phi đệ điều lĩnh Đinh - Biên Tổng đốc nhân nhi ngẫu thành. Như đầu đề đã ghi rõ, bài thơ làm vào đêm 27 tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2, tức năm Nhâm Dần (1842) tác giả nhận được lệnh gấp điều đi làm Tổng đốc Gia Định - Biên Hòa. Bài thơ như sau:

Kinh văn mã thượng đệ thần chương,
Trọng ký Nam kỳ địa nhất phương.
Cấp tiễn y thang điều bệnh thể,
Cách chiêm nhật cước xúc hành trang.
Quan trung căn bản tư đàn áp,
Tiêu tướng tài du cảm hiệt hàng.
Gia Định diệc như Bình Định địa,
Hải Vân lĩnh bắc thị gia hương.
Lễ Trai thi,
tờ 1

Dịch:

Giật mình tiếp nhận lệnh quân vương,
Giao phó Nam Kỳ cả một phương.
Kíp sắc vài thang lo trị bệnh,
Dõi trông bóng nắng sắp hành trang.
Quan trung đất gốc cần lo dẹp,
Tiên tướng tài cao dám sánh ngang ?
Gia Định khác chi Bình Định ấy,
Hải Vân đỉnh Bắc chính quê hương.
Khương Hữu Dụng dịch

Ai được điều đi làm Tổng đốc Định - Biên trong năm Thiệu Trị thứ 2 ? Sách Đại Nam thực lục chính biên(2) tập XXIV, tr. 49 có ghi sự việc Tổng đốc Bình Định và Phú Yên là Đặng Văn Thiêm, năm Thiệu Trị thứ 2, được cử lĩnh ấn quan phòng Tổng đốc Định - Biên để lo việc vận lương thay cho Lê Văn Đức được cử làm Tổng thống quân vụ đi đánh dẹp. Bài thứ 36, sau bài trên, là Hữu chỉ điều lĩnh Định - An Tổng đốc. Sách ĐNTL tập XXIV, tr.342 có ghi sự việc Đặng Văn Thiêm làm Tổng đốc Nam Định và Hưng Yên. Như vậy có thể kết luận tác giả tập Lễ Trai thi chân bản không thể là ai khác Đặng Văn Thiêm.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy cần xác định thêm xem Lễ Trai có phải tên tự của Đặng Văn Thiêm không ?

Sách Đại Nam nhất thống chí (Nxb. KHXH, H. 1969, tập I, tr.213) có ghi chép về Đặng Văn Thiêm nhưng cũng chỉ cho biết thêm Đặng Văn Thiêm trước tên là Văn Hòa (đúng như gia phả họ Đặng đã ghi).

Sách ĐNTL từ năm 1813 đến 1858 có ghi khá rõ về Đặng Văn Thiêm: Tập 26 trang 23, còn ghi ông là một trong số 18 “từ thần” thường họa thơ với Thiệu Trị Thanh... Tuy nhiên không có chỗ nào cho biết Lễ Trai là tên tự của Đặng Văn Hòa, tức Đặng Văn Thiêm(3). Năm 1985 chúng tôi đã vào Huế nghiên cứu về họ Đặng. Về nhà thờ họ Phan Bá ở Thanh Lương xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên là họ ngoại của Đặng Văn Hòa, chúng tôi tìm ra một tấm bia do Đặng Văn Hòa cung tiến vào nhà thờ năm Quý Sửu (1853) với lời ghi như sau: “Thái tử Thái bảo, thự Văn minh điện đại học sĩ lĩnh Hình bộ Thượng thư Đặng Lễ Trai”. Điều này phù hợp với sách ĐNTL tập 24 tr.367 có ghi việc ông làm Hình bộ Thượng thư và ông được phong Thự Văn minh điện đại học sĩ cùng với Nguyễn Tri Phương. Chúng tôi cũng đã về làng Hiền Sĩ, huyện Hương Điền và tìm thấy một chiếc chuông do ông cung tiến vào chùa ngày 27-2 Canh Tuất (1850). Chiếc chuông này có ghi tên ông và một tên tự khác là Lễ Phủ.

Như vậy Lễ Trai là tên tự của Đặng Văn Hòa, tác giả tập Lễ Trai thi chân bản cũng đã rõ.

Trước khi giới thiệu về tập Lễ Trai thi chân bản xin nói đôi nét về tiểu sử tác giả.

Đặng Văn Hòa sinh năm 1791 ở Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên. Đỗ Hương cống (Cử nhân) năm 1813. Ra làm quan từ năm 1814. Năm 1831 đã cầm quân lên Lai Châu đánh lui quân nhà Thanh xâm phạm biên giới và lấy lại đồn Phong Thổ. Ông là vị quan cai trị đầu tiên của Hà Nội khi Bắc Thành đổi tên là tỉnh Hà Nội. Sau đã làm Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định - Hưng Yên, Bình Định - Phú Yên, Gia Định - Biên Hòa; Thượng thư bộ Hình, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hộ, bộ Công và tham gia Viện Cơ mật. Ông làm giám khảo kỳ thi hương ở Nghệ An và Bắc Thành (Hà Nội) năm 1828, kỳ thi điện năm 1851, và kỳ thi hội năm 1856. Với cương vị phụ trách Viện Hàn lâm, ông đã chủ trì làm các bộ sách như Nam thổ anh hoa lục, Tập vận trích yếu, Thiệu Trị văn quy, Đại Nam sự lệ hội điển. Năm 1851, làm Kinh diên giảng quan, giảng sách cho Tự Đức, ông mất năm 1856, bài vị được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương.

Lễ Trai - Đặng Văn Hòa là một đại thần dưới triều vua đầu nhà Nguyễn, nhưng xuất thân từ một gia đình hàn vi, con một thầy đồ tên là Đặng Quang Tuấn (1771 - 1825) đã dạy Phò mã Tây Sơn là Phạm Văn Trị, con Thái úy Tây Sơn Phạm Văn Hưng(4). Trong cuộc đời làm quan, ông đã làm nhiều việc có ích cho dân. Đứng đầu phái chủ trương giữ đê, chống lại phái chủ trương bỏ đê(5), ông đã quy hoạch lại đê điều và tu sửa nhiều đê ở một số tỉnh đồng bằng miền Bắc. Ông đã sắp xếp lại đường phố, nhà cửa ở Hà Nội để hạn chế hỏa hoạn và cho vẽ bản đồ Hà Nội; cho mở trường thi Hà Nội ở địa điểm đường Tràng Thi hiện nay; cho mở rộng đường thiên lý đến Phú Xuyên(6); cho tu sửa chùa Một cột năm 1838(7).

Khi làm Khâm sai năm 1852, đi kiểm tra tình hình chia ruộng công ở Bình Định, ông đã nhận xét và giải quyết như sau: “Về ruộng công, những ruộng tốt màu mỡ thì cường hào chiếm, thừa ra thì hương lý; dân chỉ được phần xương xẩu. Thần đã ra lệnh làm lại bờ mốc để có lợi cho dân mọn”(8).

Xuất thân từ dân nghèo, tuy đỗ đạt và làm quan to, danh vọng lớn nhưng ông luôn hướng về phía dân nghèo, có lòng bao dung rộng rãi, biết trọng hiền đãi sĩ nên Cao Bá Quát cũng đã từng là “môn hộ khách” của ông(9). Con trai ông là Đặng Huy Cát - chồng công chúa Tĩnh Hòa, tức nhà thơ Huệ Phố - năm 1885 khi thành Huế thất thủ, đã cùng con là Đặng Hữu Phổ khởi nghĩa Cần vương. Đặng Hữu Phổ bị bắt, trước khi bị chém đã làm bài thơ “Lâm hình thời tác”(10). Đặng Huy Trứ, cháu gọi ông bằng bác ruột, là một nhà yêu nước, một nhà thơ lớn giữa thế kỷ XIX.

Tập Lễ Trai thi chân bản hiện còn giữ được 72 bài thơ và 3 bài văn. Về thơ, có thể chia làm hai phần: Phần đầu gồm 40 bài và phần còn lại là những bài ứng chế với Minh Mệnh và Thiệu Trị.

Về niên đại, trên trang 15a, b của tập thơ thấy có 3 bài đầu đề là Hà Nội thủy giáng (Hà Nội nước xuống); Hà du bất tương yểm (Ngọc có vết và ngọc lành không che nhau được); Trọc thủy cầu châu (Tìm ngọc trong nước đục). Đó là 3 bài họa theo thơ của Minh Mệnh làm năm 1828(11). Các bài khác phần lớn là làm vào năm 1842, 1843, khi tác giả nhận được lệnh đi làm Tổng đốc Gia Định, Biên Hòa, sau đó trở về Bình Định, Phú Yên và làm Tổng đốc Nam Định - Hưng Yên năm 1843. Bài có niên đại gần nhất có lẽ là bài Tiễn Vũ Xuân Cẩn về hưu. Bài thơ không ghi năm tháng. Chúng tôi cũng chưa tra cứu ra năm Vũ Xuân Cẩn về hưu. Sách ĐNTL tập XXVII, tr.320 ghi ngày 14 tháng 8 Tân Hợi (1851), Vũ Xuân Cẩn thọ 80 tuổi, được vua ban cho một cái biển có 4 chữ “Hi triều kỳ thạc” do chính tay vua viết. Sách ĐNTL những năm sau không thấy ghi chép tên Vũ Xuân Cẩn nữa. Như vậy Vũ Xuân Cẩn về hưu khoảng năm 1852, 1853 và bài thơ trên của Đặng Văn Hòa hẳn là làm vào thời gian này. Đó là bài thơ có một số câu, số chữ chữa vào mà chúng tôi ngờ là của chính tác giả. Theo gia phả họ Đặng và nội dung bài thơ thì con trai Đặng Văn Hòa lấy con gái Vũ Xuân Cẩn và đến năm 1852 chết để lại một đứa con mồ côi (Huề tôn lai diện tạ, Xúc cảnh vị tâm toan - Dắt cháu đến từ tạ, Xúc cảnh nên lòng đau).

Như vậy có thể kết luận tập thơ chép một số bài của tác giả làm từ năm 1838 đến năm 1852 và nhiều nhất là vào năm 1842, 1843, tức là dưới triều Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.

Về nội dung, hơn 30 bài ghi lại cảm xúc của tác giả trên đường vào Gia Định, trở về Bình Định và ra Nam Định. Qua Cù Nông, Lên núi Đại Lĩnh, Qua Khánh Hòa, Đến Gia Định, Thăm Sài Gòn, Thăm mộ Trương Minh Giảng; Đêm đến Tam Động, Ngủ lại Bình Thuận; Qua chùa Thập Tháp; Qua thành Đồ Bàn...

Trong bài Qua thành Đồ Bàn, tác giả vẫn dùng chữ “Chiêm quân”(Chiêm quân cựu tháp phong nan hám - Tháp cổ của vua Chiêm, gió khó làm lung lay được) mặc dù nhà Nguyễn lúc bấy giờ khinh miệt người Chiêm Thành, coi Chiêm Thành là phiên thuộc.

Bài Độc Việt sử dài 127 câu 5 chữ, nói lên suy nghĩ của tác giả về những bài học của lịch sử.

Hơn 30 bài họa thơ ngự chế của Minh Mệnh và Thiệu Trị. Trong số này có bài Mong được mùa (Vọng tuế thi) nói lên nỗi lo lắng cho cuộc sống của dân và nhắc nhở trách nhiệm của vua:

Ưu dân nhất niệm nhược ngao tiên,
Bính dạ oanh hoài vị ổn miên.
Hoang khiểm thiên liên lư lý khổ,
Phong nhương thâm ký mạch thiên liên.
Triệu hòa chính cấp tham chư luận,
Đồ tri phương ân dụng tại hiên.
Để ý doãn năng thiện ý hợp,
Ninh khan đại hữu vĩnh thư niên.
Lễ Trai thi,
tờ 21

Dịch xuôi:

MONG ĐƯỢC MÙA
Lo cho dân lòng như lửa đốt,
Canh khuya vương vấn suy nghĩ, khó yên giấc.
Mùa mất, thì thương xóm làng đau khổ,
Xiết bao mong mỏi đồng ruộng liền bờ được mùa.
Cầu sự yên vui hãy mau gấp tham khảo những ý bàn bạc,
Mưu sự thịnh trị, phải ân cần dùng hiền tài.
Ý vua thực là hợp được ý trời,
Sao có thể xem năm được mùa lớn là năm viết được chữ “Vĩnh”!
(mãi mãi được mùa)

Ông lại viết:

Niên thường điếu thải thi ư chúng,
Dân hữu cơ hàn viết tại dư.

Dịch:

Hằng năm xuất gạo dân vay tạm,
Dân gặp cơ hàn lỗi tại ta.

Một số bài thơ khác nói lên tâm tư buồn chán của tác giả khi thấy mình chẳng làm được gì cho dân như điều mình mong muốn. (Bài: Tự than; Buồn; Soi gương ngắm râu; Ngắm cúc; Sen...). Có lúc tác giả nghĩ đến việc từ quan về nhà:

Chỉ hữu cố viên quy vị đắc,
Hoang lương tam kính tự ca tà.

Dịch:

Bao giờ về được nơi vườn cũ,
Dạo lối mòn xưa cất tiếng ca.

Là một đại thần Viện cơ mật, một trong “tứ trụ” của triều đình nhưng tác giả thấy mình cũng chẳng hơn gì cây sen, cùng với tùng, cúc, mẫu đơn chỉ là tùy mùa để mua vui cho ông chủ:

Diệp, hành nguyên thi xuất nê trung.
Tiết dĩ giao thu thượng uất thông.
Kiên thủ hồng hoa khoa hạ nguyệt,
Trực tương thúy cái hãn đông long.
Tạc tuy tiêu trưởng song bồn dị,
Chung kiến tà bồi nhất sắc đồng.
Tùng, cúc, mẫu đơn liên tứ hữu,
Dĩ thời hiến mị chủ nhân ông.
Liên - Lễ Trai thi,
tờ 7b

Dịch thơ:

SEN
Lá cành vốn tự đất bùn ra,
Tiết đã sang thu vẫn mượt mà.
Sắc đỏ giữ khoe trăng hạ chói.
Lọng xanh đem cán gió đông lùa.
Mất còn trước dẫu hai bồn khác,
Chăm sóc rồi chung một sắc hòa.
Tùng, cúc, mẫu đơn cùng kết bạn,
Đẹp lòng ông chủ mỗi mùa hoa.
Khương Hữu Dụng

Tập Lễ Trai thi chân bản qua nhiều biến thiên lịch sử sau gần 150 năm, là tập thơ duy nhất của ông mà đến nay chúng ta được biết đến. Rất mong sẽ còn tìm thêm được thơ văn của ông.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Phạm Tuấn Khánh: Từ hai bài thơ “Vãng quân thứ Đà Nẵng” và “Gián thực” bước đầu tìm hiểu tinh thần yêu nước, thương dân của Đặng Huy Trứ, Tạp chí Sông Hương số 22, Huế, 1986.

(2) Từ đây trở xuống chúng tôi viết tắt là ĐNTL.

(3) Từ đây trở xuống, chúng tôi dùng tên Đặng Văn Hòa là tên thật của ông, như đầu đề bài này.

(4) Theo Đặng gia thế phả, 1848, Q2, tờ 6b.

(5) Xem Sơ thảo lịch sử thủy lợi Việt Nam, tập I, tr.72.

(6) Xem ĐNTL.

(7) Xem Văn bia Hà Nội, Nxb. KHXH, 1978, Q.1, tr.62.

(8) ĐNTL, Tập 27, tr.322 và Lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb. KHXH, tr.376.

(9) Theo Đặng Huy Trứ: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Đặng quý từ đường tàng bản, 1868, Q.hạ, tờ 45a.

(10) Xem Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Nxb. Văn học, H. 1976, tr.330.

(11) Xem ĐNTL, Tập XX, tr.198, 200./

TB

NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN VONG NIÊN GIỚI THIỆU HAI BÀI THƠ NÔM MỚI TÌM THẤY CỦA
NGUYỄN QUÝ ĐỨC

TRẦN LÊ VĂN

Trước hết, tôi xin phép nói đến người bạn vong niên của tôi. Ông là Nguyễn Quý Liêm, cháu chắt thuộc dòng trực hệ Nguyễn Quý Đức. Bà vợ là cháu của thi sĩ Tản Đà, gọi Tản Đà bằng ông chú. Tuy thế ông cũng được Tản Đà coi là bạn vong niên, thường cho đăng thơ ông trong An Nam tạp chí với cái biệt hiệu Tham Tuyền hay tên thật Nguyễn Quý Liêm. Về tuổi tác, ông Liêm hơn tôi khoảng gần hai chục. Nếu còn sống, ông đã bát tuần có lẻ. Thế mà ông coi tôi như bạn cùng lứa tuổi, thường cùng nhau đàm đạo chuyện văn học, nhất là văn học truyền thống. Ông là người uyên thâm về cổ học cũng như tân học, lại vốn là người sành thơ nên dịch thơ chữ Hán có nhiều thành công. Ông đã tham gia dịch thơ Đường, thơ Cao Bá Quát, thơ của Ngô Thì Sĩ, Thì Nhậm v.v...

Khi ông còn sinh thời, tôi thường vào thăm ông ở Hà Trì, một làng thuộc thị xã Hà Đông. Trong ngôi nhà cổ, tĩnh mịch như một ngôi chùa, ông miệt mài làm công việc dịch thuật và nghiên cứu. Công trình nghiên cứu mà ông đầu tư nhiều công sức, nhiều năm tháng nhất là một tập sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân tiền bối. Ông rất tự hào về tổ tiên và cố gắng thực hiện một công trình nhằm sáng tỏ tài đức của người xưa. Ông luôn về Đại Mỗ, trông nom, sửa sang di tích của các cụ tổ. Có lần, vào một ngày xuân, ông dẫn tôi về Mỗ dự hội vui ở đình làng. Đình (cũng là đền) thờ ba vị phúc thần là ba người trong ba thế hệ của gia đình Nguyễn Quý: ông Đức, ông Ân, ông Kính (ông Đức sinh ra ông Ân, ông Ân sinh ra ông Kính). Cả ba ông dều còn có chân dung để thờ. Đặc biệt nhất là chân dung Nguyễn Quý Đức, một ông già phúc hậu, đầu để trần, ngồi xếp bằng tròn. Bức chân dung này có chữ đề: “Dương nhân họa” (người Tây dương vẽ). Thời ấy ở nước ta đã có người phương Tây vào giao dịch buôn bán. Rất có thể trong đám người ấy có một họa sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư về chân dung danh sĩ Nguyễn Quý Đức.

Ông Liêm kể cho tôi nghe về một hiện vật quý bị lấy mất. Thật đáng giận và đáng tiếc! Đó là một cỗ xe “Ngọc lộ” của triều đình ban tặng cho công thần (có lẽ cho Nguyễn Quý Đức). Qua mấy trăm năm, cỗ xe vẫn được con cháu nhà Nguyễn Quý giữ làm gia bảo và làm đồ thờ ở đình. Một hôm, có một ông nào đó vào đình, tự xưng là “cán bộ văn hóa” (?) yêu cầu cho “mượn” cỗ xe để mang về “nghiên cứu”. Thủ từ sơ ý và nể nang, đồng ý cho “mượn”. Thế là “Ngọc lộ” mất tăm. Khi còn sống, ông Liêm đi năm lần bảy lượt truy tầm mãi không ra.

Gần đây, lần giở những trang sổ tay cũ của riêng mình, tôi có tìm thấy hai bài thơ nôm của Nguyễn Quý Đức do ông Liêm đọc cho tôi ghi. Theo tôi được biết, hai bài thơ này chưa từng được giới thiệu trên sách báo nào. Nói cho đúng, trong hai bài, có một bài tám câu luật Đường còn được trọn vẹn, một bài khác cũng tám câu luật Đường chỉ còn lại một nửa. Thế là một bài rưỡi chứ không phải là hai bài.

Bài còn trọn vẹn:

QUY NHÀN TỰ THUẬT
Ơn chúa may đà vẹn đạo tôi
Non xanh nước biếc tháng ngày rồi
Nảy hoa nếm rượu khi xuân sớm
Tưới nước trồng lan buổi nắng oi
Sân mặc lá thu cho gió quét
Cửa buông then trúc để trăng soi
Thị phi thế sự, ngoài tai gác
Nhân nghĩa đôi đàng giữ vẹn đôi

Bài chỉ còn một nửa:

ĐỀ LẠC THỌ ĐÌNH
...
Quê kệch nên còn đeo cổ thể
Khôn ngoan chưa chút hợp thời trang
Vốn hay hai chữ gìn hai chữ
Ngại học một đàng làm một đàng

Cũng cần nhắc một vài nét tiểu sử Nguyễn Quý Đức để thấy “văn là người”. Ông sinh năm 1648, mất năm 1720. Quê ở làng Thiên Mỗ (nay là xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Đỗ Thám hoa năm 29 tuổi, làm đến Tể tướng trong triều đình Lê Trịnh. “Thời kỳ làm Tể tướng, ông cấm đoán mọi việc phiền hà, khoan hồng đối với người trốn thuế và thiếu thuế, bớt tạp dịch, giúp nhà nông. Ông được nhân dân ca ngợi bằng câu đồng dao: “Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên tức” (Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui).

... Năm 1717, tuổi vừa đến 70, ông xin về hưu. Hằng ngày ông dạo chơi quanh vùng, có khi vác cuốc ra đồng cùng nông dân, có khi cùng mấy bạn văn chương xướng họa. Ông đã dành ra 10 mẫu ruộng được triều đình ban cho để tặng dân làng và trích ra 4 mẫu lập chợ Khánh Nguyễn tức chợ Mỗ ngày nay. Tính tình hòa nhã gần dân, ông giúp đỡ mọi người trong làng xóm nên được dân làng kính mến.

Nhận xét về ông, Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương: “Ông là người khoan hậu trầm tĩnh. Ngày thường, thù tiếp ai thì dễ dàng vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông cố giữ ý kiến mình, bàn đến ba bốn lần, không ai ngăn được”(1).

Bài Quy nhàn tự thuật chắc là ông viết vào lúc mới về hưu. Không khí bài thơ thanh thản lắm. Đây không phải là sự thỏa mãn của một người đã tận hưởng no nê chức quyền và danh lợi mà là sự thanh thản của một người đã giữ vẹn toàn nhân nghĩa trong suốt quá trình làm nhiệm vụ của mình. “Quy nhàn” là trở về quê hương, hòa nhập với “non xanh nước biếc”, sống thung dung tự tại. Khi hoa xuân nảy nở thì nếm rượu thưởng xuân. Khi nắng hạ oi nồng thì tưới nước trồng lan thơm mát. Không tự gò bó mình, cũng không gò bó sự vật. Với gió thì mặc cho gió quét lá thu. Với trăng thì để trăng tự do vào cửa, cửa chẳng cài then. “Sân mặc lá thu cho gió quét” là một câu thơ hay trong những câu thơ hay từ cổ chí kim. Bây giờ đọc vẫn thấy “hiện đại”.

Bài Đề Lạc Thọ đình tuy chỉ còn bốn câu cuối nhưng cũng đã thấy cái chất phong phú về tư duy.

Lạc Thọ đình là một cái nhà vuông ông xây ở quê nhà, xung quanh trồng những cây tùng cây bách làm chỗ họp mặt vui chơi của những người già, đúng như tên gọi của cái nhà: Lạc Thọ là vui tuổi thọ.

Trong bài thơ, hai từ ghép “quê kệch” và “khôn ngoan” được dùng với ý giễu cợt: chúng tôi vẫn “quê kệch” (hiểu ngầm là chân thật) theo lối cũ, chúng tôi không “khôn ngoan” (hiểu ngầm là xảo quyệt) theo kiểu mới (thời trang có thể dịch là mốt theo ngôn ngữ ngày nay).

“Vốn hay hai chữ...” là ý nói: chúng tôi vốn chỉ biết hai chữ nhân nghĩa thì chúng tôi cố gắng gìn giữ hai chữ ấy.

Câu cuối của bài thơ có thể coi như phương châm học và hành của muôn đời. Điều lo ngại nhất của kẻ sĩ Nguyễn Quý Đức là “học một đàng, làm một đàng” học điều hay lại làm việc dở, học điều tốt lại làm việc xấu. Đấy là mình tự xét mình, tự đối thoại với chính mình, một cuộc đối thoại của con người có tâm hồn cao đẹp, coi trọng chân lý.

Chỉ ngần ấy thôi cũng đã cho chúng ta thấy hồn thơ và tài thơ đặc biệt là thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ của Nguyễn Quý Đức.

CHÚ THÍCH

(1) Theo Tảo Trang trong bài Nguyễn Quý Đức (Danh nhân Hà Nội - Hội văn nghệ Hà Nội, H. 1973, tập 1)./.

TB

TẤM BIA MỚI PHÁT HIỆN

NGUYỄN THỊ THẢO

Gần đây, trong đợt đi khảo sát thực tế ở huyện Thanh Trì, chúng tôi đã phát hiện được một tấm bia rất quý do Bùi Huy Bích soạn. Bia hai mặt, khổ 1,32x0,82m, trán bia có hoa văn đẹp, ở giữa là mặt hổ phù và hai bên có rồng chầu lại. Các diềm xung quanh cũng khắc hoa lá, chữ khắc trong bia chân phương và đẹp đã bị đất cát lấp kín(1).

Tấm bia ghi phong tục tốt đẹp của vùng quê ngoại thành Hà Nội ở thế kỷ XVIII. Đó là tính cần cù, trọng văn học, thích làm điều thiện và đặc biệt là tôn quí người cao tuổi.

Ngày nay, vấn đề tôn kính chăm sóc người già được Nhà nước và nhân dân rất coi trọng. Chúng tôi xin chép nội dung tấm bia nói trên để bạn đọc cùng tham khảo.

I. MẶT BIA TRƯỚC:

1. Phiên âm:

Bùi Đông thôn Thọ Ông từ

Thanh Trì huyện, Thịnh Liệt xã, Bùi Đông thôn chủ lai... kiến thọ ông từ bi ký.

Thọ Ông từ giả, thôn tiên lão chi tế dã. Thôn tục cố cận hậu, cần giá sắc, trọng văn học, hằng cư quí xỉ, tôn tước, Thuần chất hiếu thiện. Cái mật nhĩ ư liễn cốc, thả tiên thế đa hiền, khanh đại phu, Cố kỳ tập thượng như thử. Tự dư chí trưởng dã, thôn chi kỳ xỉ nhật phú, thường dữ đàm, tiên lão niên cập bách dĩ thượng. Quốc sơ viết: Cao lệnh công thọ nhị bách thập tứ tuế, quan Đồng Mụ Vệ quan, Trung hưng sơ viết: Bùi tướng công thọ cửu thập tam tuế, lũy phong tuyên lực thuần tín, minh nghĩa, công thần, quan binh bộ thượng thư, trí sĩ khởi phục Thái bảo Tiên quận công, hiệu Tô Xuyên, tứ thụy Cung ý, dư chi ngũ Thế tổ dã, Hậu hữu Lê lão hiệu Phúc Mỹ Thọ nhị bách tứ tuế, tử tôn xưng Bạch Đầu ông. Kỳ thọ thất thập tuế dĩ thượng vị khả lũ số. Dư vị thôn tọa thứ dĩ xỉ, ngũ thập ngũ miễn sắc dịch, thất thập giả chi thọ, hương nhân giai tháo hạ. Hữu đại dịch tư ư lão nhi hậu hành, xỉ thượng hĩ. Kim chư lão hanh đa hạp vi chi từ dĩ tự kỳ tiên lão? Ký nãi dĩ thư, tự Nghệ An trấn để kỳ hương, hân nhiên tòng chi. Thôn chi đông, hữu mộc miên quách giả lâm khế tức kỳ thượng thiết bích vi đàn dĩ tế. Dư mệnh chi viết: Thọ Ông từ. Phù, quốc học phủ học tự tiên thánh, nhi xã thôn tự hương hiền. Quốc tự Thái xã thái tắc, nhi xã thôn tự tiên nông. Dữ bản thổ chi thần, quyết duy cựu hĩ. Kỳ tự tiên lão tắc ư thị hồ thủy. Thời Cảnh Hưng tứ thập nhất niên Mậu Tý thập nguyệt dã. Dư tại trấn, minh niên triệu hoàn, dĩ bất tài trạch chính địa ư gia hương sự, phất hạ cập dã.

Tứ thập thất niên Bính Ngọ tự thu tồ đông dư lũy dĩ bênh cáo. Chiêu Thống nguyên niên Đinh Mùi Xuân khâm mông ân chuẩn lý cư, bất thời nghệ kinh, thi phung cố vấn, ư thị thủy đắc dữ chư lão nghị, tiên thọ, ông niên cập bách dĩ thượng ٱ quốc lão tắc tự chính đàn, hương lão vi phối chúc, thư niên tính tước thụy. Bát thập thất thập bài tự tả, hữu tế dĩ nhị bát nguyệt thập nhật thứ nghi tiết soạn chúc cáo.

Cao lệnh công thế viễn thất kỳ thụy, truy hiệu Vũ Huy Thanh, chế hương đãi khắc văn thư vọng trụ vi đối thiếp. Thọ Ông từ chi tế ư thị thủy định kỳ thư. Chư lão thỉnh dư ngôn dĩ thọ chư thạch. Dư duy: phù thế giáo dân di mạc tiên ư hiếu đễ Gia tắc hữu phụ huynh, hương tắc hữu tưởng lão. Thọ ông từ chi sở vi kiến tôn kỳ đức lễ cao niên, do hiếu đễ nhi sùng kính nhượng, ư dĩ chi ngược ngã quốc gia cư hiền thiện tục chi ý, đãi tại thi dư? chí ư tay ngã mi thọ ức bách vi kỳ tắc phù thần chi thính chi, hữu kỳ đức giả, phúc tư tập chi hi, ư thị bồ thư tịnh liệt kim chư lão danh thị phụ khắc như tả, thứ hậu chi nhân do kiến kim đồng hội chi lạc dã.

Tứ Kỷ Sửu khoa đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân chính nghị đại phu binh bộ tả thị lang quốc sử tổng tài Kê liệt hầu Tồn Am Bùi Bích ngôn ư sở cứ chi thoái hiên.

Chiêu Thống vạn vạn niên chi nguyên Đinh Mùi tuế bát nguyệt cơ vọng...(2).

2. Dịch nghĩa:

Đền Ông Thọ thôn Bùi Đông.

Bài ký trên bia ghi về việc các cụ già thôn Bùi Đông xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì lập đền Ông Thọ.

Đền Ông Thọ là nơi tế lễ các vị tiên lão trong thôn. Phong tục ở thôn ta vốn thuần hậu: chăm việc cấy cày, trọng văn học, thói thường quí người cao tuổi, trọng người chức tước, chất phác thích làm điều thiện có lẽ là do được gần nơi xe kiệu, vả lại đời trước nhiều người là hiền khanh đại phu nên tập tục mới được như vậy chăng?

Từ khi ta lớn lên số người cao tuổi trong thôn này càng nhiều, từng cùng nhau bàn rằng các vị tiên lão thọ từ 100 tuổi trở lên thời mới dựng nước có Cao Lệnh công thọ 214 tuổi làm vệ quan ở Đồng Mụ.

Đầu đời Trung Hưng có Bùi tướng công thọ 93 tuổi nhiều lần được phong là Tuyên lực thần túy minh nghĩa công thần làm quan đến Binh bộ thượng thư rồi về hưu, lại được gọi làm thái bảo Tiên quận công hiệu là Tô Xuyên, được ban tên thụy là Cung ý... Đó là ông tổ năm đời của ta.

Về sau có ông tổ họ Lê hiệu là Phúc Mỹ thọ 204 tuổi, con cháu thường gọi là Bạch đầu ông. Những cụ thọ từ 70 tuổi trở lên không thể kể hết. Tôi cho rằng trong thôn xóm nên xếp theo tuổi tác; Những người thọ từ 55 tuổi trở lên thì miễn sưu dịch, những người thọ từ 70 trở lên thì người trong thôn đều đến chúc mừng. Hễ có công việc gì lớn thì đến hỏi các người già rồi sau mới làm. Thế là chuộng người cao tuổi vậy. Ngày nay may mắn các cụ rất đông sao không dựng một ngôi đền để thờ các bậc tiên lão? Thế rồi ta từ trấn Nghệ An gửi thư về, dân làng vui mừng đồng ý, ở phía đông thôn có một ngôi đất cây gạo gần kề khe nước, dựng lên một ngôi đền lợp ngói để tế lễ, ta bèn đặt tên là đền Ông Thọ.

Ôi, quốc học phủ học thờ tiên thánh còn xã thôn thờ hương hiền. Nhà nước thờ thái xã thái tắc, còn xã thôn thờ thần Tiên Nông và thần bản thổ, đó là chuyện cũ. Còn việc thờ tự các vị tiên lão thì mới bắt đầu từ bây giờ chăng? Bấy giờ là ngày tháng 10 năm Mậu Tý Cảnh Hưng thứ 41 (1780) ta vẫn ở trấn, năm sau ta được vời về kinh, vì bất tài nhưng phải làm việc chính sự, cho nên công việc ở quê hương không có thời giờ ngó tới.

Năm Bính Ngọ Cảnh Hưng 47 (1786) từ mùa thu đến mùa đông ta nhiều lần cáo bệnh.

Năm Đinh Mùi Chiêu Thống thứ nhất (1787) ta kính cẩn đội ơn được ở làng, thỉnh thỏa ng mới đến kinh cho vua hỏi. Nhờ thế mới được cùng các vị phu lão bàn về việc thờ tự các vị tiên lão. Các vị thọ 100 tuổi trở lên là Quốc lão thì thờ ở đền chính; các hương lão thì phối thờ, có ghi tên, tuổi, tước, thụy. Các cụ 80, 70 tuổi thì bày bài vị ở hai bên tả hữu. Lấy ngày 10 tháng 2 và tháng 8 sửa nghi lễ, soạn lời chúc văn để tế cáo. Cao Lệnh Công vì đã lâu đời quên mất tên thụy, nên truy lại tên hiệu là Vũ Huy Thạch. Làm đài hương khắc văn vào cột, viết câu đối vào cột, việc tế lễ ở đền Ông Thọ là bắt đầu ổn định từ đó. Mùa thu năm ấy các vị bô lão xin ta bài văn nói về việc thọ, để khắc bia. Ta nghĩ: đạo đức luân thường không gì bằng hiếu đễ. Nhà thì có cha anh, làng xóm thì có bậc già cả. Đền Ông Thọ được dựng lên là để tỏ sự tôn quí người có đức, kính trọng người già. Chính là do hiếu đễ mà đề cao đức kính đức nhường. Ý nghĩa nuôi dưỡng hiền tài, sửa phong tục đẹp cho nước nhà là ở đó chăng? Còn như vui cùng tuổi thọ trăm năm, vạn năm thì xin quỉ thần hãy soi xét: Người nào có đức, thì phúc sẽ tụ hội đến. Thế rồi, viết và khắc tên người già ngày nay ở dưới để người sau thấy được cùng vui.

Tồn am Bùi Bích đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất Thân khoa Kỷ Sửu. Làm quan đến Chính nghị đại phu, Binh bộ tả thị lang, quốc sử tổng tài Kế liệt hầu kính cẩn làm bài văn ở dưới hiên nhà. Ngày 15 tháng 8 năm Chiêu Thống thứ nhất (Đinh Mùi). (1787).

II. BIA MẶT SAU

1. Phiên âm:

Đồng hội chủ lão danh thị

Lê Bùi Bản (76), Hoàng Nguyễn Khuê (73) (nhiêu phu), Bùi Vũ Đình (70), Đặng Tuấn Ngạn, Bùi Khắc Siêu, Lê Đăng Tiến, Nguyễn Ích Tài, Trần Quốc Bình, Lê Đăng Thư, Đặng Xuân, Đặng Trọng Dung, Lê Nghĩa Trung, Bùi Đăng Đại, Nguyễn Danh Trí, Lê Danh Trọng, Bùi Trí Bình, Lê Thế Tài, Đặng Hữu Phú (76), Đặng Hồ Dung (72), Lê Đăng Nghiêm, Bùi Đình Dật (sinh đồ), Đăng Nghĩa Tài, Nguyễn Hữu Năng, Nguyễn Mẫn Thuật, Hoàng Hương Trường, Bùi Đăng Thọ, Nguyễn Đình Trọng, Trịnh Đăng Doanh, Lê Hữu Trung, Nguyễn Thanh Nghiêm, Nguyễn Như Trung, Nguyễn Châm, Lê Bá Vương, Bùi Đăng Thuận, Bùi Đăng Xuyên (huyện thừa 75), Lê đăng Trung (vệ úy 71), Lê Đăng Cử, Nguyễn Mậu Nghệ, Lê Xuân Danh, Bùi Văn Hoa, Lê Trí Vũ, Bùi Đức Huy, Nguyễn Nhân Nhưỡng, Đặng Vũ Quýnh, Trương Đình Bá, Lê Thanh Danh, Lê Tuấn Đức, Lê Năng Triệu, Bùi Đăng Xướng, Đặng Lâm, Lê Hoàng Kim, Bùi Hữu Văn, Bùi Trịnh Quế, Lê Đăng Tuấn, Lê Nghĩa Hữu, Nguyễn Dao, Nguyễn Huy Tiến, Bùi Lệnh Thiệu, Bùi Hữu Tù, Lê Đăng Chân, Bùi Trọng Thuật, Đăng Hữu Ý, Lê Vũ Lương, Bùi Hữu Đức, Lê Vũ Vọng, Bùi Duy Năng, Đặng Vũ Trọng, Bùi Đình Dương.

Đinh Mùi thu trọng khắc.

2. Dịch nghĩa:

Họ tên các bậc lão thành trong hội.

Lê Bùi Bản (76 tuổi), Hoàng Nguyễn Khuê (nhiêu phu 73 tuổi), Bùi Vũ Đình (70 tuổi), Đặng Tuấn Ngạn, Bùi Khắc Siêu, Lê Đặng Tiến, Nguyễn Ích Tài, Trần Quốc Bình, Lê Đăng Thứ, Đặng Xuân, Đặng Trọng Dung, Lê Nghĩa Trung, Bùi Đăng Đại, Nguyễn Danh Trí, Lê Danh Trọng, Bùi Trí Bình, Lê Thế Tài, Đặng Hữu Phú (thủ hợp 76 tuổi), Đặng Hồ Dung (70 tuổi), Lê Đăng Nghiêm, Bùi Đình Dật (sinh đồ), Đặng Nghĩa Tài, Nguyễn Hữu Năng, Nguyễn Mậu Thuật, Hoàng Hương Trường, Bùi Đăng Thọ, Nguyễn Đình Trọng, Trịnh Đăng Danh, Lê Hữu Trung, Nguyễn Thành Nghiêm, Nguyễn Như Trung, Nguyễn Châm, Lê Bá Vượng, Bùi Đăng Thuận, Bùi Đăng Châu (huyện thừa 75 tuổi), Lê Đăng Trung (vệ úy 71 tuổi), Lê Đăng Cử, Nguyễn Mậu Nghệ, Lê Xuân Danh, Bùi Văn Hoa, Bùi Trí Vũ, Bùi Đức Huy, Nguyễn Nhân Nhượng, Đặng Vũ Quýnh, Trương Đình Bá, Lê Thanh Danh, Lê Tuấn Đức, Lê Năng Triệu, Trương Đăng Xương, Đặng Lâm, Lê Hoàng Kim, Bùi Hữu Văn, Bùi Đăng Quế (Đồng tri phủ 70 tuổi), Lê Đăng Tuấn, Lê Nghĩa Hữu, Nguyễn Giao, Nguyễn Huy Tiến, Bùi Lệnh Thiện, Bùi Hữu Tù, Lê Đăng Châm, Bùi Trọng Thuật, Đặng Hữu Ý, Lê Vũ Lương, Bùi Hữu Đức, Lê Vũ Vọng, Bùi Duy Năng, Đặng Vũ Trọng, Bùi Đình Dương.

Khắc bia vào giữa mùa thu năm Đinh Mùi (1787).

CHÚ THÍCH

(1) Tấm bia to, nặng, phải dùng sức của nhiều người mới bẩy lên được, lại bị đất cát lấp kín. Nhưng chúng tôi vẫn dập được đầy đủ nội dung cả hai mặt bia. Đó là nhờ sự đỡ giúp nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo xã Thịnh Liệt huyện Thanh Trì, đặc biệt là đồng chí Tường và đồng chí Tự. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí đó.

(2) Sát góc trái có một số chữ bị mờ./.

TB

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ
NGÀNH HÁN NÔM

Để có điều kiện trao đổi ý kiến và qua đó nâng cao thêm nhận thức về nội dung khoa học của ngành Hán Nôm, để góp phần xác định cơ sở khoa học cho những kiến nghị về chức năng, nhiệm vụ và phương hướng phát triển của Viện Hán Nôm với tư cách là một trung tâm quản lý và nghiên cứu các di sản Hán Nôm của dân tộc, vừa qua, ngày 26-6-1987, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học giữa các chuyên gia, các bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực Hán Nôm hiện đang công tác ở các cơ quan nghiên cứu trung ương.

Gần 30 bản tham luận và ý kiến phát biểu tại cuộc hội thảo đã xoay quanh mấy nội dung chính sau đây:

1. Di sản Hán Nôm về quan hệ của nó với các di sản văn hóa thành văn khác của các dân tộc Việt Nam. Sự cần thiết phải đẩy mạnh và mở rộng việc sưu tầm và nghiên cứu các văn bản Hán Nôm.

2. Những cơ sở khoa học của công tác quản lý và nghiên cứu di sản Hán Nôm. Phương hướng chuyên môn hóa và nội dung khoa học của ngành Hán Nôm.

3. Làm sáng rõ thêm các chức năng chính, những nhiệm vụ cơ bản cũng như những công việc cụ thể của Viện nghiên cứu Hán Nôm trong giai đoạn trước mắt và trong tương lai.

Nhiều ý kiến được trình bày trong hội thảo tỏ ra có giá trị gợi mở, có thể làm cơ sở để tiếp tục suy nghĩ xung quanh những vấn đề đã nêu.

Tới dự hội thảo có GS.VS. Phạm Huy Thông, GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS. Lê Văn Quán (trường ĐHTH Hà Nội), đ/c Triệu Hữu Lý (Vụ I, Ủy ban dân tộc TW), GS. Đặng Nghiêm Vạn (Viện dân tộc học), đ/c Phan Ngọc (Viện Đông Nam Á), GS. Nguyễn Huệ Chi và GS Đỗ Văn Hỷ (Viện Văn học), GS. Bùi Khắc Việt và PTS Phan Mạnh Hùng (Vụ KHTH Uỷ ban KHXH), GS. Trần Nghĩa, GS.TS. Nguyễn Quang Hồng, các đ/c Trần Khang, Hoàng Lê, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Ngọc Nhuận, Mai Hồng, Mai Hải, Nguyễn Tá Nhí, Ngô Thế Long, Hoàng Văn Lâu, Cung Văn Lược, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Văn Bến, Nguyễn Tuấn Lương, Đinh Khắc Thuân, Dương Thị The... cùng nhiều cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Hán Nôm.

PV