TB

VẤN ĐỀ SƯU TẦM THƯ TỊCH VÀ
TƯ LIỆU HÁN NÔM

TRƯƠNG ĐÌNH NGUYÊN
BÙI HUY HỒNG

Những tư liệu Hán Nôm viết trên giấy mà ta thường gọi chung là thư tịch Hán Nôm, ngoài số sách vở ở các thư viện Nhà nưới như thư viện Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, thư viện Cục Lưu trữ Trung ương, thư viện Tổng hợp ở các tỉnh, thành phố, Thư viện các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, … Số thư tịch hiện còn nằm trong dân gian “đền chùa, từ đường, thư viện tư gia…” gồm đủ các loại khác nhau như thi tập, văn tập, gia phả, thần tích, thần phả, tự phả, hương ước, khoán lệ, kinh luận nhà Phật, chân kinh thiện đànm văn phả, bằng sắc thời xưa…chắc chắn không phải là ít. Xin nêu một vài ví dụ. Căn cứ vào một số bản thư mục hiện lưu trữ tại Thư viện chùa Quán Sứ của Hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ vào các số liệu do các nhà sư trụ trì ở một số chùa cung cấp trước ngàygiải phóng miền Nam, chỉ riêng ở hai trăm chùa thuộc Hà Nội và vùng phụ cận đã có tới hàng ngàn bộ sách Hán Nôm do nhà chùa khắc in và tồn trữ, trong đó, ngoài số kinh kệ nhà Phật in lại từ bản dịch Trung Quốc ra, còn có rất nhiều tác phẩm của tác giả Việt Nam. Ngoài một số bộ như Khoá hư lục, Thiền uyển tập lục, Thượng sĩ ngữ lục, vv…mà nhiều người đã biết, còn có nhiều tác phẩm cho đến nay còn nhiều người chưa biết tới như Trần triều Thập hội lục, Thiền điển thống yếu kê đăng lục (Trần gia cựu bản, cộng với phần tục biên Như Sơn và Phúc Điền), Phổ Đà chí (nói về chùa Phổ Đà ở Hà Bắc), Cổ Châu lục (nói về sự tích chùa dâu ở Hà Bắc), Ngự chế Như Lai ứng hiện đồ, Nhân quả lục diễn âm (khắc in 1865), Bích Câu quán lục (nói về đạo quán Bích Câu ở Hà Nội), Tại thế tục gia quốc âm ngữ giới (khắc in 1797), Chư kinh diễn âm (khắc in 1882), Quỳnh lâm tự phả (nói về chùa Quỳnh Lâm)…

Đặc biệt có bộ cho đến nay hầu như rất ít người biết tới, kể cả giới tăng ni, như bộ Pháp Hoa đề cương của Minh chính thiền sư viết vào thời Gia Long thứ mười tám (1819).

Một ví dụ khác: Chỉ riêng chùa Liên Phái, Hà Nội, cho đến 1975 vẫn còn 74 bộ sách Hán Nôm, trong đó có bộ Thiền điển thống yếu kế đăng lục in 1860.

Thêm một ít con số nữa: Chùa Đồng Phúc (Hà Nội) hiện còn 98 bộ, chùa Huyền Thiên (Hà Nội) hiện còn 52 bộ, chùa Cầu Đông (Hà Nội) còn 36 bộ, chùa Chân Tiên còn 42 bộ, chùa Phổ Đà (Hà Bắc) còn 68 bộ, chùa Bà Đá (Hà Nội) còn 83 bộ, chùa Tràng An (ngõ Tràng An, phố Huế) còn có hai đạo sắc thời Tây Sơn,…

Thêm một ví dụ khác: Gần đây, đồng chí Nguyễn Văn Huyền và một đồng chí khác thuộc Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh, do tổ chức tốt công tác sưu tầm, đã sưu tầm thêm được hàng trăm tác phẩm Hán Nôm có thể khẳng định dứt khoát là của nhà thơ Nguyễn Khuyến, như bản gia phả họ Nguyễn do chính Nguyễn Khuyến viết, bài văn tế Nguyễn Tri Phương do Nguyễn Khuyến viết thay cho quan dân tỉnh Thanh Hoá.

Vì vậy, đã đến lúc việc sưu tầm và bảo quản tư liệu Hán Nôm phải đặt ra một cách khẩn cấp:

1. Cần tiến hành gấp công việc công việc sưu tầm trong phạm vi cả nước, nếu không thì các tư liệu Hán Nôm hiện còn nằm trong dân gian có nguy cơ bị huỷ hoại hoặc mất mát. Công việc này không thể tiến hành đơn thuần bằng con đường hành chính, mà chủ yếu là phải bằng con đường quần chúng, không phải chỉ là công việc của cơ quan chuyên trách, của cán bộ chuyên ngành, mà phải là công tác hiệp đồng của nhiều cơ quan, nhiều tập thể, nhiều người. Cần có sự phối hợp giữa các ngành giữa Viện Nghiên cứu Hán Nôm với các lực lượng nghiên cứu khác từ trung ương đến các địa phương, nhất là với các lực lượng nghiên cứu có mối quan hệ liên ngành.

2. Đối với mảng tư liệu Hán Nôm còn đọng lại trong dân gian, cần được bảo vệ thật tốt ngay tại chỗ. Để bảo vệ kho di sản Hán Nôm, đề nghị Nhà nước ban hành các luật lệ, các quy chế cần thiết như nghiêm cấm việc huỷ hoại, việc đem ra nước ngoài các tư liệu Hán Nôm, bao gồm các thư tịch Hán Nôm và các di vật văn hoá có chứa đựng các tư liệu Hán Nôm.

3. Để sưu tầm được hết những thư tịch và tư liệu Hán Nôm có giá trị, các địa phương nên tiến tới lập một bảng thống kê về các tư liệu Hán Nôm, một thư mục Hán Nôm hiện tồn trữ ở địa phương. Viện Nghiên cứu Hán Nôm cần liên hệ mật thiết với các địa phương để nắm được số lượng tư liệu Hán Nôm của các nơi rồi trên cơ sở trên lập bảng Tổng kê và bảng Tổng thư mục Hán Nôm trong cả nước. Ở các địa phương, tỉnh, thành, cần thiết lập kho Hán Nôm trong các thư viện tổng hợp của mình. Trong phạm vi toàn quốc, nên tiến tới thành lập một Viện bảo tàng về Hán Nôm, được coi là tổng kho tư liệu Hán Nôm để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của cả nước.

4. Để giới nghiên cứu có thể thông tin kịp thời cho nhau những kết quả sưu tầm và nghiên cứu Hán Nôm, đã đến lúc cần có một tập san hoặc một tạp chí chuyên ngành Hán Nôm.

5. Muốn cho công tác sưu tầm và bảo vệ tư liệu Hán Nôm thu được kết quả trong phạm vi cả nước, đề nghị nên tổ chức một Hội học thuật để tập hợp lực lượng quần chúng tham gia vào những công việc này. Tất nhiên, Hội học thuật này phải nằm trong hệ thống các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nếu chưa thành lập được Hội học thuật như vậy, thì cũng nên lập một Ban liên lạc những người làm công tác Hán Nôm học như kiểu Ban liên lạc tâm lý học toàn quốc hiện nay.

TB

GIA PHẢ THẦN PHẢ NGỌC PHẢ - MỘT NGUỒN TÀI LIỆU LỊCH SỬ CẦN SƯU TẦM VÀ
KHAI THÁC

VĂN TÂN

Các gia phả, thần phả không những còn nhiều mà còn chứa đựng nhiều tài liệu sử học, văn hoá dân gian có giá trị nữa. Đây là một kết luận mà tôi rút ra sau khi đi nghiên cứu thực địa, điền dã nhiều năm ở tỉnh Hoà Bình cũ, ở Thạch Thất, Ba vị,…

Tháng 3 năm 1977, tôi cùng các đồng chí Đinh Văn Nhật, Lê Văn Lan và nhiều đồng chí khác đi tìm di tích về Hai Bà Trưng ở một miền thượng huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cũ, sau đó chúng tôi theo đường 21 rẽ về phía tay phải đến một xã gọi là xã Hạ Hằng. Đến Hạ Hằng, chúng tôi mới biết rằng xã này do Hạ Lôi và Hằng Trù hợp nhất lại.

Năm 1977 và năm 1978, chúng tôi đến xã Hạ Hằng nhiều lần nữa. Các cụ phụ lão trong xã cho chúng tôi biết nhiều về sự tích Hai Bà Trưng, mà theo các cụ thì quê quán là làng Hạ Lôi (Thạc Thất). Quan trọng hơn cả là cụ Bá Thư lại cho tôi mượn bản Thừa sao sự tích thần và đình quán. Tài liệu này cho biết vị thần mà làng Hạ Lôi thờ là Hai Bà Trưng, từ Hạ Lôi, Hai Bà Trưng đã hoạt động khởi nghĩa, và khi khởi nghĩa, Hai Bà đưa quân ra Hát Môn làm tế lễ cờ…

Năm 1978, chúng tôi còn đi nghiên cứu các làng xã ở xung quanh xã Hạ Hằng, và thấy rằng các làng đó cũng thờ Hai Bà hoặc tướng lĩnh của Hai Bà.

Những tài liệu về Hai Bà Trưng mà chúng tôi thu thập được trong công tác nghiên cứu thực địa, điền dã ở Hạ Hằng và các xã lân cận đã cho phép chúng tôi đặt giả thiết rằng: quê quán Hai Bà Trưng là làng Hạ Lôi ở bên này sông Hồng, chứ không phải là làng Hạ Lôi ở Yên Lãng bên kia sông Hồng.

Trong hội nghị khoa học về Hai Bà Trưng do Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội tổ chức ngày 3 tháng 3 năm 1982 tại đền Đồng Nhân, và cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã nổ ra ở bên này sông Hồng…

Tháng 9 năm 1977, trong dịp lên thôn Mao Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, thăm đền thờ Lê Anh Tuấn, một nhà tri thức có tên tuổi hồi giữa thế kỉ XVIII, chúng tôi có dịp được xem cuốn gia phả của họ Lê; chúng tôi thấy Lê Anh Tuấn là một nhân vật có văn tài xuất chúng, đã từng đi sứ nhà Thanh. Tại Bắc Kinh, ông đã yêu cầu vua Thanh bỏ lễ cống ngà voi. Đề nghị của Lê Anh Tuấn đã được vua Thanh chấp nhận.

Ngày 23 và 24 tháng 7 năm 1983, chúng tôi lên xã Cổ Để với mục đích thanh những dấu vết của thành Đa Bang mà Hồ Quý Ly đã tốn công xây dựng đầu thế kỉ XV. Vào thăm gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Vân, con cháu dòng đích Nguyễn Bá Lân tại Cổ Để, tôi có may mắn được đọc Cổ Để Nguyễn Bá Lân gia phả do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết.

Cổ Đề Nguyễn Bá Lân gia phả không viết theo lối miêu thuật thế thứ như ta thường thấy ở các gia phả, mà viết theo lối hồi ký của các nhân vật lớn trong lịch sử, cho nên nó hấp dẫn người đọc.

Cổ Để Nguyễn Bá Lân gia phả chứa đựng nhiều tài liệu lịch sử, mà nhiều người chưa biết đến.

Theo Cổ Đề Nguyễn Bá Lân gia phả thì Lý Trần Quán, mà người đương thời gọi là Nghè Canh, là học trò của Nguyễn Bá Lân. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất, Lý Trần Quán làm Hiệp trấn Sơn Tây, lúc bấy giờ là miền đất gồm có tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Sơn Tây cũ và tỉnh Hà Đông cũ sau này, Năm 1785, khi Nguyễn Bá Lân chết, chính Đoan Nam Vương Trịnh Khải đã cử Lý Trần Quán thay mặt chúa đến tế miếu Nguyễn Bá Lân đã tiến cử Bùi Huy Bích lên chua Trịnh Sâm, và Bùi Huy Bích được Trịnh Sâm trọng dụng làm đến chức Tham tụng phủ chúa Trịnh. Lê Quý đôn là thông gia với Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn) là con rể Nguyễn Bá Lân.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú viết có hệ thống và kĩ nhất về Nguyễn Bá Lân, đánh giá cao về tài năng và đạo đức Nguyễn Bá Lân. Nhưng Phan Huy Chú đã lầm khi cho rằng năm 1775 Nguyễn Bá Lân đã chết. Đọc Cổ Đề Nguyễn Bá Lân gia phả, chúng tôi biết Nguyễn Bá Lân sinh 1700 và mãi đến năm 1785 mới chết. Như vậy có nghĩa là năm 1872 khi Trịnh Sâm chết, thì Nguyễn Bá Lân vẫn đang còn làm quan ở phủ chúa, và đã được chứng kiến cuộc tranh cướp ngôi giữa một bên là Trịnh Cán con của Đặng Thị Huệ và một bên là Trịnh Tông, cuộc tranh cướp này là nguyên nhân làm bùng ra cuộc nổi loạn của kiêu binh, làm cho cơ đồ của họ Trịnh bị sụp đổ. Về sự kiện lịch sử này, Cổ Đề Nguyễn Bá Lân gia phả có ghi chép đại khái như sau: Trịnh Sâm chết có để lại di chiếu bỏ quận Tông (Trịnh Khải) lập quận cán, các quan bắt buộc phải tuân theo. Nhưng Nguyễn Bá Lân là một thanh kiếm bằng vàng và mười mấy tấm lụa màu, yêu cầu ông cho chữ ký phế truất quận Tông, lập quận Cán lên ngôi chúa.

Năm ấy, Nguyễn Bá Lân đã 82 tuổi, ông giả vờ già lẫn, không đọc được di chiếu. Ba Cung liền ghé vào tai ông nói nhỏ, rồi lấy tay viết lên không khí ngỏ ý khuyên ông kí vào tờ di chiếu. Ông giả vờ nghễnh ngãng không hiểu Ba Cung nói gì. Cực chẳng đã, Ba cung phải mang kiếm vàng, vàng và lụa ra về.

Sau đó kiêu binh nổi loạn, chúng đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa. Chúng phá nhà ông Thượng Lại (Thượng thư bộ Lại Nguyễn Khán) và nhà của nhiều đại thần khác, duy có nhà của Nguyễn Bá Lân, chúng không động đến. Không những thế, chúng còn kéo nhau đến lạy chào.

Sau khi lên ngôi chúa, Đoan Nam vương Trịnh Khải mấy lần tuyên triệu Nguyễn Bá Lân về Thăng Long, cuối cùng ông bất đắc dĩ phải về kinh, nhân dân kéo đến xem mặt ông đông như hội. Người ta gọi ông là Phật sống. Kiêu binh cũng bảo nhau kéo đến chào ông.

Cổ Đề Nguyễn Bá Lân gia phả cho biết chúa Trịnh từng phái Nguyễn Bá Lân đi đánh dẹp cuộc nổi dậy ở nơi này hay nơi khác. Cụ thể là ông đã từng mang quân triều đình đi đánh Lê Duy Mật, khi thì ở huyện Tiên Phong (nay thuộc huyện Ba Vì), khi thì ở Hưng Hóa, khi thì ở sông Đà, sông Hồng, khi thì ở Hoà Bình, khi thì ở Mộc Châu vv…với nhiều chi tiết.

Khi Trịnh Doanh lên ngôi chúa thay Trịnh Giang, thì tình hình đất Cao Bằng rối loạn, chỉ còn có Châu Thạch An là còn có trật tự, an ninh một phần nào. Ba lần Trịnh Doanh cử người lên làm đốc Trấn Cao Bằng, nhưng không ai chịu đi, cuối cùng Trịnh Doanh cử Nguyễn Bá Lân về Thăng Long nhận chức khác. Dân Cao Bằng làm đơn đưa về Kinh đô tỏ ý ái mộ ông và xin chúa Trịnh cho ông ở lại trấn trị đất Cao Bằng. Trịnh Doanh không đồng ý. Sau dân Cao Bằng mua một bức trướng gấm đem về Thăng Long tặng ông…

Những điều tôi trình bày ở trên nói lên rằng gia phả ở các gia đình và thần phả, ngọc phả ở các làng xã có nhiều tài liệu có giá trị; rằng tại các gia tộc, nhất là các gia tộc lớnm các làng xã có những nhân vật quan trọng, nhiều gia phả, thần phả, ngọc phả, trong đó chúng ta có thể tìm được nhiều tài liệu về lịch sử, tài liệu về dân tộc học, về văn hoá dân gian.

Tập chung tất cả các gia phả, thần phả, ngọc phả, ngọc phả ấy lại một cơ quan của Nhà nước là điều cần phải làm ngay. Càng chậm trễ thì càng làm cho các gia phả, thần phả, ngọc phả, có khả năng mất dần đi, hoặc mục nát, hư hỏng đến mức không sử dụng được nữa.

Tập trung tất cả các gia phả, thần phả, ngọc phả lại vào một cơ quan không phải là việc dễ làm. Vì các gia tộc, các làng xã rất ngại ngùng trong việc giao gia phả, thần phả, ngọc phả cho cơ quan Nhà nước, vì sợ cơ quan nhà nước làm mất “lịch sử”của gia tộc hoặc của làng xã đi.

Nếu cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo quản di sản văn hoá của đất nước có quyết tâm thì vẫn có khả năng tập trung trong được các gia phả, thần phả, ngọc phả với điều kiện đảm bảo với các gia tộc có gia phả hoặc các làng xã có thần phả, ngọc phả là gia phả hoặc thần phả, ngọc phả sẽ được trả lại như cũ, một khi đã được chép lại hoặc được chụp ảnh. Đối với các gia tộc, làng xã khó tính, chúng ta có thể kí một số tiền đề để rồi lấy về, khi chúng ta đã trả lại gia phả, hoặc thần phả, ngọc phả cho chủ cũ.

Các gia tộc, các làng xã cũng phải coi là gia tộc mình, làng xã mình, có vinh dự có gia phả, thần phả, ngọc phả, được bảo quản và tập trung trong cơ quan Nhà nước để phục vụ công tác nghiên cứu của nhân dân cả nước.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm cần có sự cộng tác với các cơ quan như Viện Sử học, Viện văn học, Viện Khảo cổ, Viện Dân tộc học và chính quyền ở địa phương thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ tập trung các gia phả, thần phả, ngọc phả để bảo quản tốt hơn và phục vụ công tác nghiên cứu tốt hơn. Khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm được nhiệm vụ này, các cán bộ làm công tác khoa học sẽ có một nguồn tài liệu rất phong phú để sung, đính chính sự hiểu biết của mình về các lĩnh vực khoa học mà mình nghiên cứu.

TB

HÃY TIẾP TỤC SƯU TẦM VĂN BIA
MỘT LOẠI TƯ LIỆU HÁN NÔM QUÝ GIÁ

DU CHI

Đối với công tác nghiên cứu mỹ thuật cổ của chúng tôi, tư liệu văn bia đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Đó là những tư liệu nói về việc trùng tu xây dựng các công trình kiến trúc cổ như đình, miếu, chùa, tháp, cầu, quán, lăng tẩm, đền đài.v.v. Đó cũng là những tư liệu nói về việc làm tượng Phật, các tượng hậu Phật, hậu thần, hoặc nói về các phường thợ, các nghề nghiệp thủ công, mỹ nghệ .v.v.

Trong số hơn hai vạn thác bản bia hiện có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì đã có gần 5.000 thác bản cung cấp những tư liệu thiết thực cho việc nghiên cứu mỹ thuật cổ nói trên. Tỷ lệ đó tự nó cũng đã nói lên vai trò quan trọng rồi…

Từ trước đến nay, do thấy được sự quý giá của tư liệu văn bia nên chúng ta đã có tiến hành sưu tầm, nhưng chưa có một tổ chức chặt chẽ, khoa học. ở đây, chúng tôi tạm chia làm hai thời kì: từ 1954 về trước và từ 1954 về sau.

1. Từ năm 1954 về trước:

Nếu không kể những bộ sưu tầm lẻ tẻ đã in thành sách thì đáng chú ý nhất vẫn là bộ sưu tập trên hai vạn thác bản hiện còn lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nó vốn là bộ sưu tập do Trường Viễn Đông bác cổ trước đây tổ chức sưu tầm và đã giao lại cho chúng ta. Đây là một bộ sưu tập rất quý giá, vì:

- Nó có một số lượng lớn, với hàng ngàn nội dung khác nhau của nhiều vùng khác nhau. Số lượng lớn phản ánh một quá trình thu thập công phu, mặt khác nó giúp cho chúng ta có điều kiện thống kê tổng hợp.

- Nhờ tổ chức sưu tầm sớm, nên trong bộ sưu tầm này có giữ được khá nhiều thác bản bia có giá trị, mà trong thực tế hiện nay, những bia đó đã mất. Ví dụ như các bia có niên đại thời Mạc ở chùa Ngô (Ngô Sơn tự) thuộc ngoại thị xã Sơn Tây, và chùa Phẩm (Động Ngọ tự) ở huyện Thanh Hà, Hải Hưng. Các bia này hiện không còn ở các di tích trên nữa, nhưng thác bản sưu tầm thì đã có trong sưu tập. Đó là các thác bản có số ký hiệu: 20.366 và 7.217, 7.218.

Tuy nhiên, bộ sưu tập trên đây vẫn còn một số nhược điểm, thiếu sót, làm hạn chế phần nào giá trị của nó. Những nhược điểm đó là:

- Tuy số lượng lớn, nhưng vẫn chưa thật đầy đủ. Trong quá trình đi điền dã về các di tích, chúng tôi còn gặp nhiều bia giá trị mà bộ sưu tập này chưa có thác bản. Ví dụ như bia đình Phù Lãi (Lạng Giang, Hà Bắc), đình xã Chiến Thắng (Kim Thi, Hải Hưng) hoặc các bia thời Trần ở chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Hưng) và nhiều bia Trần khác mà các hội nghị thông báo khảo cổ học trong những năm gần đây đã công bố. Sự thiếu sót này thực ra cũng là điều khó tránh khỏi, nhưng dù sao, qua đó cũng nói lên một điều là việc tổ chức sưu tầm trước đây còn chưa thật khoa học. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tiếp tục sưu tầm bổ sung thêm.

- Sau khi sưu tầm về, việc tiến hành lập hồ sơ, vào sổ gốc các thác bản cũng còn luộm thuộm chưa khoa học, nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đó là có những bia được in làm hai thác bản và lập hồ sơ có hai kí hiệu khác nhau. Ví dụ như bia thời Mạc của chùa Động Ngọ vừa nhắc đến ở trên. Bia này có hai thác bản, hai kí hiệu: một là 20.366 và một nữa là 11.518.

- Có những bia nhiều mặt, nhưng các mặt đó lại sắp xếp xáo trộn, nên làm cho người đọc theo dõi khó khăn và dễ tưởng lầm mỗi mặt là một bia riêng biệt.

- Một trong những giá trị của văn bia là vì nó có niên đại chính xác, cứ liệu cụ thể. Nhưng ở trong bộ sưu tập này, do một chế độ thù lao nào đó, nên khá nhiều thác bản đã trá hình niên đại. Nghĩa là, bia có nhiều niên đại muộn, những những người sưu tầm đã lấy niên đại của những bia cổ hơn thay vào, Loại này có khá nhiều. Nó đã tạo nên một sự xáo trộn, gây hoang mang, thiếu lòng tin cho người khai thác bia.

Những thiếu sót trên, dù sao cũng chỉ là những vấn đề nhỏ, chúng ta có thể giám định lại được. Theo chúng tôi biết, Tổ nghiên cứu bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và đang tiến hành công việc đó.

2. Từ 1954 đến nay:

Việc sưu tầm vẫn được tiếp tục, nhưng là tuỳ theo nhu cầu khai thác khác nhau của các nhà nghiên cứu, tuỳ theo nhu cầu tư liệu của từng ngành, địa phương. Các nhà sử học tìm kiếm những bia ghi chép nhiều điều liên quan đến những cuộc khởi nghĩa, những chiến công chống xâm lược, hoặc sự tích các danh nhân.v.v. Các nhà kinh tế học lại thu thập những bia nói về ruộng đất, về lập chợ, về các phường buôn bán.v.v.

Còn Viện Nghiên cứu Mỹ thuật chúng tôi lại chú ý in rập các bia có liên quan đến các di tích nghệ thuật. Đó là những bia nói về công việc trùng tu xây dựng chùa Phật.v.v. Ngoài ra, một khối lượng khá lớn nữa là việc in dập các hoa văn trang trí trên các bia. Hiện nay bộ sưu tập tư liệu của chúng tôi cũng đã kha khá. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ, phân loại để tạo điều kiện cho việc khai thác, nghiên cứu cũng chưa tốt lắm.

Nói chung, việc sưu tầm và khai thác các tư liệu bia mới của chúng ta từ 1954 đến nay làm còn lẻ tẻ, tuỳ tiện và thường không lưu giữ bản gốc. Điều đó đòi hỏi cần phải có một tổ chức thống nhất, khai thác toàn diện.

Từ tình hình trên, chúng tôi xin có mấy đề nghị cụ thể như sau:

1. Đối với những bia đã có trong sưu tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nên tổ chức thẩm tra, giám định lại, tóm tắt giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho những người nghiên cứu bia được tiếp xúc dễ dàng hơn với thác bản.

Mấy năm qua, Viện nghiên cứu Hán Nôm đã có xúc tiến công việc này, nhưng do yêu cầu bảo quản nên việc khai thác các bia còn bị hạn chế. Theo chúng tôi, nên đầu tư một số tiền và chọn những bia có nhiều giá trị để tổ chức sao chụp lại.

2. Về công việc sưu tầm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nên phối hợp với nhiều cơ quan liên đới, đặt ra một chế độ sưu tầm cho thoả đáng để tiến hành tiếp tục công việc sưu tầm, in dập các bia. Đối với các bia chưa có thác bản, tất nhiên việc sưu tầm đó là cần thiết. Đối với những bia đã có thác bản rồi, nếu có giá trị, theo chúng tôi, có thêm thác bản thứ hai cũng không phải là thừa.

3. Hiện nay tình trạng bia bị phá hoại nghiêm trọng: nung vôi, bắc cầu, làm trụ đập lúa, bàn giặt,vv… Viện Nghiên cứu Hán Nôm nên phối hợp với Vụ Bảo tồn bảo tàng (Bộ Văn hoá) nghiên cứu một chế độ bảo vệ thích đáng. Những bia nằm ở các di tích đã liệt hạng, hoặc các di tích có người trông coi, thì việc bảo vệ còn chưa tốt. Còn những bia thuộc các di tích đã và đang bị huỷ hoại thì nên tìm cách thu thập về, hoặc để ở các phòng truyền thống, nhà bảo tàng của xã, hoặc để ở trụ sở Uỷ ban Nhân dân .v.v.

TB

CẦN SƯU TẦM VÀ CÓ KẾ HOẠCH
QUẢN LÝ VỐN SÁCH THUỐC HÁN NÔM

LÊ TRẦN ĐỨC

Sách thuốc Hán Nôm của tiên y Việt Nam để lại là một bộ phận trong thư tịch văn hoá chung. Ngành y học dân tộc cũng có nghĩa vụ đóng góp vào việc sưu tầm, thống kê này.

Cho nên trước đây, Viện Y học dân tộc đã đề xuất ý kiến phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm về việc sưu tầm, thống kê các sách thuốc của ta còn rải rác trong nhân dân. Ngày 10-5-1980, Viện Y học dân tộc đã có công văn số 224-VDY-HL gửi Vụ Y học dân tộc Bộ Y tế, Vụ bảo tồn bảo tàng Bộ Văn hoá cùng Hội Đông y Việt Nam, và các công văn gửi Viện Nghiên cứu Hán Nôm kèm bản sao công văn trên, trao đổi về vấn đề này.

Vậy, khi nào Viện Nghiên cứu Hán Nôm triển khai công tác sưu tầm nói trên, Viện Y học dân tộc sẽ nhắc lại với hội Y học Việt Nam vấn đề trước đã đặt ra, và đề nghị hội thông tri cho các cấp hội ở tỉnh, thành và huyện, quận phối hợp công tác và kê khai sách thuốc và hỗ trợ cơ quan văn hoá nếu cần.

Đối với sách thuốc Hán Nôm ở trong tay các lương y hành nghề, hay ở các hội y học dân tộc tỉnh, thành, thì không cần tập trung, chỉ cần biết rõ nếu quả là trước tác của các danh y Việt Nam mà ở thư viện Nhà nước và viện Y học dân tộc chưa có, thì mới đặt vấn đề sao chép.

Qua việc sưu tầm tài liệu lịch sử y học dân tộc, chúng tôi đã gặp một số văn bản sau đây có thể góp phần vào tư liệu văn hoá chung của dân tộc:

- Sắc của Nguyễn Hữu Đạo, Tiến công thứ lang(1), phụ trách Y học huấn khoa ở phủ Tràng Khánh, để ở nhà lương y Nguyễn Hữu Bản, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

- Sắc của Nguyễn Đạo An, Quốc sư triều Lê, để ở miếu thờ xã Phú Diện, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

- Sắc của Trần Ngô Thiêm, Ngự y triều Hậu Lê, để ở nhà trưởng họ là Trần Đăng Lê, ở Tây Mỗ, xã Hữu Hưng, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

- Thần phả đền Phù ủng, Hải Hưng, thờ Phạm Ngũ Lão.

- Bia đền Châu Giang, thờ Phạm Sĩ, hiệu là Huyền Du, một nho y đã tham gia với Phạm Ngũ Lão trong việc chấn giữ Hải Dương chống giặc Nguyên Mông.

- Bia Y miếu và bia Dương Võ dựng sau chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, nói về Viện Thái y và viện Thái y tượng(2) đời Lê.

- Sự tích Phan Cảnh Điệp ở chùa Phổ Giác nói về Tào tượng(3) của Lê Trịnh ở thôn Hậu Lâu, Thăng Long, thế kỷ XVIII.

- Thần phả của đền An Lư, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, thờ Tuệ Tĩnh với thánh phụ Nguyễn Vĩ, thánh mẫu Hoàng Thị Ngọc, và người đưa dân đến lập ấp là Phạm Gia. Tuệ Tĩnh đã được phong sắc năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), sắc do Nguyễn Bính, Đông các đại học sĩ Viện Cơ mật soạn.

- Thần phả và sắc phong của triều Lê ban năm 1623 (năm Vĩnh Tộ thứ năm) cho đền thờ Hoàng Đôn Hoà, Lương y dược hầu, ở làng Đa Sĩ, xã Kiến Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Sơn Bình.

- Bản khắc bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh để ở chùa Đồng Nhân, xã Đại Tráng, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc. Bản khắc bộ sách này hiện do Ty văn hóa Hà Bắc quản lý, chúng tôi nghĩ rằng nên bảo quản nó cho tốt để một ngày kia đem về trưng bày ở Viện Bảo tàng văn hiến Thủ đô tương lai.

- Từ tình hình trên, chúng ta thấy còn rải rác ở các nơi khá nhiều tư liệu y học có giá trị. Do đó, việc kê khai, phát hiện, thống kê, sưu tầm và quản lý cần được tiến hành nhanh và có hiệu quả.

CHÚ THÍCH

(1) Tiến công thứ lang: một chức quan hàm, lương y chính, lộc chánh bát phẩm ở Thái y viện.

(2) Viện Thái y tượng: cơ quan trông coi việc nuôi voi thuộc Thái y viện.

(3) Tào tượng: trại nuôi voi của triều Lê ở thôn Hầu Lâu thuộc Thăng Long, gần hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

TB

CÂU ĐỐI - MỘT LOẠI HÌNH TƯ LIỆU HÁN NÔM ĐẶC THÙ CẦN ĐƯỢC CHÚ Ý SƯU TẦM

VŨ TUẤN SÁN

Chúng ta đều biết tính chất và giá trị những câu đối, thường thấy hầu như khắp mọi chỗ trong thời đại cũ: công thự, đền đài, chùa miếu, từ đường, nhà tư. Với lối văn ngắn gọn, súc tích, chữ và âm đối xứng giữa hai vế, câu đối ở các di tích đình, đền, chùa, nhất là những đình thường có giá trị khá lớn: đó là những câu văn đầy hình ảnh, âm điệu về địa điểm (tên đất, tên khu vực), về phong cảnh thiên nhiên, quy mô xây dựng, về sự tích nguyên thuỷ của di tích, về vị thần được thờ, đồng thời nhắc nhở niềm tự hào của nhân dân địa phương, niềm tin ở cuộc sống tốt đẹp trong sự hòa thuận giữa các dòng họ, giữa khung cảnh thiên nhiên được ưu đãi, dưới sự phù trợ ân cần của những sức mạnh huyền bí thiêng liêng. Trước kia, câu đối thường được giữ lại bền lâu, nhất là khi được khắc trên gỗ hay tường vôi, có khi trên đá. Nhưng cũng có nhiều câu đối chỉ được viết trên vải, trên giấy, và với tác động của thời gian, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những câu đối dù khắc trên gỗ, trên đá cũng dễ bị mai một.

Tôi nhớ năm 1936 khi về thăm làng Dâu (tên Nôm là Cổ Châu) ở huyện Đông Anh, nhân hỏi về vị thần được thờ ở đình, mấy vị phụ lão cho biết làng thờ công chúa Vĩnh Huy, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Có cụ còn nhớ và đọc câu đối:

Cử mục giang sơn vô Hán Tướng;
Thệ tâm thiên địa hữu Trưng vương.

(Mắt ngắm non sông, sá chi tướng Hán,
Lòng thề trời đất, chỉ có vua trưng).

Các cụ còn cho biết là: trong làng trước đây còn có nhiều nhà nho tham gia phong trào Việt Nam Quang phục hội vào những năm 1912-1923, thường đọc lại câu đối trên ở đình để nhắc nhở nhau, động viên lòng yêu nước.

Bên cạnh câu đối ở các đình, đền chùa, còn có các câu đối ở trên cổng làng, những cổng làng ngày càng trở nên hiếm thấy, vì bị phá huỷ gần hết, do sự mở rộng đường sá tại các thôn làng đổi mới. Nhiều câu đối có giá trị giúp cho người đọc nhận hiểu và yêu mến thêm thiên nhiên xinh đẹp và con người trung hậu, cần cù, đoàn kết trong cuộc sống thuần phác nơi thôn dã. Và đôi khi cả mấy chữ trên trán cổng cũng đáng ghi lại, có thể chỉ là hai chữ “Nghĩa Dân”, nhưng đối với dân địa phương là cả một niềm tự hào, vì đó là sự công nhận thành tích giữ làng chống giặc, và không phải làng nào cũng có thể trưng hai chữ đó lên cổng của mình.

Tại các nhà tư, những câu đối khắc trên tường vôi, trên nền gỗ, nền vải hay cả trên giấy, nhiều khi cung cấp những tư liệu quý giá và lý thú về quê hương, cảnh nhà, vườn, gia thế, tình cảm tông tộc và xóm làng, quan niệm sống và nếp sống cần cù, đôn hậu, coi như truyền thống tốt đẹp của dòng họ được gìn giữ qua bao nhiêu đời.

Một mảng nữa là những câu đối tết, đã dần dà trở thành hiếm hoi, còn sót lại mỗi độ gần “năm hết Tết đến” lại xuất hiện trên mấy vỉa hè phố ở trung tâm Thủ đô, những ông đồ đem bút lông, nghiên mực ghi trên những mảnh giấy hồng điều những lời chúc tụng đón mừng xuân mới. Có nhiều câu sáo, nhưng cũng có khá nhiều câu đáng ghi lại. Ngay dịp Tết vừa rồi, một người bạn cho biết có một câu đối được nhiều người tán thưởng và “cụ đồ” đã phải viết đi viết lại nhiều lần:

Vàng chứa ngàn rương, vàng cũng hết;
Chữ đẹp đôi câu, chữ vẫn còn.

Câu đối thất niêm, không gắn liền mùa xuân ngày Tết, nhưng lại được nhiều người thích, một phần do chữ viết đẹp, phần chính do ý trọng nghĩa khinh tài hàm chứa bên trong.

Chúng ta đều biết, trong kho tàng sách Hán Nôm có khá nhiều những tập “đối liên”, “tạp ký” ghi lại nhiều câu đối thuộc đủ loại. Nhưng thực tế vẫn còn những mảng trống đòi hỏi sự thu lượm. Gần đây, bác Trần Huy Bá, một bậc đàn anh trong giới Hán Nôm mà nhiều người chúng ta đều biết. Có tập hợp trong một tập nhan đề Đối liên thi tán tuyển tập nhiều câu đối, thơ văn ở các đình, đền, chùa, cùng mấy nhà thờ dòng họ lớn ở Hà Nội và lân cận. Đây là một công trình đáng thán phục của các bậc đàn anh năm nay 83 tuổi. Nói chung việc này đòi hỏi tính bền bỉ, và càng bảo đảm tính khoa học càng tốt. Nên ghi đủ cả niên hiệu và lạc khoản. Thực tế có nhiều câu đối rất hay, nhưng bị sứt mẻ (gỗ bị mọt, vôi vữa bị lở), và khi đắp vôi hay tô lại, bị thiếu nét hay nhầm lẫn, chữ nọ biến thành chữ kia. Việc sao chép đòi hỏi ở người làm một tinh thần phụ trách cao để ghi đúng, và muốn ghi đúng nhiều khi phải hiểu đúng, không ngại tốn công để làm tốt công việc.

TB

GIỚI THIỆU MỘT VÀI TƯ LIỆU HÁN NÔM MÀ TÔI ĐÃ THẤY ĐÃ XEM Ở HÀ SƠN BÌNH

TRẦN LÊ VĂN

Những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc nước ta, cơ quan tôi sơ tán ở một làng ngoài thị xã Hà Đông. Có hôm tôi đến thăm làng La Khê nổi tiếng về nghề the lụa. Trong làng này, tôi có ông bạn họ Ngô công tác cùng cơ quan với tôi. ông bạn dẫn tôi đến nhà thờ họ. ở đây, bốn chữ “Hội nguyên từ đường” trên bức hoành phi khiến tôi chú ý. Đọc câu đối, đọc văn bia và hỏi chuyện, tôi được biết đây là nhà thờ Ngô Trọng Khuê, một nhân vật có được miêu tả một đoạn trong Hoàng Lê nhất thống chí. May sao tôi được phép ông trưởng họ họ Ngô này cho đọc tại chỗ một tập gia phả và một tập thơ văn (cả hai đều viết bằng chữ Hán). Đó là gia phả họ Ngô Lan Khê do chính Ngô Trọng Khuê khởi thảo và con cháu đời sau viết tiếp. Tập thơ có nhan đề là Thiêm đô công di tập, gồm những bài thơ và một số bài văn của Nguyễn Trọng Khuê do người cháu đời thứ sáu là tú tài Ngô Ngọc Can dịch ra quốc văn. Hai tập sách là kỉ vật riêng của gia đình, của dòng họ, nhưng cũng có một giá trị khá cao ở chỗ chúng ta có thể tìm thấy ở đó những tư liệu có liên quan đến một thời kì lịch sử của đất nước. Ngô Trọng Khuê, sinh năm 1744, mất năm 1813, đỗ Hội nguyên Tiến sĩ và thi đình đỗ thứ sáu vào thời Lê Cảnh Hưng, làm quan chức ngự sử đài Thiêm đô ngự sử cuối thời Lê -Trịnh. Khi nghĩa quân Tây Sơn đánh thắng thù trong giặc ngoài, Ngô Trọng Khuê vẫn giữ quan niệm “trung quân” lỗi thời, không theo Tây Sơn. Nhưng do sự vận động của Ngô Thì Nhậm (có họ đồng tông), gia đình họ Ngô La Khê có sự phân hoá. Trong lúc Ngô Trừng, anh ruột Trọng Khuê, vẫn ngoan cố giữ thái độ đối kháng với Tây Sơn, thì Trọng Khuê tuy không đích thân theo Tây Sơn, nhưng cũng cho hai con làm quan với Tây Sơn. Hai người ấy là Ngô Duệ, con cả, làm Tri huyện Yên Thế dưới triều Quang Trung, và Ngô Siêu, con thứ năm, làm chức Cấp sự trung, cũng dưới triều Quang Trung. Nhân nói đến những người con của Trọng Khuê, cũng nên nói đến người con trai thứ sáu của ông là Ngô Thế Mỹ, giữ chức Sử quán Biên tu thời Nguyễn, bạn rất thân của nhà bác học Phan Huy. Địa phương có câu tục ngữ nói về tình bạn của hai người: “Ông Sáu lang La, Ông Ba làng Thầy”; “Ông Sáu làng La” là Ngô Thế Mỹ, “Ông Ba làng thầy là Phan Huy Chú”, con thứ ba của Phan Huy ích ở Sài Sơn.

Tập thơ văn Thiêm đô công di tập có nhiều bài cung cấp cho chúng ta những sử liệu rất tốt về triều đại Tây Sơn, đặc biệt là về tài đức và sự nghiệp của người “ anh hùng áo vải” Quang Trung. Xin dẫn ra đây vài thí dụ.

Trong “Bức thư gửi lên quan Tư Hội Sứ” (Đầu Tư Hội Sứ thư) - Tư Hội sứ có thể là Trần Văn Kỷ- có câu: “Mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789) … gặp lúc quan quân tiến đóng ở ấp chúng tôi…”. Như vậy là, trong mùa xuân đại thắng, đánh đuổi giặc Thanh, quân Tây Sơn có đóng ở La Khê. Cũng trong bức thư ấy có những đoạn: “Ngửa thấy ngày nay, Nam Bắc một nhà, bậc có tài năng đều ra sức giúp việc, những vị danh thần hưởng ứng chính nghĩa, những kẻ sỹ phu bỏ tối theo sáng…”, và “Nhận thấy Thánh triều từ buổi khai sáng tới nay, những người gọi là di thần của cựu triều, chạy trốn có đến vài mươi người. Hiện đã nhờ được ơn đức của bề trên bao hàm dung nạp, không nỡ quở phạt chém giết. Cái việc năm trước (tôi) bị bao vây giam giữ, cũng là đe doạ qua loa tạm thời, liền xuống chỉ dụ khoan hồng ngay. Đó không phải là dùng uy hiếp mà bắt người ta đến, chính là mời tới đó, để bảo vệ rõ sự cầu hiền của Thánh Triều là rộng rãi, chính là khoan hồng đó, để được chọn vẹn cái tiết tháo của kẻ bề tôi “xuất hay” “xử”. Khí tượng công bằng rộng lớn, từ xưa ít thấy”.

Đọc những đoạn trên đây, thấy rõ ràng Ngô Trọng Khuê, một bề tôi cũ của Lê - Trịnh, một nhà nho có tư tưởng bảo thủ và cố chấp, cũng phải thừa nhận những sự kiện quang minh chính đại làm rực rỡ trang sử do anh hùng Nguyễn Huệ viết nên. Đó là sự nghiệp thống nhất đất nước và “ơn đức bao hàm dung nạp” kể cả đối với những sỹ phu của cựu triều đã biết “bỏ tối theo sáng”. Trong bài Trần tình biểu (Biểu Trần Tình) dâng lên Quang Trung, Ngô Trọng Khuê cũng viết những câu cảm động, như: “Ngửa trông Thánh chúa, trời che đất trở, hết lôi đình rồi vũ lộ. Cứu sinh không kể giống dòng; Với các sĩ phu, máy cuốn lông thu, tìm hang núi hỏi chốn quê, thâu thái chẳng vương cỏ mọn”.

Cũng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi đã mấy lần vào thăm Đa Sĩ, một làng nổi tiếng ngàn năm văn vật ở gần thị xã Hà Đông. ở đây có di tích Hoàng Đôn Hoà, một thầy thuốc lớn thời Lê, được thờ làm phúc thần ở đình làng. Trong đình có tượng Hoàng Đôn Hoà, có nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp y tế của ông. Ngoài những tài liệu mà ông Lê Trần Đức đã nêu lên trong bài Hoàng Đôn Hoà, một thầy thuốc lới đời Lê in trong tập Danh nhân quê hương (tập II, Ty Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1974), tôi được đọc được đọc một bản thần tích, trong đó có đoạn: “Ông (Hoàng Đôn Hoà) đi theo quân đội làm chức Điều Hộ, nhiều lần lập công. Sau khi đánh thắng quân Mạc trở về, ông được phong chức Chánh Phủ phiên Thị nội Thái y viện và được thăng chức Chánh Thủ phiên Thị nội Thái viện y viện và được phong tước Lương y dược hầu. Thời ấy có một bà tôn thất bị bệnh nặng, không thầy thuốc nào chữa khỏi, ông điều hoà một tễ thuốc thần diệu cho uống, khỏi ngay. Vua Thế Tông tỏ lòng yêu quý, gả con gái cho. Tính ông nhân từ, thường đem của riêng ra cứu giúp những người cùng khốn. Sau ông về nghỉ ở nhà, vua Thần Tông thưởng công, năm Vĩnh Tộ thứ năm, phong cho ông làm phúc thần ở làng, sắc ban là Linh Thông Cư sĩ Đại vương, bà vợ được ban sắc là Phương Anh Phu nhân. Những mảnh tài liệu như vậy cũng giúp ta hiểu thêm về một danh nhân ngành y dân tộc. Họ Hoàng vốn ở làng Lương Xá, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ), dời đến nhập tịch ở Đa Sĩ đã lâu đời. Trong nhà thờ họ Hoàng có đôi câu đối, đáng chú ý là vế đối sau đây:

Trạng nguyên nhất, tiến sĩ thất, tích hiển Lê Triều.
(Một trạng nguyên, bảy tiến sĩ nổi tiếng, nổi tiếng triều Lê).

Tôi được xem quyển gia phả của họ Hoàng này, trong đó có đoạn nói về Hoàng Trình Thanh, một nhân vật được Phan Huy Chú ghi công trạng trong phần Nhân vật chí của Lịch triều hiến chương loại chí. Hoàng Trình Thanh thi đỗ khoa Hoành từ năm Thuận Thiên thứ tư (1431) khi Lê Thái Tổ mới giải phóng Đông Đô. Ông được sung vào Viện Hàn Lâm, coi Cục Ngự tiền học sinh. Năm Diên Ninh Kỷ Mão (1459) đời vua Lê Nhân Tông, ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc để “giải quyết việc mò hạt châu”, ông đã đấu tranh thắng lợi, buộc họ phải chấm dứt việc bắt dân ta mò hạt châu cho họ. Quyển gia phả nhà họ Hoàng rất dày, hôm ấy vì ít thời giờ, tôi không xem được hết. Chắc hẳn hiện nay, người trong họ còn giữ.

Trên đây, tôi mới chỉ giới thiệu vài tài liệu mà tôi đã được đọc khi đi công tác ở các địa phương. Còn nhiều tài liệu Hán Nôm khác cũng rất lý thú mà tôi đã được thấy ở nơi này nơi khác, vì khuôn khổ có hạn, tôi xin dành vào một dịp khác.

TB

SUY NGHĨ VỀ VIỆC THU THẬP TƯ LIỆU THEO LỐI CHỮ HÁN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT BẮC

LỤC VĂN PẢO

Loại văn bản viết theo lối chữ Hán được phổ biến trong các dân tộc Tày- Nùng, các nhóm Hoa - Hán (như Ngái, Sán Chỉ, Sán Dìu…), Dao, Mèo, Cao Lan, Tống, Thuỷ…

Các tư liệu văn hoá của nhóm Hoa- Hán được viết bằng chữ Hán. Bộ phận Dao, Cao Lan cũng dùng chữ Hán, nhưng có xen lẫn một tỷ lệ nhất định chữ Nôm dân tộc, như trong các văn bản Bàn hộ Quá sơn bảng chẳng hạn. ở vùng Tày- Nùng, tình hình hơi khác, chữ viết ở đây gồm hai loại khá rạch ròi: bộ phận chữ Hán Việt và bộ phận chữ Nôm dân tộc. Các văn bản mang tính công văn hành chính và các bài trong sách cùng dùng chữ Hán. Những di sản văn hóa dân gian như thơ, truyện thơ, văn than, then, pụt viết bằng chữ Nôm dân tộc.

Chữ Nôm Dao được đồng bào sử dụng trong cả chín ngành Dao. Điều này gây khó khăn đáng kể cho nhà Nghiên cứu, một khi họ có tham vọng muốn làm chủ toàn bộ tư liệu của tộc người đang bàn. May mắn cho nhà nghiên cứu, là có từ 60% đến 80% chữ vuông của người Dao dùng chữ Hán Việt. Đặc điểm này tạo nên thuận lợi cơ bản, giúp người sưu tầm có thể nắm được các văn bản ấy.

Các văn bản thành văn kể trên hiện nay nằm ở đâu? Có hiểu biết điều này thì người khảo sát mới tránh được tình trạng tên bắn không đích. ở đây, chúng tôi xin lấy việc sưu tầm văn bản Nôm Tày làm ví dụ.

Trước Cách mạng Tháng Tám, chúng ta thường thấy các tư liệu văn hóa của vùng Tày được tập hợp theo địa bàn tổng. Văn hoá của cùng một tổng thường trùng hợp nhau cả nội dung lẫn hình thức diễn đạt. Khi bước vào không gian một tổng khác, sự sai biệt về phương ngôn sẽ dễ dàng làm ta cảm nhận được. Cùng một bài thơ đám cưới, ở vùng tây Chợ Đồn (Bắc Thái) thường nói tới Chợ Bờ, Chiêm Hoá, Bắc Quang, Bắc Mục là những tên thuộc Hà Giang và Tuyên Quang; trái lại ở đông Chợ Đồn và Bạch Thông lại thường lại thường nói về Ba Bể, Ngân Sơn, Bằng Khẩu, Mộc Mạ thuộc Bắc Cạn và Cao Bằng… Thủa ấy, các văn bản Nôm dân tộc thường được lưu truyền trong giới tri thức nông thôn. Các sách gốc, tương đối hoàn chỉnh, được mọi người mượn để sao chép, hầu hết các ông đồ dân tộc và các thầy cúng nắm giữ.

Một số người làm nghề mê tín như pụt, then, tảo, bấm độn có hứng thú với văn hoá dân gian cũng tàng trữ những tư liệu này. Song hứng thú ấy đối với họ tuyệt nhiên không phải là việc chính, mà công việc dùng chữ Hán để cúng bái mới là mục đích. Trong khi đó, các thầy đồ không hành nghề mê tín, mà chủ yếu làm công việc dạy chữ. Hầu hết các ông đồ dân tộc thiểu số đều biết sáng tác theo làn điệu dân gian của dân tộc mình. Họ là những người nắm giữ các tư liệu thành văn của dân tộc đầy đủ nhất. Ông đồ Hoàng Đức Hậu là một điển hình thuộc loại đó.

Sau cách mạng Tháng Tám, trải qua nhiều cuộc vận động cách mạng khác nhau, các tư liệu văn học dân tộc đã có những xáo trộn dữ dội. Lúc đầu, một số tri thức đi theo cách mạng đã lấy gần như nguyên bản các hình thức văn học dân tộc phục vụ công cuộc các mạng. Sau chiến thắng chống Pháp, các tư liệu văn hoá dân tộc dần dần được thu thập một cách có ý thức. Đến thời kì tiếp sau đó, một cuộc sưu tầm khảo sát quy mô, có tổ chức đã được tiến hành trong hầu khắp các vùng Tày, Nùng tiêu biểu. Tiếc rằng, về sau các tư liệu đó đã không được trao cho một cơ quan có đăng kí hẳn hoi, mà hầu hết rơi vào tủ sách gia đình. Một bộ phận không nhỏ đã thất lạc, mất mát hoặc bị huỷ hoại. Đó là nguồn tư liệu lớn và phong phú nhất.

Dưới sự tác động của công tác sưu tầm và dịch thuật của chính quyền địa phương vào những năm 1960- 1970, những tư liệu đó được mang về cơ quan lưu trữ. Số tư liệu ấy cũng đều chưa được đăng kiểm và xử lý. Từ năm 1975 lại đây, việc sử dụng chữ dân tộc có phần chững lại trong lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực khác trong đời sống dân tộc, các tư liệu về văn hoá thu được trong các thời kì trước đó vì thế cũng dần bị lãng quên.

Một bộ phận tư liệu khác hiện nay nằm trong các kho của Uỷ ban Nhân dân xã. Tại đó, sách thu về bị giữ lại cùng với các sách cúng bái, mo, then, pụt, tảo, nay đang bị mối xông, chuột gặm từng ngày.

Những kho sách đó chính ra cần được chúng ta phân loại ngay, và giúp chính quyền các cấp ở địa phương sử lý.

Một bộ phận tư liệu khác do Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc thu về qua nhiều đợt đưa sinh viên đi thực tập nắm giữ. Phần còn lại do sinh viên các khoá mang về, nay đã vương vãi.

Như vậy, từ xã đến tỉnh và cả khu vực Việt Bắc, các tư liệu thành văn nay đã trở thành tài sản riêng, số tư liệu cộng lại không được giữ gìn đúng mức.

Thế là cuộc xáo trộn lớn nhất về vốn văn hoá của người Tày và Nùng đã diễn ra. Việc sưu tầm, đánh giá và chỉnh lý để đưa các văn bản tốt nhất trả lại cho đồng bào được đặt ra cấp thiết đến chừng nào!

Sưu tầm, chọn lọc và giới thiệu các tư liệu văn hóa dân tộc kể trên, có lẽ phải chú ý tới cả hai ngữ. Trong vài chục truyện dân gian Tày - Nùng, mới có hai truyện Đính Quân và Tần Chu là có bản in tiếng dân tộc. Hơn mười chuyện khác nhau chỉ có bản dịch tiếng Việt in ở hai tập Truyện thơ Tày – Nùng do Nhà xuất bản Văn Hoá in 1960. Những chuyện như Nùng Tứ Thư, truyện Nàng Mộu Đơn hoặc truyện Thế Khanh dài gần 4.000 câu vẫn chưa được giới thiệu. “lượn”, Tày, “sli” Nùng là những kho tài liệu văn hóa dân gian vô cùng phong phú về nội dung, trau chuốt về hình thức, đều chưa bao giờ được giới thiệu. Thiên ca khúc đầy máu và nước mắt Khảm hải phản ánh xã hội áp bức giai cấp dài hàng nghìn câu thì cũng mới được giới thiệu vài ba trăm câu, in bằng bản dịch tiếng Việt ở cuốn sách nói trên . Sập ngời hồn sinh ca (mười hai đệm sịnh ca) của người Cao Lan, chúng tôi cũng chỉ mới giới thiệu được một bộ phận của đêm đầu tiên bằng bản dịch tiếng Việt…

Những điều nói trên đòi hỏi chúng ta phải tìm một phương pháp tối ưu để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi. Muốn vậy, ít nhất cần có một đề cương khảo sát sơ lược như:

1. Chuẩn bị cho cuộc khảo sát các tư liệu viết theo lối chữ Hán Việt, chữ vuông dân tộc.

2. Trong vùng có chữ khối vuông thì trọng điểm là sưu tầm loại gì, Hán Việt hay Nôm dân tộc?

3. Vùng Tày có thể loại: thơ đám cưới, hát ví, truyện thơ, văn then, thơ cúng lễ, then, put…Ta sưu tầm loại nào trước?

4. Đối với văn học truyền miệng và các loại văn hoá, văn nghệ không thành văn khác, có cần sưu tầm không?

Trở lên, chúng tôi đã nêu một vài suy nghĩ về công việc sưu tầm các tư liệu viết theo lối chữ Hán của các dân tộc ở Việt Bắc mà chúng tôi đã làm. Rõ ràng kinh nghiệm của một người chắc chắn chưa phải là những thủ pháp tiếp cận tư liệu tốt nhất. ở những đồng chí khác, chắc hẳn còn có nhiều cách làm khả dĩ thu được hiệu quả lớn hơn.

TB

SUY NGHĨ BƯỚC ĐẦU XUNG QUANH VẤN ĐỀ TRUYỀN ĐẠT VÀ TIẾP NHẬN DI SẢN HÁN NÔM TRONG NHÀ TRƯỜNG

ĐẶNG ĐỨC SIÊU

Quá khứ vinh quang, truyền thống tốt đẹp và những giá trị văn hóa tinh thần vững bền của dân tộc có thể được truyền đạt và tiếp nhận trong nhà trường qua nhiều phương thức khác nhau. Nhưng, sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống đó trên cơ sở học tập, nghiên cứu những tài liệu thư tịch Hán Nôm vốn có một ý nghĩa đặc biệt. Cố nhiên, đây không phải là con đường duy nhất dắt dẫn con em chúng ta ôn duyệt lại quá khứ để hiểu hiện tại và nhìn tương lai một cách rõ ràng, trọn vẹn hơn. Song, có thể nói, đây là con đường quan trọng, đáng tin cậy, có những ưu thế riêng biệt không thể thay thế, dựa trên vai trò vô cùng to lớn của di sản văn hoá thành văn đối với việc đi sâu tìm hiểu lịch sử văn hoá của một dân tộc. Có lẽ, phần nào cũng vì thế mà chương trình cải cách bậc phổ thông trung học đã dành cho văn thơ cổ trên 40% tổng số giờ của mảng Ngữ văn. Và, như chúng ta đã biết, cơ sở của việc truyền đạt và tiếp nhận những tinh hoa trong ngôn ngữ văn chương cổ của dân tộc chính là kho tàng di sản Hán Nôm vốn rất phong phú, đa dạng về số lượng, chủng loại và mang rất nhiều sắc thái riêng biệt độc đáo về nội dung.

Tương ứng với tình hình này, trong các trường Sư phạm, nơi đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, môn Ngữ văn Hán Nôm đã có những thay đổi cơ bản về nội dung và phương pháp giảng dạy, nhằm đạt tới những hiệu quả cao hơn trong nhà trường.

Làm nền cho những đổi thay cải tiến này là một số quan niệm chủ đạo về vị trí, mục đích, yêu cầu, đối tượng khoa học, nội dung cơ bản, phương pháp chuyên biệt.v.v. của môn học. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin trình bày một vài điểm chủ chốt có tính chất tổng quát.

Trước hết, chúng tôi muốn nói đến vị trí của môn học và một số nét đặc trưng trong đối tượng của môn học.

Nhìn một cách tổng quát, tính chất quan trọng của kho tàng di sản Hán Nôm trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc đã quy định vị trí và những nét riêng biệt của môn học, xét trong mối tương quan với toàn bộ hệ thống các môn học khác trong tiến trình đào tạo giáo viên Ngữ văn các cấp.

Thật vậy, tri thức về Hán Nôm là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tiềm lực văn hoá của người giáo viên Ngữ văn. Với một cái vốn hiểu biết nhất định về Hán Nôm, người giáo viên sẽ giảng dạy phần ngôn ngữ - văn chương cổ một cách thuận lợi hơn, sẽ giải thích từ nguyên, từ nghĩa, miêu tả cái hay, cái đẹp trong ngôn từ một cách linh hoạt, sâu sắc, giàu sức thuyết phục hơn. Trên đây mới chỉ nói đến vai trò của các vốn hiểu biết về Hán Nôm ở trong nhà trường. Ngoài xã hội, là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hoá, người thầy giáo có nhiệm vụ góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trước hết là của địa phương, nơi mình sống, công tác, sau nữa có thể mở rộng ra phạm vi cả nước, đưa những giá trị tiêu biểu tiềm ẩn trong đó vào cuộc sống văn hoá mới, phục vụ công cuộc xây dựng con người mới.

Bộ môn Ngữ văn Hán Nôm trong các trường sư phạm được thiết lập chính là nhằm tạo dựng cho người giáo viên tương lai có một cái vốn ban đầu về Hán Nôm để tiến tới thực thi hoàn hảo những nhiệm vụ đó, trên cơ sở vận dụng tổng hợp những tri thức liên ngành. Nhưng về thực chất, nên hiểu bộ phận di sản như thế nào? Phạm vi bao quát của nó ra sao? Nên tiếp cận và đi sâu nắm vững nó theo phương hướng, phương thức nào? .v.v. Xung quanh những vấn đề này, nhiều ý kiến khác nhau, đã tồn tại. Đây cũng là một điều dễ hiểu, bởi vì, là một thực thể văn hóa, di sản Hán Nôm đối với chúng ta vừa quen lại vừa lạ.

Sở dĩ quen, đó là vì, trong cuộc sống văn hóa tinh thần, chúng thường bắt gặp những yếu tố của thực thể này dưới rất nhiều dạng thức khác nhau; còn lại, chính là do cái vỏ có vẻ ngoại lai của những yếu tố này, nhất là đối với những người chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất cốt lõi của thực thể này. Sau nữa, xét về mặt cơ sở lí thuyết, đó cũng là do vấn đề quan niệm một cách tách biệt ngôn ngữ văn tự Hán nói chung với nền Hán Văn của Việt Nam nói riêng, đều là những vấn đề còn mới mẻ, chưa được nghiên cứu một cách thấu triệt. Chính vì vậy, trong nhà trường, chúng tôi đặc biệt chú ý tạo điều kiện giúp người học hình thành một cơ sở nhận thức và tâm thế thích ứng khi tiếp xúc, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập bộ môn này, trước hết là nhằm loại trừ những nhận thức hời hợt, phiến diện, siêu hình về bản chất của thực thể di sản văn hoá thành văn ấy.

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, trong một thời gian dài, ta đã sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán để tạo tác các loại văn bản, sau đó lại sử dụng một số yếu tố văn tự Hán để đặt ra chữ Nôm. Nhưng, xét về thực chất, Hán văn cổ ở Việt Nam, mà chứng tích là hệ thống văn bản thuộc đủ mọi thể loại, là một sáng tạo lớn của dân tộc. Cha ông chúng ta đã Việt hoá một cách sâu sắc và có hệ thống âm đọc, ý nghĩa, phạm vi sử dụng của từ ngữ Hán cổ để phục vụ công cuộc xây dựng văn hoá và đấu tranh bảo tồn văn hoá của nước nhà. Một điều cần lưu ý là, mặc dù ngôn ngữ văn tự Hán được Nhà nước phong kiến coi trọng, nhưng nó chưa bao giờ trở thành công cụ giao tế thường ngày trong xã hội ta. Ông cha ta viết văn chương, sách vở bằng chữ Hán, chứ không nói tiếng Hán. Nó là tiếng nói của văn chương cổ kính. Điều này khiến cho những hoạt động ngữ văn Hán của Việt Nam, xét trên những khía cạnh nhất định, đã đứng bên ngoài lề quá trình đổi thay, phát triển của ngôn ngữ Trung Hoa. Theo chúng tôi quan niệm, đây là một ưu thế rất có lợi đối với văn hoá dân tộc. Lợi thế này không hình thành một cách tự nhiên. Nó là kết quả của những chính sách văn hóa sáng suốt của nhiều triều đại. Sự thực lịch sử này khiến cho Trung Hoa đã nhiều lần gây sức ép, yêu cầu ta phải viết và đọc các văn kiện ngoại giao theo đúng kiểu, đúng giọng điệu của họ nhưng ta không chịu(1). Vì vậy, có thể nói rằng, có một nền Hán Văn cổ Việt Nam, và thực thể ngôn ngữ văn học này không hoàn toàn nằm lọt trong khuôn khổ Hán ngữ. Do đó, nên nghiên cứu nềnHán văn ấy, dù chỉ xét riêng về mặt hình thức ngôn ngữ, trong mối liên quan gắn bó với tổng thể văn hoá Việt Nam. Với đường hướng này, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện được nhiều điều rất có ý nghĩa, mặc dù xét về hình thức, đôi khi chúng ta đã đi ngược lại những “quy tắc chính thống, chuẩn mực”.

Trong lĩnh vực Nôm, dù chỉ nói riêng đến những khía cạnh thuộc văn tự học, chúng ta cũng thấy rõ được rằng chữ Nôm và văn bản Nôm xuất hiện là kết quả của cả một quá trình sáng tạo lâu dài và đấu tranh văn hoá quyết liệt. Nhưng chúng ta đã biết, chữ Nôm, chữ Nôm vốn dựa vào sự vay mượn một số yếu tố văn tự Hán để hình thành, nhưng nếu xét về mặt cơ cấu và chức năng thì hệ thống văn tự này lại có những khác biệt về chất so với hệ thống văn tự Hán. Có thể nói, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chữ viết của nhân loại, chữ Nôm ở vào một giai đoạn tiến bộ hơn, cao hơn so với chữ Hán(2).

Về nguyên tắc, và trên lý thuyết, những người chế tác chữ Nôm có thể lựa chọn một số chữ Hán hữu hạn có âm đọc (đã Việt hoá) giống hệt hoặc na ná âm đọc của tiếng Việt để ghi các từ trong tiếng Việt. Buổi đầu, chữ Nôm đã hình thành theo phương thức ấy. Nhưng càng về sau, trong quá trình phát triển chữ Nôm, chúng ta lại thấy một hiện tượng, mà xét về hình thức thì hình như trái với xu hướng “đơn giản hoá và tiết kiệm” vốn là xu hướng chung đã chỉ đạo sự hoàn thiện các hệ thống chữ viết, đó là hiện tượng thêm bộ phận chỉ nghĩa vào những chữ Hán có âm đọc (Việt hoá) hoàn toàn trùng hợp với âm đọc của từ Việt mà chúng có nhiệm vụ ghi lại, với tư cách là những kí hiệu ghi âm (và qua âm để biểu thị nghĩa). Phải chăng đây là một kiểu “vẽ rắn thêm chân” hoặc một sự thụt lùi về mặt nhận thức, chức năng văn tự? Theo chúng tôi suy nghĩ, đây là một hiện tượng “Việt hoá” trên mặt chữ viết, trong khuôn khổ loại hình văn tự vuông. Suy luận trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn hành chính của chữ Nôm, chúng ta thấy, nếu những người tạo tác chữ Nôm chỉ vận dụng nguyên tắc ghi âm trực đọc tương ứng thì, bên cạnh đó, ngoài những từ Việt gốc Hán được gi thẳng bằng chữ Hán tương đương với âm đọc Việt Hoá, lại là hàng loạt chữ Việt được ghi bằng chữ Hán có âm đọc na ná (có hoặc không có dấu cá nháy để hiệu chính), và do vậy, hệ thống chữ Nôm, văn bản Nôm về cơ bản sẽ trở thành một phiên bản chữ Hán đơn thuần, nét sáng tạo, sắc thái dân tộc đều rất mờ nhạt. Tạo tác những chữ Nôm kéo theo kiểu có thêm thành phần chỉ ý, đó là một phương thức tô đậm thêm, tăng cường thêm thành phần Việt hoá cho hệ thống văn tự mang cái vỏ ngoại lai này. Đây là một chủ trương học thuật mang ý nghĩa đấu tranh văn hoá rất rõ nét. Chủ trương này rõ ràng là đã thắng thế. Sự ra đời hàng loạt chữ Nôm kép, thay thế cho những chữ Nôm đơn vốn là những chữ Hán được sử dụng trực tiếp và nguyên toàn, vào khoảng Lê - Nguyễn, là một minh chứng.

Cũng nhằm góp phần tạo tâm thế thích ứng cho người học, chúng tôi đã xác định rõ vị trí và phân lượng của các vấn đề có liên quan đến ngành Hán học trong cơ cấu nội dung môn Ngữ văn Hán Nôm. Nhìn tổng quát, những vấn đề Hán học ở đây không tồn tại một cách tự thân . Nói cách khác, vị trí của những vấn đề này trong môn Ngữ văn Hán Nôm không giống như vị trí đã xác định cho chúng trong môn Văn học nước ngoài hoặc các môn khác thuộc ngành Trung Quốc học. Trong môn Ngữ văn Hán Nôm, vị trí của những vấn đề Hán học chỉ là tạo phương tiện giúp cho người học đi sâu tìm hiểu di sản văn hoá thành văn của dân tộc.

Trong lĩnh vực văn hoá sử, đã có nhiều chứng tích cho thấy sự giao lưu văn hóa Việt-Hán đã diễn ra từ khá sớm, trên tinh thần bình đẳng, có phát có nhận, chứ không phải chỉ là tiếp thu một chiều. Vì vậy, trong khuôn khổ bộ môn Ngữ văn Hán Nôm, việc tìm hiểu nghiên cứu các vấn đề Hán học (trong đó bao gồm các tri thức về ngôn ngữ văn tự, về lịch sử văn hoá vv…) của Hán tộc ở các thời điểm lịch sử nhất định, với tư cách là các dữ kiện bắc cầu và cứ liệu đối chứng, ở mức độ và phân lượng thích đáng, đủ giúp người đọc đi sâu tìm hiểu những vấn đề tương ứng của Việt Nam theo con đường so sánh văn hoá là rất cần thiết, vì như đồng chí Lê Duẩn đã từng nói: “muốn hiểu rõ mình thì cần đối chiếu với những người khác, nếu không thì bản thân mình cũng không hiểu được rõ mình”(3).

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đến vấn đề định hướng minh giải văn bản và vận dụng tổng hợp tri thức liên ngành để minh giải văn bản, một trong những vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận của môn học.

Mục đích thực tiễn và cuối cùng của việc học tập môn học Ngữ văn Hán Nôm là đọc hiểu các văn bản cổ, trên cơ sở đó sẽ tiến hành việc phân tích, phê phán, kế thừa và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Những văn bản này nói chung đều xa cách chúng ta quá nhiều trong thời gian. Nhìn chung, nội dung của chúng có chứa nhiều điều quý báu xứng đáng để chúng ta tự hào coi đó là chứng tích của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa của quá khứ. Nhưng, có thể nói một cách tổng quát rằng, những văn bản này thông báo với chúng ta những cách nhìn, điệu cảm, lối nghĩ, kiểu sống không hoàn toàn đồng điệu với chúng ta…Với những văn bản này, sau khi đã tìm hiểu những phần chữ nghĩa bề mặt, người đọc phải cố gắng vận dụng các tri thức liên ngành đã tiếp nhận ở các bộ môn khác (Như triết học, lịch sử học, lịch sử, văn hoá,v.v…) để đào sâu khai thác những lớp ý nghĩa tiềm ẩn bên dưới các chữ, các câu các đoạn mạch thơ văn, rồi từ cơ sở ấy sẽ tiến hành việc phân tích, phê phán, đánh giá các mặt nội dung và hình thức của các văn bản đó, với những quan điểm biện chứng và lịch sử. Cũng chính từ yêu cầu nhiệm vụ này mà môn Ngữ văn Hán Nôm đã gắn bó hữu cơ với môn học khác, phục vụ đắc lực việc đào tạo người giáo viên dạy các môn khoa học xã hội cho các trường phổ thông.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Phan Huy Chú: Lịch triểu hiến chương loại chí, phần Bang giao chí.

(2) Về vấn đề này, xin xem thêm chuyên luận của tác giả đã xuất bản: Chữ viết trong các nền văn hoá, Nxb, Văn hoá, Hà Nội, 1982.

(3) Lê Duẩn: “Tạo một chuyển biến mạnh mẽ về công tác tư tưởng”. (Về văn hoá nghệ thuật. Nxb, Văn Hoá, Hà Nội, 1972, tr.78).

TB

KHẢO SÁT QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN CỦA CHỮ NÔM THÔNG QUA MÔ HÌNH NGỮ ÂM CỦA CHỮ

NGUYỄN TÀI CẨN
N.V.STANKEVITCH

1. Trước nay, trong việc nghiên cứu quá trình diễn biến của chữ Nôm, chúng ta thường chỉ dựa vào một cơ sở duy nhất: dựa vào các phương thức cấu tạo (như phương thức giả tá, phương thức hình thành, phương thức hội ý,vv…). Đối chiếu các văn bản thuộc các thới kỳ khác nhau về phương diện này, chúng ta thường cố gắng chỉ ra: 1) tỷ lệ giữa các phương thức đã diễn biến theo những chiều hướng như thế nào? 2) trong cách viết của từng chữ cụ thể đã có những sự cải tiến, chuyển đổi phương thức như thế nào?

Đi theo hướng này, chúng ta không thể không gặp phải một số khó khăn nhất định: trong các giai đoạn xa xưa, chúng ta quá thiếu cứ liệu; từ thế kỷ XV trở về sau, tuy chúng ta có đủ cứ liệu hơn, nhưng những văn bản lớn, có niên đại thực sự chính xác lại không thật nhiều. Do các lẽ đó, đi theo hướng này, sự hiểu biết của chúng ta mãi đến nay vẫn còn bị hạn chế.

2. Để góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề quá trình diễn biến của chữ Nôm, dưới đây chúng tôi xin gợi ý thêm một hướng nghiên cứu mới: hướng nghiên cứu dựa vào cái gọi là “các mô hình ngữ âm” trong mỗi chữ. Trước hết, xin giới thiệu qua vài nét về mô hình ngữ âm. Lấy một ví dụ như trường hợp chữ Trèo ghi bằng thanh phù(liêu) chẳng hạn, căn cứ vào cách đọc hiện nay, có thể nói chúng ta hiện có những mô hình sau đây:

- Về mặt phụ âm đầu : mô hình TR(1)
- Về mặt nguyên âm chính : mô hình E(iê)
- Về mặt âm cuối : mô hình 0(u)
- Về mặt thanh điệu : mô hình THANH HUYềN
(thanh ngang).

Để giản tiện hơn, nhập một nguyên âm với một âm cuối, chúng ta cũng có thể nói

- Về mặt phụ âm đầu, chúng ta có : TR(1)
- Về mặt vận bộ, chúng ta có : EO(iêu)
- Về mặt thanh điệu, chúng ta có :THANH HUYềN
(Thanh ngang)

Hoặc để giản tiện hơn nữa, chúng ta cũng có thể rút gọn lại chỉ còn:

- Về mặt phụ âm đầu : mô hình TR(1)
- Về mặt vần : mô hình ÈO(iêu).

Việc phân tích thành mô hình hiện nay của chữ Nôm, như vậy là:

a) Một mặt phải dựa trên cách đọc Nôm của toàn chữ {TRèO} và một mặt phải dựa trên cách đọc Hán Việt của thanh phù {liêu}.

b) Tuỳ theo chủ trương về mặt phân tích ngữ âm (phân tích sâu vào từng chi tiết hay trường phái nọ), chúng ta hoàn toàn có thể dựng lên những tập hợp mô hình khá khác nhau. Nhưng phân tích bất kì theo hướng nào thì cũng phải bảo đảm cho được một điều: các mô hình dựng lên phải phản ánh cho kì được, một cách chính xác, đầy đủ, các mối quan hệ cần lưu ý giữa cách đọc Nôm của toàn chữ và cách đọc riêng của thanh phù.

3. Nhưng trên đây mới chỉ là nói đến mô hình ngữ âm hiện nay của chữ Nôm. Trong địa hạt nghiên cứu của chúng ta, chúng ta còn cần phải xét đến:

- Mô hình ngữ âm của chữ Nôm, lúc chữ đó mới được đặt ra;

- Những diễn biến đã sảy ra ở các giai đoạn trung gian, giữa hai cai mốc đầu và hiện nay đó.

- Chẳng hạn: Viết (phù) đọc là BùA; hiện ta còn mô hình B(ph), nhưng trước đây, ở giai đoạn ban đầu, mô hình về phụ âm lại vốn là B(b). Dùng thanh phù (lai) để ghi TRAI trong NGỌC TRAI và GÁI TRAI, hiện ta còn mô hình TR(1), nhưng giữa thế kỷ XVII, ở NGỌC TRAI ta có mô hình TL(1), còn ở GÁI TRAI ta lại có mô hình phổ biến là BL(1)

Nếu khái quát lên, gọi cách đọc Nôm của toàn chữ là X, gọi cách đọc riêng của thanh phù là (y), gọi cách đọc ban đầu của toàn chữ laX1, cách đọc ban đầu của thanh phù là(y1), gọi cách đọc giai đoạn trung gian của chúng là X2, (y2), và cách đọc hiện nay của chúng ta là X3, (y3), thì có thể thấy rằng:

a) Nói chung, ở giai đoạn đầu, giữa X1 và (y1) bao giờ cũng phải có một sự gần gũi cao độ về mặt ngữ âm, vì bao giờ người đặt chữ cũng có thiên hướng cố gắng tìm ra cho kỳ được những thanh phù (y1) tốt nhất, có cách phát âm hoặc hoàn toàn giống, hoặc là gần giống đến mức tối đa với X1. Sau này, khi có điều kiện đi sâu, chúng ta sẽ phân biệt hai trường hợp khác nhau về chi tiết này. Nhưng ở đây, để giản tiện, chúng ta có thể gộp chúng lại, và tạm quy thành công thức chung:

X1=(y1)

b) Do đó, nếu hiện nay chúng ta thấy X3 cũng = (y3), điều này phần chắc có nghĩa là:

b1. Hoặc cả X, cả (y) xưa nay vẫn giữ nguyên, không biến đổi, nghĩa là: X1=X3,(y1 = Y3). Ta vốn có X1 =(y1), nên nay ta có X3= (y3)

b2. Hoặc cả X, cả (y) đều có biến đổi {X1# X3; (y1) # (y3)}

nhưng hai bên đều biến đổi song song cùng chiều, nên sự giống nhau giữa hai bên vẫn được bảo đảm. Muốn hình dung một cách gần toán học hơn, có thể tạm coi việc diễn biến song song cùng chiều ở X và (y) như việc gia thêm cho chúng, bên nào cũng như bên nào, những đại lượng hoàn toàn như nhau:X1+a+b = X3, (y1) =a +b =(y3), ta vốn có X1= (y1) nên nay ta vẫn có X3 =(y3). Trường hợp này, ở giai đoạn trung gian, cũng có thể tin được rằng X2= (y2).

c) Còn nếu hiện nay ta thấy có một sự khác nhau quá lớn giữa X3 và (y3) {công thức: X3 # (y3)}, thì điều này trên đại thể lại có nghĩa là:

c1. Hoặc X vẫn giữ nguyên{X1=X3}, nhưng vì (y) đã đổi khác{(y1 #(y3)},nên X3 # (y3). Nói một cách khác, đây là trường hợp đã có sự biến đổi lớn ở cách đọc của thanh phù.

c2. Hoặc thanh phù(y) vẫn giữ nguyên{(y1 = (y3)}, nhưng X đã đổi khác {(X1 #(X3)}nên (X3 #(y3).Đây là trường hợp đã có sự biến đổ lớn ở cách đọc Nôm của toàn chữ(1).

c3. Hoặc cả X, cả (y) đều biến đổi {{(X1 #(X3), (y1 #(y3)}, sự thay đổi ở cách đọc Nôm của toàn chữ không đi song song cùng chiều với sự thay đổi ở cách đọc Hán Việt của thanh phù, nên kết quả làm cho hai bên hiện nay cách xa nhau.

Trong cả ba trường hợp cuối cùng này, việc nghiên cứu cách đọc của X2, (y2) đều rất cần thiết, vì c húng đều có thể rọi thêm ánh sáng cho chúng ta thấy được con đường đi từ X1 đến X3 và từ(y1) đến (y3).

4 Một số ví dụ minh hoạ:

Ví dụ trường hợp b1 {X, (y) giữ nguyên}:N(n) ở Nôm (nam).Có thể tin chắc như vậy, vì Nôm và (nam) đều cùng có chung một nguồn gốc lịch sử, và vì cả N ở tiếng Nôm cả (n) ở Hán Việt -theo kết luận của ngữ âm lịch sử-, hơn một ngàn năm nay đều vẫn được giữ nguyên. Có thể viết: N1 = N2 = N3; (n1)= (n2) = (n3).

Ví dụ về trường hợp b2 {X1, (y1)} diễn biến song song thành {X3,(y3)}: mô hình T(t) ở TAY(tây, tư). Qua so sánh với các ngôn ngữ khác với ngữ chi Việt - Mường, ta biết TAY xưa có phụ âm là s (đọc như ở Bắc Bộ); qua việc nghiên cứu tiếng Hán đời Đường, ta biết (tây) (tư) xưa cũng có phụ âm là (s). Vậy ở TAY(tây tư), ban đầu ta có mô hình là S(s).Về sau, ở S thuần Việt cũng như ở (s) Hán Việt đều có quá trình diễn biến song song, có một bên đưa đến T, một bên đưa đến (t), nên nay ta có T(t).

Ví dụ về trường hợp c1 {tiếng nôm ngữ nguyên, thanh phù Hán Việt thay đổi cách đọc}: M(v) ở MùA (vụ). MùA(vụ) đều cùng có chung nguồn gốc lịch sử. Vào thế kỷ VIII trở về trước, chúng sẽ chắc chắn có phụ âm là mw. ở tiếng Nôm, từ đó đến nay m vẫn được giữ nguyên, nhưng ở Hán Việt, do tác động của âm đệm -w-, (vụ) dần dần chuyển từ (mw) thành (w) rồi thành (v). Do lẽ đó, từ mô hình ban đầu mw(mw), ngày nay lại có M (v).

Ví dụ về trường hợp c2 [thanh phù giữ nguyên, cách đọc Nôm của toàn chữ thay đổi]: V(b) ở Vó (bố). ở từ điển A. de Rhodes, ta còn thấy VÓ NGỰA ghi bằng BÓ NGỰA, [tấm vải] (bố) ghi bằng (bố), vậy lúc bấy giờ mô hình vẫn còn là B(b). Nhưng từ 1651 đến nay, (b) ở thanh phù Hán Việt vẫn giữ nguyên, còn cách đọc Nôm ở lại đổi thành Vó. Kết quả: mô hình chuyển thành V(b).

Ví dụ về trường hợp c3 [cả cách đọc Nôm của toàn chữ, cả cách đọc riêng của thanh phù đều thay đổi, hai bên thay đổi không cùng chiều]: B(t) ở BÈN (tiện). BÈN (tiện) đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc, với phụ âm chung là b. Về sau B cổ Hán Việt ở BÈN diễn biến theo quy luật của thuần Việt, lúc đầu vô thanh hóa thành P rồi sau lạic huyển thành B. Còn (tiện) lại diễn biến theo một con đường rất đặc biệt, chỉ gặp ở Hán Việt, chuyển phụ âm thành (ps), (s) rồi thành (t). Do lẽ đó hiện nay chúng ta có: X3(y3) = B(t).

5. Trên đây, chúng ta mới dẫn một số ví dụ mô hình phụ âm đầu để minh họa cho mô hình khái quát X(y), và để nêu lên một số khả năng chính khi đi từ X1(y1) đến X3(y3). ở các kiểu mô hình cụ thể khác (như có mô hình về nguyên âm hay mô hình về âm cuối), trên lý thuyết, chúng ta cũng sẽ có thể gặp lại những quang cảnh đại loại như vậy. Nói chung, khi nghiên cứu sự diễn biến của chữ Nôm thông qua mô hình ngữ âm của chúng, bất kì ở địa hạt mô hình phụ âm hay mô hình về vần, bao giờ chúng ta cũng thấy có mấy cái lợi như sau:

- Trước hết đi theo đường này thì chúng ta có thể hạn chế bớt những khó khăn đẻ ra do chỗ hiện quá thiếu cứ liệu về văn bản, nhất là những văn bản thuộc các thời kì xa xưa nhất. Chẳng hạn, với phương hướng này, chúng ta vẫn có thể ít nhiều thu hoạch được những hiểu biết về tình trạng chữ Nôm ở giai đoạn nó mới manh nha, hoặc ở giai đoạn Lý - Trần, mặc dầu trong tay chúng ta hiện chỉ có một số lượng rất ít chữ, nằm trong dăm bảy tấm bia còn lại. Đi vào từng chữ, từng cách ghi Nôm, cũng vậy. Muốn tìm hiểu lịch sử của một chữ hay lịch sử của cách ghi Nôm một tiếng nào đấy thì - theo phương pháp văn bản học - phải có điều kiện tiên quyết là: chữ ấy, tiếng ấy phải được bắt gặp nhiều lần, trong nhiều văn bản, thuộc nhiều thời đại khác nhau. ở đây, thiếu hẳn điều kiện tiên quyết đó, chúng ta vẫn không hoàn toàn bị bó tay.

- Mặt khác, đi theo hướng này, chúng ta lại còn có thể lợi dụng được rất nhiều nguồn cứ liệu khác nằm ngoài địa hạt chữ Nôm, như cứ liệu ngữ âm lịch sử (bao gồm cả cứ liệu về phương ngữ, cứ liệu về các ngôn ngữ có họ hàng hay có liên quan tiếp xúc), hoặc cứ liệu do các văn bản quốc ngữ cổ đưa lại (từ điển A. de Rhodes, Sách sổ sang chép các việc của Ph. Bỉnh, v.v...).

6. Một trong những khả năng đầu tiên mà hướng nghiên cứu này có thể đưa lại là khả năng có thể giúp ta tiến tới có được một cách phân kỳ lịch sử chữ Nôm. Quả vậy, đi theo hướng này, với sự soi sáng của ngành ngữ âm lịch sử, chúng ta có khả năng áng định được thời điểm xuất hiện của rất nhiều mô hình chữ Nôm. ở trướng hợp hiện có X3=/=(y3), cách làm của chúng ta đại để là như sau. Bây giờ chúng ta thấy có sự khác nhau rất lớn giữa X3 và (y3), nhưng chúng ta lại biết được rằng, trước đây, khi mới đặt chữ, thì dứt khoát không thể có sự khác nhau đó, hai bên dứt khoát phải hoàn toàn giống nhau, hoặc chí ít là có sự gần gũi nhau đến mức tối đa. Do đó, chúng ta phải đi ngược dòng lịch sử, tìm ra những dạng tiền thân của X3 và (y3), đi ngược lên cho đến lúc tìm ra được sự “đồng quy” của hai bên. Thời điểm mà ngữ âm lịch sử cho thấy có X = (y) thì chính đó là thời điểm của X1 = (y1), nghĩa là thời điểm sửn sinh ra mô hình chữ Nôm đó. (Xin xem lại các ví dụ về N(v), B(t) đã dẫn).

Ở trường hợp X3 = (y3), cũng phải tiến hành đi ngược dòng lịch sử, truy tìm các dạng tiền thân của mỗi bên. ở đây, việc áng định thời điểm sáng tạo mô hình có phần khó khăn hơn, nhưng không phải là hoàn toàn không thể làm được. Chẳng hạn, ở một trường hợp như [gạo] Tẻ ghi bằng thanh phù (tỷ), ta vẫn có cơ sở để chứng mihn được rằng đây là một chữ không thể đặt sớm hơ giai đoạn Lý - Trần, bởi vì từ T(t) truy ngược lên, ta sẽ có S(s), nhưng truy ngược lên xa hơn nữa, đến khoảng đầu thế kỷ X, ta lại sẽ có X quá khác (y): ở Tẻ lúc này ta có phụ âm S, còn ở (tỷ) ta lại có (p)!!!

Áng định được thời điểm xuất hiện của từng mô hình như thế rồi, tất nhiên chúng ta sẽ có khả năng tập hợp lại được thành từng lớp chữ, mỗi lớp bao gồm tất cả các chữ thuộc các mô hình được sản sinh trong cùng một thời đại(2). Từ đây, chúng ta đã có thể bắt đầu tiến hành việc tìm hiểu về đặc điểm của mỗi lớp: đặc điểm về mặt số lượng (số chữ còn lẻ tẻ hay đã phong phú?), đặc điểm về thành phần từ vựng, ngữ pháp những từ được ghi (hư từ đã được ghi chưa? thực từ thuộc về những chủ điểm gì?), đặc điểm về mặt cấu tạo (chữ đặt thiên về phương thức gì? với những thanh phù như thế nào?), v.v... Có được những sự hiểu biết như vậy là một điều rất cần thiết, nếu muốn tiến tới phân kỳ được toàn bộ quá trình lịch sử của chữ Nôm thành những giai đoạn hợp lý.

7. Nhìn vào danh sách các mô hình hiện nay, chúng ta thấy:

a) Để ghi một âm, ví dụ một phụ âm đầu:

a1. Có trướng hợp chỉ dùng một mô hình đơn độc, ví dụ để ghi N chỉ dùng N(n), để ghi L chỉ dùng L(l)(3).

A2. Có trường hợp lại dùng cả một loạt nhiều mô hình, ví dụ để ghi S [đọc như ở Trung Bộ], có thể dùng S(s) hoặc S(l), S(tr); để ghi GI, có thể dùng GI(gi) hoặc GI(tr), GI(ch), GI(d), GI(đ)...

b2. Có trường hợp, đây là trường hợp chiếm đại đa số, mô hình không tạo thành cặp đối xứng như thế, ví dụ chỉ có S(l) mà không có L(s), chỉ có G(k) mà không có K(g)...

c) Ngược với trường hợp một âm có thể ghi bằng nhiều thanh phù nêu ở mục a2 trên đây, lại có cả trường hợp nhiều âm ghi bằng một thanh phù chung, ví dụ ở các mô hình B(b), PH(b), V(b) có thanh phù chung là (b); ở các mô hình S(l), TR(l), R(l) có thanh phù chung là (l)...

Khảo sát những hiện tượng này cũng có thể góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề lịch sử diễn biến của chữ Nôm. Quả vậy:

- Sự đối lập giữa a1 và a2 về cơ bản chính là sự đối lập giữa loại mô hình có lịch sử tương đối ổn định, đơn giản, với loại mô hình có lịch sử biến động, phức tạp. Cứ liệu ngữ âm lịch sử cho thấy: ở a1, có những âm rất ít diễn biến, hoặc có diễn biến nhưng diễn biến song aong ở thuần Việt cũng như ở Hán Việt; còn ở a2, ta lại có những âm kinh qua rất nhiều biến đổi trong lịch sử. Những sự khác nhau về ngữ âm lịch sử này tất nhiên phải dẫn đến những sự khác nhau về mặt lịch sử các mô hình.

- Trường hợp mô hình tạo thành cặp đối xứng, nguyên nhân lịch sử thường rất phức tạp. Trường hợp mô hình không tạo thành cặp đối xứng, nguyên nhân thường có phần đơn giản hơn: đây phần lớn đều là những trường hợp mô hình có cách đọc Nôm toàn chữ đã diễn biến, đổi mới, trong lúc thanh phù của chúng lại còn giữ được những trạng thái phát âm cổ hơn. Có thể suy ra quá trình B ® V từ mô hình V(b), hoặc các quá trình TR ® CH, CH ® GI, TR ® GI, S ® X từ các mô hình CH(tr), GI(ch), GI(tr), X(s)... Cố nhiên, đối với những trường hợp như có G(k), R(l) mà không có K(g), L(r), thì lý do lại có phần khác: sở dĩ không có K(g), L(r) là vì ở Hán Việt không có (g), (r) để làm thanh phù.

Nếu trường hợp dùng nhiều thanh phù để cùng ghi một âm phản ánh hoặc quá trình đồng quy, hợp nhất của nhiều âm khác nhau [V(b), V(v) phản ánh sự hợp nhất của B vào V], hoặc quá trình biến đổi kinh qua nhiều giai đoạn của một âm [TR(tr), TR(l) phản ánh quá trình TR có kinh qua một giai đoạn là Bl, Tl...] thì trường hợp nhiều mô hình dùng chung một thanh phù nêu ở mục c trên đây lại phản ánh một thực tế lịch sử khác. Phần lớn đây chính là trường hợp phản ánh quá trình tách đôi, tách ba của một âm: B(b), V(b) phản ánh quá trình tách đôi của B, một bộ phần giữ nguyên là B, một bộ phận biến thành V. Lịch sử chữ viết phản ánh lịch sử ngữ âm, âm đã tách đôi thì mô hình cổ cũng tách đôi thành hai mô hình mới.

8. Từ những sự hiểu biết trên đây, đi xa thêm một bước, chúng ta lại có thể có thêm những khả năng mới, chẳng hạn:

- Khả năng phân biệt những dạng viết khác nhau đẻ ra do lịch sử diến biến của ngữ âm, và những dạng viết khác nhau đẻ ra do sự linh động của người viết. Trường hợp đầu, các cách viết khác nhau của một từ thường thuộc nhiều mô hình khác nhau; trường hợp sau, chúng thường thuộc cùng một mô hình. So sánh, trường hợp BAY viết là (phi) rồi viết là (bi + vũ) với trường hợp Đến viết hoặc với thanh phù (đán) hoặc với thanh phù (điển).

- Hoặc khả năng phân biệt (trong số những dạng viết khác nhau đẻ ra do diễn biến ngữ âm) để biết đâu là dạng cổ, đâu là dạng mới; đâu là dạng phổ biến, đâu là dạng địa phương. Đến lượt chúng nó, những sự hiểu biết này lại cho phép chúng ta đi xa hơn nữa, tính được tỷ lệ giữa những dạng còn giữ mô hình cổ và những dạng đã chuyển sang mô hình đổi mới, để từ đấy rút ra những kết luận cần thiết.

9. Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu sơ qua vài nét về phương hướng nghiên cứu dựa theo mô hình ngữ âm của chữ Nôm. Chúng tôi cúng đã gợi lên một số khả năng chính của phương hướng đó. Chúng tôi biết, khi đi vào ứng dụng thì không phải bao giờ cúng đơn giản như vậy. ở bước này, cần phải có những cứ liệu rất cụ thể, những sự biện luận nhiều khi phải đi rất sâu vào chi tiết. Do đó, việc tiếp tục truy tìm, khai thác các văn bản cổ là một việc làm không chút nào có thể coi nhẹ. Có điều, hướng nghiên cứu theo mô hình ngữ âm là một hướng có thể bổ sung rất nhiều cho hướng nghiên cứu theo lối cổ truyền như đã tứng thấy từ trước đến nay. Mở một hướng đi thêm như vậy trong lúc chúng ta còn quá thiếu cứ liệu về mặt văn bản, thiết nghĩ đó là một cách làm có thể giúp chúng ta hạn chế bớt được khó khăn và có thêm nhiều khả năng mới trong việc giải quyết các vấn đề do lịch sử chữ Nôm đặt ra.

CHÚ THÍCH

(1) Nói chung, giữa hai khả năng có thể có về mặt lý thuyết này (khả năng (y) đổi và khả năng X đổi) thì khả năng thứ hai vẫn là khả năng phổ biến nhất.

(2) Khi đi từ việc xác định thời điểm xuất hiện của một mô hình đến việc xác định thời điểm của một dạng viêts nào đấy, cần lưu ý: mô hình có thể cố, mà dạng chữ lại mới. Đó là trường hợp người đời sau sáng tạo chữ, nhưng khi sáng tạo lại noi theo những tiền lệ đã có sẵn với mô hình cổ, để bắt chước.

(3) Có lệ ngoại như N(nh), N(tr), L(nh), L(d)..., nhưng số lượng lẻ tẻ, không đáng kể.

TB

AI VIẾT GIA HUẤN CA?

HOÀNG VĂN LÂU

Từ lâu, nhiều người đã chú ý tới vấn đề tác giả của Gia huấn ca. Bản in xưa nhất của tác phẩm này hiện còn được biết là chữ Quốc ngữ, in năm 1894(1). Bản in bằng chữ Nôm sớm nhất còn giữ được xuất hiện sau đó hơn 10 năm, vào 1907(2). Mặc dù trong lời giới thiệu cho lần xuất bản năm 1894, Nordemann, một học giả người Pháp, lúc đó là Giám đốc Nha học chính Nam Kỳ, đã quả quyết Gia huấn ca là “của quan tướng công triều nhà Lê là Nguyễn Trãi”(3), mặc dù ở bản in chữ Nôm, Nhà xuất bản Quan văn đường đã gắn tên Nguyễn Trãi với tên tác phẩm, thành một cái tên sách dài dòng “Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca”(4), nhưng hình như không phải ai cũng tin hẳn điều đó. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu giảng dạy về Nguyễn Trãi và Gia huấn ca, thì cũng có không ít các học giả khác tỏ ra hoài nghi. Có thể lấy những lời nhận xét có tính chất “phê phán văn bản” của nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn làm tiêu biểu: “… Các chữ cổ thường thấy trong những bài chắc chắn soạn vào thời Lê ở đây thấy rất ít, vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười, không biết những trò chơi ấy đã có từ đời Nguyễn hay chưa? Nói tóm lại, ta không có chứng gì nhận chắc quyết lời lời tục truyền rằng tập gia huấn ca này là của Nguyễn Trãi”(5). Thi Nham Đinh Gia Thuyết, khi xuất bản Gia huấn ca, cũng nhận xét rằng Gia huấn ca “lời văn bình thường”, “khác hẳn với ngòi bút Bình Ngô đại cáo” sở dĩ ông xuất bản sách này vì nó “đã được truyền tụng, được liệt vào cổ văn Việt Nam”, mặc dù biết “không chắc là của cụ Nguyễn Trãi”(6)). Cái lối “bỏ vào một rọ” những tác phẩm “được liệt vào cổ văn Việt Nam” trên đây hẳn là không thích hợp khi cần phải tìm hiểu một tác gia, một thời kì lịch sử nhất định, nhất là khi tác gia ấy lại là nhân vật quan trọng như Nguyễn Trãi. Vì thế, 17 năm sau, trên Tập san Văn Sử Địa xuất hiện một chuyên luận đăng làm hai kì của Nguyễn Hồng Phong: Tìm hiểu Gia huấn ca(7). Trong bài nghiên cứu công phu này, tác giả đã để một phần quan trọng tìm hiểu tư tưởng, nội dung và hình thức ngôn ngữ của tác phẩm, đi tới “khẳng đinh dứt khoát Gia huấn ca không phải của Nguyễn Trãi”(8). Nhưng sau bài này, giới thiệu nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Trãi vẫn có người ghi nhận bản quyền tác giả của Gia huấn ca cho Nguyễn Trãi(9). Cho đến mùa xuân 1982, trên Tạp chí Văn học vẫn còn nhà nghiên cứu phải đặt câu hỏi “Gia huấn ca có phải của Nguyễn Trãi không?”(10), dù kết luận của bài viết nghêng về phía phủ định của tác giả Gia huấn ca là Nguyễn Trãi.

Xem ra vấn đề cũng không đơn giản. Bởi vì, dù về tư tưởng tác phẩm, nội dung hiện thực mà nó phản ánh hay hình thức ngôn ngữ văn chương mà nó biểu hiện có mâu thuẫn với con người Nguyễn Trãi hay thời đại Nguyễn Trãi, thì người ta vẫn có thể quan niệm như tác giả của Thi văn Việt Nam cách đây hơn 30 năm: “Nếu thật {Gia huấn ca} là của ông {Nguyễn Trãi} soạn thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau và nhất là đời Nguyễn đã làm cho phần văn cổ đã bị sửa chữa nhiều rồi”(11). Và mặc dù trong các thư tịch cũ, không thấy đâu nói tới một Gia huấn ca nào của Nguyễn Trãi, nhưng Dương Bá Cung có nói Nguyễn Trãi viết Ngọc đường di phạm(12) thì người ta vẫn có quyền đặt câu hỏi: phải chăng có thể tìm thấy một chút bóng dáng của nó trong Gia huấn ca hay một phần của Gia huấn ca.

Như vậy, việc tìm tác giả “đích thực” cho sách này quả là có sự cần thiết nhất định. Nhưng, như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ: Gia huấn ca là một tập hợp 6 bài ca theo chủ điểm giáo dục gia đình mà bất luận về nội dung tư tưởng hay hình thức ngôn ngữ văn chương đều chứng tỏ chúng không phải do một tác giả soạn ra. Chúng tôi tán thành “dự đoán”khoa học này, Nhân tiện, xin nói thêm: hai bài cuối, bài ca thứ 5 Dạy học trò ở cho phải đạo và bài thứ sáu Khuyên học trò phải chăm học, đều là những “lời thầy dạy” đối với “những kẻ học trò” ở “trước của khổng” thì đã vượt ra ngoài phạm vi “gia huấn ca” rồi.

Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi được nêu từ kho thư tịch và tư liệu Hán Nôm. Bài đầu tiên trong số 6 bài của Gia huấn ca được chép trong một văn bản chép tay, ký hiệu AB.532 thuộc kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có tên ghi ở ngoài bìa là Khuyết hiến ca, gồm 44 trang, khổ 20x13, sách đã cũ, chữ viết có chỗ đã mờ. Trong sách chép ba tác phẩm Nôm: Khuyết hiếu ca, Trường hận ca (bản dịch Nôm) và Cảnh Phụ Châm. Cảnh phụ châm gồm 26 bài trang cuối là toàn bộ bài ca thứ nhất của Gia huấn ca mà trong Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca có tên là Bài ca dạy vợ dạy con. Điều đáng chú ý là bản này còn giữ lại được lời chú, một Nguyên tự của tác giả và một bài Bạt ở cuối sách. Lời ghi chú viết rằng: “đoạn nói về đạo Phật trong Phụ châm (tức cảnh phụ châm) thì những tu thiền chưa chắc đều đã thế cả, độc giả cũng đừng vì thế mà chê cười họ”. Nhận thấy bài Nguyên tự có thể soi sáng rất nhiều về lai lịch văn bản và về tác giả, chúng tôi xin dịch giới thiệu toàn bộ dưới đây:

“Việc giáo dục là không thể thiếu được. Người không phải dạy mà hiểu biết mọi điều là nhất rồi. Nhưng trong thiên hạ thì những người tài năng vào loại trung bình là nhiều hơn cả. Cho nên không thể không có giáo dục. Đến như bọn học trò, từ tuổi nhi đồng lên bảy, đều được theo học, mà những phương pháp dạy bảo bọn chúng thì cũng chứa đầy trong sách vở cả rồi, chẳng cần ta phải thừa lời nói nhàm. Còn như khách quần thoa son phấn, mà chịu để sức xem xét, ra công trước thuật như nàng Thái, ả Tạ thì thực là hiếm lắm. Đối với bọn họ lại càng không thể không giáo dục. Nhưng nếu như chữ nghĩa trúc trắc, giọng văn cao xa, thì lại không thể nhớ mà ngâm nga được. {Cho nên}, nhân lúc dạy học rỗi rãi. {ta} nhặt nhạnh những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ có thể làm lời khuyên răn được, sắp thành hơn 40 điều diễn ra quốc âm để làm chân ngôn cho bọn đàn bà con gái. Nhân thế mới đặt tên là “Phụ châm”. Ta nghĩ rằng: bản thân mình đúng đắn thì không bắt buộc mà người ta vẫn theo, nếu bản thân mình không chính đáng thì làm sao mà sửa lỗi cho người khác? Quá trình tự tu dưỡng của ta rất thiếu sót. Đã định sửa bỏ lỗi lầm mà vẫn chưa xong thì lấy gì mà dạy người khác? Nhưng rồi lại tự nghĩ rằng: có đạo làm cha mẹ là có trách nhiệm với cả gia đình, {như thế} thì {ta} lại là tấm gương mà cả nhà trông vào, phải làm cho cả nhà kính phục mà hiểu đạo tôi con, chứ đâu chỉ là việc dạy dỗ? Cho nên, ta quên mình gàn dở, hủ lậu, viết ra thành lời để dạy những người trong nhà, chỉ là lời châm riêng cho một gia đình ta truyền nhau học tập thôi” (Phụ châm nguyên tự: “Thậm hĩ. Thiên hạ duy trung tài tối đa. Thị dĩ bất khả vô giáo. Thả như tử đệ bối trung tự nhất tuế thành đồng mạc bất hữu học. Sở dĩ giáo tri chi đạo ư thư vô dư uẩn hĩ, hựu phi dư chi sở tất nhuế dã. Nhược phù nghiệp quần thoa sụ phấn đại nhi năng cù ư quan lãm công ư trước thuật như Thái, Tạ giả thành tiễn yên. Thị vưu bất khả dĩ vô giáo dã. Cố kỳ văn tự chi cật khúc, từ điệu chi thanh tao, tắc hựu bất đắc nhi thành tung giả. Khoá chi hạ nhân xuyết thập cổ chi cách ngôn dữ quốc ngữ, lý ngữ khả vi giám giới giả liệt vi tứ thập dư điều, diễn chi Quốc âm, dĩ vi phụ châm, nhân nhan yên. Duy kì thân chính bất lệnh nhi tòng, kỳ thân bất chính như chính nhân hà? Dư ư tự trị công thậm sơ, thường dục cải quá nhi vị thành giả, nhi hà dĩ giáo nhân tai? ức hựu tự niệm viết: hữu phụ mẫu chi đạo, tư hữu nhất gia chi trách, tắc hựu nhất gia chi sở chiêm thị giả. Sử chi tụng nhi tri chi, độc bất hựu ngôn giáo hồ? Toại vong kỳ cố lâu, thư dĩ giáo chi, tư vi nhất gia chi truyền tập yên nhĩ, châm vân hồ tai. Thị vi tự”).

Ngoài động cơ, mục đích khi viết Phụ châm và đôi nét rất kín đáo về tác giả, bài Nguyên tự còn cho chúng ta biết:

1. Tên của tác phẩm này (tức bài thứ nhất trong Gia huấn ca) Phụ châm.

2. Phụ châm được tác giả sáng tác dựa trên những cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ.

Vậy ai viết Phụ châm? Tiếc rằng bài Nguyên tự này không kí tên tác giả. Nhưng bài Bạt viết (dịch): “Người đàn bà có ngoan hay không là do ở gia đình và có quan hệ tới sự thịnh suy của đạo nội trợ. Như vậy thì việc răn dạy không thể bỏ qua được. Xưa nay, những khuôn mẫu trong chốn buồng the được diễn thành quốc ngữ, phổ vào luật như Nữ tắc của Trần Thị thì cũng thường có đấy. Nhưng chỉ có Phụ Châm là sáng tác của Yên (An)(13) Thái Tôn sư. Trong đó các điều về thờ phụng tổ tông, hiếu kính cha mẹ, theo chồng nuôi con… so với các bài huấn khác thì gọn gàng, sáng sủa và dễ hiểu hơn cả. Sách này phải để cho chốn khuê môn thuộc lòng mà thấu hiểu, thì rồi mới có thể giữ được những điều tốt lành cho các nhà phú gia. Vì thế, ghi vào cuối sách”(14).

Bài Bạt này khẳng định rằng tên tác phẩm là Phụ châm, rằng trước Phụ châm có nhiều bài ca răn dạy phụ nữ được “diễn thành quốc ngữ, phổ vào âm luật” như Nữ tắc của Trần Thị…, nhưng chỉ có Phụ châm của Yên Thái Tôn sư là gọnn gàng, sáng sủa và dễ hiểu hơn cả. Vậy Yên Thái Tôn sư là ai? Một vị thầy tôn kính ở Yên Thái. Yên Thái là ở đâu? Hà Nội có phường Yên Thái, nhưng Nghệ An cũ, Thanh Hoá, Sơn Tây cũ, Nam Định cũ cũng có những địa danh An Thái hoặc Yên Thái…

Xuyết thập tạp ký. Lược truyện các tác gia Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác gia đều ghi nhận là Lý Văn Phức có viết sách Xuyết thập tạp ký(15). Nhưng thực ra, nhà sáng tác hoặc nghiên cứu nào chẳng có trong tay một tâp “Nhặt nhạnh ghi chép”( tức “Xuyết thập tạp ký”)? Hiện nay kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ít nhất 2 tập sách mang tên là Xuyết thập tạp ký. Một sách có kí hiệu là A.1792 gồm vài câu đối, còn toàn bộ là một tập thơ, chủ yếu thơ chữ Hán, chưa rõ tác giả là ai, vì nội dung của sách không phù hợp với bài tự của Lý Văn Phức ghi trong tập Xuyết thập tạp ký của ông(16). Một sách khác có kí hiệu là AB.132. Sách này ngay ở trang đầu có bài tự của tác giả, ký tên: Vĩnh Thuận Khắc Trai Lý Văn Phức Lân Chi. Sách này có hai phần rõ rệt: phần đầu là sưu tập những truyền thuyết và giai đoạn “chưa thấy ghi trong dã sử”, đúng như nội dung mà bài tự của tác giả đã ghi rõ: phần sau là tập hợp các sáng tác bằng chữ Nôm của Lý Văn Phức. Phần thứ hai này hẳn là do người khác biên tập, vì một dấu vết khá rõ là: dưới mỗi tác phẩm đều có ghi những dòng chữ kiểu như “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn…”. Về mức độ tin cậy của bản Xuyết thập tạp ký có ký hiệu AB. 132 này, có thể dẫn lời nhận xét về văn bản này được ghi lại bằng bút sắt (chưa rõ tên người ghi) trong trang đầu của Nhị thập tứ hiếu diễn ca: “Hiệu đính (Nhị thập tứ hiếu diễn ca) căn cứ theo bản AB.132. Bản AB.132 này có thể là bản sao của các bản thảo cũ của Lý Văn Phức”(17).

Phụ châm được chép ở phần cuối sách này, từ 137 đến trang 154, có tên là Phụ châm tiện lãm. Ngay dưới đầu đề, có dòng chữ “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn…”.

Tới đây, Phụ châm (hay Cảnh phụ châm, hay Phụ châm tiện lãm) đã được ghi nhận trong một văn bản đáng tin cậy, là do Lý Văn Phức người làng Hồ Khẩu huyện Vĩnh Thuận, Hà Nôi, soạn thảo. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời bài Bạt trong Cảnh phụ châm, kí hiệu AB.532, nói rằng Phụ châm là tác phẩm của Yên Thái Tôn sư(18).

Viết Phụ châm, Lý Văn Phức đã thể hiện một khuynh hướng sáng tác khá rõ nét trong cuộc đời trước thuật của mình. Vị “Yên Thái Tôn sư” này, trong thời gian ngồi dạy trẻ ở Hồ Khẩu, hay Yên Thái, đều rất quan tâm đến vấn đề giáo dục nói chung và vấn đề đạo đức nói riêng. Nhị thập tứ hiếu diễn ca, Phụ châm và một số tác phẩm Hán, Nôm khác của ông đã được sáng tác theo xu hướng đó. Mặt khác Phụ Châm cũng mang những đặc điểm trong sở trường và cả sở đoản của ngòi bút Lý Văn Phức. ở mặt này, Phụ châm có một bước tiến so với Nhị thập tứ hiếu diễn ca cả về tư tưởng lẫn hình thức ngôn ngữ văn chương. Lý do của bước tiến này là chính ở cái cội nguồn “ca dao tục ngữ bằng quốc ngữ” mà tác giả rất có ý thức sưu tầm, chắt lọc như bài Nguyên tự đã nói. Nhưng có được sự trau dồi về “quốc ngữ” đến mức độ này cũng không thể một sớm, một chiều. Phải sau chặng đường đời hẳn là không ít sóng gió, ngẫm nghĩ lại cả một “quá trình tự tu dưỡng… rất thiếu xót” của bản thân, thì mới có được những “ý tình đôn hậu đáng làm khuôn phép cho việc giáo huấn gia đình”(19) qua những câu thơ Nôm khá tự nhiên, thanh thoát. Vì thế, chúng tôi cho rằng Phụ châm được tác giả viết vào cuối đời mình, những năm 40 của thế kỷ trước, sau ngày mất của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi bốn thế kỷ!

Như vậy, bài ca thứ nhất trong Gia huấn ca được Edmond Nordemann, Quan văn đường và nhiều người khác gắn với tên tuổi của Nguyễn Trãi, có các tên gọi “Bài ca dạy vợ dạy con” (bản in của Quan văn đường năm 1907), “Cảnh phụ châm” (Khuyến hiến ca, sách chép tay, ký hiệu AB.132) là một tác phẩm của Lý Văn Phức, được tác giả chính thức đặt cho cái tên ban đầu là Phụ châm, gồm 308 câu thơ Nôm trong tổng số 796 câu của cả sáu bài ca trong Gia huấn ca.

Vấn đề đặt ra là: vào thời điểm Edmond Nordemann, in Gia huấn ca, các bản Phụ châm được lưu hành hẳn có Nguyên tự, Bạt và nhất là những kí ức về tác giả của nó (Lý Văn Phức) hẳn còn rõ nét trong tầng lớp sỹ phu đương thời, nhưng vì sao Phụ châm lại “nhảy vào”chiếm vị trí thứ nhất trong Gia huấn ca của Nguyễn Trãi? Con đường truyền bản của Phụ châm có phải như một nhà nghiên cứu đã nói: “Đương thời có lưu hành trong nhân dân một số bài thơ với đầu đề và tính cách luân lý… của những tác giả vô danh. Rồi trong sách cũ lại có nói Nguyễn Trãi làm một tập thơ Nôm nhan đề là Gia huấn ca, thì một nhà văn nào đó tưởng rằng những bài thơ kia là tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, nên đã sưu tầm lại, sắp xếp lại cho vào tập rồi đặt cái tên chung Gia huấn ca”(20) không? Hay rốt cục, toàn bộ Gia huấn ca” cũng chỉ là nguỵ thư như kiểu Lĩnh Nam dật sử của Trần Nhật Duật(21)? Đây đúng là hiện tượng “râu ông cằm bà” thường thấy trong các tác phẩm Hán Nôm, nhưng muốn lý giải đầy đủ và chính xác nguyên nhân của sự “nhầm lẫn tai hại” này đối với Gia huấn ca nói chung và Phụ châm nói riêng, hẳn còn cần các dữ kiện mà bài viết này còn chưa đủ. Trong điều kiện tư liệu nắm được, dù chưa trả lời đầy đủ câu hỏi được nêu, chúng tôi cũng xin cung cấp những cứ liệu ban đầu để những ai quan tâm tới vấn đề có thêm bằng chứng để giải quyết, hoặc dự đoán các khả năng “có thể” là của ai đối với những bài còn lại.

CHÚ THÍCH

(1) (3) Edmond Nordemann: Nguyễn Chai Da huấn ca. Bản in lần thứ hai, Huế, 1907.

(2) (4) Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca; Quan văn đường tàng bản, Thánh Thái Đinh Mùi (1907). Bản của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu AB. 406.

(5) Hoàng Xuân Hãn: Thi văn Việt Nam, Sông Nhị, Hà Nội, 1951.

(5) Thi Nham Đinh Gia Thuyết: Gia huấn ca, Tân Việt, Sài Gòn, 1953.

(7) (8) Nguyễn Hồng Phong: Tìm hiểu Gia huấn ca , Tập san Văn Sử Địa số 27 và 29, tháng 4 và tháng 6 năm 1957.

(9) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Cương: Văn học Việt Nam tập I, Nxb, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978; Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác gia, bản in rô-nê-ô, 1977.

(10) Đoàn Khoách: Gia huấn ca có phải của Nguyễn Trãi không? Tạp chí Văn học số 1, năm 1982, tr. 56.

(11) Hoàng Xuân Hãn: Sách đã dẫn.

(12) Dương Bá Cung: ức Trai tập tự, Phúc Khê nguyên bản, bản in năm Tự Đức Mậu Thìn, ký hiệu A. 139.

(13) Chữ 安 có hai âm đọc: an hoặc yên.

(14) Nguyên văn: “Phụ chi hiền phổ, gia chi sở do, nhi thịnh suy nội trợ chi hệ. Như thử tắc huấn chi bất khả hốt dã. Cổ lai khổn thức, diễn chi Quốc ngữ, hiệp chi âm luật như Trần Thị chi Nữ tắc giả vãng vãng hữu chi. Duy phụ châm nãi An Thái Tôn sư sở trước. Tựu trung phụng tổ tông, hiếu công cô dữ phù tòng phu dưỡng tử chư điều tỷ chư huấn vưu vi giản minh dị hiểu. Tất sử khuê vi trung tụng nhi tri chi, nhiên hậu khả dĩ bảo kỳ phú gia chi cát. Nhân lục chi vu tập hậu”.

(15) Xem Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 390, và Thư mục Hán Nôm-Mục lục tác gia, tr. 146.

(16) Thư mục Hán Nôm-Mục lục tác gia ghi nhận bản Xuyết thập tạp ký A. 1792 là của Lý Văn Phức.

(17) Nhị thập tứ hiếu diễn ca đóng trong một tập sách có tên là Dương Tiết diễn nghĩa, ký hiệu VHv. 1259, kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(18) Hồ Khẩu và Yên Thái là hai làng liền nhau thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội cũ. Làng Hồ Khẩu, nơi hiện còn đền thờ Lý Văn Phức, vẫn được gọi là phố Yên Thái (xem Đương phố Hà Nội của Nguyễn Vĩnh Phúc - Trần Huy Bá, Nxb. Hà Nội, 1979, tr. 442).

(19) Đoàn Khoách: Bài đã dẫn.

(20) Nguyễn Hồng Phong: Bài đã dẫn.

(21) Trên tờ tạp chí Nam phong từ số 48 năm 1921, xuất hiện thiên tiểu thuyết lịch sử dài, đăng làm nhiều kỳ, tên là Lĩnh Nam dật sử, đề là tác phẩm của Trần Nhật Duật. Đây là một cuốn nguỵ thư mà ít lâu sau khi cho đăng, Nguyễn Bá Trác, đồng chủ bút tờ Nam phong, đã phải viết bài cải chính (xem Lĩnh Nam dật sử nghi án, Nam phong số 53, 1921).

TB

VỀ BẢN CHÚC THƯ CỦA VIÊN QUAN LANG ĐINH THẾ THỌ Ở VÙNG MƯỜNG THANH SƠN VĨNH PHÚ

TRỊNH KHẮC MẠNH

Bản chúc thư của viên quan lang Đinh Thế Thọ ở vùng Mường huyện Thanh Sơn, Vĩnh Phú, được nhiều người biết tới qua bài viết cuả Lê Tượng trên Tạp chí Dân tộc học(1). Văn bản được tác giả sử dụng là một bản khắc trên 3 lá đồng mỏng, hiện được lưu trữ tại Nhà Bảo tàng Vĩnh Phú. Nhận thấy bản khắc đồng nói trên thiếu một số yếu tố của bản chúc thư, người viết chúc thư…, chúng tôi nảy ra ý định tìm hiểu lai lịch của nó, nhằm qua đó cung cấp thêm cứ liệu cho những ai muốn khai thác bản chúc thư đáng chú ý này.

Hiện nay ngoài bản khắc đồng nói trên, chúng tôi đã có trong tay 4 văn bản khác của bản chúc thư: 2 bản viết trên lụa, 2 bản viết trên giấy. Bản lụa thứ nhất( gọi tắt là L1) là một mảnh lụa nguyên vẹn, dài 84cm, rộng 30cm, chữ viết dễ đọc, toàn văn bản có 785 chữ. Bản lụa thứ hai (gọi tắt là L2) dài 68 cm, rộng 33cm, chữ viết dễ đọc, toàn văn bản có 785 chữ. Bản giấy thứ nhất (gọi tắt là G1) gồm 6 tờ giấy bản, khổ 22cmx13cm, chúc thư viết trên 8 trang, chữ dễ đọc, toàn văn bản có 751 chữ. Bản giấy thứ hai(gọi tắt là G2) gồm 6 tờ giấy bản, khổ 22x12cm, chúc thư viết trên 9 trang, chữ dễ đọc, toàn văn bản có 730 chữ.

Những cứ liệu ghi trên 4 bản trên đây đều thống nhất:

- Tên văn bản: Chúc thư quan lang Đinh Thế Thọ.

- Người viết chúc thư: Đinh Thế Nghĩa.

- Thời gian lập chúc thư: Năm Hồng Đức thứ tám (1477), tháng 2 ngày 17 (Hồng Đức bát niên, nhị nguyệt, thập thất nhật, lập chúc thư).

- Người lập chúc thư ký: Đinh Thế Thọ.

- Nơi lập chúc thư: Thôn Sương(2), sách(3) Vân Lung, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng (Gia Hưng phủ, Thanh Xuyên huyện, Vân Lung sách, Sương Khuê), nay là thôn Sang, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú.

Cả 4 bản trên đều được lưu giữ tại nhà cụ Đinh Công Nương, xóm Sang trên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, Vĩnh Phú.

Cộng với bảng đồng của Nhà Bảo Tàng Vĩnh Phú, bản chúc thư nói trên hiện còn 5 văn bản. Nhưng cả 5 bản này đều là các bản sao, vì không có dấu tích gì về chữ kí của người lập chúc thư, nốt điểm chỉ của vợ chồng ông ta và 5 nhân chứng trên văn bản, hơn nữa, hai bản G1 và G2 lại ghi rõ là bản sao. Điều đáng chú ý là giữa 5 bản sao này có tới 99 chỗ không nhất trí với nhau, thậm trí có sự thêm bớt khá lộ liễu trên văn bản. Như vậy, trong 5 bản trên đây, bản nào tin cậy hơn, nghĩa là nó gần với chúc thư gốc hơn, bản nào được người sau thêm bớt vì một dụng ý nào đó?

Là một chúc thư để lại ruộng vườn, ao chuôm, nhà cửa, tài sản, đầy tớ và lệ cúng biếu của dân bản cho con cháu, nội dung của nó không thể vô cớ mà thay đổi. Người làm chúc thư sẽ không bỏ sót một thứ gì họ có; còn kẻ nối dõi sẽ cố giữ lấy mọi lợi lộc mà ông cha để lại. Và nếu cần, hoặc khi điều kiện cho phép, họ sẵn sàng nới rộng thêm số lợi lộc đó. Chúc thư so vậy, nếu có được sửa chữa, sẽ biến đổi theo chiều hướng có lợi cho kẻ giữ nó. Trên cơ sở nhận định này, ta thử so sánh một số dị văn xuất hiện trong 5 văn bản.

Nếu lấy L1 làm bản trục để đối chiếu, thì những biến đổi của các văn bản chủ yếu là về ruộng đất. Điều dễ nhận thấy là trên bản L1 và L2 có nhiều dấu vết bị sửa chữa và thêm vào sau này. Thế nhưng, những nội dung sửa chữa và thêm vào này đều xuất hiện ở các bản G1, G2 và Đ(bản đồng). Bản Đ ghi nhiều chi tiết nhất về ruộng đất, tài sản…và dễ hiểu hơn cả so với các bản khác, ví dụ:

Dị bản 31: Bản L1 chép , bản L2 chép (nhất), bản G1 chép 陸 (lục), bản G2 và bản Đ chép 柒 (thất). Nhưng chữ ở bản L1 lộ rõ dấu vết sửa chữa về sau này. Bộ β viết lệch hẳn sang trái, khác với bút tích của văn bản, còn bộ viết đè lên một chữ cũ, nét mực đậm hẳn. Ta có thể nhận biết chữ đã được thay thế từ chữ (nhất). Kết hợp cả chữ, chúng tôi cho rằng bản L1 vốn là chữ (nhất) giống bản L2, người sau đã căn cứ vào bản G1 mà sửa chữa thành chữ để đọc thành “lục”.

Dị bản 32: Bản L1 chép “…nhất, Điền chúa cộng lục o, hương hỏa nhị khóm…”. Bản L2 chép: “Nhất, Điền chúa cộng nhất khóm…”. Bản G1 chép: “Nhất, Điền chúa cộng lục khóm, hương hoả nhị khóm”. Bản G2 chép: “Nhất, Điền chúa cộng nhất khóm, hương hoả nhị khóm”. Bản Đ chép: “ Nhất, Đồng Chúa xứ, hương hoả Chúa điền, Luân điền, Bồng Kình điền, Đó ốc điền, cư tiều đẳng cọng thất khom tương liên”. Ô o là chữ bị dập xoá không thể đọc được, bốn chữ “hương hoả nhị khóm” do người sau viết xen vào khoảng giữa dòng 13 và dòng 14, bút tích giống chữ “lục” đã bị sửa chữa về sau. Như vậy người đời sau đã dựa vào các bản G1, G2 và bản Đ còn ghi rõ tên khung ruộng, tên từng khóm ruộng trong khu, trong đó có thửa ruộng Tu và con số lên đến 7 khóm.

Dị bản 53: Bản L1 không có, bản L2, G1, G2, và Đ có ghi “Nhất, Tông hầu thị nhân”. Câu này ở bản L2 có nét bút với toàn văn. Khi chép thêm khoản này, người viết đã tiếp vào một dòng khác, và để cách 2cm, trái với quy cách mỗi khoản chép riêng sang hàng khác được thực hiện nhất quán trong văn bản, chứng tỏ bản L2 vốn giống L1 không có khoản này, người sau đã dựa vào các bản vào các bản G1, G2 và Đ mà ghi thêm vào.

Dị văn 70: Các bản L1, L2 G1 và G2 đều chép “Nhất lệ, Quan Lang tứ giáp hoặc hữu mỗ nhân trả ơn ma, tứ giáp biếu Quan Lang ”. Bản Đ chép: “Nhất lệ, Quan Lang tứ giáp hoặc mỗ nhân trả ơn ma biếu thổ lang…”.

Hoặc dị bản 78: các bản L1, L2, G1 và G2 đều chép “Nhất lệ, Quan lang do sự biếu khiêu ngưu”, bản Đ chép “Khiêu ngưu nhất liên tức biếu tại thổ lang tế tự”. Rõ ràng câu văn ở bản Đ lưu loát dễ hiểu hơn và ý câu cụ thể hơn so với các bản L1, L2 và G2.

Việc phân tích một số trường hợp sai khác nhau giữa 5 văn bản trên đây cho phép đi tới một nhận xét là: bản L1 và bản L2 gần với văn bản gốc hơn cả, tức là gần với bản chúc thư gốc mà hiện nay không còn. Bản Đ là bản có nội dung xa với bản chúc thư gốc hơn cả. Còn bản G1 và G2 thuộc vào thế hệ các bản sao gần đây, nhưng vẫn còn giữ được nội dung gần bản chúc thư gốc hơn bản Đ.

Có thể xác định một niên đại tương đối cho các bản sao được không?

Hai bản L1, L2 mà ta vừa cho là gần với bản gốc hơn cả, phải có niên đại tương đối sớm, nhưng hiên nay chưa có đủ tài liệu để xác định niên đại cụ thể hai bản này.

Hai bản G1, G2 do cụ Đinh Công Nương giữ. Chủ nhân hai bản này cho biết: thân phụ cụ là Đinh Công Tồn khi sắp qua đời có cho sao lại hai bản chúc thư trên giấy, vì bản cũ đã rách. Cụ Đinh Công Tồn sinh năm 1881, mất năm 1934. Vậy có thể xác định một niên đại tương đối cho hai bản giấy G1, G2 là khoảng từ năm 1900 đến năm 1934.

Bản Đ có nhiều nét rất đáng chú ý: văn bản khắc trên đồng, không ghi thời điểm lập chúc thư, có nhiều nội dung mới mà các bản khác không có, lời văn dễ hiểu…Đặc biệt, như phần phân tích “dị bản” đã nói, bản Đ là bản duy nhất có nhắc tới một thửa ruộng Tu ở xứ Đồng Chúa (Nhất, xứ Đồng Chúa xứ, hương hoả Chúa điền, Luân Điền, Bồng Kình điền, Tu điền…) trong khi các bản khác không có.

Một điều khá lý thú là: cũng chính tại thôn Sang thuộc sách Vân Lung này, vào năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi sáu (1785) đã xảy ra một vụ kiện giữa Quan lang Đinh Thế Hiển và người cùng sách là Hà Thế Vượng về thửa ruộng Tu ở xứ Đồng Chúa mà hiện nay chúng tôi còn được đọc một số giấy tờ, trong đó đáng chú ý là đơn kiện của Đinh Thế Hiển và người cùng sách là Hà Thế Vượng. Đơn của Đinh Thế Hiển viết: “Trước kia, ông cha [chúng tôi] có một thửa ruộng Tu tại xứ Đồng Chúa, hiện có ghi trong chúc thư. Cha tôi đem bán đợ cho người cùng sách tên là Xã Vy. Đến tháng 3 năm nay, tôi đem 20 quan tiền đến nhà Xã Vy chuộc lại. Xã Vy hứa cho chuộc. Nhưng lại bị người cùng sách nhận là của tổ tiên ông ta… Nay tôi xin kính cáo tại bản huyện, mong quan huyện giữ lấy các dấu tích cùng chúc thư để tra xét. Đây thực là ruộng của cha tôi đã bán tư lâu, tôi đâu giám nhận bừa bãi ruộng Tu…”(4)

Đơn của Hà Thế Vượng viết: “Căn cứ vào lệ của bản huyện, hễ có người nào bị ức hiếp, thì trình đơn lên huyện phân giải…”

Thực tình tôi có một thửa ruộng Tu do tổ tiên để lại ở xứ Đồng Chúa, sau đó bán đợ cho Xã Vy người cùng sách…Đến năm Bính Thân (Cảnh Hưng năm ba mươi bảy, 1776), tôi mang tiền chuộc lại ruộng cũ. Xã Vy giao ruộng cho tôi cày cấy từ đó đến nay. Không ngờ đến tháng 3 năm nay bị những người cùng sách là Tổng Viên, Tổng Thuận cùng quan lang thôn Sang cậy thế cường hào, bày đặt mưu gian. Họ nói bừa rằng đó là ruộng của tổ tiên quan lang đã ghi trong chúc thư…Mong bản huyện quan giữ lấy các chứng cớ cùng chúc thư của quan lang thôn Sang để tra xét… Cảnh Hưng năm bốn mươi sáu(1785), tháng 6 ngày mồng 7”(5).

Hai bản L1, L2, như đã phân tích, có nội dung gần với bản chúc thư gốc hơn cả, có niên đại sao chép tương đối sớm, không ghi thửa ruộng Tu. Hai bản G1, G2 sao chép gần đây cũng không ghi thửa ruộng đó. Có thể nghĩ rằng thửa ruộng Tu xứ Đồng Chúa đã gây ra vụ kiện cáo đó, hoặc là không phải của nhà quan lang họ Đinh Thế Hiển mới tạo ra một văn bản chúc thư hợp với nội dung đơn kiện, nghĩa là bản chúc thư có ghi thửa ruộng Tư ở Đồng Chúa, và bản Đ, như chúng ta đã biết, là một văn bản loại ấy, nó xuất hiện khoảng trước sau vụ kiện 1785.

Có thể hình dung đôi nét về lai lịch bản chúc thư như sau: Viên quan lang Đinh Thế Thọ và vợ là Nguyễn Thị Hậu lập chúc thư vào ngày 17 tháng 2 năm Hồng Đức thứ tám, tức ngày 2-3-1477 dương lịch. Bản chúc thư này được các thế hệ con cháu lưu giữ, cơ bản không thay đổi, và ngày nay ta được biết nó qua các bản sao trên lụa L1, L2. Đến 1785, tức sau ngày lập chúc thư 308 năm, xảy ra vụ kiện ruộng đất, dòng họ Đinh đã tạo ra một bản chúc thư phù hợp với điều trình bày trong đơn kiện, nội dung của bản chúc thư này được thấy ở bản khắc đồng Đ. Nhưng sau này, con cháu Đinh Thế Thọ vẫn giữ bản (sao) chúc thư cũ(L1, L2) có thêm bớt một số chi tiết chủ quan của mình. Việc thêm bớt này được thực hiện trên bản cũ, cũng có khi trên bản mới (G1 và G2).

CHÚ THÍCH

(1) Lê Tượng: Một bản chúc thư bằng đồng tìm thấy ở miền Đông Bắc Thanh Sơn. Tạp chí Dân tộc học, số 3, năm 1976.

(2) Bản L1 chép là “Sương khuê”, các bản khác chép là “Sương khuê thôn”. Chúng tôi dịch là “thôn Sương”. “Khuê” là âm Hán Việt dùng để ghi âm “quê”, người Mường đọc là “quel”, một từ dùng để chi thôn xóm ngày xưa. Trong một số cuốn gia phả dòng họ Mường, chúng tôi đều thấy viết là “khuê” và được dịch là “thôn”; như vậy “khuê thôn” cũng chỉ nên dịch là “thôn” thôi.

Thôn Sương đến cuối đời Lê đổi là thôn Sang. Một văn bản đời Cảnh Hưng (1740 - 1786) mà chúng tôi hiện có, ghi là thôn Sang. Thôn Sang nay thuộc xã Võ Miếu.

Ông Lê Tượng, trong bài viết đã dẫn, viết: “Sương Khúc là Tầm Mục, một xóm nhỏ của xã Tam Thanh ngày nay”. Khi khảo sát bản đồng, chúng tôi không thấy có chữ đó mà chỉ thấy khắc “Vân Lung khúc, Sương khuê thôn”.

(3) Cả 5 văn bản đều viết là 曲 (khúc). Chúng tôi sửa là 冊 (sách). Sách là một đơn vị hành chính ở miền núi, tương đương với xã ở miền xuôi, nếu để là “Vân Lung khúc” thì không có nghĩa. Một số văn bản khác đời Vĩnh Khánh (1729 - 1732) và Cảnh Hưng (1740 - 1786) mà chúng tôi sưu tầm được ở vùng này đều viết là “Vân Lung sách”. Các thôn của sách Vân Lung ngày nay thuộc về ba xã Võ Miếu, Van Miếu, Tam Thanh.

(4) Tài liệu chúng tôi sưu tầm được tại thôn Sang, xã Võ Miếu.

(5) Như chú thích (4)

TB

MỘT BỘ TỪ ĐIỂN VIỆT-LA TINH VIẾT TAY VÀO CUỐI THẾ KỶ XVIII VỪA SƯU TẦM ĐƯỢC(*)

TRẦN NGHĨA

Gần đây, Trung tâm nghiên cứu và sưu tầm về Đông Á hiện đại (Centre d’études et de rechrches sur l’Asie orientale contemporaine) thuộc Trường Đại học Nice nước Cộng hoà Pháp có gửi tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm một bản sao chụp bộ từ điển An Nam- La tinh viết tay do Pierre Pigneau de Behaine (1741- 1799) soạn vào cuối thế kỷ XVIII mà từ lâu người ta cứ tưởng là đã mất. Chẳng hạn Ravire Taberd khi đề tựa bộ từ điển An Nam - La Tinh in tại serampore năm1833 đã viết: “Bản thảo viết tay đáng mong ước ấy (chỉ bộ từ điển Việt- La Tinh của Pigneau de Béhaine-T.N), năm 1778 đã trở thành mồi lửa trong vụ cháy Chủng viện An Nam lúc đó được thiết lập trong tỉnh Cà Mau”(1). Kỳ thực tập bản thảo viết tay này vẫn còn, hiện để tại Chủng viện Hội truyền giáo nước ngoài ở Paris (Séminaire des Missions étrangères, Paris)(2).

Trước khi tìm hiểu đặc điểm và gí trị bộ từ điển vừa mới sưu tầm, hãy nói một chút về tác giả cùng ý đồ và thời điểm biên soạn tác phẩm.

Tác giả bộ từ điển, như những dòng ghi chú bằng tiếng La Tinh ngay ở trang đầu tập sách cho thấy, là Pierre Pigneau de Béhaine, người của chungr viện Paris thuộc Hội truyền giáo nước ngoài, “Khâm mạng Toà thánh Nam Kỳ, Canpuchia và Chàm, mất ngày 9 - 10-1799”(3). Bên trong tập bản thảo, ở trang 436, cũng có thấy mấy dòng ghi chú bằng tiếng Pháp: “Từ điển tiếng Việt do Ô.Pigneau de Béhaine (1741- 1799), Giám mục hiệu toà Adran, Khâm mạng toà thánh Nam Kỳ, biên soạn. Bộ từ điển viết tay này đặt cơ sở cho các bộ từ điển in từ năm 1838 trở về sau như từ điển của Ô.Taberd, từ điển của J.F.Génibel, v.v…”(4). Đó là tất cả những gì về tiểu sử người biên soạn mà bản thân tập bản thảo hay, đúng hơn, cơ quan lưu giữ tập bản thảo khả dĩ cung cấp cho độc giả. Muốn biết rõ hơn về tiểu sử người biên soạn, có thể đọc thêm các nguồn sử liệu Việt Nam. Theo sách vở ghi chép, Pierre Pigneau de Béhaine (từ đây trở xuống gọi tắt và thống nhất là Pigneau) có tên Việt là Bá Đa Lộc(5) hay Bi Nhu(6), người Pháp đến Việt Namvào năm1765, khi ông 24 tuổi. Hoạt động của Pigeau trên đất nước ta có thể chia làm hai thời kỳ rõ rệt. Từ năm 1780 trở về trước, ông chủ yếu là nhà truyền giáo: “ Bá Đa Lộc hiệu giám mục sư, người Phú Lãng Sa, Tây Dương. Hồi đầu vượt biển đến ngụ cư vùng Gia Định- Chân Lạp, lén lút truyền đạo Gia Tô, nhiều người tin theo”(7). Địa bàn hoạt động chính của Pigneau lúc bấy giờ là Chợ Quán, Cầu Kho, Lái Thiêu, Tân Trào, Sa Đéc, Cà Mau, Mạc Bắc, đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu…thuộc nước ta, và Chân Bôn thuộc Xiêm, Nam Vang thuộc Chân Lạp… Trong thời gian này, ông có bị chúa đangf ngoài là Trịnh Sâm bắt giam khoảng một tháng, rồi được thả. Từ năm 1780 trở về sau, Pigneau thành người cộng sự đắc lực của Nguyễn ánh trong việc chống lại chúa Trịnh, đặc biệt là chống lại phong trào khởi nghĩa Tây Sơn: “Năm Canh Tý (1780), Thế Tổ Cao Hoàng đế chính thức xưng làm vua tại Gia Định, Đa Lộc đến yết kiến, mong được sử dụng, vua nhận lời(8)”. Quan hệ giữ Pigneau và Nguyễn ánh từ đây ngày một gắn bó. Hai người khi thì “cùng nhau bàn mưu tính kế”, khi thì “sóng đôi rảo bước dạo chơi”(9). Với mục đích phục vụ công cuộc tranh giành quyền lực của Nguyễn ánh, Pigneau từng đưa hoàng tử Cảnh “sang Tây” cầu viện; từng theo hoàng tử Cảnh ra trấn giữ thành Diên Khánh miền trung, để rồi ốm chết tại đây năm 1799. Thi hài Pigneau được mang từ Thi Nại về chôn ở Gia Định, và Nguyễn ánh nhân dịp này phong cho ông chức quận công.

Do lâu năm sống và hoạt động trên đất nước ta, Pigneau khá quen thuộc với đồng đất, con người miền Nam và thông thạo tiếng Việt. Chẳng những vậy, ông còn giỏi cả chữ Hán lẫn tiếng Hán: “Bá Đa Lộc hồi trẻ tuy theo đạo Thiên Chúa mà sách vở thánh hiền của Trung Quốc không cuốn nào là không giảng giải đến nơi đến chốn”(10). Điều này giúp ông nhiều trong việc biên soạn bộ từ điển Việt - La Tinh.

Mục đích biên soạn bộ từ điển, có lẽ cũng giống trường hợp cuốn Việt- Bồ-La của Alerxandre de Rhodes, trước hết là nhằm phục vụ việc tryền giáo. Đây sẽ là sách gối đầu giường của các vị Thừa sai(11), là công cụ quan trọng giúp giáo dân học tiếng La Tinh, làm quen với kinh thánh. Sau nữa bộ từ điển còn góp phần làm cho “thanh thế nước Pháp lan xa, mở rộng nguồn lợi buôn bán”(12) như chính hành động giúp Nguyễn ánh của Napoléon Bonaparte và Pigneau tiếp đó vậy.

Năm biên soạn bộ từ điển như lời ghi ở cuốn sách, là từ tháng 9-1772, đến tháng 6-1773(13), giai đoạn Pigneau còn tập trung tâm lực vào hoạt động truyền giáo.

Với một khoảng thời gian ngắn như thế, đối với một công trình biên soạn phức tạp như thế, thật khó mà tưởng tượng bộ từ điển chỉ là công sức của một người. Rất có thể, bên cạnh Pigneau với tư cách chủ biên, còn có cả một ban biên tập gồm bạn bè hoặc đồ đệ của ông như Trần Văn Học (người Việt Nam), Mạn Hoè (tức Manuel, người Pháp), Nguyễn Văn Chấn (tức Dayot, người Pháp), Nguyễn Văn Thắng (tức Vannier, người Pháp),Tín (người Pháp), Lê Văn Lăng (người Pháp), Gia Đố Bi (người Tây Ban Nha), Ma Nộ Y(người Tây Ban Nha)… Họ đều là những trí thức cùng hoạt động lâu ngày với Pigeau trên đất nước ta thu hồi bấy giờ(14).

Bộ Từ điển Việt-La tinh của Pigneau có những đặc điểm chủ yếu sau:

1. Về tính chất, đây thuộc loại từ điển song ngữ hay từ điển dịch nghĩa cỡ lớn trung bình, dày 729 trang, khổ 21x15cm,theo bản thu chụp. Mỗi từ (đơn hoặc kép) hay cụm từ (kể cả thành ngữ và câu văn ngắn) bằng tiếng Việt được dịch ra nghĩa tương ứng bằng tiếng La Tinh. Ví dụ:

TT Từ hoặc cụm từ Việt Nghĩa La Tinh tương ứng Trang
Ví dụ 1 Tội
Tội vạ
Tội tổ tông
Kẻ có tội
Peccatuni
Poeau peccati
Peccatum originale
Peccalor
628
Ví dụ 2 Trắp
Sửa trắp nâng khăn
Species pixidi
Muliebre officium
642

Điều đáng chú ý là tiếng Việt ở đây được nghi bằng hai thứ chữ Nôm và Quốc ngữ (tức tiếng Việt phiên âm bằng chữ La Tinh).

2. Về bố cục, bộ từ điển chia làm hai phần: phần tra cứu hoặc phần dịch nghĩa các từ hoặc cụm từ Việt.

Phần tra cứu chiếm 67 trang, gồm một bảng đối chiếu chữ Nôm với chữ Quốc ngữ và một bảng hướng dẫn cách tra một số chữ Nôm khó. ở bảng thứ nhất, 4.293 chữ Nôm được sắp xếp theo thứ tự bộ thủ; trong từng bộ thủ, chữ ít nét đặt trứơc chữ nhiều nét đặt sau. Chữ quốc ngữ đặt bên cạnh chữ Nôm tương ứng. Chữ Nôm nào có nhiều cách đọc, đều được ghi cụ thể bằng chữ Quốc ngữ. Thí dụ: 侈 có 2 cách đọc là xi, xảy (tr.2); 兵 có 3 cách đọc là bănh (bình) , bênh, binh (tr.6); 兼 có 4 cách đọc là côm, cồm, kem, kiêm (tr.7); 呫 có 5 cách đọc là xúm, chòm, chim, giụm, nhóm (tr.7); có 6 cách đọc là chôi, chùi, chuối, giục, nhồi, giồi (tr.12),… ở bảng thứ hai, 570 chữ Nôm khó được hướng dẫn cách tra bằng bộ thủ. Thí dụ: trời tìm bộ đại 大 (tr.65); người tìm bộ thốn 寸 (tr.65); tìm bộ võng 网 (tr.66); trái tìm bộ mộc 木 (tr.67),… Chữ ở bảng này cũng được xếp theo thứ tự số nét từ ít đến nhiều.

Phần dịch nghĩa các từ hoặc cụm từ Việt chiếm 662 trang, là nội dung chính yếu của bộ từ điển. Phần này lấy mục từ làm đơn vị và sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái từ a, b, c đến ư, v, x. ở từng mục từ, chữ Nôm đặt trước, chữ quốc ngữ đặt giữ, tiếng La Tinh tương ứng đặt sau cùng. Thí dụ:

TT Mục từ Việt Nghĩa la tinh tương ứng Trang
Ví dụ 1 謨 Mua Emere 381
Ví dụ2 Sợi Numerale Filorum capillorum, pilorum herbae 532
Ví dụ 3 律 Trút Fundere 662

Cũng có những mục chỉ thấy chữ Nôm và chữ Quốc ngữ,mà không thấy phần dịch nghĩa La Tinh tương ứng, chắc vì chưa tìm được từ tương đương (đối đẳng), hoặc còn chờ cân nhắc thêm. Thí dụ các mục từ: ai (trong Ai ôi, Ai cha) tr.69; Mào (trong Chim chốc mào) tr.359; Tưa (trong Tưa lưỡi) tr.667;…

Dưới mỗi mục từ Việt thường có một hoặc nhiều hạng nghĩa, gồm từ kép (từ phức hợp), cụm từ hoặc câu dẫn trích, có phần dịch nghĩa tương ứng bằng tiếng La Tinh. Chẳng hạn dưới mục từ , Bú, Sugere lac (tr.95), có hạng nghĩa sau:

Bú mớm, Lactare

Bú sữa, Sugere lac

Dưới mục từ Xui, Insligare (tr.728). có các hạng nghĩa sau:

吹 逐 Xui giục, Insgare

吹 遣 Xui khiến, Id

吹 弄 Xui lòng, Id

吹 謨 Xui mưu, ad malum aliquem stimulare.

3. Về nội dung, bộ từ điển có cả thảy 5.943 mục từ, nếu kể cả các từ kép hoặc cụm từ trong phần hạng nghĩa, số từ vựng (từ ngữ) dễ chừng lên tới bốn năm vạn. Nếu so với từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, số từ vựng ở từ điển Pigneau tăng lên rõ rệt. Hãy nêu một ví dụ. Dưới mục từ Làm, từ điển Alexandre de Rhodes có cả thảy 12 từ vựng là: Làm dí gì, làm biếng, làm chi, làm chi được, Làm sao, Khỏi làm sao được, Làm thuê, Làm tiền, Làm quí, Làm dáng, Làm bua, Làm quan. Trong khi đó cũng dưới mục từ làm, từ điển Pigneau lại có tới 87 từ vựng, là: Làm lụng, Làm việc, Làm ăn, Làm cách, Làm lành, Làm hoà, Làm lễ, Làm phép, Làm dấu, Làm chứng, Làm cớ, Làm bằng, Làm tang, Làm ruộng, Làm cỏ, Làm rể, Làm dâu, Làm vua, Làm quan, Làm thầy, Làm tôi, Làm lớn, Làm láo, Làm biếng, Làm dò, Làm hình, Làm dạng, Làm sao, Làm vậy, Làm chi, Làm mặt, Làm gan, Làm dạn, Làm vui, Làm khuây, Làm mướn, Làm thuê, Làm giúp, Làm nghề, Lấy làm quí, Lấy làm trọng, Làm thuốc, Làm lời, Làm tờ, Làm khế, Làm chữ, Làm thịt, Làm cá, Làm cho, Làm đi, Làm hại, Làm khốn, Làm hư, Làm nguỵ, Làm loạn, Làm rầu, Làm người, Làm đầu, Làm tuần, Làm tiệc, Làm bữa, Làm quen, Làm quơ, Làm lông, Làm thơ, Làm thư, Làm bài, Làm tuồng, Làm nhà, Làm nũng, Làm kế, Làm rối, Làm tội, Làm nản lòng, Làm tốt, Làm không, Làm ơn, Làm giàu, Làm thinh.

Từ tiếng Việt trong từ điển Pigneau bao gồm từ phổ thông, phương ngữ miền Nam và một số tiếng Việt cổ. Từ phổ thông như: anh em (tr.72, dưới mục từ Anh); chăn loan(tr.114, dưới mục từ Chăn); chẳng được (tr.205, dưới mục từ được); làm việc (tr.302, dưới mục từ Làm); thuốc đắngđã tật, nói thật mất lòng (tr.180, dưới mục từ Đắng); Thấy người làm được ăn, mình xé chăn làm rớ (tr. 114, dưới mục chăn),vv…Phương ngữ miền Nam như: bậu bạn, qua bậu (tr.83, dưới mục từ Bậu), trong khi đã có tiếng phổ thông tương đương là anh em (tr.72, dưới mục từ Anh), bạn hữu (tr.77, dưới mục từ Bạn); hoặc như mền trong mền chiếu, đắp mền (tr.365, dưới mục từ Mền), trong khi đã có tiếng phổ thông tương đương là chăn, trong chăn loan (tr. 114, duới mục từ chăn); hoặc như chi đặng, chẳng được (tr.179, dưới mục từ Đặng), trong khi đã có tiếng phổ thông tương đương là chẳng được, chi được (tr.205, dưới mục từ Được); hoặc mần việc, mần răng, mần rứa (tr.356, dưới mục từ Mần), trong khi đã có tiếng phổ thông tương đương là làm việc, làm sao, làm vậy (tr. 302 và tr. 303, dưới mục từ Làm) vv… Tiếng Việt cổ như: con đòi (tr. 196, dưới mục từ Đòi); màng bao (tr.375, dưới mục từ Màng); tua giữ (tr.667, dưới mục từ Tua); làn đan (tr.137, dưới mục từ Làn), vv…

4. Về kỹ thuật biên soạn, bộ từ điển vừa mang tính kế tục, vừa có nét đổi mới. Kế tục là ở chỗ, cũng như nhiều bộ từ điển song ngữ trước đó của ta, từ điển Việt - La Tinh của Pigneau ngay đầu sách có bảng tra cứu theo bộ thủ và bảng tra cứu theo nét chữ, có sự đối chiếu giữa hình, âm, nghĩa của các từ. Đổi mới là ở chỗ các mục từ được sắp xếp theo thứ tự a, b, c…, tra vừa nhanh chóng vừa giản tiện.

Tuy vậy, tập bản thảo vẫn còn một số mặt chưa hoàn chỉnh. Sách không có Lời nói đầu hoặc Phàm lệ trình bày rõ yêu cầu và quy cách biên soạn. Các hạng nghĩa không sắp xếp theo trật tự vần chữ cái, cũng không sắp xếp theo quá trình diễn biến về nghĩa theo đối tượng, chẳng hạn từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gốc đến nghĩa dẫn thân cấp 1 đến nghĩa dẫn thân cấp 2… Hình như các hạng nghĩa được tập hợp lại một cách khá ngẫu nhiên, đúng ra là chưa có sự sắp xếp nào cả. Thí dụ các hạng nghĩa thuộc mục từ Đánh được liệt kê như sau: Đánh giặc, Đánh tội, Đánh đập, Đánh khảo, Đánh đòn, Đánh dấu, Đánh thuế, Đánh giá, Đánh cờ, Đánh bạc, Đánh quần, Đánh lưới, Đánh vỡ, Đánh dao, Đánh cá, Đánh trống, Đánh mõ, Đánh tranh, Đánh dây, đánh bẫy, Đánh đu, Đánh sứa, Đánh dát, Đánh nghề, Đánh sáp, Đánh tóc con, Đánh tiếng, Đánh đàng xa, Đánh bóng, Đánh vảy, Trời đánh, Sét đánh, Đánh lửa, Đánh buồm, Voi đánh, Đánh hơi (tr.180 và tr.181). Ngoài ra, trong từ điển còn có những chữ Nôm viết nhầm như út viết thành ít (tr.1); những chữ Nôm viết sót nét, như Mâu 矛 viết thành 予 (tr.880; những lối viết khác nhau của cùng một chữ đáng lẽ nên tập trung về một chỗ, thì lại tản ra làm nhiều chỗ, như trường hợp chữ Xuất 出 viết đủ nét và chữ Xuất viết giảm nét (tr.15), chữ Đức 德 viết đủ nét và chữ Đức viết giảm nét (tr,18),… Cũng có những chữ Quốc ngữ viết sai chính tả, hoặc phiên theo âm đọc miền Nam, như Đíu 弔 (tr.7) lẽ ra phải viết đúng là Điếu; Đàng chim 唐 (tr.179) lẽ ra phải viết đúng là Đàn chim(15); Thắt khuiếc 紩 鈌 lẽ ra phải viết đúng là Thắt khuyết, vv..

Trước hết, đây là một kho tư liệu quý để nghiên cứu tiếng Việt cổ. Cùng với các cuốn từ điển song ngữ Hán - Nôm hoặc Nôm - Hán cổ do người nước ta biên soạn như Chỉ Nam dã đàm, VHv.201; Dương Tiết diễn nghĩa, VHv.1259; Bùi gia huấn hài, VHv.1245/1-2; Tự loại diễn nghĩa, AB. 593; Nhân sự thường đàm ngạn ngữ tập, Vn.70; Nam nhã dân chí khảo A.3175; Nam phong ngữ ngạn thi, AB.343… và các cuốn từ điển đối chiếu hai hoặc ba thứ tiếng liên quan do người nước ngoài soạn thảo như Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, An - Nam -La tinh của Pigneau chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc giúp ta tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, từ vấn đề ngữ âm đến vấn đề ngữ nghĩa, từ vấn đề ngữ pháp đến vấn đề tu từ…

Đồng thời, bộ từ điển Việt - La Tinh của Pigneau cũng sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều cứ liệu chắc chắn để nghiên cứu chữ Nôm thế kỉ XVIII, một mảng vẫn còn quá trống về mặt tư liệu cho đến nay.Trước đó, thế kỉ XVII, đã có khoảng 20 tác phẩm chữ Nôm viết tay mỗi tác phẩm dày năm, sáu trăm trang, do Girolamo Maorica cùng một số người biên soạn(16). Từ thế kỉ XIX trở về sau, tài liệu chữ Nôm sưu tầm được càng phong phú hơn. Bộ từ điển Việt - La Tinh của Pigneau do vậy sẽ là một bổ sung cần thiết về mặt tư liệu để nghiên cứu chữ Nôm thế kỷ XVIII, và sau nữa, lịch sử chữ Nôm trong sự phát triển liên tục của nó từ khởi thuỷ đến 1945. Khác với bộ từ điển thế kỉ XIX, chữ Nôm trong sách Pigneau được ghi chép duới nhiều dạng khác nhau. Thí dụ chữ Đãy có hai cách viết là (tr.175). chữ Vô có hai cách viết là (tr.170); chữ Vua có hai cách viết là (tr.707); chữ Trời có 3 cách viết là , (652); chữ Trốn có ba cách viết là 遁, 遯 và 迍 (tr.654); chữ Vè có 3 cách viết là 圍, (tr.692); chữ Aong (Ong) có 4 cách viết là 蜂, , (tr.73), vv… Dựa vào đây, có thể nghiên cứu cách viết chữ Nôm đủ nét với cách viết chữ Nôm giảm nét; cách viết chữ Nôm “hay”, chữ Nôm “bác học”, với cách viết chữ Nôm “tục”, chữ Nôm “bình dân”; các viết chữ Nôm chung của cả nước ta với cách viết chữ Nôm riêng của Nam bộ…

Cuối cùng, giá trị bộ từ điển Việt - La tinh của Pigneau còn nằm ở chỗ cho ta thấy tình trạng chữ Quốc ngữ cách đây vài trăm năm, khi nó đang trong thời kì xây dựng. Cách viết hồi bấy giờ so với ngày nay nhìn chung là nhất quán, nhưng không phảii không có những nét khác lạ. Về cách phiên âm, trong sách Pigneau, óng có thể viết là Aóng (tr.73); Kệch có thể viết là Cặch (tr.171); Màu có thể viết Mằu (tr.352),vv…

Về kiểu đặt dấu Né, Nẽ có thể viết gộp lại thành Nễ (tr.2); Biết, Biệt có thể viết gộp lại thành Biết (tr.4); Lả, Lã có thể viết gộp lại thành Lả (tr.7)… ở đây có sự kế thừa cách viết chữ quốc ngữ thuộc giai đoạn trước đó, như trong từ điển Việt - Bồ - La chẳng hạn. Ở từ điển Việt - Bồ - La, dặt viết là dèat (ăn dè ăn dèat); ai dấu viết là deấu (deấu tích), tuất viết là tiiết; thuở viết là thỏở; thoắt chốc viết là thoắt choúc… Mặt khác, Báo Bão cũng viết gộp thành Báo; Bão Bạo cũng viết gộp lại thành Bão … Từ điển Pigneau đồng thời lại có những lại có những đổi mới quan trọng, đặt cơ sở cho lối viết cho lối viết chữ Quốc ngữ trong các thời kì sau. Nghiên cứu kỹ những đổi thay về cách viết chữ Quốc ngữ qua các giai đoạn, trong đó có từ điển Việt - La Tinh của Pigneau là một cái mốc, có thể rút ra những bài học bổ ích cho công tác cải tiến chữ Quốc ngữ trước mắt.

Sau đây, xin trích giới thiệu một số trang của bộ từ điển Việt - LaTinh (Dictionarium Anamitico- Latinum) của Pigneau de Béhaine, để bạn đọc có một ý niệm.

CHÚ THÍCH

(*) Nguyên tên bộ từ điển là Dictionarium Anamitico-latinum, đáng lẽ phải dịch là từ điển An Nam-La Tinh, ở đây dịch là “Việt-La Tinh” cốt để phân biệt với bộ từ điển cùng tên của Ravier Taberd được dịch là “An Nam-La Tinh” trong bài viết này.

(1) Đoạn trích này do ông Dương Bá Cần dịch từ tiếng La Tinh.

(2) Bộ từ điển được sao chụp lại và chuyển tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm với sự giúp đỡ của ông Paul Schneider (tức Xuân Phúc) và ông Pierre Richard Féray ở Trường Đại học Nice; bà C. Rageau ở Trường Viễn Đông bác cổ Pháp; ông Vérnand, nhân viên lưu trữ ở Chủng viện Hội truyền giáo nước ngaòi ở Paris.

(3) Nguyên văn tiếng La Tinh là: “Vocabularium Anamitico-Latinum authore III. R.D. Petro Josepho Georgio Pigneau episcopo Adranensi vicario apostolico Cocincinae. Cambodiae, qui obiit 9 Octobris 1799”. Người ghi những dòng chữ trên là Boinet.

(4) Nguyên văn tiếng Pháp là: “G.52 Dictionnaire annamite composé par Mgr Pigneau de Béhaine, évêque titulaire d’Adran, vicaire apostolique de Cochinchine (1741 - 1799). Ce dictionnaire, demeuré manuscrít, est à la base des dictionnaires imprimés depuis 1838 par Mgr Taberd, J.F. Génibrel, etc...”

(5) Bá Đa Lộc sắc văn tịnh tạp văn thi sao lục, A. 2189.

(6) Bi Nhu Quận công hành trạng di lục, A. 969.

(7) Chính biên liệt truyện q.15

(8) Chính biên liệt truyện q.15

(9) Giám mục Quận công phương tích lục c của Trương Sĩ Tái, soạn năm 1897, xem Đại Nam Hoàng triều Bi Nhu Quận công phương tích lục, in tại Hương Cảng năm 1897, A. 1178, tr. 8a.

(10)Phụng sao giám mục Quận công thạch điện bi minh tự khoản. Xem Đại Nam Hoàng triều... Sđd, tr. 11a.

(11) Xem Lời giới thiệu cuốn từ điển An Nam - La Tinh của Taberd.

(12) Đại Nam Hoàng triều... Sđd, tr. 5b.

(13) Nguyên văn tiếng La Tinh là: “Huic operi septempri mense anni millesimi septine entesimi septuagesimi secundi extrema accessit manus mense junio insequenti annt”.

(14) Chính biên liệt truyện, Sđd.

(15) Ngay như cuốn từ điển An Nam - La Tinh của Taberd, Điếu vẫn còn viết là Đíu; Đàn chim vẫn còn viết là Đàng chim.

(16) Theo tài liệu Thanh Lãng.

TB

SỰ TÍCH KHÔNG LỘ MINH KHÔNG QUA QUYỂN SÁCH CHỮ HÁN MỚI SƯU TẦM

PHẠM ĐỨC DUẬT

Không Lộ và Minh Không vốn là hai nhà sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam mà nhiều sử sách có nhắc tới. Song, do hoàn cảnh, thời đại, tên tuổi, truyền thuyết…về hai nhà sư này còn có nhiều điểm gần giống nhau, và hơn nữa do sự sao chép nhầm lẫn trong một vài cuốn sách Hán Nôm, khiến cho một số nhà nghiên cứu bấy nay có bị nhầm lẫn, lẫn lộn.

Sau đây, chúng tôi sẽ xin nêu một vài ý kiến lầm lẫn ấy và làm sáng tỏ thêm sự tích về hai nhà sư này qua một số cuốn sách Hán Nôm mà chúng tôi mới sưu tầm được ở Thái Bình, cuốn Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng.

Trong bài Thăm chùa Keo của Trần Huy Bá và Trương Chính đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 9 năm 1971, đoạn nói về một số tài liệu nhà chùa còn giữ được, hai tác giả đã giới thiệu ba quyển sách: Không Lộ thiền sư ký ngữ lục, Thánh tổ thực lục diễn ca Địa bạ chùa Keo. Trừ sách Địa bạ liệt kê những người cúng ruộng vào chùa, chúng tôi thấy cần chú ý hai cuốn sách còn lại.

Về sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục. Các tác giả lược thuật rằng: vị thiền sư này người Hải Thanh, họ Dương, pháp hiệu là Minh Không, làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề đi tu, đắc đạo, có pháp thuật, có thể bay trên không, đi trên mặt nước, bắt long hổ phải quy phục, vv… Đời Lý Thái Tông, năm Minh Đạo thứ nhất (1041), giúp nhà vua đánh được Chiêm Thành. Năm Bính Thìn (1136), đời Lý Nhân Tông, nhà vua bị bệnh hổ hoá. Lương y khắp nước chữa không khỏi. Sau cho sứ giả đến chùa nhà sư về cúng. Cuối cùng nhà sư chữa khỏi bệnh cho nhà vua. Nhà vua sắc phong Đại Pháp, kiêm Quốc sư, ban ruộng ban hàng vạn khoảnh. Sự tích ngày 3 tháng 6 năm Kỷ hợi. Chính vị thiền sư này được Lý Anh Tông (1138 - 1175) cho lập đền thờ ở Thăng Long, gọi là đền Lý Quốc Sư.

Về sách Thánh tổ thực lục diễn ca, các tác giả bài báo lược thuật rằng: “Sách này nói Không Lộ họ Nguyễn, người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tiểu sử có nhiều chỗ hoang đường, chúng tôi lược bớt. Phần lớn giống như Vũ Quỳnh kể trong Lĩnh Nam trích quái, kể cả chuyện đi sang Trung Quốc được vua Trung Quốc cho đồng, bỏ tất cả mấy kho đồng vào một cái túi nhỏ, thả nón xuống sông làm thuyền đi về Nam Hải. Cũng vì vậy, Minh Không còn được coi là ông tổ nghề đúc ở nước ta, thờ ở đình Ngũ Xá và chùa tổ ông ở phố Lò Đúc”.

Như thế, về tên, họ, quê quán và sự tích Không Lộ qua hai quyển sách trên có nhiều điểm sai khác rất cơ bản.

Tháng 6- 1975, Sở Văn hoá và Thông tin Thái Bình xuất bản cuốn Chùa Keo của Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng. Trong phần Truyền thuyết về thiền sư Không Lộ, hai tác giả bài báo lược thuật rằng trên và thêm một vài tư liệu khác. Nhưng hai tác giả đã dựa vào nội dung sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục, rồi đem so sánh với nội dung bài văn bia ở chùa La Vân thuộc xã Quỳnh Vân, huyện Quỳnh Phụ. Kết quả, các tác giả cũng thấy những điểm khác nhau cơ bản như trường hợp bài báo đã nêu ở trên.

Cuối cùng, các tác giả cuốn Chùa Keo cũng phải thừa nhận: “Chuyện về vị Quốc sư triều Lý có chỗ đúng sai khó bề khảo đính”.

Tạp chí Văn học số 6 năm 1974 có bài Hình bóng người anh hùng sáng tạo văn hoá trong truyền thuyết dân gian Không Lộ. Với cách nhìn của người nghiên cứu văn hoá dân gian, tác giả bài báo cho rằng: “có Không Lộ của sử sách, có Không Lộ của dân gian. Không Lộ là cái tên đã từng được dùng để trỏ vào hai nhà sư có thật trong lịch sử” là Dương Không Lộ và Nguyễn Nguyễn Minh Không. Nhưng tác giả bài báo lại cho rằng: “Sẽ ít có triển vọng, nếu xem xét cô lập từng mặt riêng rẽ của hiện tượng Không Lộ, chẳng hạn chỉ coi đây là sự tích một nhà tu hành hoặc một vị “tổ sư” nghề đúc đồng, một danh y hoặc một vị thánh của Đạo giáo và đạo Phật”.

Quả đây là vấn đề rất phức tạp. Gần đây, khi về Đinh Am làng Lại Trì, nay thuộc xã Vũ Tây, huyện Kiến xương, nơi thờ Không Lộ và Thánh mẫu (tức mẹ Không Lộ), chúng tôi được cụ Trần Văn Thuyết, 74 tuổi (thủ từ), kể cho nghe về một vụ án như sau:

Năm Duy Tân thứ hai (1908), dân làng Lại Trì khắc một đôi câu đối bằng gỗ cúng vào đình với hai vế là:

Dương gia tập phúc thiên sinh thánh;
Lý thế tôn thiền quốc hữu sư.

Khi đôi câu đối này treo lên thì nổ ra một cuộc tranh cãi nhau về tên họ của vị thánh thờ ở đây. Cụ cử nhân Vũ Công Quán cho rằng đức thánh họ Dương là đúng. Ngược lại, cụ kép Trần Văn Uớc lại cho rằng đức thánh không phải họ Dương mà là họ Nguyễn. Dư luận của sở tại lúc đó cho rằng cụ Kép Ước thắng cuộc là vì cụ là vì cụ có cậu con trai cả là Trần Văn Vỡi làm thông phán ở Thái Bình đã chạy kiện cho bố. Tuy vậy, dân làng Lại Trì vẫn phải chiểu theo lệnh của toà án cho khoét chữ “Dương” trên câu đối,ghi chép miếng gỗ khác và khắc chữ “Nguyễn” điền vào đó. Hiện nay đôi câu đối trên vẫn còn dấu vết ô vuông chỗ gỗ ghép.

Cũng ở địa bàn xã Vũ Tây, chúng tôi đã sưu tầm được một quyển sách chữ Hán chép tay, giấy bản khổ 21x12cm, gồm 28 tờ, được chép chữ trong 48 trang, trung bình mỗi trang 170 chữ.

Nội dung sách gồm hai phần:

Phần thứ nhất, tên sách đề chính giữa bốn chữ to: “Quốc sư bảo lục”. Phía trên phải đề “Hoàng triều Bảo Đại tam niên, Mậu thìn, mạnh thu, phụng sao”. Phía trái đề: “Lại Trì xã phụng tự”.

1. Lý triều quốc sư tích lục, gồm 10 trang. Lạc khoản có ghi “Bính thìn khoa đồng tiến sĩ, Tuần phủ trí sỹ thiện Đình Đặng Hy Long tiên sinh khảo lục”. Phía dưới bên trái viết bốn chữ nhỏ: “Quán Hành thiện xã”.

2. Phụ lục Minh Không thiền sư sự tích, gồm sáu trang.

3. Thiện Đình tuần phủ Đặng tiên sinh khảo bạt, gồm sáu trang.

Phần thứ hai của cuốn sách cũng gồm ba bài:

1. Quốc sư sự tích ký ngữ lục, gồm 17 trang.

2. Đạo Hạnh biệt truyện, gồm 5 trang.

3. Từ điển khảo đính, gồm 4 trang

Nhìn vào bố cục cuốn sách, chúng ta thấy phần đầu gồm 22 trang, là sách của Đặng Xuân Bảng, hiệu Hy Long, được một nhà nho người làng Đại Trì sao chép lại năm 1928. Phần thứ hai gồm 26 trang, là phần do người sao chép ấy biên soạn, gồm sự tích của các vị thánh thờ ở Đình Am, sự tích của Từ Đạo Hạnh và một bài khảo đính.

Phần sách của Đặng Xuân Bảng đã phân biệt rõ sự tích hai vị cao tăng triều Lý, đại lược như sau:

1. Dương Không Lộ, huý Minh Nghiêm, người làng Giao Thuỷ, huyện Hải Thanh, đạo hiệu Không Lộ, làm nghể đánh cá; mẹ họ Nguyễn, người làng Hán Lý, Hải Dương. Dương Không Lộ sinh ngày 14-9 năm Bính thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất bảy đời Lý Thái Tổ (1016). Sự tích ngày 6-3 năm Giáp tuất, niên hiệu Hội Phong thứ ba, đời Lý Nhân Tông (1094), thọ 79 tuổi. Năm 42 tuổi, theo học Thảo Đường thiền sư. Năm 44 tuổi, tu ở chùa Hà Trạch. Bạn cùng sư Giác Hải, sau về tu ở chùa Diên Phúc. Năm 46 tuổi, dựng chùa Nghiêm Quang. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất, đời Lý Thánh Tông (1066), Không Lộ cùng Giác Hải trừ được hai con tắc kè kêu ở điện Liên Mộng. Không Lộ được vua thưởng 1000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và phong làm Quốc sư. Giác Hải được phong quốc tính.

2. Nguyễn Minh Không huý Chí Thành, đạo hiệu Minh không, quê làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, phủ Trường An, sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên tự thứ nhất, đời Lý Thánh Tông (1066). Minh không tu ở chùa Quốc Thanh, theo học Từ Đạo Hạnh 40 năm. Sau lại tu ở chùa Diên Phúc. Sư tịch ngày 1-8 năm Đại Định thứ hai, đời Lý Anh Tông (1141), thọ 76 tuổi.

Năm Bính thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ tư, đời Lý Thần Tông (1136). Minh Không chữa khỏi bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông, được phong quốc sư.

Nội dung bài bạt của Đặng Xuân Bảng trình bày như sau:

“Chùa làng ta phụng sự đức Không Lộ. Khi còn thiếu thời, tôi thường hỏi về sự tích đức thánh, các bậc cố lão nói rằng: Dương Không Lộ biệt là Minh Không. Tôi lấy làm ngờ, nhân đến chùa xem Thiền lục thì thấy có hai tập, một là Tiền lục nói rằng: đức Không Lộ họ Dương huý Minh Nghiêm, quán huyện Hải Thanh; một tập là Hậu lục nói rằng:đức Không Lộ họ Nguyễn huý Chí Thành, quán làng Đam Xá, biệt hiệu Minh Không. Tôi càng ngờ, khi xem sách Trích quái của ông Vũ Quỳng, tôi thấy sự tích thánh tổ hợp với Tiền lục, nhưng lại ngờ rằng hoặc là Hậu lục đã có khảo cứu chăng, nên chưa dám tin là đúng.Sau tôi đi du ngoạn các nơi, thường hỏi thánh tích và đã được đọc vài chục bản. Cho nên tôi đã khảo cứu từ Lĩnh Nam chích quái đến Quốc Sử Biên niên thì Không Lộ họ Dương, Minh Không họ Nguyễn. Họ giống nhau. Không Lộ huý Minh Nghiêm, Minh Không húy Chí Thành. Tên không giống nhau. Không Lộ quán ở Hải Thanh, Minh Không quán ở Đàm xá. Quán chỉ cũng khác. Không Lộ sinh năm Bính thìn, niên hiệu Thuận thiên thứ bảy (1016) đời Lý Thái Tổ, Minh Không sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066) đời Lý Thánh Tông. Không Lộ tịch năm Giáp tuất, niên hiệu Hội Phong thứ ba (1094) đời Lý Nhân Tông; Minh Không tịch năm Tân dậu, niên hiệu Đại Định thứ hai (1141) đời Lý Anh Tông. Khi sinh cách nhau 52 năm, khi tịch cách nhau 48 năm. Ngày sinh, ngày tịch cũng không giống nhau. Như thế thì Tiền lục là đúng mà Hậu lục là sai. Các bậc cố lão làng ta mới chỉ xem sách hậu lục mà chưa khảo sách Tiền Lục. Có lẽ điều mà sách Hậu lục nhầm lẫn chùa Diên Phúc nguyên là nơi Không Lộ tu hành mà cũng là nơi Minh Không về sau tu ở đấy. Thời gian tu hành của hai sư trước sau khác nhau, nhưng pháp thuật, đều linh hiển ở đời, cho nên sách Hậu lục chép nhầm cũng tại cớ đó.

Sở dĩ triều Lý sùng Phật giáo là do vua Lý Thái Tổ phong cho sư Vạn Hạnh làm Quốc sư, cho nên thời đó các vị cao tăng xuất hiện nhiều, vào các đời Thái Tông, Nhân Tông, Thần Tông, có Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Khô Đầu, Tam muội đều có pháp thuật linh ứng, mà Không Lộ thì pháp thuật hơn cao cả. Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng đời nhà Minh chép về hơn 20 vị cao tăng nước ta, cũng lấy Không Lộ đứng đầu, còn các vị khác thì pháp thuật cũng có sự cao thấp khác nhau.

Chùa ta thờ đức Không Lộ tới 700 năm nay rồi. Làng ta cứ đời đời thờ phụng mà truyền lại những điều quái đản như thế của sách nhà chùa. ở nơi có hàng trăm, hàng nghìn năm văn hiến, sao lại còn giữ mãi cái thuyết sai khác đến như vậy!

Còn nói đến An Nam tứ khí như tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, xét trong sử làm vào năm thứ ba niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình (1056) đời Lý Thánh Tông. Xây chùa Sùng Khánh, dựng tháp quý Đại Thắng Tư Thiên vào đời Lý Nhân Tông, trung tu, đúc chuông lớn đặt trong chùa, chuông đánh không kêu, đem bỏ ra ruộng, ruộng sinh sản nhiều rùa, nên gọi là chuông Quy Điền. Tháp Đại Thắng Tư Thiên tức tháp Báo Thiên, nay thuộc phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương. Chuông Quy Điền nay thuộc thôn Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận(đều thuộc Hà Nội).

Tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh do Minh Không đúc. Còn tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền là những vật triều Lý đã được ghi rõ ràng trong quốc sử, Chuông Phả Lại do Không Lộ đúc. Chùa thời Không Lộ, mà Minh Không phụng sự, đều bị lầm lẫn vậy. Không Lộ cùng với Giác Hải, Đạo Hạnh hoặc là bạn của nhau, hay không phải bạn, nhưng đều là người đồng thời. Ba người pháp thuật cao thấp khác nhau là bạn cùng thời với nhau chăng, thực khó mà quyết đoán được. Đến như các việc trừ tắc kè, chữa bệnh háo hổ đều là những điều quái đản, nhưng đó là pháp thuật của đạo Tiên hay đạo Thích cũng chưa hẳn hoàn toàn không có, người tin truyền đi, điều tin, người nghi truyền đi đều nghi, sự việc còn đấy, chưa bàn hết được”.

Một vấn đề nữa là: Sách Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng đã được biên soạn vào thời gian nào?

Tìm đọc sách Thánh tổ hành thực diễn âm ca của Đặng Xuân Bảng, kí hiệu VHv. 2380 trong kho sách Hán Nôm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý hiện nay, chúng ta thấy sách ghi rõ: viết vào tháng 10 năm Mậu tuất, niên hiệu Thành Thái, tức tháng 11- 1898. Sách này được viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, có chú thích tỉ mỉ bằng chữ Hán. Nội dung sách hoàn toàn giống sự tích Dương Không Lộ đã được thuật ở trên. Do đó, chúng ta có thể biết được rằng các tác giả đã biên soạn sách Quốc sư bảo lục muộn nhất vào tháng 11 năm 1898, nghĩa là thời gian trước khi diễn âm sách thánh tổ hành thực diễn âm ca.

Phần thứ hai của quyển sách mới sưu tầm do một nhà nho giấu tên nguời làng Lại Trì viết, đã sao chép lại sự tích Không Lộ thờ ở Đinh Am và sự tích Từ Đạo Hạnh, rồi phát biểu ý kiến của mình trong bài Từ điển khảo đính ở cuối quyển sách. Nội dung ý kiến của tác giả chủ yếu là nhất trí với sự khảo cứu của Đặng Xuân Bảng trong bài bạt đã trình bày ở trên. Căn cư vào nội dung và điểm ra đời, quyển sách mới sưu tầm nói trên đã giúp chúng ta thêm một bằng chứng mới để góp phần làm sáng tỏ vấn đề sự tích Không Lộ và Minh Không bị lầm lẫn lâu nay.

TB

NHỮNG TẤM BIA VÀ ĐÔI ĐIỀU VỀ HỌ NGUYỄN HỌ DƯƠNG TRÊN ĐẤT NHỊ KHÊ

NGỌC NHUẬN
PHẠM BẰNG

Vào một ngày thu năm nay, nhân chuyến đi về quê nội Nguyễn Trãi ở vùng Nhị Khê, chúng tôi tới thăm khu nhà bia bãi Sến dựng trên nền văn chỉ cũ của xã, nằm bên dòng sông Tô. Nơi đây hiện còn giữ lại bốn tấm bia, dựng vào những niên đại khác nhau:

1. Lịch đại khoa danh bi kỷ, tạo năm Chính Hoà thứ mười một (1690).

2. Trùng tu bi ký, tạo năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793)(1).

3. Lịch khoa bi ký,, tạo năm Minh Mệnh thứ hai mươi mốt (1840), trùng tu năm Tự Đức thứ hai mươi hai (1869)(2).

4. Lịch khoa bi ký, tạo năm Thành Thái thứ năm (1893)(3).

Trong những tấm bia kể trên, chúng tôi đặc biệt chú ý tới tấm bia Lịch đại khoa danh bi ký, không chỉ vì niên đại cổ ghi trên mặt bia, mà còn vì những tên tuổi nổi tiếng được khắc từ những dòng đầu tiên ở mặt trước như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, và con cháu của hai người: Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Quang Bí…

Trong kho thác bản văn bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tấm bia Lịch đại khoa danh bi ký mang số hiệu 2684 - 2685. Những nhà làm thư mục văn bia đã tóm tắt nội dung bia này như sau: Bia ghi tên, chức tước những người đỗ đạt qua các khoa thi đời Trần, Lê của từng vùng Nhị Khê như: “Nguyễn Phi Khanh, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ, đệ nhị danh, năm 19 tuổi; ông đã từng giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư thị lang. Nguyễn Trãi, đỗ tiến sỹ đệ nhị khanh khoa Canh Thìn(1400). ông có công bình Ngô dựng nước, làm quan đến Lại bộ thượng thưm chưởng lục bộ…Đời Trần có Hoàng giáp Ngô Hoàng. Mặt sau tấm bia ghi tên và số tiền, số ruộng của những người trong hội Tư văn góp để dựng bia, lập văn chỉ xã”(4).

Thử xem những ai là người dựng bia, lập văn chỉ xã, chúng tôi thấy khắc tên những vị sau: Tham nghị xứ Hưng Hoá Nguyễn Tố Phác, Giám sát ngự sử đạo Kinh Bắc Dương Công Độ, Tri phủ Đoan Hùng Nguyễn Đình Luân.

Về Dương Công Độ, tấm bia ghi thêm ông là người bỏ tiền ra mua một sào đất thờ, và ông cũng chính là người soạn bài văn bia trên.

Theo cuốn Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, ông người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa Quý hợi, năm Chính Hoà thứ tư (1683), năm ấy ông 41 tuổi, sau đó làm đến chức Quyền tham chính(5).

Trên đất Nhị Khê, hai họ Nguyễn và Dương là những dòng họ khá lâu đời. Về họ Nguyễn thì trong làng hiện lưu truyền rất nhiều câu chuyện kể về ông nội của Nguyễn Trãi thủa hàn vi(6). Còn trước thời Dương Công Độ (1640 -?), họ Dương đã nhiều đời sinh cơ lập nghiệp tại nơi đây(7). Đứng khá lâu trên nền văn chỉ, giữa hai nhà bia rêu phong, mọi người nghĩ tới những mối quan hệ giữa hai dòng họ Dương và họ Nguyễn vùng đất Nhị Khê này.

Chúng tôi đã trở vào trong xóm Hạ theo dấu chân những người đã từng nghiên cứu về Nguyễn Trãi, tới thăm ông Dương Công Su, cháu chắt Dương Bá Cung, để tìm thêm tài liệu về dòng họ này. Chủ nhà đã chỉ cho mọi người xem tấm bia đá nằm giữa vườn cây bụi rậm um tùm, đó chính là tấm bia tạo năm Chính Hoà thứ mười bảy (1696), đầu đề là Khoa mục lưu truyền bi. Từ nội dung tấm bia, người ta biết thêm về Dương Công Độ như sau: Cha của ông lấy người con gái họ nhà hào tộc họ Nguyễn, hệ Thái tể Diễn Quốc công, cháu ngoại Trịnh Quận Công, còn ông sinh ngày 20 tháng 8 năm Canh Thìn (1640), là con út trong gia đình, tên lúc nhỏ là Chỉ Tín, sau đổi là Công Độ; đến tuổi trưởng thành, ông lấy con gái nhà họ Nguyễn nổi tiếng tên là Định cùng thôn. Trên tấm bia còn ghi rõ bà vợ ông là người thuộc dòng dõi Thượng thư Tế văn hầu Nguyễn Trãi, và bà cũng là cháu xa của Trịnh Quận công(8).

Theo chúng tôi, tấm bia trong khu vườn nhà thờ họ Dương là một di vật quý, từ những hàng chữ ghi trên tấm bia, người nghiên cứu có thể hiểu thêm mối quan hệ thân thiết giữa hai dòng họ danh tiếng trên đất Nhị Khê. Dương Công Độ là rể của dòng họ Nguyễn Trãi, và sau này Dương Bá Cung, cháu năm đời của Dương Công Độ(9), lại tiếp bước người xưa, nối thêm tình quyến thuộc giữa hai dòng họ. Để có thêm những cứ liệu về vấn đề này, chúng tôi lại đến những gia đình còn giữ những di vật có liên quan tới cả dòng họ. Khi vào nhà anh Nguyễn Trọng Tích để đọc tấm bia do chính tay Dương Bá Cung thảo, thì gia đình cho hay tấm bia đã được trả lại nhà chùa. Chúng tôi quay lại chùa Nhị Khê, xin sư thầy cho đọc, cố gắng tìm thêm đôi điều thông tin mới mẻ nữa, nhưng thật đáng buồn, tấm bia cần xem đã không cánh mà bay, chẳng còn lại chút dấu tích.

May sao, bác Trần Lê Văn đã đề ghi lại được một phần nội dung của tấm bia gửi giỗ, đoạn ghi lại như sau: “Ông họ Nguyễn, tên là Chúc, cháu của Khai Quốc công thần đời Lê, mất ngày 9 tháng 6, thọ 38 tuổi. Con gái ông là Thị Bàng, vợ trước của cung”. Dòng cuối bia đề “Minh Mệnh năm thứ hai mươi (1839), tháng 3, ngày lành, chàng rể là Dương Bá Cung, Hàn lâm biên tu, Giáo thụ phủ Tiên Hưng soạn”. Như vậy Dương Bá Cung cũng là chàng rể của dòng họ Nguyễn Trãi, vợ trước của ông là bà Nguyễn Thị Bàng mất sớm. Nguyễn Thị Bàng là con ông Nguyễn Chúc, cháu chắt Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Chúc không có con trai, cho nên sau khi chết, gửi thờ hậu và gửi giỗ ở chùa.

Bia gửi giỗ, bia hậu thần, hậu phật trước nay thường ít được chú ý tới. Nhưng ở đây, trong khi đi sâu vào tìm hiểu về những vấn đề đang quan tâm, chúng tôi đã gặp rất nhiều điều lí thú và nhiều chi tiết quan trọng trên những tấm bia giản dị đó.

Như chúng ta đều biết, Dương Bá Cung là người đã để hàng chục năm trời bôn ba “từ Bắc vào Nam” để sưu tập lại thơ của Nguyễn Trãi, mà thành quả quan trọng nhất là bộ ức Trai thi tập nổi tiếng của ông. Giới nghiên cứu có thể từ nhiều mặt, xác nhận mức độ tin cậy của các văn bản mà họ Dương công bố. Riêng những tấm bia ghi về họ Nguyễn, họ Dương, về quan hệ sui gia giữa hai dòng họ này của đất Nhị Khê, lại từ một khía cạnh khác cung cấp thêm những cơ sở để chúng ta đặt niềm tin cậy vào bộ sưu tập của Dương Bá Cung. Là rể của dòng họ Nguyễn Trãi, Dương Bá Cung chẳng những có đủ nhiệt tình, tâm huyết làm công việc sưu tầm này, ông cũng có những điều kiện thuận lợi hơn người khác để làm việc đó, nhất là điều kiện nắm các nguồn tư liệu về Nguyễn Trãi, mà hai họ Nguyễn, họ Dương còn giữ được.

CHÚ THÍCH

(1) Tấm bia này có thác bản mang số ký hiệu 2686 - 2687 trong kho văn bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Tấm bia này mặt trước ghi tên những người đỗ đạt như: Cử nhân Dương Bá Cung, Cử nhân Dương Xuân Bảng. Mặt sau ghi tên một số vị trong hội Tư văn của xã.

(3) Tấm bia này mặt trước, mặt sau ghi tên những người đỗ đạt ở xã như: Lương Văn Can, Lương Trúc Đàm, là những nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

(4) Thư mục văn bia, bản đánh máy, tập 3, tr. 139. Ban Hán Nôm, Hà Nội, 1974.

(5) Xem Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, ký hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm: A. 1387.

(6) (7) Xem thêm Trần Lê Văn: Mấy nét về Nhị Khê, Sáu trăm năm Nguyễn Trãi, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1980.

(8) Nguyên văn tấm bia khắc đoạn này như sau: “Gia quán thời kết phát, phu nhân huý Định, bản thôn Nguyễn lệnh gia nữ hệ Thượng thư Tế Văn hầu, Trịnh Quận công chi huyền tôn.

(9) Theo Dương tộc thế phả, ký hiệu A. 3009, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì Dương Bá Cung là cháu năm đời của Dương Công Độ. Dương Bá Cung, hiệu Cấn Đình, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, nay là huyện Thường Tín, Hà Sơn Bình.Thuở nhỏ tên là Dĩnh, sau mới đổi là Bá Cung, ông sinh ngày 12 tháng 9 năm ất Mão (1795), đỗ sinh đồ (Tú tài) khoa Kỷ Mão (1819) đời Gia Long. Khoa Tân Tỵ (1821) đời Minh Mạng, đỗ Cử nhân. Ông từng giữ các chức Học chính tỉnh Hưng Yên, Đốc học tỉnh Biên Hoà. Ngày 7 tháng giêng năm Mậu Thìn (1868), ông mất, thọ 74 tuổi.

TB

VÀI NÉT VỀ CÔNG TÁC SƯU TẦM BẢO QUẢN TÀI LIỆU CỔ QUÝ TẠI LIÊN XÔ

TRẦN KHANG

Sau cách mạng Tháng Mười Nga, công tác sưu tầm, bảo quản thư tịch, tài liệu cổ quý được tiến hành một cách có tổ chức, rộng khắp ở Liên Xô, và đã thu được những kết quả cơ bản. Ngày nay, công tác này vẫn tiếp tục được coi trọng. Với tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên không ngừng, với kinh nghiệm của hàng trục năm trước, công tác này được tiến hành ngày càng có hiệu quả hơn.

Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước đã đưa đến sự phân bố lại lao động trong phạm vi cả nước, do đó đã kéo theo một cuộc “di cư” các tài liệu cổ quý. Tình hình này đặt ra yêu cầu bức bách và lâu dài đẩy mạnh công tác sưu tầm, giảm xuống tới mức thấp nhất sự phân tán, hao hớt tài liệu và hạn chế những khó khăn, tốn kém của công tác sưu tầm do cuộc “di cư” tài liệu cổ quý này mang lại.

Sau một thời gian rộ lên, công tác sưu tầm ở Liên Xô ngày càng đi vào chiều sâu. Chính trong thời kì mà kết quả sưu tầm có vẻ ít về số lượng này, những thư tịch, tài liệu sưu tầm được thường là những thư tịch, tài liệu quý hiếm, không ít trường hợp là thư tịch, tài liệu thuộc loại đặc biệt quý hiếm.

Các đồng chí Liên Xô còn đặc biệt quan tâm tới công tác bảo quản tài liệu cổ quý. Theo các đồng chí này, thư tịch tài liệu cổ quý đã có đời sống lâu dài hàng trăm năm, trong đó có nhiều thư tịch, tài liệu mà thời gian đã truyền lưu của nó còn lâu hơn nữa, vật liệu làm ra chúng đều đã thái hoá. Cho nên, công tác bảo quản tài liệu cổ quý không chỉ dừng lại ở chỗ làm giảm tốc độ thoái hoá đó, mà quan trọng hơn là phải tăng thêm tuổi thọ của chúng. Bởi vậy, đi đôi với việc trang bị kỹ thuật bảo quản hiện đại để hãm tốc độ tự hoại của tài liệu, các bạn đồng nghiệp Liên Xô đặc biệt coi trọng công tác tu bổ, phục chế tài liệuCông tác sưu tầm, bảo quản (tại 13 cơ sở mà chúng tôi có dịp khảo sát, trao đổi kinh nghiệm) được tổ chức một cách khoa học, công việc diễn ra một cách đồng bộ, hài hoà.

Công tác sưu tầm, bảo quản được chi một khoản kinh phí lớn, có đủ trang thiết bị cần thiết, màng lưới cán bộ rộng và có trình độ chuyên môn cao (chỉ riêng phòng lưu trữ thủ bản thuộc Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên Lê - nin tại Mát-xcơ-va đã có 175 cán bộ, trong đó không ít người là giáo sư, tiến sỹ văn bản học). Các Phòng trưng bày, Kho lưu trữ tài liệu cổ quý được bố trí nơi cao ráo, có các trang thiết bị kỹ thuật bảo quản cần thiết: trang bị thông gió nhân tạo kết hợp với hệ thống thông gió tự nhiên, trang bị che ánh nắng mặt trời và tia tử ngoại, máy điều hoà nhiệt độ, máy đo quang lực nhiệt kế, ẩm tốc kế, vv…Việc kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng trong kho được tiến hành theo một chế độ nghiêm ngặt. Đặc biệt, công tác tu bổ, phục chế có cơ sở khá hiện đại, nhà xưởng khang trang, dụng cụ, máy móc đồng bộ, nguyên vật liệu chuyên dùng phong phú, số cán bộ công nhân biên chế khá lớn, có trình độ chuyên môn và tay nghề cao (Phòng phục chế thuộc Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên Lê - Nin tại Mát xcơ-va có 50 người, mỗi năm phục chế trên 250000 trang; Phòng phục chế thuộc Thư viện viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô tại Lê-nin-grát có 24 người, được trang bị máy phục chế khoảng 500.000 trang).

Công tác sưu tầm, do khối lượng công việc dần dần ít đi, nên có nơi được giao cho phòng trưng bày hoặc phòng lưu trữ kiêm nhiệm, còn công tác trưng bày, lưu trữ, phục chế đều được tổ chức thành những khâu nghiệp vụ chuyên môn riêng biệt, độc lập với nhau bằng cơ cấu hành chính gọi là Phòng. Cán bộ cũng được sử dụng chuyên môn hoá trong mỗi khâu nghiệp vụ mà mỗi công đoạn công nghệ. Chẳng hạn, các chuyên gia có trình độ giáo sư, tiến sĩ văn bản học tại Phòng lưu trữ, mỗi người chỉ chuyên nghiên cứu một loại văn bản; các chuyên gia, kỹ sư sinh hoá, có người chuyên nghiên cứu phòng chống nấm mốc làm hư hỏng tài liệu; công nhân phục chế người thì chuyên phục chế tài liệu bằng giấy, người thì chuyên phục chế tài liệu bằng da, người thì chuyên phục chế tài liệu bằng lá, tre, gỗ.vv…

Trong công tác quản lý nghiệp vụ, các bạn đồng nghiệp Liên Xô có xu hướng quy chế hoá các khâu nghiệp vụ trên cơ sở các quy chế nghiêm ngặt. Bao trùm các quy chế này là sự quy định rạc ròi về trách nhiệm pháp lý của từng tập thể nghiệp vụ và từng cá nhân, nhất là của người đứng đầu mỗi khâu nghiệp vụ, mỗi công đoạn công nghệ, trong việc quản lý nguyên bản từ khâu sưu tầm đến các khâu trưng bày, lưu trữ, tu bổ, phục chế và sử dụng nghiên cứu…

Từ thực tế công tác sưu tầm, bảo quản tài liệu cổ quý tại Liên Xô trên đây, chắc chắn có thể rút ra được nhiều điều bổ ích đối với việc sưu tầm, bảo quản thư tịch và tài liệu Hán Nôm của chúng ta trong giai đoạn trước mắt.

TB

PHÒNG KỸ THUẬT
VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

TRƯƠNG LỆ NGA

Một trong những biện pháp quan trọng để bảo tồn kho sách Hán Nôm - di sản vô giá của dân tộc - là phải tiến hành sao chụp những nguyên bản thành nhiều bản, nhằm phục vụ các đối tượng nghiên cứu, tránh đến mức tối đa sự xúc tiếp với nguyên bản, để kéo dài sự tồn tại của những cuốn sách vốn đã có tuổi thọ khá cao, có khi tới hàng vài thế kỷ.

Phòng kỹ thuật (in chụp) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã được ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết đó. Phòng đã được tổ chức UNESSCO viện trợ một cái máy in chụp Canon NP200 và một lượng giấy tốt đủ để in chụp hàng ngàn cuốn sách. Mặt khác, nhằm mở rộng khả năng hoạt động của Phòng Viện đã cố gằng trang bị thêm cho Phòng một máy sao chụp Pylrit KS2. Viện lại cử các cán bộ có năng lực và tinh thần trách nhiệm phụ trách công tác in chụp này. Hơn hai năm qua, Phòng kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã từng bước thực hiện những chức năng, nhiệm vụ lâu dài của mình là:

1. Sao chụp toàn bộ số sách, tài liệu Hán Nôm trong kho sách Hán Nôm, đưa ra để phục vụ bạn đọc, tiến tới đưa các bản gốc về bảo tàng vĩnh cửu.

2. Sao chụp các sách Hán Nôm của các cơ quan bạn hoặc của nhân dân để làm giàu thêm số đầu sách và tài liệu nghiên cứu của ngành Hán Nôm.

Trong điều kiện có khó khăn về vật tư, kỹ thuật, Phòng đã tự tạo ra cho mình nhiều khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao phó: có thể sao chụp chính xác trên tất cả các loại giấy các loại tài liệu có khổ rộng từ A3 (31x42cm) đến B5 (15x21cm), kể cả sách lẫn bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh (rõ nét trắng đen). Đặc biệt là đã thí nghiệm thành công và tiến hành in chụp hàng loạt sách Hán Nôm trên giấy dó, mở ra một triển vọng, một khả năng to lớn cho việc tái tạo, phục chế những nguyên bản Hán Nôm đang có nguy cơ hỏng nát bởi thời gian.

Hiện nay, Phòng kỹ thuật đang học tập những kinh nghiệm tiên tiến của các nước có truyền thống về mặt này, cùng với các đơn vị khác nhau của Viện làm tốt công tác sưu tầm, bảo quản kho di sản văn hóa thành văn của dân tộc.

TB

HỘI NGHỊ SƯU TẦM BẢO VỆ THƯ TỊCH VÀ TƯ LIỆU HÁN NÔM

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức Hội nghị sưu tầm, bảo vệ thư tịch và tư liệu Hán Nôm. Hơn 100 đại biểu gồm các giáo sư, tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm, những người làm công tác lưu trữ, bảo tàng, thư viện… thuộc các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các cơ sở văn hóa Trung ương và địa phương đã về dự, Giáo sư Vũ Khiêu, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, đọc lời khai mạc, chào mừng các đại biểu không quản xa xôi, về dự Hội nghị để biểu thị mối quan tâm sâu sắc đối với kho di sản Hán Nôm của dân tộc. 56 bản tham luận được gửi tới hội nghị đề cập đến các vấn đề: Tình hình thư tịch Hán Nôm và kết quả sưu tầm trong những năm vừa qua; Phương hướng và kinh nghiệm sưu tầm; những kiến nghị về chế độ, chính sách, tổ chức, kế hoạch đối với các công tác sưu tầm và tập trung bảo quản các tư liệu Hán Nôm.

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm phải gánh vác “trước tổ tiên cha ông và muôn đời con cháu sau này”, Hội nghị đã nêu lên nhiều biện pháp và kiến nghị, nhằm mau chóng phát hiện, thu thập cho hết, tiến tới tập trung vào một mối nguồn tư liệu Hán Nôm hiện còn phân tán trong nhân dân, trong một số đoàn thể, cơ quan Nhà nước và ở nước ngoài. Hi vọng rằng Hội nghị này sẽ đánh dấu một bước chuyển biến mới trong công tác sưu tầm, tập trung, bảo quản thư tịch và tư liệu Hán Nôm trong cả nước.