Thứ sáu, 29/03/2024

Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Hà Nội - Tel: 844. 38573194 - Fax: 844 38570940 - Email: vienhannom@gmail.com Tìm kiếm
Tạp chí Hán Nôm
Nghiên cứu Hán Nôm
Di sản Hán Nôm
Văn khắc
Bia Văn miếu Bắc Ninh
Bia Văn miếu Hà Nội
Bia Văn miếu Huế
Bia Văn miếu Hưng Yên
Bảng tra
Bảng tra triều vua Việt Nam
Bảng tra triều vua Việt Nam

  Văn khắc
 
Bia Văn miếu Bắc Ninh Bia Văn miếu Hà Nội
Bia Văn miếu Huế Bia Văn miếu Hưng Yên
Bảng tra




LỜI GIỚI THIỆU

Trải hàng ngàn năm lịch sử, người Việt Nam đã sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác trước thuật, để ghi chép các công văn, tài liệu và khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, v.v.. và cùng nhiều loại tư liệu thành văn khác, ngày nay chúng ta gọi chung là di sản Hán Nôm.

Văn khắc là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa thành văn nói chung và di sản Hán Nôm nói riêng, là hiện tượng văn hoá được nảy sinh từ đời sống xã hội, là nét đặc thù và là một trong những hình thức thông tin thời kỳ cổ đại và trung cổ. Văn khắc xuất hiện từ khá sớm, truyền thống sáng tạo văn khắc ở các nước sử dụng chữ tượng hình (chữ khối vuông) bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

Ở Việt Nam, văn bản văn khắc Hán Nôm có niên đại sớm nhất hiện nay tìm thấy, là tấm bia Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn , nguyên ở làng Trường Xuân xã Đông Minh huyện Đông Sơn (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá), trên có ghi rõ niên đại dựng bia là ngày 8 tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức ngày 7 tháng 5 năm 618 dương lịch). Các thời kỳ tiếp sau có bài minh trên chuông xã Thanh Mai là Thanh Mai xã chung minh , khắc năm 789 và các cột đá khắc kinh Phật đỉnh tôn thắng gia cú linh nghiệm đà la ni ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), khắc thời Đinh (968-979).

Các thế kỷ sau, văn khắc Hán Nôm ngày càng được phát triển, đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung. Từ thời nhà Lý (1010-1225), bắt đầu một thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam phát triển cường thịnh, chúng ta đã tìm thấy 27 văn khắc (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập 1 (từ Bắc thuộc đến thời Lý), Pari, 1999). Thời Trần (1225-1400), chúng ta đã tìm thấy 44 văn khắc (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập 2, Đài Loan, 2002 ). Thời Lê sơ (1428-1527), chúng ta tìm thấy 70 văn khắc (theo điều tra của Nhóm công trình Văn khắc Hán Nôm Việt Nam). Thời Mạc (1527-1533), các năm sau đó bị coi là nguỵ triều và đến 1677 thì mất hẳn), chúng ta tìm thấy 165 văn khắc (Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb.KHXH. Hà Nội, 1996) và nhiều văn khắc sau này được phát hiện mà chúng tôi chưa có điều kiện thông kê. Thời Lê Trung hưng (1533-1788) khoảng vài ngàn văn khắc. Thời Tây Sơn (1788-1802) khoảng hơn 200 văn khắc. Và thời Nguyễn (1802-1945) cũng khoảng vài ngàn văn khắc.

Như vậy, chúng ta thấy một khối lượng văn khắc Hán Nôm mà người xưa để lại là khá lớn. Về số lượng phát triển của văn khắc qua các thời kỳ lịch sử rất đáng được quan tâm, nhưng điều quan trọng hơn mà giới khoa học giành nhiều công sức nghiên cứu là giá trị tiềm ẩn của loại văn bản này đối với việc nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Văn khắc Hán Nôm được dựng ở hầu hết các thôn, xóm, xã, phường và gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Văn khắc Hán Nôm thường được những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng một thời sáng tác với những nội dung phản ánh về con người, thiên nhiên, cuộc sống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hơn nữa, trên mỗi văn khắc đều có những hình thức trang trí nghệ thuật, đây có thể coi là những tư liệu quí khi tìm hiều về lịch sử điêu khắc và thư pháp qua các thời kỳ. Chính vì thế, việc nghiên cứu tư liệu văn khắc Hán Nôm Việt Nam đã được nhiều thế hệ nghiên cứu, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước quan tâm.

Từ thế kỷ thứ XV, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã chú ý đến các loại hình văn khắc: Ngô Sĩ Liên (thế kỉ XV) sưu tập 2 bài văn bia của Trương Hán Siêu (? - 1354) và Lê Quát (thế kỉ XIV) trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư đồ sộ. Lê Quý Đôn (1726 - 1781) đã sử dụng văn khắc vào bia, vào đỉnh như một nguồn tư liệu chính thức để viết bộ Đại Việt thông sử nổi tiếng. Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục Lê Quí Đôn đã nêu một danh mục gồm 17 bài minh, bài ký khắc trên bia đá chuông đồng thời Lý - Trần. Tiếp đó Bùi Huy Bích (1744 - 1818) đã công bố nhiều bài văn khắc trên bia chuông trong tác phẩm Hoàng Việt văn tuyển , bên cạnh những áng văn chương nổi tiếng khác. Lê Cao Lãng (? - ?) đã sao chép 82 bài văn bia ở Văn Miếu (Hà Nội) để biên soạn cuốn Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký ..

Tiếp nối truyền thống nghiên cứu của các bậc tiền bối, đến thế kỷ XX, văn khắc Hán Nôm được giới nghiên cứu khoa học quan tâm toàn diện hơn ở hai lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu khai thác.

Về công tác sưu tầm:

Văn khắc luôn gắn liền với một vật thể nhất định như bia đá, chuông đồng, biển gỗ v.v... nên việc sưu tầm đối với loại hình văn bản này được tiến hành thông qua biện pháp in rập thành thác bản để sử dụng cho công tác lưu trữ và nghiên cứu.

- Những năm đầu của thế kỷ XX, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (viết tắt là E.F.E.O) đã tổ chức một đợt sưu tập thác bản văn khác Hán Nôm ở hơn 40 tỉnh trong phạm vi cả nước đương thời. Sau nhiều năm triển khai, kết quả E.F.E.O đã thu thập được 11.651 đơn vị văn khắc với 20.980 mặt thác bản.

- Từ những năm cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI), Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và đang tổ chức tiến hành điều tra cơ bản và thu thập các văn khắc Hán Nôm hiện có ở các địa phương trong cả nước. Đến năm 2005, Viện đã hoàn thành cơ bản việc sưu tầm văn khắc Hán Nôm ở các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình; đang tiếp tục thực hiện ở một số địa phương như: Thanh Hoá, Nghệ An. Kết quả khối lượng tư liệu văn khắc Hán Nôm đã được thu thập khoảng hơn 30.000 mặt thác bản. Trong đó, bổ sung mới vào kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được nhiều đơn vị văn khắc Hán Nôm có giá trị mà lần sưu tầm trước đây chưa kịp thu thập, như hơn 30 văn khắc thời Lý - Trần, hơn 80 văn khắc khu vực phố Hiến (Hưng Yên), nhiều văn khắc Hán Nôm vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, v.v...

Về công tác nghiên cứu văn khắc:

Việc sử dụng các tài liệu văn khắc Hán Nôm để tìm hiểu lịch sử quá khứ đã được giới nghiên cứu ngày càng chú ý, triển khai bao gồm cả 3 lĩnh vực: biên mục, công bố giới thiệu và nghiên cứu khai thác .

- Trước hết phải kể đến các công trình thư mục: Từ những năm 70 - 75 của thế kỷ XX, Ban Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã biên soạn bộ Thư mục văn bia (tài liệu đánh máy)đầu tiên gồm 29 tập (trong đó Thư mục văn bia 21 tập, sách dẫn tên bia theo địa phương 2 tập, sách dẫn tên bia 4 tập, sách dẫn tên bia theo niên đại 1 tập, sách dẫn theo tác giả 1 tập), giới thiệu 11.651 tấm bia với 20.980 mặt thác bản thuộc kho bản dập văn khắc của E.F.E.O chuyển giao cho Thư viện Trung ương của Việt Nam vào năm 1958. Đến năm 1984 - 1986, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Việt Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành biên soạn bộ Thư mục bia giản lược (Hoàng Lê chủ biên, tài liệu đánh máy)gồm 30 tập cũng dựa theo kho bản dập văn khắc của E.F.E.O. đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sau đó, vào những năm 1988 - 1990 các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai một chương trình Văn khắc Hán Nôm với hai sản phẩm chính: một là Danh mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (tài liệu in nội bộ, 1991), hai là Văn khắc Hán Nôm Việt Nam(1) giới thiệu 1919 văn khắc dựa theo kho thác bản văn khắc đang lưu giữ tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm và những văn khắc do Nhóm chương trình sưu tập được.

- Các công trình giới thiệu văn khắc ngày càng nhiều và thu hút đông đảo giới nghiên cứu quan tâm, như: Thơ văn Lý Trần (2) (tập 1, tập 2 quyển thượng và tập 3), tác giả phần Khảo luận văn bản đã nhắc tới 41 bài văn khắc trên bia đá chuông đồng và tuyển chọn công bố 18 bài văn bia. Tuyển tập văn bia Hà Nội (3 phiên dịch 63 bài văn bia thời Lê, Nguyễn. Văn bia Xứ Lạng(4) đã dịch gần 40 bài văn bia. Văn bia thời Mạc (5) đã phiên dịch 147 bài văn bia của thời kỳ này. Văn bia Hà Tây(6) đã dịch hơn 40 bài văn bia. Văn khắc thời Lý(7) đã giới thiệu 27 văn bản từ thời Bắc thuộc đến hết thời Lý. Văn khắc thời Trần(8) đã giới thiệu 44 văn bản của thời kỳ này. Văn bia Quốc tử giám Hà Nội(9) dịch 82 văn bia Tiến sĩ Hà Nội. Văn miếu Quốc tử giám và 82 bia Tiến sĩ (10) khảo về Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội và dịch 82 bia Tiến sĩ. Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam(11) dịch 137 văn bia đề danh Tiến sĩ của 4 văn miếu lớn ở Việt Nam là: Văn miếu Quốc tử giám - Hà Nội, Văn miếu Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Văn miếu Bắc Ninh và Văn miếu Hưng Yên. Đặc biệt công trình Tổng tập thác bản văn khác Hán Nôm(12) (dự kiến gần 40 tập) sẽ công bố ảnh toàn bộ các thác bản văn khắc hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (đến năm 2007 đã công bố được 10 tập ứng với 10.000 đơn vị kí hiệu thác bản văn khắc).

- Các công trình đi sâu nghiên cứu nội dung văn khắc Hán Nôm cũng được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm ở nhiều hình thức khác nhau, như: Hoàng Xuân Hãn đã coi 6 bài văn bia là những tài liệu cơ bản (về số tài liệu trong nước) để giúp ông biên soạn thành công cuốn Lý Thường Kiệt (13). Trong cuốn Cơ sở văn bản học Hán Nôm(14) có một chương viết về văn bản bi ký Việt Nam. Nhiều năm gần đây có một số luận án Tiến sĩ và Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm đã đi sâu nghiên cứu khai thác giá trị của văn bia: về văn học, như: Văn bia Việt Nam và giá trị của nó khi nghiên cứu văn học Việt Nam thời trung đại (Trịnh Khắc Mạnh, luận án PTS, Mockba, 1990, tiếng Nga); về văn hoá, như Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã (Phạm Thị Vinh, luận án PTS, 1997), Văn bia khuyến học Việt Nam (Nguyễn Hữu Mùi, luận án TS, 2006); về tư liệu lịch sử, như Văn bia thời Mạc và đóng góp của nó trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỉ XVI (Đinh Khắc Thuân, luận án PTS, 1997), Nghiên cứu văn bia chợ (Đỗ Bích Tuyển, luận văn Th.S, 2003); về ngôn ngữ văn tự, như: Nghiên cứu văn bia chữ Nôm (Nguyễn Thị Hường, luận văn Th.S, 2005) hoặc như luận án PTS. Sử học của một học giả người Nga đã đi sâu khai thác giá trị sử liệu của văn bia Việt Nam, như Văn bia Việt Nam nguồn sử liệu thời kì trung và cận đại (Phêđôrin A.L, Mockba,1993, tiếng Nga).

Ngoài ra, trên các tạp chí như: Hán Nôm, Nghiên cứu Lịch sử, Khảo cổ học, Văn học, Văn hóa nghệ thuật, Việt Nam truyền thống (tiếng Nga); Thông báo Hán Nôm học hàng năm, v.v..; đã công bố nhiều bài văn khắc vừa mới phát hiện và đăng tải nhiều bài viết nghiên cứu về văn khắc Hán Nôm Việt Nam.

Chúng tôi nêu những thành quả về sưu tầm và nghiên cứu văn khắc Hán Nôm ở trên, là để thấy được những giá trị phong phú của loại hình tư liệu này. Ở nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau về khoa học xã hội và nhân văn, văn khắc Hán Nôm là nguồn tư liệu rất có giá trị để tìm hiểu quá khứ dân tộc thuộc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: tư tưởng chính trị xã hội, lịch sử, văn hóa, kinh tế, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ văn tự, v.v.. Chúng tôi tin chắc rằng sẽ còn rất nhiều các công trình khoa học giới thiệu và nghiên cứu khai thác tư liệu văn khắc Hán Nôm Việt Nam trong tương lai.

Kể từ khi bộ Thư mục văn bia đầu tiên được biên soạn cho đến nay đã trải qua hơn ba chục năm. Trong thời gian đó những công trình biên mục trước đây đã phát huy được tác dụng rất quan trọng trong công tác nghiên cứu văn khắc Hán Nôm nói riêng và khoa học xã hội nói chung. Nhưng cùng với sự phát triển của khoa học nói chung và của ngành Hán Nôm nói riêng, đã xuất hiện những nhu cầu mới về cải tiến chất lượng nội dung biên mục, cũng như việc cập nhật những thành quả sưu tầm và nghiên cứu mới trong những năm vừa qua. Bộ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam lần này của chúng tôi được biên soạn chính là để đáp ứng những đòi hỏi khách quan đó.

Bộ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam là một bộ phận thuộc chương trình hợp tác nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu văn khắc Hán Nôm Việt Nam được triển khai bởi Viện Nghiên cứu Hán Nôm với sự phối hợp của Viện Viễn Đông Bác Cổ và Trường Cao học thực hành (Cộng hòa Pháp), bao gồm ba hạng mục lớn: Tổng tập ảnh thác bản, Thư lục thác bảnCơ sở dữ liệu tin học về văn khắc Hán Nôm. Riêng bộ Thư mục này, công trình chủ trương giới thiệu mục lục đầy đủ đối với toàn bộ thác bản văn khắc Hán Nôm hiện đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bao gồm hai bộ phận thác bản do E.F.E.O sưu tầm trước đây và thác bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm trong những năm vừa qua. Với tổng số thác bản được xử lý lên đến trên 5 vạn bản, nên Thư mục sẽ được cơ cấu thành nhiều tập (ước khoảng hơn 20 tập, kể cả các tập Sách dẫn). Do tính chất của một công trình hợp tác, qui mô đồ sộ của bộ Thư mục và vai trò đóng góp của những thành viên tham gia, công trình được hình thành với cơ cấu tổ chức như sau:

1. Ban chỉ đạo công trình: Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên - Phillippe Papin

2. Chủ biên: Trịnh Khắc Mạnh

3. Ban hiệu duyệt: Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên

4. Ban thư ký: Phạm Thị Vinh - Nguyễn Hữu Mùi - Vũ Thị Mai Anh

5. Ban biên soạn: Vũ Lan Anh, Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Văn Nguyên, Đinh Khắc Thuân, Đào Thái Tôn, Phạm Thị Vinh

Trong quá trình biên soạn Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, chúng tôi đã tham khảo các công trình thư mục văn khắc trước đây. Đầu tiên phải kể đến Thư mục văn bia Việt Nam với sự tham gia của các vị Thái Văn Liễn, Nguyễn Thúc Linh, Trần Duy Vôn, Nguyễn Thị An Tâm, Đỗ Thị Hảo, Nguyễn Kim Hưng, Cao Hữu Lạng, Ngô Thế Long, Dương Thái Minh, Nguyễn Cẩm Thúy và Nguyễn Thị Thanh Xuân, v.v... do cụ Bùi Thanh Ba chỉ đạo. Tiếp đó là Thư mục văn bia giản lượcvới sự tham gia của các vị Hoàng Giáp, Ngô Thế Long, Lê Việt Nga, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Ngân, Dương Thị The, Phạm Thị Thoa, Nguyễn Huy Thức, Nguyễn Hữu Tưởng, Nguyễn Công Việt và Phạm Thị Vinh, v,v... do Hoàng Lê chủ biên. Nhóm công trình xin được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới các học giả và đồng nghiệp đã làm nên những bộ thư mục nêu trên.

Trên tinh thần tiếp thu và kế thừa có chọn lọc thành quả của những người đi trước, đồng thời có phát triển và cập nhật những thông tin tri thức mới của khoa học, Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam giới thiệu lần này được biên soạn theo thể thức hoàn toàn mới cả về hình thức và nội dung.

Trước hết, đúng như tên gọi của nó, bộ Thư mục này lấy thác bản làm đối tượng nghiên cứu miêu tả. Loại hình văn bản đặc biệt này tuy vẫn thường được coi như tương đương với nguyên bản văn khắc, nhưng từ nhiều khía cạnh, giữa chúng vẫn có sự không trùng khớp hoàn toàn với nhau. Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi đã chú trọng thông tin đầy đủ hơn những yếu tố văn bản học của thác bản như địa điểm sưu tầm, hình thức thác bản, vấn đề niên đại trên thác bản, thác bản bị trùng bản... Đặc biệt là về mặt nội dung văn khắc, bộ Thư mục này đã cố gắng cung cấp cho người đọc tối đa những thông tin liên quan của văn khắc, trong đó có nhiều chi tiết mới hoặc được bổ sung cụ thể hơn mà các bộ thư mục trước đây còn bỏ ngỏ, như những thông tin về địa danh xuất xứ văn khắc, lai lịch của tác giả và những người hình thành văn bản, vấn đề chữ húy trên văn bản, phân loại chủ đề văn khắc v.v... Những cải tiến và bổ sung này của bộ Thư mục thác bản văn khắc Hán nôm, bạn đọc có thể tìm hiểu rõ thêm trong phần Phàm lệ dưới đây hoặc thể nghiệm ngay trong nội dung biên mục của bộ sách.

Trong quá trình biên soạn Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ban Điều hành Dự án Tổng thể của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam), Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Đại học Cộng đồng Pháp ngữ (AUF), Viện Viễn đông Bác cổ (Cộng hoà Pháp) tại Hà Nội, Trường Cao học thực hành Pari (Cộng hòa Pháp); từ đáy lòng mình, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành.

Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam là một bộ sách công cụ có qui mô đồ sộ và phức tạp, trong quá trình biên soạn thực sự gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã cố gắng ở mức cao nhất, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Mong được độc giả chỉ giáo và lượng thứ. Xin chân thành cảm ơn.

Chú thích:

[1]. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên): Nxb. KHXH, H. 1992.

[2]. Viện Văn học, Nxb. KHXH. H. 1977 - 1978 - 1989.

[3]. Ban Hán Nôm, Nxb. KHXH. H. 1978.

[4]. Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao Lạng Sơn, 1993.

[5]. Đinh Khắc Thuân: Nxb. KHXH. H . 1996.

[6]. Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao Hà Tây, 1993.

[7]. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và E.F.E.O, Pari, 1999.

[8]. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Đại học Trung Chính (Đài Loan), Đài Bắc 2002

[9]. Đỗ Văn Ninh: Nxb. VHTT. H. 2000.

[10]. Ngô Đức Thọ (chủ biên): H. 2002

[11]. Trịnh Khắc Mạnh: Nxb. Giáo dục, H. 2006

[12]. Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên - Phillippe Papin (Ban chỉ đạo công trình), Nxb. VHTT. H. 2005 - 2007.

[13]. Hoàng Xuân Hãn: Nxb. Sông Nhị, H. 1948.

[14]. Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. KHXH. H. 2007. 

TRỊNH KHẮC MẠNH


VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM  - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 844. 38573194 - Fax: 844 38570940
Email:
vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS.Nguyễn Tuấn Cường
Lượt truy cập: