Chi tiết | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
2. Sách tục lệ trong kho sách Viện NCHN
Qua hai bảng thống kê trên chúng ta thấy trong thư viện Viện NCHN có khoảng 700 đầu sách HƯ, mỗi đầu sách đó lại có từ 1 đến 9 văn bản HƯ. Ngoài ra chúng ta còn thấy một số điều lệ còn được chép trong địa bạ, gia phả, thần phả. Chúng tôi chưa có điều kiện tổng kết số văn bản HƯ này. Sách HƯ còn được lưu trữ tại thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội (VTTKHXH). Theo thống kê, VTTKHXH có đến 1225 văn bản mang ký hiệu từ Hưn1 đến Hưn 1225(2). Ngoài ra các thư viện viện Văn học, viện sử học thuộc Trung tâm KHXH, Thư viện Quốc gia và một số địa phương cũng có các bản HƯ được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Ngoài ra HƯ được viết trên giấy như đã trình bày trên, chúng tôi còn thấy một số làng khắc HƯ lệ đá, gỗ, đồng như bia: - “Bản thôn tạo thạch bi ký”. No.1939(3) năm Quang Trung 5 (1792) ở văn chỉ xã Thuỵ Hương huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên. - “Tân điện bi minh” No.7605 – 7606(4) năm Cảnh Hưng 41 (1780) ở đình Ngũ Xã xá Vụ Nông huyện An Dương tỉnh Kiến An... II. Về niên đại: Qua các văn bản HƯ đã tiếp xúc được, chúng tôi thấy phần lớn số văn bản này được lập vào thời Nguyễn, một số ít được viết thời Lê Trung Hưng. Văn bản được viết khá sớm là "Mộ Trạch xã cựu khoán"(5) (MTXCK). Đây là bản khoán ước của xã Mộ Trạch huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương được lập vào năm Cảnh Trị (1665) gồm 30 điều. Sau đó vào năm Vĩnh Trị 4 ( 1679) Chính hoà 6 (1685), Vĩnh Thịnh 13 (1717), Bảo Thái 3 (1722), Cảnh Hưng 30 (1769) …. Được bổ sung thêm một số điều lệ cho cập nhật. Phần sau có sao chép bản lý đoán lập ngày 29 tháng 1 năm Dương Hoà 7 (1641) do nha môn huyện Đường An phán sử vụ kiện giữa hai xã Nhữ Xá và Mộ Trạch. Cuối cùng xã Mộ Trạch thắng kiện. Sau đến bản "Quốc Oai phủ Đan Phượng huyện Dương Liễu, Quế Dương, Mậu Hoà đẳng xã tục lệ"(6) (DQMTL) lập khoán ước vào các năm CảnhTrị 4 (1666), Cảnh Trị 5 (1667) Chính Hoà 12 (1691), Vĩnh Hựu 5 (1739)… Nhưng cũng như các văn bản thời Lê khác hầu như đều được sao lại vào thời Nguyễn sau này như bản MTXCK được sao lại năm Bảo Đại 6 (1931), bản DQMTL không ghi sao lại năm nào, song trong sách này còn được sao chép Hư lập vào năm Gia Long 7 (1808), Gia Long 8 (1809)… III Nội dung Do đặc điểm của Hư là những quyđịnh luật tục của rieng từng địa phương từng làng nên về nội dung của các bản HƯ cũng đa dạng và phong phú: Từ việc tế lễ thờ cúng cho đến việc khuyến học khuyến nông, việc ma chay hiếu hỷ, việc khao vong sử phạt… Trong bài viết này còn ít được đề cập tới. 1. Việc thờ cúng: Tuy rằng việc sắp xếp các điều lệ ở mỗi làng thôn xã có khác nhau, làng thì xếp lệ khuyến học lên trước tiên, làng coi sử phạt là quan trọng, xong phần lớn thì việc thờ cúng luôn đặt lên hàng đầu. Đây là tâm linh người Việt mong muốn gia đình, làng xóm luôn đựơc bình yên. Vậy nên hầu như làng nào cũng có đình chùa hoặc đền miếu để thờ thần cúng phật, nhà nào cũng có bàn thờ cúng gia tiên. Điểm qua trong năm hầu như tháng nào cũng có lễ tiết : 15 tháng giêng lễ Thượng nguyên, tháng 2 xuân tế , tháng 3 cầu phúc, tháng 4 cầu an, tháng 5 tiết Đoan ngọ, lễ hạ đền, tháng 7 lễ thượng điền, tháng 11 lễ Phật đản, tháng 12 lễ tất niên. Ngoài các lễ tiết trên ra mỗi địa phương, làng quê lại thờ Thành hoàng riêng của làng mình. Các tuần tiết nhiều như vậy nếu không có những quy định cụ thể sẽ dẫn đến những cuộc đón rước linh đình, những buổi lên đồng nhảm nhí, không những ảnh hưởng đến sản xuất mà còn phương hại đến đời sống của dân. Để tránh những hủ tục đó, bản HƯ xã Đề Kiều phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh được viết bằng chữ Nôm quy định "Dân làng có đình chùa để thờ thần phật, các tư gia có nhà thờ gia tiên. Ngày rằm mồng một thì đình, chùa lễ thần phật. Ngày kỵ lạp các tư gia có nhà thờ gia tiên. Việc thờ tự trong dân chỉ được như thế mà thôi. Còn như điện tĩnh phù phép, đồng cốt quàng xiên thì tịnh cấm. Nếu ai không theo dân khoán thì phải phạt"(7). Như vậy đủ thấy ông cha ta coi trọng thờ cúng không phải mê tín dị đoan mà là để tưởng nhớ những người có công với làng xóm, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, nó được ăn sâu vào từng con người, từng làng xóm. Đó là nét khá tiến bộ mà không phải làng quê nào cũng có được. 2. An ninh trật tự làng xã Muốn làng xã trên thuận dưới hoà việc giữ gìn an ninh trật tự làng xóm phải luôn được coi trọng. Ngoài việc lập các điếm canh, bầu các đội tuần phu để canh phòng trong làng, ngoài đồng, làng còn đặt ra các điều lệ cho dân thực hiện và các lệ riêng cho các tầng lớp quan viên thi hành, đặt ra các lệ thưởng phạt nghiêm minh để tránh các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong làng xóm. a. Quan viên phải biết dựa vào dân Xã hội nào cũng vậy, ở nơi nào cũng thế, muốn dân thực hiện lệ làng luật nước, người lãnh đạo phải biết dựa vào dân, phải được dân tin tưởng, đấy là điều khá tiến bộ được thể hiện trong bản HƯ xã Bích Đào tổng Yên Phong huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình: "Phải lấy dân làm gốc, từ nay về sau người nào bị ức hiếp việc gì phải báo cho dân xã biết để dân xem xét. Nếu người ức hiếp đó cố tình kháng cự lại đơn tố cáo không kể đúng sai, nếu là viên chức thì viên chức đó bị giáng xuống ngồi dưới hàng hộ. Nếu là hạng hộ thì suốt đời và cả con cháu sau này không được ứng vọng. Viên chức đó không được làm việc gì, không được ngồi cùng dân, nếu có họp bàn việc làng viên chức nào ngồi cùng với tên đó thì người đó phải phạt 3 quan, hộ hạng nào ngồi cùng tên đó phạt đánh 30 roi"(8). b. Chống tham nhũng Để tránh hiện tượng tham nhũng, các bậc quan viên chức sắc xã Cát Trù tổng Điêu Lương huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ đã quy định: "Lý tưởng đi thi hành công vụ, phàm có công văn trát sức phải đem trình dân xã. Mỗi lần đi chi hết bao nhiêu tiền phải kê khai rõ ràng minh bạch, không được che giấu. Và những cuộc hội họp, việc gì cần đến rượu, gạo, xã dân đồng ý mới được chi. Chi hết bao nhiêu phải có chữ ký của kỳ mục làm bằng chứng"(9). c. Khen thưởng, xử phạt Trong mỗi bản HƯ hầu như đều có lệ xử phạt và ở mỗi địa phương cũng quy định mức phạt khác nhau. Nơi thì phạt tiền gạo như xã Nhuận Ốc huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình quy định: "Bản xã cùng nhau uống rượu cốt để trên dưới hoà mục, không được ầm ỹ thất lễ. Nếu kẻ nào mượn rượu trên lăng mạ dưới, dưới khinh mạn trên thì phải chịu phạt. Về mức phạt chia làm ba hạng, nặng nhất phạt 3 quan 8 mạch, hạng thứ phạt 1 quan 3 mạch, nhẹ phạt 6 mạch. Khi tế tự hoặc hội họp thường lệ, không kể binh hộ, viên nào dám ngồi cùng tên ấy cũng bị phạt như vậy, kẻ nào chống lại cũng bị phạt. Kẻ nào ở dưới dám thất lễ thì tuỳ nặng nhẹ đánh roi làm răn"(10). Nơi thì quy định nghiêm ngặt đối với bọn trộm cắp. Xã Mộ Trạch huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương quy định: "Người nào tụ tập đồ đảng trộm cướp bắt được đích danh phạt 50 quan. Ban đêm trộm cắp của cải trong nhà bắt được quả tang phạt 30 quan, trộm cắp hoa màu ngoài đồng phạt 10 quan. Ban ngày trộm cắp của cải trong nhà phạt 10 quan, trộm hoa màu ngoài đồng phạt 5 quan. Người trông thấy đi báo thì thu tiền của kẻ ăn trộm để thưởng. Kẻ mắc tội nặng thì thu 2 quan, nhẹ thì 1 quan để thưởng cho người tố giác. Người trông thấy mà không báo, phạt cũng như vậy"(11). Trại Mật Như huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình không những phạt tiền đánh roi mà còn truất bỏ ngôi thứ, thu lại ruộng đất, đuổi ra khỏi làng: "Người nào trong trại quen thói trộm cắp, bắt được quả tang đem ra đình đánh 100 roi để làm răn, nếu lại tiếp tục trộm cắp phạt 10 quan, truất bỏ ngôi thứ. Nếu vẫn quen thói trộm cắp như trước thì thu lại ruộng đất đuổi ra khỏi trại để nghiêm phong tục trong dân"(12). Việc xử phạt không kể quan viên hay thường dân, ai có tội đều bị phạt để thể hiện tính công bằng trong làng xã, ấp Tốn Đạo tổng Quy Hậu huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình quy định xử phạt bọn hút thuốc phiện: "Điều thứ nhất, viên chức nào hút thuốc phiện bắt nộp khoán 6 quan, đinh nam bắt phạt 3 quan, đánh 30 roi để làm răn. Điều thứ hai, viên chức người nào hút thuốc phiện bắt được lần thứ 2 bắt nộp khoán 15 quan, đinh nam bắt phạt 6 quan đánh 50 roi để làm răn"(13). Để nâng cao trách nhiệm gia đình đối với con cháu, trách nhiệm giữa con người với con người sống trong cộng đồng, ấp đó còn quy định không chỉ phạt kẻ có tội mà còn phạt đến cả người thân: "Cha mẹ biết con hút thuốc phiện mà không tố giác bắt nộp khoán 6 quan, còn anh em họ hàng biết mà không tố giác bản ấp tuỳ họ xa gần mà liệu bắt phạt 2 quan hoặc 3 quan. Người trong ấp biết mà không tố giác phạt 3 quan 2 mạch(14). Cũng như phạt, thưởng cũng được phân nhiều mức khác nhau, có thể thưởng tiền thưởng gạo, cũng có thể thưởng cho con cháu làm Nhiêu nam. Trại Mật Như huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình quy định: "Trong trại nếu có trộm cướp, người nào đánh nhau với bọn cướp mà bắt được cướp thì thưởng 10 quan tiền. Người nào không may bị chết cấp 30 quan, cho một người con làm Nhiêu nam. Người nào bị thương nặng thì cấp 20 quan, miễn sưu dịch 10 năm. Người bị thương nhẹ cấp 10 quan..."(15). 3. Khuyến học Việc khuyến khích học tập được nhiều địa phương quan tâm, nơi thì dựng văn chỉ rước đức thánh Khổng tử về thờ, cầu mong cho con cháu trong làng có nhiều người đỗ đạt, nơi thì đặt ruộng học để khuyến khích con em đến trường. Mỗi nơi, mỗi địa phương đều có cách thức riêng của mình, song đều một mục đích mong cho con em trong làng có nhiều người thi đỗ làm quan. Xã An Dưỡng tổng Điêu Lương huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ quy định: "Người nào đỗ đại khoa toàn dân tề chỉnh cờ tán đi rước về. Sau khi làm lễ yết thần, toàn dân mừng 200 đồng bạc, 1 buồng cau, 1 đôi câu đối. Tất cả các tiết thờ thần toàn dân đều có kính biếu. Về ngôi thứ ngồi trong đình thì được ngồi chiếu thứ nhất để trọng khoa mục, để làm đẹp phong hoá. Trại Mật Như tổng Tự Tân huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình thì quy định: "Bản trại đặt một mẫu ruộng học. Người nào trong trại đến tuổi đi học đem trầu cau đến tường trình xin đi học sẽ được miễn sưu sai tạp dịch. Nếu người nào mượn cớ đi học mà lại làm ruộng thì lại phải chịu sai dịch". Xã Nhuận Ốc cùng huyện lại khuyến học bằng cách tìm thày giỏi về dạy cho con em: "Bản xã đặt 5 mẫu ruộng học không kể binh, dân, hộ, hạng, người nào đón được thày giỏi hoặc cử nhân hoặc tú tài về dạy học trò thì giao cho 3 mẫu trong số ruộng đó để làm, còn 2 mẫu cứ đầu tháng 3 toàn xã tập hợp kiểm tra. Người nào xếp hạng ưu thưởng 2 sào để canh tác trong 1 năm, người nào trúng cách phân cho giấy bút theo thứ bậc khác nhau"(16) Xã Tử Vĩ trổng Chi Nê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh khuyến khích con gái đi học, điều này thật hiếm thấy trong xã hội cũ: "Tất cả các gia đình trong làng có con gái từ 7 - 8 tuổi đều cho đến trường học tập quốc ngữ, toán pháp, nữ công nữ tắc, mỗi năm duyệt xét 1 lần, cháu nào tinh thông, theo lệ định thưởng 1 đạo chứng chỉ tốt nghiệp hương học trong đó có Tiên chỉ xét duyệt, Lý trưởng đóng dấu và 1 khăn lụa màu hồng để khuyến khích"(17). 4. Khuyến nông Nước ta là một nước nông nghiệp, việc đắp đê chống lũ, đào mương giữ nước luôn được coi trọng. Trong các bản HƯ của mỗi làng quê đều có những quy định khác nhau, song tựu chung vẫn là để bảo vệ ruộng đồng chăm lo đời sống của dân. Điều lệ xã An Tập tổng Phú Khê huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ quy định: "Hàng năm bản xã chứa nước khuyến nông, ở nơi nào khi cần mở thì mở, khi cần đóng thì đóng. Nếu người nào tháo nước bắt cá khiến đồng ruộng khô cạn không cày cấy được bản xã bắt phạt 10 quan tiền đánh 30 roi, người bắt được kẻ tháo trộm nước được thưởng 1 quan 3 mạch"(18). Còn xã Điêu Lương tổng Điêu Lương cùng huyện lại quy định: "Tất cả các bờ khuyến nông nước còn chảy không được dắt trâu bò đi qua. Nếu người nào không tuân theo bắt phạt 30 quan tiền. Hoặc người nào tháo nước bắt cá bắt phạt 10 quan"(19). Xã Tử Vi tổng Chi Nê huyện Tiên Du phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh quy định cụ thể hơn, không chỉ bắt phạt người nào tháo nước mà còn bắt phạt cả tuần phu tội thiếu tinh thần trách nhiệm: "Dân trong xã sống chủ yếu vào nghề nông. Vào vụ cày cấy nên giữ nước để thuận lợi cho công việc nhà nông. Nếu người nào muốn bắt cá mà tháo trộm nước, bản xã bắt được hoặc điều tra ra. Người không phải tuần phu phạt 15 quan thanh tiền, người tuần phu chiểu theo điều không cẩn thận để hết nước phạt 10 đồng bạc. Nếu kẻ nào tham lam cố tình tháo nước dẫn đến nước đồng khô kiệt, bản xã trình lên quan trên nghiêm trị và phạt tuần phu 2 đồmg bạc để răn kẻ tuần tra không cẩn thận"(20). Đường khuyến nông không chỉ bảo vệ mà còn phải luôn được tu bổ. Xã Đại Từ cùng tổng đã quy định: "Các đường khuyến nông trong xã tất phải chăm lo tu bổ. Hàng năm vào đầu xuân đắp đường 1 lần. Chỗ thấp thì đắp cho cao, chỗ hẹp thì đắp cho rộng sao cho chân đường rộng 6 thước, mặt đường rộng 3 thước, mặt đường phải bằng phẳng. Nếu người nào tham làm muốn cho ruộng rộng ra mà lấn vào đường thì bị phạt. Hàng năng cứ đến ngày 16 tháng giêng bản xã khám đạc lại. Nếu người nào phạm phải thì phạt chủ ruộng ấy 3 quan thanh tiền"(21). ấp Phát Diệm tổng Tự Tân huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình quy hẳn trách nhiệm trông nom đường xá cầu cống cho tuần phu: "Đường trong xã và các đường ngang ngõ tắt, nếu vỡ từ 3 tầm trở lên cứ bắt tuần phu đắp lại. Còn đường dẫn nước, giao cho tuần phu tuỳ tiện tháo mở để trợ giúp công việc nhà nông. Nếu tuần phu lười nhác để đường xá vỡ lở nhiều bắt phạt 3 quan tiền cho nghiêm phong tục"(22). 5. Môi trường Vấn đề môi trường được nhân dân ta quan tâm từ lâu, chỉ có điều khi ấy chúng ta chưa có các nhà máy, xí nghiệp nên môi trường chỉ được đặt ra ở từng làng xóm. Trong điều 76, bản "hương ước các làng"(23) được viết bằng chữ Nôm có quy định: "Không ai được vứt phế thải ra đường, ai phạm phải điều cấm đó thì Hội đồng phạt 1 hào". Điều 77 quy định: "Các giếng nước ăn phải tìm cách giữ gìn cho thật trong sạch, những phí tổn cho việc sửa giếng trích tiền công để chi". Điều 80 còn quy định thêm: "Cấm không được làm chuồng lợn hay chuồng trâu ở bên cạnh hồ ao"... Trên đây là những suy nghĩ còn rất sơ lược của chúng tôi về mảng di văn viết về HƯ với hy vọng rằgn mảng di văn này được dịch ra sẽ là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi nghiên cứu về tổ chức làng xã Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử và phần nào giúp cho các địa phương tham khảo chắt lọc những mặt tích cực của HƯ cổ, để xây dựng hương ước riêng cho làng xã mình. Sách tham khảo 1. Thư mục Hương ước Việt Nam, Hà Nội, 1994 2. Hương ước và quản lý làng xã. Nxb. KHXH, 1998. Chú thích: 1.. Xem Nguyễn Thị Phượng - Giới thiệu kho sách Tục lệ Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1998. 2. Xem Thư mục Hương ước Việt Nam. Viện Thông tin KHXH năm 1994 3, 4. Thư viện Viện NCHN. 5. Thư viện Viện NCHN VHv.1215. 6. Thư viện Viện NCHN A.2855. 7. Thư viện Viện NCHN AF a8/5 8. Thư viện Viện NCHN AF A4/12 9. Thư viện Viện NCHN AF a12/1 10. Thư viện Viện NCHN AF a4/31 11. Sđd VHv. 1215 12 Thư viện Viện NCHN AF a4/29 13. Thư viện Viện NCHN AF a4/27 14. Thư viện Viện NCHN AF a4/27 15. Thư viện Viện NCHN AF a4/31 16. Thư viện Viện NCHN AF a4/31. 17. Thư viện Viện NCHN AF a8/1. 18. Thư viện Viện NCHN AF a12/2. 19. Thư viện Viện NCHN AF a12/1. 20. Thư viện Viện NCHN AF a8/1. 21. Thư viện Viện NCHN AF a8/1. 22. Thư viện Viện NCHN AF a4/29. 23. Thư viện Viện NCHN AB.344. Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.597-618
|
![]() |