MAI VIÊN ĐOÀN TRIỂN VÀ AN NAM PHONG TỤC SÁCHNGUYỄN TÔ LANĐHKHXH & NV, Hà Nội Đoàn Triển (1854 – 1919), tên thuở nhỏ là Trọng Vinh, sau đổi thành Triển, tự Doãn Thành, hiệu Mai Viên là con trai thứ tư của Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm Đốc học Đoàn Trọng Huyên (Đoàn Huyên)(1). Ông sinh ngày 19 tháng 4 năm Giáp Dần, niên hiệu Tự Đức 7 (1854), người làng Hữu Châu, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức 28 (1875) ông được bổ làm Ấm sinh của tỉnh Hà Đông, giữ chức Quản đoàn huyện Thanh Oai sau sung Bang biện huyện vụ huyện Thanh Oai. Ông đỗ Cử nhân Ân khoa Bính Tuất năm Đồng Khánh 1 (1886) khi 33 tuổi. Năm 36 tuổi ông được bổ Tư vụ rồi Chủ sự, Viên ngoại Nha Kinh lược Bắc Kì. Sau đó ông lần lượt đảm nhiệm các chức: Tri phủ Bình Giang (1894), Kinh Môn (1896), Nam Sách, Ninh Giang (1898), Án sát Hà Nội (1902) rồi thăng Tuần phủ Ninh Bình (1903), Tuần phủ toà Hà Nội (1906), Tuần phủ Hà Nam (1908), Tuần phủ sung Tuyên phủ sứ Bắc Giang sau chuyển vào làm việc tại Tu thư cục phủ Thống sứ lĩnh Tổng đốc Bắc Ninh(2), Nam Định. Năm 1914 ông về hưu, hàm Thái tử thiếu bảo, Hiệp tá đại học sĩ. Ông mất ngày 12 tháng 07 năm Kỉ Mùi (15 – 08 – 1919), thọ 66 tuổi, được an táng tại sinh phần riêng do chính ông thiết kế tại làng Hữu Thanh Oai. Trước tác của ông hiện còn khá nhiều(3) :An Nam phong tục sách. Mai Viên chủ nhân quy điền lục (4). Đoàn Tuần phủ công độc (5). Nhi tôn tất độc (6). Ông có một số sáng tác chép trong các sách: Quan liêu phong tặng đối liên, Thuý Sơn thi tập, Văn tuyển đối liên, Chư đề mặc v.v... Biên tập và viết lời tựa các sách: Ứng Khê văn tập, Ứng Khê văn tuyển(7), viết tựa cho Trung học Việt sử toán yếu (Trung học Việt sử toát yếu giáo khoa). Đoàn Triển tham gia biên tập các sách: Nam quốc địa dư ấu học giáo khoa thư, Chính trị sự lược giáo khoa thư (trong sách Chư dư tạp biên), Tiểu học tứ thư tiết lược, Ấu học Hán tự tân thư, duyệt sách: Việt sử tân ước toàn biên (Đại Việt sử ước). Ngoài ra, ông còn có thơ đề ở quán Trấn Vũ(8), soạn bi văn nhà học xã Hữu Hoà(9) và chùa Quang Lâm (Thanh Trì, Hà Nội), cùng các chức sắc trong làng Hữu Châu viết Hữu Châu tân lệ(10), viết một số câu đối trên đàn tổ họ Đoàn và sinh phần của mình v.v... Chúng tôi nhận thấy, trong trước tác hiện còn của Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách là một tư liệu đáng chú ý để tìm hiểu phong tục, tập quán của người Việt. Một mặt, góp phần giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, mặt khác thể hiện tinh thần gạn đục khơi trong, tiếp thu những nét đẹp trong phong tục dân tộc để thích nghi với xã hội biến chuyển không ngừng. Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về tình hình văn bản tác phẩm này. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu giữ được 2 bản An Nam phong tục sách. Bản A. 153, chữ Hán, viết trên nền giấy dó loại tốt, khổ 32 x 23 cm, bìa phủ dầu sơn bóng màu cánh gián, gáy phết cậy đen, dày 88 trang. Mỗi trang trung bình 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ. Chữ chép chân phương, đều đặn từ đầu đến cuối, có một số ít chữ viết tục thể, viết tắt, trình bày thoáng, rõ ràng, có chấm câu, có dấu kiểm hiệu của E.F.E.O. Tờ đầu tiên ghi: Duy Tân, Mậu Thân, nhị niên (Năm thứ hai niên hiệu Duy Tân, Mậu Thân, tức năm 1908). An Nam phong tục sách, Bính Tuất khoa Cử nhân, Hàn lâm viện Trực học sĩ, lĩnh Hà Nam tỉnh Tuần phủ, Mai Viên Đoàn Triển trước (Cử nhân khoa Bính Tuất – năm 1886, Hàn Lâm viện Trực học sĩ, lĩnh Tuần phủ Hà Nam là Mai Viên Đoàn Triển trước tác). Tờ thứ hai, dòng đầu tiên chép: Tiểu học phong tục sách, Mai Viên chủ nhân biên tập, sau đó là mục lục và nội dung sách. Tờ cuối sách chép: Tiểu học phong tục sách chung (Tiểu học phong tục sách hết). Bản A. 2665, chữ Hán, giấy bản, dày, thô, khổ 17x16cm, dày 100 trang. Đây là bản do cụ Vũ Hữu sao lại vào tháng 8 năm thứ 10, Dân chủ cộng hoà (1954). Chữ chép khá rõ ràng, đều đặn từ đầu đến cuối, chấm câu bằng bút đỏ. Theo hiệu đính năm 1964 thì sai so với bản chính là 30 chữ (đã sửa chữa). Sau khi đối chiếu, chúng tôi cho rằng bản này sao lại từ bản A.153. Ngoài ra, thư viện E.F.E.O Paris hiện lưu trữ sách Tiểu học bản quốc phong tục sách, kí hiệu BN. A.45 vietnamien (77 trang, 28,5 x 16cm, chữ Hán). Theo lược thuật trong Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu(11) chúng tôi nhận thấy nội dung của sách này và nội dung của An Nam phong tục sách là tương đồng. Có lẽ đây chỉ là một tác phẩm. Qua quá trình tìm hiểu như trên, chúng tôi nhận thấy văn bản của An Nam phong tục sách không có gì phức tạp. Sai khác giữa bản A. 153 và A. 2665 không nhiều và đã được sửa chữa, vấn đề tác giả và niên đại là rõ ràng. Song vấn đề đặt ra ở đây lại là tên sách. Tác phẩm có tên chính thức là An Nam phong tục sách nhưng mục lục sách, tác giả lại ghi là Tiểu học phong tục sách và còn có một bản chép là Tiểu học bản quốc phong tục sách. Điều này dễ làm người đọc hiểu là có ba bản sách với ba nội dung khác nhau. Chúng tôi cho rằng: Việc một tác phẩm có nhiều tên là hiện tượng vẫn thường thấy trong các tác phẩm Hán Nôm. Có thể tác giả viết sách này dưới mô hình của một sách giáo khoa thường thức xã hội. Đoàn Triển là một trong những người biên soạn sách giáo khoa theo nội dung mới, cho chương trình đào tạo mới có sự can thiệp của nhà ước Bảo hộ. Tuy An Nam phong tục sách không phải là một cuốn sách nằm trong chương trình của nhà nước, như khi viết Đoàn Triển dưới ảnh hưởng của tư duy soạn thảo sách giáo khoa đã xác định đối tượng của sách là những người ở bậc tiểu học(12). Về nội dung, sách chia làm 72 mục riêng biệt, chúng tôi tạm xếp thành 2 nhóm. Qua việc trình bày thứ tự các mục chúng tôi nhận thấy trong quá trình viết sách tác giả cũng đã có ý phân biệt rõ hai phần.Nhóm 1 gồm 11 mục ghi những phong tục các tiết cơ bản trong năm: Nguyên đán nhất, Nguyên đán nhị, Nguyên đán tam, Nguyên đán tứ, Nguyên đán ngũ, Nguyên đán lục, Nguyên đán thất, Hàn thực tiết, Trung nguyên tiết, trung thu tiết, Trùng thập tiết. Nhóm 2 từ mục 12 đến hết, ghi lại phong tục, tập quán trong đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân: Miếu đình, Phật tự, Văn từ văn chỉ, Công quán, Thần hiệu, Sự thần, Kỳ phúc nhập tịch, Hương ẩm, Vị thứ, Khoán ước, Giao hảo, Khao vọng, Kính nghĩa, Phổ khuyến, Quy y, Hương dịch, Kỳ mục, Chuyên quyết hương dịch (sự), Tuần đinh, Đặc phu, Từ đường, Phụng tiên nhất, Phụng tiên nhị, Kỵ nhật, Thanh đồng, Vu cổ, Phù thuỷ, Phù kê, Mại bốc, Giá thú, Giá thú nhị, Nạp thê, Sinh tử, Nhập học, Học nghiệp, Đăng khoa, Bổ quan, Hạ thọ, Tang sự nhất, Tang sự nhị, Tang sự tam, Tang sự tứ, Khốc tang, Cát táng, Kỵ hậu, Khánh điếu, Nghi tân, Hiệu mệnh, Tư cấp, Phụ nhân, Tính tình, Phù lưu, Sỉ phát, Cụ soạn, Nông lịch, Chiêm nghiệm, Cấm kỵ, Tuyển trạch, Phương thuật. Ở mỗi mục, tác giả ghi lại những nét cơ bản nhất của phong tục Việt nhưng vẫn rất đầy đủ. Tuỳ theo tính chất của đề mục mà viết dài hay ngắn, tỷ mỉ, kĩ lưỡng hay sơ lược. Như mục Công quán: “Công quán là một ngôi ba gian, năm gian, làm bằng tre hoặc gỗ, gọi là quán hoặc là điếm. Quán ở trong làng là chỗ hội họp, nơi canh phòng, quán ngoài làng là nơi nghỉ ngơi của nông dân đi làm đồng. Quán do dân xây dựng hoặc do tư nhân bỏ tiền của ra xây lấy phúc. Quán là nơi công ích”. Mỗi mục chia làm hai phần. Phần trước giải thích đề mục, giới thiệu sơ lược về nội dung của mục đó, các phong tục và khái niệm liên quan. Phần sau tác giả nêu nhận xét của mình, điểm khả thủ hay những điều cần bỏ, cần tránh. Ví như cùng về tiết Nguyên đán, tác giả lần lượt trình bày qua 7 mục các nội dung: Thế nào là tết Nguyên đán, việc sửa sang, bày sắm lễ vật, lễ bái, bắt tay thử việc, thù ứng, du xuân. Cuối mục Nguyên đán 7, tác giả nêu nhận xét: “Xét về tết Nguyên đán, các nước đều có, không thể thiếu được. Nhưng chỉ có ở nước ta việc cúng tế kéo dài đến bốn năm ngày thật quá là phiền toái. Vả lại, vàng hương, câu đối, pháo đốt v.v... đều là những thứ từ Trung Quốc đưa sang, lãng phí rất nhiều. Những thứ đó, cũng có người cầu lợi bắt chước mà làm ra bán, quả thật chẳng có chút khôn ngoan. Đến như tệ cờ bạc lại càng đáng răn. Thiết nghĩ, hai ngày tất niên và nguyên đán, người ta vui chơi cũng đủ lắm rồi, từ mồng hai trở đi có thể đình lại hoặc giảm bớt. Đến như việc mua sắm đồ dùng ngày tết bằng hàng ngoại quốc, chỉ tổ làm cho nguồn lợi của mình chạy đến tay người ngoài. Vậy nên, thay đổi phong tục này đi cũng chẳng có hại gì.” Qua 72 mục chúng ta có được một số hình dung như sau: Tác giả đề cập đến hầu hết những phong tục cơ bản nhất, thường gặp và gắn bó nhất với đời sống thường ngày của nhân dân. Nhưng đến thời của tác giả một số phong tục đã mất đi ý nghĩa ban đầu. Bên cạnh đó, nhiều khái niệm cơ bản đã phần nào bị quên lãng hoặc bị hiểu sai. Phong tục được phản ánh trong sách là phong tục sinh động của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX. Giai đoạn của cái mới chưa đến mà cái cũ đã dần bị lãng quên. Những nhận xét sắc sảo của tác giả về cái hay cái dở, cái nên giữ, nên bỏ của phong tục nước ta thể hiện tư tưởng tiên tiến một nhà nho không nệ cổ. Ông đề cao thực chất mà không bị câu thúc bởi hình thức, cốt ở ý nghĩa chứ không vụ vào bề ngoài. Tác giả gửi gắm mong muốn gìn giữ lấy những điều tốt đẹp, loại bỏ hủ tục để phong tục nước ta ngày càng thuần hậu. Âu cũng là một cách thể hiện tấm lòng với đất nước, với nhân dân. Do viết cho người học ở bậc tiểu học nên tác phẩm có văn phong giản dị, không đi vào tầm chương trích cú, chú trọng lấy những ví dụ trực quan sinh động trong đời sống hàng ngày. Các mục được trình bày mạch lạc có lớp lang, dễ tiếp thu. Trong quá trình dịch An Nam phong tục sách chúng tôi tham khảo một cuốn sách phong tục hiện vẫn đang được lưu hành rộng rãi - Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính(13), Chúng tôi nhận thấy nội dung hai tác phẩm – một viết bằng chữ Hán, một viết bằng quốc ngữ này giống nhau ở nhiều điểm. Có 37/72 tên đề mục giống nhau. Giống hoàn toàn như các mục: Kỵ nhật, Văn từ văn chỉ, Hương ẩm, Khao vọng, Khách điếu, Tuần đinh, Đạc phu, hoặc giống một phần như: Phụng tiên (An Nam phong tục sách) và Phụng sự tổ tông (Việt Nam phong tục) v.v... Cách trình bày vấn đề ở hai quyển giống nhau ở chỗ trước tiên nêu phong tục, sau đó nêu nhận xét của tác giả. Những quan điểm về phong tục như: tránh xa xỉ, chừng mực trong sinh hoạt, đề cao điều lễ, chống mê tín dị đoan v.v... là những tư tưởng chung thể hiện trong hai tác phẩm. Hơn nữa, nhiều đoạn trong hai tác phẩm là tương đồng. Mục Công quán của Việt Nam phong tục chép: “Công quán làm năm ba gian, hoặc lợp ngói, xây gạch, hoặc làm bằng tre nứa, ban đêm thì làm nơi tuần phu canh giờ, ban ngày thì làm nơi dân làng có việc gì hội họp, hoặc để người ta làm chỗ đi lại, nghỉ ngơi”. Phan Kế Bính (1875 – 1921) và Đoàn Triển là người cùng thời, đều xuất thân từ nho học mà tiếp xúc với những tư tưởng mới. Tuy một người ra làm quan cho triều đình, một người đỗ Cử nhân Hán học rồi hưởng ứng phong trào Duy Tân, gắn bó với nghiệp báo, nghiệp văn suốt đời nhưng họ đều cùng là những danh sĩ đất Thăng Long. Họ dùng cây bút của mình, qua những trang sách bày tỏ quan điểm cũng như tấm lòng với đất nước. Trước tác của họ những ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau với xã hội. Từ những cảm nhận trên, chúng tôi cho rằng có thể một trong hai tác giả đã có điều kiện tiếp xúc, tham khảo tác phẩm của người kia.Chú thích: Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.273-281
|