NGUYỄN HÀNH VÀ TẬP QUAN ĐÔNG HẢI Nguyễn Ngọc Nhuận Viện Nghiên cứu Hán Nôm Gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền cho biết Thi hào Nguyễn Du có một người cháu ruột là Nguyễn Hành. Nguyễn Du và Nguyễn Hành là hai trong số năm nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ, còn gọi là “An Nam ngũ tuyệt”. Từ năm 1962 khi biên soạn cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam, các ông Trần Văn Giáp, Tạ Phong Châu, Nguyễn Tường Phượng(1)... đã xác định: “Nguyễn Hành là người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là cháu Nguyễn Khản, đậu Tiến sĩ đời Lê. Không biết ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông có tiếng hay chữ, văn chương có tư tưởng ưu thời mẫn thế và nhớ nhà Lê. Tác phẩm có: Quan hải tập; Minh quyên tập; Thiên địa nhân vật sự ký. Sau đó, năm 1984 trong bộ Từ điển văn học của Nxb. Khoa học Xã hội in tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã cho biết khá đầy đủ về cuộc đời cũng như sự nghiệp của Nguyễn Hành: Ông sinh năm 1771 mất năm 1824, “tên là Đạm, tự là Tử Kính, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu Ngọ Nam hay Nhật Nam. Là con của Nguyễn Điều, cháu Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, gọi đại thi hào Nguyễn Du là chú ruột, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh... Về sáng tác ông còn để lại tập thơ là Quan Đông Hải (A.1530) và Minh Quyên thi tập, (VHv.109), tất cả đều viết bằng chữ Hán...”(2). Văn bản tập Quan Đông Hải: Quan Đông Hải là di thảo của Nguyễn Hành. Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 3 bản viết tay, mang ký hiệu A.1530, Vhv.1444, Vhv.81. Bản ký hiệu: Vhv.81 có tự đề là: Quan Hải Đông. “Quan Hải Đông” nghĩa là: Ngắm miền Hải Đông. Chúng ta có thể xem lại có phải Quan Hải Đông là một cái tên khác của tập di thảo do Nguyễn Hành đặt không? “Hải Đông” là tên một phủ vùng duyên hải phía Bắc, tương đương với tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Thời Nguyễn Hành, vùng này được gọi là Phủ Hải Đông, đến đời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) đổi làm phủ Hải Ninh(3). Xét tiểu sử và những sự kiện liên quan trong cuộc đời Nguyễn Hành, thì vùng đất Hải Đông rất xa lạ với ông. Có lẽ người sao chép đã ghi nhầm tên tác phẩm của Nguyễn Hành là Quan Đông Hải thành Quan Hải Đông. Cũng vì thế, đến các ông Trần Văn Giáp, Tạ Phong Châu... đã ghi là Quan Hải tập. Xét về nội dung của 3 văn bản A.1530, VHv.1444, VHv.81, người ta có thể thấy được chúng tương tự nhau, có lẽ chúng được chép ra từ một bản gốc. Quan Đông Hải không chỉ là một tập thơ, xen kẽ thơ còn có những bài tựa như: Vô ẩn lục tự, Lạc sinh tâm đắc tập tự... Những bài bạt như: Đẩu số thư bạt, Nghệ An phong thổ ký bạt... Những bài ký như: Đồng xuân ngẫu ký, Nam song ký... hay những bài phú như: Loạn thế độc thư cao phú, Đạo ngộ Bái công phú... “Quan Đông Hải” có nghĩa là: Ngắm biển Đông. Mỗi còn người đứng trước biển, đều cảm nhận được sự kỳ vĩ của biển cả; từ đó họ suy ngẫm về xã hội, về “bản ngã” của mình. Họ tìm đến được giới hạn của điều đúng sai, phải trái. Ở đây, với tác phẩm Quan Đông Hải, chúng ta có thể tìm hiểu được Nguyễn Hành ở nhiều góc độ tình cảm tư tưởng khác nhau. Là một nhà nho, mang nặng tấm lòng hoài cổ, trong tâm thức Nguyễn Hành luôn hướng về nhà Lê. Ông cho rằng: “sinh chẳng gặp thời, trôi giạt theo chiều gió”. Bài thơ đầu tiên trong tập Quan Đông Hải, Nguyễn Hành đã bày tỏ tâm sự của mình như vậy: Phiên âm: Nghĩ cổ nhất thủ Cô phượng minh trung thiên, Âm hưởng nhất hà bi, Phù vân tiền trí từ. Vấn ngã nhất hà chi? Đan huyệt hàm tinh đức, ngũ sắc sinh quang huy. Thương tai! Thời bất đáng. Phiêu bạc tùy phong phi, Hải thủy hạo mang mang. Giai nhân đắc sở y... Dịch nghĩa: Bài thơ bắt chước lối cổ Chim phượng lẻ kêu lưng trời. Tiếng kêu nghe sao mà buồn thảm thế! Một đám mây bay vật vờ, đến trước mặt hỏi ta: bây giờ đi đâu? Có sẵn tinh hoa của nơi Đan huyệt, Đủ năm màu văn vẻ rực rỡ(4). Xót thay sinh chẳng gặp thời, Trôi giạt bay theo chiều gió. Bể cả rộng mênh mông. Khách giai nhân đã có chỗ nương tựa... Trong một bài thơ, bài dẫn khác viết về “Thúy Ái phu nhân”, tác giả đã hết lời ca ngợi vợ chồng Quản tiền trạch đội Ngô công. Chồng là viên tướng của triều Lê Cảnh Hưng, đã tử trận vì chống lại quân Tây Sơn; còn phu nhân vì chồng mà tự vẫn để giữ danh tiết: Tướng quân năng tử quốc, Thiếp diệc tử tướng quân. Dịch nghĩa: Tướng quân vì nước hy sinh, Thiếp cũng xin chết vì tướng quân. Với những suy nghĩ trên, có thể thấy được phần nào sự hạn chế, bảo thủ trong tư tưởng Nguyễn Hành. Song với tác phẩm Quan Đông Hải từ khía cạnh khác, chúng ta lại thấy Nguyễn Hành là một người có chí khí; mang hoài bão lớn lao. Cũng trong bài: Nghĩ cổ nhất thủ ông viết: Phiên âm: ... Đăng cao lâm tứ hoang, Du du hữu hà tư. Đại bằng lung vũ trụ; Sích án tập phiên ly. Thần long hảo biến hóa, Ngư miết du ô trì. Vạn vật các hữu tính, Triết nhân quí phát huy. Siêu nhiên tâm tự lạc, Thử ngoại thùy khả vi? Dịch nghĩa: ... Trèo lên cao nhìn ra bốn cõi, Lòng nghĩ xa xôi vời vợi. Chim đại bàng lây trời đất làm cái lồng(5) Loài ri sẻ đậu ở phên giậu. Con rồng thiêng biến hóa thần kỳ, Giống cá ba ba sống trong ao nhỏ. Muôn vật, loài nào có tính riêng của loài ấy, Người hiền triết quí ở chỗ biết thời cơ mà hành động. Vượt lên mọi tầm thường lòng tự thấy vui. Ngoài ra còn ai biết làm gì hơn nữa. Hoài bão đó được Nguyễn Hành thể hiện trong các bài thơ khác, như 29 bài ca ngợi liệt nữ, trong đó ông đặc biệt đề cao Hai Bà Trưng, Bà Triệu đã lãnh đạo quân dân ta, vùng dậy đánh đuổi bọn phong kiến phương Bắc, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Phiên âm: Lưỡng Trưng Trưng gia nhị nữ bất trì tàm, Báo cừu nhật dạ tâm như đàm. Thừa cơ nhất cử trục Hán sứ; Hô hấp chi gian cứ Lĩnh Nam. Tự thị ngô bang khí nhất biến, Âm thừa dương khí nữ vi nam. Hậu thiên bát quái Ly đương Ngọ, Ly vi trung nữ vi qua đàm. Tiền Trưng hậu Triệu đương kỳ hội, Nhị bách niên gian tác giả tam, Hát giang giang đầu di miếu tại, Vạn cổ huân cao tủng uất lam, Nữ trung tài tính hữu như thử, Túc sử bỉ nọa vân phong tàm. Dịch nghĩa: Hai Bà Trưng. Hai cô con gái nhà họ Trưng, không làm nghề nuôi tằm. Lòng lo việc báo thù ngày đêm như nung nấu. Thừa cơ vùng dậy đuổi thái thú nhà Hán, Trong khoảng chốc lát lấy lại cõi Lĩnh Nam. Từ đấy phong khí nước ta thay đổi khác. Khí âm vượt lên khí dương, con gái như con trai. Theo Dịch hậu thiên thì quẻ Ly ở vào giờ Ngọ, Ly lại tượng trưng người con gái là ngọn dáo sắc. Trước có họ Trưng, sau có họ Triệu gặp vận hội ấy. Trong khoảng 200 năm có 3 người có 3 người nổi dậy. Một tòa miếu còn sừng sững trên bờ sông Hát giang, Muôn thuở vẫn khói hương nghi ngút. Trong giới nữ lưu mà có bậc tài trí như thế. Khiến bọn con trai ươn hèn, lười biếng nghe phong thanh mà tự thẹn. Lần lượt qua những trang viết trong Quan Đông Hải, chúng ta đọc và tìm thấy những nét đẹp trong thơ, văn của ông. Có lẽ không nhà thơ tài hoa nào là không đến với thiên nhiên, đắm mình trong thiên nhiên, viết những vần thơ ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên. Nguyễn Hành cũng vậy, trong một loạt bài viết về: Đàm nguyệt (Trăng trong đầm), Đàm sơn (Đầm, núi), Đàm thu (Cảnh thu trên đầm), Đàm cổ (Đầm xưa), ông đã thể hiện phong cách của riêng mình. Trong bài: Đàm nguyệt. Đàm trung hữu minh nguyệt, Nguyệt trung hữu thanh đàm. Thượng hạ kính giao chiếu, Đàm nguyệt câu thành lam. Cao cao bất khả ấp, Thâm thâm bất khả tham. Du nhiên ngộ chân cơ, Dục biện dĩ vong đàm. Dịch nghĩa: Trăng trong đầm. Trong đầm có mặt trăng sáng, Trong ánh trăng sáng có đầm nước trong. Một tấm gương soi chung, Cùng với đầm nước và mặt trăng thành bộ ba. Trăng cao vòi vọi không thể với tới được, Đầm sâu thăm thẳm không thể thăm dò được. Lâng lâng giác ngộ cơ màu của chân lý, vừa toan đem tả cho rõ ràng thì đã quên không biết nói gì. Trong bài: Đàm thu Trạm trạm nhất đàm thủy, Tứ thời cảnh tượng thu. Tĩnh quan minh nguyệt tại, Động kiến bích vân phù. Các các oa minh oán, Tiêu tiêu thủy lạc sầu. Khán tiền gian khả vịnh, Duy khiếm nhất ngư châu. Dịch nghĩa: Cảnh thu trên đầm. Một đầm nước trong veo, Cảnh tượng bố mùa lúc nào cũng như thu cả. Tĩnh thì có mặt trăng sáng, động thì có mây biếc trôi. Ếch i uôm kêu oán. Nước róc rách gợi sầu. Cảnh trước mắt đều có thơ vịnh, Chỉ thiếu một con thuyên ngư ông. Viết về phong cảnh đất nước, quê hương, Nguyễn Hành đã hòa tan vào thiên nhiên những suy ngẫm, tâm sự của mình. Như bài: Sơn hành. Hành hành độ nhất sơn, Hốt phục quá nhất khê. Lộ hiểm nhân hãn đáo, Sơn không điểu cô đề. Phi tuyền hà liệt liệt, Thu mộc uất thê thê. Bạch vân sơ khởi xứ, Khả vì hàn sĩ thê. Dịch nghĩa: Đi trong núi. Đi, đi mãi, vượt qua một ngọn núi, Chợt lại qua một dòng khe. Đường hiểm, ít người qua lại, Núi vắng tiếng chim lẻ loi. Suối sườn non vừa trong, vừa lạnh, Cây mùa thu vẫn xanh tốt um tùm. Nơi có mây trắng vừa bay lên, Có thể là nhà người hàn sĩ. Quả là như một bức tranh thủy mặc, trong thơ có họa, trong họa ẩn tình. Đâu đây thơ Nguyễn Hành còn vang lên âm hưởng của tiếng nước triều dồn dập, tiếng chuông chùa gọi tỉnh giấc mộng đời người. Trong bài: Huyền Thiên quán thần chung. Hoán tỉnh trần hiêu nhất mộng trung, Thử thanh thùy khiển xuất thành đông. Tự lai tự khứ mạc tu vấn, Phi nhĩ phi tâm hà tất cùng. Tính tướng như như an dụng định, Thiền cơ liễu liễu bất tri không. Quy lai thử ý chân điền tả, Thâm dạ triều âm đáo khách song. Dịch nghĩa: Tiếng chuông sớm ở quán Huyền Thiên. Gọi tỉnh giấc mộng, trong đám bụi hồng huyên náo, Ai đưa tiếng chuông ấy vẳng ra phía đông thành? Tiếng tự đến rồi tự bẵng đi, chẳng cần hỏi nữa. Tai không để ý nghe, lòng không để ý nghĩ: cần chi phải xét cho cùng, Tính vốn tự nhiên, việc gì phải định nữa. Cơ màu của đạo Thiền, hiểu làu làu rồi, chẳng biết là không. Trở về đem ý ấy ra mà bổ sung thêm mãi vào, Đêm đã khuya, dồn dập như tiếng thủy triều đưa đến cửa sổ của người khách. Sự trống vắng, đơn lẻ của lữ khách trên đường đời cũng được ông nhắc lại trong bài: “Bắc thành lữ hoài”. Phiên âm: Ngã diệc hà vi giả? Tịch liêu lai thử thành, Nhãn trung vô cố vật, Tâm thượng hữu dư tình. Quế ngọc quan hoài trọng. Văn chương sách giá khinh. Tích niên quí công tử, Kim dã lão thư sinh. Dịch nghĩa: Ở trọ Bắc thành Ta định làm gì đây? Thui thủi đến thành này. Mắt nhìn không có gì quen thuộc, Ý nghĩa cứ vấn vương không cùng, Gạo châu củi quế, rất đáng quan tâm. Giá trị văn chương lại không được mấy tý, Năm xưa là một quí công tử, Mà ngày nay đã là một anh đồ già! Thơ văn Nguyễn Hành viết về thiên nhiên, về con người có nhiều bài mang ý nghĩa triết lý sâu xa về cuộc đời, như bài Quan thủy (xem dòng nước). Đứng trước dòng nước ông nghĩ đến sự vô tận, sự vận động không ngừng của muôn vật. Phiên âm: Ưởng nhiên nhất thái hư, Chí doanh hoàn hữu chỉ. Kỳ cơ diệu bất trắc, Tức thử hoặc tiêu bỉ. Vạn vật tư thổ sinh, Ký sinh hoàn phục tử. Thổ bất vi doanh khuy, Nan cùng giả nhược thị. Thủy động tắc vi ba, Ba tĩnh phục vi thủy. Nhất động nhất tĩnh gian, Hà chung diệc hà thủy. Dịch nghĩa: Mênh mông một không gian vô tận, Đến lúc thực đầy rồi cũng ngừng lại. Cơ mầu nhiệm không thể lường được, Cái này sinh ra thì cái kia tan biến đi. Muôn vật nhờ ở đất mà sinh ra. Sinh ra rồi lại chết đi. Đất vẫn không vì thế mà đầy thêm hay bớt đi; Cái lẽ khôn cùng là thế đấy. Nước động thì thành sóng, Sóng yên lại là nước. Trong khoảng một lần động một lần tĩnh ấy, Biết điều nào sau, điều nào trước... Về ý nghĩa của từ “Đồng xuân” cũng được Nguyễn Hành hiểu đúng đắn và cặn kẽ. Ông giải thích ý đó trong bài Đồng Xuân ngụ ký (Bài ký khi ở nhà trọ phường Đồng Xuân): Thân với người thân mà nhân với dân; nhân với dân mà yêu các loài vật, sao cho trong khoảng trời đất này không vật nào không được yên nơi yên chốn, đó là cái nghĩa “Đồng xuân”... (Thân nhân nhi nhân nhân, nhân nhân nhi ái vật, xử thiên địa chi gian vô nhất vật bất an kỳ sở, thử đạt tại thượng giả chi đồng xuân dã). Những nhận xét trên, được đúc rút ra từ kinh nghiệm sống của ông. Và cũng rất gần với sự quan tâm của con người ngày nay - Con người trên hành tinh này, ngày càng chú ý bảo vệ môi trường sống của mình cũng như của muôn loài. Người xưa quan niệm “văn dĩ tải đạo”, đến nay khi đọc thơ văn của Nguyễn Hành, chúng ta cảm nhận rõ “vị đạo” trong từng câu thơ, văn của ông. Trong bài Trị nộ châm nhất thủ (Bài châm trị cái giận), chất “đạo” trong văn được mang màu sắc triết lý, để tự răn cũng như để người đọc cùng chiêm nghiệm. Phiên âm: Hỏa sinh vu mộc, hỏa phát tất khắc. Khí sinh vu thân, bất thiện vi tặc. Phù nộ hỏa dã, nhi nhẫn vi thủy. Nhẫn tắc tĩnh hĩ, tĩnh tắc nhẫn hĩ. Phàm vật chi lai, huyễn dĩ ứng chi. Ứng vô sở loạn, tự nhiên thoái tán... Dịch nghĩa: Lửa do gỗ sinh ra, nhưng nếu lửa cháy thì tất diệt gỗ. Khí sinh ở trong thân người ta, nhưng nếu là khí xấu thì lại là giặc của thân ta. Ôi! Giận ví như lửa, mà nhịn ví như nước; Nhịn là tĩnh, tĩnh thì nhịn được. Phàm sự việc gì đến, ta cứ ứng phó như không có gì. Ứng phó mà không rối loạn, thì sự việc phải tự nhiên lui, mà tan đi. Trong nhiều bài khác, chúng ta còn nhận thấy vị “đạo” bàng bạc khắp câu thơ, văn của Nguyễn Hành, như: Quán viên nhất thủ (Tưới vườn), Giáo nhất thủ (Dạy), Mãnh hổ hành (Bài hành về con hổ dữ)... Mỗi con người là “một thế giới thu nhỏ”. Đọc tác phẩm Quan Đông Hải, chúng ta hiểu thêm được một tâm hồn kẻ sĩ. Ông sống trong giai đoạn xã hội đầy tao loạn, cảnh đời đầy sự trớ trêu, Nguyễn Hành muốn đi tới cùng cũng không được, muốn ở ẩn cũng không xong. Bởi thế ông đã gửi tâm sự trong những trang thơ văn và hằng mong người đời phần nào hiểu, thông cảm với mình. Từ trong tâm thức, Nguyễn Hành khát khao làm được điều gì có ích cho đời, như ông từng viết trong câu kết của bài: Kê minh phú (Phú gà gáy): “Phượng hoàng cao bay, Hạc đỗ nơi xa thẳm, đàn sắt đàn cầm, tiếng chuông tiếng trống, vui mà không dâm. Thức tỉnh người đời, răn đe thói tục, trọng ở tiếng vang dài. Ta nghĩ người xưa, thực thấy thoải mái trong lòng”. Đó cũng là khát vọng của kẻ sĩ xưa nay!. Chú thích: 1. Lược truyện các tác gia Việt Nam. Nxb. Sử học, Viện sử học. Hà Nội, 1962, Trần Văn Giáp chủ biên. 2. Từ điển văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984. 3. Theo Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994. 4. Theo Sơn hải kinh: Trên núi Đan Huyệt có nhiều vàng ngọc, sông Đan Huyệt phát nguyên từ núi ấy chẩy ra bể Bột Hải, ở đấy có một loại chim, lông năm sắc rất rực rỡ, gọi là chim phượng hoàng. 5. Theo Nam Hoa Kinh của Trang Tử, địa bằng là loại chim lớn, lưng chim bằng không biết dài đến mấy nghìn dặm, khi bay lên, thì hai cánh rộng như đám mây ở bên trời. Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.305-316)
|