¨ THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC là Hội nghị thường niên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhằm thông tin các hoạt động của ngành Hán Nôm trên lĩnh vực SƯU TẦM, BẢO QUẢN, NGHIÊN CỨU KHAI THÁC tư liệu thư tịch Hán Nôm và một vài lĩnh vực khác có liên quan, được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Đến nay, đã qua hơn 10 kì Hội nghị, kể từ lần thứ nhất vào năm 1995.

 Ảnh minh họa

Hơn 10 Hội nghị đã quy tụ về đây hầu hết các Nhà giáo, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các nhà nghiên cứu đang công tác trong ngành Hán Nôm và một số ngành có liên quan, từ những người đầu tóc bạc phơ cho đến các bạn sinh viên đang còn trên ghế nhà trường từ khắp nơi trong cả nước. Một số người đang học tập và công tác ở nước ngoài cũng nhiệt tình gửi bài tham luận cho Hội nghị, mang đến Hội nghị muôn màu sắc bằng hàng trăm bài viết tâm huyết về tất cả các lĩnh vực có liên quan đến công tác Hán Nôm.

Tham luận gửi đến các kì Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề sau đây:

1/ Thông báo, giới thiệu những phát hiện mới trong các công tác sưu tầm các tư liệu Hán Nôm hiện còn nằm rải rác ở các địa phương, trong các kho tư liệu trong cả nước và cả ở những thư viện ngoài nước;

2/ Giới thiệu các tác gia, tác phẩm Hán Nôm và tư liệu về các nhân vật lịch sử đem đến nhiều thông tin mới, bổ ích góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về các lĩnh vực này; cung cấp những tư liệu Hán Nôm có giá trị khi nghiên cứu những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhưloại hình văn khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, thư tịch, gia phả, thần phả, hoành phi, câu đối.

3/ Thông tin những kết quả nghiên cứu lý luận bổ sung cho tri thức cơ bản của ngành Hán Nôm và các ngành khoa học liên quan, đặt vấn đề trao đổi kiến thức tạo nên bầu không khí học thuật sôi nổi và lành mạnh. Đó là các là các bài viết công phu về văn bản học Hán Nôm, Hán Nôm với Sử học, Văn học, Triết học, với Y dược học cổ truyền... ngay cả lĩnh vực ứng dụng tin học Hán Nôm còn rất mới mẻ cũng được đề cập đến trong các Hội nghị.

Có thể nói, với hàng ngàn bài viết đề cập đến hết thảy mọi lĩnh vực của ngành Hán Nôm, đã góp phần rất to lớn cho công tác sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khai thác tư liệu thư tịch Hán Nôm và đào tạo đội ngũ có chuyên môn ngày càng cao cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói riêng và ngành Hán Nôm Việt Nam nói chung. Hội nghị không chỉ là tiếng nói riêng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà còn là tiếng nói chung của tất cả những ai yêu mến di sản Hán Nôm.

Sau mỗi Hội nghị, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thấy cần phải tập hợp các bài viết và biên tập lại, có bài để nguyên toàn bộ, có bài tóm lược và tiến hành in ấn xuất bản thành một tập kỷ yếu lấy tên là THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC.

Do số lượng in ấn không nhiều, đại lý phát hành it, lại không có chi phí cho công tác thông tin quảng cáo, nên rất nhiều bạn đọc quan tâm, nhưng đã không thể tiếp cận được tới các số THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC do Viện phát hành, hoặc có trong tay nhưng không đầy đủ, trọn vẹn. Vì lý do đó, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày nay ở nước ta đã khá phát triển, nên chúng tôi thấy rằng cần đưa toàn bộ nội dung của các kì Hội nghị Thông báo Hán Nôm học lên Website của Viện, để phục vụ bạn đọc xa gần yêu thích công tác Hán Nôm tìm đọc trên mạng internet. Đây là việc làm phi lợi nhuận của Viện, những mong thêm nhiều bạn đọc yêu thích Hán Nôm, quan tâm nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành Hán Nôm, cùng nhau chung sức giữ gìn và phát huy vốn di sản quý giá này, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Do các bài viết trong các số THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC có tính độc lập cao, không chú trọng đến những tranh luận có tính kế tiếp từ số này sang số khác, nên chúng tôi sẽ đưa lên Website các số Thông báo Hán Nôm học không theo thứ tự lần lượt trước sau, mà tùy theo tình hình thực tiễn và điều kiện nhất định, có thể đưa số mới trước, số cũ sau, nhưng sẽ đưa toàn bộ thông tin, không cắt xén của từng số để bạn đọc có thể theo dõi được trọn vẹn.

Để đọc các thông tin bài viết trong các số, bạn đọc có thể vào phần THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC trên Website, rồi chọn mục Năm, trong mục này sẽ hiển thị đầy đủ tiêu đề bài viết, kích chuột vào tiêu đề, bài viết sẽ được mở. Trong bài viết có thông tin: Tên bài, Tác giả, chức danh và nơi công tác, phần cuối cùng bài viết là xuất xứ và số trang được đăng trong THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC, để tiện cho việc sử dụng hoặc dẫn giải khi cần.

Ngoài ra, trong phần THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC còn có mục TÁC GIẢ, tên tác giả được xếp vào các vần ABC để bạn đọc tiện tra cứu hoặc tìm đến các tác giả mà mình quan tâm yêu thích.

Phần TỔNG MỤC LỤC TIẾNG VIỆT bao gồm toàn bộ các bài viết của tất cả số THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC hàng năm được sắp xếp theo thứ tự ABC. Phần này sẽ có đến cả ngàn bài, nên sẽ hiển thị 100 bài một để bạn đọc tiện theo dõi.

Việc đưa toàn bộ nội dung thông tin các kỷ yếu HỘI NGHỊ THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC hàng năm lên internet, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là những bài viết có nhiều hình ảnh, và đặc biệt là có quá nhiều chữ Nôm - một loại chữ tượng hình mà cho đến nay vẫn chưa thể có được một bộ font chữ Nôm có khả năng hiển thị được tất cả chữ Nôm hiện có. Nên chúng tôi phải chuyển những chữ Nôm sang dạng ảnh, để bạn đọc không cần cài đặt font chữ Nôm vẫn có thể đọc được.

Trong quá trình triển khai, chắc chắn khó tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được những ý kiến chỉ bảo của quý bạn đọc xa gần.

Xin chân thành cảm ơn và kính chúc Quý vị hài lòng khi vào phần THÔNG BÁO HÁN NÔM HỌC trên Website của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM - VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 84 24. 38573194 - Fax: 84 24 38570940
Email:vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: PGS.TS.Nguyễn Tuấn Cường
Lượt truy cập: